Nhân
kỷ niệm 100 năm sự kiện tàu Titanic,tôi nhớ lại những chuyến công tác du lịch ,tôi đã có dịp tới thăm cảng Southhampton nước
Anh ,nơi con tàu đã xuất bến ,thăm cầu tàu 88 Newyork Hoa Kỳ nơi con tàu dự định
cập bến và nghĩa trang tại Halifax Nova Scotia Canada chôn cất những con người
xấu số
Con tàu "xe tang" Mackay-Benneth
THĂM NGHĨA TRANG NẠN NHÂN TITANIC
Năm 1997 ,vào những ngày kỷ niệm 85
năm ngày ra đi của Titanic ,tôi đã có cơ may có mặt tại cảng Halifax vùng Nova
Scotia Canada .Lần đẩu tiên có dịp được sang phương Tây,lại đi họp về an toàn
trên biển tại St John ,một thành phố
Canada không xa Bắc Cực là bao.Trên đường quay về ,tôi quyết định dừng lại
Halifax hai ngày với mục đích duy nhất ,xem lại những di vật của con tàu
Titanic vì thật khó mà có một chuyến đi
xa như vậy.Nhìn lên bản đồ các bạn có thể hình dung từ sân bay Tân Sơn Nhất
,chúng ta vượt Thái bình Dương mênh mông sau khi quá cảnh Đài Loan .Hạ cánh xuống
Vancouver ven bờ Thái Bình Dương ,chúng tôi chuyển máy bay cắt ngang nước Canada
tới Toronto rồi từ đó lại lấy máy bay theo hướng Đông Bắc tới Halifax .Tới đây
lại phải chuyển máy bay sang hãng bay chuyên vùng Bắc Cực để tới St John và
cũng chính hãng này đưa tôi quay lại Halifax. Lang thang trên bến cảng Halifax chúng ta có dịp
sống lại những ngày mà người di dân lũ lượt kéo từ châu Âu già nua sang vùng đất
mới với “Giấc Mơ Mỹ”.Bên cầu tàu số 21 là bảo tàng di dân ,các cửa hàng bán đồ
lưu niệm với đầy đủ rương hòm ,quần áo hệt như chàng Jack-Leonardo Di Caprio và
nàng Rose-Kate Winslet đã sử dụng trong chuyến đi định mệnh.Như ta đã biết,hành
trình của Titanic là tới New York nước Mỹ,nhưng con đường đi lúc đầu là phải chệch
hướng Bắc sau mới chuyển hướng nên khi xảy ra tai nạn,Halifax là nơi vớt được
nhiều thi thể,nhiều người sống sót ,nhiều đồ đạc của cải nhất . Titanic va vào tảng băng và chìm vào hồi
2 giờ 20 phút sáng ngày 15 tháng Tư năm 1912,con tàu đầu tiên tới cứu là
Carpathia cùng một chủ tàu với Titanic ,đã vớt được 700 người sống sót .Chủ tàu
White Star cũng yêu cầu các con tàu Canada cùng cứu vớt các người sống sót và
các thi thể .Ngày 17 tháng Tư chiếc tàu đặt cáp có tên là Mackay-Benneth đã rời
cầu tàu Halifax lên đường với một mục sư,một ông chủ tế tang lễ ,một khoang nước
đá ướp lạnh thi thể,các cỗ quan tài và
nhiều túi bạt để thủy táng .Sau 5 ngày lùng sục trên biển con tàu “xe tang “
này trở về cảng với 200 thi thể trong
các quan tài ướp đông còn 116 thi thể khác do đã bị phân hủy nên phải thủy táng
tức là đưa xuống biển trong các túi bạt sau một lễ nghi tôn giáo
Ngôi mộ của chú bé vô danh
Từ nhà trọ cho du khách ba lô trên đường
Barrington gần bến cảng ,tôi lấy xe bus lên nghĩa trang Fairview (Cảnh đẹp) ở
phía Bắc thành phố .Như các thành phố đồi núi đổ ra biển,xe bus liên tục leo và đổ dốc ,giống hệt như ta đang đi
trên đường phố lên thăm nhà thờ thành phố Hồng Gai quê nhà .120 trong số 200
thi thể nạn nhân Titanic ,số lượng tập trung lớn nhất ,được chôn cất nơi đây
khiến cho Fairview trở thành nghĩa trang nổi danh suốt một thế kỷ qua.Cuộc “Nổ
Lớn “ ,một tai nạn thảm khốc cho thành phố này sau Titanic 5 năm ,tức là vào
ngày 6/12/1917 cướp đi sinh mệnh hơn 2 nghìn người làm cho nghĩa trang này càng
thêm đông đúc ,trong đó có nhiều sắc dân di cư .Bởi vậy nghĩa trang có hẳn một
khu mộ Tàu với khói hương Á Đông nghi ngút trong khi khu vực Titanic ,các ngôi mộ theo
hàng thẳng tắp và đều nhau những tấm bia nhỏ bằng đá granite màu xám .Lẩn theo các hàng bia ,ta có thể đọc tên người
kéo vi ô lông dũng cảm John Law Hume trong
trong dàn nhạc chơi tới tận phút cuối cùng hay anh thợ xúc than J.Dawson cùng
chết với con tàu trong hầm lò nồi hơi .Sau khi cuốn phim của đạo diễn James
Cameron ra đời ,nhiều người cho là ông đạo diễn đã tạo ra nhân vật Jack
–Leonado Di Capro trong phim từ nguyên mẫu
anh thợ xúc than nói trên nên ngôi mộ thường xuyên tràn ngập hoa tươi ! Nhưng
ngôi mộ có nhiều hoa nhất ,được nhiều người thăm viếng nhất là ngôi mộ với dòng
chữ “Bia này dựng lên để tưởng nhớ một hài nhi vô danh mà thi thể đã phát hiện
được sau thảm họa cho tàu Titanic vào ngày 15 tháng Tư năm 1912”.Cuộc truy tìm
thi thể vô danh đã kéo dài gần một thế kỷ và gần đây người ta đã trả lại tên cho chú bé ,đó là Sidney người Anh của dòng họ có tên là
Goodwin .Còn nhiều nấm mộ vô danh khác ,nhưng ngày nay ,chỉ cần nhấn một nút
vào trang chủ của nghĩa trang trên màn hình máy tính ,ta có thể đọc lại hồ sơ của
nạn nhân khi được vớt lên tàu.Hồ sơ chú bé vô danh ghi rằng :
“nạn nhân số 4-con trai ,khoảng hai
tuổi,tóc màu sáng .Quần áo - áo khoác
màu xám có lông trên cổ và tay áo ;váy yếm bằng vải serge màu nâu ;váy lót
dài;áo quần bằng vải flannel;áo lót trong bằng len màu hồng ;giầy nâu có mang tất
.Không có đặc điểm gỉ khác .Có lẽ thuộc hành khách loại ba “Đó là tất cả những
gì mà thủy thủ con tàu đi vớt xác biết được và khi chôn cất chú bé,chính anh em
đã xúc động ,ném thêm vào quan tài chiếc dây chuyền thủy thủ bằng đồng với lời
ai điếu “Tặng con của chúng tôi”.Cuộc truy tìm tông tích của người quá cố kéo
dài nhiều năm nhưng phải tới lúc có công cụ phân tích DNA ,công việc mới ngã
ngũ.Nhưng cũng chẳng đơn giản chút nào,dù đã dùng công cụ DNA vì lúc đầu vào
năm 2002 ,người ta cho rằng đó có thể là
một trong ba trường hợp,chú bé người Thụy Điển ,người Ireland hoặc người Phần
Lan ,tất cả đều cỡ tuổi đó,đều có tóc màu sáng !Phải tới ngày 30/07/2007 một
phòng thí nghiệm của trường đại học Lakehead của Canada dùng các phương pháp
DNA hiệu nghiệm nhất ,so sánh giữa DNA của phần thi thể được khai quật với DNA
của những người thân còn sống ,họ mới trả lại tên chính xác là chú bé Sidney ,19
tháng tuổi ,con út tức thứ sáu của gia đình ông bà Goodwin .Toàn bộ gia đình gồm 8 người đã chết cùng
con tàu!
Đôi giầy nâu trong Bảo Tàng Đại Tây Dương
Mùa lễ kỳ niệm 100 năm Titanic năm nay,nhà Bảo Tàng Đại Tây
Dương của thành phố Halifax lại có dịp trả lại tên tuổi đầy đủ cho một di vật của
Titanic đã trưng ở đó nhiều năm ,đó là một đôi giầy nâu trẻ em .Đã từ lâu ,những
nhà nghiên cứu của Bảo Tàng này cho rằng đôi giầy hiện vật mang ký hiệu số
“M2005.4.1A+B” có thể thuộc về chủ nhân là “chú bé vô danh “ số 4 chôn cất tại
nghĩa địa Fairview.Đôi giầy này được một người cháu của một chiến sĩ cảnh sát tên là Clarence giao lại cho Bảo Tàng vào năm 2002. Tài liệu của
sở cảnh sát ghi rằng “Tất cả quần áo của
các nạn nhân đều được cảnh sát chúng tôi đốt hết nhằm tránh tình trạng săn lùng
của những người sưu tầm đồ kỷ niệm .Nhưng anh Clarence nhìn thấy đôi giầy da
nâu dài khoảng 14 cm ,anh thấy không nỡ lòng nào lại đốt đi nên cho vào ngăn
bàn sở cảnh sát cho tới 6 năm sau,khi anh chuyển về Ontario vào năm 1918 “ Người
ta lật tìm các ca ta lô giầy dép và đề nghị tư vấn từ các chuyên gia các viện bảo
tàng về quần áo và giầy dép để chứng minh rằng đôi giầy này mang phong cách giầy
dép những năm 1900-1925 và có nhiều
khả năng sản xuất tại Anh .Với nhiều bằng chứng khác,đôi giầy này giờ đây đã
mang tên chủ nhân là chú bé Sidney Goodwin 19 tháng tuổi và câu chuyện về chuyến
hành trình định mệnh của gia đình Goodwin như sau .Nhận tin từ ông em Thomas Goodwin
đã di cư từ trước sang vùng thác nước Niagara Hoa Kỳ báo tin làm ăn tấn tới,ông thợ sắp chữ nhà in
tên là Frederic vội vàng thu xếp gia đình để lên đường .Chẳng là vùng thác nước
sắp mở nhà máy thủy điện ,cần rất nhiều lao động trong khi nước Anh đang thất
nghiệp mà gia đình Frederic rất nặng nề ,một “đoàn tàu” với 6 đứa con ,cậu trai
lớn mới 16 tuổi và út ít Sidney 19 tháng tuổi.Họ chỉ đủ tiền mua vé hạng bét tức hạng ba và khi lên tàu thì ông bố
và lũ con trai ngủ đằng mũi tàu còn bà vợ và chú bé út cùng hai cô con gái ngủ
đằng đuôi tàu .Như ta đã biết ,khi tai nạn xẩy ra ,nhiều hành khách nghèo khổ với
vé hạng bét rất ít có cơ hội sống sót .Leo được tới boong trên cùng có xuồng cứu
sinh thì tất cả xuồng đã được thả hết !
Những cái không thể lại
thành có thể !
Khi Titanic đi vào cõi chết ,toàn thế giới bàng hoàng ,Người
ta không thể hiểu nổi ,một con tàu “không thể chìm “ (unsinkable) lại có thể
chìm nhanh đến thế ,giết chết một lúc hàng nghìn người như thế !”Không thể chìm
“ không chỉ là lời quảng cáo của ông chủ hãng tàu “Ngôi Sao Trắng” mà còn là niềm
tin của ngay giới kỹ thuật,của đông đảo những người đi tàu ,cũng là niềm tin của
cả xã hội .Tàu đã trang bị những thành
quả mới của thế kỷ 20 như vách kín nước,như điện báo tạch tè –những chuyện tầm
thường với những kẻ sống trong thế kỷ 21 như chúng ta nhưng là điều kỳ diệu 100
năm trước !Cùng là niềm tin “không thể
chìm “ với ông chủ tàu con tàu chở hàng hiện đại Vinalines Queen đang yên giấc
ngàn thu tại đáy biển Thái Bình Dương sâu trên ba nghìn thước nước .Nếu Titanic
chỉ có vài món hiện đại thì những “đồ chơi điện tử “ của con tàu Vinalines
Queen vừa qua đã được báo chí kể ra khá dài ,toàn các từ chuyên môn khiến độc
giả ngoài nghề phải nhức đầu ,nào radar,đo sâu ,nào Arpa,phao sự cố vệ tinh
Epirb…Bất cứ một người đi biển nào khi được hỏi lý do đẻ ra nhiều thứ “linh
tinh “ trên tàu như thế ,họ đều nhắc tới một sự kiện,một con tàu ,đó chính là
Titanic .Cú sốc ghê gớm năm 1912 đã thúc đẩy thế giới hàng hải phải thay đổi,phải
có cái nhìn mới về an toàn sinh mệnh của con người trên biển .Nhiều đạo luật
,công ước ,nhiều thiết bị mới liên tục ra đời trong suốt một thế kỷ qua .Con
tàu trở nên cồng kềnh hơn,hiện đại hơn và tất nhiên ngày càng đắt tiền hơn .Hy
vọng là nó ngày càng an toàn hơn ,nhưng trên thực tế không hòan toàn như vậy.Cũng vào dịp này cách đây hai
năm,ngày 4/04/2010 ,cả thế giới chứng kiến cuộc khẩu chiến ngoại giao giữa
Trung Quốc và Úc vì một sự kiện động trời .Con tàu chở than trọng tải 65 nghìn
tấn Trung Quốc sau khi chất đầy món hàng mà nước này đang cần thiết ,nều không
muốn nói là đang đói khát đó là than ,là quặng sắt để phát triển một nền k8inh
tế quá nóng và bất chấp môi trường ,đã rời cảng Úc ,trực chỉ Thượng Hải .Thay
vì đi theo con đường người ta đã vạch sẵn ,con tàu khổng lồ lại đâm quàng vào
khu rừng san hô nằm dưới đáy biển ,một di sản thiên nhiên mà người Úc tự hào
,cho rằng hiếm có di sản dưới nước có thể nhìn thấy từ vũ trụ.Kết quả là một vạt
rừng san hô bị phá nát ,là dầu tràn ra
biển…những điều được cho là kinh khủng với những người cực ký quý báu môi trường
sống ,vì máy móc,vật dụng có thể chế tạo
lại được còn làm sao có thể tái tạo lại được các di sản của thiên nhiên !Nguyên
nhân của cuộc hành trình “không giống ai “ này của con tàu Trung Quốc hiện đại
này thật đơn giản .Anh đại phó chỉ huy con tàu đêm hôm đó đã quá mệt mỏi ,xao
lãng trong việc quan sát các thiế t bị chỉ đường .Mà như ta đã biết,một khi thiếu
bàn tay khối óc con người,đống thiết bị điện tử của thế kỷ vũ trụ mà ta đã kể ở
trên chỉ còn là một đống sắt câm điếc ,vô tri vô giác ,chỉ là một món hàng
trưng diện “đồ chơi điện tử”.Con người,yếu tố con người ! chưa bao giờ các đạo luật an toàn trên biển lại chú ý tới
yếu tố con người như ngày nay với biết bao quy định về giáo dục,đào tạo,huấn
luyện ,thực tập,kiểm tra người đi biển đã ra đời.Nhưng tai nạn vẫn không hề giảm
và người ta đã nghĩ ra nhiều cách để nhắc nhở
người đi biển.Ngày 1 tháng Bảy sắp tới ,các con tàu trên toàn thế giới
trong đó có cả các con tàu treo cờ Việt Nam phải trang bị một cái còi trên buồng
lái .Nếu anh thủy thủ trực ca không thường xuyên “chăm sóc” tới nó tức là còn tỉnh
táo chăm sóc tới tất cả các thiết bị dẫn đường
trong buồng lái thì cái còi này sẽ tự động rú lên nhắc nhở mà nếu nhắc
nhở không được ,nó sẽ rú vang lên báo động cho toàn con tàu được biết .Thêm một
thiết bị nhắc nhở,cũng tốt thôi ,nhưng nhiều người cho rằng thiết bị này mang
tính cực đoan ,nhiều khi lại phản tác dụng
.Liệu người đi biển có hài lòng không khi luôn luôn có kẻ “rình mò “ theo dõi
mình mà thay vì động viên ,nhắc nhở mình với bao gương sáng hy sinh tận tụy
trong số hơn một triệu con người đang ngày đêm ngược xuôi trên khắp các đại
dương .Hình ảnh thuyền trưởng Smith tận tụy,anh điện báo viên Philip còn đánh
tín hiệu Morse tới giây phút cuối cùng trên con tàu Titanic là những bài học
sinh động nhất .Có như vậy thì những cái chết của Titanic,Doria Andrea,của
Vinalines Queen,Vân Đồn,Phú Xuân …mới không uổng phí !