Thứ Tư, 4 tháng 8, 2010

PHAN CHÂU TRINH ĐÃ TỪNG LÀM NGHỀ CUNG ỨNG TÀU BIỂN?








Trên tạp chí Diễn Đàn có một bài viết rất thú vị của Gs Vĩnh Sính về Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp đi xem chiến hạm Nga ghé qua vịnh Cam Ranh vào tháng 4 năm 1905. Bài viết thú vị được chép lại từ trang của GS Nguyễn Văn Tuấn là một tài liệu tham khảo để tôi đưa vào mục Cam Ranh,Novikoff-Priboy trong cuốn sách “Bách Khoa Hàng Hải và Đóng Tàu”.Để lưu trữ tài liệu và tra cứu tôi xin chép lại toàn bộ bài báo và đưa thêm các lời chú thích trước khi các bạn đọc bài báo này
1/ Về nhà văn Nga Novikoff –Priboy xin trích entry trong cuốn “Bách Khoa Hàng Hải và Đóng Tàu” như sau:
Novikoff-Priboy (Новиков-Прибой А.С. 1877-1944)-nhà văn hàng hải Nga,nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết lịch sử “Tsushima “ (Цусима tức eo Đối Mã,nơi xẩy ra trận hải chiến Nga-Nhật),cuốn tiểu thuyết được giải thưởng Stalin năm 1941 và dịch ra nhiều thứ tiếng .Sinh trưởng trong một gia đình nông dân vùng Tambov,đi lính hải quân từ năm 1899-1906,trực tiếp tham gia trận Tsushima .Trong trận này,Nga hoàn toàn thất bại,Novikoff bị Nhật bắt làm tù bình ,được thả sau vài tháng tù đầy.Bức bối về cuộc chiến Tsushima ,vạch trần những lý do khiến nước Nga thua trận đã được Novikoff thể hiện trong hai tiểu luận “ và những cái chết vô ích” và “Về những tội lỗi của kẻ khác” dưới bút danh A Zatertuy ,khiến chính quyền Sa Hoàng không hài lòng chuẩn bị bắt bớ.Novikoff chạy sang sinh sống tại Anh,làm thủy thủ lang thang trên các con tàu qua Pháp,Tây Ban Nha,Bắc Phi và có một năm sống với Maxim Gorki tại Capri nước Ý (1912-1913).Mất tại Moskva. Trong “Tsushima”,phong cảnh vịnh Cam Ranh và Vân Phong nước ta,nơi dừng chân của hạm đội Nga được mô tả rất đẹp và khá sinh động dưới con mắt của nhà văn lính thủy Nga. Vào thời điểm năm 1905, quân cảng này “đượm vẻ hoang vắng điêu tàn”. Nhưng dù sao Cam Ranh vẫn nổi danh là một “hải cảng thiên nhiên toàn bích, an toàn, rộng rãi, mặt nước phẳng lặng như tờ”.Có cả những chi tiết :đó là ngày đầu tiên sau mấy tuần lễ lênh đênh trên đại dương, thủy thủ trên tàu được ăn xúp cải bẹ và rau tươi chở từ Sài Gòn. Những thương nhân người Pháp cung cấp lương thực đủ loại cho hạm đội, từ trái cây, rau tươi, cho đến bột mì, đồ hộp hay thịt gà, thịt bò. Những hàng này bán “với giá cao kinh khủng, chưa nói những mặt hàng xa xỉ có lời lớn như rượu vang hay rượu mạnh”. Thương nhân người Việt cũng thường mang thực phẩm ra bán bằng ghe. Đặc biệt vào đêm 16 tháng 4, 1905, biết thủy thủ Nga sẽ ăn mừng lễ Phục Sinh, ghe thuyền của các thương nhân người Việt chở gà vịt, rượu đế ra bán cho tới khuya. Thủy thủ Nga nhận xét là các mặt hàng do người “An Nam” chở ra bán giá phải chăng, đặc biệt họ tấm tắc tán thưởng món rượu đế, khen là “mỹ tửu” giống rượu của người Nga, ý chừng muốn so sánh với rượu Vodka. Như ta đã biết,có ba thương nhân đặc biệt cùng trà trộn trong đám người bán hàng cho các tàu Nga,đó là các nhà nho Phan Chu Trinh,Trần Quý Cáp,Huỳnh Thúc Kháng ,với lòng nhiệt tình tìm hiểu tình hình nước ngoài nhằm tìm đường chấn hưng dân tộc.
Toàn bộ cuốn tiểu thuyết Tsushima bằng tiếng Nga có thể truy cập theo link,mong có ngày được dịch sang tiếng Việt:
http://www.magister.msk.ru/library/prose/novikp01.htm
2/Qua bài báo của Vĩnh Sinh ta thấy quyết tâm tìm hiểu học hỏi văn minh Phương Tây của các chí sĩ Phan Châu Trinh,Huỳnh Thúc Kháng,Trần Quý Cáp .Với tôi,hình ảnh không quên về một ông Phan Châu Trinh “quyết tâm đi buôn” dù có biết buôn bán gì đâu ,quyết tâm tự thay đổi mình để góp phần mở mang dân trí …Trong chuyến đi này,ba ông là những nhà cung ứng hàng hải (ship chanler) đầu tiên của Việt Nam được ghi trong sử sách,là những nhà canh tân đáng ghi trong lịch sử phát triển hàng hải của nước nhà

'QUAN SÁT VĂN MINH TÂY PHƯƠNG':

CHUYỆN PHAN CHÂU TRINH, HUỲNH THÚC KHÁNG
VÀ TRẦN QUÝ CÁP ĐI XEM CHIẾN HẠM NGA
CẬP BẾN Ở VỊNH CAM RANH, THÁNG 4, 1905

Vạn dân nô lệ cường quyền hạ,
Bát cổ văn chương túy mộng trung.
Phan Châu Trinh, “Chí thành thông thánh”, 1905
Văn chương tám vế mơ màng,
Muôn dân nô lệ dưới chân cường quyền.
V.S. dịch
Vĩnh Sính

Lời dẫn nhập: Chiến tranh Nhật-Nga chính thức bắt đầu từ đầu ngày 10 tháng 2, năm 1904.1 Sau khi Nga thất thủ hai cảng Đại Liên (Port of Dalny) và Lữ Thuận (Port Arthur) trên bán đảo Liêu Đông, Nga yếu thế rõ rệt. Không thể dựa vào hạm đội Thái Bình Dương (Pacific Fleet) để lật đảo thế cờ, Nga phải trông chờ vào hạm đội Baltic. Rời cảng Liepaja vào giữa tháng 10 năm 1904, hạm đội Baltic phải đi vòng Phi châu rồi đi qua Ấn Độ Dương trước khi ngược lên Thái Bình Dương. Dọc đường vừa đi vừa tránh sự nhòm ngó của hải quân Anh – bởi Anh là đồng minh của Nhật. Madagascar và Việt Nam là hai thuộc địa của Pháp lúc bấy giờ, bởi vậy Nga có thể cập bến ở Madagascar và Cam Ranh để lấy thêm than đá và lương thực. Đến cuối tháng 3 năm 1905, hạm đội Baltic cập bến Cam Ranh.
Mặt khác, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp đang làm cuộc Nam du từ tháng 2 năm 1905, bắt đầu từ Quảng Nam. Nam du nói nôm na là “đi vào Nam”, Nam đây gồm cả Nam bộ, nhưng giữa đường vì Phan Châu Trinh bị ốm nặng ở Phan Thiết nên đành phải quay về. Trong ba người, Phan Châu Trinh thi Hội đỗ phó bảng khoa Tân Sửu (1901) nhưng đã quải ấn từ quan từ đầu năm 1905; còn Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp vừa đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1904) nhưng cả hai đều không ra làm quan.
Mục đích của cuộc Nam du là xem xét dân tình và tình hình, đồng thời chiêu mộ những người cùng chí hướng để vạch đường cứu nước. Đến Bình Định, vừa gặp ngày tỉnh mở khoa thi, “người hội hạch đông có năm, bảy trăm”.2 Phan nghĩ rằng “cái học khoa cử làm hại người nước ta đã lâu,... ngày nay còn chun đầu vào như kiến, giấc mộng mê say này không cho một gậy ngang đầu không thể nào thức dậy được”.3 Cả ba giả dạng vào trường thi rồi làm một bài thơ và một bài phú, ký tên chung là Đào Mộng Giác. Kỳ thật, bài thơ do Phan Châu Trinh làm, có đầu đề là “Chí thành thông thánh” (Lòng thành thông đạt đến thánh hiền); còn bài phú “Lương ngọc danh sơn” (Ngọc tốt tìm ở núi danh tiếng) do Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp cùng làm chung. Đó đúng là “tiếng sét rầm vang cả trong nước, học giới ta trong hai mươi năm nay, lấy văn tự cổ động để mở mang phong khí, thì bài thi bài phú đó cũng là một bài có ảnh hưởng trong lúc đầu tiên”.4
Vào đến Nha Trang thì đã tháng 4, nghe tàu Nga đang ghé ở Cam Ranh, ba chí sĩ bèn giả làm người bán thức ăn rồi thuê ghe ra tận nơi nhằm quan sát văn minh Tây phương cho thỏa chí. Chúng ta thử phác họa bức tranh toàn cảnh của cuộc đi “thám hiểm” đó.

I

Tảng sáng ngày 31 tháng 3, 1905, từng chiếc khu trục hạm Nga từ từ ló dạng ở cửa biển vịnh Cam Ranh còn quyện sương mù. Những chiếc tàu này vượt cửa Bé vào vịnh trước để kiếm nơi thả neo an toàn cho đoàn tàu 45 chiếc của hạm đội Baltic,5 tức hạm đội Thái Bình Dương II, dưới quyền chỉ huy của đề đốc Rozhestvensky.
Chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ sau đó, hạm đội Baltic thả neo, “đậu thành 5 hàng song song với những chiến hạm bọc sắt lớn nằm án ngữ cửa vịnh”.6 Sau 28 ngày trường vượt trùng dương từ đảo Madagascar thuộc Pháp, Cam Ranh là bến cảng nghỉ chân đầu tiên sau một hải trình dài 4.500 hải lý. Cam Ranh cũng là trạm tiếp tế nhiên liệu và lương thực cuối cùng trước khi đoàn tàu này lên đường đi Vladivostock nhằm trợ chiến cho hạm đội Thái Bình Dương I đang tranh hùng với hải quân Nhật trên vùng biển Bắc Á từ hơn một năm ròng. Cam Ranh còn là điểm hẹn với hạm đội Thái Bình Dương III của đề đốc Nebogatoff hãy còn lẽo đẽo theo sau.


Hạm đội Baltic đang cập bến ở Madagascar

Trước đó Cam Ranh đã một thời là bến cảng khá nhộn nhịp của hải quân Pháp. Vào thời điểm năm 1905, quân cảng này đã “đượm vẻ hoang vắng điêu tàn”.7 Nhưng dù sao Cam Ranh vẫn nổi danh là một “hải cảng thiên nhiên toàn bích, an toàn, rộng rãi, mặt nước phẳng lặng như tờ”.8 Chiến hạm Nga tuy đã lỗi thời, nhưng những giàn cự pháo 12 ly và 10 ly trang bị trên tàu là lý do khiến nhiều quan sát viên cho rằng hải quân Nga “chỉ có thể thua trận trong trường hợp khả năng pháo kích của họ quá tồi”.9 Bởi vậy, sau khi hạm đội Baltic vào hạ neo ở Cam Ranh, dư luận báo chí ở Singapore, Manila, Malacca, Sài Gòn, Hồng Công và những thành phố nhiều người Hoa ở ven biển Thái Bình Dương không ngớt chào xáo về một trận hải chiến không tiền khoáng hậu sắp diễn ra trong nay mai.10 Sĩ phu nước ta chắc hẳn cũng nhờ vậy mà theo dõi được những diễn tiến của chiến tranh Nhật-Nga.
Ngày 2 tháng 4, đề đốc Pháp de Jonquières, phó tư lệnh hải quân Pháp ở Thái Bình Dương, dẫn tuần dương hạm Descartes ghé thăm xã giao hạm đội Nga. Nhưng khi de Jonquières trở lại ngày 22 tháng 4, tuy vẫn giữ thái độ hòa nhã bặt thiệp, đề đốc Pháp yêu cầu hạm đội Nga phải nhổ neo trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Tai sao Pháp lại có thái độ lạnh nhạt với Nga? Lý do dễ thấy nhất là lục quân Nga đang bị lục quân Nhật do danh tướng Nogi Maresuke chỉ huy phản đòn tới tấp trên chiến trường Mãn Châu. Nhưng lý do chính yếu vẫn là áp lực của Nhật và đồng minh là Anh. Bằng mọi cách, hai nước này đòi Pháp phải ngưng chỉ những “hành động có tính cách dung túng” (indulgent attitude) đối với hạm đội Nga. Thêm vào đó, chính quyền Hoa Kỳ cũng cảnh giác cực độ trước sự xuất hiện của hạm đội Nga ở một địa điểm không cách bao xa thuộc địa mà họ mới chiếm từ Tây Ban Nha là Phi Luật Tân.
Nhật báo Evening Sun ở New York bình luận: “Nếu không có sự dung túng” của Pháp và “tệ hơn nữa là sự vô ý” của chính phủ quyền Đông Pháp đã cho phép hạm đội Nga ghé vào Cam Ranh lâu hơn thời hạn 24 tiếng đồng hồ theo luật quốc tế, thì Rozhestvensky không tài gì có thể chuẩn bị giao chiến với hạm đội Nhật. Bài báo kết luận là “ai cũng thấy rằng nếu không có sự che chở của Pháp”, toàn bộ hành trình 18.000 hải lý của Rozhestvensky từ biển Baltic, xuống Đại Tây Dương, vòng châu Phi qua Ấn Độ Dương, rồi ngược lên miền Bắc Thái Bình Dương “bất quá chỉ là một kế hoạch vô vọng, điên khùng” (a hopelessly mad enterprise)”.11 Cần nói thêm là hạm đội Baltic phải vừa đi vừa tránh sự nhòm ngó của hải quân Anh, nhưng nhờ có căn cứ hải quân của Pháp ở Madagascar và Việt Nam cung cấp than đá và lương thực nên cuối cùng mới có thể tham chiến, mặc dù sau đó sẽ bị hải quân Nhật của đề đốc Tôgô Heihachirô (mà sách ta thường gọi là Đông-hương Bình-bát-lang 東郷平八郎) tập kích ở eo bể Tsushima và tiêu diệt sau 24 giờ giao tranh.
Trước yêu sách đột ngột của chính quyền Đông Dương, đúng 1 giờ trưa hôm sau, Rozhestvensky ra lệnh nhổ neo và cho hạm đội Baltic “dàn thành đội ngũ ngoài cửa vịnh Cam Ranh”. Quang cảnh hoành tráng của hạm đội Nga lúc bấy giờ được mô tả trên báo The Times của Anh như sau: “Các chiến hạm Nga dàn thành một hình cánh cung dài như vô tận, trải dài từ mũi Valera sang tận mũi bên này của bán đảo Cam Ranh”.12 Sau khi de Jonquières đã trịnh trọng đưa tiễn chân soái hạm của Rozhestvensky ra đến cửa vịnh, nhằm tránh trách nhiệm cho Pháp là đã cho phép hạm đội Nga vào lấy thêm nhiên liệu và lương thực trong một thời gian khá lâu, ông đánh điện về sở chỉ huy với lời lẽ khôn khéo, tựa hồ như chẳng hay biết gì cả về tình hình chiến sự Nhật Nga: “Hạm đội Nga đã rời bờ biển An Nam và đang tiến về hướng Đông. Không rõ sẽ đi đâu”!13 Sự thật thì sau khi tuần dương hạm của de Jonquières vừa đi khuất, Rozhestvensky lại đưa hạm đội của mình vào ẩn náu, lần này ở vịnh Vân Phong, không cách cửa Bé bao xa. Trên thực tế Rozhestvensky chỉ ra khỏi bờ biển Việt Nam vào ngày 14 tháng 5, sau khi hạm đội Thái Bình Dương III của đề đốc Nebogatoff đã bắt kịp và đã lấy thêm than đá nhằm chuẩn bị cho cuộc hành trình định mệnh. Ngoài ra, trước khi rời Cam Ranh, Rozhestvensky cũng đã khôn khéo dàn xếp để de Jonquières mặc nhận cho một số tàu tiếp tế của hạm đội Baltic khỏi di chuyển ngay nhằm có đủ thời gian để bốc xếp hết than đá.


Hạm đội Baltic đang đi ngang qua vịnh Singapore
Cần nói thêm là trước đó, vào ngày 15 tháng 4, bốn chiếc tàu vận tải của hãng Hamburg-Amerika (Đức) chở 30.000 tấn than đá đã cập bến Cam Ranh để cung cấp nhiên liệu cho hạm đội Baltic. Vì không biết cuộc thư hùng với hải quân Nhật sẽ kéo dài bao lâu, mọi chiến hạm được lệnh đổ than tới mức tối đa. Những chỗ trống trên tàu hầu như đều trở thành nơi chứa than. Than đổ bừa bãi ngay cả trên boong tàu, chỉ có sàn pháo đài được chừa trống nhằm khỏi vướng vít khi lâm chiến.14 Tàu chở than cũng mang theo thư tín gia đình cho thủy thủ gửi qua một địa chỉ trung gian ở Sài Gòn. Hôm đó cũng là ngày đầu tiên sau mấy tuần lễ lênh đênh trên đại dương, thủy thủ trên tàu được ăn xúp cải bẹ và rau tươi chở từ Sài Gòn. Những thương nhân người Pháp cung cấp lương thực đủ loại cho hạm đội, từ trái cây, rau tươi, cho đến bột mì, đồ hộp hay thịt gà, thịt bò. Những hàng này bán “với giá cao kinh khủng, chưa nói những mặt hàng xa xỉ có lời lớn như rượu vang hay rượu mạnh”. Bởi vậy, có thể hiểu tại sao chính phủ Đông Pháp đã chần chừ không muốn nhanh chóng chấp hành lệnh trục xuất.15Thương nhân người Việt cũng thường mang thực phẩm ra bán bằng ghe.16 Đặc biệt vào đêm 16 tháng 4, 1905, biết thủy thủ Nga sẽ ăn mừng lễ Phục Sinh, ghe thuyền của các thương nhân người Việt chở gà vịt, rượu đế ra bán cho tới khuya. Thủy thủ Nga nhận xét là các mặt hàng do người “An Nam” chở ra bán giá phải chăng, đặc biệt họ tấm tắc tán thưởng món rượu đế, khen là “mỹ tửu” giống rượu của người Nga17 – ý chừng muốn so sánh với rượu Vodka.

II

Có ai ngờ trong những ghe ra bán thực phẩm trên tàu Nga lúc ấy lại có chiếc ghe chở ba người giả dạng thương nhân để quan sát tận mắt văn minh cơ khí của phương Tây! Ba thương nhân giả dạng này không ai khác hơn là ba nhà chí sĩ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp trong chuyến Nam du.
Trong tự truyện, Huỳnh Thúc Kháng ghi lại về việc lên xem tàu Nga qua mấy dòng đơn giản như sau: “Lúc đi ngang qua Nha Trang, được tin chiến hạm Nga đậu tại Cam Ranh, bèn giả khách buôn, thuê thuyền đánh cá, mua trứng gà cùng trái cây các thứ, lên thuyền Nga xem rất khoái. Đấy chẳng qua vì tính thiếu niên hiếu kỳ, chứ không có ý gì”.18
Trong ba nhà chí sĩ nói trên, chỉ có Huỳnh để lại chứng từ về cuộc “thám hiểm” độc đáo này. Cũng dễ hiểu thôi, vì Trần Quý Cáp thì mất sớm – ba năm sau (1908), khi phong trào Dân biến ở miền Trung bột phát, cụ bị án sát Khánh Hoà là Phạm Ngọc Quát sát hại, còn Phan Châu Trinh thì ít khi đề cập đến việc riêng tư trong các trước tác văn xuôi (hầu hết là chính luận), hay nếu có nhắc tới chuyện riêng chăng nữa thì cũng để làm sáng tỏ những công việc chung có liên hệ tới đồng bào và đất nước mà thôi. Hơn nữa, người nước ta hầu như không có truyền thống biên chép chi tiết về mọi sự việc.
Các đây khá lâu, khi đọc những dòng chứng từ trên đây của Huỳnh Thúc Kháng, người viết không khỏi lấy làm lạ. Đã đành Huỳnh Thúc Kháng là người có trí nhớ tuyệt vời, hầu như chẳng bao giờ lẫn lộn các chi tiết, bởi vậy chúng tôi tin việc các cụ tự mình “tạo điều kiện” để lên quan sát chiến hạm Nga hơn 100 năm trước đây phải là chuyện có thật nên Huỳnh mới ghi lại trong tự truyện cho hậu thế biết. Tuy nhiên, người viết không khỏi thắc mắc vì sao một việc kỳ thú và có ý nghĩa như vậy mà từ trước tới nay ít thấy ai nhắc đến. Thắc mắc ấy cứ lởn vởn trong đầu. Chuyện mạo hiểm của các cụ xui chúng tôi nhớ lại một mẩu chuyện tương tự xảy ra ở Nhật Bản vào giữa thập niên 1850.
Khi chiến thuyền của đề đốc Matthew Perry (Hoa Kỳ) đến Nhật lần đầu tiên vào năm 1853, nhà chí sĩ Yoshida Shôin (người mà Phan Bội Châu thường gọi là Cát-điền Tùng-âm 吉田松陰) nhận thấy cần phải tìm hiểu về Tây phương nên đã táo bạo chèo thuyền nhỏ ra biển rồi tìm cách đột nhập lên tàu của Perry để tìm đường du học. Kế hoạch không thành, Shôin bị bắt và bị giao trả lại cho cơ quan hữu trách Nhật, rồi bị giam lỏng một thời gian trước khi bị hành quyết. Qua những hành động quả cảm trong cuộc đời vỏn vẹn 29 năm, sau khi mất Shôin được người Nhật xem là “người đi tiên phong của phong trào dẫn đến Minh Trị Duy tân”. Một chi tiết rất ít được biết tới, nhưng cụ Ngô Đức Kế có thuật lại rằng khi quan tỉnh lên án đày Huỳnh Thúc Kháng ra Côn Đảo (1908) “có dẫn việc đi xem thuyền Nga mà bắt tội”.
Nhớ lại chuyện cũ, gần đây chúng tôi tìm đọc các sách nói về hạm đội Baltic thử xem có cuốn nào ghi lại thời gian hạm đội cập bến ở Cam Ranh hay chăng. May mắn thay, chúng tôi tìm được hai cuốn sách tiếng Anh, một cuốn đặc biệt nghiên cứu về hạm đội Baltic và một cuốn là hồi ký của một sĩ quan Nga trên hạm đội Baltic còn sống sót sau trận hải chiến với hải quân Nhật ở eo bể Đối Mã. Cả hai cuốn thuật lại khá chi tiết những sự việc xảy ra khi hạm đội vào đậu ở Cam Ranh. Hai cuốn sách đó là : The Fleet That Had to Die (Hạm đội phải bị tiêu diệt) của Richard Hough và Tsushima (Eo bể Đối Mã) do A. Novikoff-Priboy trước tác. Những thông tin về hạm đội Baltic trong thời gian cập bến ở Cam Ranh trong phần đầu của bài viết này phần lớn dựa theo hai nguồn tài liệu đó. Căn cứ vào những thông tin này chúng tôi mới biết chắc là có khá nhiều ghe thuyền của các thương nhân người Việt ra bán thực phẩm cho thủy thủ và việc lên tàu của các thương nhân này cũng khá dễ dàng – một phần có lẽ do nhu cầu khẩn thiết của thủy thủ người Nga về lương thực, đặc biệt là các thức ăn tươi. Do đó, chúng ta có thể suy luận là việc giả dạng làm thương nhân của ba nhà chí sĩ chắc hẳn cũng không mấy khó khăn, điều cốt yếu là cần phải có óc quả cảm, táo bạo và liều lĩnh thì họa hoằn mới dám nghĩ tới kế hoạch đó.
Vậy trong bộ ba Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp, ai là người khởi xướng việc này? Chắc hẳn người đó không phải là Huỳnh Thúc Kháng, vì đúng như nhà nghiên cứu Huỳnh Lý đã nhận xét, Huỳnh Thúc Kháng “nhanh nhạy chốn trường ốc nhưng chất phác ở ngoài đời”.19 Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp tính tình đã hăng say mà còn có tầm nhìn sâu rộng, đặc biệt Phan là người “từng trải và nhạy bén”20 và chắc hẳn là nhân vật có đầu óc táo bạo nhất trong bộ ba. Chỉ cần xem một vài hành tung của Phan thì rõ.
Ví dụ, chẳng bao lâu sau chuyến Nam du, khi nghe tin Phan Bội Châu đã đi Nhật, Phan Châu Trinh đã tìm cách lặn lội sang Quảng Đông là chỗ Phan Châu Trinh hẹn với Phan Bội Châu, rồi từ đó sang Nhật chừng 2 tháng (vào năm 1906) để nhìn tận mắt đất nước mới canh tân sau Minh Trị Duy Tân. Chính vì Phan Châu Trinh đã quan sát hạm đội Baltic tại Cam Ranh mà chẳng bao lâu sau đó bị Nhật Bản đánh tan tành, Phan chắc hẳn lại càng muốn nhìn nước Nhật bằng chính mắt của mình. Rồi cũng chính Phan Châu Trinh, sau khi được phóng thích từ lao tù Côn Đảo vào năm 1910, đã tìm đường sang ngay chính nước Pháp để tìm con đường giải cứu cho đồng bào. Tư tưởng “Nhiều tay vỗ nên bộp” và “Không vào tận hang hùm sao bắt được cọp” được thể hiện suốt cuộc đời xả thân vì đồng bào, vì nước quên mình của Phan Châu Trinh.
Phan Châu Trinh từng nói: “Việc đời không thể ngồi một xó mà nói được; huống chi thời cuộc chừ gió mây biến đổi, trăm dạng nghìn hình, có đi tới tận nơi mới thấy rõ được”.21 Bởi thế, chúng ta sẽ không ngạc nhiên nếu trên thực tế, giữa Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp, chính Phan Châu Trinh là người đầu tiên ngỏ ý về cuộc đi quan sát văn minh Tây phương táo bạo ngay ở vịnh Cam Ranh hơn 100 năm trước đây.

Vĩnh Sính

Diễn Đàn Forum số 150, tháng 4, 2005, dưới tiêu đề “Chuyện một trăm năm trước – Tháng 4, 1905 ở vịnh Cam Ranh”.
Viết thêm và sửa lại xong vào cuối tháng 7, 2010.

1 Ngày bắt đầu của chiến tranh Nhật-Nga mà Nhật Bản công bố khác các nước khác. Lý do vì mồng 10 tháng 2 là giờ Nhật chính thức tuyên chiến, nhưng kỳ thật Nhật đã nổ súng từ mồng 9 tháng 2.
2 Huỳnh Thúc Kháng, Phan Tây Hồ Tiên sinh lịch sử (Huế: Nxb Anh Minh, 1957), trang 18.
3 Như trên.
4 Như trên.
5 A. Novikoff-Priboy, Tsushima (Eo bể Đối Mã) do Eden và Cedar Paul dịch sang tiếng Anh từ tiếng Nga (New York: Alfred A. Knopt, 1937), trang 95.
6 Richard Hough, The Fleet That Had to Die (Hạm đội phải bị tiêu diệt) (New York: The Viking Press, 1958), trang 137.
7 Như trên, trang 129.
8 Như trên, trang 127.
9 Như trên, trang133.
10 Như trên.
11 Như trên, trang 132.
12 Như trên, trang 135.
13 Như trên, trang 136.
14 Novikoff-Priboy, trang 95.
15 Hough, trang 135.
16 Novikoff-Priboy, trang 97.
17 Như trên, trang 98.
18 Huỳnh Thúc Kháng tự truyện, Anh Minh dịch ra quốc ngữ từ Hán văn. (Huế: Nxb Anh Minh, 1963), trang 26-27.
19 Huỳnh Lý, Phan Châu Trinh : Thân thế và sự nghiệp (Đà Nẵng : Nxb Đà Nẵng, 1993), trang 42.
20 Như trên.
21 Huỳnh Thúc Kháng, Phan Tây Hồ Tiên sinh lịch sử, trang 18.

Thứ Ba, 3 tháng 8, 2010

TƯỜNG NHÓ TỚI "PAPMEL-VUA CHÂN VỊT"


Trên các trang mạng,các bạn trẻ tìm cách tính theo đồ thị Papmel

Với những ai làm nghề đóng tàu ,dù học trong nước hay du học tại Trung Quốc,Liên Xô,Ba Lan …,nói tới chân vịt tàu ,ai cũng phải biết tới cái tên Pap-men.Một cái tên lạ,không phải tên Nga ,mà lại là nhà thiết kế,tính toán chân vịt Liên Xô nổi tiếng,với những công thức mà ta gọi là công thức Papmel.Ông chính là người Đức ,sinh ra tại Đức rồi theo gia đình nhập cư vào Nga với cái tên đầy đủ là Eduard Eduarovitr Papmel (ПАПМЕЛЬ ЭДУАРД ЭДУАРДОВИЧ 1884-1952).Tốt nghiệp tại Trường Cao Đẳng Đóng Tàu Midway,Papmel vào làm việc tại nhà máy đóng tàu Lessner ở St Peterburg từ năm 1911 vào tuổi 27,sau đó chuyển sang nhà máy Becker tại Revel,những nhà máy của người Đức kinh doanh tại nước Nga.Cuộc Cách Mạng Tháng Mười nổ ra,gia đình Papmel ở lại với nước Nga,không di tản như nhiều kiều dân khác.Tài năng của Papmel ngày càng bộc lộ,ông là thiết kể chính nhiều phương án trong Viện Nghiên Cứu Khoa Học Đóng Tàu НИИВК (sau là Viện Krưlov) và là Trưởng Phòng các Thiết Bị Đẩy Tàu của Viện Thiết Kế số 45 (ЦНИИ-45) .Hầu như tất cả chân vịt của mọi phương án tàu quan trọng như tàu vận tải lớn,tàu đánh cá,tàu chiến…đều do Ông trực tiếp tính toán và theo dõi thi công…Ông cũng là nhà nghiên cứu Xô Viết hàng đầu về vấn đề xâm thực (cavitation) và siêu xâm thực của chân vịt,một vấn đề cực kỳ quan trọng của các tàu chiến đấu …
Như ta đã biết vào những năm 30,cuộc “khủng bố trắng” đã xẩy ra ,nhiều người vô tội,nhiều nhà khoa học bị nghi ngờ là “thế lực thù địch”,là “kẻ thù của nhân dân “ ,tất cả đều bị cầm tù hoặc được “cải tạo” trong các trại tập trung không có bản án ,với phương châm “thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót”.Để tận dụng tài năng của những tù nhân ,nhiều người là trí thức hàng đầu,Genrich Yagoda,Chủ Nhiệm Ủy Ban An Ninh khét tiếng toàn Liên Xô lúc đó (sau này chính là KGB còn vào những năm 30 có tên là OGPU rồi NKVD ) đã tuyên bố :”Với các phần tử sâu mọt,kẻ thù của nhân dân này,cần phải tập trung để làm việc trong khuôn khổ của OGPU với các Phòng Thiết Kế đặc biệt …” Từ “sáng kiến” của Yagoda,hàng loạt trại tập trung Gulag ra đời (mà ngày nay ta biết được qua tiểu thuyết Quần Đảo Gulag của nhà văn Nga nổi tiếng Solzhenytsyn) ,và nhiều thành phố đều có các phòng Thiết Kế Đặc Biệt tiếng Nga là Остехбюро để các kỹ sư ,các nhà bác học vắt óc sang tạo trong tù đầy.Nhiều kỹ sư đóng tàu đã “vinh dự “ được đăng ký vào Phòng Thiết Kế đó ví như Bzhejinski (Бжезинский В.Л. ),một kỹ sư đóng tàu Xô Viết xuất sắc ,người Nga gốc Ba Lan,có họ hàng với cố vấn diều hâu Zbigniew Bzhejinski của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter sau này .Tốt nghiệp Trung Cấp Kỹ Thuật Hàng Hải ,sĩ quan hải quân Nga Hoàng.Dưới thời Xô Viết, Bzhejinski đã đạt tới những chức vụ cao trong Hải Quân như Trưởng Phòng Thiết Kế (Техбюро №4)số 4 vào năm 1933 ,trưởng nhóm nghiên cứu Viện Krylov và đã cho ra đời 3 mẫu tàu ngầm siêu nhỏ (1934-1935).Trong các năm “khủng bố trắng” 1937-1938 dưới thời Stalin,đã bị bắt nhưng “được” hưởng chế độ lao động khổ sai trong tổ chức thiết kế đặc biệt có tên là Phòng Thiết Kế Đặc Biệt.Tại đây,ông tiếp tục cho ra đời hai mẫu tàu ngầm tí hon khác và cùng với một bạn tù khác,một giáo sư ,đảng viên nổi tiếng Ramdin (Л.К.Рамзин,bị quy kết trong vụ Chống Đảng "Промпартии"),đã cho ra đời bản thiết kế tàu phóng lôi “Thực Nghiệm”.Cuối cùng ông đã chết trong lao tù.Trường hợp của Bzhejinski không phải là đặc biệt.Hàng trăm nghìn trí thức hàng hải khác đã bị lao tù ,bị bắn chết trong các thập kỷ 20-30.Ngay trong cái “phòng thiết kế đặc biệt Остехбюро” còn giam giữ và bắt phải tiếp tục sáng tạo những người như Startrik (К.В.Старчик),một nhà phát minh người Nga gốc Tiệp,Bekauri (В.И.Бекаури)người Grudi,Trusov (Г.М.Трусов),Sukin( Ф.В.Щукин) …tất cả đều là các chuyên gia thiết kế tàu chiến . Sukin bị bắn năm 1938 với tội danh là “có những họat động thù địch-"за вредительскую деятельность"một tội danh phổ biến thời đó cũng như các tội danh gián điệp,chống lại nhân dân... Còn Bekauri ,người giữ chức lãnh đạo của Phòng Thiết Kế Đặc Biệt suốt từ năm 1921,sau chuyến công tác nước ngoài trở về vào năm 1936 bị nghi ngờ là phản bội và cũng bị bắn chết vào năm 1938.Papmel ”may mắn” hơn ,hay vì người ta cần tới ông,nên mãi tới năm 1941 mới ”vinh dự” vào lao động khổ sai trong cái Phòng Thiết Kế Đặc Biệt này và hai năm sau ông được thả .Trở về cuộc sống bình thường,ông khó làm việc sau những năm tù đầy,với bệnh lao ngày càng trầm trọng.Papmel mất năm 1952 vào tuổi 68.
Người đầu tiên kể cho tôi câu chuyện bi thảm về Papmel và các kỹ sư hàng hải trong cuộc khủng bố trắng chính là Lev Skriaghin,một tác giả Xô Viết có nhiều tác phẩm về biển cả và đóng tàu,trong cuộc thăm viếng nhà văn tại Leningrad vào mùa xuân năm 1992.Nếu các bạn lật lại các trang tạp chí ,sách vở hàng hải nước ta những năm 70,80 có các câu chuyện về tàu Titanic,về tiếng chuông Đăng Kiểm Lloyd’s,những bài đó thường được dịch hay viết phỏng theo Lev,vì có lẽ ông là người duy nhất có ”hộ chiếu biển”đi khắp thế giới ,biết các câu chuyện mà ”phe XHCN” không được biết.Chẳng thế mà sách của Lev được dịch ra cả các thứ tiếng Ba Lan,Bulgari,Rumani và Việt Nam !!Vào tháng Hai năm 1942,khi con tàu Normandie bị lật chìm tại cầu tàu 88 ,Manhattan NewYork,Lev là một cậu bé 13 tuổi đã chạy ra tận nơi,chen giữa đám đông để chứng kiến,chắc chắn Lev phải là một ”hạt giống đỏ” mới có điều kiện sống tại trung tâm tài chính của đế quốc Mỹ như vậy.Nhưng chính cha ông,một cựu nhân viên tình báo hải quân ,núp dưới bộ áo ngoại giao ,lại suýt chết vì bị quy kết là ”kẻ thù của nhân dân”.May thay,lãnh đạo Hải quân Xô Viết lúc đó là Kuznetsov đã ra tay cứu vớt kịp thời khỏi tội chết,nhưng rồi đến lượt Kuznetsov ilại bị ”quy kết ” và thất sủng và mãi tới những năm 90 mới được phục hồi.
Cũng nhằm phục hồi và xóa bỏ những vết nhơ trong quá khứ mà ngày 12/04/2006 Vladimir Putin đã quyết định biến khu nhà tù có tên lóng là Krest (Chữ Thập) ngay trung tâm thành phố St Peterburg thành một khu giải trí .Đó là hai khu nhà gồm hai dãy giao nhau hình chữ thập,trên một khuôn viên rộng hơn 4,5 ha,nhìn ra sông Nêva và điện Smolny.Vào những năm 30,chính tại Phòng Thiết Kế đặc biệt hay cái sharashka như tên lóng mà các kỹ sư Nga của chúng ta gọi nó ,nằm trong khu nhà tù Krest chứa được gần 1200 người này,”Papmel Chân Vịt” đã từng làm việc trong roi vọt...Ta càng hiểu vì sao mà có thành ngữ nói về tài năng ” nảy mầm tại Moskva,nở hoa tại...Washington” !!!

Phòng thiết kế đặc biệt trong nhà tù Krest nằm bên sông Nêva,nơi Papmel đã từng bị cầm tù và làm việc,hai dẫy nhà 5 tầng giao nhau hình chữ thập nhìn từ máy bay

CẦN NGHIÊN CỨU SÂU VỀ TRỊNH HÒA



Bên bản sao như thật chiếc thuyền Trịnh Hòa tại Bảo Tàng Nam Kinh tháng 05-2010
Một lần nữa câu chuyện Trịnh Hòa lại được Trung Quốc đưa lên thành mục tiêu điểm trong chiến lược bành trướng của mình.Là người Việt Nam chúng ta cần hiểu sâu,hiểu đúng về Trịnh Hòa ,tránh mắc mưu tuyên truyền của họ.Bản thân tôi,mùa động năm 2005 đã tự tới huyện Tấn Ninh,Côn Minh tham dự lễ 600 năm chuyền đi Trịnh Hòa và tháng 05 năm nay,tới Nam Kinh thăm mộ gió của Trịnh Hòa và nhà bảo tàng Tam Bảo.Vấn đề Trịnh Hòa tôi sẽ đưa dần lên blog,hôm nay xin giới thiệu bài báo trên BBC


Trịnh Hòa và ngoại giao 'hòa bình'
Zoe Murphy
BBC News
Đô Đốc Trịnh Hòa từng bị lãng quên vài trăm năm
Cao hơn 2,1m, Đô đốc hải quân Trung Hoa Trịnh Hòa đã lãnh đạo đội quân hùng mạnh với 300 chiếc thuyền và khoảng 30.000 quân.
Vốn là thái giám gốc Hồi Giáo, ông qua đời năm 1433, thọ 62 tuổi và được chôn cất ở Nam kinh.
Tháng sau các nhà khảo cổ sẽ bắt đầu khai quật ngoài khơi Kenya để xác định một xác tàu được tin là thuộc về nhân vật mà theo giới sử gia thì đã tạo ra hứng khởi cho câu chuyện Thủy thủ Sinbad.
Các nhà khảo cổ Trung Quốc đến quốc gia châu Phi trong tuần này với hy vọng xác tàu này sẽ cung cấp bằng chứng về mối liên hệ đầu tiên giữa Trung Quốc và miền đông châu Phi.
Ra khơi cách nay trên 600 năm, hạm đội của Trịnh Hòa đã thực hiện bảy chuyến đi đầy anh hùng, đến vùng Đông Nam Á, Trung Đông, và châu Phi.
Một số người còn nói thậm chí ông đã đến cả châu Mỹ, vài chục năm trước ngày nhà thám hiểm nổi tiếng châu Âu Christopher Columbus, mặc dù câu chuyện này vẫn đang gây tranh cãi sâu rộng giữa các nhà viết sử.
Trịnh Hòa, được biết đến như Đô đốc thái giám Tam Bảo, đem theo quà cáp của hoàng đế Trung Quốc trên chiếc bảo thuyền dùng để chứa các loại hàng hóa quý báu như vàng, đồ gốm và lụa.
Các chiếc thuyền này đã mua bán dọc theo tuyến đường đã định hình trong thế giới Ảrập để mua ngà voi, và thậm chí con hươu cao cổ đầu tiên của Trung Quốc, trong chuyến đi vận động các nước thừa nhận triều đại mới của nhà Minh.
Nhưng chỉ trong vài năm sau ngày chết, dường như Trịnh Hòa bị loại khỏi tâm trí dân chúng, và sau nhiều thế kỷ huyền thoại về ông bị bỏ qua khi Trung Quốc quay lưng lại với thế giới và bước vào một giai đoạn dài cách ly.
Bây giờ Trịnh Hòa lại nổi tiếng trở lại, và đằng sau sự khôi phục ấy không chỉ là sự tò mò lịch sử đơn thuần.
Xác tàu
Chiếc tàu bị đắm được tin là thuộc về hạm đội của Trịnh Hòa, đến thị trấn bờ biển Malindi vào năm 1418.
Người Trung Quốc có vẻ tự tin sẽ tìm thấy xác tàu gần quần đảo Lamu, nơi người ta tìm được các mảnh vỡ đồ gốm từ thời Minh.
Chính phủ Trung Quốc đầu tư 3 triệu USD cho dự án liên kết kéo dài ba năm, mà Kenya nói hy vọng sẽ đưa ra các phát hiện quan trọng về mối quan hệ sơ khai giữa Trung Quốc và châu Phi.
Người ta tin sẽ tìm thấy xác tàu đắm ở ngoài khơi Kenya
Giới phân tích nói câu chuyện này rất hợp với chính sách ngoại giao của Trung Quốc với các nước châu Phi, được thực hiện để bảo đảm nguồn khoáng sản và ảnh hưởng chính trị.
Trịnh Hòa, mà phiên âm tiếng Anh thường là Zheng He hay Cheng Ho, vốn đã được coi là anh hùng dân tộc: được đảng cộng sản Trung Quốc coi là người tiên phong trong chính sách "mở cửa" của Trung Quốc một lần nữa đưa Trung Quốc thành cường quốc thế giới.
"Sự đi lên của Trung Quốc kéo theo nhiều lo ngại," theo Geoff Wade từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore."
"Trịnh Hòa được trình bày như một biểu tượng của sự mở cửa của Trung Quốc ra thế giới, một đại sứ của hòa bình và hữu nghị - hai chữ đó hầu như luôn xuất hiện mỗi khi Trịnh Hòa được nhắc đến bên ngoài Trung Quốc," lời GS Wade.
Trong các cuộc nói chuyện với lãnh đạo khối ASEAN hồi đầu năm, ủy viên quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc, cũng là nhân vật hàng đầu trong chính sách đối ngoại, nói: "Tôi muốn bảo đảm với quý vị rằng Trung Quốc không đáng sợ."
Các chuyến hải trình của Trịnh Hòa, ông nói, là để đem "đồ gốm, lụa và trà hơn là máu, cướp hay thuộc địa" - nhắc đến các biện pháp bạo lực mà các nước thực dân phương Tây từng dùng.
"Đến hôm nay, Trịnh Hòa vẫn được nhớ đến như một đại sứ của hữu nghị và hòa bình," ông Đới nói.
'Tiện dụng'
Trịnh Hòa là đô đốc hải quân của thời đại "đế chế", khi không có biên giới, không có giới hạn vùng biên, theo chuyên gia về Trung Quốc Edward Friedman.
"Chuyến du hành là các sự kiện lớn thực sự - thành tựu của Trịnh Hòa là kỳ diệu và đặc biệt vào thời điểm đó," theo GS Friedman từ Đại học Wisconsin-Madison.
Nhưng chi tiết từ câu chuyện của Trịnh Hòa được diễn giải khác nhau, và phiên bản cổ động cho chính phủ Trung Quốc bỏ qua lịch sử để phục vụ chính sách ngoại giao, ông nói.

Con tàu của Trịnh Hòa biến thành biểu tượng "mở cửa" của Trung Quốc
Lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, được coi là kiến trúc sư trưởng cho quá trình "mở cửa" Trung Quốc hồi thập niên 1980 nói Trung Quốc sẽ không bao giờ theo đuổi quyền bá chủ.
Và chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhiều lần nói phát triển hòa bình là chọn lựa chiến lược của chính phủ Trung Quốc.
GS Geoff Wade là sử gia từng dịch các tài liệu thời Minh liên quan đến các chuyến đi của Trịnh Hòa, không đồng ý với các mô tả về một nhà thám hiểm hiền hòa.
Ông nói các tài liệu lịch sử cho thấy các con thuyền châu báu chở vũ khí tối tân và tham gia ít nhất ba cuộc giao tranh lớn ở Java, Sumatra và Sri Lanka.
"Bởi vì hoàn toàn không có phân tích mang tính phê bình đối với các văn bản đó, thậm chí ngay cả hiện nay - quyền viết sử vẫn ở trong tay nhà nước - rất khó cho người Trung Quốc coi nhà nước là nguy hiểm, bành trướng, hay hiếu chiến đối với các nước láng giềng."
"Chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc được nuôi dưỡng trên sự thiếu hiểu biết về các quan hệ trong quá khứ. Cách thể hiện Trịnh Hòa là một phần trong đó."
Hội Trịnh Hòa quốc tế ở Singapore không đồng ý với "tư tưởng phương Tây", và nói các trận chiến mà ông tham gia chỉ là trả đũa hoặc là diệt cướp biển.
"Các sự kiện đó khó có thể là trận chiến thực sự trên thực tế mà thay vào đó, thể hiện rõ chính sách ngoại giao hòa bình của Trịnh Hòa," theo phát ngôn nhân của hội Chen Jian Chin.
Nhiều lớp vỏ khác nhau bao quanh câu chuyện huyền thoại về nhà hàng hải cổ đại Trung Quốc.
Theo truyền thuyết Kenya, một số thủy thủ từ con thuyền bị đắm của ông sống sót và được phép ở lại, kết hôn với phụ nữ địa phương.
Có tin nói các xét nghiệm DNA cho ra bằng chứng về nguồn cội Trung Hoa và một phụ nữ Kenya, Mwamaka Shirafu, được cấp học bổng để học y học Trung Hoa ở Trung Quốc, nơi bà đang sống.
"Bà cũng là một biểu tượng của hòa bình quốc tế và hữu nghị như bất kỳ di sản lịch