Ngày 27 tháng Tám vừa rồi tôi có chuyến đi miền Trung ,tới các địa danh Đại Lãnh,Vũng Rô,thăm cây đèn Đại Lãnh ,thăm Đầm Môn ,vịnh Vân Phong,ngủ lại một đêm tại nhà nghỉ Hòn Ông và lặn xuống biển nhưng chưa sờ tới được xác tàu của Nguyễn Phan Vinh.Đây là một clip quay tại bia ,trên con đường ven biển rất đẹp nối Phú Yên với Khánh Hòa.Không rõ cơn bão số 9 qua đây có tàn phá những gì của vùng miền Trung cực đẹp này.Để tới được xác tàu,không có gì quá khó khăn vì ngư dân cho biết là có thể nhìn thấy khi triều xuống .Bởi vậy,nên chăng,tổ chức có bài bản với tàu nửa chìm để bà con ngồi trong khoang kính có thể nhìn thấy xác tàu dưới ánh đèn chiếu hoặc tổ chức lặn có hướng dẫn.Điều cần thiết là có quy chế,quây khu vực xác tàu lại như một khu bia mộ có quản lý ...Sự kiện Vũng Rô đã đi vào lịch sử,mở đầu cho chiến dịch Market Line mà ông bạn John Doney đã quá cố của tôi cũng bị cuốn hút vào,được cả hai phía quan tâm nên cần được bảo quản chu đáo .Và cả con tàu không số nữa,ai đóng?tại đâu ?Có phải là chiếc 100 tấn của nhóm Trịnh Xương,Cao Bút,Đào Vũ Hùng...?Cần làm gấp vì không thể chống chọi với quy luật khắc nghiệt của thời gian ...
Và tại sao câu chuyện về cái miếu thờ sau đây do bà con dựng nên làm ta xúc động hơn cái bia tốn hàng tỉ đồng mà vô cảm nói trên ?
Năm chiến sĩ còn lại trong trận chiến đấu năm 1968 của tàu 235 tại vùng biển Hòn Hèo (Nha Trang): Lê Duy Mai, Hà Minh Thật, Nguyễn Long An, Nguyễn Văn Phong, Lâm Quang Tuyến - Ảnh tư liệu.
Dẫu bây giờ ở nơi này, nơi kia người ta dựng lên hàng trăm, hàng ngìn cái miếu thờ và trong miếu có bày đủ lễ vật, kể cả của ngon vật lạ...thì theo lời anh Hà Minh Thật, năm trong số 18 thuỷ thủ sống sót trên con tàu không số (TKS) 235 do người anh hùng thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh chỉ huy đánh nhau với nhiều tàu chiến Mỹ- ngụy ở Hòn Hèo (Nha Trang) đêm 28.2.1968, cách đây 41 năm, thì cái miếu thờ của má Phú Yên lập trên rẩy bắp, cùng với những cái miếu của các “bác tài” (lái xe) xây dựng dọc trên Đèo Cả (đèo nằm tại ranh giới giữa tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa) là "linh thiêng” và có ý nghĩa nhất. Bởi nó là những cái “kho hậu cần” cung cấp cho các chiến sĩ quân giải phóng nằm phục kích quân giặc hay khi họ lạc đơn vị; như trường hợp năm thuỷ thủ trên con tàu không số, đó là các anh: Nguyễn Long An, Lâm Quang Tuyến, Lê Duy Mai, Nguyễn Văn Phong và Hà Minh Thật.
Bằng giọng trầm ấm, sâu lắng và biết ơn, anh Hà Minh Thật kể tiếp câu chuyện đầy cảm động về cái miếu thờ:
Thời gian đầu người nào người ấy vết thương còn rỉ máu, mình mẩy còn đau nên chưa ai lê bước ra khỏi mép biển, đành phải cố thủ trong cái hang đá nằm dưới chân Đèo Cả. Nguồn sống chính của các anh lúc này nhờ vào những ngọn lá, đọt chuối và những lễ vật dâng cúng trong cái miếu thờ của các “bác tài” dựng nên nơi những đoạn đườg thường xảy ra tai nặn. Trong những cái miếu thờ đó có đủ các loại hoa quả, nắm cơm, gói bánh và có cả gói muối trắng, lon nước ngọt...nhờ thế mà năm thuỷ thủ mới có cái ăn hàng ngày. Thời gian sau, địch phát hiện ra được một phần đầu mũi tàu của ta do hai anh Vinh và Thứ (sĩ quan máy) cảm tử ở lại giật bộc phá bay lên nằm trên núi Bà Nam, cách hang các anh ở khoảng chừng 800m, thì tụi địch ngày nào cũng đem quân đến càn. Vì thế các anh ai nấy cố sức lê bước vào “căn cứ” mới ở sâu trong rừng Phú Yên. Sống trong rừng tuy an toàn nhưng lại xa nguồn nước biển, xa các miếu thờ (kho hậu cần” trên Đèo Cả...
Để có nước muối rửa vết thương cho đồng đội và có miếng ăn hàng ngày cho năm anh em, anh Hà Minh Thật, lúc ấy là người khoẻ nhất hội, phải bằng mọi giá đi tìm cho ra “kho hậu cần” mới. Và tình cờ một buổi sáng, Thật đang trèo hái quả trên một ngọn cây cao trong rừng, thì nhìn thấy dưới chân núi có một cái miếu thờ trong rẩy của đồng bào. Và tối đó Thật rủ anh Vũ Long An rẽ cây rừng, luồn qua những đồi lau lách, xuống tận cái miếu và các anh đã “vớ” được gói bánh bích quy, một nải chuối đem về “căn cứ” cho các bạn cùng ăn. Rồi đêm hôm sau, đêm hôm sau nữa; lại tiếp đến cái đêm hôm sau...hai anh lần xuống cái “kho hậu cần” nhận đồ tiếp tế của người chủ rẩy về ăn, lần này có thêm mấy lon sữa bò...
...Dẫu biết hai con “ma rừng” đích thị là “người trần mắt thịt”, nhưng người chủ rẫy vẫn chưa biết rõ là người đằng mình hay người đằng lính cộng hoà? “Mà lính cộng hoà (lính nguỵ) tràn được vào rẫy thì chúng sẽ càn hết cả gốc lẫn ngọn, chứ bọn chúng không chỉ lượm trái, đào cũ nên đây chỉ là những chiến sĩ giải phóng của ta” (người chủ rẫy nghĩ thế)! Nhưng để xác minh cho tường tận, một hôm người chủ rẫy ở lại đến tận khuya để được tiếp xúc với người rừng. Và đêm ấy An, Thật bò xuống, rồi lần đến miếu thờ, bổng có một bà má già xuất hiện trong lùm cây chủ động hỏi: “Các con có phải là người đằng mình không?” Tình huống đột ngột quá, nhưng các anh biết tiếng người má đã già nên có phần vững tin hơn, bèn đáp lễ: “Thưa má, chúng con là người đằng mình ạ!”.
Nghe tiếng nói, má biết các anh đều là người miền Bắc, nên mạnh dạn sáp lại gần, nói như khóc: “Các con lạc rừng lâu ngày chưa?” Hai anh đáp lễ: “Thưa má, bốn tháng rồi ạ”...
Từ đêm ấy trở đi trong cái miếu thờ của má Phú Yên không chỉ có lương thực, thực phẩm mà còn có cả những gói bông băng và thuốc chữa bệnh nữa. Có đầy đủ nguồn tiếp tế của má, năm thuỷ thủ ai nấy ngày càng khoẻ ra, vết thương mấy anh em bị nặng đã lên da non, gân cốt đã trở lại thế “cường tráng”. Và tối hôm đó cả năm người kéo xuống rẫy đễ tạ ơn má và xin má một ít muối ăn, lương thực và thuốc chữa bệnh cùng với một tấm bản đồ Phú Yên để các anh có cơ sở luồn sâu trong rừng, tìm đến đường giao liên trên dãy Trường Sơn...
Thể theo nguyện vọng của các con, mấy ngày má Phú Yên về đồng bằng chuẩn bị đầy đủ các mặt hàng đó, rồi má tự gùi lên rẫy tập kết tất cả các thứ vào cái miếu thờ. Và theo đúng hẹn, các anh xuống miếu nhận hàng và lên đường luôn trong đêm trăng thượng tuần sáng vằng vặc trên những ngọn cây, đỉnh núi...
Chuyện lâm nạn của năm anh em thuỷ thủ TKS 235, và cái miếu thờ của má Phú Yên dưới chân Đèo Cả ngày ấy đến nay đã 41 năm. Và má Phú Yên ngày đó của chúng con giờ chắc không còn nữa, nhưng hình ảnh má thì chúng con vẫn khắc ghi vào trong tim. Và muôn đời chúng con không quên cái miếu thờ của má trên rẩy, và nhớ cả những cái miếu thờ của các “bác tài” lập nên trên Đèo Cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét