Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

TẠI SAO BÂY GIỜ TA MỚI NÓI ?



       
Đĩa CD "Trận phẩn kích tự vệ Tây Sa" giá 2 tệ
Bác Dương Danh Dy ,nguyên tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu ,hôm nay trên báo Tuổi Trẻ đã
thuật lại việc Trung Quốc thông tin cho dân biết về biển đảo ra sao.Tôi xin kể thêm một câu chuyện.Chẳng là Quảng Châu khá thân thuộc với tôi ,nơi mà hàng năm tôi đi dự hội chợ,gặp gỡ bạn bè .Nhiều người đã từng giúp đỡ Việt Nam trong chiến tranh,có người là bạn học với các lãnh đạo ngành đóng tàu,hàng hải và hải quân Việt Nam.Có những bạn rất chân thành .Ví như ông Ngô ở Ngô Châu .Mỗi lần khi biết tôi từ Quảng Châu trở về Đông Hưng ,trên đường xe ghé tạm bến xe Ngô Châu,ông Ngô chờ sẵn tại bến xe ,gửi cho tôi hộp cơm ăn dọc đường ! 
       
Con tàu "anh hùng"274 đã từng trưng bày tại Bảo tàng
Hàng hải Thanh Đảo
Mỗi lần đi hội chợ mùa xuân hay mùa thu ,tôi và Nguyễn Minh Đức,chủ tịch hội Điện Tử VN thường tha về một đống sách và mối lo ngại lớn nhất là ..bị ta bắt tại cửa khẩu Móng Cái.Lần đó ,có lẽ vào năm 1997,tôi cố tìm tài liệu xem họ nói vềHoàng Sa ra sao.Chẳng là ,trong khi đi hội chợ,chẳng biết vô tình thế nào có một cô bé biết tôi đến từ Việt Nam đã xổ ra một tràng “xủng xoảng” hết sức giận dữ,trong đó tôi nghe được các từ Xi-sa (Tây Sa tức Hoàng Sa) rất rõ.Thú thật với các bạn,tiếng Trung tự học của tôi chỉ đủ giao tiếp bình thường,những câu khó ,đành chịu.Không kịp lên hiệu sách lớn tại phố Bắc Kinh để tìm tài liệu,trong lúc chờ xe tới tại bến xe Việt Tú ,tôi tạt vào một tiệm tạp hóa nhỏ gần bến xe.Những dân đi lại xuyên biên giới Trung-Việt ,ai mà chẳng biết bến xe này ,một bến xe nằm ngay trung tâm Quảng Châu,nơi gắn liền với nhiều sự kiện của cách mạng Việt Nam.Chỉ cần lên xe ,ngủ một đêm,sáng hôm sau đã có mặt tại Đông Hưng Quảng Tây và đi bộ qua cầu là về tới Móng Cái.Cái tiệm tạp hóa này nho nhỏ như tiệm tạp hóa đầu hẻm quận Tư gần nhà tôi hiện nay.Chẳng thiếu một thứ gì:mì gói,kem đánh răng,thẻ điện thoại…và cả các đĩa ca nhạc.Loáng một cái ,tôi nhìn thấy cái mình cần tìm :Tây Sa tứcHoàng Sa đây rồi.Chỉ hai nhân dân tệ,bằng tiền mua chai nước,trong tay tôi đã có đĩa CD “Trận phản kích tự vệTây Sa -西沙自卫反击战“ Nghe đau khổ chưa ?Đi xâm chiếm nước khác mà là tự vệ,là phản kích .Cho nên chẳng có gì trách cứ cô bé Quảng Châu căm giận người Việt nếu ta đọc kỹ cuốn sách CD này,có đủ âm thanh ,video clip …trưng ra mọi chứng cứ chứng tỏ người Việt  “ăn cháo đá bát”,vô ơn ,trong khi người Trung Quốc chiến đấu ngoan cường bảo vệ từng tấc đất của cha ông và con tàu anh hùng đầy vết đạn do hải quân Sài Gòn bắn phá đã được trưng bày tại bảo tàng Thanh Đảo.Tháng năm năm 2010,tôi có dịp quay trở lại bảo tàng này,chiếc tàu “anh hùng” này đã được rút vào kho bảo quản.Người ta trưng ra những con tàu mới,trong đó có cả chiếc tàu ngầm đầu tiên hoàn toàn tự chế tại xưởng Giang Nam. 
        Lần đó,tôi may mắn tha được cái đĩa đó về.Cậu hải quan cửa khẩu khi khám hành lý chỉ lầu bầu .Toàn thứ vớ vẩn,chẳng thấy cái đĩa Thúy Nga nào.Tôi biết các chú rất sành các chương trình ca nhạc Paris by Night ,và có lẽ là người trong nước thưởng thức đầu tiên các vũ điệu hải ngoại này vì cửa khẩu này là nơi nhập đại trà cái thứ văn hóa đó về nước !

Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Sau hải chiến Hoàng Sa ,ai là người đã đào thoát ?


             Trước khi vào bài tôi xin nói vài lời về xuất xứ của chủ đề
Chuẫn bị thử bè bơm hơi.Từ trái qua :kỹ sư Hoàn
Đăng Kiểm;bác Hiển công nhân và tác giả bài viết
này .Hoàng Sa là một mục (entry) trong khi biên soạn cuốn Bách khoa Hàng hải và Đóng tàu,chữ nghĩa đào thoát là một phần
Tác giả bài viết (khoanh đỏ) điều khiển tập thoát hiểm 

trong công việc soạn thảo cuốn Từ Điển Hàng Hải Anh Việt đã kéo dài từ nhiều năm nay , còn kịch bản khi phải từ bỏ tàu (abandon) là công việc chính mà tôi đeo đuổi trong 30 năm qua ,nhờ kinh doanh dịch vụ này mà tôi có điều kiện học hỏi tiếp xúc với ngành dầu khí,hải quân ,hàng hải... và tôi mới tự sinh sống được như một người nghiên cứu độc lập .Xin gửi kèm hai tấm hình ,không phải để "khoe" mà để chứng minh nghề nghiệp bắt tôi phải để ý từng cái van trong bè cứu sinh (liferaft) ,từng lon nước cấp cứu cũng như tôi đã nhiều lần nhảy xuống nước bơi vào bè để huấn luyện cho thủy thủ.Tấm hình đầu tiên là buổi thử nghiệm mở bè cứu sinh tại Câu Lạc Bộ Lao Động Sài Gòn ngày 18/06/1986 ,tấm hình thứ hai chụp tại quân cảng Tiên Sa Đà Nẵng khi tôi đứng chỉ huy một buổi tập thoát hiểm bằng bè cứu sinh cho Hải quân vào năm 1988.Đó là mấy lời mở đầu khi ta bắt tay vào nghiên cứu chủ đề "Sau chiến sự Hoàng Sa ,ai là những người đã đào thoát ?"

            Về chữ nghĩa ,"đào thoát" có nghĩa là trốn thoát ,thoát khỏi .Tra chữ này trên Google ta tìm được 695 nghìn kết quả ,với những ví dụ như các phim hấp dẫn về thời kỳ tường Berlin chưa sụp đổ có tên là  " đào thoát khỏi nước Đức" ,phim viễn tưởng "đào thoát   khỏi Trái Đất" hay một số quan chức "đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên" .Vì có cùng chữ đào với "đào ngũ" nên có một số người e ngại cho là đào thoát mang ý xấu xa,trốn bỏ đội ngũ để giành sự sống một mình .Lại nữa ,việc từ bỏ con tàu ,trong các văn bản trong nước hiện nay,các tài liệu huấn luyện cứu sinh chính thức tại các trường hàng hải miền Bắc cũng như cả nước sau thống nhất đều không dùng từ "đào thoát" mà dùng từ thoát hiểm để chuyển ngữ chữ Anh tương đương escape.Đó là một ví dụ trong nhiều ví dụ mà thuật ngữ hàng hải hai miền Nam và Bắc Việt Nam trước 1975 có khác nhau . "Đào thoát' là từ Hán Việt ,viết là 逃脱 , còn "đào ngũ" trong tiếng Việt là đào binh âm Hán Việt viết là 兵,cả hai đều có chữ đào với bộ thủ sước để chỉ một hành động tránh đi .Thuật ngữ "đào thoát" được sử dụng chính thức trong các văn bản hàng hải của VNCH ,trong "tường trình ủy khúc" tức báo cáo sự cố,tổn thất thương vong của Hải quân VNCH ,trong khi đó tiếng Việt hiện nay trong hàng hải không dùng thuật ngữ này .Bởi vậy ,để tìm hiểu xem sau chiến trận Hoàng Sa ,việc từ bỏ tàu có diễn ra trong trật tự hay có điều gì bị tai tiếng là "đào ngũ",ta cần khảo sát kỹ lưỡng tiến trình thoát hiểm từ con tàu HQ-10 mang tên Nhựt Tảo/Nhật Tảo với hạm trưởng thiếu tá Ngụy Văn Thà 
         Về con tàu HQ-10 ,đã có nhiều tài liệu nêu rõ các thông số kỹ
Thoát hiểm bằng bè bơm hơi
thuật từ lúc nó còn là tàu quét mìn USS Serene của Hải quân Mỹ.Tuy vậy,không có một thông báo nào về hệ thống cứu sinh của tàu .Con tàu được đóng vào năm 1943 và giao cho Hải quân VNCH vào năm 1964 sau một thời gian dài nằm bẹp (một số chi tiết lấy từ 
bài viết của ông Thềm Sơn Hà trên trang của Nguyễn Thái Học Foundation.Ông đã bỏ công nghiên cứu tổng hợp nhiều tài liệu về chủ đề này.Mong được liên lạc để trao đổi.) Dự đoán là tàu đã trang bị các bè cứu sinh bơm hơi (inflatable liferaft) kèm theo cả bè cứng nhỏ (rigid liferaft) theo Công ước SOLAS phiên bản 1960 .Không rõ bè được trang bị thuộc thương hiệu nào ,nhưng với tàu hải quân Mỹ thường trang bị bè cứu sinh do hãng  Switlik  sản xuất với ký hiệu MK .Vấn đề cần tính toán là tàu này có bao nhiêu chiếc bè và bè thuộc cỡ nào MK-6,8 ...20 tức là loại bè nhỏ cho 6,8 hay 20 người ?Lại nữa,định biên trên tàu lúc này là 82 người ,theo SOLAS ,mỗi bên mạn tàu phải có đủ thiết bị thoát hiểm cho toàn bộ số người trên tàu cộng thêm 10% tức là phải tổng số các bè cứu sinh ở mỗi bên mạn phải chứa được 90 người.Tra cứu lịch sử của Switlik,chúng tôi chưa tìm được tình hình sản xuất của hãng này vào những năm 60-70,không biết đã có loại bè cho 20 người chưa.Nếu không,chỉ trang bị bè 10 người thì mặt boong của con tàu dài tổng cộng 56 mét thật khó bố trí mỗi bên mạn 9 chiếc bè Mk-10 Trong khi theo bản vẽ kèm theo ,tàu có hai bè ở mỗi bên ,tức là tổng cộng chỉ có 4 bè bơm hơi và một bè cứng nhỏ .Việc trang bị trong bè có được đảm bảo theo đúng quy định của SOLAS không ,cũng là một vấn đề .Qua công tác bảo dưỡng các bè cứu sinh trên các tàu dân dụng của hãng Vishipco Lines Trần Đình Trường được Công ty Sovosco (sau này là Vitranschart) quản lý,chúng tôi thấy tất cả các bè lâu không được bảo dưỡng đúng kỳ hạn,và hình như trước năm 1975 ,tại Sài Gòn chưa có các trạm bảo dưỡng các bè cứu sinh mà chỉ có trạm tại sân bay Tân Sơn Nhất.Chính từ sân bay này mà chúng tôi đã bắt đầu học nghề thiết bị cứu sinh từ các bác công nhân có bằng do Switlik cấp ,đồng thời với việc nghiên cứu một số tài liệu sách vở tiếng Nga để hình thành nên dịch vụ kiểm tra thiết bị cứu sinh những ngày đầu.Trong đoạn kể diễn tiến thoát hiểm mà Thềm Sơn Hà tổng hợp lại trích dẫn dưới đây ,có nói tới các bè bị nhiều vết đạn của Trung Quốc và chiếc bè của hạm phó Nguyễn Thành Trí "nước ngập tới ngực".Chi tiết này,tôi cho là không chính xác vì bè cứu sinh có hai khoang hơi ,có lẽ đã hỏng một khoang hơi khiến cho nước có thể ngập xâm xấp sàn bè chứ không thể "ngập tới ngực" !   . Theo trình bày ở phần dưới ,cuối cùng ,28 người đã xuống được 4 bè cứu sinh và một bè cứng .Điều khó hiểu là tại sao hai chiến sĩ bị thương nặng nhất lại nằm trên bè cứng ,mặc dù có thể có mui che ,nhưng sàn bè bơm hơi vẫn là giường tốt nhất để các anh nằm .Không rõ các anh xuống bè bằng cách nào,chắc là dùng thang xuồng để leo xuống ,có người nhẩy xuống nước rồi bơi vào,cũng là đúng kịch bản rời tàu .Và tình hình thời tiết lúc đó cùng không đáng ngại,nên việc rời tàu tiến hành đúng trật tự.
       
Bố trri1 trên HQ-10 ,mỗi mạn có hai bè cứng đặt trên giá bè
       
Các bè cứng trên tàu chiến Trần Hưng Đạo
Nhưng thật đáng tiếc,sau khi trao đổi lại với thượng sĩ giám lộ tức thượng sĩ làm các công tác chuẩn bị và vạch hải đồ trong hành quân Lữ Công Bảy của HQ-4,sau khi tra cứu các hình chụp tàu chiến Hải quân VNCH tôi được biết là tất cả các tàu hải quân VNCH thời gian này chưa trang bị bè bơm hơi mà chỉ trang bị bè cứng (rigid) làm bằng xốp.đặt trên giá.Trong khi đó các tàu dân dụng đã dùng bè bơm hơi ! Không rõ cấu trúc cụ thể của
Bè cứng trên tàu chiến Phạm Ngũ Lão
bè cứng này ra sao nhưng từ các bè cứng hiện đang dùng hiện nay ,như hình dưới đây,với vật liệu chế tạo bằng composite tốt hơn vật liệu xốp hồi đó  ,những người đi biển ngày hôm nay có thể thấy hết nỗi vất vả đau đớn của những chiến sĩ Hoàng Sa tàu HQ-10 ,với hạm phó Nguyễn Thành Trí đầy  vết thương và đàn cá mập đuổi theo,trên một chiếc bè có lưới đan giữa xâm xấp nước biển ,dù có mui được căng lên nhưng làm sao kín đáo như những chiếc bè bơm hơi ngày nay ,dù có chút nước và kẹo ngậm nhưng làm sao có đủ 40 hạng mục trong bè như SOLAS quy định ! Cho nên chúng ta không thể không ngạc nhiên khi anh em phải tìm được một cây gỗ trôi nổi để làm dầm chèo,trong khi bè ngày nay có đủ hai mái chèo,đèn chiếu,thuốc y tế ...! 
Bè cứng
Và đây là những điều mà ông Thềm Sơn Hải đã tổng hợp lại về phút cuối cùng của HQ-10 và thủy thủ đoàn rời bỏ tàu .Những chi tiết này rất đáng nghiên cứu để xây dựng môn thoát hiểm hàng hải và hải quân nước ta ngày hôm nay  :

Hành trình thoát hiểm   
Đại úy Nguyễn Thành Trí

Sau khi đã chiến đấu vô cùng anh dũng ,lợi dụng sự bất lợi của HQ10, chiếc tàu mang số hiệu 389 của Trung Quốc đã tấn công tới tấp và HQ10 bắt đầu trúng đạn ở đài chỉ huy và phòng lái...." Hạm trưởng , hầu hết các sĩ quan, hạ sĩ quan và nhân viên ngành giám lộ và vận chuyển (tức thủy thủ bẻ lái) có mặt trên đài chỉ huy và phòng lái đều tử trận ngoại trừ Hạm phó (Nguyễn Thành Trí) bị thương nặng nơi mặt, bụng và chân phải (mất một miếng thịt ở chân phải).Ngoài đài chỉ huy và phòng lái, hầm máy và hầm đạn dược cũng bị trúng đạn bốc cháy. Đạn nổ văng tứ tung và khói đen tuôn mịt mù khắp con tàu.Từ vị trí cách HQ 10 khoảng vài trăm mét, quan sát thấy HQ10 đang ở trong tình trạng rối loạn, không bỏ lỡ cơ hội chiếc 389 của TQ vận chuyển tiến vào phía sau lái phải của tàu HQ10. Thấy tàu địch có ý định cặp vào, một vài nhân viên hơi giao động nhưng hai chiến sĩ Lê Văn Tây và Ngô Văn Sáu vẫn ngang nhiên ghì chặt nòng súng làm tròn phận sự của mình (lúc này trên HQ10 có khoảng 50 chiến sĩ đã hy sinh, một số bị thương nặng nhẹ, chỉ còn khoảng 20 người còn khả năng chiến đấu). Lính Trung Quốc trên tàu số hiệu 389 ném lựu đạn, bắn súng tiểu liên , súng bazooka qua HQ10 với mục đích thanh toán các ổ súng còn lại, sau đó sẽ cặp vào đổ bộ lính lên chiếm đoạt tàu và bắt sống thủy thủ đoàn HQ10.Những đợt tác xạ của địch trúng vào đài chỉ huy đã làm đại úy Trí rớt xuống phòng lái, tuy nhiên với dáng người to con, tướng vạm vỡ (cao 1,74m - nặng 70 kg ,anh em thường gọi đùa là Trí voi), Hạm phó  Nguyễn Thành Trí mặc dù đang bị thương nặng nhưng đã cố gượng đứng lên. Đoán được ý định của giặc, từ phòng lái,đại úy Trí đã giựt lấy khẩu M16 nhả hàng loạt đạn vào tàu địch và sau khi đợi tàu địch vào đúng vị trí,đại úy Trí đã cố sức vận chuyển chiến hạm, lấy hết tay lái về bên phải, hướng mũi tàu HQ10 đâm vào hông chiếc 389 của địch.Quá bất ngờ trước hành động sáng suốt và quyết tử này, chiếc 389 không còn cách gì để vận chuyển tránh né khỏi nên đã bị phần mũi của HQ10 đâm mạnh vào điểm yếu của chiến hạm là phần sau lái. Cú đụng mạnh này cộng thêm vào những hư hại do hỏa pháo của HQ10 bắn trúng trong đợt khai hỏa đầu tiên đã đưa chiếc 389 lâm vào tình trạng nguy kịch, có lẽ đang sắp sửa chìm. Đây chắc cũng là lý do khiến chiến 396 phải ngưng chiến đấu với HQ16 để cấp tốc chạy đến tiếp cứu chiếc 389. Tuy nhiên, ngay cả chiếc 396 cũng lâm vào tình trạng nguy ngập vì thế 2 tàu đánh cá ngụy trang 402 và 407 đã đến tiếp cứu và đưa 389 ủi vào bãi san hô.Có thể nói đây là một chiến công thật hiển hách của anh hùng Nguyễn Thành Trí trước giặc xâm lược. Vì cấu trúc của phần mũi HQ10 rất chắc chắn nên sau khi đâm mạnh vào sau lái chiếc 389, phần sườn và vỏ tàu HQ10 không bị hư hại thêm nhiều nhưng cả 2 máy chính của tàu lúc này hoàn toàn không còn hoạt động . Chiến hạm ta và địch từ từ tách ra xa. Tiếng súng đã lắng dịu. Trận hải chiến đang ở trong giai đoạn chấm dứt. HQ16 đang cố gắng bơm nước ra và sửa chửa máy phát điện từ từ ra khỏi lòng chảo hướng về Đà Nẵng. HQ4 và HQ5 rời vùng về hướng Đông Nam. Chiến hạm địch đang tự cứu hoặc đến cứu giúp lẫn nhau. Do đó, mặc dù HQ10 vẫn còn hiện diện tại vùng chiến nhưng đã không có một chiến hạm nào khác của TQ đến gần để thăm dò hoặc để bắn chìm. Mãi đến 11 giờ 49 phút TQ mới ra lệnh cho 2 chiến hạm lớp Hải Nam mang số 281, 282 tăng tốc độ trực chỉ đến vùng và chúng đã đến địa điểm giao chiến vào lúc 12 giờ 12 phút.


         Tình trạng HQ10 lúc này quá bi đát, gần 70% nhân viên đã hy sinh kể cả Hạm trưởng, một số đang bị thương, phòng máy còn đang cháy, các nhân viên cơ khí bị cháy đen thui trong đó có Trung úy  Thạch máy trưởng của tàu, hai chân hầu như lìa khỏi thân mình, mặt mày cháy đen, hai máy chính và máy điện cũng như hệ thống liên lạc nội bộ và máy truyền tin không còn sử dụng được.

Đại úy Trí từ đài chỉ huy bò xuống boong tàu. Trước tình trạng tuyệt vọng không được sự tiếp cứu từ các chiến hạm bạn, ngoài ra các chiến hạm địch cũng đang tự cứu lấy do đó không còn là mối đe dọa nữa. Có lẽ đây là những lý do đã khiến cho đại úy Trí ra lệnh đào thoát.Với gương mặt đầy máu, đại úy Trí được hai nhân viên dìu đứng gần bè cấp cứu dõng dạc tuyên bố :” Hạm trưởng đã hy sinh, tôi thay mặt Hạm trưởng ra lịnh đào thoát.” Sau đó,đại úy Trí đã lết đến từng chỗ mà kéo vực các binh sĩ xuống bè đào thoát (trong số này có Trung úy Phạm Văn Thì đang ở tại vị trí ôm cây đại liên). Ngoài ra đại úy Trí chỉ định những nhân viên còn khỏe mạnh thả 4 bè cấp cứu cùng phụ giúp đưa những người bị thương xuống bè và chuẩn bị một bè nhỏ có hai miếng ván kê lên để cho 2 chiến sĩ bị thương nặng là TS/VC  Đa và TS/TP Nam nằm lên.

Khi tất cả nhân viên đã xuống bè,đại úy  Trí với vết thương quá nặng, khắp người nhầy nhụa máu cương quyết ở lại chết cùng Hạm trưởng cùng nhân viên và chiến hạm nhưng hai nhân viên là HS/TP Trần Ngọc Sơn và TT/TX Trương Văn Long đã cặp và lôi ông xuống bè.Như vậy cuộc đào thoát đã được thực hiện từng giai đoạn, rất có kỷ luật và theo đúng truyền thống Hải Quân. Quyền Hạm trưởng Nguyễn Thành Trí là người cuối cùng miển cưỡng rời chiến hạm. Trong những giờ phút sau cùng,đại úy Trí vẫn không quên những bài học về Hải Quy trong hai năm thụ huấn nơi quân trường.

Khi tất cả nhân viên đã lên bè đầy đủ ( có người nhảy xuống nước rồi mới lên bè) kiểm điểm lại có tất cả 28 người trong đó có những người bị thương nặng và nhẹ trên 4 bè lớn và 1 bè nhỏ, ngoại trừ các chiến sĩ đã hy sinh. Có 2 chiến sĩ oai hùng là HS1/VC Lê Văn Tây và HS/VC Ngô Văn Sáu đã từ chối không xuống bè đào thoát, quyết ở lại tử chiến với giặc thù TQ và chết theo tàu.
Tình trạng các bè rất bi thảm, bè nào cũng bị trúng đạn. Riêng bè của đại úy Trí bị bể một miếng lớn, khi 6 người ngồi lên, bè chìm xuống, nước ngập tới ngực. Dù bị thương nặng nhưng đại úy Trí vẫn còn tỉnh táo, ông bảo thủy thủ cố đưa 4 bè lại gần nhau rồi dùng những sợi dây chung quanh phao, cột chúng lại với nhau để cho tàu chạy ngang qua dễ nhìn thấy.

Luồng nước và gió từ từ đưa các bè xa dần HQ10. Lúc này tiếng súng đã ngưng hẵn. Từ bè nhìn lại HQ10 vẫn còn bốc khói. Tàu bị trúng đạn quá nhiều lỗ chỗ như tổ ong; về phía TQ, 3 chiếc cũng đang bốc cháy.Tất cả mọi người đều hy vọng sẽ có chiến hạm bạn đến tiếp cứu nhất là HQ16 cũng không xa lắm, nhưng khi nhìn thấy HQ16 bị nghiêng một bên và đang từ từ chạy ra khỏi lòng chảo họ mới hiểu được lý do vì sao HQ16 không đến vớt họ lên.

Gió mùa Đông Bắc đưa các bè trôi theo hướng ra ngoài lòng chảo nhóm Nguyệt Thiềm và HQ10 cũng đang trôi theo. Khoảng hơn một giờ sau các thủy thủ trên bè thấy có khói xuất hiện ở cuối chân trời, niềm hy vọng có tàu bạn đến cứu nhóm lên, nhưng khi đến gần thì ra là hai chiếc số 281, 282 loại Hải Nam của TQ. Khi 2 chiếc này tới gần HQ10 vào lúc 12 giờ 12 phút khẩu đại bác 20 ly do 2 chiến sĩ anh hùng Tây và Sáu ở lại tử thủ bắt đầu nổ vang, chiến hạm địch vừa tiến vừa phản pháo bằng đại bác 57 ly và các loại súng khác. Một hồi lâu sau tiếng đại bác 20 ly từ HQ10 im bặt, HS1/VC Lê Văn Tây và HS/VC Ngô Văn Sáu đã trúng đạn của giặc thù TQ hy sinh đền nợ nước một cách oai hùng.

Mặc dù không còn tiếng súng chống trả trên HQ 10 nhưng tàu TQ vẫn tiếp tục bắn xối xả vào HQ10 trong khi HQ10 đang bốc cháy và trôi lềnh bềnh cho đến 14 giờ 52 phút thì chìm tại địa điểm cách phía Nam bãi đá ngầm Hải Sâm (Antelope reef) khoảng 2,5 km mang theo thân xác của Hạm trưởng Ngụy Văn Thà và 54 chiến sĩ anh hùng .
Thanh toán HQ 10 xong, hai chiếc 281, 282 quay lại tiến gần đến các bè, Hạm phó Nguyễn Thành Trí dặn các nhân viên trên bè :”nếu bị bắt, bị đánh cũng đừng khóc, đừng van xin”. Tất cả đều hồi hộp không biết chúng sẽ hành động như thế nào? Chúng sẽ vớt họ lên bắt sống làm tù binh? Chúng sẽ bỏ mặc cho bè các anh tiếp tục trôi để chết lần mòn giữa biển khơi? Hay là chúng sẽ bắn vào bè để giết chết hết các anh?... Cuối cùng, sau khi chạy quanh các bè khoảng 2 vòng, chúng vẫy tay cười rồi bỏ đi. Chúng đã chọn phương cách thật tàn nhẫn vừa khỏi phí đạn, vừa khỏi tốn công chăm sóc các anh theo luật tù binh quốc tế, vừa khỏi mang tiếng sát nhân vì chúng nghĩ là sớm muộn gì các anh cũng sẽ chết.



Sau khi tàu TQ bỏ đi, các bè vẫn tiếp tục trôi và khi mặt trời bắt đầu lặn dòng nước đưa các bè lại gần một hòn đảo nhỏ. Đại úy Trí ân cần dặn nếu lên được đảo thì phải đào hố để che gió cho ấm và kiếm nước uống , tuyệt đối không được uống nước biển sẽ chóng chết.



Các anh em cố gắng dùng tay và những mảnh ván nhỏ thế chèo nhưng vẫn không vào được gần đảo, dần dần các bè trôi ra ngoài khu vực lòng chảo. Càng về đêm gió càng thổi mạnh, sóng dâng to đánh mạnh vào các bè làm chiếc bè trên đó có đại úy Trí bị đứt dây tách ra khỏi nhóm. Tất cả mọi người trên các bè đều lạnh run và mệt lả. Trên bè của đại úy Trí có thêm trung úy Ngân cũng bị thương. Phần đại úy Trí bị thương trên đầu, bụng và chân nhưng ông vẫn cố gắng giữ vẻ tỉnh táo, che dấu đi những nổi đau đớn do vết thương hành hạ. Tuy nhiên vết thương ở chân vì không được băng bó kỷ lưỡng nên vẫn còn rĩ máu vì thế cá mập cứ bám theo sau.



Từ trái sang phải : Lữ Công Bảy tàu HQ-4 Trần Khánh Dư;
Nguyễn Thanh Triết con trai hạm phó Nguyễn Thành Trí ,sinh ngày 
20/07/1974 sáu tháng sau người cha hy sinh ,ngoài tên chính
trong khai sinh còn ghi thêm ...tự Hoàng Sa !;Nguyễn Thị Thanh Thảo
chị của Nguyễn Thanh Triết áo đỏ đeo kính;Đinh Thị Mỹ Lệ -con gái duy 
nhất của trung úy Đinh Ngọc Doanh hy sinh trong trận bảo
vệ đảo Gạc Ma 1988;Nguyễn Văn Huy -kỹ sư địa chất
Lo ngại về sự an toàn của đồng đội và có lẽ cũng biết là mình sắp chết nên đại úy Trí đã bảo thuộc cấp :" hảy thả tôi xuống biển, nếu không cá mập cứ bám theo, các anh cũng sẽ chết hết." Nhưng các anh em không thể nhẩn tâm đối với vị Hạm phó đã từng sống chết với mình nên họ đã làm ngơ. Cho đến khi đêm xuống, các anh em mệt nhoài ngủ thiếp đi thì cũng là lúc đại úy Trí trút hơi thở cuối cùng đền nợ nước vào khoảng 2 giờ sáng ngày 20 tháng 1 năm 1974, sau khi đã làm tròn nhiệm vụ của một chiến sĩ Hải quân cho đến phút cuối cùng. Các chiến sĩ đào thoát đã chờ đến lúc trời sáng để làm lễ thủy táng cho ông theo truyền thống Hải quân.

Ngoài đại úy Trí còn có 5 chiến sĩ bị thương trong trận hải chiến cũng đã hy sinh trên các bè đào thoát, danh sách trích từ phiếu tường trình ủy khúc số 121/BLH/HĐ/NV/TTUK/K ngày 16-2-1974 của Bộ Tư Lệnh gồm có:

- HQ. Đại Úy Nguyễn Thành Trí số quân: 61A702.714
- TS1/GL Vương Thương - 64A700.777
- TS/VCh Phan Ngọc Đa - 71A703.001
- TS/TP Võ Văn Nam - 71A705.697
- TS/ĐTTrần Văn Thọ - 71A706.845
- TS/QK Nguyễn Văn Tuấn - 71A700.206

Với khoảng 4 ngày và 3 đêm trôi lênh đênh giữa vùng biển mênh mông trên các bè loang lỗ đầy vết đạn của giặc thù, nước uống và thức ăn không đủ để chia nhau phải dùng nước tiểu pha với nước biển để uống cầm cự. Họ đã sống giữa tuyệt vọng và hy vọng, giữa cái chết và cái sống, giữa những cơn đau đớn tận cùng do vết thương hành hạ, do thời tiết nghiệt ngã mang đến và nhất là nỗi đau xót khi chứng kiến đồng đội người này tiếp nối người kia gục ngã trên bè, thân xác được thủy táng vào lòng đại dương. Nhưng hầu như tất cả mọi người lúc nào cũng chia xẻ với nhau, cũng nhường nhịn lo lắng cho nhau và cùng nhau cầu nguyện.

Công cuộc tìm kiếm và cứu vớt 

    Ngay trong ngày 19-1, trước tin sơ khởi báo cáo về cho biết có thể có 2 chiến hạm phía ta đã bị hỏa tiễn Styx của TQ bắn chìm, chánh phủ VNCH đã 3 lần nhờ chánh phủ Hoa Kỳ trợ giúp trong việc tìm kiếm và cấp cứu (2 lần nhờ sự trợ giúp của các chiến hạm và 1 lần nhờ sự trợ giúp của các trực thăng thuộc Hạm Đội 7), nhưng lời yêu cầu này đã bị Đại Sứ Martin khước từ. Người bạn đồng minh từ bao năm nay đã lựa chọn thái độ không can dự vào các vụ tranh chấp chủ quyền trên các hải đảo trong vùng biển Đông, ngay cả việc giúp đỡ với mục đích nhân đạo.


Thái độ này đã được thể hiện rõ rệt qua việc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ yêu cầu Bộ Quốc Phòng chỉ thị cho Hải Quân Hoa Kỳ đứng ngoài khu vực xung đột. (ngày giờ chính xác của văn thơ này chưa được rõ). Do vậy, nên ngay sau khi được tin chiến hạm Hải quân VNCH đã nhận được lịnh khai hỏa, Tư Lệ nh Hạm Đội Hải Quân Hoa Kỳ vào lúc 0950H ngày 19-1 lập tức gởi công điện ra lịnh cho các chiến hạm Hoa Kỳ tránh xa khỏi khu vực sắp giao chiến và tránh các hành động có thể được xem như là tham dự vào hay cung cấp sự yểm trợ cho miền Nam.


Đồng thời Tư Lệnh Không Quân Hoa Kỳ Thái Bình Dương cũng ra lệnh cấm tất cả các phi cơ thuộc Không Lực Hoa Kỳ bay trên không phận quần đảo Hoàng Sa ở bất cứ cao độ nào.


Nhật báo The New York Times ra ngày 19-1 có đăng lời Phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tuyên bố “Chúng tôi không đứng về bất cứ phe nào”. Ngoài ra John F. King viên chức giao tế thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã phát biểu khi trả lời các câu hỏi :” Lẽ dỉ nhiên, chúng tôi hết sức mong muốn một sự dàn xếp êm đẹp”, nhưng “chúng tôi không can dự vào”Vào buổi tối ngày 20-1, Ngoại Trưởng VNCH đã yêu cầu Đại Sứ Martin chuyển đạt lời yêu cầu đến chính phủ Hoa Kỳ để nhờ họ đề nghị với TQ đồng ý hưu chiến trong 48 giờ, đủ thời gian để chính phủ VNCH có thể di tản những người chết và bị thương ra khỏi quần đảo HS .Lời đề nghị hợp lý và nhân đạo này đã không được chính phủ Hoa Kỳ chuyển đến Bắc Kinh.


Trước thái độ dửng dưng của Hoa Kỳ, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sau khi cân nhắc lợi hại đã từ bỏ ý định dùng võ lực tái chiếm Hoàng Sa. Vì vậy các giới chức thẩm quyền đã nghĩ ngay đến việc cứu cấp các chiến sĩ HQ10 đào thoát trên bè sau trận hải chiến.


Trưa ngày 22-1 lúc 1 giờ 05 phút, Toà Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn đã gởi điện thư về Bộ Ngoại Giao báo cáo là vào buổi sáng, dinh Độc Lập, Bộ Ngoại Giao và Đại Tướng Cao Văn Viên Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực VNCH đã thông báo với họ là Chính Phủ Việt Nam cảm thấy bắt buộc phải mở ra cuộc hành quân không/hải để tìm kiếm những người hy vọng sống sót trên mặt biển trong khoảng giữa Hoàng Sa và Đà Nẵng.(chú thích 1)


Sơ đồ trôi giạt và tìm kiếm
Tiếp theo đó lúc 1 giờ 31 trưa ngày 22-1, Tòa Đại Sứ lại gởi tiếp bản văn từ Bộ Ngoại Giao VNCH mới vừa được Phát Ngôn Viên Bộ Ngoại Giao VNCH phổ biến đến báo chí, nội dung bản văn loan báo cấp chỉ huy quân sự Việt Nam đang mở ra cuộc hành quân cứu cấp trong vòng 48 giờ để cứu vớt những người sống sót trên Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ10, chiến hạm này đã được báo cáo mất tích sau trận hải chiến với Hải Quân TQ tại quần đảo Hoàng Sa.


Lực lượng tham dự cuộc tìm kiếm gồm có Tuần Dương Hạm Trần Quốc Toản HQ 6 (chú thích 2) , hai chiếc Tuần Duyên Đỉnh WPB (chú thích 3) và 1 phi cơ C-119 (chú thích 4)


Khu vực tìm kiếm nằm trong giới hạn bởi các tọa độ dưới đây :


- A. 15 độ 30 phút 28 giây Bắc - 110 độ 00 phút 18 giây Đông
- B. 14 độ 50 phút 30 giây Bắc - 110 độ 40 phút 27 giây Đông
- C. 15 độ 30 phút 36 giây Bắc - 111 độ 10 phút 00 giây Đông
- D. 16 độ 00 phút 00 giây Bắc - 110 độ 40 phút 48 giây Đông


Bản văn từ Tòa Đại Sứ Mỹ cũng cho biết là các giới chức thẩm quyền VNCH quan tâm đến số phận của thủy thủ đoàn HQ10 mà lần sau cùng đã được thấy không người điều khiển gần đảo Vĩnh Lạc Quang Ảnh (Money Thềm Sơn Hà viết sai là Vĩnh Lạc). Với dòng nước biển chảy bình thường sẽ đưa HQ10 hoặc là nếu chiến hạm bị chìm sẽ đưa những người sống sót đến khoảng 70 hải lý về hướng Tây Nam của khu vực nằm trong các tọa độ A, B, C và D.


Bản văn còn cho biết là chánh phủ VNCH chỉ thị phái đoàn VN ở Geneva lập tức thông báo cho Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế những điều đã đề cập ở trên và yêu cầu Hội thông báo Bắc Kinh về bản chất và phạm vi của cuộc hành quân, ngoài ra còn yêu cầu chánh phủ Hoa Kỳ xử dụng các phương tiện thông tin trực tiếp với Bắc Kinh trong nỗ lực để đảm bảo là Bắc Kinh cũng biết rõ về chiến dịch hoàn toàn có tính chất nhân đạo này.


Về phần Đại Sứ Martin, ông cũng khuyến cáo Bộ Ngoại Giao Mỹ nên tiếp xúc với Phái đoàn liên lạc TQ ở Hoa Thịnh Đốn hoặc Văn phòng Liên Lạc Hoa Kỳ ở Bắc Kinh để yêu cầu TQ thông báo đến các giới chức thẫm quyền quân sự của họ về chiến dịch này và Bộ Ngoại Giao có thể chỉ thị Phái Đoàn Hoa Kỳ ở Geneva tạo điều kiện để Phái đoàn Việt Nam tại Geneva và Hội HTT quốc tế gặp gỡ nhau.


Những lời khuyến cáo của Đại Sứ Martin đã được Ngoại Trưởng Kissinger chấp thuận, vì vậy ngay sau đó Ngoại Trưởng Kissinger đã gởi điện thư cho Văn Phòng Liên Lạc Mỹ ở Bắc Kinh yêu cầu họ thông báo với Bộ Ngoại Giao TC về cuộc hành quân cứu cấp này. Ngoài ra cũng giải thích cho Bắc Kinh biết là Mỹ làm việc này theo sự yêu cầu của chánh phủ VN và với tính cách nhân đạo, còn việc đề nghị Bộ Ngoại giao TC thông báo cho cấp chỉ huy quân sự TC là tùy ở Văn Phòng Liên Lạc.


Trong khi các chiến hạm và phi cơ VNCH đang bắt đầu việc tìm kiếm thì vào lúc 6 giờ 30 chiều ngày 22-1-1974 tàu dầu Kopionella thuộc hãng Shell mang quốc tịch Hòa Lan đã tìm thấy và vớt tất cả 22 người thuộc HQ10 còn sống sót lên tàu tại toạ độ 16 độ 10’ N và 110 độ 46’ E cách Đà Nẵng khoảng 287 km về hướng Đông, như vậy toán đào thoát đã trôi trên biển trong khoảng 78 giờ với khoảng cách độ 110 km.


Tàu dầu Hà Lan Kopionella
Sau khi lên tàu Thượng Sĩ Châu vì quá kiệt sức nên đã trút hơi thở cuối cùng, ngoài ra có 4 người bị thương nặng. Tất cả đã được từ Thuyền Trưởng, Thuyền Phó và phu nhân của các vị này cùng thủy đoàn tàu dầu Kopionella tận tình chăm sóc. Với tư cách Sĩ quan thâm niên hiện diện,Trung Úy Phạm Văn Thì đã được thuyền trưởng đưa vào phòng của ông để liên lạc với cấp chỉ huy Hải Quân Việt Nam.


Sáng ngày 23-1 lúc 5 giờ 15 tất cả đã được chuyển sang Tuần dương Hạm Trần Quốc Toản HQ6 để đưa về Đà Nẵng.


Qua lời thuật lại của các chiến sĩ sống sót, cuộc hành quân cứu vớt tiếp tục sang ngày 23-1 với hy vọng tìm thấy bè bằng cây trên đó có TS/VC Đa và TS/TP Nam, nhưng đến 6 giờ 15 phút chiều cùng ngày phi cơ tuần tiểu đã phát giác hai mảnh ván tại tọa độ 15 độ 43’ Bắc – 110 độ 02’ Đông, nhưng khi chiến hạm được điều động đến nơi mọi người đều thất vọng vì chỉ thấy 2 miếng ván không người.
Cuộc hành quân tìm kiếm và cấp cứu đã được chấm dứt ngay sau đó.

Xin cho một lần tất cả những người dân nước Việt, không phân biệt Nam, Trung, Bắc không phân biệt lý thuyết, chủ nghĩa hãy cúi đầu khâm phục tinh thần bất khuất và sự hy sinh cao cả của 54 chiến sĩ HQ10 đã hy sinh tại chiến trường, 7 chiến sĩ hy sinh trên đường đào thoát cũng như 21 chiến sĩ còn lại đã thoát chết trong lúc chiến đấu với giặc thù, đã sống sót trong 3 đêm và 4 ngày gian khổ cùng cực trên biển khơi.

Chuyện bên lề: Trong bài “Nhật ký bên lề trận hải chiến Hoàng Sa”, HQ Đại Tá Võ Sum TP6/BTL/HQ (Phòng Truyền Tin) đã viết là vì muốn biết số phận cuả HQ10 nên trong ngày 20 tháng 1, ông đã dùng phương pháp cảm xạ học để tìm vị trí của chiến hạm xấu số này.Ông đã tiên đoán số phận HQ10 “không bao giờ trở lại” và các bè trôi theo hướng 240 độ thật là chính xác. Vị trí cuối cùng của các bè đào thoát do Ông tìm được lần sau cùng vào lúc 10 giờ đêm ngày 22 tháng1 là điểm E tọa độ 16 độ 17’ Bắc và 110 độ 58’ Đông.Ngoài ra cũng theo bài viết thì chính Trung tá Lê Thành Uyển đã thiết lập khu vực tìm kiếm cho các chiến hạm và phi cơ.
Từ trang của Tất Ngưu HQ10 

Sau khi hai chiếc tàu đụng nhau, tiếng súng lớn dường như im bặt, chỉ còn nghe những tiếng súng nhỏ. Giai đoạn hải chiến hình như chấm dứt. Anh em đồng đội chuẩn bị cứu thương lẫn nhau. Hầm máy đang cháy, nhân viên phòng tai lo cứu hỏa. Một số nhân viên cơ khí chết thui dưới hầm máy. Những anh còn tỉnh thì được kéo lên boong chánh. Trung úy Huỳnh Duy Thạch (cùng là đàn anh của tôi xuất thân từ trường Việt Nam Hàng Hải Thương Thuyền, cũng là Cơ Khí Trưởng của chiến hạm HQ10, chẳng may đã tử trận trong hầm máy. Ôi ! tiếng rên la áo não ngần nào. Đài chỉ huy hoàn toàn tê liệt, cả cầu thang từ trung tâm chiến báo (CIC) lên đài chỉ huy cũng bay mất một góc. Phòng y tá hoàn toàn thiêu trụi. Trong phòng ăn sĩ quan (được sử dụng làm trung tâm phòng tai), sĩ quan phòng tai HQ Thiếu Úy Bửu (Khóa 25/Võ Bị Đà Lạt) đang rên la với một chân trái bị bay mất, máu ướt đẫm người. Vừa được đưa ra đến sân sau, anh đã trút hơi thở cuối cùng. Các anh em bị thương khác không có thuốc men cấp cứu gì hơn, chỉ dùng vạt áo để băng bó.
“Ồ ! HQ16 , anh Thương hãy đánh SOS cho họ đến tiếp cứu!”
Chúng tôi đánh hiệu bằng cờ, nhưng HQ16 đã quay đầu đi thẳng trong sự thất vọng hoàn toàn của chúng tôi. Những tiếng súng lại bắn vang, cùng với những tiếng nổ trên tàu. Chính lúc này Thiếu Tá Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà đã anh dũng hy sinh trên đài chỉ huy. Tôi còn nhớ là đài chỉ huy trước khi bị tê liệt hoàn toàn đã ra lệnh cho chúng tôi đào thoát. Những giòng tư tưởng quay cuồng trong tôi. Thế còn tàu? và nếu có đào thoát, chắc hẳn có sống không? Rồi tôi tự nhủ rằng HQ16 sẽ quay lại cứu mình.
Những tiếng súng lại vang lên, tiếng nổ trên tàu lại tiếp diễn. Nhìn ra phía sau, hai chiến hạm địch lù lù tiến đến, hướng về phía mình. HQ16 di tản càng ngày càng xa. Trên boong thây xác ngổn ngang, chiến hạm trơ trơ mặc sóng gió đẩy đưa. Trên mặt biển, đồng đội lô nhô trên những bè cấp cứu. Ôi thay! tôi tự hỏi mình có nên đào thoát hay không.

Hạ sĩ nhất cơ khí Nữ chạy đến với giọng rung rung:
“Ch/úy. Ch/úy biết bơi có gì Ch/úy kéo hộ tôi nhé !”
“Rồi cứ nhẩy đi, tôi sẽ kéo ra bè cho.”
“Ch/úy, phao này cho hơi vào cách nào ?”
Tôi bèn kéo chốt cho hơi vào phao và nói anh ấy nhẩy đi. Một chốc sau ngó xuống nước tôi lại không thấy anh ta đâu nữa. Tôi đoán có lẽ vì sóng to quá nên anh ta dạt vào thành tàu. Ngay lúc đó, anh TSVC Đa và HSCK Hòa hấp tấp chạy đến:
“Ch/úy nhẩy nhanh lên, kho đạn 20 ly và 40 ly nổ, nhẩy nhanh lên!”
TSVC Đa, HSCK Hòa, và tôi cùng nhảy xuống. Tôi hoảng khi thấy bè thì quá xa, sóng lại to, ngẩm không biết mình có thể bơi ra đến nơi không.
Xin mở ngoặc nơi đây là: Trước khi đào thoát, tôi có gọi luôn cả HS1VC Tây cùng nhẩy, nhưng anh ta trả lời rằng:
“Thôi, tôi ở lại ăn thua đủ với Trung Cộng. Ch/úy cứ nhẩy đi.”
Thật đúng y như câu nói của người xưa: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”. Chẳng biết HS1VC Tây có được đến trường để học và thấu hiểu câu nói thâm thúy này không? Anh có nghe ai bàn về câu nói ấy không? !! Thế mà anh đã thực hiện được sự việc đó mới là hay chứ. Việc mà chỉ có những đại anh hùng, các bậc trượng phu không biết “tham sinh úy tử” là gì họa may mới làm được. Thật là anh hùng. Tôi xin ngã mũ.

Lớp ngớp trên mặt biển, bơi mãi vẫn không đến bè được, tôi mới tiếc rẻ: “Ối ! phải biết ở lại tàu còn hơn!” Chất thuốc mầu vàng của bao thuốc trị cá mập trong phao cá nhân của tôi đã được bật ra,. Thuốc hòa lẫn với nước biển biến thành một vũng mầu xanh lá cây. Tôi cứ bơi, bơi mãi, bè cứ dạt xa. Mỗi lần sóng đánh đến, nước biển lại tràn vào miệng cùng với thuốc trị cá mập, có vị đắng đắng cay cay, Ôi ! hơi sức nào để ý đến nữa, mục đích là sự sống. Chỉ làm cách nào bám vào được bè, mạng sống mới có thể vãn hồi. Nhưng mệt nhừ rồi, còn sức đâu nữa mà bơi ra bè. Không, ta phải sống, bản năng sinh tồn lúc đó không cho phép tôi ngừng, cứ bơi, bơi mãi, đến khi bám được bè, nhìn thấy mặt anh em, tôi ngất đi trong giây lát. Phải chăng lực tiềm tàng trong cơ thể đã cạn, hay là ta đã tìm thấy sự sống nên lực đó không cần thiết nữa. Khi được kéo lên bè, người tôi lã đi vì đói khát mệt mỏi.

Thật là “họa bất đơn hành”, sau khi ngồi yên trên bè, kéo chung những bè lại, nhìn về hướng tàu, trong khi hai chiếc tốc đỉnh của Trung Cộng sân sân tiến tới, khẩu 20 ly trên HQ10 cứ nổ vang. Hai chiến hạm của TC cũng không vừa, cứ vừa tiến vừa tác xạ, thế rồi khẩu 20 ly đành im bặt. Những tiếng súng sau cùng đó... Hỡi ơi ! anh Tây, anh Sáu, các anh đã hy sinh đền nợ nước cùng một số đông các chiến sĩ bất tử của HQ10. Các anh ngã mình một cách anh dũng, nhưng có ai biết đến, chỉ có những đồng đội cùng tàu với hai anh mới thấu hiểu. Nói đến sự hy sinh chiến đấu vô vọng, tôi biết rằng giá trị còn tùy thuộc quan niệm của mỗi con người. Có người cho rằng: “Quân tử phục thù, thập niên vị vãn”. Nhưng theo tôi, các anh là những tấm gương anh dũng rạng ngời. Đúng như vậy, anh Tây rất xứng với dòng chữ xâm trên tay “Mặc Thế Nhân”. Thân xác hai anh giờ này đã chôn vùi dưới đáy biển Hoàng Sa cùng với chiếc tàu thân yêu HQ10. Ước gì tên tuổi của hai anh HS1VC Tây và HSVC Sáu được lưu mãi trong sử xanh.

Hai chiến hạm của dòng khát máu Cộng Sản Trung Cộng vẫn không buông tha một chiến thuyền đã đang bốc cháy và bất khả vận chuyển. Chúng cứ luân phiên nhau vây đánh chiếc HQ10, sau đó quay đầu tiến đến bè của chúng tôi. Chúng tôi nghĩ là nếu họ tác xạ mình thì anh em lại đào thoát lần thứ hai. Mắt Thượng Đế vẫn còn đây, bầu trời xanh lồng lộng còn đó, mọi sự đã an bài sẵn. Tôi tự nhủ hãy phó thác mạng sống mình cho Trời Phật. Số đã sống thì không thể chết, số chết thì không sao cứu vãn được. May thay họ lại bỏ đi. (Tôi nghĩ rằng không phải họ vì nhân đạo - cộng sản làm gì có nhân đạo - lý do chính là chung quanh đây chỉ có những đảo mà họ chiếm và cả một mặt biển rộng mênh mông. Họ chẳng cần vớt người làm chi cho nhọc công, để chúng tôi chết dần mòn khỏi phải mang tiếng với quốc tế.)

Qua cơn bỉ cực đầu tiên, tôi phải đương đầu với đại dương trùng sóng và đói khát. Người đã mệt lã đi, lại cứ nôn mửa suốt hơn cả tiếng đồng hồ. Tôi say sóng cũng thường rồi, nhưng lần này uống nhằm mấy ngụm nước có thuốc trị cá mập, tôi ói ra hết mật xanh, mật vàng. Vừa ói vừa rên, tôi cảm thấy người không còn chút sức lực nào.
Nhìn lại xung quanh, tôi thấy tất cả có năm chiếc bè, bốn lớn và một nhỏ, hầu hết đã bị bắn thủng. Chúng tôi cột chung các bè lại với nhau. Nhưng vì sóng to gió lớn, một cái bè bị tản mác. Mặc dù chúng tôi đã tìm mọi cách nhưng không thể lại gần nó được. Bè đông người và được cột chum nhau, chìm xuống mặt nước. Chúng tôi không có một dụng cụ nào khác để chèo ngoài những bàn tay hết sinh lực. Trôi đến chiều hôm đó (ngày 19 tháng giêng), chúng tôi thấy một hoang đảo có nhiều cây cối. Mắt trông thật rõ nhưng lấy tay khoát nước mãi vẫn không sao lại gần đảo được, vì hôm đó sóng quả rất to.
Sau khi kiểm điểm lại chúng tôi chia làm bốn bè:
Bè số 1: coi như bè hướng dẫn, gồm có tôi, Tr/úy Thì, Tr/úy Hòa, Th/úy Mai, HSBT Thành, HSCK Hòa, và TS1GL Thương.
Bè số 2: bè hậu bị tiếp sức, gồm có Th/úy Hùng, TSBT Bằng, TSTV Hoàng, HSTV A, HSTP Lợi, HSTP Tuấn và TT1CK Hà.
Bè số 3: bè tản thương, gồm HS1TP Hưng, HSTP Và, TSQK Tuấn, ThSTP Châu, TSĐT Thọ.
Bè số 4: bè dưỡng thương, đó là một bè nhỏ có hai mảnh ván bé kê lên để bệnh nhân có thể nằm cho không ướt người. Bè gồm có TSVC Đa, và TSTP Nam.
Riêng về bè trôi dạt không thể cột chùm được kia gồm có: Hạm Phó Trí, Tr/úy Ngân, HS1CK Nữ, HSTP Sơn, HSCK Cứng, TT1TX Long.

Bầu trời đã tối mịt, sóng lại to hơn. Anh em mệt lã người phần vì đói khát, phần vì mệt nhọc sợ hãi. Chúng tôi cứ mặc cho bè trôi quanh đây với hy vọng sáng sẽ bơi vào đảo được. Đêm hôm đó Hạm Phó Trí đã trút hơi thở cuối cùng. Thân xác Hạm Phó cũng đành giao cho thủy thần định liệu.

Suốt đêm cơn lạnh đã hành hạ cơ thể của tôi, với bộ quân phục ướt như chuột lột. Anh em cứ ôm gồng lấy nhau mà rung rẩy chờ đêm qua. Đêm sao qua chậm thế! Giờ này mới ba giờ đêm, bốn giờ, năm giờ, … trời bắt đầu sáng. Thật là quái dị. Đêm vừa qua lại không trăng sao, sáng nay mặt trời lại không mọc. Phải chăng ông Trời cũng không dám diện kiến một cảnh tượng thê lương trên biển của thủy thủ đoàn HQ10?
Thân mệt nhừ, tôi quay qua quay lại nhìn dáo dác, rồi lẩm bẩm:
“Ủa ! đảo hôm qua đâu ?! Thôi rồi anh em ơi, chúng ta không biết đã trôi về đâu?!”
Ai nấy đều lộ vẻ thất vọng. Khi TS1GL Thương mang ra được một la bàn cầm tay thì chúng tôi mới hỡi ơi là hiện tại luồng nước xoáy đang đưa bè theo hướng Đông Bắc, nếu muốn vào đảo anh em phải chèo ngược lại theo hướng Tây Nam.
Cơn đói khát lại hành hạ. Sau khi kiểm điểm thì thấy bè số 1 không có bao thực phẩm nào cả dù rằng dây buộc vẫn còn đó. Bè số 2, 3 mỗi bè gồm một bao thực phẩm chứa 20 lon nước (cỡ chai coca-cola) và 12 bao kẹo, mỗi bao gồm 8 miếng kẹo. Thế rồi phải lấy ra gom lại chia đều ra. Trong đó có 6 bao kẹo không thể sử dụng được, nhưng cũng để dành lại đó. Chúng tôi khui những lon nước, mỗi người hớp một ít, và ăn một miếng kẹo.
Những người bị thương nặng như TS1GL Thương, TSQK Tuấn, có lẽ bị mất quá nhiều máu nên họ cứ đòi nước mãi. Ngày đầu tiên trôi dạt trên biển chúng tôi vẫn nuôi hy vọng sẽ lên được một đảo nào đó gần đây, hay có thể được chiến hạm của ta ra cứu vớt, nên vấn đề uống nước ngọt chưa bị hạn chế. Nhất là nghe các anh bị mất nhiều máu rên rỉ gọi khát chúng tôi chúng tôi không đành nên cho họ uống cả lon. Khoảng 9 giờ sáng ngày 20 tháng Giêng, TSQK Tuấn đã ra đi một cách âm thầm không một lời trối trăn, mà cách đó ba bốn giờ đồng hồ miệng cứ kêu la khát, khát quá…. Ý thức được rằng sẽ còn nhiều ngày lênh đênh trên biển nữa, nước ngọt rất cấp thiết, chúng tôi tự hạn chế trong việc sử dụng nước ngọt và kẹo.
Bè cứ mặc cho dòng nước đưa trôi. Sáng hôm nay lại nghe những tiếng súng nổ vang. Chúng tôi thắc mắc phải chăng chiến hạm tăng phái của ta đã đến và một cuộc hải chiến lại tiếp diễn?
“Anh em hãy gắng sức chèo về hướng Tây Nam, đúng hướng đó rồi, hướng của những hòn đảo hôm qua ta tranh dành.”...
“Cố lên anh em, chúng ta sẽ sống nếu gặp lại tầu bạn.”...
Khoát nước, chèo mãi vẫn không đi tới đâu.
“Thôi chúng ta tháo hai miếng ván của bè nhỏ để chèo đi, chèo mãi theo hướng Tây Nam sẽ đến đảo ngay.”
“Anh em cứ cố gắng lên, đừng nghỉ tay, nếu không công trình khoát chèo, bơi từ sáng đến gìờ coi như hoang phí. Đêm nay chúng ta luân phiên chèo nhé!”...
Bè nay đã được cột chùm vào nhau; lúc đầu cột ngang nhau, nhưng sóng đập mạnh, các bè cứ va đập vào nhau. Bè lật, vỡ bể thêm ra. Sau cùng đành cột theo hàng dọc nối đuôi nhau. Bè của tôi dẫn đầu, sau đến bè số 2, số 3, rồi bè nhỏ. Những bè sau đa số là anh em bị thương, mệt mỏi, chán nản, nên chỉ còn chúng tôi (Tr/úy Thì, Th/úy Mai, Th/úy Hùng, Tr/úy Hòa, HSTV A, và tôi) là những người còn đủ sức để chèo. Đêm đó cứ luân phiên nhau mà chèo. Lúc đầu dựa vào hướng của la bàn, nhưng trong đêm tối la bàn đã bị đánh mất, phải nhờ các vị sao định hướng để chèo. Suốt đêm anh em chỉ được nghỉ ngơi đôi chút.

Khoảng sáu bảy giờ sáng ngày 21 tháng Giêng, thình lình tôi thấy hướng Tây Bắc có hỏa châu lóe lên rồi mất hẳn. Tôi mới hô to:
“Có hỏa châu, một là chiến hạm tìm kiếm ta, hai là lính địa phương quân trên đảo. Anh em hãy chèo về hướng đó nhanh lên!”
Nhưng trời chưa tha bọn người hoạn nạn như chúng tôi. Sáng hôm đó sóng quá to, hơn nữa lại phải chèo ngược sóng, cho nên cứ chèo mãi mà hình như bè vẫn ở tại chỗ. Buồn thay, buổi sáng nay thêm một bạn đồng nghiệp nữa lẳng lặng ra đi không một lời từ biệt - TS1GL Thương. Buổi chiều, thêm TSĐT Thọ từ giã anh em. Xin được mỹ miều chua xót ghi là “Sáng, thủy thần lại gọi thêm trình diện thủy cung. Chiều, thêm người theo hạm trưởng đi công tác đáy biển bằng tàu ngầm HQ10.”
Có lẽ trước vài tiếng đồng hồ mà thủy thần gõ cửa kêu tên, mọi người đều nghe văng vẳng bên tai một cách yếu ớt “Khát quá … khát quá …” Tinh thần của anh em lúc này có vẻ giao động, nghĩ đến giây phút thần chết sắp gọi tên mình, nghĩ đến những bạn đồng đội đã đi “công tác trên tầu lặn với hạm trưởng.” Nếu không muốn nói là mọi người như sắp điên loạn. Chiều hôm đó Thượng Sĩ Châu hỏi tôi:
“Đây cách Đà Nẵng bao xa?”.
“Khoảng trăm mấy, hai trăm hải lý.”, tôi nói.
Thế là ông tuyên bố ai muốn cùng đi với ông ta về Đà Nẵng thì đi, nếu không ông sẽ đi một mình! Đoạn ông đẩy những anh bị thương trên bè xuống biển. Thế rồi chúng tôi lại phải thất công lần lượt kéo từng người lên. Thượng Sĩ Châu đã mất trí !!
Ban ngày nhìn thấy chim hải âu bay qua lượn lại, chúng tôi cứ hy vọng gần đây sẽ có đảo. Nhưng nhìn dáo dác, biển cả vẫn hoàn toàn biển cả. Kẹo và nước ngọt đều dùng cạn. Anh em bắt buộc phải dùng những lon không đã hết nước, pha nước tiểu với nước biển để uống. Lúc bấy gìờ không ai để ý đến đói, nhưng cơn khát hoành hành cảm thấy thấm thía. Đêm đó ai nấy đều mệt nhừ, đến nỗi các giây cột các bè lại với nhau đứt hồi nào không hay.

Sáng hôm nay, ngày 22 tháng Giêng, tỉnh dậy tôi không còn thấy một bè nào cột bên cạnh bè mình. Nhìn về trước, một bè trôi khá xa. Ngó về phía phải cũng thấy một bè, nhưng cố gắng chèo mãi mà không sao tới nổi. Dần dần những bè đó khuất dần ngoài tầm mắt của tôi Trưa rồi lại chiều. Chân tôi giờ này sưng thủng, không sao cử động được, miệng cứ tự động thều thào hai tiếng “khát quá … khát quá”. Mắt, miệng đã sưng vù lên. Th/úy Mai đã nói lâm râm:
“Ch/úy Ngưu chắc không qua khỏi đêm nay.”
Tai tôi vẫn nghe thấy những tiếng đó, đầu óc tôi cũng biết rằng mình không thể nào thoát khỏi tử thần trong đêm nay - có lẽ giờ này hạm trưởng đang cứu xét mình có đủ điều kiện đi tàu lặn HQ10 chăng? 

Chiều hôm đó, khoảng sáu giờ, anh em chuẩn bị ôm lấy nhau để qua đêm rét buốt. Thình lình HSCK Hòa thét lên:
“Có tàu!”
“Ôi ! tàu đâu, tàu đâu?”
Một cứu tinh hiện trước mặt. Lúc đó tự dưng tôi bật đứng lên trên bè được, tay gỡ áo phao đỏ mà phất. Tôi hy vọng họ sẽ phát giác ra mình, dù rằng chiếc tàu cứu tinh còn cách bè mấy hải lý.
“Phải rồi ! Chúng ta đã sống, tàu đang ngừng!”
“Có lẽ họ đã phát hiện chúng ta, anh em cố chèo về hướng tàu nhanh lên, nếu đêm tối họ sẽ không nhìn thấy để cứt vớt ta, la lớn lên anh em.”
“ Một hai ba... Ô!” “ Một hai ba... Ô!” “123...Ah!” “123... Ah!”, một mặt lo chèo, mặt khác la to lên.
“Hình như bè không tiến tới chút nào cả, và tàu họ cũng không vận chuyển!”
“Anh em ơi, nhẩy xuống bơi!”
Nhưng hơi sức đâu mà bơi nữa. nhất là vùng này đầy cá mập, nay thuốc chống cá mập lại không còn.
“Ô kìa! tàu quay đi đâu? thôi chết rồi, hết hy vọng rồi, cố lên anh em!”

Hy vọng xen lẫn thất vọng. Màn đêm đang dần dà bao phủ thì bỗng xa kia ánh sáng đèn tàu rực lên. Ôi chao! Trông chiếc tàu dễ thương biết bao! Sau đó một ánh đèn pha rọi sáng và từ từ di chuyển.
“À ! họ đã thả dzu dzu ra để vớt chúng ta. Sao họ chạy đường kia?”
“Có lẽ họ đang vớt đồng đội mình. Kìa, họ tới mình, la lên cho họ biết anh em!”
...
“Ah ! Oh ! help us sir, please help us.”
“Okey, take it easy, be careful. Are there any wounded ?”
“Yes sir, most of us are wounded.”
“All right, …”
Chiếc dzu dzu từ từ cặp sát bè và đưa chúng tôi lên. Dzu dzu chạy một cách chậm chạp về tàu. Trên dzu dzu ngoài một nhân viên lái, và hai nhân viên phụ tá còn có vị thuyền phó người Hòa Lan, tay cầm một máy truyền tin đang liên lạc với thuyền trưởng,. Chiếc dzu dzu cặp sát vào tàu. Trên tàu, các thủy thủ người Hồng Kông đang thả dây xuống, móc vào dzu dzu. Thế rồi dzu dzu được nhẹ nhàng kéo lên. Khi thành của dzu dzu ngang với boong tàu, một cầu thang bật ra, lần lượt cứ hai nhân viên lại dìu một người chúng tôi lên tàu.

Họ đưa chúng tôi vào một phòng ngủ, cởi tất cả quần áo ướt ra, đắp cho mỗi người một tấm chăn, rồi cho chúng tôi luân phiên đi tắm rửa bằng nước ấm. Cùng lúc đó họ đem cho chúng tôi sữa tươi, cà phê, soup, thuốc lá. Sau đó thuyền phó hỏi tôi là hình như trong nhóm có một lieutenant. Tôi đáp lại rằng chỉ có Lieutenant Junior Grade (tức là trung úy) và chỉ Tr/úy Thì. Ông đưa Tr/úy Thì đi tắm rửa và lên phòng ông để liên lạc với Hải Quân Việt Nam.

Chúng tôi đã thật sự sống lại. Ngay khi đó đồng hồ tôi chỉ đúng 12 giờ khuya, tôi hô to lên với anh em:
“Chúng ta đang qua đêm giao thừa trên chiếc tàu Hòa Lan Kopionella, vị ân nhân của chúng ta!”...
Tất Ngưu, Sài gòn ngày 30 tháng 5 năm 1974

Ghi chú: Th/úy Nguyễn đông Mai là một sĩ quan hiện dịch, xuất thân từ trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, trước khi xảy ra trận chiến anh đã có nghị định và sắp đến ngày đeo lon Trung Úy; sau khi trở về, Tr/úy Mai được đặc cách thăng cấp lên chức Đại Úy.
Tác giả: HQ Th/úy HHTT Tất Ngưu HQ10
Bổ túc chi tiết: HQ Th/úy HHTT Nguyễn văn Kết HQ11
Sửa kỹ thuật: HQ Th/úy K25NT Lê văn Kim
Giới thiệu và đánh máy: HQ Th/úy HHTT Phó thịnh Đường
Yêu cầu: Tất cả bạn hữu và chiến hữu Khóa 25 SQ/HQNT và IOCS


HQ 10 vẫn nổi ở Hoàng Sa

Chủ nhật - 20/01/2013 23:19 | Đã xem: 312
HQ 10 vẫn nổi ở Hoàng Sa
HQ 10 vẫn nổi ở Hoàng Sa 1. Kính gởi: Chị Huỳnh Thị Sinh, phu nhân của Hạm trưởng HQ-10 Ngụy Văn Thà. Cùng thân nhân của các anh Lê Văn Tây, Đinh Hoàng Mai, và các anh chiến sĩ khác đã hy sinh cùng HQ-10.
Nhân có lá thư của những đồng bào miền Bắc gởi cho chị nhân ngày tưởng niệm lần thứ 39 HQ-10 đền nợ nước, tôi muốn cho chị cùng mọi người biết một chút tin tức về HQ-10 mà tôi tận mắt nhìn thấy khi đang trên lộ trình đến Hong Kong. Câu chuyện như thế này:
Vào ngày 24 tháng 7 năm 1979 chúng tôi vượt biển từ một tỉnh miền Trung. Trực chỉ hướng đông đi về Subic Bay/ Manila của Phi Luật Tân. Nhưng sau khoảng 5 hay 6 ngày gì đó thì thuyền chúng tôi hết nước (việc bốc dầu và nước bị bại lộ, cả thuyền chỉ có hai can nước, nhưng vẫn liều lĩnh đi). Mọi người không dám đi tiếp vì sợ chết khát. Lúc đó mọi người quyết định đi về hướng bắc và tây bắc chút xíu để tìm đảo Hoàng Sa để kiếm nước. Nhưng cũng không biết là đi bao lâu sẽ tới (vì la bàn và hải đồ là đồ chợ trời, không được chính xác cho lắm), nhưng vẫn cứ đi. Thì khoảng gần hai ngày sau (lúc này có lẻ là cuối tháng bảy hoặc đầu tháng 8 gì đó) thì thuyền chúng tôi lọt vào một vùng san hô bạt ngàn.
Sợ vỡ thuyền cho nên chúng tôi đi rất chậm để tránh đụng san hô, thì vào lúc khoảng 5:30pm chiều, mặt trời đụng mặt nước ở ngay cuối chân trời, thì bỗng dưng chúng tôi nhìn thấy một xác tàu sắt khổng lồ, chéo phía trước mặt bên tay trái (hướng tây). Vì tôi là người ngồi ngay mủi thuyền để hướng dẫn tránh san hô, lúc đó tôi tưởng là gặp tàu của trung cộng. Nên tôi chăm chú quan sát để coi thử có chữ tàu hay cờ tàu trên đó không. Khi thuyền tôi tiến đến gần hơn thì tôi bỗng sững sờ chết lặng khi hàng chữ HQ-10 hiện ra trước mắt. Hàng chữ còn rất rõ, chưa bị rỉ sét, hay trầy tróc. Lúc này thuyền chúng tôi chỉ còn cách HQ-10 chừng 100 thước, và san hô rất cao gần đụng mặt nước, cho nên thuyền tôi không dám lại gần vì trời đang sụp tối. Mọi người chỉ biết cho thuyền chạy thật là chậm để có thể thu gom cái hình ảnh đó vào trong đầu trong khoảng nữa giờ đồng hồ đó. Những gì tôi nhìn thấy tận mắt là:

1. Tàu HQ-10 nằm chết trên một vùng san hô rộng lớn, giống như tàu bị mắt cạn vậy. Đầu quay về hướng Nam và Tây Nam (chúng tôi đang đi về hướng bắc đến Hồng Kông). Tàu chưa bị rỉ sét gì nhiều. Lúc tôi nhìn thấy thì hơn 70% nước sơn vẫn còn nguyên vẹn.
2. Tôi thấy không có dấu vết đạn (lớn) bên hông trái của tàu (chúng tôi chỉ nhìn thấy bên này thôi, không thể nhìn thấy hông bên kia). 
3. Đài chỉ huy bị tan nát (chắc do đạn của trung cộng). Tàu bị đứt ở khoảng giữa làm hai khúc, giống như bị cưa đôi bằng thủy lôi bắn tập trung vào khoảng giữa; nếu hầm đạn của tàu nằm ở khoảng giữa và bị nổ cũng có thể cưa đôi thân tàu làm hai phần.)
4. Phần sau của tàu vẫn còn nguyên vẹn, nhưng rỉ sét nhiều hơn phần trước.

Đó là những gì chúng tôi nhìn thấy ở Hoàng Sa. Nhờ nhìn thấy xác Tàu HQ-10 mà chúng tôi mới biết HQ-10 đã không chìm vào lòng đại dương như nhiều người tưởng.
Và nhờ nhìn thấy hàng chữ HQ-10 mà chúng tôi mới biết mình đang ở trong khu vực Hoàng Sa, và anh hoa tiêu đã chấm lại tọa độ để đi tiếp.
Đi đến sáng thì chúng tôi ra khỏi Hoàng Sa mà không gặp lính Trung cộng trên đảo hay trên biển.
Kể từ đó (tháng 8 năm 1979) cho đến nay thì tôi không biết tàu HQ-10 có còn ở đó nữa hay không, hay là bị bọn tàu kéo về lấy sắt vụn rồi.
Một lần nữa, tôi chỉ muốn cho chị và mọi người biết là HQ-10 (và thân xác anh Hạm Trưởng cùng đồng đội của anh) nằm chết trên bãi san hô ở Hoàng Sa, chứ không có bị chìm vào lòng đại dương như nhiều người tưởng đâu.
Kính thư,
19/1/2013
hoangkybac

2. Thư gửi bà Huỳnh Thị Sinh, vợ cố trung tá Ngụy Văn Thà




Ký lá thư này là những người yêu Tổ Quốc Việt Nam, yêu đồng bào Việt Nam đến cháy bỏng, trong đó có cả những người lính từng là những người khác chiến tuyến với Ông nhà lúc sinh thời. Nhưng tất cả những người lính chỉ đơn thuần làm nghĩa vụ công dân trong chế độ mà họ sống, dù bên này hay bên kia trong giai đoạn đau thương của lịch sử dân tộc không bao giờ có lỗi và giờ đây, khi ngộ ra, họ không coi những người ở bên kia chiến tuyến là kẻ thù...

*
Hà Nội, ngày 18 tháng 1 năm 2013 


Kính gửi Bà quả phụ Huỳnh Thị Sinh, vợ cố Trung tá Ngụy Văn Thà;

Thưa Bà; 

Chúng tôi những người con nước Việt, trong những ngày này, lòng đang hướng về Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu của Tổ quốc xin gửi đến Bà cùng gia đình lời thăm hỏi ân cần và lời chúc an lành, hạnh phúc!

Cách đây 39 năm, ngày 19/1/1974, trong một cuộc chiến không cân sức với quân xâm lược Trung Cộng để bảo vệ Hoàng Sa, Trung tá Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng Chiến hạm Nhật Tảo HQ-10 đã tử trận cùng 73 đồng đội của Ông. Từ đó, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa đã rơi vào tay quân xâm lược.

Chúng tôi vô cùng xúc động trước sự hy sinh anh dũng của Ông nhà. Ông đã hiến thân vì Tổ quốc – một sự hy sinh vẻ vang nhất, hơn bất cứ một sự hy sinh nào. Sự hy sinh ấy là một tấm gương cho các thế hệ sau noi theo trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của người Việt Nam.

Thưa Bà; 

Chúng tôi rất vui vì những năm gần đây, sự kiện Hoàng Sa được nhắc lại và lần đầu tiên, nhiều người mới biết đến. Các giá trị dần dần được trả lại đúng bản chất của nó.

Ngày 24/7/2011, một cuộc biểu tình tại Hà Nội đã tôn vinh Ông nhà cùng những chiến sĩ đã ngã xuống Hoàng Sa và những chiến sĩ đã ngã xuống Trường Sa 14 năm sau đó.

Ngày 27/7/2011, Lễ tưởng niệm chiến sĩ Việt Nam hy sinh trong các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc đã được tổ chức tại Sài Gòn mà bà là nhân vật được mời dự. Buổi lễ đã tri ân tất cả các chiến sĩ hy sinh trong các cuộc chiến chống xâm lược tại biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Những người đã ngã xuống vì Tổ Quốc đều chung trong người dòng máu Lạc Hồng, không có lý do nào để phân biệt người của chế độ này hay chế độ khác.

Chúng tôi tin rằng sớm muộn rồi Tổ Quốc sẽ vinh danh xứng đáng Ông nhà cùng đồng đội của Ông đã ngã xuống trong cuộc Hải chiến Hoàng Sa.

Trung tá Ngụy Văn Thà và nhiều đồng đội của Ông còn nằm lại nơi biển cả. Nhưng dù sao, Ông và đồng đội vẫn được nằm trong lòng Đất Mẹ, dù nơi ấy đang bị kẻ thù chiếm đóng.

Trong ngày giỗ của Ông, chúng tôi sẽ hướng về Biển Đông cầu mong cho linh hồn Ông cùng đồng đội được siêu thoát, để bày tỏ lòng tri ân những người đã ngã xuống trong cuộc Hải chiến Hoàng Sa.

Dù đảo không giữ nổi nhưng dân tộc ta, đời này và các đời sau sẽ tìm mọi cách lấy lại quần đảo Hoàng Sa, thu hồi về với đất Mẹ thân yêu.

Thưa Bà; 

Chúng tôi được biết sau khi Ông nhà mất đi, dù tuổi đời còn rất trẻ, bà đã ở vậy nuôi ba con gái, cuộc sống của Bà hiện còn nhiều khó khăn. Lại nghe nói căn nhà chung cư nơi Bà ở đã phá đi làm lại, không biết bây giờ thế nào. Nhưng dù sao, chúng tôi luôn mong Bà sống thanh thản. Bà hãy tự hào vì Bà là vợ của một người anh hùng.

Ký lá thư này là những người yêu Tổ Quốc Việt Nam, yêu đồng bào Việt Nam đến cháy bỏng, trong đó có cả những người lính từng là những người khác chiến tuyến với Ông nhà lúc sinh thời. Nhưng tất cả những người lính chỉ đơn thuần làm nghĩa vụ công dân trong chế độ mà họ sống, dù bên này hay bên kia trong giai đoạn đau thương của lịch sử dân tộc không bao giờ có lỗi và giờ đây, khi ngộ ra, họ không coi những người ở bên kia chiến tuyến là kẻ thù.

Kính chúc Bà sang năm mới bình an, có nhiều sức khỏe để làm những việc hữu ích phụng sự cho Tổ quốc Việt Nam.

Chúng tôi nhờ Bà chuyển lời thăm hỏi, lời chúc mừng năm mới đến ba con gái của Bà, do sự hiến thân cao cả của Ông nhà mà sớm mồ côi cha.

Xin cùng Bà hô lên một câu khẩu hiệu mà chúng tôi từng hô trên đường phố Hà Nội trong ngày 24/7/2011:

NGỤY VĂN THÀ BẤT DIỆT! 

Kính thư






Chúng tôi đồng ký tên: 

Nghiêm Ngọc Trai – Hà Nội
Nguyễn Tường Thụy – Hà Nội
Phan Trọng Khang- Hà Nội
Phạm Thị Lân – Hà Nội
Nguyễn Thị Dương Hà – Hà Nội
Hoàng Cường – Hà Nội
Hoàng Hà – Thanh Xuân – Hà Nội
Văn Dũng – Việt Trì – Phú Thọ
Ngô Duy Quyền – Hà Nội
Trương Văn Dũng – Hà Nội
Nguyễn Lân Thắng – Hà Nội
Lê Thị Bích Vượng – Hà Nội
Lã Việt Dũng – Hà Nội
Nguyễn Thành Tiến – Hải Phòng
Đặng Bích Phượng – Hà Nội
Nguyễn Xuân Diện – Hà Nội
Phạm Quỳnh Hương – Hà Nội
Nguyễn Thúy Hạnh – Hà Nội

Cùng các vị có tên sau ký tên qua thư điện tử:

Trần Vinh, Hoàng Mai – Hà Nội
Huỳnh Công Thuận - Sài Gòn
Lê Hồng Hà - Washington – Hoa Kỳ
Ngô Hoàng Hưng - Gò Vấp – Sài Gòn
Anna Nguyễn - Illinois – Hoa Kỳ
Nguyễn Văn Phúc - Tây Sơn – Bình Định
Vũ Ngọc Thắng, An Dương – Hải Phòng
Nguyễn Thanh Hưng, Cầu Giấy – Hà Nội
Trần Hoàng Tuấn, Gò Vấp – Sài Gòn
Lê Chí Thành, Thanh Xuân – Hà Nội
Nguyễn Văn Thuận, Hoàng Mai – Hà Nội
Trần Thị Nga, Phủ Lý – Hà Nam
Nguyễn Trường Sơn, Thanh Xuân – Hà Nội
Paul Đỗ Trí, Lâm Đồng
Vũ Đình Quý, Kiến Xương – Thái Bình
Lê Thị Thu Trà, Hai Bà Trưng – Hà Nội
Nguyễn Trọng Thu, Windsor – Canada
Nguyễn Thế Anh, Từ Liêm – Hà Nội
Nguyễn Công Chính, Sài Gòn
Nguyễn Tiến Dũng, Vinh – Nghệ An
Trần Phong, California – Hoa Kỳ
Trần Helen, California – Hoa Kỳ
Trần Cindy, California – Hoa Kỳ
Trần Christine, California – Hoa Kỳ
Trương Quốc Dũng, Tân Bình – Sài Gòn
Nguyễn Quang Duy, Melbourne - Australia
Phạm Anh Tuấn, Pleiku – Gia Lai
Phạm Duy Hiển, Vũng Tàu – Bà Rịa – Vũng Tàu
Đặng Đinh Tấn Trương, Sài Gòn
Phan Anh Khoa, Phú Vang – Thừa Thiên Huế
Nguyễn Ngọc Yến, Hoàng Mai – Hà Nội
Nguyễn Duy Anh, Hai Bà Trưng – Hà Nội
Huỳnh Nguyễn Đạo, Bangkok – Thái Lan
Nguyễn Đức Sắc, Tây Hồ – Hà Nội
Hồ Đặng Vũ Thi, Gò Vấp – Sài Gòn
Bùi Thị Quyên, Tân Phú – Sài Gòn
Nguyễn Văn Diễn, Việt Yên – Bắc Giang

Đã gửi theo đường chuyển phát nhanh ngày 18/1/2013:

Việc lấy chữ ký không phổ biến rộng và chốt danh sách sau đó chưa đến 1 ngày. Sau khi thư gửi đi còn một số quý vị tiếp tục ký qua email gồm: 

JB Nguyễn Hữu Vinh, Hà Nội
Lê Mạnh Ninh, kiểm toán, Hà Nội
Nguyễn Vũ Nhân, kỹ sư, Sài Gòn
Phạm Văn Thành, Pháp
Bùi Quang Thắng, nguyên Cán bộ Đoàn, Ba Đình, Hà Nội
Vũ Quốc Ngữ, thạc sỹ, nhà báo. Thanh Trì, Hà Nội.

19/1/2013


Tìm kiếm theo hướng dẫn  IAMSAR
Chú thích 1-Ngày nay các hoạt động tìm kiếm được IMO thống nhất thông qua tài liệu IAMSAR 
Chú thích 2-từ tàu USCGC Cook Inlet (WHEC-384) đóng năm 1943
Chú thích 3-WPB -tàu tuần tra ven biển Patrol Boat của USCG 
Chú thích 4-Phi cơ C-119 vận tải quân sự ,cũng đã dùng tại Điện Biên Phủ  




Rà quét trên biển
theo đường song song
Rà quét mở rộng dần

Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Tàu ngầm Trường Sa của ông Nguyễn Quốc Hòa


Tàu ngầm Trường Sa sẽ có radar quét ngang, sonar thủy âm

(Quan điểm) – Người đóng tàu ngầm Trường Sa cho biết sẽ phải lùi ngày thử nghiệm chiếc tàu ngầm mini, và đang trang bị thêm một số thiết bị điện tử.
Trao đổi với báo Đất Việt ngày 30/12, doanh nhân người Thái Bình đang tự chế tạo chiếc tàu ngầm mini mang tên Trường Sa, ông Nguyễn Quốc Hòa cho biết vẫn đang hoàn thiện những bước cuối cùng về con tàu.
 
Trước đó, theo dự tính, ngày 1/1/2014, doanh nhân này sẽ hoàn thành và đưa con tàu vào bể nước để thử nghiệm hoạt động của động cơ, hay hệ thống không khí tuần hoàn AIP… tuy nhiên, cho đến ngày 30/12, ông Hòa buộc phải lùi ngày thử nghiệm lại thêm một vài hôm.
 
Nguyên nhân của việc lùi ngày thử nghiệm này, ông Hòa chia sẻ: “Cho đến sáng 29/12, tôi mới nhận được hệ thống radar quét ngang cho tàu ngầm mà tôi đặt mua của nước ngoài. Tôi là kỹ sư cơ khí, tôi có thể chế tạo được máy móc, động cơ, nhưng không thể chế tạo được thiết bị điện tử, do đó buộc phải nhập từ nước ngoài”.
 
Hình ảnh mới nhất phía sau của tàu ngầm mini Trường Sa (Ảnh ông Nguyễn Quốc Hòa cung cấp)
Hình ảnh mới nhất phía sau của tàu ngầm mini Trường Sa (Ảnh do ông Nguyễn Quốc Hòa cung cấp)
 
“Ngoài ra, do sự ủng hộ của một số nhà nghiên cứu và kiều bào, tôi đã có trong tay hệ thống sonar thủy âm. Tuy nhiên, khi nhận được hệ thống này thì lại phát sinh vấn đề là trong khoang tàu đã quá chật chội, tôi đang tính toán để có chỗ cho sonar” – ông Hòa cho biết thêm.
 
Chia sẻ về tính năng của radar quét ngang, ông Hòa nhận định: “Khi hoạt động dưới nước, không có radar thì không thể nhìn được phía trước mặt mình có những gì, không phải như cái ô tô có kính đằng trước và bật đèn lên sẽ thấy. Do đó, đây là một thiết bị tối quan trọng”.
 
Về sonar thủy âm, với hệ thống này ông Hòa có thể liên lạc được từ tàu Trường Sa với các tàu khác, ngoài ra có thể liên lạc được từ dưới nước tới trên bờ.
 
Ngoài ra, ông Hòa cũng đang cải tiến chiếc kính tiềm vọng của tàu Trường Sa từ loại kính quan sát thường thành kính tiềm vọng điện tử. Với kính tiềm vọng điện tử, cho phép tàu của ông quan sát xa gần tốt hơn, và có thể ghi lại, quay lại hình ảnh.
 
Tàu ngầm Trường Sa đã có thêm những cải tiến mới so với thời điểm trước đây vài tháng
Tàu ngầm Trường Sa đã có thêm những cải tiến mới so với thời điểm trước đây vài tháng. (Ảnh do ông Nguyễn Quốc Hòa cung cấp)
 
Theo hình ảnh mới nhất về con tàu, phần thân tàu có thêm bốn ống hình trụ. Ông Hòa cho biết, đây là những ống phục vụ cho hệ thống không khí tuần hoàn AIP. Ngoài ra, những tàu ngầm từ loại chiến đấu cho đến dân sự đều sẽ có những chi tiết bên ngoài như vậy, tuy nhiên khi thành thành phẩm, nhà sản xuất có một lớp vỏ để che đậy những phụ kiện thiếu đẹp mắt này đi.
 
Theo lời của ông Hòa, hệ thống điện phục vụ vào việc chiếu sáng trong khoang, hoạt động của các thiết bị điện tử được cung cấp bằng một ắc-quy, có khả năng hoạt động liên tiếp trong 4 ngày.
 
Doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa cho biết: “Tôi đang cố gắng hết sức để hoàn thiện con tàu. Dịp cuối năm, công ty vẫn phải vất vả với những hợp đồng kinh tế, và phải đảm bảo được kinh tế thì mới có thể tiếp tục nghiên cứu tàu ngầm. Nhưng chắc chắn chỉ một vài hôm nữa, Trường Sa sẽ hoàn thiện và đưa vào bể thử nghiệm dưới nước”.
 
Ông Nguyễn Quốc Hòa (thứ hai từ  phải sang) chụp hình lưu niệm cùng một số nhà nghiên cứu. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Ông Nguyễn Quốc Hòa (thứ hai từ phải sang) chụp hình lưu niệm cùng một số nhà nghiên cứu. (Ảnh do nhân vật cung cấp)