Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

Hội thảo công nghiệp đóng tàu

(Petrotimes) - Sáng 16/9, tại trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã diễn ra hội thảo “Công nghiệp tàu thủy và công trình biển Việt Nam”. Điểm nhấn của cuộc hội thảo này là những tham luận của các đơn vị thuộc Petrovietnam về công nghiệp đóng tàu, dịch vụ dầu khí và các công trình chế tạo giàn khoan trên biển.

Đến dự buổi hội thảo có GS.TSKH Lã Ngọc Khuê – Phó chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật – Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam. Ông Đỗ Hữu Hào – nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương.

Về phía Petrovietnam có sự tham dự của ông Hoàng Xuân Hùng – Phó chủ tịch Hội đồng Thành viên, ông Vũ Quang Nam – Phó tổng giám đốc Petrovietnam.

Tàu dịch vụ dầu khí của PTSC.

Từ những ngày đầu khi Việt Nam chế tạo thành công tàu trọng tải 1.000 tấn nhưng phải kéo sang Quảng Châu để lắp đặt máy hơi nước, đến nay, Việt Nam đã có thể chế tạo những con tàu hàng 22.500 DWT; Tàu chở dầu, hóa chất 13.000 DWT.

Có thể nói giai đoạn 1996 – 2007 là thời kỳ huy hoàng của công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn này luôn đạt từ 35-40%/năm. Đội tàu quốc gia hiện nay có năng lực 7,3 triệu DWT với hơn 70.000 cán bộ công nhân viên. Nếu tính tới nhu cầu gia tăng 5%/năm và số lượng thay thế 5%/năm thì chỉ tính riêng nhu cầu vận tải, mỗi năm nước ta cần đóng mới 70-80 vạn tấn tàu.

Ở lĩnh vực đóng tàu, Petrovietnam đang cùng Vinashin song hành đóng nhiều tàu chở dầu, tàu dịch vụ dầu khí có công nghệ cao. Riêng các công trình trên biển, Petrovietnam đang hướng tới là nhà chế tạo, cung ứng công trình trên biển hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Nổi lên là dự án chế tạo giàn khoan tự nâng 90m nước của Công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard).

Dự án tiến hành toàn bộ khâu thiết kế chi tiết tại Việt Nam dưới sự giám sát của 5 chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm về lĩnh vực kết cấu; Điện và điện tự động; thiết bị khoan; đường ống. Toàn bộ công tác thi công của dự án được bắt đầu triển khai từ tháng 3/2010 với tổng khối lượng thi công dự kiến khoảng 9.685 tấn kết cấu, 950 tấn ống công nghệ; 1.748 tấn thiết bị, các hạng mục biển, điện tự động, 135.459 m2 bắn cát, phun sơn… Ngày 5/9/2011, giàn khoan đã được hạ thủy thành công, đánh dấu việc hoàn thành giai đoạn chế tạo quan trọng của giàn khoan.

Đây là thành công ngoài mong đợi của ngành cơ khí Việt Nam nói chung và cơ khí dầu khí nói riêng. Với tỷ lệ nội địa hóa đạt 35%, đánh dấu sự thành công bước đầu của chủ trương phát huy nội lực, góp phần tự chủ phát triển đất nước. Ngoài việc chế tạo, Petrovietnam còn giao cho Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) chế tạo, lắp đặt đầu nối các công trình dầu khí như giàn khoan, giàn khai thác, giàn công nghệ, chân đế, khối nhà ở trên biển.

Trước đây, các sản phẩm này đều phải nhập khẩu nhưng giờ đây, những sản phẩm mang thương hiệu Việt – PTSC đã xuất hiện dày đặc hơn trên biển Việt Nam. Năm 2010, PTSC đã tổ chức thi công chế tạo và hạ thủy thành công chân đế giàn khai thác Chim Sáo cho Công ty Premier Oil. Đây là cấu kiện dầu khí siêu trường siêu trọng lớn nhất được chế tạo tại Việt Nam từ trước đến nay với khối lượng trên 5.000 tấn. Tiếp nối thành công trên, PTSC đang thực hiện dự án Biển Đông cho Biển Đông POC với tổng khối lượng thi công chế tạo trên 30.000 tấn và giá trị trên 1 tỉ USD.

Một lĩnh vực quan trọng khác của PTSC là phục vụ các hoạt động khai thác dầu khí như cung cấp, quản lý, vận hành, khai thác và bảo dưỡng các tàu chứa xuất và xử lý dầu thô FSO/FPSO (Floating Storage Offloading/ Floating Production Storage Offloading). Hiện tại, PTSC đang sở hữu và đồng sở hữu 5 tàu FSO/FPSO; tổ chức cung cấp các dịch vụ vận hành, khai thác, bảo dưỡng sửa chữa cho trên 10 tàu FSO/FPSO trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc đóng mới tàu FSO/FPSO chủ yếu được triển khai thực hiện bởi các nước trong khu vực là Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Singapore…

Việt Nam chỉ có một tàu FSO 5 được triển khai đóng mới và đã bộc lộ điểm yếu của ngành đóng tàu tại Việt Nam là không đồng bộ các thiết bị, hệ thống các thiết bị dẫn đến FSO 5 không thật sự đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật cao nhất. Sắp tới, PTSC cùng các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ dầu khí trên biển sẽ gặp nhiều thách thức về yêu cầu kỹ thuật, công nghệ ở các dự án Sư Tử Trắng, Hải Sư Trắng – Hải Sư Đen, Ruby B-Gaslift, Thăng Long – Đông Đô, dự án Lô B&52 của Chevron… cũng như các nhu cầu về dịch vụ tàu FSO, FPSO.

Công ty Công nghiệp Đóng tàu Dung Quất đang đi tiên phong trong lĩnh vực đóng mới tàu cho ngành Dầu khí. Công ty Công nghiệp Đóng tàu Dung Quất chuyển từ Vinashin sang Petrovietnam từ tháng 7/2010 với trên 2000 công nhân. Theo khảo sát thì trong vòng nửa thế kỷ tới, nhu cầu chuyên chở các dạng năng lượng bằng tàu thủy vẫn chiếm 60% khối lượng. Đặc biệt, vùng biển nước sâu sẽ hứa hẹn là khu vực sôi động nhất trong hoạt động khai thác, chiếm 30% sản lượng dầu. Trên thế giới, trong vòng nhiều năm tới sẽ có 175.000km ống ngầm và hơn 6.000 giàn khoan phải thu dọn vì hết dầu khai thác. Đây là những nhu cầu lớn để ngành đóng tàu dịch vụ dầu khí Việt Nam mở rộng thị trường chế tạo các tàu dịch vụ dầu khí.

Như vậy, ngành đóng tàu dịch vụ dầu khí, vận chuyển dầu và các công trình biển đã và đang khẳng định được vị thế vững mạnh. Petrovietnam không chỉ vững mạnh trong việc khai thác và chế biến dầu khí mà còn đang dần chiếm lĩnh thị trường nội địa trong lĩnh vực sản xuất các phương tiện vận tải biển và công trình dầu khí.

Hầu hết các cơ sở đóng tàu không có đủ việc làm

Đức Chính

(PL)- Ngành đóng tàu VN đang gặp khó. Đó là đánh giá của Cục Đăng kiểm VN tại hội thảo “Tìm hướng đi cho ngành công nghiệp tàu biển VN” do Hiệp hội Khoa học Kỹ thuật Công nghiệp Tàu thủy VN phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN tổ chức ngày 16-9 tại Hà Nội.
Việt Nam - Ấn Độ: Có nhiều tiềm năng để hợp tác phát triển ngành công nghiệp đóng tàu
Thứ tư, 16/03/2011 21:15

(CAO) Việt Nam-Ấn Độ mở rộng cơ hội hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu là nội dung chính của Hội thảo hợp tác Ấn Độ-Việt Nam trong ngành công nghiệp đóng tàu do Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức vào ngày 15 - 3.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ nước Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam Ranit-Rae khẳng định, cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trong lĩnh vực đóng tàu là rất lớn, nhất là khi ngành công nghiệp đóng tàu trên thế giới đang hồi phục. Ông Ranit-Rae nhấn mạnh Ấn Độ rất quan tâm đến ngành đóng tàu của Việt Nam bởi Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp đóng tàu như đường bờ biển dài, chi phí nhân công rẻ. Ngoài ra, quá trình tái cơ cấu của Vinashin sẽ giúp ngành đóng tàu của Việt Nam trong tương lai sẽ “cất cao” hơn nữa.


Ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam đã có một bước tiến dài

Trong khi đó, Ấn Độ là một nước nổi tiếng về công nghiệp đóng tàu. Trong vài năm qua, ngành đóng tàu của Ấn Độ có bước phát triển vượt bậc, đặc biệt, trong khoảng thời gian từ năm 2002-2010, doanh thu đóng tàu của Ấn Độ tăng trưởng trên 250%.

Bên cạnh đó, Ấn Độ còn có thế mạnh về năng lực đóng tàu luôn được nâng cao, nhân công rẻ... Do đó, cơ hội hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực đóng tàu là rất lớn. Ông Ranit-Rae cũng chỉ ra một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp hai nước có thể tăng cường hợp tác như chuyển giao công nghệ và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ cho các xưởng đóng tàu.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cũng cho biết từ năm 2007, mối quan hệ giữa hai nước đã trở thành mối quan hệ đối tác chiến lược. Việt Nam và Ấn Độ đều là hai nước có ngành công nghiệp đóng tàu là một trong những ngành mũi nhọn của đất nước.

Trước đây, Vinashin đã ký biên bản ghi nhớ với Nhà máy đóng tàu Goa của Ấn Độ về lĩnh vực đào tạo. Hiện Vinashin đang có ý định xây dựng cơ sở sửa chữa tàu ở Cam Ranh. Thông qua cuộc hội thảo này, ông Trường mong muốn Vinashin sẽ tiếp cận với các đối tác tiềm năng của Ấn Độ để cùng đầu tư trong lĩnh vực này và cũng như các lĩnh vực khác, nhằm phát triển ngành công nghiệp đóng, sửa chữa tàu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và đa dạng hóa sản phẩm trong ngành đóng tàu.

Theo Cục Đăng kiểm VN, tính đến hết tháng 8-2011, VN có hơn 1.600 tàu biển. Đội tàu biển của VN có đầy đủ các loại tàu thương mại khác nhau, bao gồm tàu chở hóa chất, chở khí hóa lỏng, tàu cao tốc, tàu chở khách, tàu thăm dò địa chấn,...

Tuy nhiên, tám tháng đầu năm 2011, hầu hết các cơ sở đóng tàu không có đủ việc làm. Nhiều cơ sở đóng tàu nhỏ ra đời ồ ạt trong giai đoạn 2007-2009 đã phải ngừng hoạt động, giải thể. Đa số các dự án đóng mới tàu đều bị chậm tiến độ, nhiều dự án bị hủy bỏ, một số chiếc đang đóng mới đã phải chuyển sang cắt phá để thu hồi phế liệu. Các tàu đang khai thác cũng gặp nhiều khó khăn, phần lớn các chủ tàu đều bị thua lỗ, phá sản. Khoảng 20% tàu nhỏ và trung bình phải tạm ngừng hoạt động.

TRÀ PHƯƠNG