Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2009

Nguyễn Như Kim -vị khách đặc biệt của tàu Sông Lô


Năm nay ,kỷ niệm tròn 60 năm sự kiện tàu Sông Lô .Trong số những nhân vật còn lại ,thuyền trưởng Nguyễn Văn Hóa ,thợ máy Trần Hữu Thức còn sống tại Sài Gòn.Nhiều nhân vật khác đã qua đời,trong đó có một vị khách đặc biệt của tàu -kỹ sư Nguyễn như Kim-vừa mất năm ngoái.Thât đáng tiếc không làm công tác tư liệu ghi chép với vị Viện Trưởng phụ trách Trung Tâm Thông Tin KHKT này.Xin chép lại tại đây,bài viết trên tờ Công An Nhân Dân về Nguyễn Như Kim

Vào hồi 10h30' ngày 8/10/08 vừa qua, Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng đã tổ chức tiễn đưa ông Nguyễn Như Kim, nguyên Viện trưởng Trung tâm thông tin tư liệu khoa học và công nghệ quốc gia, về nơi yên nghỉ cuối cùng.
Ngay cả những người thân đến viếng ông không phải ai cũng biết sự kiện hy hữu này mà ông là người thực hiện đúng 60 năm về trước: Nhận 18 ki-lô vàng, buộc trên đèo hàng, đạp xe xuyên qua vùng địch hậu đồng bằng Bắc Bộ, vào xứ Nghệ, sang Lào, qua Thái Lan, hàng năm trời tổ chức mua sắm thiết bị cho Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, máy thu phát quân sự, các loại thuốc men, dụng cụ y tế, sách cho bậc đại học...
Tôi được biết Nguyễn Như Kim từ ngày anh mới 23 tuổi, gương mặt kiên nghị như tạc bằng đá, tú tài toàn phần, chỉ năm sau là anh tốt nghiệp cử nhân Khoa Vật lý đại cương. Anh là Đoàn trưởng Đoàn Hướng đạo Thăng Long mà tôi chỉ là một chú nhóc xấp xỉ tuổi 12 trong đoàn. Đó là năm lịch sử sang trang: Cách mạng Tháng Tám 1945, và anh là một trong những người tổ chức treo cờ đỏ sao vàng cỡ lớn ở mặt tiền và mặt đối diện Nhà hát Lớn Hà Nội (xem thêm Những ngày không thể nào quên, Công an nhân dân cuối tuần, số 31, 17/8/2008)…
Cuộc kháng chiến chống Pháp đã tung chúng tôi đi bốn phương, mỗi người đi con đường "số phận" của mình, rồi nối tiếp cả cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước… Khi anh em Đoàn Hướng đạo Thăng Long liên lạc được với nhau, tổ chức gặp mặt nhau thì sắc trắng trên đầu chúng tôi đã nhiều hơn màu đen, và màu đen cũng dần ngả sang tiêu muối. Buổi gặp đầu, mỗi người chỉ được kể tóm tắt về mình trong dăm phút…
Dăm phút tóm tắt nửa thế kỷ truân chuyên của mỗi người! Thật là một cuộc "trói voi bỏ rọ"! Nhưng qua đó, chúng tôi cũng hiểu sơ sơ về nhau, để từ đó thăm hỏi kỹ hơn những lần gặp lại sau. Chỉ có câu chuyện của anh Kim là chứa chất nhiều ẩn số, máu viết văn lại hay tò mò muốn biết những chuyện lạ, tôi đề nghị anh Kim bố trí giờ cho tôi gặp để nghe kỹ chuyện đời của anh, đặc biệt là chuyến đi xuyên bán đảo Đông Dương năm ấy…
Bên cửa sổ phòng làm việc của anh tại Trung tâm thông tin tư liệu khoa học và công nghệ quốc gia, năm 1995, dẫu đã 72 tuổi, anh vẫn làm cố vấn cho Trung tâm này, anh Kim dõi nhìn những tán phượng lớn ngoài cửa sổ đường Lý Thường Kiệt. Hình như những kỷ niệm cũng đang chập chờn đâu đó qua bóng nắng chiều rọi trên tầng lá…


Các thành viên của Đoàn Hướng đạo Thăng Long gặp lại nhau sau nửa thế kỷ xa cách (ông Nguyễn Như Kim đứng giữa).
"…Tình hình mấy ngày trước kháng chiến toàn quốc thật khẩn trương, anh ăn nghỉ ngay tại cơ quan Đài Phát thanh Bạch Mai (lúc này anh là Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật). Ngày 17/12/1946, nghe tin tụi Pháp đánh vào phố Hàng Bún, gần khu nhà anh ở, anh phóng vội xe về nhà thì cửa ngõ tan hoang cả. Hàng xóm cho biết gia đình anh đã tản cư về Hoài Đức. Thôi thế là yên một bề!
Đến ngày 19/12/1946 thì bọn anh đã chuẩn bị xong cơ sở phát thanh ở chùa Trầm. Khoảng 8h tối, Đài Bạch Mai làm nốt nhiệm vụ cuối cùng của nó là phát đi bản hiệu triệu toàn quốc kháng chiến. Bọn anh lên chuyến xe sau cùng, nhìn lại lần cuối 4 cột ăng-ten lớn thân thiết với mình lâu nay. Chỉ mươi phút nữa, nhóm công nhân còn lại sẽ cho nổ tung lên! Bọn Pháp có phục hồi được cũng còn mệt! Đại bác ở pháo đài Láng lên tiếng, thế là bọn anh đã rời xa Hà nội, về chùa Trầm. (Bác Hồ cũng ghé thăm anh em Đài Phát thanh ở chùa Trầm trước khi Bác lên Việt Bắc).
Tôi thả dòng tưởng tượng theo lời kể của anh Nguyễn Như Kim.
Hóa ra những ngày kháng chiến ta không chỉ có một cơ sở phát thanh. Đài đang phát ở chùa Trầm, các anh đã chuẩn bị trước một địa điểm khác. Anh Kim chuyên trách về xây dựng cơ sở mới. Cách dốc Cun vài chục cây số đã hình thành một “Đài phát thanh nhẹ”. Đó là kết quả những đêm di chuyển những cỗ máy diezel khổng lồ qua dốc Cun, riêng cái bệ máy cũng phải hàng chục người khiêng leo dốc. Có đêm khiêng máy gặp hổ, nhìn thấy đôi mắt hổ bắt ánh đèn trên một khóm lau trên sườn núi…
Rồi lại có lệnh rút về Phú Thọ, rồi Tuyên Quang… Có lần anh Kim đang ngồi trên một chiếc xe đầu rụt chở máy thì bị máy bay Pháp đuổi bắn, xe hỏng hai lốp sau, may là người và máy không trúng đạn.
Tháng 1/1947, Nguyễn Như Kim được kết nạp Đảng do hai nhà biên tập Đài là Trần Lâm và Hoàng Tuấn giới thiệu.
Khi Nguyễn Như Kim phụ trách Đài ở Bắc Cạn thì một Đài phát thanh khác quy mô lớn hơn lại lắp đặt ở hồ Ba Bể. Pháp nhảy dù Bắc Cạn, lại chạy, lại cất giấu máy, làm lán trong rừng. Đơn vị anh còn muối, lại phải giết thịt một con ngựa vì gạo cũng không còn. May gặp bác sĩ Từ Giấy (Báo Vui Sống), bác sĩ đề nghị đổi gạo lấy muối và thịt. Còn rau tàu bay thì bên nào kiếm được nhiều lại san sẻ cho cơ quan bạn.
Những bộ phận máy của một Đài phát thanh sản xuất ra là để định vị ở một đô thị. Thế mà ở đây, chúng cứ lang thang đồi núi, sình lầy, lắp chưa yên chỗ lại phải tháo ra, di chuyển. Con người còn chịu được, những khối sắt thép thì tránh sao khỏi han gỉ, hỏng hóc!
Những cán bộ có trách nhiệm ở Bộ Quốc phòng thấy ngay phải tính trước điều này.
Giữa tháng 6/1948, Nguyễn Như Kim được gọi về Chợ Chu (Thái Nguyên), người đại diện Bộ Quốc phòng giao cho anh nhiệm vụ (phần kỹ thuật của Đài phát thanh lúc này do Bộ Quốc phòng quản lý): Sang Thái Lan, liên hệ với cơ sở Việt kiều yêu nước bên đó mua những linh kiện vật tư cho Đài. Kèm theo là một danh mục yêu cầu mua một số lượng lớn máy thu phát quân sự cỡ 15 oát, rồi các loại thuốc men, dụng cụ y tế, các loại sách cho bậc đại học…
Anh biết mình sắp dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mới, nhưng mấy năm nay, anh đã quen với việc nhận một nhiệm vụ mà chưa thể hình dung nó sẽ được thực hiện bằng cách nào? Người đại diện Bộ giao cho anh giấy tờ cần thiết rồi sang buồng bên bê về một gói vuông bọc vải bạt, có vẻ khá nặng, đặt trước mặt anh: "Đây là số vàng cần thiết cho nhiệm vụ của anh!". Đôi mắt người trao nhiệm vụ long lanh một vẻ tin cậy trên gương mặt tái mét vì bệnh sốt rét.
Hồi đó, hình như người ta quý sự hoàn thành nhiệm vụ hơn vàng! Ở Nguyễn Như Kim phẩm chất ấy dường như còn mạnh hơn nhiều người. Bộ Quốc phòng chỉ cử thêm một người bảo vệ đi cùng anh. Hai anh em len lỏi qua những vùng xôi đỗ địch hậu Sơn Tây, Xuân Mai, rồi xuôi Cống Thần, Chợ Đại vào Thanh Hóa rồi vào đến Đô Lương. Đến đây, một mình anh sẽ nhập vào đoàn cán bộ qua Lào công tác.
Việc đầu tiên, anh tìm mua được chiếc xe đạp Stéclinh còn tốt, khá nhẹ và chắc. Lấy dây thép cột chặt gói vàng bọc vải bạt vào đèo hàng. Rồi hai anh em áo nâu, nón lá, cưỡi hai con "chiến mã" lên đường. Anh nhớ có một lần sang đò, ông lái đò nâng hộ anh cái đèo hàng, bỗng kêu toáng: "Chui cha! Anh buộc cái của khỉ gì vào xe mà nặng thế ni?". Cứ hở như vậy mà kín! Có ai ngờ một khối vàng lớn đến thế lại buộc lộ thiên như vậy!
Anh Kim là người nói tiếng Pháp như người Pháp, lại học trường của "mẫu quốc" Pháp, chẳng may anh có sa vào tay địch… Tôi không nén được một câu hỏi cứ từng lúc định bật ra: "Vậy có lúc nào anh nghĩ: Anh sẽ là chủ sở hữu số vàng đó?". Hỏi xong thì tai tôi đỏ lên như mình đã lỡ xúc phạm anh! Anh Kim nhăn mặt: "Không! Chả lúc nào anh nghĩ đến điều đó! Anh chỉ tính đoạn đường trước mặt, làm sao vào được Đô Lương an toàn!".
Đầu tháng 8/1948, hai anh mới tới Đô Lương, nhập với đoàn cán bộ sắp qua Lào. Nguyễn Như Kim còn nhớ trong đoàn có Bùi Văn Các, sau là Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Một trung đội vũ trang đưa họ từ Đô Lương, Con Cuông qua Lào.
Cỏ lau lút đầu người, các anh phải nghĩ ra cách dùng tre làm những cái khung hình tam giác để rẽ cỏ gianh mà đi. Ngày nghỉ đêm đi. Chỉ nhìn thấy chiếc khăn mặt trắng trên ba lô người đi trước làm mốc, lúc nào cũng có cảm giác đói. Đặc biệt rất thèm của ngọt. Rồi họ đi thuyền độc mộc từ sông Nặm Ca Đinh ở Lào đổ ra sông Mê Kông. Vượt qua quãng nguy hiểm do đồn địch và xoáy nước lớn ở cửa sông Đac Ca Đinh thì đơn vị vũ trang trở về nước. Nhóm cán bộ xuống thuyền buôn, xuôi dòng Mê Kông về Na-Khon Pha-Nôm, nơi có tổ chức Việt kiều chờ đón.
Sau chuỗi ngày dài đói khát, gần như chỉ ăn gạo rang và nước sông, họ đến được sự đón tiếp nồng hậu của Việt kiều. Nguyễn Như Kim và Bùi Văn Các xả láng bồi dưỡng cháo gà và ca cao.
Rồi Nguyễn Như Kim tách ra với hành trình về Băng Cốc. Anh Nguyễn Đức Quỳ (sau là Thứ trưởng Bộ Văn hóa) đại diện tổ chức Việt kiều ở Thái Lan đón anh về sống ở một villa lớn. Lúc này Nguyễn Như Kim mới cất được gánh nặng: Khối vàng nộp cho tổ chức mà anh nhớ hình như khoảng chục ki-lô. Và anh bắt đầu công việc liên hệ, mua sắm, cần tiền đến đâu mới rút ra đến đó.
Có những loại đèn công suất đặc biệt của máy phát thanh phải đặt mua ở Mỹ, phải nhờ cánh phi công dân sự Thái Lan mua giúp.
Sau nhiều tháng chuẩn bị mua sắm đủ số hàng cần thiết, họ tính toán cách mang "hàng" về. Đường bộ không ổn với số lượng người phải mang vác đông đến thế. Một bộ phận máy thất lạc đủ tê liệt cả cỗ máy...
Họ mạo hiểm định thuê cả thuỷ phi cơ, nhưng cuối cùng chủ hãng thủy phi cơ sợ sẽ khuynh gia bại sản nếu việc bị đổ bể. Các phương án đường bộ, đường không lần lượt bị bác bỏ..

Phương án đi đường thủy được thực hiện. Hàng hải Nam Bộ thuộc khu 9 đã nhận được yêu cầu của tổ chức ở Thái Lan. Một đội thủy thủ được thành lập: Thuyền trưởng Hoá, hai thuyền phó Liêm và Nhã, Qua là Bí thư Chi bộ. Các anh chọn mua một con tàu. Nguyễn Như Kim rất nhớ vóc dáng con tàu vận mệnh ấy của anh: Nó dài khoảng 30 mét, ngang chừng 8 mét, trọng tải độ trăm tấn, được gắn thêm hai máy để tăng tốc độ. Đội thủy thủ khoảng hai chục người.
Đến khâu chuyển hàng, Kim mới thấy năng lực tổ chức của bà con Việt kiều. Suốt 2, 3 tháng, từng chiếc ghe chở những gói bọc của Kim giấu lẫn vào các hàng hóa khác, chuyển từ Băng Cốc ra cảng, đường dài 40 cây số, như đàn kiến tha mồi. Ra tới cảng, những gói bọc ấy lại chuyển lên một thuyền buồm. Thuyền đầy, lại rời bến chở hàng về một địa điểm an toàn ven biển, giáp Campuchia, rồi lại trở về cảng nhận chuyến khác.
Từ khi xác định tuyến đường biển, Kim mua hàng có thoải mái hơn, biết rõ nhà cần cái gì anh mua cái đó, anh mua cả máy quay phim cho các bạn điện ảnh.
Con tàu có tên Prasamud, biển đăng ký Thái Lan. Sau anh em đổi tên cho nó là tàu Sông Lô.
Đầu tháng 6/1949, mọi việc chuẩn bị mới hoàn hảo. Tàu Sông Lô với đội thủy thủ chở Nguyễn Như Kim, không chở hàng gì, nhẹ nhàng rời bến ở Băng Cốc, hướng ra cảng, rồi ra biển với lý do tàu mới mua chạy thử máy. Các anh vẫn phải che mắt tụi mật thám Pháp đang hoạt động ở Thái Lan.
Tàu đỗ ở ngoài đảo Cochang (Campuchia) ban đêm. Những thuyền con chở hàng từ kho ra, bốc lên tàu. Trong đó có một loại hàng đặc biệt: 20 phuy đầy xăng. Đây là quyết tâm của Nguyễn Như Kim và đoàn thủy thủ Nam Bộ: Nếu bị địch vây bắt, các anh sẽ đốt tầu với 20 phuy xăng này, không cho hàng lọt vào tay địch, giữ bí mật nhiệm vụ của chuyến đi.
Vậy là tàu Sông Lô đã qua vịnh Thái Lan, qua Hòn Khoai vào Năm Căn. Nếu tàu về tới Bến Thủy, Kim đưa hàng lên Việt Bắc là anh hoàn thành một chuyến đi vòng bán đảo Đông Dương.
Cánh hàng hải Nam Bộ toàn những dân lão luyện đi biển của cảng Sài Gòn, từ Năm Căn trở đi, họ thuộc biển nhà như trong lòng bàn tay. Tàu dừng ở sông Tam Giang chừng một tháng, đưa thêm gạo, thuốc men của Nam Bộ gửi về Việt Bắc. Máy móc được rà soát, bảo dưỡng thật chu đáo, chuẩn bị cho đoạn đường sinh tử. Tàu rời sông Tam Giang, vòng qua Côn Đảo, rồi hướng lên phía Bắc. Các anh cứ lợi dụng đêm tối, cố gắng đi xa bờ để tránh địch phát hiện. Một hôm, vào khoảng 3h chiều, thuyền trưởng Hóa chỉ vào hải đồ rồi hất đầu về bên trái tàu: "Đà Nẵng đó! Đêm nay ta sẽ vào bến Thủy. Khi nào qua Hòn Mê sẽ có tín hiệu ra đón tàu!".
Anh chưa nói dứt lời thì một chiếc máy bay lướt qua, bay khá cao. Một lúc sau, nó lại vòng qua rồi trở lại đất liền, anh em xôn xao: Hay nó phát hiện ra mình? Tại sao nó không bắn? Hay nó gọi tàu đón lõng để bắt mình?
Thuyền trưởng quyết định quặt về phía đảo Hải Nam, chưa vào Bến Thủy vội, tàu Sông Lô điện về cho Bộ Quốc phòng báo tin và xin lệnh. Độ một tuần sau biển hoàn toàn yên tĩnh, lại được lệnh của Bộ cho tàu về Bến Thủy. Sông Lô nhổ neo nhằm tọa độ Bến Thủy.
Tàu đi chưa được một tiếng đồng hồ. Thuyền trưởng Hóa nhìn qua viễn kính, bỗng kêu lên: Báo động! Có tàu địch! Nguyễn Như Kim đón lấy ống viễn kính. Anh thấy có đến bốn chấm đen đang to lên khá nhanh, lại từ bốn hướng lao tới, tỏ ra chúng đang phóng hết tốc độ và không ngoài ý định vây bắt tàu của các anh. Thuyền trưởng Hóa cho tầu quay lại, mở hết máy.
Nhưng đã quá chậm! Thuyền trưởng, Bí thư Chi bộ Qua triệu tập anh em thủy thủ lại bàn cách đối phó. Rõ ràng với sự dàn sẵn của tàu địch, tàu ta không thể thoát khỏi vòng vây. Chỉ còn cách thực hiện phương án cuối cùng. Hai mươi phuy xăng được đổ khắp tàu như một thùng thuốc súng chờ nổ. Anh em thủy thủ mỗi người chỉ mặc một chiếc quần xà lỏn.
Nguyễn Như Kim nhìn khắp con tàu: Công sức của anh và bao nhiêu người cả một năm trời chuẩn bị chỉ vài phút nữa là chả còn gì. Bất giác anh nhớ lại cảm giác lúc rời Hà Nội, nhìn 4 chiếc cột vô tuyến của Đài Bạch Mai sắp nổ tung. Anh thở dài, giơ chiếc máy quay phim lên, ném thẳng xuống làn nước xanh trong. Có điều lạ! Anh không thấy hoảng sợ trước những họng súng đang lao đến gần anh như bầy quái vật. Trước sự mất mát lớn hơn, bản thân anh như chẳng đáng kể gì.
Chợt nhoàng sáng, tàu lắc mạnh, anh và thuyền trưởng Hóa như một phản xạ bản năng, lăng mình từ đài chỉ huy xuống biển. Anh bỗng thấy buốt xót cả một vế đùi bên phải. Tàu Sông Lô bùng một khối lửa, vẫn lao đi. Bốn chiếc tàu Pháp bám theo nhưng không dám tới gần. Một vật gì như cái khung bằng gỗ bập bềnh bên cạnh, anh Kim bám ngay lấy. Hình như chiếc chuồng gia súc từ tầu băng ra. Anh còn nhìn rõ giữa đám thủy thủ đang bơi lóp ngóp, Bí thư Chi bộ Qua bị bỏng nặng, da lưng anh rộp phồng lên như lưng áo sơ mi dưới nắng chiều thiêu đốt. (Anh Đặng Văn Qua sau là Phó Cục trưởng Cục Đường biển)… Tàu Sông Lô chìm dần phía xa… Chúng bắt bọn anh lên tàu chiến. Điểm lại, chỉ có một thủy thủ chết. Phần lớn bị bỏng nặng.
Mặc dầu bị tách ra, tra tấn dã man, Kim chỉ khai tên Nguyễn Văn Hai đi buôn gạo. Sau hồ sơ mật thám ở Hà Nội cũng cho chúng biết anh là ai, từng tốt nghiệp Khoa Vật lý đại cương ở Hà Nội năm 1946. Anh đi tù một năm tại các trại tù binh Nam Bộ. Bọn Pháp thấy anh là một trí thức được đào tạo trước năm 1945 thời Pháp thuộc, nên đưa anh về Hà Nội, hứa sẽ thả anh, nếu anh nhận lời sang Pháp làm việc hoặc học tiếp. Nguyễn Như Kim tìm cách liên hệ với tổ chức, và "tương kế tựu kế", anh được nhận nhiệm vụ mới: Sang Pháp, trau dồi một kỹ năng chuyên môn, chờ lệnh.
Sang Pháp, anh học chuyên về điện tử. Ngày làm việc tự kiếm sống, tối học. Thông thường, sinh viên Pháp muốn tốt nghiệp kỹ sư công nghệ điện tử phải thi lần lượt 5, 6 chứng chỉ, mỗi chứng chỉ phải học một năm. Với vốn lý thuyết đã có, anh thi một năm hai chứng chỉ làm các giáo sư Pháp ngạc nhiên. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư công nghệ điện tử, anh được mời làm trợ lý cho một giáo sư nổi tiếng, ăn lương chính thức của Bộ Giáo dục Pháp.
Khi Giáo sư Hồ Đắc Di sang Pháp, chuyển lời mời anh về nước của ông Tạ Quang Bửu, với mấy dòng, đại ý: "Trong nước vừa thành lập Trường Đại học Bách khoa, đang cần một giáo sư chủ nhiệm khoa như anh. Anh biết đó là lệnh mới của tổ chức. Lúc này anh đã có vợ và con. Chị là Tiến sỹ Sinh hóa Trần Thị Ân, con trai Nguyễn Mạnh Đức (hiện nay là Giáo sư, Tiến sỹ Vật lý, giảng dạy nghiên cứu tại Trường Đại học Oxford (ở Anh)).
Vợ chồng anh vui vẻ nhẹ nhàng rời bỏ mức sống trung lưu ở Paris về nước nhận công tác mới: Chủ nhiệm Khoa Điện - Điện tử Trường Đại học Bách khoa. Anh nói với tôi về chị: "Anh thật ngạc nhiên về sự thích ứng nhanh của chị với những vất vả ở Việt Nam, nhất là những năm chiến tranh. Từ bé, chị chưa hề bị vất vả. Thế mà nhiều hôm phải dậy từ 3h sáng xếp hàng đong gạo để còn kịp đi dạy ở Đại học Y khoa. Năm năm đầu chị già đi khá nhanh, nhưng không hề phàn nàn gì. Chị được bầu đại biểu Quốc hội tới 4 khóa liền".
Về nước được vài tháng, anh được phục hồi đảng tịch. Các đồng nghiệp của anh ngạc nhiên về sự đối xử của tổ chức với một Việt kiều mới về nước. Họ tưởng anh mới được kết nạp Đảng, không hề biết anh đã làm gì trước đó.
Sau khi rời trường, anh chuyển sang Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước rồi xây dựng ngành Thông tin khoa học. Gần 20 năm anh làm Viện trưởng Viện Thông tin khoa học Trung ương, xây dựng ngành này từ tay trắng đến lúc có cả một màng lưới thông tin khoa học quốc gia. Các bộ, các tỉnh đều có cơ sở làm việc hiệu quả, hợp tác rộng rãi với các ngành thông tin quốc tế, phục vụ thông tin cho lãnh đạo, cho sự phát triển kinh tế.
Đến tuổi 66, năm 1988 anh lại được cử sang làm tham tán khoa học kỹ thuật tại Đại sứ Việt Nam ở Pháp.
Hơn 5 năm làm việc tận tình ở nước ngoài, Nguyễn Như Kim đã góp phần quan trọng phát triển mối quan hệ hợp tác hai nước để Việt Nam tiếp nhận công nghệ tiên tiến thế giới. Rất nhiều các đoàn cán bộ khoa học hai nước qua lại, hợp tác thiết thực về mọi mặt: quản lý kinh tế, ngân hàng, tài chính, luật, viễn thông…, chuyển giao các tư liệu kỹ thuật phục vụ cho công cuộc đổi mới nền kinh tế trong nước.
Đặc biệt ở khâu đào tạo chuyên gia Việt Nam tại Pháp, thường xuyên có chừng 300 đến 350 nghiên cứu sinh, thực tập sinh công nghệ, bảo vệ luận án tiến sỹ học tập làm việc ở Pháp. Bằng mối quen biết rộng rãi với các nhà trí thức, giới chức Pháp, Nguyễn Như Kim đã tạo điều kiện thuận lợi cho hầu hết các nghiên cứu sinh, thực tập sinh Việt Nam ở Pháp. Có lẽ vì bản tính khiêm tốn ít nói về mình, cho nên mãi đến hôm ấy, năm ông đã 72 tuổi, cuộc đời và câu chuyện từ nửa thế kỷ, tôi mới được nghe kể như một thông tin mới.
Khi bài viết trên được đọc trên Đài Phát thanh TNVN thì tôi nhận được hồi âm: Người thay mặt tổ chức Việt kiều yêu nước ở Thái Lan năm 1948 trực tiếp nhận số vàng do Nguyễn Như Kim giao, hiện có mặt ở Hà Nội, nhắn tôi đến gặp để đính chính về một chi tiết sai trong bài.
Điều này làm tôi mừng hơn lo. Là người viết câu chuyện thực, chịu trách nhiệm với độc giả, tôi rất cần có sự đối chứng, nếu ở thành phố Hồ Chí Minh, có lẽ tôi đã tìm đến ông Đặng Văn Qua (nguyên Phó Cục trưởng Cục Đường biển) để hỏi thêm. Nay lại đột nhiên xuất hiên một nhân chứng quan trọng để tôi tham khảo, còn gì bằng!
Tôi tìm cụ Trần Hữu Quảng ở nhà riêng, không gặp, người nhà cho địa chỉ khác: Vườn thuốc nam của hợp tác xã thuốc dân tộc Chùa Bộc ở cuối Khương Hạ. Cụ xuống đây cho tĩnh để viết sách. Tôi lại tìm đến vườn thuốc nam, cũng không gặp. Nhân ngồi nói chuyện với cụ già coi vườn thuốc mới biết thêm về cụ Quảng: Năm ấy cụ đã 96 tuổi, vẫn đang là chủ nhiệm hợp tác xã kể trên gồm khoảng ba chục lương y.
Tôi chỉ kịp thu nhận mấy điều chủ yếu cụ nói xen giữa câu chuyện: "Bài báo của anh đúng với con người và sự việc ông Nguyễn Như Kim đã làm. Chỉ có một chi tiết sai: Hồi đó tôi nhận ở ông Kim số vàng 18 ki-lô, toàn vàng lá sư tử. Tôi lo lắng cất giữ chưa đến nửa năm mà gầy sụt đi 4,5 ki-lô. Đây chắc là mồ hôi nước mắt của dân đóng góp cho Tuần lễ Vàng, đâu phải chuyện chơi!...
Hồi đó đồng chí Nguyễn Đức Quỳ (sau là Thứ trưởng Bộ Văn hoá) lãnh đạo chúng tôi. Tổ chức Đảng họp, nhất trí giao trọng trách giữ số vàng đó cho tôi, lúc đó tôi phụ trách Thanh niên Tổng Hội Việt kiều cứu quốc ở Thái. Tôi phải tìm chỗ cất giấu sao cho kẻ xấu không thể phát hiện. Mỗi khi xuất vàng ra mua hàng đều phải có giấy do ông Nguyễn Đức Quỳ và Nguyễn Như Kim ký xuất…
Tôi phải cảm ơn đất trời để cụ Quảng thọ cho đến ngày hôm ấy mà vẫn còn minh mẫn để kể lại điều này! Nhưng với người viết, số lượng vàng 10 hay 18 ki-lô lại là điều ít quan trọng nhất bên cạnh chất vàng ròng của những con người đáng quý như ông Nguyễn Như Kim và cụ Trần Hữu Quảng

Hồi ký của Trần Đỗ Cung trên “Người Việt online” 18/03/2007
Sau vài năm kháng chiến đảng cộng sản nắm vững tình thế nên từ bỏ nhãn hiệu Việt Minh. Chúng đưa cán bộ vào phụ trách các việc quan yếu, chuyển Hoàng Ðạo Thúy qua chỉ huy Trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn, Tạ Quang Bửu làm Bộ trưởng phát triển Khoa Học Kỹ Thuật. Các đoàn viên nổi tiếng như Nguyễn Như Kim, con rể cụ Ðốc Trần Văn Thìn, được gửi đi Thái Lan đem vàng mua các thiết bị vô tuyến cho kháng chiến. Ðoàn viên Ðặng Văn Việt lên mặt trận Việt Bắc vang danh với biệt hiệu Con Hùm Xám Quốc Lộ 4. Các đoàn viên khác như Hoàng Kim Hải, Ngô Ðiền, Hoàng Ðình Phu, Lê Bá Hoan, Nguyễn Trinh Tiếp đi phụ trách các công việc của Cục Quân Giới, hệ thống truyền thanh báo chí. Riêng tôi sau khi Ðại Ðội Sinh Viên Chiến Ðấu tan hàng lang thang ở Cự Ðà, Ðồng Quan, Cống Thần thì được cán bộ giao liên Thành tuyển mộ lên Hòa Bình nhập toán nghiên cứu quân giới của kỹ sư Trần Ðại Nghĩa. Nhưng khi tôi đeo ba-lô đạp xe đến Vân Ðình thì Pháp nhẩy dù xuống, dội lại và mất liên lạc luôn trở về chợ Ðồng Quan bán thuốc Tây độ nhật. Mãi đến tháng 9, 1947 thì cán bộ Thành trở lại tuyển tôi trở về Hà Nội do thám tình hình quân Pháp.
Hôm ấy khi tôi đang ngồi ở chợ Ðồng Quan thì Thành (tên thật là Phạm Phú Ưng, con cụ Án Sát Thanh Hóa, học dưới tôi năm lớp ở Lycée Khải Ðịnh)
Vân Long viết trên Người đại biểu nhân dân Nhớ về những ngày tháng Tám lịch sử

Khi những người trực tiếp biết về những ngày tháng Tám lịch sử năm 1945 thưa dần, thì sự nhìn và thấy của tôi dù nhỏ cũng có thể góp chút gì đó cho bạn đọc hình dung một phần không khí lúc đó.

62 năm đã trôi qua, tôi năm đó mới 8 tuổi. Những biến động xã hội lúc đó đã tác động mạnh lên tâm trí trẻ thơ của tôi. Hàng xóm nhà tôi có anh Đắc, là một hướng đạo sinh được đi cắm trại đây đó. Một hôm, anh sang nhà tôi, thuyết phục chị tôi tham gia đoàn khất thực khu phố, đi quyên góp từ đầu phố đến cuối phố bất cứ cái gì ăn được, mặc được, tập trung lại rồi phân phát cho những người ăn xin sắp chết vì đói, vì lạnh. Tôi rụt rè hỏi: Em muốn vào đoàn Hướng đạo, có được không anh? Anh bảo: Tuổi của em chỉ được sinh hoạt Sói con, Hướng đạo sinh phải từ 12-18 tuổi. Rồi như động lòng trước sự nài nỉ của tôi, anh đã khai thêm tuổi cho tôi vào Đoàn Hướng đạo Thăng Long của anh.
Anh Đắc năm đó 16 tuổi, hơn chị tôi hai tuổi, nhưng tôi thấy anh có vẻ người lớn lắm. Còn nói gì đến anh Đoàn trưởng Nguyễn Như Kim 23 tuổi, sinh viên năm thứ ba trường Cao Đẳng khoa học Hà nội. Anh Kim như một thần tượng với lũ trẻ 12-13 chúng tôi với hàng chục bằng chuyên môn của hướng đạo sinh, biểu thị bằng những chiếc huy hiệu gài trên ngực áo: bằng bơi lội, truyền tin, nấu ăn, dựng trại... Anh làm chúng tôi phục sát đất về sự tháo vát, linh hoạt của một huynh trưởng. Những lần đi cắm trại, tôi cứ thấy mấy anh lớn hay bàn bạc với nhau, lúc thầm thì, khi sôi nổi. Thấy bọn nhóc chúng tôi đến, các anh thường lảng sang chuyện khác. Khoảng tuần đầu tháng Tám năm đó, anh Đắc trao cho tôi một gói giấy bảo đưa cho chị tôi. Trước khi đưa, anh bắt tôi hứa lời hứa của hướng đạo sinh, không được cho ai biết những gì trong đó. Hoá ra trong gói là tấm vải đỏ và những ngôi sao lụa vàng đã cắt sẵn, nhờ chị tôi máy vì nhà có chiếc máy khâu cũ. Còn nhỏ, nhưng tôi đã biết lá cờ này liên quan đến những câu chuyện rầm rì của các huynh trưởng hướng đạo. Chị tôi thức rất khuya may cờ, ngày lại giấu biệt đâu đó.
Thành phố chộn rộn một không khí khác lạ…
Chỉ bằng vào ghi nhận của trí nhớ non nớt, chắc tôi không thể xếp sắp chính xác các sự việc. May nhờ bài báo của Nguyễn Như Kim trên bản Tin hoạt động các Hội Khoa học và Kỹ thuật, cách đây hai năm mà tôi nhớ lại cụ thể những ngày này. Thì ra cuộc míttinh tôi được dự ngày 17 tháng Tám do các công chức của chính quyền thân Nhật tổ chức. Các diễn giả Cách mạng đã cướp diễn đàn, tuyên truyền ủng hộ Việt Minh. Khi khẩu hiệu Ủng hộ Việt Minh! Nước Việt Nam của người Việt Nam được tung ra, khắp Quảng trường Nhà hát Lớn xuất hiện những lá cờ đỏ sao vàng đủ kích cỡ. Theo hiệu triệu của một diễn giả cách mạng, cuộc míttinh biến thành cuộc tuần hành thị uy rầm rộ ủng hộ Mặt trận Việt Minh. Đoàn tuần hành đi đến đâu hút người theo đến đó, người trên các phố như một dòng sông, nước tràn bờ... Lúc đầu tôi chỉ chạy theo trên hè phố như người đi “xem”, sau hòa luôn vào dòng người lúc nào không hay và chiều về đến nhà thì khản đặc cổ vì hò reo, hô khẩu hiệu…
Hai ngày sau đó, cả Hà Nội như một biển dầu sôi, mọi người công khai bàn bạc, bộc lộ chính kiến, lên án những kẻ thân Nhật. Anh Kim đang thời gian đi thực tập ở Sở Máy điện Bờ Hồ, tham gia hoạt động cùng công nhân ở đó, đã ghi lại: “Thực ra, ít ai biết rõ những sự kiện gì sẽ xẩy ra, chỉ biết tất cả đều được động viên may cờ, biểu ngữ, phân công tự vệ, trật tự, tuyên truyền, sẵn sàng mọi thứ để hôm nay (19.8.1945) tập hợp tại Quảng trường Nhà hát Lớn cho một cuộc míttinh khổng lồ…”
Lúc này may cờ gần như hoạt động công khai. Có thể nói không khí chuẩn bị “nóng” lên từng ngày. Bài báo anh Kim ghi tiếp: “Đúng ngày 19.8 nhóm chúng tôi (những công nhân Sở Điện Bờ Hồ) được biết nhiệm vụ phải treo một lá cờ lớn, bao phủ mặt ngoài cửa hàng xe đạp trước mặt Nhà hát Lớn, sau này là cửa hàng Kim khí và hiện nay là Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội) nhóm chúng tôi mang theo một bọc cờ nặng cùng dây thừng leo theo đường máng nước, lên nóc tầng hai, nhìn sang bên kia là Nhà hát Lớn, sừng sững trên Quảng trường tràn đầy cờ đỏ sao vàng, các tổ chức quần chúng đã tề tựu hàng ngũ chỉnh tề...”
Cũng sáng sớm hôm đó, mấy anh đội trưởng hướng đạo đưa chúng tôi vào cửa bên của Nhà hát Lớn. Các anh nói gì đó với người bảo vệ và chúng tôi được đưa lên thẳng nóc Nhà hát. Tôi choáng cả người khi bước lên sân trời trên tầng cao lộng gió. Một sân trời rộng thênh thang, từng quãng nhô lên những khối vuông dựng đứng có lắp kính, mái lợp bằng đá xám. Nhìn xuống Quảng trường thì ngợp vì độ cao đến chóng mặt, các đoàn người nhỏ xíu từ các ngả dần dần kéo tới. Chúng tôi sung sướng vì các anh đội trưởng cho chơi tự do ở cái sân chơi độc đáo này, chơi trò trốn tìm thì thật tuyệt, rất nhiều góc nấp. Đang chơi, tôi vẫn để ý mấy anh hay nhìn đồng hồ tay và hay ngó xuống Quảng trường như chờ đợi một điều gì hệ trọng.
Rồi thì điều ấy đã đến: Một toán người ăn mặc như những công nhân mắc điện, khoác những cuộn thừng lớn, lại khiêng theo một bao tải khá nặng. Chúng tôi ùa đến xem, các anh dốc ngược bao tải, một lá cờ đỏ sao vàng khổng lồ rơi ra, chúng tôi xúm vào phụ giúp rải lá cờ trên sân trời. Mấy anh đội trưởng cùng tốp công nhân loay hoay buộc, tìm cách cố định hai góc lá cờ vào hai điểm trụ hai bên nóc Nhà hát. Một anh không làm gì, nhưng mắt đăm đắm nhìn xuống Quảng trường như chờ một hiệu lệnh, rồi anh bỗng quay lại, mặt đỏ bừng không rõ vì phấn khích hay sắc hồng của lá cờ ánh lên mặt anh, anh quát to: “Các anh em, thả cờ xuống!”
Tất cả chúng tôi khoảng hơn chục người lớn và vài chục hướng đạo sinh nhỏ tuổi xúm lại ôm, đẩy “khối cờ” khỏi sân trời. Nhưng khối cờ rơi xuống mặt tiền Nhà hát chưa kịp mở hết đã bị một trận gió mạnh thổi tung lên. Chưa bao giờ tôi được chứng kiến một lá buồm khổng lồ hồng rực trong nắng sớm bốc bay lên như vậy! Dù còn trẻ thơ, tôi vẫn linh cảm từ lá cờ này sẽ xuất hiện những ngày mới, không còn cảnh lính Nhật nhục hình những người trộm thóc ngựa, cảnh người chết đói ngay trước cửa mỗi nhà… Chưa hết bàng hoàng thì một khoảng vàng rực đổ ụp xuống đầu tôi, tôi nhớ có đến ba đứa chúng tôi bị chụp gọn, lúng túng trong ngôi sao vàng, còn các anh khác thì như một đàn cá trong lưới, cũng đang lần tìm lối ra để tóm được mép cờ. Sau đó hình như các anh buộc hai vật gì nặng lắm vào đầu thừng, dây thừng đầu kia lại buộc vào góc lá cờ dòng dần xuống, mới không bị gió bốc lên lần nữa. Ở trên cao như thế, lại gặp những ngọn gió lớn đầu Thu, chúng tôi thành những người may mắn tiếp nhận biểu tượng của Cách mạng trong một bối cảnh kỳ lạ như vậy!
Tôi chỉ là một đứa trẻ trong những ngày lịch sử 62 năm về trước, nhưng nhờ được hoạt động trong Hội Hướng đạo cùng những huynh trưởng cấp cao như Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu và gần gụi hơn là những người anh như Nguyễn Như Kim đã tạo cho tôi cơ hội chứng kiến sự kiện lịch sử trên. Và quan trọng hơn, đặt tôi vào cái nền nhân văn, hướng thiện trong những ngày đầu Cách mạng bằng chính nhân cách của các anh!
Vân Long
Tráng sinh và Huynh Trưởng bài viết trên Công an Nhân Dân 18/01/2007

Giáo sư, hiệu truởng Tạ Quang Bửu ( người ngồi thứ 3 từ trái sang ).
Kỹ sư Nguyễn Như Kim là Chủ nhiệm Liên khoa Cơ khí và điện - vô tuyến điện từ khi Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội mới thành lập. Năm nay, ông đã ở tuổi 85, còn rất minh mẫn, khỏe mạnh. Ông bảo: "Những bước ngoặt của đời tôi đều có sự gắn bó, chỉ đạo của Giáo sư Tạ Quang Bửu, vị hiệu trưởng đầu tiên của trường...".
"Cõng" vàng sang Thái Lan
Giáo sư Tạ Quang Bửu sinh năm 1910, tức là hơn ông Nguyễn Như Kim 12 tuổi. Trong gia phả họ Tạ Quang ở Hoành Sơn, Nam Đàn, Nghệ An có ghi: "Phụ giáo tử đăng khoa, cử nhân tại quán" (Cha dạy con đi thi, đỗ cử nhân không ra làm quan).
Tạ Quang Bửu thời trẻ nổi tiếng thông minh sáng láng. Từ năm 1929, sau khi đỗ đầu cả tú tài Tây lẫn tú tài bản xứ, ông được nhận học bổng sang Pháp, học toán ở các trường đại học Paris, Bordeaux, rồi sang Anh ở Oxford.
Nhưng ông học chỉ cốt lấy kiến thức, không lấy bằng cấp, từ năm 1934 về nước đi dạy học. Thời ấy Hướng đạo sinh vốn là một phong trào của học sinh, sinh viên phương Tây, du nhập vào nước ta những thập niên đầu thế kỷ XX, mà người có công khởi xướng là các ông Hoàng Đạo Thuý (sau làm Cục trưởng Thông tin liên lạc đầu tiên của quân đội ta) và Tạ Quang Bửu (Các vị đứng đầu Hướng đạo sinh được kính trọng gọi là huynh trưởng).
Hướng đạo sinh Việt Nam thời kỳ những năm 1940-1945 tập hợp được nhiều thanh niên trí thức ở thành phố, hướng vào các hoạt động lành mạnh, yêu nước thương nòi. Từ năm 1941, Nguyễn Như Kim học khoá đầu tiên Trường Cao đẳng Khoa học Hà Nội và là một tráng sinh của Tráng đoàn Lam Sơn, luôn lấy tấm gương của huynh trưởng Tạ Quang Bửu để noi theo.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra, Nguyễn Như Kim cùng các bạn học ở Hà Nội đều "xếp bút nghiên lên đường tranh đấu", mà sau này phần đông trong số họ đều trở thành những nhà khoa học, văn nghệ sĩ hay nhà quản lý có tên tuổi của chế độ mới như: Hoàng Đình Phu, Nguyễn Văn Chiểu, Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng, Phan Mỹ, Ngô Điền, Dương Đức Hiền, Tôn Thất Hoàng, Nguyễn Thúy Liễu…
Huynh trưởng Tạ Quang Bửu từ ngày đầu tham gia kháng chiến đã là thành viên Chính phủ, tháng 3/1946 đảm nhiệm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, còn Tráng sinh Nguyễn Như Kim đầu năm 1947 được kết nạp Đảng, là Phó Giám đốc kỹ thuật của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam (thời kỳ đầu bộ phận kỹ thuật của Đài trực thuộc Bộ Quốc phòng).
Một ngày giữa năm 1948, Văn phòng Bộ Quốc phòng mời ông Nguyễn Như Kim lên làm việc. Vừa gặp, Huynh trưởng đã tặng cuốn sách mới viết "Nguyên tử, hạt nhân, vũ trụ tuyến", in rônêô, dành cho anh em Nha Nghiên cứu kỹ thuật, Cục Quân giới.
Cuốn sách được tác giả viết trong có 3 ngày, hoàn thành vào 7/10/1947, thì ngày hôm sau Pháp nhảy dù xuống Chợ Đồn, Bắc Kạn, định "chụp" cơ quan đầu não của Chính phủ kháng chiến, nhưng đã thất bại.
Ngày đó thiếu thốn đủ bề, cán bộ kỹ thuật có được cuốn sách tham khảo thế này thì thật quý biết bao! Sau ít phút hàn huyên, Thứ trưởng Tạ Quang Bửu giao cho ông Nguyễn Như Kim một nhiệm vụ đặc biệt là mang vàng sang Thái Lan mua một số linh kiện, thiết bị quý hiếm cho đài, cùng một số khí tài vô tuyến điện cho quân đội.
Thật bất ngờ và phấn khởi vì được Đảng, Chính phủ tin cậy, ông khẩn trương chuẩn bị lên đường. Ngày đó, ngân khố quốc gia có được một số vàng là do đồng bào cả nước đóng góp trong "Tuần lễ vàng". Không có két sắt, vàng của Chính phủ kháng chiến được cất trong các hòm kẽm mà không phải khoá, chỉ dán niêm phong vẫn rất an toàn.
Người ta mang đến cho Nguyễn Như Kim một bọc vàng, ông chằng kỹ, bên ngoài còn cẩn thận ốp thêm tấm mo cau, rồi buộc sau poocbaga xe đạp. Có lúc qua sông, người lái đò phải bê giúp xe, hỏi: "Đèo cái gì nhỏ mà nặng thế?". Chẳng ai có thể ngờ một "anh nông dân" lại đàng hoàng đèo một kho vàng trên chiếc xe đạp cà tàng như vậy!
Đến Đô Lương (Nghệ An), như kế hoạch đã định, Nguyễn Như Kim nhập vào một đoàn công tác sang Thái Lan. Từ đó ròng rã hàng nửa năm trời, bọc vàng nằm trong ba lô được ông "cõng" cắt rừng, trèo đèo, lội suối, trên đường đi còn luôn bị kẻ địch, cùng thú dữ rình rập.
Qua đất Lào, vượt sông Nậm Ca Đinh là sang Thái Lan. Cuối cùng thì bọc vàng đã được bàn giao cho tổ chức của ta bên ấy, không suy suyển một li, một lai...
Câu chuyện về chuyến xuyên bán đảo Đông Dương này, về sau được nhà thơ Vân Long viết lại, lúc đó ông Nguyễn Như Kim chỉ nhớ ang áng bọc vàng nặng khoảng 10kg.
Khi bài báo được phát trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, thì có một thính giả phản hồi: "Viết vậy chưa chuẩn đâu. Số vàng mà tôi nhận từ chính tay ông Nguyễn Như Kim bàn giao là 18kg kia, toàn loại vàng lá sư tử. Ngày ấy vì lo giữ số vàng này để mua hàng cho Chính phủ kháng chiến mà tôi sụt đến năm, sáu kí đấy".
Nhà thơ vội tìm đến địa chỉ: Hợp tác xã thuốc dân tộc Chùa Bộc (Hà Nội) và gặp "người phản hồi" là cụ Trần Hữu Quảng, 96 tuổi, vốn là Việt kiều ở Thái Lan…
"Về đi, giúp tôi xây dựng trường đại học kỹ thuật đầu tiên"
Chuyến đi xuyên bán đảo ngày ấy đã kết thúc một cách bi hùng. Tàu chở hàng của Nguyễn Như Kim từ vịnh Thái Lan đi vòng biển Đông, đến gần đảo Hải Nam thì bị tàu chiến Pháp chặn đánh.
Ông cùng thủy thủ đoàn đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất này, chiến đấu đến phút chót, rồi tưới xăng đốt tàu, hàng không thể rơi vào tay giặc, tất cả cùng nhảy xuống biển.
Do bám được vào một mảnh ván, ông Nguyễn Như Kim sau đó bị địch bắt. Một năm tra tấn, tù đày ở bót Catinat Sài Gòn, ông một mực khai là đi buôn gạo. Sau đó địch thả ông. Cuối năm 1950, gia đình cùng tổ chức bố trí cho ông sang Pháp học để chờ thời cơ mới.
Sang Paris, ông học chuyên ngành điện tử và vừa học vừa làm tự nuôi mình. Thông thường, muốn có bằng kỹ sư công nghệ điện tử phải thi lần lượt lấy 5-6 chứng chỉ và mỗi chứng chỉ phải học một năm.
Nhưng ông đã làm các giáo sư Pháp ngạc nhiên khi một năm đạt liền hai chứng chỉ. Sau khi tốt nghiệp, ông được mời làm trợ giáo cho giáo sư Boutry, là một nhà vật lý điện tử nổi tiếng và chính thức ăn lương của Bộ Giáo dục Pháp.
Trong thời gian học ở Pháp, ông gặp lại bà Trần Thị Ân, người bạn gái thân thiết hồi ở Cao đẳng Khoa học Hà Nội. Ngày ấy "tình trong như đã, mặt ngoài còn e", lúc ông bị giam ở bót Catinat, bà Trần Thị Ân đã nhờ người gửi thư, quà vào động viên ông.
Bà Trần Thị Ân học dược ở Hà Nội, sang Paris làm tiếp tiến sĩ. Cuối năm 1951 hai người đã đính hôn tại quận Sorbonne, trước sự chứng kiến của ông quận trưởng. Đến giờ, đã qua "cưới vàng", trong ví của ông bao giờ cũng để tấm ảnh bà ngày đó, ngón tay giữa của ông vẫn đeo cái nhẫn mà bà trao trong lễ cưới cách nay đã hơn nửa thế kỷ.
Lúc ông bà đã có với nhau hai mặt con, sống trong một biệt thự mua trả góp ở ngoại ô Paris, ngày ngày đi làm bằng ôtô riêng, thì có khách từ trong nước đến thăm. Đó là hai Giáo sư y khoa Hồ Đắc Di và Trần Hữu Tước. Hai vị chuyển lời của Giáo sư Tạ Quang Bửu, Phó chủ nhiệm, kiêm Tổng thư ký Ủy ban khoa học Nhà nước: "Anh về đi, giúp tôi xây dựng trường đại học kỹ thuật đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà". Đó là vào giữa năm 1956.
Gia đình ông trở về Hà Nội đúng vào dịp khai giảng Trường Đại học Bách khoa. Vợ ông được bố trí dạy ở Trường Đại học Y dược, bộ môn Sinh hoá và sau này bà được tín nhiệm bầu là đại biểu Quốc hội 4 khoá liền (khoá IV - VII).
Ông được gặp lại "Huynh trưởng" trên cương vị Hiệu trưởng và bạn học cũ Hoàng Xuân Tuỳ là Hiệu phó. Bất ngờ đến với ông như ngày xưa khi được "chọn mặt gửi vàng", lần này thì là một trọng trách: Chủ nhiệm Liên khoa Cơ khí và điện - vô tuyến điện.
Nhiệm vụ quá nặng nề, làm việc ở Pháp có đầy đủ đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, phòng thí nghiệm hiện đại…, còn đây từ tay trắng, ngoài 4 dãy nhà của Đông Dương học xá cũ, một sân vận động bỏ hoang và vài chục cán bộ khoa học từ chiến khu về.
Thấy ông còn phân vân, "Huynh trưởng" cười mà ôn tồn nói: "Cách mạng là thế! 10 năm trước từ một tiểu đội ở chiến khu, quân đội ta lớn lên qua chiến đấu, đi tới thắng lợi Điện Biên Phủ lừng lẫy. Bây giờ ta cần quyết tâm, vừa làm vừa học, xây dựng cho được một trường đại học kỹ thuật để kịp thời phục vụ sản xuất, chiến đấu…".
Ông lại hăm hở bắt tay vào nhiệm vụ mới (sau này liên khoa tách ra các Khoa Cơ khí - Điện và điện tử) và gặp lại những bạn học cũ ngày nào như: Phạm Đồng Điện (Khoa Hoá), Nguyễn Đức Thừa (Khoa Luyện kim), Nguyễn Văn Chiển (Khoa Địa chất).
Sau mấy năm bị đi tù và ra nước ngoài, gián đoạn sinh hoạt Đảng, giờ ông lại được sinh hoạt trong Đảng bộ nhà trường. Khó khăn nhất giai đoạn này là phải tự xây dựng lấy Khoa Vô tuyến điện, vì Liên Xô tuy nhận giúp ta xây dựng toàn bộ trường nhưng lại "bỏ sót" khoa này.
Trong một trường đại học kỹ thuật nhất thiết học phải đi đôi với hành, ông đã cùng các đồng nghiệp gấp rút xây dựng các phòng thí nghiệm, để không có tình trạng dạy chay học chay.
Vài năm sau, Liên khoa có thêm những cán bộ học ngành Điện, Vô tuyến ở Trung Quốc về như: Nguyễn Thế Hùng, Hà Học Trạc, Nguyễn Bình Thành, Nguyễn Văn Ngọ, Bùi Minh Tiêu, Vũ Văn Sang; ở Pháp về có Phương Xuân Nhàn…
Sinh viên các khoá lần lượt ra trường và bổ sung lực lượng kịp thời cho sản xuất và chiến đấu. Thời kỳ Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân ra miền Bắc, sinh viên năm cuối (năm thứ 5) được tốt nghiệp sớm, Bộ Quốc phòng tiếp nhận toàn bộ để đưa về các đơn vị trực tiếp chiến đấu như rađa, tên lửa, hải quân, không quân…
Một kỷ niệm không quên với thầy Chủ nhiệm khoa Nguyễn Như Kim là, năm 1965, Trường Bách khoa đã thử nghiệm thành công vô tuyến truyền hình cáp, được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm, và "con gái rượu" của Bí thư Đảng ủy Bùi Nguyên Cát trở thành người dẫn chương trình đầu tiên trên vô tuyến truyền hình ở Việt Nam.
Sau này thầy Nguyễn Như Kim do yêu cầu nhiệm vụ đã thôi công tác ở Trường Đại học Bách khoa, chuyển sang đơn vị mới. Ông vẫn giữ được mối liên hệ với người Huynh trưởng đáng kính của mình.
Giáo sư Tạ Quang Bửu qua đời ngày 21/8/1986 tại Hà Nội, để lại bao thương tiếc cho tất cả những ai từng sống, làm việc với ông, nhất là với thế hệ kế cận - các tráng sinh trong đoàn Hướng đạo sinh của ông dạo nào!
Phạm Quang Đẩu

Tin buồn trên Diễn đàn của Việt Kiều tại Pháp :
Cụ Nguyễn Như Kim
(1922-2008)

Chúng tôi được tin cụ Nguyễn Như Kim đã từ trần ngày 4.10.2008 tại Hà Nội, thọ 87 tuổi. Linh cữu đã được an táng tại nghĩa trang Văn Điển. Cụ Nguyễn Như Kim tốt nghiệp kỹ sư tại Pháp và đã về nước tham gia xây dựng Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 1956.
Diễn Đàn xin thành thực chia buồn cùng cụ bà, chị Nguyễn Kim Ánh và toàn thể gia quyến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét