Thứ Hai, 9 tháng 2, 2009
Ông Phạm Thanh Bình tuyên bố chiến lược phát triển đóng tàu không thay đổi !
Chiến lược phát triển lâu dài của VINASHIN sẽ không thay đổi
Cập nhật: 9-2-2009 Ngọc Doanh Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, có những ý kiến bày tỏ sự quan ngại về sức cạnh tranh của các tập đoàn kinh tế nhà nước, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (VINASHIN). Để làm rõ luồng ý kiến này, phóng viên Báo Đầu tư đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Tập đoàn VINASHIN.
Ông Phạm Thanh Bình
Trước đây, VINASHIN dự kiến vay một khoản tín dụng lên tới 4 tỷ USD (bao gồm cả vay ngoài nước, phát hành trái phiếu, vay vốn trong nước) để phục vụ mục tiêu phát triển của Tập đoàn. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến mục tiêu này khó thành hiện thực, thưa ông?
Phần vốn vay đó được dùng đầu tư cho công nghiệp đóng tàu và các ngành công nghiệp phụ trợ, như chế tạo thép đóng tàu, động cơ thuỷ cũng như các trang thiết bị cho tàu thuỷ để tỷ lệ nội địa hoá các sản phẩm của VINASHIN lên mức 60 – 70%. Mục tiêu của việc huy động là giúp Tập đoàn chủ động hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trước đây, chúng tôi đã huy động gần 2 tỷ USD, nên mặc dù việc huy động vốn gặp những khó khăn nhất định khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra từ năm 2008, chúng tôi cũng đã đầu tư được nhiều cơ sở cần thiết nhất. Sau đó, được sự chấp thuận của Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Tập đoàn đã có được cơ chế để phát hành trái phiếu, nên đã phát hành thêm được 800 tỷ đồng, hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục vay và phát hành trái phiếu ra nước ngoài.
Những thay đổi của thị trường tài chính thế giới sẽ có ảnh hưởng tới công việc phát hành trái phiếu ra nước ngoài, nhưng với sự bảo lãnh của Chính phủ, khả năng huy động sẽ khả thi.
Liệu VINASHIN có phải điều chỉnh chiến lược phát triển không?
Với những điều kiện như tôi đã nêu trên, chiến lược phát triển lâu dài của VINASHIN sẽ không thay đổi, có nghĩa là chúng tôi sẽ đảm bảo khả năng đóng được 4-5 triệu tấn tàu, với tỷ lệ nội địa hoá 60-70%. Tuy nhiên, sẽ có những điều chỉnh cục bộ, các dự án sẽ được tiến hành đầu tư theo cấp độ cần thiết để “giữ vững đội ngũ”. Cùng với sự điều chỉnh về chiến lược phát triển, tỷ lệ tăng trưởng 57% của năm 2008 sẽ được điều chỉnh xuống mức 20-30% cho năm 2009.
Năm 2008, VINASHIN đạt khoản lợi nhuận là 500 tỷ đồng. Có những cách tính khác nhau về hiệu quả đầu tư của VINASHIN, trong đó có ý kiến cho rằng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các ông chỉ đạt ở mức 0,5%. Ông thấy ý kiến trên như thế nào?
Các tài liệu chính thức của chúng tôi cho thấy, lợi nhuận trước thuế năm 2008 của VINASHIN là 970 tỷ đồng, trong khi đó vốn chủ sở hữu tính đến ngày 31/12/2008 là 7.000 tỷ đồng, trong đó giá trị thương hiệu là 1.600 tỷ đồng. Các số liệu trên cho thấy, nhận định tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 0,5% là thiếu chính xác.
Đà suy giảm kinh tế thế giới sẽ khiến các hợp đồng đóng tàu giảm và những hợp đồng đã ký kết có khả năng bị đổ bể...
Điều này là chính xác, bản thân các chủ tàu và các ngân hàng bảo lãnh cho họ gặp khó khăn, trong đó có những chủ tàu đã ký hợp đồng đóng tàu với VINASHIN bị phá sản khi khủng hoảng xảy ra.
Điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới VINASHIN như thế nào?
Tới nay, có khoảng ít hơn 20% số hợp đồng được ký kết với VINASHIN bị huỷ, một số hợp đồng bị điều chỉnh lùi thời hạn nhận tàu. Nhưng những hợp đồng còn giá trị thực hiện vẫn đảm bảo cho VINASHIN thực hiện đến hết năm 2011.
Được biết, chỉ có 22% sản phẩm của VINASHIN được xuất khẩu. Với quy mô nhỏ của ngành vận tải biển Việt Nam, thị trường trong nước sẽ rất nhanh bão hoà?
Số liệu 22% xuất khẩu được căn cứ vào kim ngạch xuất khẩu và tổng doanh thu của chúng tôi. Cách tính này là sai, vì doanh thu từ đóng tàu chỉ chiếm 60% tổng doanh thu của chúng tôi, phần còn lại là sản lượng của ngành công nghiệp phụ trợ. Vì vậy, với 700 triệu USD giá trị xuất khẩu của năm 2008, chiếm 50% sản lượng đóng tàu của VINASHIN là 22.000 tỷ đồng.
VINASHIN có chiến lược gì khi phải cạnh tranh với các hãng đóng tàu có quy mô lớn và trình độ cao hơn của các cường quốc đóng tàu như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc khi tham gia xuất khẩu sản phẩm của mình ra thị trường thế giới?
Cần phải thấy rằng, các nhà máy của VINASHIN mới đầu tư, nên sở hữu công nghệ tiên tiến. Với giá nhân công rẻ hơn, sản phẩm tàu của VINASHIN ngang mức về chất lượng với các hãng của nước ngoài và có lợi thế về giá thành.
Tuy nhiên, ngay sau khi xảy ra khủng hoảng, các hãng đóng tàu của Hàn Quốc, Trung Quốc nhận được sự hỗ trợ về vốn, về lãi suất và nguồn hàng từ phía Chính phủ, nên với sự khác biệt về cơ chế đó, từ chỗ có ưu thế, bất ngờ phần bất lợi nghiêng về VINASHIN. Nếu chúng tôi có được một cơ chế hỗ trợ tương tự từ phía Chính phủ, tôi tin rằng, thế cân bằng đã được VINASHIN tạo dựng sẽ được tái lập.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét