Trích bản tin TTXVN hôm nay 5/07/2010:
Đề nghị cách chức Chủ tịch tỉnh Hà Giang, kỷ luật Chủ tịch HĐQT Vinashin
Ngày 5/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có thông báo về nội dung kỳ họp thứ 32 của Ủy ban như sau:
Thực hiện chương trình công tác năm 2010, từ ngày 21/6 đến 3/7/2010, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng (UBKT TW) đã họp kỳ thứ 32 dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBKT TW. Kỳ họp đã thảo luận, xem xét, kết luận hơn 45 vụ việc, trong đó kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 2 tổ chức đảng và 6 đảng viên;
+ Kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với đồng chí Phạm Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (VINASHIN) trong việc huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn Nhà nước tại Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam.
Kết quả kiểm tra cho thấy, đồng chí Phạm Thanh Bình đã thiếu trách nhiệm trong việc huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn nhà nước tại Tập đoàn công nghiệp Tàu thủy Việt Nam gây hậu quả nghiêm trọng khiến VINASHIN bên bờ vực phá sản.
Trong những năm qua Tập đoàn đã báo cáo không trung thực với Chính phủ tình hình tài chính của doanh nghiệp; thành lập quá nhiều công ty con (gần 200) không đủ năng lực sản xuất kinh doanh; đầu tư dàn trải ra nhiều lĩnh vực ngoài ngành công nghiệp tàu thủy; đầu tư mua nhiều tàu biển cũ, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước; vi phạm nghiêm trọng quy định của Nhà nước về lập, phê duyệt, đấu thầu các dự án; các khoản nợ rất lớn, mất khả năng thanh toán.
Bộ máy quản lý vốn Nhà nước tại nhiều đơn vị thuộc tập đoàn thiếu năng lực. Đồng chí Phạm Thanh Bình còn bổ nhiệm con trai và em ruột làm đại diện phần vốn của Nhà nước, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trái quy định của Đảng và Nhà nước.
Những sai phạm của đồng chí Phạm Thanh Bình trong huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn của Nhà nước là do thiếu tinh thần trách nhiệm, cố ý làm trái và có biểu hiện vụ lợi cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội; các khoản nợ rất lớn, mất khả năng thanh toán, đến nay, nợ quá hạn và đến hạn không có khả năng thanh toán lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, hơn 5.000 lao động không có việc làm; các khoản nợ lương và bảo hiểm xã hội lên đến 234 tỷ đồng.
Vi phạm của đồng chí Phạm Thanh Bình đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật. UBKT TW quyết định thực hiện quy trình kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với đồng chí Bình. UBKT TW đề nghị Chính phủ xem xét trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan đối với những vi phạm của Tập đoàn VINASHIN; chỉ đạo các ngành chức năng (thanh tra, kiểm toán, tài chính, ngân hàng) đánh giá toàn diện, đúng thực chất đối với VINASHIN, từ đó rút kinh nghiệm đối với các tập đoàn khác trong những quyết định chủ trương đầu tư, quyết định xây dựng các công trình từ Hải Hà (Quảng Ninh) đến Cà Mau; có cơ chế đặc thù về tổ chức, hoạt động của các tập đoàn kinh tế, nhất là cơ chế thẩm định việc huy động, sử dụng vốn đầu tư ưu đãi của Nhà nước.
Qua vụ việc vi phạm của đồng chí Phạm Thanh Bình, UBKT TW yêu cầu các tập đoàn kinh tế khác cần chủ động tự kiểm tra, tự xem xét, đánh giá đầy đủ, chính xác kết quả sản xuất, kinh doanh báo cáo trước ngày 31/8/2010 để UBKT TW tiếp tục giám sát.
Đề nghị Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương thường xuyên kiểm tra, giám sát, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới
Báo Đại Đoàn Kết nói một chút về đời tư
Con tàu Vinashin (Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam) đang có nguy cơ chìm đắm trong nợ nần và bế tắc về tài chính, lẫn cả mô hình đầu tư và phát triển.
Nhiều dấu hỏi và phản ứng trái chiều sau động tác chuyển đổi mô hình Vinashin. Mấy ngày qua, báo chí đăng tải nhiều về việc này. Song những câu chuyện trái khoáy về vị “thuyền trưởng” Vinashin và các cộng sự đắc lực của ông thì chưa thấy dư luận nhắc đến. Hiện sai phạm của “thuyền trưởng” Vinashin Phạm Thanh Bình đang được thẩm tra xác minh.
Kết quả ban đầu, theo Đại Đoàn Kết nắm được: Chủ tịch HĐQT Phạm Thanh Bình đã bổ nhiệm nhiều người thân trong gia đình vào những vị trí chủ chốt, quan trọng của Tập đoàn. Trong đó nhiều trường hợp được cất nhắc nhanh chóng và vội vã đến bất ngờ.
Trước hết là con trai ông Bình: Phạm Bình Minh, sinh năm 1980, tốt nghiệp đại học New South Wales chuyên ngành kỹ sư vỏ tàu thủy. Về nước tháng 2-2003 thì được giao cương vị Trợ lý trưởng bộ phận Nhà máy tàu biển Huydai Vinashin. Tháng 8 đến 11-2004 được điều về Ban Kinh doanh đối ngoại Tập đoàn. Tháng 12-2004 đến 11-2007 về Viện Khoa học công nghệ tàu thủy, ngồi ghế Trưởng phòng dự án công nghệ. Ngày 12-12-2007 được bổ nhiệm Phó Viện trưởng. Chỉ nửa tháng sau, tiếp tục kiêm thêm chức Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm và kiểm định tàu thủy, kiêm chức Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Tư vấn thiết kế công nghiệp, kiêm chức Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm thuộc Viện Khoa học công nghệ tàu thủy, kiêm chức Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất.
Có thể nói, không có một nhân vật tài năng nào mà chỉ trong một thời gian quá ngắn lại liên tiếp được điều động, bổ nhiệm và kiêm nhiệm quá nhiều chức vụ quan trọng trên “con tàu” Vinashin như vị con trai của ngài Chủ tịch HĐQT.
Trường hợp thứ hai là em ruột ông Bình: Phạm Thanh Phong. Ông Phong tốt nghiệp tại chức Đại học Xây dựng năm 2000. Sau khi tốt nghiệp hệ tại chức, ông được bổ nhiệm Phó giám đốc Công ty Tư vấn công nghệ và dịch vụ tài chính thuộc Công ty Tài chính công nghiệp tàu thủy. Ngày 6-3-2006 được cử giữ chức Phó giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Vinashin. Ngày 8-9-2006 được điều động giữ chức Phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và xây dựng Vinashin. Sau khi được cử làm “đại diện” góp vốn từ Tập đoàn cho Công ty Cổ phần Vinashin- Tư vấn đầu tư, ông Phong giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc.
Thứ ba là em vợ: bà Phạm Thu Hằng. Từ 1996- 2004, bà Hằng được bổ nhiệm làm Trưởng văn phòng đại diện của Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam tại Nga. Từ 2004 đến nay làm Phó, rồi Trưởng ban Kinh doanh đối ngoại của Tập đoàn.
Điểm đáng chú ý thứ nhất là: Khi bổ nhiệm con trai mình, Chủ tịch HĐQT Phạm Thanh Bình đã không thông qua lấy ý kiến của Ban thường vụ Đảng ủy Tập đoàn và nghị quyết của HĐQT.
Điểm đáng chú ý thứ hai là việc ông Bình đã “xẻ” vốn nhà nước trong Tập đoàn để cho người trong gia đình mình đứng tên làm “đại diện”. Ngày 2-3-2009, Phạm Bình Minh con trai ông Bình được cử làm “đại diện” 10% vốn của Tập đoàn Vinashin để tham gia HĐQT công ty Cổ phần kỹ thuật đóng tàu Vinashin. Phạm Thanh Phong em trai ông Bình cũng được cử làm “đại diện” 51% vốn của Tập đoàn Vinashin và Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và xây dựng Vinashin tại Công ty cổ phần Vinashin- Tư vấn đầu tư.
Việc cử con trai và em ruột của Chủ tịch HĐQT Phạm Thanh Bình làm “đại diện” nguồn vốn của nhà nước là vi phạm, trái với “Qui chế quản lý tài chính công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác” tại khoản 5, điều 48, Nghị định 199/2004/NĐ-CP: “Tiêu chuẩn của người đại diện quản lý vốn: Không là bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột với những người là đại diện chủ sở hữu, người trong HĐQT, giám đốc doanh nghiệp có vốn góp vào doanh nghiệp mà người đó được giao trực tiếp quản lý...”
Như vậy, tại sao một nguồn vốn không nhỏ của nhà nước từ Tập đoàn Vinashin lại bị “xẻ” ra để cho con trai và em ruột Chủ tịch HĐQT Phạm Thanh Bình làm “đại diện”? Những việc làm sai nguyên tắc của vị “thuyền trưởng” Phạm Thanh Bình có là một trong những nguyên nhân chính làm “con thuyền Vinashin” chìm sâu và nợ nần, bế tắc ?
Là người soạn Bách Khoa Hàng Hải Việt Nam,tôi muốn nhắc lại tiểu sử của PTBinh
Phạm Thanh Bình (1953-)-kỹ sư đóng tàu,Chủ Tịch Tập Đoàn Vinashin.Sinh quán Hải Phòng.Tốt nghiệp vỏ tàu Đại Học Bách Khoa Gdansk (1977).Công tác tại Viện Thiết Kế Tàu và ngành công nghiệp đóng tàu liên tục từ 1978.Thư Ký Viện Trưởng kiêm Trưởng Phòng Phương Án (1986),Viện Phó (1994),Tổng Giám Đốc Tổng Công Ty Công Nghiệp Tàu Thủy Việt Nam (1996),Chủ Tịch kiêm Tổng Giám Đốc Tập Đoàn Vinashin (từ 2006)
Một vài lời bình luận
PT Bình kém tôi đúng một giáp tuổi và về Cục Cơ Khí Bộ GTVT sau tôi đúng một giáp .Với "Bình sếu" ,dân đóng tàu có cảm tình với một anh chàng kỹ sư năng nổ trong công việc .Nhưng từ khi có quyền lực,nhất là từ khi có "anh Ba",đó là một con người khác,xa lạ.Với tôi,tội lớn nhất của PT Bình không phải là ba cái chuyện lèm nhèm về tiền bạc,đó là lỗi cơ chế,tôi lớn nhất là đã dèm pha để dẫn dắt cả dân tộc này vào con đường sai lầm :đóng tàu để làm cái gì ?Dùng trí lực của mình để làm điều sai là tôi lớn nhất của kẻ có học ,với một lô các ông gọi là trong ngành a dua theo,như ông Lã,ông Trịnh...Thật xấu hổ !!!
Nhận xét của các nhà kinh tế,chưa thấy nhận xét của ngành đóng tàu
Việc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy VN (Vinashin) thực hiện tái cơ cấu chỉ ngay trước giờ G - tất cả các doanh nghiệp Nhà nước chưa cổ phần hóa phải chuyển đổi thành công ty TNHH Nhà nước một thành viên trước ngày 1-7 - khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi.
"Cái chết" được báo trước Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A phân tích: Một doanh nghiệp chỉ hoạt động hiệu quả nếu có sự ràng buộc ngân sách "cứng" và có cạnh tranh. Cả hai yếu tố này đều không có ở Vinashin. Do đó, sự đổ vỡ ở Vinashin phần lớn là do lỗi ở cơ chế. Vinashin và các tập đoàn kinh tế Nhà nước được thành lập trực thuộc Chính phủ, không chịu sự quản lý của các bộ chuyên ngành. Chính cơ chế không rạch ròi đã khiến Vinashin được hoạt động lập lờ "ở rìa" pháp luật. Ngoài việc được cấp vốn trực tiếp từ ngân sách, Vinashin còn được dễ dàng tiếp cận đất đai, vay vốn ngân hàng, đó cũng là một cách cấp vốn. TS Nguyễn Quang A lưu ý đã có thời điểm tập đoàn này đứng bên bờ vực phá sản, các khoản nợ đến hạn không có khả năng thanh toán, nhưng lại được Nhà nước cứu bằng cách yêu cầu các ngân hàng không được đưa các khoản nợ quá hạn của Vinashin vào danh mục nợ quá hạn. Những can thiệp như vậy khiến Vinashin "được khuyến khích" tiếp tục chi tiêu bừa bãi, đầu tư không tính toán căn cơ. TS Lê Đăng Doanh cũng cho biết các chuyên gia kinh tế đã nhiều lần cảnh báo sự yếu kém của Vinashin. Đáng chú ý nhất là cách đây 2 năm, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du đã có một báo cáo nêu rõ những hệ quả sẽ gặp phải từ việc đầu tư tràn lan kém hiệu quả, đa dạng hóa ngành nghề. Tiếc là những cảnh báo đó chưa được quan tâm, thậm chí Bộ Tài chính còn tỏ ý không hài lòng. Gán nợ của Vinashin? TS Nguyễn Quang A cho rằng tái cơ cấu ở Vinashin theo cách chuyển một phần dự án sang các tập đoàn khác, sau đó tiếp tục rót vốn cho Vinashin theo lộ trình thì vẫn là sự ràng buộc ngân sách mềm. Cách làm hiệu quả hơn là nên cho tập đoàn này phá sản, hình thành công ty con trực thuộc công ty mẹ là Tập đoàn Dầu khí hoặc một tập đoàn Nhà nước nào đó. Theo TS Lê Đăng Doanh, tái cơ cấu một tập đoàn Nhà nước như Vinashin phải được đánh giá rất nghiêm túc từ thực trạng, phương án nhưng các vấn đề này không được công bố rõ ràng, đầy đủ. Dư luận chỉ thấy Vinashin chuyển giao cho Vinalines (Tổng Công ty Hàng hải VN) và Petro VN (Tập đoàn Dầu khí VN) khá nhiều dự án thuộc lĩnh vực đóng tàu. Như vậy, không hiểu Vinashin còn lại lĩnh vực gì. "Tôi có cảm tưởng đấy là bước gán nợ của Vinashin cho hai doanh nghiệp khác. Như thế là đối phó chứ không phải tái cơ cấu" - TS Lê Đăng Doanh nhận xét.