THƯỢNG VIỆN MỸ BÁO ĐỘNG VỀ BIỂN ĐÔNG : CƠ HỘI CHO VIỆT NAM
Trọng Nghĩa:
Vào lúc chính quyền Obama đang đau đầu với các hồ sơ nóng bỏng tại vùng Trung Cận Đông - từ Iran, Irak, Syria, cho đến Israel, Palestine và mới đây là Yemen - không kể đến vấn đề Nga và Ukraina, bốn Nghị sĩ hàng đầu tại Thượng viện Hoa Kỳ hôm 19/03/2015 đã công bố một bức thư báo động về mối đe dọa mà các hành động quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông đang đặt ra cho chính nước Mỹ cũng như cho các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực.
Các tác giả bức thư đã yêu cầu Washington phải có ngay một chính sách toàn diện để đối phó với hiểm họa đó, đồng thời đề nghị một số biện pháp cụ thể có thể được áp dụng trong đối sách chống lại các hành vi quá đáng của Trung Quốc trên biển đã được các Thượng nghị sĩ nêu bật.
Tầm mức quan trọng của bức thư này được đánh giá là rất lớn, do đó Việt Nam cần phải tranh thủ động lực mà lời kêu gọi này sẽ tất yếu tạo ra để vận động quốc tế giúp Việt Nam ngăn chặn mưu đồ bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, vừa đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực, vừa trực diện tấn công vào chủ quyền và lợi ích của Việt Nam.
Một lời cảnh báo của cả Thượng viện Mỹ
Tầm quan trọng của lá thư gởi đích danh hai Bộ trưởng Quốc phòng - Ashton Carter - và Ngoại giao John Kerry của Mỹ trước hết nằm ở uy tín và uy thế của bốn người đồng ký tên. Hai Thượng nghị sĩ John McCain và Bob Corker, thuộc đảng Cộng hòa, hiện là Chủ tịch hai tiểu ban trọng yếu trong Thượng viện Mỹ là Quân vụ và Đối ngoại. Hai người thuộc đảng Dân chủ đồng ký tên vào là các ông Jack Reed và Bob Menendez, cũng là thành viên cao cấp("ranking member") của hai tiểu ban vừa kể, một vị trí tương đương với chức Phó Chủ tịch tiểu ban.
Căn cứ vào tư cách của bốn tác giả bức thư, có thể nói không sai rằng ý kiến nêu lên cũng là ý kiến của toàn thể Thượng viện Mỹ, chứ không phải là quan điểm cá nhân của những người ký tên.
Tầm quan trọng của bức thư còn thể hiện qua việc văn kiện này, dù mang hình thức cá nhân (của bốn Thượng nghị sĩ gởi đích danh cho hai vị Bộ trưởng), nhưng đã được công bố rộng rãi tương tự như một lá thư ngỏ, cho thấy rõ mục tiêu đánh động và vận động công luận để gây áp lực trên hành pháp Mỹ.
Bản cáo trạng nhắm vào mưu đồ thay đổi hiện trạng Biển Đông
Về mặt nội dung, có thể nói bức thư là một bản cáo trạng đối với các hành động bồi đắp đảo nhân tạo và xây dựng mà Trung Quốc đang rốt ráo tiến hành trên các rạn san hô và bãi đá ngầm mà nước này đang chiếm đóng tại Biển Đông.
Trong bức thư dài ba trang mà RFI Việt ngữ có bản sao, các tác giả chủ yếu lên án các "hoạt động cải tạo đất mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang tiến hành tại quần đảo Trường Sa vùng Biển Hoa Nam (tên quốc tế của Biển Đông)", những hoạt động đã từng bị Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper đánh giá là "hung hăng", nhằm "bành trướng sự hiện diện và củng cố các yêu sách chủ quyền của mình".
Đối với bốn Thượng nghị sĩ tác giả của bức thư, các hoạt động của Trung Quốc là một mối đe dọa không chỉ đối với Mỹ, mà đối với cả các nước trong khu vực, và cộng đồng quốc tế nói chung. Lá thư ghi nhận :
"Các hoạt động cải tạo đất và xây dựng của Trung Quốc trên vô số hòn đảo ở quần đảo Trường Sa, và các năng lực tiềm tàng về chỉ huy, điều hành, giám sát, khống chế quân sự mà các khoảnh đất mới này mang lại, là một thách thức trực tiếp, không chỉ đối với lợi ích của Mỹ và khu vực, mà còn đối với toàn bộ cộng đồng quốc tế".
Một cách cụ thể, các tác giả nêu bật tốc độ nhanh chóng của công việc cải tạo đất mà Bắc Kinh đang tiến hành : "Theo sự hiểu biết của chúng tôi, đa phần công việc này đã được hoàn tất chỉ nội trong một năm qua, và nếu tốc độ xây dựng hiện nay được duy trì, thì Trung Quốc có thể hoàn tất công trình cải tạo dự định ngay vào năm tới".
Quy mô to lớn của các công trình cũng được nhấn mạnh: "Đá Ga Ven (Gaven Reef) đã có thêm 114.000 m² đất mới từ tháng Ba năm 2014, và Đá Gạc Ma (Johnson Reef), trước đây là một bãi ngầm, ngày nay đã trở thành một 'hòn đảo' (nổi trên mặt nước) rộng 100.000 m². Công việc cải tạo và xây dựng đã làm cho Đá Chữ Thập (Fiery Cross) tăng diện tích hơn 11 lần kể từ tháng Tám năm ngoái (2014)."
Đối với bốn Thượng nghị sĩ Mỹ : "Trong khi các nước khác xây dựng trên những khoảnh đất hiện hữu, Trung Quốc lại thay đổi kích thước, cấu trúc và tính năng hình thể của những thực thể địa lý này. Đây là một thay đổi về chất có vẻ được dùng để thay đổi nguyên trạng Biển Đông".
Các tác giả của bức thư đã bác bỏ lập luận của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gần đây theo đó các hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc không đe dọa hay tác động tới nước khác.
Đối với các Thượng nghị sĩ Mỹ, hành động của Trung Quốc ít ra là đã vi phạm Bản Tuyên bố Ứng xử tại Biển Đông DOC ký kết với ASEAN, nhưng nếu Bắc Kinh tìm cách quân sự hóa các đảo nhân tạo mà họ đã xây dựng, hay dùng các đảo này để củng cố yêu sách chủ quyền của mình, thì "hành vi khiêu khích như vậy sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho hòa bình và ổn định của khu vực".
Cũng rất đáng lo ngại là các hòn đảo nhân tạo, với các cơ sở quân sự và hậu cần trên đó, có thể khiến cho Trung Quốc bạo dạn hơn trong việc tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không trên một phần hay toàn bộ Biển Đông.
Bốn đề nghị cụ thể nhằm đối phó với Trung Quốc
Tóm lại, trước việc Trung Quốc "cố tình dùng các phương pháp cưỡng chế phi quân sự (non military) để thay đổi nguyên trạng cả ở Biển Đông lẫn Biển Hoa Đông", các Thượng nghị sĩ đã yêu cầu chính quyền Mỹ và các đối tác trong khu vực có một đối sách toàn diện mà Quốc hội Mỹ sẵn sàng ủng hộ. Các tác giả bức thư còn đề xuất một số biện pháp cụ thể mà chính quyền nên áp dụng.
Nhận xét về các đề nghị của bốn Thượng nghị sĩ Mỹ, trả lời ban Việt ngữ RFI qua thư điện tử, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, trường Đại học Maine (Hoa Kỳ) đã nhấn mạnh đến tính chất khả thi rất cao của các biện pháp được đề xuất :
« Các biện pháp đề xuất cụ thể có tính chất khả thi rất lớn, và đây là những điều mà Chính quyền Obama đang thực hiện nhưng không đồng bộ và nhất quán. Đó là lý do tại sao bốn Thượng nghị sĩ công bố lá thư của họ để vừa khuyến cáo chính quyền Obama, vừa gây dư luận trong và ngoài nước để ủng hộ và thúc đẩy những biện pháp đang theo đuổi.
1/ Tung ra một cách đồng đều hơn các thông tin tình báo về những hoạt động gây mất an ninh của Trung Quốc nhằm gặt hái được những kết quả tích cực thông qua dư luận trong và ngoài nước. Đây là một đề xuất rất dễ thi hành và không tốn nhiều công sức.
2/ Xem lại các hình thức hợp tác an ninh với Trung Quốc, nên duy trì hình thức nào nếu Trung Quốc ngưng xây cất và nên chấm dứt hình thức nào hay có hình thức nào mới để phạt Trung Quốc nếu Trung Quốc cứ tiếp tục các hoạt động bồi đắp và xây dựng trên các đảo. Đây là việc rất khả thi vì nó có tính chất đơn phương, nhưng Mỹ phải chuẩn bị dư luận để có thể tiến hành tốt.
3/ Tìm cách giúp các đối tác trong khu vực Biển Đông tăng cường khả năng bảo vệ an ninh cho chính họ và cho khu vực cũng như thế giới. Việc này cũng rất khả thi vì có tính chất đơn phương. Ví dụ như cứ mỗi lần có tin Trung Quốc bồi đắp hay xây cất trên các đảo thì Mỹ có thể viện cớ vì lý do giúp bảo vệ an ninh cho khu vực và cho thế giới để cung cấp các phương tiện và các vũ khí cần thiết cho Philippines, Việt Nam và Malaysia nếu các nước này yêu cầu.
Và việc này phải được thi hành một cách nhất quán và lâu dài, chứ không phải là phản ứng nhất thời. Do việc cung cấp này là để bảo vệ an ninh cho bao nhiêu người trong khu vực và trên thế giới, Mỹ không nên gắn liền nó với những điều kiện tiên quyết, như là vấn đề nhân quyền, vốn có thể dần dần được giải quyết qua các kênh khác nhau. Không thể đem việc sống còn và quyền lợi to lớn của khu vực và thế giới làm con tin.
4/ Thúc đẩy thêm quan hệ ngoại giao với các nước ASEAN và những nước khác trên thế giới để ủng hộ thông thương trên biển cả trong khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đây cũng là đề xuất rất khả thi vì đây là vấn đề lợi ích chung. »
Việt Nam cần năng động hơn trong việc tố cáo Trung Quốc
Câu hỏi đặt ra là trước diễn biến mới liên quan đến chính sách Biển Đông của Mỹ này, Việt Nam có thể làm gì để tranh thủ điều kiện thuận lợi hơn đó. Trên vấn đề này, Giáo sư Long có suy nghĩ rất đơn giản :
« Muốn chống lại chiến lược bồi đắp đảo nhân tạo để chiếm ngự Biển Đông thì Việt Nam, một nước bị thiệt hại lớn nhất, phải liên tục dùng dư luận quần chúng trong và ngoài nước gây áp lực đối với Trung Quốc. Việt Nam có lên tiếng mạnh và liên tục thì mới tạo cơ hội cho các nước khác có thể lên tiếng cùng với Việt Nam và có thể đóng vai trò tích cực cùng với Việt Nam.
Việt Nam không nên tiếp tục phản ứng với những câu nhỏ nhẹ như là: « Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này không ai chối cãi được. » Vấn đề không phải là chủ quyền không ai chối cãi được mà là có ai muốn bỏ công sức giúp đỡ Việt Nam chỉ vì chủ quyền và quyền lợi riêng của Việt Nam hay không ».
Trả lời phỏng vấn của RFI Tiếng Việt qua điện thoại, Giáo sư Ngô Vĩnh Long nhắc lại rằng bức thư của bốn Thượng nghị sĩ Mỹ rất quan trọng đối với chính sách của Hoa Kỳ tại Biển Đông, và Việt Nam cần phải biết tận dụng để đối phó với chiến lược bồi đắp đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang đẩy mạnh nhằm chiếm hữu toàn bộ Biển Đông.
RFI : Tại sao bốn Thượng nghị sĩ Mỹ lại thấy cần phải gây sức ép trên Bộ Quốc phòng và Ngoại giao Mỹ trên vấn đề Biển Đông ?
Ngô Vĩnh Long : Đây đúng là họ vừa gây sức ép, vừa tạo hậu thuẫn cho Bộ Quốc phòng và Ngoại giao Mỹ. Lý do được lá thư nói thẳng thừng là trong khi Trung Quốc đã cố tình dùng các biện pháp đe dọa không quân sự (non military) để thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông thì các quan chức Mỹ chỉ nói chung chung về một chiến lược rộng lớn hơn nhưng chưa làm gì cụ thể cả.
Lá thư nhắc nhở, thật ra là khiển trách một cách khéo léo, rằng Thượng viện của Mỹ đã thấy những hoạt động của Trung Quốc có hại cho vấn đề an ninh chung trong hai khu vực nói trên, và đó là lý do tại sao đạo luật Ngân sách Quốc phòng năm 2015 (National Defense Authorization Act of 2015) có điều khoản bắt buộc hai bộ Quốc phòng và Ngoại giao phải thường xuyên báo cáo về tình trạng an ninh trên biển, đặc biệt là trên khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông..., nhưng chính quyền Mỹ dù biết chuyện, nhưng lại lơ là.
Cho nên Thượng viện Mỹ - chứ không đơn thuần là bốn Thượng nghị sĩ, vì bốn người này đứng đầu hai ủy ban quan trọng nhất của Thượng viện là Quân sự, Quốc phòng và Ngoại giao – đã nhắc nhở và khiển trách để hai bộ này lưu ý.
RFI : Phải chăng chính trường và chính sách Biển Đông của Mỹ đã để lộ một vài yếu tố đáng ngại khiến cho các Thượng nghị sĩ phải lên tiếng ? Và đặc biệt trong đó có một người rất quan tâm đến Việt Nam là ông John McCain ?
Ngô Vĩnh Long : Đúng thế. Trong những tháng qua ở Mỹ có rất nhiều tranh cãi trong nội bộ trên vấn đề có nên tiếp tục duy trì hoặc là tăng cường sự hiện diện của Hoa Kỳ ở vùng Trung Đông hay không. Có rất nhiều áp lực trong nội bộ Mỹ, cũng như là từ các chính khách ở vùng Trung Đông, theo đó Mỹ không những nên duy trì mà còn phải tăng cường sự hiện diện ở Trung Đông. Tình hình ở Afghanistan, Yemen… đã giúp cho những người muốn thúc đẩy việc này có tiếng nói lớn hơn.
Vì lý do trên, trong bộ Quốc Phòng, bên Bộ binh (Army) muốn duy trì và tăng cường sự hiện diện ở Trung Đông, bởi vì nếu tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông thì họ không có vai trò. Và họ cũng được một số người bên Không quân (Air Force) ủng hộ, bởi vì nếu có chiến tranh hay là cần thả bom ở vùng Trung Đông hay ở các nước chung quanh, thì Không quân mới có vai trò,
Ngoài ra, ở Biển Đông, Trung Quốc lại dùng các biện pháp « không quân sự » - như thư của các Thượng nghị sĩ có nêu lên. Thì bên Bộ Quốc phòng và phía quân sự nói rằng nếu đó chỉ là những biện pháp không quân sự thì không cần phải can thiệp.
Các Thượng nghị sĩ đã bác bỏ ý kiến trên, cho rằng đây là một vấn đề lâu dài, nguy hiểm không những cho an ninh của Mỹ mà cả cho Thế giới. Nếu để cho chiến tranh xẩy ra, tình hình sẽ rất khó khăn. Vì vậy họ muốn là Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và kể cả chính quyền Obama là phải có một chính sách (ngăn chặn) tương đối rõ ràng, nếu không Trung Quốc sẽ tiếp tục gây hấn.
RFI : Bức thư của các Thượng nghị sĩ có tầm mức rất quan trọng ?
Ngô Vĩnh Long : Vâng. Trước hết là họ cảnh báo các cơ quan chính quyền Mỹ. Điểm thứ hai là họ muốn dư luận của Mỹ và trên thế giới hiểu được tầm quan trọng của các vấn đề ở Biển Đông và Biển Hoa Đông hay là của vấn đề an ninh trên biển.
Cho nên, một trong những đề nghị cụ thể của họ là bắt các cơ quan Mỹ, các bộ của Mỹ là phải « tung ra một cách đều đặn hơn các thông tin tình báo về các hoạt động gây bất an ninh của Trung Quốc » để cho có thể thu được sự ủng hộ của dư luận Mỹ và trên thế giới.
RFI : Tính chất khả thi của các biện pháp được các Thượng nghị sĩ đề xuất ? Dường như có một số biện pháp cũng đang được Chính quyền Obama tiến hành ?
Ngô Vĩnh Long : Vâng. Đúng là có một số biện pháp chính quyền Obama đang tiến hành…, nhưng một cách vụn vặt.
Thư này muốn giúp cho chính quyền Obama có một chính sách nhất quán, cụ thể hơn…, không những đối với vấn đề Biển Đông và Biển Hoa Đông, mà còn đối với cả chính sách xoay trục qua Châu Á như thế nào, trong đó có nhiều vấn đề khác.
RFI : Việt Nam có thể tranh thủ điều gì để chống lại chiến lược bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc ?
Ngô Vĩnh Long : Một việc có thể làm rất dễ là tạo dư luận, cho dư luận thế giới, dư luận trong khu vực biết vấn đề nguy hiểm, mất an ninh mà Trung Quốc đã gây ra cho khu vực là như thế nào. Lá thư của các Thượng nghị sĩ cũng góp phần vào việc tìm kiếm sự ủng hộ của dư luận.
Nên càng có nhiều thông tin, càng nói nhiều về vấn đề này, giải thích cho thế giới, giải thích cho người dân trong nước và khu vực là những hành động của Trung Quốc gây nguy hiểm cho mọi người như thế nào. Đây cũng là dịp để Việt Nam - nước bị thiệt hại nhiều nhất – nói lên cho mọi người biết những khó khăn của mình, để người ta có thể giúp Việt Nam.
Tôi nghĩ là Việt Nam từ trước đến nay hơi quá e dè trong vấn đề nói thẳng, nói thực cho dân chúng Việt Nam cũng như trên thế giới về những gì Trung Quốc đã làm ở trong khu vực mà có hại cho Việt Nam. Theo tôi, Việt Nam phải nói thêm trên vấn đề này, chứ không thể, cứ mỗi lần xẩy ra chuyện thì lại nói « Chủ quyền trên đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam », cứ tiếp tục nói đi nói lại như vậy thì không thu hút được ai… »
Theo: RFI -30/3/2015
at 3/31/2015
Trích TNCG ngày 31-3-2015