Thứ Tư, 17 tháng 8, 2016

Tiếp tục về đề tài Guyane .Chép lại lưu trữ

https://vimeo.com/114437934
TTO - Cuối tháng 4-2008, Tuổi Trẻ đã đăng loạt bài gồm 13 kỳ do nhà báo Danh Đức và nhóm phóng viên Tuổi Trẻ thực hiện, về nhà lao An Nam ở xứ Guyane - thuộc địa của Pháp ở Nam Mỹ.
Đề tài tiến sĩ của Pierre Michelon
Pierre Michelon tìm hiểu thông tin, hình ảnh và hiện vật liên quan đến các cựu tù nhân Việt Nam ở Guyane được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thái Bình - Ảnh: Q.TR.
Loạt bài này đã góp phần khơi dậy một giai đoạn lịch sử, một quãng đời thăng trầm của những nhà cách mạng Việt Nam bị đi đày ở xứ Guyane - nơi rừng thiêng nước độc hoang sơ đã lấy đi mạng sống của không ít người tù.
Vào tháng 6-2016, một cơ duyên nữa tiếp tục mở ra câu chuyện về tù nhân VN ở Guyane qua một người Pháp có tên Pierre Michelon. Lần này, các mảnh ghép câu chuyện về chân dung tù nhân đầy đặn hơn, gần gũi hơn.
Chúng tôi xin được chia sẻ câu chuyện ấy với bạn đọc, với hậu duệ của những tù nhân, với những người quan tâm đến lịch sử.
Bức email tình cờ
Cách đây hơn một năm, vào tháng 3-2015, tình cờ chúng tôi nhận được email của một người Pháp tên là Pierre Michelon.
Anh tự xưng là một nghệ sĩ, xin phép hẹn gặp chúng tôi để trao đổi về một đề tài mà anh đang theo đuổi - đó là câu chuyện về những người tù VN ở Guyane thuộc Pháp những năm 1930.
Thì ra Pierre đã tìm đọc được loạt bài nhà lao An Nam ở Guyane đăng trên báo Tuổi Trẻ năm 2008.
Trong cuộc gặp chóng vánh với chúng tôi, Pierre đã chia sẻ một số tư liệu lưu trữ được tìm thấy ở Pháp về một tù nhân VN bị đày đến Guyane năm 1931 tên là Trần Tử Yến, và ngỏ lời rằng anh sẽ cần đến sự giúp đỡ của chúng tôi nếu anh có dịp quay lại VN để tiếp tục dự án nghiên cứu của mình về cuộc đời những người tù VN bị đi đày ở Guyane.
Sau cuộc gặp năm 2015, cứ lâu lâu Pierre lại gửi cho chúng tôi một bức email để cập nhật tình hình nghiên cứu của mình.
Hóa ra câu chuyện về tù nhân VN ở Guyane là một trong những đề tài nghiên cứu bậc tiến sĩ của anh tại Trường Mỹ thuật Paris.
Một ngày nọ, chúng tôi nhận được tin vui rằng anh đã có được tài trợ của Viện Pháp (French Institute) cho chuyến quay lại VN để tiếp tục nghiên cứu về những người tù.
Anh cũng bày tỏ nguyện vọng được chia sẻ những tài liệu mình tìm được ở Pháp với tất cả những người quan tâm ở VN, với gia đình và hậu duệ của những người cựu tù ở VN, trong đó có gia đình cựu tù Lương Duyên Hồi và Bùi Hữu Diên quê ở tỉnh Thái Bình. (Lương Duyên Hồi là một trong những nhân vật khá đậm nét trong loạt bài của Tuổi Trẻ trước đây).
Pierre kể rằng anh bắt đầu quan tâm đến những hoạt động đấu tranh chống chế độ thuộc địa từ năm 2011. Anh đã đến Guyane thuộc Pháp để tìm hiểu về chế độ này.
Ở đó anh gặp vị bí thư của một đảng ly khai: Đảng Phong trào đẩy lùi chế độ thuộc địa và tiến bộ xã hội. Vị này khuyên anh nên tìm hiểu không chỉ những tù nhân bị đi đày người Pháp, mà còn có tù nhân đi đày từ nhiều vùng khác tới như châu Phi, VN, Trung Quốc...
Tình cờ vị này có một người bà con kết hôn với con gái của người cựu tù VN Trần Tử Yến. Từ đó, Pierre đã tìm cách gặp gia đình của Trần Tử Yến.
Sau khi từ Guyane trở về, Pierre tiếp tục tìm tòi các tư liệu lịch sử về nhà tù thuộc địa ở Guyane và về cá nhân Trần Tử Yến và những người tù khác từ các trung tâm lưu trữ, các nhà nghiên cứu sử học, nhà làm phim và thân nhân những cựu tù.
Anh tin rằng những người tù như Trần Tử Yến và câu chuyện của họ thể hiện một khía cạnh chân thực của lịch sử, về chế độ thuộc địa và những bạo lực và hà khắc của nó mà đôi khi người ta cố tình lãng quên.
Theo đuổi lịch sử bằng nghệ thuật
Trong bản giới thiệu về dự án lịch sử - nghệ thuật của Pierre Michelon về những người cựu tù có đoạn: “Những ngọn gió bẽn lẽn thì thầm thổi tới từ Guyane thuộc Pháp, từ Kanaky (vùng lãnh thổ thuộc Pháp ở Nam Thái Bình Dương, còn gọi là New Caledonia hay Tân Đảo - PV), từ VN, Algeria hay từ Pháp, những tiếng nói cất lên đã bắt đầu thoát ra.
Những tiếng nói này là của những người tù chính trị bị đi đày do quyền lực của chế độ thuộc địa mà họ đã quyết đấu tranh chống lại”.
Tấm màn lịch sử được dệt nên từ những câu chuyện đan chéo nhau qua các khu vực địa lý và các con đường định mệnh đã được kết nối lại.
Nhiều lý tưởng cách mạng và bối cảnh đấu tranh đã được gặp gỡ và từ đó gắn kết với nhau hoặc là chống lại nhau.
Những bức thư bí mật (dù có đến tay người nhận hay không) như những sợi chỉ sáng màu đã giúp xâu chuỗi và dệt nên tấm màn, những câu chuyện về lao động cưỡng bức, những trường hợp đào thoát hoặc mất tích đôi khi nổi lên như những yếu tố gây nhiễu trên bức màn dệt.
Cùng với hậu duệ của những người tù ở Guyane, khi nào có thể và khi họ muốn, Pierre Michelon đang thu thập một xêri các video mang đầy tính thơ, các bản dịch và những ký ức tập thể.
Pierre nói rằng anh lựa chọn con đường làm phim - video nghệ thuật dựa trên những nghiên cứu lịch sử, bởi vì phim ảnh là một công cụ có thể kết hợp nhiều yếu tố, vừa có thể ghi lại thời gian và tình huống, vừa bao gồm âm thanh, hình ảnh.
Nghệ thuật nói chung cho phép anh thoát khỏi những giới hạn của thực tế bằng trí tưởng tượng.
Và đôi khi, thông qua sự kết hợp giữa lối kể chuyện kết hợp hư cấu với những sự kiện, dấu vết lịch sử, người ta có thể đến với một câu chuyện rất gần với bản chất sự thật. Và đó là điều mà anh theo đuổi, tìm kiếm trong nhiều năm qua.
Pierre có mặt tại VN tháng 6-2016, mang theo máy quay phim, những xấp tài liệu dày về những người tù VN mà anh tìm được tại Viện Lưu trữ quốc gia hải ngoại vùng Aix en Provence - Pháp, một số phim và ảnh tư liệu từ một số nguồn khác.
Anh đi cùng với một kỹ sư âm thanh người Việt gốc Pháp, Diane Xuân Lan - cô gái trẻ nhỏ nhắn yêu ẩm thực VN, đặc biệt là nước mắm, và William Trần Tử Yến - anh chàng to lớn với vẻ mặt hiền lành, cháu nội của người cựu tù Trần Tử Yến.
Với một vẻ ngoài lặng lẽ và khiêm tốn, Pierre Michelon dường như rất phù hợp với vai trò nghệ sĩ - nhà nghiên cứu âm thầm lục tìm và xâu chuỗi những câu chuyện gây xúc động từ quá khứ vốn bị vùi lấp trong hàng núi những thông tin ở các kho lưu trữ và thư viện mà anh thường lui tới.
Anh dường như có thiên hướng quan tâm tới những gì dường như bị bỏ quên hoặc ít được nhắc đến. Và nhờ có anh, chúng tôi có thêm thông tin để bổ sung cho bức tranh số phận những cựu tù VN ở Guyane.
“Cùng với hậu duệ của những người tù ở Guyane, khi nào có thể và khi họ muốn, Pierre Michelon đang thu thập một xêri các video mang đầy tính thơ, những bản dịch và những ký ức tập thể