Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Nhà sử học chuyên về Gulag,giám đốc Bảo Tàng Quốc Gia Gulag vừa qua đời

Trên chuyến bay trở về nhà ,cũng nhờ tờ báo giấy “Thời Báo Moskva” đọc miễn phí giống như báo Nhân Dân trên các chuyến Vietnam Airlines mà tôi được biết nhà sử học chuyên nghiên cứu về Gulag,giám đốc Viện Bảo Tàng Quốc Gia Gulag vừa qua đời ngày 18 tháng Bảy ở tuổi 93,tức là còn kém mẹ tôi hiện đang sống  với chúng tôi tại Sài Gòn tới 5 tuổi.Gulag,một cái tên hãi hùng,mà nhiều bạn đã biết tới thông qua tác phẩm “Quần Đảo Ngục Tù” của nhà văn Solzhenitsyn đạt giải Nobel năm 1970.Cuốn sách viết về hệ  thống ngục tù Gulag của Liên Xô,khắc nghiệt và kinh khủng,một hệ thống cải tạo lao động bắt buộc dành cho những người bất đồng chính kiến ,những “kẻ thù của nhân dân” hay theo ngôn ngữ ta hiện nay là các “thế lực thù địch”Sau năm 1989,cuốn sách được xuất bản rộng rãi tại Nga và được đưa vào tác phẩm bắt buộc phải đọc của học sinh trung học Nga.
Sân bảo tàng với trạm gác,dây thép gai và chân dung những tù nhân điển hình 
Từ năm 1929 tới năm 1953 ,khoảng 14 triệu người đã được đưa vào đây,nhiều người không trở về.Đọc về thân phận ông giám đốc tên là Anton Antonov-Ovseyenko vừa qua đời,tôi bỗng nhớ lại những nhà lãnh đạo Hải Quân Xô Viết,cả bốn ông Tư lệnh đầu tiên đều là khách mời vào trại Gulag rồi bị bắn chết vào những năm 30 ,với cái tội “kẻ thù của nhân dân” hay nói chính xác là “kẻ thù của Stalin”.
Mạng lưới Gulag trên toàn Liên Bang Xô Viết
Anton sinh năm 1920 trong một gia đình Cộng Sản nòi.Bố ,Vladimir ,là người cùng Trotsky và nhiều đồng chí khác góp phần  xây dựng nên chính quyền Xô Viết.Vì là bạn thân của Trotsky nên Vladimir bị Stalin nghi ngờ ,tống giam.Sau được phục hồi và lại bị bắt lại và xử tử năm 1938 .Mẹ ông cũng bị bắt giam và tự vẫn trong tù và bản thân Anton cũng bị bắt giam vào năm 1940 khi tròn 20 tuổi.Mười ba năm trong trại tâp trung,trải qua nhiều nhà tù khác nhau đã giúp cho Anton nghiên cứu và hoàn thành tác phẩm “Thời đại Stalin:chân dung một bạo chúa”.Cuốn sách chỉ được xuất bản sau khi nước Nga thực hiện perestroika và hơn ai hết ,ông xứng đáng là giám đốc một bảo tàng mang tên “Bảo Tàng Quốc Gia Gulag”.Một bảo tàng khiêm tốn nằm trong khu trung tâm thủ đô Moskva ,không xa điện Kremli cũng như phố Lubyanskaya ,nơi có trụ sở NVD sau là KGB khét tiếng,nơi phát ra các thông báo triệu tập tới Gulag! 
Trong thời gian thăm Moskva,nhà trọ Napoleon của chúng tôi chỉ cách số nhà 16 phố Petrovka ,nơi đặt trụ sở của Bảo Tàng có 15 phút đi bộ.Vượt qua nhiều tiệm thời trang trong đó có cả cửa hàng Louis Vuiton,chúng tôi qua một giàn những khung vòm đi vào một cái sân chằng chịt dây thép thé pgai cùng chân dung những tù nhân nổi tiếng.Hướng dẫn viên trong trang phục như lính gác trại hướng dẫn chúng tôi tìm hiểu về Gulag trong khi ông giám đốc tuổi đã cao và suy kiệt vì nhiều năm ngục tù chỉ có mặt vài giờ trong hai ngày một tuần.Và giờ đây ông đã trở về thế giới bên kia sau khi đã hoàn thành được nhiệm vụ vạch trần cái ác đối với cha mẹ ông và hàng chục triêu người khác.Bảo tàng này được nhiều người đánh giá là hạng mục thứ 5 cần tới xem khi thăm thú Moskva cũng như Nhà Kinh Hoàng tại Budapest,cuộc sống Công Hòa Dân Chủ Đức DDR tại Berlin,Bảo Tàng KGB tại Praha …Tất cả góp phần cho chúng ta hiểu được một giai đoạn lịch sử hiện đại ,rất gần gũi với dân ta !
             
Giám đốc Anton giới thiệu cuốn sách do ông viết có tấm hình người cha Vladimir,đã bị hành quyết năm 1938
Bài báo kết thúc với những dòng chữ …”Phải trải qua nhiều tranh đấu với nghị lực sắt thép của Anton,kể cả với những thế lực muốn phục hồi chủ nghĩa Stalin,cuối cùng bảo tàng đã được mở cửa vào năm 2001.Nhờ có cá tính mạnh mẽ,ông đã có thể sống sót trong những tình huống mà với người bình thường đã chết từ lâu rồi “ nhà sử học Sheboldayev kết luận.
Vừa lúc,cơ trưởng thông báo máy bay sắp hạ cánh,nhiệt độ thành phố Hồ Chí Minh 35 độ C!


Trên chuyến bay SU 0292

       
Trong Nhà thờ Đức Ki Tô Đấng Cứu Thế,ảnh của Moscow Times 
Chuyến bay SU 0292 xuất phát từ sân bay Shemeratyevo Moskva hướng về Tân Sơn Nhất Sài Gòn vào lúc 8 giờ 30 tối.Trên mạng có nhiều bình luận khen chê về hãng bay Aeroflot đã hơn 90 tuổi này.một hãng bay độc quyền từ thời Xô Viết.Nhìn chung họ cho rằng đây là hãng “giá rẻ,thiếu vắng nục cười”.Có lẽ vì giá rẻ nên gặp khá nhiều “quân ta “ từ nhiều địa điểm khác nhau,được gom lại tại điểm tập kết Moskva này.Từ Warszawa cùng chuyến bay cũng của Aeroflot để tới Moskva chuyển máy bay đi Quảng Châu Trung Quốc,chúng tôi nói chuyện với hai ông doanh nhân “Ba Lan kiều”.Chạy sang New Zealand cách đây hơn 20 năm,nay trở về Warszawa “xây dựng đất nước to đẹp hơn”,hay ông sẽ bay tiếp tới Quảng Châu rồi đi ô tô tới Ôn Châu (Wenzhou) để mua máy dệt sợi .Hai ông kinh doanh chế tạo các bức màn chống rét mùa đông và tỏ ra phấn khích và kinh doanh có hiệu quả và có thêm “bà hai” tại quê nhà.Chắc là đẹp hơn bà New Zealand vì là “gái Ba Lan” chính hiệu ! Còn có một doanh nhân “Công ta” quê Hải Dương ,sang Ba Lan đã hơn 10 năm bay Quảng Châu để mua quần áo lót để phân phối tại chợ Việt tại Warszawa mà nghe chú ta kể là còn to hơn chợ Sapa Praha .Tiếc rằng chúng tôi chưa đến được cái chợ này trong khi đã biết khá rõ chợ Đồng Xuân Berlin,chợ Apraksin St Petersburg.chợ Sapa Praha …những nơi có thể ăn phở Việt Nam gần giống hương vị tại quê nhà.Hôm đang đứng tại ga Kacerov để đợi xe bus đi chợ Praha,thấy í ới tiếng Việt.Có tới một chục các chị từ Mỹ qua cũng tìm tới cái chợ này để ăn bún chả còn tại nhà trọ,tôi bắt gặp một chú đeo ba lô từ Thụy Sỹ sang đang hỏi bộ phận tiếp tân đường tới chợ Sapa.Thế là tôi có dịp “ra tay”vẽ đường cho chú ta ,như một người dân địa phương !! Trong lúc chờ máy bay tại Moskva lại bắt gặp khá đông quân ta từ nhiều nguồn khác nhau>Người đi du học về dầu khí tại Baku Azerbaijan về Đồng Tháp nghỉ hè,một chị đang làm nghiên cứu sinh tại Nice Pháp về môi trường,một cô vừa tốt nghiệp khoa kinh tề đại học Kharkov…Nhưng đông vui nhất có lẽ là gia đình cô Phương từ một thị trấn cách thủ đô Vien Áo hai trăm kilomet ,chiếm trọn bộ hàng ghế bốn chỗ giữa máy bay ,hai vợ chống,hai cháu một trai một gái.Ra đi hợp tác lao động vào những năm 80,chàng người Hà Nội từ Hung ga ry,nàng người Sài Gòn từ Tiệp Khắc đã chạy sang Vien Áo vào lúc các trại tỵ nạn mở ra để đón những người nhập cư chạy loạn từ cuộc chiến tranh các sắc tộc tại Nam Tư.Trai Bắc gặp gái Nam tại Vien,bây giờ đã thành một gia đình ổn đinh ,hưởng thư những mức phúc lợi xã hội rất cao,nhiều mức còn cao hơn Đức.Sinh đẻ,mẹ được nghỉ ba năm ,còn bố sáu tháng .Anh làm thợ tiện có tay nghề cao vì dân ta vốn khéo tay.chị có thì giờ trông con nên cả hai cháu nói sõi tiếng Việt.

       Về  khoàn ăn uống,những món ăn của chuyến bay rất tệ còn về mặt tinh thần thì khá tốt.Phim ảnh,trò chơi …khá phong phú và sách báo đủ loại.Đã lâu chúng tôi mới có dịp cầm trên tay những tờ báo như “Thời Báo Moskva”,”Kommersant”…kể cả tuần báo “Ogoniok-Ngọn Lửa Nhỏ” là tờ báo nhiều người Việt biết tới vì cách đây vài chục năm đã có bài báo của Mendenxtam ca ngợi Hồ Chí Minh “tỏa ra một nền văn hóa không phải của châu Âu mà là nền văn hóa của tương lai”.Lật qua vài trang báo của tờ “Thời Báo Moskva”,ta thấy trên trang đầu là bức ảnh màu chụp hàng dài vài nghìn người dân Moskva,kéo dài từ ga metro Kropotkinskaya , đứng dưới mưa để chờ đến lượt được vào chiêm ngưỡng cây thánh giá của Thánh Andrew ,một di tích thiêng liêng,tại Nhà thờ chính tòa Đức Ki tô Đấng Cứu Thế.  Một loạt các sự kiện đang được mở ra để kỷ niệm 1025 năm của Bí Tích Rửa Tội của Rus tổ chức đồng thời tại Nga ,Ukraine và Belarus.Chúng ta biết rằng Nhà thờ chính tòa Đức Ki tô Đấng Cứu Thế bên bờ sông Moskva là nhà thờ Chính Thống giáo cao nhất và to nhất thế giới.Sau Cách Mạng Tháng Mười và nhất là sau cái chết của Lenin,vị trí đẹp đẽ của nhà thờ được các nhà lãnh đạo Xô Viết lựa chọn để xây dựng một tượng đài lớn mang tên Cung Điện các Xô Viết nhằm tận diệt các tàn dư của tầng lớp “phong kiến bóc lột” và trên đỉnh cao của Cung Điện sẽ là pho tượng Lenin khổng lồ với hai tay giương cao.Ngày 5 tháng 12 năm 1931 theo lệnh Kaganovich,Nhà Thờ bị phá hủy tan tành bời thuốc nổ dinamit.Vì thiếu vốn,vì chiến tranh,vì nạn lụt từ sông Moskva,kế hoạch xây Cung điện Xô Viết bị đình trệ và dưới thời Khrusev,chỗ này biến thành hồ bơi công cộng lớn nhất thế giới.Sau năm 1990,Nhà thờ được mau chóng xây dựng lại với sự đóng góp toàn cầu ,được hoàn tất vào ngày 19/08/2000. Trên trang hai tờ Thời Báo,trong mục tin ngắn có bình luận về cuốn phim tài liệu “Nước Nga được Rửa Tội lần thứ hai”.Điều đặc biệt là trong phim có đoạn Putin kể lại chuyện ông cũng được bà mẹ rửa tội theo đúng nghi thức Chính Thông giáo khi ra đời và phải dầu diếm vì cha ông là “công nhân và là đảng viên Đảng Cộng Sản”.Kể lại chuyện đó,ông cho là rất xúc động và tự hào .Tiếp theo sự kiện Rửa Tội mà đỉnh điểm sẽ là ngày 28 sắp tới,trang báo cũng có những tin về cậu người Mỹ Snowden đang còn tạm trú tại một sân bay Moskva.Nhưng đặc biệt là tin tức,bình luận về vụ Navalny ,một blogger nổi tiếng,người đã chỉ trích đích danh Putin .Năm 2012 ,Nhật Báo phố Wall cho rằng Navalny là người mà “Putin sợ nhất”còn tuần báo Time thì liệt kê anh trong danh sách 100 người có ảnh lưởng nhất trên toàn thế giới.Cách đây một tuần,Navalny đã bị án lao động khổ sai 5 năm.Chỉ một ngày sua khi tuyên án,anh đã được thả trước sức phản kháng mạnh mẽ của nhiều tổ chức…

…Bữa sáng đã được dọn ra,chuẩn bị cho máy bay sắp hạ cánh.Một hộp cháo Nga hơi chua chua.Không có cà phê sáng,cô tiếp viên trả lời.Thật đáng tiếc cho cà phê Trung Nguyên không phát huy được vào lúc này,mà suốt một tháng qua,trải qua nhiều siêu thị châu Âu chúng tôi cũng chẳng thấy bóng dáng cà phê Việt,trừ trong chợ Sapa.Dẫu sao,có lẽ đó không phải lỗi của Aeroflot,một hãng bay “giá rẻ” và cũng có những nụ cưới mỉm của các cô đã “cứng tuổi” ,làm việc mạnh mẽ và tin cậy chứ không thướt tha như các bóng hồng áo dài của hãng bay nhà ta.Máy bay đã chạm đất.Quẳng lại tờ báo Nga với những tin về Nhà Thờ,về Navalny chống lại điện Kremli...chúng tôi bước ra cửa để đón nhận một mùa hè khác với mùa hè châu Âu..