Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

Xuồng đệm khí của Đinh Văn Thành

Do Đoàn Văn Nhu giới thiệu tôi mới biết bài này.Mong rằng đó là những cố gắng rất đáng hoan nghênh nhưng tránh những hoang tưởng thường có !


“Hạ thủy” tàu đệm khí Võ Hồng Sơn
 Thứ sáu, 07/10/2011 02:01 
 
(ĐSCT) Con đường vào kênh 5 của Nông trường Phạm Văn Hai (nay đổi tên thành Công ty giống & cây trồng thành phố Hồ Chí Minh) sau cơn mưa của đêm trước lầy lội như đi vào... chiến khu Đ, dù nó chỉ cách trung tâm thành phố chưa đầy 20km. Phải cố chạy ì ạch đến cuối con đường, sau khi vượt qua 1.600 mét “băng đèo vượt suối” mới đến được trại nuôi heo rừng của ông Thành. Trước mắt chúng tôi là chiếc cổng sắt xiêu vẹo qua năm tháng, đã rỉ sét bên cạnh tấm bảng nhỏ ghi “Bán con giống heo rừng lai F4, Gà vườn & Trứng, Rượu đế ngon”. Tôi được cho hay, sáng nay sẽ thử chiếc tàu đệm khí, dù chưa phải lần đầu tiên tại Việt Nam nhưng cũng đứng hạng thứ ba sau “tàu đệm khí Hai Lúa” và Trường Đại học Bách khoa chưa đầy một tuần. Dường như phong trào chế tạo tàu đệm khí tại Việt Nam đã đến lúc phát triển và mang lại hiệu quả. Chiếc tàu của ĐH Bách khoa dù chưa xuống nước cũng đã dạo quanh sân bóng đá của trường với tốc độ của một người “nhàn hạ”. Lần này, chúng tôi được cho hay tàu của ông Thành sẽ chạy ngay trên mặt nước trong mương... chuồng heo!
 
Sáu Nghĩa chỉnh sửa một vài chi tiết máy 
Đúng 10 giờ sáng, Sáu Nghĩa, anh vợ ông Thành, bước lên tàu, đậu ngay trên bãi cát cạnh nhà mát mở máy. Động cơ rú lên và con tàu đang nằm bẹp dí dưới đất lồng lên như một con cóc, do chiếc phao từ bên dưới được nén hơi. Khói bụi bốc lên mù mịt. Sau một lúc tạo được ổn định ở độ cao 30cm, con tàu nặng gần 200kg trở nên nhẹ nhàng như một cái bong bóng, động cơ đẩy được phát động. Cánh quạt rít lên, tống gió ra phía sau như một cơn bão. Con tàu lao thẳng xuống mé nước cách đó chừng 15 mét. Do mực nước mương còn khá sâu, mấy người phải chạy đến phụ, đỡ nó.
Con tàu bắt đầu rú ga, nước văng tung tóe. Cánh lái bẻ cong, nó phóng tới. Hai động cơ rú lên cùng lúc, âm thanh nghe rộn ràng như tiếng máy bay đầm già. Nâng lên khỏi mặt nước 30cm, nó bay nhẹ nhàng như một con ó rà cánh từ trên cao xuống để săn những chú cá khù khờ. Cái lợi của tàu đệm khí là không lệ thuộc độ sâu của mực nước. Chỉ cần 10cm nước là nó vẫn có thể đi tới y như trên bộ, miễn là có mặt phẳng. Ngay cả trên bùn nó vẫn cứ chạy. Tiếng vỗ tay vang rân. Ông Thành hét lớn: “Điện Biên Phủ lần nữa! Thắng rồi!”. Tôi thắc mắc hỏi: “Tại sao anh gọi là Điện Biên Phủ?” - “Tôi bắt chước Đại tướng Võ Nguyên Giáp: bắt được tướng thì mình là tướng! Làm được cái mà tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống và Lê Đình Tuân làm được thì mình là... hề hề, tiến sĩ rồi, phải không? Ông Sáu Nghĩa này cũng là tiến sĩ nữa!”.
Thế thì ông Thành này thực sự là ai? Nhìn mái tóc bạc, tướng tá phốp pháp và cái hàm râu dê của ông, người ta nghĩ ngay đến một lão Hai Lúa ở vùng Trà Lồng, Trà Cú, Sóc Trăng..., nhất là khi nghe ông văng tục. Chiếc tàu dài 4 mét, ngang 1,4 mét, sơn màu đỏ đen, bên hông có dòng chữ “Tàu đệm khí Việt Nam - Võ Hồng Sơn”. Ông Thành cười nói: “Đó là tên của Phó tổng biên tập Báo Sài Gòn giải phóng, qua đời năm 2007” - “Hai anh có quan hệ gì với nhau?” - “Tôi là cộng tác viên ban quốc tế của Báo SGGP” - “Hả? Tên thật anh là gì?” - “Đinh Công Thành” - “Tiên sư nhà anh! Nói tiếp đi!” - “Chúng tôi quen nhau năm 2005 tại nhà anh Trần Tử Văn, Phó tổng biên tập Báo Công an TPHCM. Lúc đó anh Sơn chuẩn bị ra tờ SGGP 12 giờ, mời tôi về phụ trách trang quốc tế. Chúng tôi cộng tác với nhau một thời gian và trở nên thân thiết. Tôi cho biết đang nghiên cứu về tàu đệm khí ứng dụng cho Việt Nam, anh Sơn rất thích thú và hứa hỗ trợ hết mình. Hình như anh linh tính một chuyện gì đó chẳng lành, và làm một điều phước lớn. Đó là tặng cho tôi một số tiền khá to sau một trận nhậu rắn rùa say bí tỉ bên Thị Nghè để nghiên cứu. Không ngờ đến tháng 9-2007 anh qua đời vì tai biến mạch máu não. Tôi vẫn tiếp tục công trình cho đến nay. Dĩ nhiên, khi thành công, người đầu tiên mà tôi nghĩ đến chính là Võ Hồng Sơn!” - “Xin cho biết chi tiết về chiếc tàu đệm khí này” - “Đây là một phát hiện rất quan trọng. Trước đây, trong khoảng 1970-1972 khi quân Mỹ đưa tàu đệm khí vào Đồng Tháp Mười, ai cũng tưởng nó là thần thánh, tương đương như máy bay B-52. Bây giờ tôi phát hiện chỉ cần hai chiếc vỏ lãi cộng lại là biến thành một tàu đệm khí. Miền Nam ta sông nước chằng chịt như bàn cờ, hàng chục ngàn chiếc vỏ lãi lưu thông mỗi ngày. Nay chỉ cần hai cộng thành một là nông dân ta có thể “bay“ được hết. Bay là đà cách mặt đất, mặt nước 30 cm là tuyệt đối an toàn, không bao giờ bị té chết. Đó là lợi thế của tàu đệm khí” - “Như vậy mình phải sử dụng động cơ gì?” - “Chiếc này tôi xài máy Honda chạy xăng 6,5 ngựa để nâng và 13 ngựa để đẩy, thế là xong” - “Thế hệ Võ Hồng Sơn có nghĩa là gì?” - “Đó là thế hệ đầu tiên, gút lại các thông số kỹ thuật để khai thác thương mại khoảng 1.000 chiếc, với các tính năng như sau: động cơ đẩy 13 ngựa, nâng 6,5 ngựa, chở 2 người, chạy tốc độ 60 - 70 km/giờ, nặng không tải 200kg” - “Giá thành chừng bao nhiêu, có vừa túi tiền mọi người, giống như xe gắn máy Trung Quốc không? Hay lại đắt như xe tay ga của Nhật hoặc tàu trượt nước của Yamaha thì ai mà xài nổi?” - “Như tôi đã nói, chỉ cần hai chiếc vỏ lãi cộng lại là được một tàu đệm khí. Có nghĩa là khoảng chừng 70 - 80 triệu, tương đương hai cây vàng” - “Sau thử nghiệm này, anh định khi nào mới tung ra thị trường?” - “Có thể là đầu năm 2012, nếu mọi việc êm xuôi như dự kiến. Muốn biết thêm chi tiết và nhìn thấy cảnh nó “bay” như thế nào hãy vào trang web: www.taudemkhivietnam.com hoặc YouTube: taudemkhi.vn”. Câu hỏi sau cùng: “Nội công” của anh thâm hậu tới đâu mà dám so cựa với tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, chủ trì bộ môn cơ khí giao thông của Trường Đại học Bách khoa?” - “Tôi tốt nghiệp kỹ sư nguyên tử lực tại Pháp năm 1973, về làm việc cho Trung tâm nguyên tử Đà Lạt cho đến ngày tiếp thu 1975. Sau đó làm dịch giả trang quốc tế cho các báo: Công an TPHCM, Kiến thức ngày nay, SGGP, Tuổi trẻ... cho đến hôm nay” - “Thì ra thế! Cũng có chút đỉnh “võ nghệ” đó! Cám ơn anh”.