Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2017

Vụ tàu cá Bình Định

Sự việc liên quan đến nhiều tàu vỏ thép vừa đóng, khi đem vào sử dụng không lâu thì đã bị gỉ sét, hư hỏng tại tỉnh Phú Yên và Bình Định. Sau khi bị báo chí đưa tin, ông Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã xuống địa phương kiểm tra, và tuyên bố rằng trách nhiệm giám sát tàu trong khi đóng thuộc về người dân, chứ không phải thuộc về cơ sở đóng tàu!
“Đây là trách nhiệm chung, trong đó có trách nhiệm của ngư dân là chủ tàu. Bởi ngư dân chính là chủ khoản nợ vay của ngân hàng để đóng tàu nên phải là bên giám sát chính. Nếu chủ tàu giao hết trách nhiệm giám sát cho cơ sở đóng tàu là sai, là thiếu trách nhiệm”. – ông Vũ Văn Tám tuyên bố.
Ngày 3/6, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản tại Bình Định đã ký quyết định thành lập Tổ công tác thẩm định chất lượng tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ.Thành phần Tổ công tác gồm 8 thành viên, do ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định làm Tổ trưởng; các thành viên gồm các kỹ sư, giám định viên chuyên về đăng kiểm.“Sự cố nhiều tàu vỏ thép ở Bình Định vừa qua vừa hạ thủy đã bị hư hỏng cho thấy lỗ hổng của ngư dân trong công tác giám sát. Nếu ngư dân vì ở quá xa cơ sở đóng tàu và thiếu kinh nghiệm giám sát thì phải thuê 1 đơn vị tư vấn chịu trách nhiệm giám sát. Nếu làm được việc này chưa chắc xảy ra sự cố vừa qua. Cũng có trường hợp ngư dân quá tin vào đơn vị trung gian nên mới lâm cảnh tiền mất tật mang. Đây là bài học sâu sắc để giúp chúng ta hoàn thiện hơn trong thực hiện đóng tàu vỏ thép theo NĐ 67/CP của Chính phủ trong thời gian tới”- Thứ trưởng nhận định.

Trong đó, nhiệm vụ của Tổ công tác là thẩm định, đánh giá, xác định rõ chất lượng, nguồn gốc sản phẩm và tính năng hoạt động của vỏ tàu, máy tàu và các thiết bị được thi công, cung cấp cho tàu vỏ thép so với hợp đồng đã ký kết giữa ngư dân với cơ sở đóng tàu. Tổ công tác báo cáo kết quả và đề xuất các biện pháp giải quyết cho Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ tỉnh Bình Định xem xét, quyết định.

Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết đã liên lạc, yêu cầu các chủ tàu có khiếu nại, có tàu vỏ thép bị hư hỏng đưa về bến, dự kiến công tác thẩm định sẽ được tiến hành từ ngày 4/6 này.

Như Dân trí đã thông tin, qua kiểm tra 3 tàu vỏ thép do công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng thì tất cả đều có tình trạng thân vỏ tàu, trạng thiết bị đều bị rỉ sét, hư hỏng và xuống cấp trầm trọng, máy tàu hiệu Mitsubishi bị hư hỏng. Trong khi đó, 20 tàu vỏ thép do công ty TNHH MTV Nam Triệu, qua kiểm tra 4 tàu có đơn kiến nghị cho thấy, thân vỏ một số tàu bị rỉ sét, hàu bám nhiều; máy chính Mitsubishi đều bị sự cố và hư hỏng; máy phát điện bị hư hỏng hoặc hoạt động không tốt; hầm bảo quản không giữ được lạnh…

Hiện nay, 2 cơ sở đóng tàu trên đã làm việc với các chủ tàu và thống nhất việc khắc phục, sửa chữa tàu. Tuy nhiên, ngư dân bức xúc đơn vị Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đã tự ý thay đổi tôn (thép) đóng tàu vỏ thép. Theo hợp đồng, các tàu này phải được đóng tôn của Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Tuy nhiên, Công ty này đã thay thế bằng tôn đóng tàu của Trung Quốc, đến nay các tàu đều bị gỉ sét nghiêm trọng.Ngày 26/5, Chi cục Thủy sản Bình Định đã tổ chức buổi gặp gỡ, trao đổi giữa lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nam Triệu và đại diện hãng máy tàu Doosan (Hàn Quốc), Công ty TNHH Ô tô Đông Hải, nhà cung cấp chính thức máy Doosan tại Việt Nam với ngư dân Bình Định công bố các lỗi hư hỏng máy tàu thép 67 được lắp máy Doosan mà báo chí ánh thời gian qua; đồng thời để hướng dẫn các ngư dân chủ tàu vỏ thép sử dụng máy tàu. Tuy nhiên, buổi gặp mặt trở thành cuộc tranh cãi nảy lửa và không có kết quả trước sự chứng kiến của vị “trọng tài” của Chi cục Thủy sản Bình Định.
Đừng đổ lỗi cho ngư dân
Tại buổi làm việc, ông Bùi Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Ô tô Đông Hải (Đông Hải Auto), nhà cung cấp động cơ Doosan cho Công ty TNHH MTV Nam Triệu, đã liệt kê một loạt “bệnh” các tàu được kiểm tra.
Cụ thể, tàu BĐ 9956TS của anh Lê Văn My (Cát Khánh, Phù Cát) có dấu vết cải tạo máy; tự ý chích đường nước làm mát máy, điều này làm ảnh hưởng đến nóng máy.
Tàu của anh Lê Ngô Hát, tàu mắc cạn đang chờ bảo hành. Tàu này khi kiểm tra, bồn làm mát nước cạn, máy điện có nước vào, táp lô điện tháo và buộc dây thừng tạm bợ.
“Chuyên gia phát hiện ống nước làm mát móp và hở, bình thường khó phát hiện nhưng khi bơm vào, nước bắn ra thành dòng. Lỗi va đập trên tàu là rất rõ ràng, tuy nhiên chúng tôi không xác định ai là bên có lỗi. Tôi thực sự không hiểu vì sao trạng thái bảng táp lô tàu anh Hát lại cố định tạm bợ như thế. Hệ thống điều khiển rất quan trọng đáng lẽ phải được lắp ở vị trí thuận lợi. Tôi rất ái ngại, rất mong cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, có kết luận xác đáng chứ không thể đổ lỗi cho máy tàu...” - ông Hải cho hay.Đáp trả lại, ngư dân Lê Ngô Hát, chủ tàu 99168 TS, phản ứng: “Các ông tìm hết cớ này đến cớ khác để đổ lỗi cho ngư dân. Các ông đổ thừa chúng tôi không biết sử dụng rồi lại đổ lỗi là do xăng dầu. Các ông dựa vào tiêu chuẩn nào mà yêu cầu chúng tôi phải thay nhớt máy theo phẩm cấp Hàn Quốc? Các anh là chuyên gia, kỹ sư nhưng chỉ nói trên lý thuyết? Xưa nay, ngư dân tận dụng máy cũ mà rong ruổi khơi xa năm này qua năm khác mà có sao đâu, nay máy thùng, mới đập hộp mới chạy đã hư? Thôi các ông đừng đổ lỗi cho ngư dân nữa mà tội!”.
Anh Hát bức xúc nói tiếp: “Ngư dân chúng tôi đóng được con tàu 67 rất mừng nên đã máy đập thùng thì phải máy xịn. Chúng tôi là ngư dân, khi máy đề nổ máy đủ nước, đủ dầu là chạy chứ sao tự ý tháo máy, thay đổi. Các ông phải hiểu một điều, những chiếc tàu của các ngư dân khác không bị hư hỏng vươn khơi rất ăn nên làm ra. Còn chúng tôi cũng bỏ tiền ra rất muốn ra khơi đánh bắt kiếm sống, nhưng vì sao tàu phải nằm bờ, chỉ hư hỏng. Chúng tôi đâu phải khùng, tiền đâu phải lá mít. Tôi mong cơ quan chức năng, nhà máy sớm khắc phục để chúng tôi ra khơi đánh bắt lấy tiền trả nợ”.
Ông Nguyễn Đức Hưng, chủ tàu BĐ 99479TS lại đưa ra dẫn chứng: “Tôi được biết ở Bình Định chừng 10 tàu vỏ thép sử dụng máy Doosan thì 2 chiếc gặp sự cố. 20% hư hỏng là xác suất rất cao. Chưa lần nào chúng tôi được hướng dẫn kỹ thuật, quy trình quy phạm…”.Cho rằng anh Hưng đánh giá vậy là thiếu khách quan, vị lãnh đạo Đông Hải Auto “nổi nóng” và chất vấn ngay ông Hưng: “Anh biết chúng tôi bán được bao nhiêu máy, nên hư ra sao, căn cứ vào đâu anh nói tàu hư hỏng 20%, anh xác nhận đúng hay sai. Tại Bình Định, có gần 50 máy do Đông Hải cung cấp chỉ có 1 tàu hỏng thì tỉ lệ là bao nhiêu?. 3 trường hợp máy hỏng là do ngập nước, nước như thủy kích, máy móc nào không hỏng! Tuy nhiên, chúng tôi chấp nhận tổn thất, bảo hành không lấy một đồng bạc nào của ngư dân”.
Trên tàu là sinh mạng của nhiều ngư dân?
Tranh cãi đến đỉnh điểm khi đại diện lãnh đạo Đông Hải Auto quyết định công bố “thật” về sự cố hỏng máy của tàu ngư dân Trần Đình Sơn (trú xã Mỹ An, Phù Mỹ, Bình Định), chủ tàu vỏ thép BĐ 99245 TS mà trước đó các chuyên gia Hàn Quốc đã trực tiếp “khám bệnh” cho tàu cá này.
Theo ông Sơn, từ khi hạ thủy vào tháng 12/2016 đến nay tàu ông chỉ đi được 2 chuyến biển nhưng thua lỗ đến gần 200 triệu đồng vì máy tàu hư hỏng liên tục. “Nếu không thay máy mới, tôi sẽ báo cáo các cơ quan chức năng, rồi thuê thợ hàn xuống hàn bít hết cửa, niêm phong tàu và trả lại cho công ty đóng tàu”, ông Sơn nói.Trong khi đó, đại diện Đông Hải Auto cho rằng tàu hỏng máy có nhiều nguyên nhân. “Tôi không muốn nói ra điều này thì thành đổ lỗi cho ngư dân. Nhưng đến giai đoạn hiện nay có lẽ tôi phải nói. Ngư dân có nhất trí tôi nói không? Nhưng các anh không được đánh giá bên tôi đổ lỗi cho ngư dân. Vì về mặt truyền thông, sẽ rất tệ cho nhà phân phối khi đổ lỗi cho khách hàng”- ông Hải nói như kiểu “rào trước đón sau”.
Ngay sau đó, ông Hải đặt câu hỏi cho ngư dân Sơn: “Anh có chạy rô đa không? Thời gian chạy rô đa thay dầu bao nhiêu lần?, nước ngọt làm mát máy không chảy ra thân tàu mà tại sao lại được đưa lên trên sàn tàu….”. Lập tức, ông Sơn nhảy dựng lên phản ứng: “Từ Hải Phòng về ai thay nhớt? 5, 6 tàu cùng về, có chiếc tàu nào thay đâu? Các ông đổ thừa không đúng. Đầu nước ra thì quan trọng gì. Cái chính là làm mát máy. Động cơ máy như xương sống con tàu, tàu hỏng làm sao dám ra khơi lỡ gặp nạn trên biển ai chịu trách nhiệm. Trên tàu là sinh mạng của hàng chục thuyền viên”.
Còn ngư dân Hát nói: “Tôi nói cho các anh nghe trong 100 cái máy ít nhiều phải có máy gặp sự cố chứ chẳng máy nào là tốt 100%, xui gặp cái máy kém chất lượng thì phải đành chịu. Các anh nhận lỗi đi chứ đừng đổ lỗi tào lao, có lỗi thì nhận đi, ép chi tội ngư dân”.Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Vấn đề cấp bách nhất hiện nay là các bên liên quan phải phối hợp với nhau để giải quyết sớm nhất các hư hỏng để vươn khơi khai thác, đảm bảo Nghị định 67 được triển khai đồng bộ có hiệu quả như mong muốn của Chính phủ".
Về nguyên nhân dẫn đến tàu vỏ thép kém chất lượng và trách nhiệm các bên, theo ông Oai, cần có thời gian kiểm tra. "Trong chuyến làm việc lần này tại Bình Định chúng tôi sẽ trực tiếp gặp trao đổi với ngư dân về tình hình hư hỏng của các tàu thép 67. Đồng thời, làm việc với Sở NN&PTNT Bình Định về quy trình giải quyết các thủ tục hành chính giúp ngư dân vay tiền trong thời gian vừa qua”, ông Oai nói.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng: Có thể cơ sở đóng tàu đã hội đủ điều kiện theo quy định, nhưng chưa hẳn đảm bảo đóng tàu vỏ thép đúng chất lượng nên vấn đề này cần được kiểm tra kỹ lưỡng.
“Bộ NN&PTNT sẽ kiểm tra toàn bộ những mối liên quan trong bản hợp đồng giữa các chủ tàu và cơ sở đóng tàu. Việc giám sát xuyên suốt trong quá trình đóng tàu thế nào, trong đó trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm ra sao, phải rạch ròi trách nhiệm của mỗi bên liên quan. Đối với cơ sở đóng tàu, ngoài trách nhiệm cam kết với chủ đầu tư (chủ tàu) về chất lượng của con tàu đúng theo yêu cầu thiết kế kỹ thuật theo quy định của Nhà nước, còn có trách nhiệm đảm bảo con tàu vận hành như thế nào, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật ra sao, bồi dưỡng cho chủ tàu và thuyền viên từng vị trí để vận hành con tàu đã thực hiện đầy đủ chưa…?”- Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho hay.Ngày 16/5, trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Văn Nguyện, Chánh Văn phòng Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) cho biết, ngày 15/5, Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã có báo cáo gửi Tổng cục Hậu cần, kỹ thuật (Bộ Công an) về tình hình sửa chữa bảo hành cho tàu ngư dân theo Nghị định 67CP/NĐ – CP tại Bình Định.
Ông Trần Văn Nguyện cho rằng, Công ty TNHH MTV Nam Triệu là công ty đóng tàu đạt tiêu chuẩn theo đăng kiểm. Công ty đã dùng đúng chủng loại thép nhập khẩu từ Hàn Quốc, sơn nhập khẩu của Mỹ.
"Tuy nhiên, trong quá trình đánh bắt cá của ngư dân có xảy ra việc cọ xát của chì lưới với lực ma sát mạnh lên boong tàu làm cho bong, tróc lớp sơn tại một số vị trí, nước biển bám vào các vết bong tróc sơn đó gây ra hiện tượng rỉ sét", ông Nguyện nói.
Trước phát ngôn gây sốc của ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu “Tàu rỉ sét do nước biển quá mặn”, ông Nguyện lý giải chỉ là "truyền đạt không rõ ý".
Theo ông Nguyện, với quy trình vận hành bình thường, lẽ ra sau mỗi chuyến ra khơi các ngư dân phải tiến hành cọ rửa bằng nước ngọt để tránh hiện tượng rỉ sét nhưng nhiều ngư dân đã không làm. Khi bàn giao tàu, Công ty cũng tặng mỗi tàu 1 thùng sơn Mỹ để tự sơn, xử lý các vết rỉ sét nhưng nhiều ngư dân cũng không thực hiện. Ngoài ra, thông thường tại phần mạn tàu đều sử dụng những vật dụng như lốp ô tô cũ đặt tại các vị trí dễ va chạm để tránh xước sơn. "Tuy vậy, khi chúng tôi đi kiểm tra và ngay cả các hình ảnh mà báo chí đăng tải, nhiều tàu không hề có những vật dụng đơn giản này. Quá trình các tàu neo đậu gần nhau, va chạm tróc sơn là điều không thể tránh khỏi”, ông Nguyện nói.
Theo báo cáo gửi Tổng cục Hậu cần, kỹ thuật (Bộ Công an) của Công ty TNHH MTV Nam Triệu thì Công ty thực hiện đóng mới 25 tàu cá và tàu hậu cần nghề cá cho ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng và Bình Định (trong đó riêng Bình Định là 20 tàu). Qua quá trình vận hành tàu của ngư dân nảy sinh nhiều vấn đề như vận hành không đúng quy trình dẫn đến hỏng hóc không đáng có. Có tàu không bố trí thợ máy trực 24/24 để nước ngập máy tàu dẫn đến hỏng máy phát điện, máy bơm điện, nhiều tàu sử dụng dần cạn không bảo đảm chất lượng.
Đối với phản ánh về chất lượng máy, Công ty TNHH MTV Nam Triệu cho biết máy tàu là của 2 hãng Mitsuhishi (Nhật Bản) và Doosan (Hàn Quốc). Máy mới được nhập khẩu nguyên đai nguyên kiện, có đầy đủ giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận chất lượng sản phẩm. Khi máy được nhập khẩu về, đại diện nhà máy đóng tàu và ngư dân đã cùng kiểm tra, ký biên bản xác định máy mới 100%. Quá trình vận hành, trong số 20 tàu đóng cho ngư dân Bình Định có 4 tàu ngư dân có đơn kiến nghị.
"Chúng tôi đã kiến nghị tới các hãng Mitsuhishi (Nhật Bản) và Doosan (Hàn Quốc). Ngày 25/5 tới đây, chuyên gia của các hãng trên sẽ bay tới Việt Nam, tới hiện trường để kiểm tra chất lượng máy để xác định nguyên nhân hỏng hóc từ đó có hướng xử lý", ông Nguyện thông tin.