Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2009
HỌP MẶT LẦN THỨ BA ĐỘI TÀU GIẢI PHÓNG-TỰ LỰC-QUYẾT THẮNG
Trưa ngày thứ bảy 25/07/2009 tại Công Viên Văn Thánh Sài Gòn ,những cựu thuyền viên đội tàu Giải Phóng,Tự Lực,Quyết Thắng đã họp mặt lần thứ ba.thay mặt anh em,thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Tuyền đã đọc bài viết nhắc lại truyền thống
Nguyễn Ngọc Tuyền thay mặt anh em đọc lời kêu gọi như sau:
BAN LIÊN LẠC THUYỀN VIÊN
ĐỘI TÀU GIẢI PHÓNG, TỰ LỰC, QUYẾT THẮNG
Kính gửi: Những người hảo tâm, quý cơ quan
Ba đội tàu Giải Phóng, Tự Lực, Quyết Thắng được thành lập trong bối cảnh miền Bắc nước ta đang bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Dưới sự chỉ đạo của Cục Vận tải đường biển, tháng 6-1966, đội tàu Quyết Thắng ra đời, để thay thế các phương tiện vận tải đường sông, vận tải xăng dầu đã bị thiệt hại gần hết, không còn khả năng tiếp tục.
Tháng 8-1966, thành lập đội tàu Tự Lực thay thế cho những con tàu có trọng tải lớn (không thể phơi mình lộ liễu trên mặt biển trước sự bắn phá của máy bay Mỹ, biệt kích Ngụy). Những con tàu vỏ sắt Tự Lực chở từ 20 đến 50 tấn luồn lách qua những dòng sông miền Bắc, thoát ra cửa Lạch Giang, Lạch Trào chạy ven theo bờ biển, lao sâu vào tuyến lửa... Vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên chở, vừa chuyển tải hàng từ các tàu ngoại (neo đậu ở Hòn Ngư, Hòn Na...) vào bờ.
Đầu năm 1967, thành lập đội tàu Giải Phóng. Loại tàu do Trung Quốc viện trợ, trọng tải 100 tấn, công suất 900HP, tốc độ 14 hải lý. Về hình dạng, vũ khí trang bị, kể cả màu sơn, tàu Giải Phóng giống hệt tàu vận tải quân sự. Nhiệm vụ chiến lược của đội tàu này là: lợi dụng những ngày ngừng bắn của tết âm, dương lịch, ồ ạt ra quân đưa thật nhanh, thật nhiều hàng hóa vào Khu 4. Khi cảng Hải Phòng bị phong tỏa thủy lôi, tàu Giải Phóng cũng là con tàu đầu tiên vượt qua thủy lôi, phá vỡ thế phong tỏa, khai thông tuyến luồng Đông Bắc. Từ tuyến luồng này, đêm đêm hàng chục chiếc tàu đua nhau chở hàng từ miền Nam Trung Quốc về cảng Hải Phòng.
Trên lĩnh vực vận tải, vận tải biển trong chiến tranh là cam go và nguy hiểm nhất. Tàu nhỏ gặp sóng to gió lớn, thui chột ý chí... Máy bay pháo kích, thần chết luôn lơ lửng trên đầu. Căng thẳng đâu chỉ một vài giờ mà cả ngày lẫn đêm. Biển cả mênh mông đâu có chỗ để ẩn nấp?! Máu của hàng loạt đồng nghiệp chúng tôi đã hòa vào nước biển xanh mặn chát. Những xác tàu trơ khung sườn nằm rải rác trên các triền sông, cửa biển từ Bắc vào Nam. Tàu VS10 bị máy bay đuổi bắn chết cả tàu. Tàu TN02 hoàn thành nhiệm vụ trên đường thắng lợi trở về bị bắn chìm, thuyền trưởng, thủy thủ lái hy sinh anh dũng. Tàu GP28 chia lửa cùng quân dân Hải Phòng bị trúng rocket, biên chế 11 người chết 7... Ngay đêm đầu tiên nhận 2 tàu Giải Phóng ở ngoài khơi đảo Thượng Mai, Hạ Mai (Quảng Ninh) bị máy bay Mỹ phát hiện bắn chìm tại chỗ 2 chiếc, chỉ còn một tàu đưa đón, mang đầy thương tích chạy thoát... Thật khâm phục những chiến sĩ xăng dầu, đội tàu Quyết Thắng - bom đạn địch, hàng cháy nổ đe dọa từng phút từng giây sao các anh không sợ? Điều gì kích thích lòng dũng cảm mà các anh coi cái chết nhẹ tựa lông hồng! Những chiến công đã biết, những chiến tích chưa hay, tất cả tạo thành một bản hùng ca làm rạng danh ngành vận tải biển Việt Nam.
Những thuyền viên của 3 đội tàu những ngày chinh chiến hồi ấy còn rất trẻ, phần lớn đều là học sinh, sinh viên của Trường Trung cấp, Trường Đại học Hàng Hải, qua môi trường thử thách khắc nghiệt, họ đã trưởng thành, đây là nguồn nhân lực nòng cốt, cung cấp cho những con tàu viễn dương sau này. Trước đặc thù của vận hội mới, đầu năm 1973, ba đội tàu bị giải thể, thuyền viên được điều về các công ty vận tải địa phương, đa số còn lại được bổ sung vào đội tàu lớn của trung ương (VOSCO, VITRANSCHART, VINASHIP).
Từ ngày hòa bình lập lại đến nay, các cán bộ cấp trên bận trăm công ngàn việc, chẳng ai khi nào tạo điều kiện để chúng tôi có dịp đông đủ gặp nhau. Ở cái tuổi đã về hưu hoặc sắp sửa về hưu, chúng tôi thấy có phận sự phải thực hiện nguyện vọng bấy lâu nay của thuyền viên ba đội tàu. Một năm trời có một hai lần gặp mặt nhau nhằm:
1. Tăng cường đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, nêu cao khí phách hào hùng năm xưa, sống vui sống khỏe, sống có ích cho xã hội.
2. Sưu tầm lại những gương dũng cảm hy sinh của từng con tàu, con người cụ thể từ các nhân chứng còn sống, thu thập làm cứ liệu truyền thống cho ngành vận tải biển Việt Nam.
Để thực hiện hai nhiệm vụ trên, chúng tôi - Ban Liên lạc thuyền viên ba đội tàu Giải Phóng, Tự Lực, Quyết Thắng - đã ra đời, rất cần sự góp tâm, góp sức của các hội viên, sự hảo tâm của những người tài trợ, cũng kính mong:
- Quý ngành vận tải đường biển
- Quý ngành vận tải đường sông
- Quý ngành vận tải xăng dầu
Chúng tôi là những người (cổ lai hy) của quý ngành, không hề kể công, bởi tuổi trẻ vào cái thời chinh chiến ấy, ai cũng phải suy nghĩ và hành động như chúng tôi; chỉ đáng buồn là chúng tôi thân phận ở dưới nước, còn các vị lãnh đạo hồi ấy ở trên bờ, lại ở trên cao (Cục, Bộ) nên từ ngày giải thể đến nay đã quên mất chúng tôi. Xin các quý vị cùng nghề nghề nghiệp thể hiện một chút lương tâm và trách nhiệm.
TP.Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 6 năm 2009
Thay mặt Ban Liên lạc thuyền viên
đội tàu Giải Phóng, Tự Lực, Quyết Thắng
TRƯỞNG BAN
Thuyền trưởng: Nguyễn Ngọc Tuyền
Trong "Bách Khoa Hàng Hải và Đóng Tàu",Giải Phóng hiện mới được viết đơn giản như sau :
Giải Phóng- tàu hàng LxBxHxT=37,4x6,20x2,8x1,90mét,máy chính 12MGV18X ,một chiếc,công suất 900cv Đóng tại nhà máy Đóng Tàu Quảng Châu với số lượng 39 chiếc và cuối cùng 32 chiếc đã được đưa vào sừ dụng.
Danh sách các thuyền trưởng đội tàu Giải Phóng
1 Nguyễn Bình An 22 Phạm Ngọc Quý
2 Nguyễn Bá 23 Đặng Ngọc Quý
3 Nguyễn Văn Chánh 24 Phạm Bá Tâm
4 Hà Minh Châu 25 Đinh Văn Tín
5 Hàn Dũng 26 Phạm Bá Tùng
6 Lê Đình Đỉnh 27 Trần Tài Thế
7 Đoàn Tiến Đức 28 Huỳnh Thinh
8 Nguyễn Duy Hồ 29 Nguyễn Hữu Thức
9 Trương Minh Hoàng 30 Nguyễn Văn Thức
10 Đặng Văn Khanh 31 Thiềm Chí Trung
11 Đỗ Hồng Khôi 32 Nguyễn Mạnh Trinh
12 Đào Quang Khoát 33 Nguyễn Ngọc Tuyền
13 Nguyễn Văn Lễ 34 Nguyễn Đình Chiểu
14 Đoàn Đình Long 35 Hà Nhật Tăng
15 Phạm Đình Long 36 Nhữ Cao Tài
16 Đỗ Xuân Mùi 37 Nguyễn Văn Tòng
17 Đăng Ngọc Miên 38 Bùi Hữu Túc
18 Phạm Ngọ 39 Đặng Văn Nam
19 Vương Tiến Ngọ 40 Đặng Văn Hải
20 Võ Ngọc 41 Nguyễn Hữu Cử
21 Phan Ngoan 42 Nguyễn Văn Chiêu
43 Hồ Bàng Quyên
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét