Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

Chuyển kể của lính hải quân

GẶP GỠ MÙA GIÓ CHƯỚNG 

Chúng tôi gặp gỡ với hai anh vào một đêm Hà Nội không nóng nhưng oi ả, mặc dù mới tháng ba. Ngày mai sẽ có một buổi vinh danh những người cha, người chú của hai anh và câu chuyện về những vị anh hùng từ thời chống Pháp qua cả một cuộc chiến dài chống Mỹ tôi sẽ xin viết sau. Đã nhiều bài văn bài thơ viết về những vị tướng đó, còn “hổ phụ” có sinh “hổ tử” không thì còn phải xét! Nhưng lứa các anh gần chúng tôi hơn, gần gũi hơn và có thể à ơi cùng nhau về bất cứ chuyện gì. Thế nên cũng lợi dụng đằng sau bữa rượu để hỏi thăm về “thời oanh liệt” của các anh, biết đâu lại có dăm mẩu chuyện đời có ích cho chúng tôi, cho hậu thế…
Anh Sơn nét rất tài tử, dáng dong dỏng cao như vận động viên bóng chuyển, nhìn anh dù tóc đã bạc vẫn khó nghĩ đây là “ông già về hưu” – thoáng nhìn anh đã thấy có bóng dáng của “quân khu Nam Đồng” và “quân khu 38”. Anh Quân lại còn lớn tuổi hơn nữa, nhưng còn đầy tràn năng lượng, tất nhiên ông hải quân và ông không quân này bỏ xa chúng tôi trong việc uống vodka. Mọi người không hỏi đến sự kiện ngày mai về những vị phụ huynh khả kính nữa, mà đều muốn hỏi về những câu chuyện thời “lính bay”. Vậy thì anh kể, tôi nhớ được đến đâu thì nhớ…
-“… Hồi các lứa trước phi công được đi học ở Liên Xô, đến bọn anh đi Bulgary thực tập. Những năm 80 không quân còn đang khó khăn lắm, chả so với bây giờ làm gì nhưng so với những năm 60-70 nhiều viện trợ thì cũng thua xa. Mà kinh tế toàn xã hội đang bế tắc lắm, mới manh nha “đổi mới” thôi. Thời đó đoàn bay 918 sống “tốt” lắm nhờ vào cơ chế thoáng, nhớ ơn đàn anh quá cố Nguyễn Xuân Hiển. Lính lái được kết hợp làm ăn, chở hàng buôn lậu bay rợp trời cả ba nước Đông Dương, nhất là tuyến Campuchia, kỷ lục là có phi công “sáng gieo chiều gặt” được một cây hai, mua ngay “con Cub” dựng trước cửa nhà – đó là ước mơ cả đời của biết bao gia đình rồi. Thời đó đất đai, nhà cửa chả ý nghĩa quái gì, chỉ có “cây, chỉ” là thước đo thôi. Ngày kiếm dăm ba chỉ đối với lính bay thời đó không khó, có những đồng đội mấy tháng chả đi lĩnh lương, lương có vài trăm ngàn bèo bọt quá. Tuy vậy ngoài “đánh quả” ra thì nhiệm vụ chiến đấu vẫn phải thực hiện, và có thể nói lính phi công thời đó lứa bọn anh đã thực hiện với trách nhiệm cao nhất, không chỉ vì là quân nhân mà còn vì là con em những vị tướng năm xưa, đã thấm cái tinh thần ấy từ tấm bé rồi…
Nhiệm vụ chính nhất là phải bay ra các đảo ở biển Đông để trinh sát, tiếp tế. Trung Quốc đã xua tàu bè xuống các dãy đảo nổi của nước ta từ năm 1987 chứ không phải chỉ đến 1988 mới có Gạc Ma đâu. Lực lượng kỹ thuật không quân đã sáng tạo thùng dầu phụ chứa thêm được 1,5 tấn nhiên liệu để An-26 có thể bay gần 6 giờ trên không. Thời đó làm gì có thiết bị hay hệ thống dẫn đường nào, dẫn cho không quân chỉ đến tầm 200 km là tắt ngóm sóng siêu cao tần (“hải quân còn gần hơn vì đài thấp hơn, chỉ 50 km đổ lại – anh Quân bổ sung). Sau đó là bay theo “hướng” tức là bằng trực giác và kinh nghiệm của minh, chọn một hướng bay “thẳng tắp” để bay về phai đảo mình phải tới, trên là trời dưới là biển nước mênh mông. Khó lắm và cũng rất nguy hiểm, bởi nếu chệch choạc thì khả năng hết dầu là rất cao, không những mất máy bay mà cả phi công nếu có thoát chết cũng đừng mong chờ cứu hộ, cứu nạn – thời đó hướng dẫn miệng là phải biết bay ra mà rơi ở đường hàng hải quốc tế thì may ra mới mong được cứu. Anh và các bạn thời đó bay An-26 vận tải, ra để tiếp tế cho quân ta đóng ở trên các đảo – hồi đó làm gì có điều kiện để tăng gia được. Phải “ném” những thứ sau: rau xanh với thư, báo đựng trong 3 lớp bao tải, cái này nhẹ và không nguy hiểm nên được phép ném thẳng rơi trên đảo. An-26 chỉ cho phép bay thấp nhất 150 m, nhưng lính lái thường phải cố gắng bay thấp hơn nữa thì “ném” mới trúng đảo, chỉ huy đành “bật đèn xanh” cho họ làm như vậy, chứ vẫn biết thế là trái với quy tắc an toàn, bọn anh cố đến tối đa rồi mới “ném”. Có những thứ “ném” khó hơn nhiều, chẳng hạn như những lọ huyết thanh (tiếng miền Nam là “chai truyền”), thường đi kèm với các kiện quần áo, dù có gói ghém kiểu gì mà ném lên đảo cũng sẽ vỡ hết, lính lái phải bay thấp nữa, ném sao cho xuống biển nhưng sát đảo nhất có thể, để anh em trên đảo có thể bơi ra mà kéo về - xa quá thì tàu Trung Quốc vây, lại còn dễ bị trôi đi mất. Chính vì phải “ném” nên toan bay ban ngày – ban ngày thì nhìn rõ và ném sẽ chuẩn hơn, tuy vậy địch cũng sẽ nhìn rất rõ máy bay ta. Xác định nếu bị bắn hay trục trặc kỹ thuật xảy ra với máy bay thì phải “lướt” mà về - bay thật thấp để quay lên bờ. Ngoài việc tiếp tế thì những chuyến bay của anh em không quân ra đảo là nguồn động lực rất lớn cho chiến sỹ của mình ngoài đó – thế nên đã “ném” xong đồ rồi các phi công bao giờ cũng cố lượn mấy vòng thật đẹp quanh đảo để chào lính ta bên dưới, hoặc như ở Trường Sa là bay thật sát trên đầu bộ đội ta…

Anh Quân tiếp lời:
-“… Hải quân bọn anh thời đó còn khổ hơn không quân nhiều! Lương thực thực phẩm thiếu thốn, khí tài của Liên Xô thì đến những năm cuối 80 cũng khá là rệu rã rồi, vã trong nước họ còn đang “perestroika” nên việc quốc tế chểnh mảng lắm. Như anh học hải quân Baku về, lên tàu có 4 quả tên lửa hồi đó là đình đám nhất quân chủng rồi. Thường phải đi một chuyến tuần tiễu là 3 tháng, thế mà đợt ấy đi 9 tháng ròng rã – các tàu khác đa số báo trục trặc về kỹ thuật, không đảm bảo khả năng tác chiến, cái thì hỏng máy móc, cái thì vũ khí có vấn đề. Hồi đó không quân ta tuy thế nhưng còn có, chứ Trung Quốc chưa có máy bay xuống được biển Đông, tuy vậy xét hải quân thì chúng hơn ta nhiều, cả về số lượng lẫn trang bị máy móc, khí tài. Sau này Vinashin được nhiều ưu ái một phần cũng với mục đích để đẩy mạnh hải quân – chứ ngày đó Việt Nam mới đóng được tàu lớn nhất là 1000 tấn thôi.
Cũng 30 năm nhìn lại, nên nói thật để đời con cháu hiểu và thông cảm, hải quân hồi đó “đói thối mồm” chứ làm gì được phong lưu như lính bay 918. Chỉ có cách bán bớt ít dầu đi để “cải thiện”, bán để mà sống chứ không phải bán để làm giàu. Vẫn nhớ mãi Minh em ruột mình khi đó tốt nghiệp huy chương vàng ở học viện hải quân Leningrad về, đang là thuyền phó một tàu phóng lôi, cứ tuần nào cũng chèo thuyền mang cá sang bán cho tàu bọn mình. Nó khoe là trên tàu có ông chỉ huy và mấy anh em người làng chài nên đánh bắt giỏi lắm, thừa cá ăn phải đem bán bớt… Sau này mới biết chúng nó bán và đổi dầu lấy cá với ngư dân Việt Nam và các nước khác là chính, chứ tự bắt thì được bao nhiêu!
Hồi 1988 là bọn mình đang lênh đênh như thế đấy, tranh chấp biển Đông là có, căng thẳng lắm, nhưng lúc đầu bọn Trung Quốc dùng chính sách “nhảy dù” – tức là cứ lượn vè vè, rồi có chỗ nào ta sơ sểnh là “đổ bộ” lên chiếm đảo, chứ lúc đầu chúng không có chủ trương dùng vũ khí. Có lẽ ta còn có chủ trương dùng vũ khí trước tiên – mà chính là ở cái tàu với 4 quả tên lửa này của bọn anh, nhận được lệnh trong bờ phát ra, là phải tấn công một tàu khu trục hạm của bọn Trung Quốc, hỏa lực của nó thì vượt trội nhiều so với tàu mình. Tấn công xong, hết tên lửa rồi sẽ đến lượt các tàu phóng lôi như của Minh vào cuộc. Trớ trêu thay hơn một ngày trên tàu ta không thể giải mã được cái lệnh tấn công kia, sau này dịch ra được rồi thì thời cơ đã qua đi mất! Sau này làm rõ thì viên sỹ quan cơ yếu gửi cái lệnh đó bị kỷ luật rất nặng, bởi đã gửi cái điện tín mà ngoài tàu không có khóa mã để giải. Bây giờ nghĩ lại không rõ đó là điều rủi hay may – nếu đọc được lệnh thì ta sẽ nổ súng trước, không biết thế nào còn mình có lẽ đã hy sinh…
Sau 9 tháng lênh đênh ấy lên bờ về căn cứ của bọn mình ở Quảng Ninh, thực ra là hồi đó 2 máy hỏng 1 mới được về, mình chỉ mặt mấy đứa chuyên gia Liên Xô chửi thẳng luôn, trang thiết bị chúng mày thế nào mà trục trặc suốt như thế, thế này thì đánh nhau thật thế quái nào được? Thì chúng nó thanh minh thanh nga, rằng bây giờ bên nước bọn tao cũng đang loạn lạc lắm, rằng cái máy này hỏng phải gửi về nước, thay linh kiện mất mấy chục ngàn đô Mỹ (thời đó thì là món tiền to kinh khủng). Anh tức quá bảo để đấy tao sửa, thế rồi xắn tay áo lên, cứ mò đúng theo sơ đồ mạch điện, chả khác gì thời đó người ta sửa tivi – 3 ngày sau là xong, hóa ra cháy có đúng mỗi cái cầu chì, thay đi là ổn! Bọn Liên Xô sợ quá, van nài anh đừng viết báo cáo tố cáo việc chúng nó ẩu tả, lười lao động… Thế rồi hôm sau khi anh đang đi bộ về Hạ Long để bắt xe về nhà thì thấy lấp ló ở lùm cây ven đường mấy cái đầu… rồi một thằng tây chạy ra, dúi vào tay anh 2 cây thuốc, bảo là cả mấy đứa chúng nó góp lại mới đủ từng ấy, tặng anh đem về nhà đợt đi phép này! Món “hối lộ” tình nghĩa nhất trong đời mà anh đã nhận từ tay các bạn Liên Xô…”

Anh Sơn kể tiếp:
“… Không quân đóng chủ yếu ở Tân Sơn Nhất thế nhưng khi đi “ném đồ tiếp tế” phải bay đi từ Cam Ranh, bởi hải quân là “chủ” – họ tiếp tế đồ của họ cho quân của họ ngoài đảo mà! Và họ cũng “đa nghi” lắm, cứ sợ nếu không bay cùng thì lính lái có thể đổ cho thời tiết hay trục trặc kỹ thuật của máy bay mà quay lại, mất toi một chuyến hàng, nên thường một chuyến phải có 1-2 đại diện hải quân bay cùng, thường là sỹ quan tham mưu. Ngày 16/3/1988 tức là ngay sau khi giặc thảm sát Gạc Ma thì anh là cơ trưởng (lúc đó là phó phi đội trưởng cũng là bí thư chi bộ) nhận nhiệm vụ tiếp tế 5 thùng hàng ra đảo Sinh Tồn. Địch đã nổ súng dã man vào những đồng đội, những người anh em không có vũ khí kháng cự, thì chúng cũng dám bắn hạ máy bay tiếp tế lắm chứ, anh chỉ động viên tinh thần tổ bay: “Không đến được đảo thì không còn mặt mũi nào mà nhìn anh em đâu. Có lấy răng mà cạp đất thì cũng phải ra đến đảo!”. 5 thùng hàng phải được chuyển tới tay anh em trên đảo, hôm trước đã định xuất kích rồi mà trời sập tối nên không kịp. Trước khi xuất kích giở bản đồ tác chiến ra, 2 tay bên hải quân phân tích đường bay sao cho tối ưu, tiết kiệm dầu và tránh được những chỗ tập trung tàu Trung Quốc vanh vách, thế nhưng khi có lệnh xuất kích chúng nó lại chối đây đẩy, bảo là sỹ quan hậu cần, không có nhiệm vụ theo máy bay. Anh chửi tục luôn, thế mà hai thằng vẫn mặt trơ cum cúp lên xe U-oát ra về. Thời đó làm gì có điện thoại di động, máy bàn gọi cũng còn khó, chứ như bây giờ đã báo quân cảnh bắt hai thằng cha này rồi! Cũng mùa tháng ba như hôm nay, nhưng không thơ mộng như Hà Nội đâu, ở biển là mùa gió chướng rất nguy hiểm, tàu bè còn ngại ra khơi đánh cá cho đến hết tháng tư cơ. Chuyến bay khá gian nan, vật chuẩn duy nhất là Đá Lớn nằm cách đảo Sinh Tồn khoảng 50 km về phía Tây và khả năng nhận biết đá này còn phụ thuộc mực thủy triều. Lúc đầu tìm mãi không thấy Đá Lớn, có lẽ nên quay về chứ không thiếu dầu… Khi bay quân ta nhìn rõ cả cái tàu khu trục dài hơn trăm mét của Tàu, sao nó không bắn ta thì chịu, biết hỏi ai bây giờ… Cuối cùng cũng thấy Đá Lớn, rồi tìm được đến Sinh Tồn. Nhìn rõ cả nước biển trong vắt và anh em hải quân chạy ra đón hàng. Anh cho máy bay hạ độ cao đến mức đồng hồ chỉ độ cao là “0” và bay thấp hơn cả ngọn cây trên đảo, phải liều thôi, chứ không hỏng mất hàng, mấy anh em ném hàng xuống bằng tay cũng đứng vị trí “liều” lắm đấy, dù có đeo dây bảo hiểm. Cuối cùng trót lọt, chỉ một kiện hàng vỡ ngay trên không. Về đến Tân Sơn Nhất thì trời đã tối mịt, trung đoan trưởng và trung đoàn phó ra đón tận chân cầu thang, chúc mừng cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ mà về, nhưng các thủ trưởng vẫn băn khoăn không biết bọn anh thả có nhầm đảo không!? Bởi bên hải quân không thấy báo là hàng đã nhận, và tại sao cái tàu khu trục kia nó không bắn máy bay bọn anh? Mấy ngày sau phóng viên các báo mới ào ào đến xin phỏng vấn, lúc đó mới biết là hàng đã được đưa tới đích an toàn!”
Qua câu chuyện chúng tôi hiểu đây là chuyến bay rất đáng nhớ đối với anh Sơn, nhưng chưa phải là chuyến bay nguy hiểm nhất, bay bên K nhiều chuyến mới thực sự “thót tim” như cô nhà báo giật tít lung tung. Nhưng đáng nhớ lắm, bởi sự kiện Gạc Ma vừa xảy ra! Và cũng đáng nhớ nữa, bởi có hai tay hải quân, mà một trong hai đứa ấy ít tuổi hơn anh Sơn, đang làm to lắm…
Trước và sau sự kiện Gạc Ma thì ý kiến của anh Sơn và Quân là những người được nghe câu chuyện trực tiếp từ những người trong cuộc, cả hải quân lẫn không quân và những binh chủng liên quan như sau: căng thẳng biển Đông đã kéo dài, kiểu gì cũng sẽ bùng phát ra. Ta cũng hết sức đề phòng, những quả thật một thời gian dài Trung Quốc chỉ áp dụng kế “nhảy dù” cướp đảo đá không người, chứ chưa nổ súng. Về phía ta có chỉ đạo không nổ súng trước thật, chứ làm gì có lệnh địch bắn mà ta không được nổ súng tự vệ!? Và đúng vào những ngày ấy có một chiếc tàu của hải quân ta xin về đất liền vì hỏng một tổ máy (hay hỏng khí tài gì bây giờ các anh không nhớ nữa) nhưng vì đang thiếu tàu quá, cấp trên ra lệnh phải quay trở lại, hỏng thì để chữa sau. Nó đáng lẽ đã có mặt tại Gạc Ma nhưng chậm mất rồi. Nếu chiếc tàu ấy đến Gạc Ma sớm và bọn Trung Quốc vẫn tấn công lên đảo, thì có lẽ với hỏa lực và lực lượng hoan toàn áp đảo lính ta sẽ vẫn hy sinh và bị bắt hết, kể cả chiếc tàu kia, nhưng có lẽ chiếc tàu đó đã đi vào lịch sử một cách rất oai hùng, còn chúng ta ngày nay không phải ngồi tranh cãi “có lệnh không nổ súng” hay không nữa!
Chúng tôi hỏi hai anh, sau đấy có những sự kiện gì nữa trong cuộc đời? Ngắn gọn thôi, cuộc đời của hai “công tử Hà Thành” này có vẻ không thuận buồm xuôi gió, “quan lộ” đì đẹt, cũng không bất ngờ. Anh Quân nằng nặc xin ra dân sự, dù đang thuộc diện cán bộ “hạt giống đỏ” của hải quân. Cục cán bộ đến vận động tận nhà, nhưng anh vẫn xin ra, thời đó phải nhờ đến cả ông Đoàn Khuê can thiệp mới ra quân được (ông Khuê là đại đội trưởng, khi đó bố anh Quân đang chỉ huy sáu tiểu đoàn đánh Pháp). Anh từng học chính trị cao cấp với các ông Tư Sang, Bùi Quang Vinh… nhưng kiên quyết chỉ làm tư nhân (3C, Fintec, Tiền Phong…). Anh Sơn thì cuộc đời binh nghiệp gắn với lữ 918 cho tới tận lúc về hưu. Sau này rất nhiều lần anh có dịp ra đảo và sống với anh em lính đảo, ngước mắt lên nhìn những chiếc máy bay bay qua. Lần đáng nhớ nhất là cùng ông Phạm Văn Trà ra khánh thành đường băng trên đảo Trường Sa lớn, đường băng rất ngắn chưa tới 800m.

Trước khi chia tay chúng tôi có hỏi các anh: “chuyện gì đã từng làm trong đời mà các anh cảm thấy tự hào đối với cha ông, và không xấu hổ để kể lại cho con cháu?”. ( Không phải vô cớ chúng tôi hỏi như vậy, mà vì ngày mai các anh sẽ đi lên Phú Thọ, nơi người ta sẽ tổ chức trọng thể buổi lễ về trận đánh Chân Mộng – Trạm Thản mà bố của hai anh đã thể hiện là những người anh hùng thời tuổi còn rất trẻ).

Anh Quân kể:
“Tớ cũng như các cậu, nhảy ra kinh doanh, quyết tâm chứng tỏ cho “các cụ” là không phải chỉ có làm cán bộ to mới có Lada, Volga mà đi. Làm hết từ 3C sang Fintec, thế nào số phận lại xô đẩy về công ty Tiền Phong. Đó là công ty của các cụ cựu chiến binh thành phố Hà Nội và HCM lập ra sau khi bỏ cấm vận, toan những vị như ông già minh với các cựu chiến binh từ thời chống Pháp. Thế nào các cụ cũng hè nhau góp được 4 tỷ tiền vốn, số tiền thời ấy cũng đáng kể đấy! Thế nào có một bác trung tướng, nghe người quen sao đó mới giới thiệu một phụ nữ Việt kiều Mỹ làm “đối tác” cho công ty, chả hiểu nói ngon nói ngọt thế nào mà các cụ chuyển tiền góp vốn cho nó đi “đánh hàng”, từ đó trở đi không ai còn nghe tin tức gì về mụ Việt kiều này nữa. Hà Nội cụt vốn hoàn toàn, HCM thì các cụ còn loay hoay hoạt động được đến năm 2000 vì có một business khá hay của các cụ là “bán ghi của sân bay Tân Sơn Nhất” – nhưng đến khi sân bay cũng hết ghi rồi thì các cụ ngừng. Thế là anh nhảy vào, giao hẹn với các cụ là để anh làm nhưng cho anh tự quyết hết, các cụ không được tham gia gì cả. Nhiều cụ đã già, nhiều cụ cũng đi theo tổ tiên rồi… Mất mấy năm anh mới trả lại được đủ tiền đầy đủ cho các cụ đã tham gia…”.

Anh Sơn kể:
“Mình thì không theo được các cụ nhưng có những việc mình làm có lẽ nếu biết các cụ cũng hài lòng. Với minh đó là câu chuyện “đường bay thẳng” – có lẽ các bạn vẫn nhớ câu chuyện đường bay Hà Nội-HCM theo đường thẳng đã 2 lần được xới lên đến mức cao nhất trên chính phủ, chứ không chỉ bàn trong công luận không đâu. Khởi sự là anh bạn cựu phi công Mai Trọng Tuấn – thực ra anh ấy cũng yêu nghề, mục đích cũng rất tốt thôi, là muốn tiết kiệm cho hàng không – ý tưởng của anh ấy được ông Trần Đình Bá ủng hộ nhiệt liệt, và sau này là khá nhiều vị lãnh đạo theo ủng hộ khó mà phân tích cho hết vì lý do gì. Trong nhanh hàng không tất nhiên nhiều người có hiểu biết, kinh nghiệm và đều có chinh kiến về vấn đề này, chuyện đanh giá khác nhau là thường! Anh khi đó là lữ trưởng 918 và với kinh nghiệm bay khắp 3 nước Đông Dương cũng không thể đứng ngoài cuộc. Theo tinh toán của anh thì “đường bay vàng” của Tuấn thực sự sẽ cho tiết kiệm (về tiền, cái này liên quan tới VIR có thể tinh toán được) và một chút thời gian, không được nhiều như Tuấn và ông Bá tính đâu). Nhưng đổi lại máy bay dân dụng phải bay cao trên dãy Trường Sơn, rủi ro về khí tượng khá lớn, ngay Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây thời tiết trong ngày đã khác hẳn nhau rồi, để mà phi công “tránh mây” cũng không đơn giản và tốn kém, kinh chẳng bõ phiền. Đây không phải là trường hợp như bọn anh bay ra đảo tiếp tế “ném hàng” khi xưa, phải ước lượng một hướng rồi cứ thế bay theo “đường bay thằng” để tiết kiệm dầu mà còn sống sót quay về. Anh viết phân tích kỹ lưỡng rồi gửi thư lên Thủ tướng, khi đó đang năm 2012…
Cũng không nghĩ là sẽ có lúc lá đơn này đến tay người đứng đầu chính phủ, thì một ngày anh nhận cú điện thoại. Đầu dây xưng là M, chuyên viên cao cấp của Văn phòng CP. M hỏi anh: “Anh có tin tưởng hoan toan vào những tinh toan, suy luận của mình không?”. Khi anh trả lời là hoan toàn tin tưởng, đây chinh là tâm huyết của cả quãng đời bay của anh, thì M hỏi tiếp: “Anh có gì để mất không? Vì nếu tôi đưa lá thư này lên Thủ tướng, phương án của anh sẽ được chấp nhận, nhưng anh sẽ mất rất nhiều thứ đấy, anh hiểu chứ?”. Anh hiểu, và anh trả lời với M: “Tôi cũng có khá nhiều thứ để mất, sắp cuối cuộc đời nhà lính rồi, nhưng tôi sẵn sàng!”. M chỉ nói “Được rồi!” và sau đó anh không nghe thấy cuộc điện thoại nào của M nữa!
Thế là sau đấy phương án “đường bay vàng” bị Thủ tướng bác bỏ - người mà bây giờ rất nhiều vị gán cho mọi thứ tội lỗi trên đất nước này – ông đã “biết nghe”. Nhưng quả thật sau đó anh bắt đầu “mất”: sắp về hưu, anh kỳ cạch lắm mới lên được đại tá, mất cái khoản tiền đáng nhẽ phi công thâm niên như anh phải được “một cục”, mất cả anh em bạn bè. Vì lứa sàn sàn như anh có những người đã lên trung tướng, thượng tướng, tham mưu… May mà anh không mất danh dự, anh em trong nghề đều hiểu anh, tôn trọng anh… Nhưng lần ra Hà Nội này anh mới biết, cái sự “mất” này nó vận vào chính người chưa thấy mặt là M. M không những bị ‘tư lệnh ngành” ngứa mắt, mà còn thất sủng bởi một vị Phó thủ nữa, không hiểu sao ủng hộ hết mình cho cái vụ “đường bay vàng” – và thế là M bị cùng lúc hai vị Phó thủ cho biết thế nào là quyền phép! M “mất” rất nhiều, trẻ hơn anh nên M mới sắp về hưu, nhưng rất ngưỡng mộ khi nghe thấy em ấy vẫn luôn đầy tự trọng, và rất được lớp trẻ trong cơ quan kính trọng và kiêng nể! Có lẽ ra Hà Nội lần này người anh muốn gặp nhất lại là M…”.

Trời đã khuya, ngày mai hai anh còn phải lên Phú Thọ tham dự Tọa đàm về những người cha, những nhân vật chính của chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản, rồi sẽ thắp hương cho các liệt sỹ thời chống Pháp. Một thế hệ cha ông anh hùng và hào hoa, đã đánh cho giặc Pháp phải khiếp sợ. Anh Quân là con cả của tướng Phạm Hồng Sơn, anh Sơn là con của tướng Dũng Mã (nhưng đặt tên theo tên người chú Sơn Mã và phải thờ chú như cha) - các anh đã đi qua đời lính không hổ danh với tiền nhân. Câu chuyện nhỏ này như một nén hương dâng lên tưởng niệm những anh hùng thời chống Pháp, cũng là lời giới thiệu cho câu chuyện về “các cụ” và trận đánh không thể nào quên (nhưng vẫn cứ bị quên) kia. Về “những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng…”.

Ghi chú: đây như lời giới thiệu cho bài viết về chiến thắng Chân Mộng - Trạm Thản mà tôi đang "nợ". Rất nhiều người không biết về nó cũng như các nhân vật lịch sử, có lẽ nên Google trước để biết ai với ai… Xin yên tâm, Wiki không bao giờ đầy đủ.
Ghi chú 2: "Quân khu Nam Đồng" có thể điểm danh...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét