Điều khó hiểu về tù binh trong hải chiến Hoàng Sa (Kỳ 3)

(PetroTimes) - Đề cập đến việc trao trả các binh sĩ VNCH bị Trung Cộng bắt giữ sẽ làm rõ nhiều vấn đề, nhất là về thái độ của các nước có liên quan trực tiếp là Trung Cộng và VNCH cũng như tổ chức Hồng thập tự quốc tế, bởi việc trao trả tù binh “không như bình thường”, báo chí đương thời bị bưng bít nhiều thông tin, không tiếp cận được với các tù binh và những người thực hiện việc trao trả tù binh.


Sau khi cuộc hải chiến diễn ra, cả hai bên giao chiến đều có những thiệt hại nhất định dù ưu thế quân sự nghiêng về Hải quân Trung Cộng. Bởi vậy, việc bắt chiến sĩ Hải quân VNCH làm tù binh theo những thông tin báo chí lúc bấy giờ có những sắc thái khác nhau. Trong tổng số các chiến sĩ VNCH tham gia vụ Hoàng Sa, sau cuộc đụng độ đã phân tán thành 4 bộ phận khác nhau.
Bộ phận thứ nhất, điển hình là các chiến sĩ thuộc Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16), dù bị trúng đạn nhưng Tuần hạm dương vẫn còn hoạt động được và về đến Sài Gòn. “Ngày 30-1-1974, Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt trúng đạn Trung Cộng về tới Sài Gòn và được đón tiếp trọng thể tại bến Bạch Đằng với sự tham dự của nhiều thân nhân thủy thủ đoàn".
Bộ phận thứ hai là do phương tiện chiến đấu bị hư hỏng nên không thể hoạt động hoặc bị chìm, sau đó được cứu trợ bởi tàu nước ngoài như trường hợp của 23 thủy thủ thuộc Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10). “Chiếc hộ tống hạm trên chở 82 thủy thủ nhưng tàu của Hà Lan chỉ cứu vớt được 23 người. Theo thiếu tá Trần Văn Ngà, phụ tá phát ngôn viên quân sự trong số 23 chiến sĩ khi về tới Đà Nẵng, có hai người chết là Đại úy phó hạm trưởng và một hạm viên, 21 thủy thủ còn lại có 2 người bị thương nặng".
Bộ phận thứ ba là do Hải quân Trung Cộng bắt làm tù binh, “tổng số người mất tích theo lời phát ngôn viên quân sự là 116 nhưng nhà cầm quyền Trung Cộng nói, họ chỉ cầm giữ 48 người".
Bộ phận thứ tư chính là những chiến sĩ VNCH đã bị mất tích trên biển. Tuy nhiên, có 3 vấn đề đáng lưu ý là: Hải quân Trung Quốc không bắt tất cả các chiến sĩ Hải quân VNCH mà họ có thể bắt làm tù binh; sự im lặng bất thường trong việc trao trả tù binh và sự trọng thưởng của chính quyền VNCH đối với các chiễn sĩ tham gia trận hải chiến Hoàng Sa. Ba vấn đề này có liên hệ khắng khít với nhau.
Các binh sĩ thuộc Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) sau khi bị hỏa tiễn của Hải quân Trung Cộng bắn trúng hầm chỉ huy và bị chìm, trong khi đó tàu của Hải quân Trung Cộng đi ngang qua chứng kiến tình trạng này nhưng họ không đến bắt mà bỏ đi như lời khai của các bĩnh sĩ của Hộ tống hạm này, sau khi được cứu vớt và về đến đất liền: “Chúng tôi có thể sắp bị bắt làm tù binh. Tôi ngoắc thủy thủ đoàn trên tàu của Trung Cộng, thủy thủ đoàn cũng ngoắc lại nhưng không đến cứu".
Có một câu hỏi được đặt ra là việc bắt binh sĩ VNCH làm tù binh được phát ra từ cấp có thẩm quyền cao nhất của Trung Cộng, hoặc của Chỉ huy trưởng lực lượng tham chiến tại Hoàng Sa hay chỉ là quyết định của các thuyền trưởng riêng lẻ trong lực lượng Hải quân Trung Cộng? Bởi việc có một “chỉ thị” nhất quán sẽ nói lên những hàm ý về tính chất của tranh chấp và việc giải quyết mâu thuẫn sau đó. Trên thực tế, các chiến sĩ VNCH bị bắt chủ yếu là những chiến sĩ đóng quân trên quần đảo Hoàng Sa như Địa phương quân, nhân viên khí tượng và 14 nhân viên thuộc HQ-4 đã đổ bộ lên đảo Cam Tuyền trước đó. Như vậy, Hải quân Trung Cộng không bắt các chiến sĩ trực tiếp tham chiến trên 4 tàu chiến của Hải quân VNCH làm tù binh mặc dù điều đó nằm trong tay của Hải quân Trung Cộng như trường hợp của các chiến sĩ thuộc Hộ tống hạm HQ-10.
Ngay sau khi các chiến sĩ thuộc Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) được cứu vớt và về đất liền, Ngoại trưởng VNCH lên án Trung Cộng: “Đã xâm chiếm các phần lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa và bắt đi một cách trái phép 121 binh sĩ của Quân lực VNCH, vì vậy Trung Cộng phải có nhiệm vụ trả tự do ngay cho các người này, chứ không cần phải có một thời gian nào đó thuận tiện như là Tân Hoa xã đã loan tải". Dưới áp lực về ngoại giao và tổ chức Hồng thập tự quốc tế, Trung Cộng đã tiến hành trao trả tổng số 48 tù binh, nhưng không được trao trả 1 đợt mà thành 2 đợt và tổ chức trong im lặng.
Đợt thứ nhất được trao trả vào ngày 31-01-1974 “gồm 4 chiến sĩ VNCH và 1 người Mỹ tại Shumchun thuộc biên giới tỉnh Quảng Đông và Hương Cảng". Đợt thứ hai vào ngày 17/02/1974 có “43 tù binh VNCH vừa được Trung Cộng thả hôm chủ nhật có thủy thủ Lý Chánh Hùng người Việt gốc Hoa". Trong số đó “có 13 hải quân, 23 chiến sĩ địa phương quân, 4 chiến sĩ công binh và 3 nhân viên khí tượng thuộc Đài khí tượng Hoàng Sa. Việc trao trả sẽ được diễn ra tại Tân Giới giữa Hồng Kông và Trung Hoa lục địa".
Trong đợt trao trả thứ nhất, chỉ có 5 tù binh và có người Mỹ, đồng nghĩa với việc liên quan đến quan hệ giữa Trung Cộng và Mỹ, điều này hiển nhiên sẽ tác động quyết định đến việc Trung Cộng cần trao trả càng sớm càng tốt. Trong lần trao trả thứ hai, “có thủy thủ Lý Chánh Hùng người Việt gốc Hoa. Vì anh ấy là tù binh duy nhất nói được Hoa ngữ nên anh đã làm thông dịch viên cho tù binh VNCH. Thủy thủ Lý Chánh Hùng nói rằng anh không muốn ở lại Hoa lục vì mỗi ngày anh và các đồng đội phải trải qua 3 tiếng đồng hồ tuyên truyền chính trị của Trung Cộng mặc dù Trung Cộng cho ăn uống khá”, vậy Trung Cộng cần giam giữ tù binh trong thời gian lâu hơn và có người Hoa để “tuyên truyền chính trị” nhằm xuyên tạc những sự thật lịch sử. Và, vô hình chung làm lộ rõ sự “bất chính” của Trung Cộng đối với sự kiện hải chiến tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974.
Ngược lại, VNCH muốn “đường đường chính chính” việc trao trả tù binh phải diễn ra công khai và được báo chí xâm nhập để chính minh tính “chính nghĩa” và là một “nạn nhân” như thế nào. Việc này VNCH không thể làm theo ý mình vì việc trao trả tù binh diễn ra trên ở Trung Cộng và do họ quyết định thời gian, địa điểm. Tuy nhiên, chính quyền VNCH đã chứng minh tính “chính nghĩa” bằng cách khác là tổ chức đón tiếp các chiến sĩ tham chiến khi về Việt Nam và thưởng cho họ một cách nồng hậu, các chiến sĩ trở thành đại diện cho ý chí của Việt Nam trong việc chiến đấu để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Trước hết là đối với các chiến sĩ chiến đấu trở về nhưng không bị bắt làm tù binh, thì ngày 30-1-1974, “Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt về tới Sài Gòn và được đón tiếp trọng thể tại bến Bạch Đằng với sự tham dự của nhiều thân nhân thủy thủ đoàn. Đề đốc Trần Văn Chơn, Tư lệnh Hải quân VNCH đã trao Anh dũng Bội tinh cho Trung tá Lê Văn Thự, Hạm trưởng HQ-16 cùng một số sĩ quan, hạ sĩ quan và đoàn viên thủy thủ. Các nữ sinh cũng choàng vòng hoa chiến thắng và sau đó các thân nhân thủy thủ đoàn được mời lên thăm chiến hạm".
Đối với các tù binh được trao trả, khi về đến Sài Gòn, có “một buổi lễ tiếp đón vô cùng long trọng sẽ được Phủ TUDV phối hợp với Tổng CTCT và các Tòa Đô chánh tỉnh Gia Định, với sự tham dự các đoàn thể sinh viên học sinh của các Hội đồng dân cử, các thân hào nhân sĩ. Tổ chức ngay tại phòng khách Danh dự phi trường Tân Sơn Nhất".
Đồng thời, để “tưởng thưởng những chiến sĩ Hải quân can trường chiến đấu tại Hoàng Sa. Bộ Ngoại giao trao tặng một ngân phiếu một triệu đồng cho các thương binh và gia đình của tử sĩ Hải quân tham chiến tại Hoàng Sa ngày 19-01-1974 vừa qua…. Ngoài ra, để ghi ơn các anh hùng tử sĩ cao đậm đã ngã gục lại hải đảo Hoàng Sa trong chiến trận vừa qua, tên tuổi của một số anh hùng có thể sẽ được chính quyền chấp thuận cho đặt tên một số đường phố tại Thủ đô".
Những hành động trên của chính quyền VNCH là những phản ứng thể hiện sự đồng thuận cao giữa chính quyền - người dân và các tầng lớp khác nhau trong xã hội đối với việc bảo vệ chủ quyền một cách “chính đáng” trong bối cảnh tình hình trong nước cũng như thế giới lúc bấy giờ.
Võ Hà (tổng hợp)