Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2009

CAPT PHAN HẢI -NHÀ TỪ THIỆN

Chúng ta biết tới Phan Hải như một thuyền viên xông xáo,biết Phan Hải như một nhà đầu tư địa ốc sớm nhất trong số anh em đi biển .Hôm nay chúng ta biết tới nhà từ thiện Phan Hải qua bài viết của Lam Giang trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật:

Thứ Hai, 29/09/2008, 14:12 (GMT+7)
Ngôi trường của ông Hải


Ông Phan Hải
TTCT - Ngày 2-9-2008, Trường tiểu học Hải Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) được đưa vào sử dụng cho năm học mới. Ngôi trường trị giá đến 4 tỉ đồng này trông rất lạ mắt so với hàng trăm ngôi trường khác trong tỉnh.
Đập vào mắt mọi người là một trụ cổng mang hình những que kem xếp liền nhau, được sơn nhiều màu khác nhau. Ngày đầu đến trường mới, bọn trẻ nhìn sửng sốt những trụ cổng que kem ấy và cười tít mắt.
Ông Hải lý giải: “Chắc chắn bọn trẻ không thích những trụ cổng mang hình khối vuông vức, đơn điệu. Vì vậy tôi và các bạn bè làm nghề thiết kế đã nghĩ ra kiểu trụ cổng như vậy vì rõ ràng cây kem là cái bọn trẻ thích nhất. Vậy sao không làm trụ cổng là những que kem, để mỗi khi tới trường bọn trẻ nhìn thấy sự vui vẻ và yêu thêm mái trường thân thương của mình?”.
Những mái trường lòng tốt
Trường tiểu học mới của xã Hải Trạch được thiết kế theo kiểu kiến trúc cổ của Pháp, nổi bật lên bên dòng sông Lý Hòa. Ông Hải vui vẻ dẫn chúng tôi tham quan trường. Quả thật chúng tôi rất thích kiểu xây trường học mới mẻ như thế này: hai bên dãy lớp học đều có hành lang thoáng đãng cho các em đi lại, các cửa trổ ở hành lang đều hình mái vòm nên không khô cứng chút nào.
Trong lớp học, mỗi học sinh có một bộ bàn ghế riêng theo kiểu mẫu của trường tiểu học bên Úc, trần phòng học đều lắp quạt xoay đủ mát cho từ đầu đến cuối lớp, dưới bàn học là ngăn đựng vật dụng, nên học sinh không phải mang những thứ không cần thiết về nhà sau mỗi buổi học... Tất cả đều mới tinh và... đẹp. Ông Hải cho biết tất cả bàn ghế, bảng đen và vật dụng phục vụ học sinh ở trường đều được ông cho chở từ TP.HCM ra, thuê luôn thợ Sài Gòn ra lắp đặt cả tháng trời mới xong gần 400 bộ bàn ghế (mỗi bộ có giá trên triệu đồng) cho trường kịp vào năm học mới.


Trường tiểu học Hải Trạch với chiếc cổng là những que kem
Trước khi quyết định đầu tư xây tặng trường tiểu học này cho xã, một năm trước đó ông lang thang khắp các trường học ở TP.HCM tìm mẫu. Rồi ông “chắp vá” mẫu này với mẫu kia thành ý tưởng, rồi nhờ người thiết kế theo mẫu mà ông ưng ý nhất để đưa ra cho UBND xã Hải Trạch duyệt. Anh Nguyễn Hạnh, một phụ huynh ở xã, không giấu được niềm vui, nói: “Kiểu trường của ông Hải làm rất khác lạ, nên phụ huynh và tất cả học sinh đều thích thú khi thấy nó”.
Ông Hải bảo: “Trường làm ra cho bọn trẻ phải thật đẹp chúng mới thích. Nhưng trường ở quê ta chỉ đẹp thôi thì chưa đủ, mà phải thật vững chắc mới được”. Hỏi vì sao, ông trầm tư nghĩ ngợi một lúc rồi nói: “Tôi quá hiểu quê hương mình là vùng thường xuyên phải đối mặt với gió bão, lũ lụt hằng năm, nên đã cho thiết kế các ngôi trường có nền móng rất vững để chịu được động đất đến 5-6 độ Richter và chịu bão đến cấp 12, 13. Mỗi khi có lũ lụt lớn như nhiều năm về trước, các trường học đều có thể làm nơi trú ẩn cho bà con ta”. Xã Hải Trạch nằm sát con sông Lý Hòa. Mùa mưa bão, nước luôn gầm xoáy ngay dưới chân làng. Cửa biển lại chỉ cách làng vài trăm mét.
Bên cạnh Trường tiểu học Hải Trạch là Trường trung học cơ sở Hải Trạch. Ngôi trường hai tầng này rất khang trang và cũng là “trường ông Hải”. Hai năm trước, vợ chồng ông đã bỏ ra 3 tỉ đồng giúp xã xây lên ngôi trường này cho con em học tập.
Bà Phạm Thị Điệp, hiệu phó nhà trường, kể: “Trường cũ là nhà cấp bốn, đã xây cách đây 30 năm. Lâu quá rồi nên đến mùa mưa là dột tứ tung cả. Nhiều phòng học sắp sập nên cả giáo viên và phụ huynh ai cũng lo lắng. Có bác Hải giúp xây cho ngôi trường mới này, từ năm ngoái đến ni không còn ai lo chi mưa gió nữa. Học sinh của trường cũng không còn phải học ca ba, ca tư”. Ông Hải thì bảo: “Trường học là bộ mặt của làng, của xã. Con em sau này có đi ra bên ngoài nở mặt nở mày với người ta cũng là từ trường học mà nên”. Với suy nghĩ đó, ông đã đầu tư trường học cho xã Hải Trạch bằng tất cả tấm lòng của mình.
Ông Hồ Thăng Long, chủ tịch UBND xã Hải Trạch, thổ lộ: “Có ông Hải giúp đỡ, xã chúng tôi bớt đi được bao nhiêu nỗi lo về đầu tư cơ sở vật chất cho sự nghiệp phát triển giáo dục của địa phương”.
Đi ra từ quê nghèo


Học sinh Trường trung học cơ sở Hải Trạch luôn vây quanh ông Hải mỗi khi ông đến thăm trường
Ông Phan Hải năm nay 65 tuổi. Quê ông ở làng Lý Hòa, xã Hải Trạch này. Làng quê đã nuôi lớn ông bằng những củ sắn, củ khoai của mảnh đất nghèo khó, khô cằn. Ông học xong phổ thông bằng những bước chân đi bộ từ làng Lý Hòa ra tận thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch. Rồi ông được cử đi học trung cấp hàng hải.
Ra trường, năm 1965 ông may mắn được làm việc trên một con tàu lớn và theo các chuyến tàu viễn dương trên biển. Cả miền Bắc lúc đó chỉ có hai con tàu chở hàng hóa từ Hải Phòng đi nước ngoài là tàu Hữu Nghị và Hòa Bình. Sau đó ông được điều sang tàu Việt - Ba (VN - Ba Lan) có trọng tải đến 4.500 tấn. Từ năm 1968 đến 1972 ông học đại học hàng hải tại Ba Lan để về làm giáo viên ở một trường hàng hải. Sau đó ông đi tàu Giải Phóng chạy tuyến Hải Phòng - Trung Quốc chở gạo từ Trung Quốc về tiếp tế cho miền Nam đánh Mỹ. Chiến tranh kết thúc, ông được phân công về tàu Cửu Long 1 (Công ty Vận tải biển VN - Vosco) tiếp tục đi viễn dương, rồi lên chức thuyền phó. Đến năm 1994 ông nghỉ hưu và sống ở TP.HCM.
Ông tâm sự: “Nhiều lần về thăm quê hương, tôi thấy đã 30 năm qua mà mái trường ngày xưa vẫn không có thay đổi gì cả. Tôi thấy tủi quá, vì vậy mới nảy ra ý định xin xã được đầu tư tiền xây lại các trường học cho con cháu”. Và ông đã bỏ tiền cho Hải Trạch xây trường. Không chỉ có hai trường học trên, mấy năm qua ông còn tặng xã thêm các công trình khác cũng trị giá tiền tỉ: trạm y tế 1,5 tỉ đồng, khu tượng đài tưởng niệm liệt sĩ và các anh hùng của dân tộc (đang xây) dự kiến từ 2,5-3 tỉ đồng.
Trong khu tượng đài này sẽ có một nhà bảo tàng trưng bày hiện vật lịch sử của quê hương, mà theo ông, sẽ góp phần giáo dục con cháu truyền thống cách mạng và uống nước nhớ nguồn. Cách đây vài năm, ông Hải đã xây tặng xã một hệ thống đường điện chiếu sáng với 35 bóng đèn cao áp trị giá trên 180 triệu đồng. Nhờ đó bộ mặt của Hải Trạch thay đổi hẳn, bớt đi bao tệ nạn trong đêm tối ở một vùng sát quốc lộ 1A. Ông còn có ý định cùng xã Hải Trạch xây lại một ngôi chùa trị giá khoảng 5 tỉ đồng...
Nhiều người đã tò mò hỏi: sao ông có nhiều tiền vậy? Ông thẳng thắn cho hay: “Ngày trước đất nước mình còn nghèo khó quá, cái chi cũng thiếu. Tụi tôi được đi tàu viễn dương nên có điều kiện mua hàng lặt vặt ở các nước đem về nước bán lại kiếm lời”. Từ buôn bán “lặt vặt” ấy, ông tích lũy được vốn và năm 1988 ông mua một căn biệt thự tại TP.HCM. Sau sửa chữa lại, ông cho người nước ngoài thuê với giá 18.000 USD/tháng, lấy tiền trước trong... hai năm. Ông còn có một căn nhà khác trị giá mấy ngàn lượng vàng mà ông mới bán để lấy vốn làm ăn.
Ông Phan Hải thổ lộ: “Tôi may mắn hơn nhiều người là được đi học thành người. Ngày đó đi học chúng tôi được Nhà nước và nhân dân cho không mọi thứ. Có được như hôm nay thì cũng phải nhớ lại công lao của quê hương, đất nước mà góp một phần nhỏ...”.
Không chỉ có “nhớ lại với quê hương” mình, ông Phan Hải còn đang nuôi những ý tưởng thiện nguyện cho những vùng quê khác. Mà ở đó, ông cho biết là nếu đã làm thì phải làm cho nên tấm nên miếng bằng những đồng tiền của gia đình ông. Bởi ông biết ngoài xã Hải Trạch, quê hương Quảng Bình của ông vẫn còn nhiều làng quê khác rất nghèo đang cần giúp đỡ.
LAM GIANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét