Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

Một số video clip về tàu buồm huấn luyện Iskra của Ba Lan

Anh em ta đang được huấn luyện trên chiếc Iskra và chiếc tàu nhận về cũng thuộc loại này .Mời các bạn xem các video clip về chiếc tàu Iskra

1/Clip này dựng 3D bằng phần mềm Rhinoceros 5.Chúng ta có thể dựng lại ,in 3D làm các mô hình con tàu này bằng giấy

2/Tàu Iskra vào cảng London năm 2010 và được giới thiệu như chiếc tàu buồm đầu tiên mang cờ của Hải quân Ba lan đi vòng quan thế giới .Thủy thủ đoàn có vài ba nữ thành viên .Ca khúc trong video này là bài Branka ,theo thề loại nhạc hàng hải truyền thống chanty ,lời bài hát của nhạc sĩ Andrej Mendygral ,ca sỹ thể hiện Zbyszko Murawski

30 thủy thủ của chúng ta đang thực tập trên chiếc tàu huấn luyện này !
3/Những cảnh hoạt động thường ngày trên tàu huấn luyện Iskra


4/25 năm hoạt động của con tàu Iskra


5/Tàu Iskra trở về ngày 10/02/1996 sau chuyến đi vòng quanh thế giới 


Khảo luận về buồm vuông !




Câu chuyện về tên gọi các cánh buồm ám ảnh tôi hàng chục năm nay .Chẳng là bắt tay vào biên soạn cuốn Từ điển Hàng hải Anh Việt ,tôi đã nhận thức được những cam go trước mắt .Đó là vào những năm 70,khi trên giá sách bắt đầu xuất hiện những cuốn tiểu thuyết dịch viết về biển ,mà tác giả đầu tiên đươc Hà Nội quan tâm là Jack London,một nhà văn thiên tả.Đọc các bản dịch ,người ta hoang mang không hiểu nội dung ra sao ,con người trước biển anh dũng thế nào .Chả là các khái niệm,ngôn ngữ hàng hải được truyền tải sai bét vì người dịch là dân trên bờ landlubber 100% ,lại dịch văn Anh thông qua tiếng Nga ! Mình vẫn nhớ cuốn nhật ký hàng hải logbook được dịch giả gọi là tạp chí hàng hải vì chuyển từ tiếng Nga sudovoj zhurnal mà không hiểu nó là cái gì .Đã là tạp chí thì còn có nghĩa lý gì với cuốn nhật ký hàng hải,một căn cứ luật pháp vô cùng quan trọng của con tàu !!Đến tên gọi các cánh buồm dự định cho vào Từ điển ,thật là một ma hồn trận mà cách duy nhất là để nguyên tên không dịch vì các từ Việt như buồm lòng,buồm cựu,buồm cánh kèo ...đều không đủ phản ảnh .Đối chiếu sang tiếng Hán để tìm cách đặt ra từ Hán Việt cũng bó tay vì càng thêm lằng nhằng .Buồm đã phức tạp tới các dây kéo buồm lại lũy thừa lên độ phức tạp .Dây lèo,dây chằng,dây lèo ngọn ...chả đủ cho một rừng dây trên tàu buồm .Cho nên,nghe tin vui về tàu buồm huấn luyện sắp về với biển Việt Nam ,mình mở trang này bàn luận về buồm với các bạn yêu biển ,những bạn đang tiếp xúc với halyard,grot ...Mình chỉ băn khoăn ,không rõ các khẩu lệnh trong khi thuyền trưởng Đàm Xuân Tuấn sử dụng trong khi thao tác buồm sẽ ra sao đây ?


Để hiều một cách tổng quát về hoạt động của tàu dùng buồm vuông không gì bằng mời các bạn xem clip sau đây về cách thao tác buồm trên tàu Sørlandet,một con tàu thuộc loại cổ xưa nhất ,được đóng tại Kristiansand, Na Uy vào năm  1927.Tiếp theo phần 1 là phần 2 và phần 3



phần 3






Khác với buồm của chúng ta là loại buồm được thế giới xếp vào loại buồm treo một phần ba (junk sail),buồm dọc ;  buồm trên chiếc bark ,tàu huấn luyện của Hải quân Việt Nam thuộc loại buồm vuông,buồm chữ đinh (square sail) là loại buồm cổ xưa nhất của loài người .

Buồm đinh hình chữ nhật và được giữ bằng một xà ngang gọi là xà buồm (yard) ,xà này lại được gắn với cột buồm sao cho xà có thể xoay thoải mái cả trong mặt phẳng thẳng đứng lẫn mặt phẳng nằm ngang .Cột buồm,xà buồm và cánh buồm chữ đinh .Khác với buồm dọc (fore-and-aft sail ), buồm đinh luôn lấy gió từ cùng một mặt của cánh buồm .Buồm đinh tỏ ra tối ưu khi chạy thuận gió và nó trở nên không tốt khi chạy ngược gió như trình bày trên hình vẽ dưới  đây .
Cho nên buồm đinh chủ  yếu chỉ dùng cho tàu thuyền chạy trong vùng nước sâu ,khi đó nó tỏ ra rất hiệu quả và chạy an toàn khi ngược gió .Và trong các chuyến hành trình dài ta phải luôn chọn một lộ trình sao cho càng phải ít chuyển lèo càng tốt .

Mũi tên chỉ hướng gió và hình bên trái chỉ con đường của thuyền dùng buồm đinh ; ta có thể giữ hướng giữa gió và hành trình vào khoảng 70 độ .Hình bên phải chỉ hành trình của thuyền dùng buồm dọc ,góc đó chỉ  40 độ .

Các loại tàu thuyền treo buồm vuông 

Căn cứ theo cách troe buồm vuông ,người ta phân ra các loại tàu thuyền như sau :
  • Tàu thuyền có ba cột buồm hay nhiều hơn ,tất cả treo buồm vuông được gọi là full-rigged ship .
  • Tàu thuyền  barque  có ba hay nhiều hơn cột buồm ,tất cả treo buồm vuông trừ cột đuôi treo buồm dọc .
  • Tàu thuyền barquentine  có ba hay nhiều hơn cột buồm ,chỉ có cột chính treo buồm vuông còn các cột còn lại treo buồm dọc .
  • Tàu thuyền  brig  có hai cột buồm ,cả hai treo buồm vuông .

Cột buồm

Cột buồm cao nhất của tàu là  main mast,ta gọi là cột chình,cột buồm lòng .Cột trước cột chính (nếu có) được gọi là fore mast. ,cột mũi .Cột sau cột chính được gọi là mizzen mast, jigger mast, driver mast và pusher mast; mặc dù hai tên sau ít dùng ,còn ta gọi là cột đuôi nếu tàu chỉ có ba cột . Tuy vậy,trên các tàu năm cột ,người ta gọi tên như sau : fore mast, main mast, middle mast, mizzen mast, jigger mast. Trên chiếc tàu năm cột duy nhất ,tất cả treo buồm vuông có tên là Preussen, cột giữa middle mast đôi khi được gọi tên là cột Laeisz mast, theo tên của ông chủ tàu là F. Laeisz.Tại Hoa Kỳ,chữ spanker mast thường được dùng để chỉ cột buồm sau cùng của các loại schooners. Theo một bức thư của thuyền trưởng Crowley trên chiếc schooner bảy cột buồm Thomas W. Lawson ,họ thường gọi tên bảy cột như sau :fore-, main-, mizzen-, number 4, number 5, number 6, và spanker-.

Trên tàu toàn bộ là buồm đinh ,mỗi cột gồm có ba phần là - cột dưới lower mast, cột đỉnh topmast, và cột ngọn topgallant mast. Bộ buồm gồm ít nhất ba chiếc buồm vuông đó là :buồm dưới course treo trên cột dưới , buồm đỉnh topsail treo trên cột đỉnh và buồm ngọn topgallant sail treo trên cột ngọn topgallant mast.

Thông thường ,buồm đỉnh quá lớn nên được chia thành hai phần để dễ thao tác ,đó là buồm đỉnh dưới lower topsail và buồm đỉnh trên upper topsail; trên các tàu lớn ,buồm ngọn topgallant sail cũng được chia thành hai phần như vậy . Nhiều tàu lớn treo buồm vuông còn có thêm buồm đế vương royal nằm trên buồm ngọn ,được căng trên cột đế vương royal mast, thông thường không phải là một sào riêng mà là kéo dài của cột ngọn topgallant mast. Chúng ta để lại câu chuyện về buồm sẽ thảo luận tiếp theo ,tại đây chúng ta hãy bàn về các dây chằng cột buồm standing rigging :
Hình vẽ cho ta thấy cột dưới lower mast nhìn từ mạn trái . Nó được giữ bằng một dây chằng dọc stay (màu xanh), tám dây néo shrouds (màu đỏ, ta chỉ thấy 4 dây néo trái ), và hai dây chằng ngang backstays (màu da cam, ta chỉ nhìn thấy dây chằng ngang phía trái ). Ngang dây néo có những dây lưới ratlines (đôi khi đọc thành ratlins) Cùng với dây néo,dây lưới tạo thành một cái lưới để trên đó ta có thể leo trèo lên cột buồm làm việc .Hình vẽ chỉ cho ta thấy một bên ,trên thực tế có cả hai bên để ta có thể trèo lên cột từ hai phái mạn của tàu .

Bây giờ đến lúc cột đỉnh đã được lắp ghép xong . Nó được buộc vào mặt trước của cột dưới lower mast, và tại chỗ tiếp nối có một sàn nhỏ được gọi là top (màu xám). Cột đỉnh được đỡ bằng dây chằng dọc topmast stay(màu xanh) và dây néo topmast shrouds (màu đỏ) chạy từ đỉnh của cột đỉnh topmast cho tới mép ngoài của sàn nhỏ (top) .Những dây néo ngắn màu xanh lá cây được gọi là  futtock shrouds đi từ mép ngoài của đỉnh rồi đi vào trong của cột dưới lower mast, tại đây nó được buộc bằng một cái vòng có tên là  futtock bao quanh cột buồm . Có hai cặp dây chằng ngang của cột đỉnh topmast backstays (màu da cam). Một cặp buộc ngay tại chỗ của dây chằng cột đỉnh topmast stay, còn cặp kia níu từ tận đỉnh của cột đỉnh .

Đến việc buộc cột ngọn topgallant mast . Trên thực tế cột ngọn và cột đế vương topgallant/royal mast chỉ làm bằng một cây sào mà thôi . Người ta dùng một thiết bị giống như cái top, nhưng nhỏ hơn được gọi là cây ngang crosstrees(màu xám). Dây chằng màu xanh da trời ở dưới là dây chằng cột ngọn topgallant stay còn dây chằng trên là dây chằng đế vương royal stay. Có một cặp dây chằng ngang cột ngọn topgallant backstays (màu da cam phía dưới ), và một cặp dây chằng ngang đế vương royal backstays (dây trên da cam ).Hai bên cũng có hai dây néo cột ngọn topgallant shrouds (đỏ) . Không có dây néo đế vương royal shrouds vì thường thấy không cần thiết .
Tất nhien không phải tất cả các tàu buồm đều chằng buộc như mô tả ở trên ví dụ những tàu lớn thường có nhiều hơn hai cặp dây chằng ngang backstays để đỡ cột đỉnh topmast. Một số rất ít có cột đế vương royal masts riêng rẽ , và đến cuối thế kỷ 19 khi các cột làm bằng thép thì người ta thường làm cột dưới và cột đỉnh chung nhau với nhau , nhưng các dây chằng dọc stays,dây néo  shrouds và dây chằng ngang  backstays vẫn được buộc như khi các cột riêng rẽ như mô tả ở trên .


Buồm

Tên buồm bằng tiếng Việt và tiếng Anh (ký hiệu en) và tiếng Ba Lan (pl)
Tên buồm vuông tùy theo cột mà nó được treo . Buồm tại cột dưới lower mast được gọi là buồm cột dưới  course; bởi vậy buồm cột dưới của cột mũi (lower mast of the fore mast  hay gọi tắt là the fore lower mast) được gọi là buồm dưới cột mũi fore course, và buồm dưới cột chính có tên Anh là main course. Buồm dưới cột đuôi mizzen course, tuy vậy lại có một tên riêng là crossjack, đôi khi được viết và đọc thành cro'jack.Buồm trên cột đỉnh topmast có tên là topsail, thường chia thành hai đó là buồm dưới cột đỉnh lower topsail và buồm trên cột đỉnh upper topsail. Buồm trên cột ngọn topgallant mast có tên là buồm cột ngọn topgallant sail, trên các tàu lớn lại chia thành hai buồm trên và dưới giống như buồm đỉnh . Buồm đỉnh topsail và buồm ngọn  topgallant sail thường phát âm thành tops'l và to'gan's'l. Trên buồm ngọn topgallant sail thường có thêm một cánh buồm gọi là buồm vua  royal, và những chiếc clipper giữa thế kỷ 19 thường có thêm buồm trời  skysails nằm trên buồm đế vương royals. Một số clipper còn căng thêm buồm mặt trăng  /buồm diều moonsail hay còn gọi là moonraker nằm trên buồm diều skysail.
Trên buồm trăng moonsails, người ta cố tình nhét thêm buồm nữa ,có thể không thực hiện được nhưng vẫn còn những cái tên như : heaven pokerangel poker, và cloud disturber.
Để tăng diện tích buồm tới mức tối đa , các clipper thường ghép thêm sào để kéo dài chiều dài xà buồm và treo thêm những cánh buồm phụ ở hai bên của buồm vuông . Những buồm đó có tên là buồm đầu đinh studding sails hay gọi tắt là stunsails, nhưng buồm này không còn được phổ biến trong thế kỷ 20 . Bức tranh phía bên mô tả chiếc clipper có tên là  Golden State mang thêm 5 chiếc buồm đầu đinh trên cột mũi !
Trên các dây chằng dọc giữ các cột buồm (màu xanh da trời như các sơ đồ trình bày ở trên )người ta thường treo thêm các buồm phụ tam giác có tên là  buồm dây chằng  triangularstay sails. Tên của buồm tùy theo tên của dây chằng mà buồm được gắn vào , ví dụ buồm trên dây chằng cột đỉnh topmast stay có tên là topmast staysail. Trước cột mũi,người ta thường treo thêm nhiều buồm dây chằng staysails ,nhằm cân bằng con tàu và những buồm đó gọi là  jibs.
Dười đây là các tấm buồm của chiếc barque bốn cột buồm có tên là  Pamir . Nhớ tên nó để nghe khẩu lệnh thực hiện các thao tác buồm là một việc không dễ dàng ?

  1. Flying jib
  2. Outer jib
  3. Inner jib
  4. Fore topmast staysail
  5. Fore course
  6. Fore lower topsail
  7. Fore upper topsail
  8. Fore lower topgallant sail
  9. Fore upper topgallant sail
  10. Fore royal
  11. Main topmast staysail
  12. Main topgallant staysail
  13. Main royal staysail
  14. Main course
  15. Main lower topsail
  16. Main upper topsail
  17. Main lower topgallant sail
  18. Main upper topgallant sail
  19. Main royal
  20. Mizzen topmast staysail
  21. Mizzen topgallant staysail
  22. Mizzen royal staysail
  23. Crossjack
  24. Mizzen lower topsail
  25. Mizzen upper topsail
  26. Mizzen lower topgallant sail
  27. Mizzen upper topgallant sail
  28. Mizzen royal
  29. Jigger staysail
  30. Jigger topmast staysail
  31. Jigger topgallant staysail
  32. Lower spanker
  33. Upper spanker
  34. Spanker topsail, or just Gaff topsail

Dây nhợ của buồm

Trên cột treo buồm vuông , xà buồm dưới course yard nằm tại vị trí cố định ngay dưới sàn chân cột (top). Còn xà buồm đỉnh topsail yard khi không treo buồm thì nằm ngay phái trên sàn top một chút . Khi ta thượng buồm ,ta sẽ kéo xà dọc theo cột đỉnh cho nó lên tới vị trí cao nhất là nằm dưới các cây ngang crosstrees. Xà buồm ngọn topgallant yard được kéo từ vị trí thấp nhất là chỗ nằm ngay trên cây ngang crosstrees, đi dọc theo cột ngọn topgallant mast, cho tới vị trí cao nhất ngay dưới một chỗ có tên là topgallant standing rigging là nơi buộc tất cả dây chằng dọc stays, dây néo shrouds và dây chằng ngang backstays . Nằm trên vị trí đỉnh (topgallant standing rigging) là xà buồm vua royal yard, xà này được kéo dọc theo cột buồm đế vương royal mast, nhưng như đã nói phía trên , cột buồm ngọn topgallant mast và cột buồm đế vương royal mast thường chỉ là một .Nếu buồm đỉnh topsail được chia làm hai ,mà việc này thường xảy ra thì xà buồm đỉnh dưới được cố định tại một vị trí ngay đỉnh của cột dưới và chỉ có xà buồm đỉnh trên upper topsail yard được kéo lên . Sở dĩ như vậy vì các xà buồm đỉnh topsail yards làm thành một cặp khi buồm chưa được ghép lên . Với hai tấm buồm ngọn  topgallant sails tình hình cũng tương tự như vậy ; xà buồm ngọn dưới lower topgallant yard được cố định trên đầu  của cột buồm đỉnh topmast, và chỉ có xà buồm ngọn trên upper topgallant yard được kéo lên dọc theo cột buồm ngọn topgallant mast.
Những dây sau đây dùng để thao tác một xà buồm :

  • Dây xoay Braces dùng để quay xà buồm trong mặt phẳng nằm ngang ,một công việc rất cần thiết để điều chỉnh cánh buồm sao cho có vị trí thuận lợi nhất đón gió tới . Mỗi xà buồm có hai dây xoay brace ở mỗi đầu của xà buồm .
  • Dây chặn Topping lifts là những đoạn dây cáp thép ngắn nhằm ngăn không cho xà quay trong mặt phẳng thẳng đứng khi không căng buồm hay không kéo xà buồm lên . Mỗi xà buồm có hai dây chặn ở mỗi đầu xà . Các xà buồm đỉnh dưới (lower topsail yard) và xà buồm ngọn dưới (lower topgallant yard ) không có dây chặn vì chúng đã được nối với các xà buồm đỉnh trên hay xà buồm ngọn trên (upper topsail/topgallant yard) rồi .Xà buồm dưới (course yard ) có dây chặn có thể điều chỉnh được ; khi các cánh buồm được giương lên ,dây này sẽ tác dụng bởi vì nó được nối với các cánh buồm và những dây lèo .Như vậy,các xà có thể được quay đôi chút trong mặt phẳng thẳng đứng .
  • Dây nâng buồm  Halyard  được buộc vào chính giữa của xà buồm và dùng để kéo xà lên (Tất nhiên những xà gằn cố địnhthì không có dây này )
  • Dây kéo xuống Downhauls dùng cho các xà buồm đỉnh trên (upper topsail yard) và xà buồm ngọn trên (upper topgallant yard) để kéo xà cho tới vị trí thấp nhất nằm ngay trên xà buồm đỉnh dưới (lower topsail yard) và xà buồm ngọn dưới (topgallant yard). Mỗi xà có hai dây kéo xuống ở mỗi đầu của xà . Chỉ có xà buồm đỉnh trên và xà buồm ngọn trên mới có dây kéo xuống này .
Mỗi cánh buồm vuông có bốn cạnh và bốn góc ;hai mép thẳng đứng hai bên buồm gọi là cạnh buồm (leeches). Mép trên cánh buồm gắn với xà gọi đầu buồm (head) mép dưới gọi là  chân buồm ( foot). Hai góc dưới cùng của buồm gọi là gòc néo buồm (clew). Để thao tác buồm ta phải dùng các loại dây sau đây :
  • dây góc buồm Sheets được buộc vào các góc clews và được dùng với các buồm dưới (courses) để chỉnh ( trim) buồm , còn trên các buồm khác dùng để kéo góc buồm (clews) xuống với xà buồm phía dưới .Đôi khi các buồm đỉnh trên (upper topsail) và các buồm ngọn trên không có dây góc buồm này ; các góc buồm của chúng có thể được buộc thường xuyên với các xà buồm đỉnh dưới (lower topsail yard) hay xà buồm ngọn dưới (topgallant yard).
  • dây lèo Tacks chỉ được dùng cho các buồm dưới (course). Dây này được buộc vào các góc dưới (clew) của buồm  và được dùng để kéo mép thuận gió (windward clew) về phía trước , nhất là khi tàu chạy sát hướng gió (close-hauled). Khi tàu chạy với gió thổi từ phía sau ,thì không dùng những dây lèo tacks này  (Khi dùng dây tack , ta không dùng dây góc buồm thuận gió (windward sheet)
  • Dây thu buồm Clewlines và  buntlines được dùng để thu buồm lại (taking in a sail).Ta kéo dây clewlines để đưa các góc buồm clews sát tới các đầu của xà buồm , và kéo dây buntlines để đưa chân buồm foot cho sát với xà buồm . Mỗi cánh buồm có hai dây clewlines (mỗi góc clew có một dây ) và có từ 2 tới 8 dây buntlines, tùy thuộc vào kích thước buồm to nhỏ . Dây clewlines của buồm dưới courses có cái tên là clew garnets. Thông thường,các buồm đỉnh trên upper topsails và buồm ngọn trên upper topgallant  sails để lỏng các dây clewlines. Ngoài ra , các cánh buồm lớn còn có dây mép bên leechlines, là những dây buộc vào mép bên của buồm nhằm đưa các mép sát với xà buồm , làm cho việc cuộn buồm lại được dễ dàng hơn . Đôi khi một dây leechline kết hợp với một dây buntline thành dây bunt-leechline ,dây này chạy từ mép bên leech xuống tới chân buồm foot sau đó chạy lên xà buồm giống như một dây buntline thông thường .Ngoài ra ,có khi thay đổi một chút như các dây clewlines không kéo các góc clews không thu về hai đầu xà buồm mà đưa về giữa xà .
  • Dây buộc Gaskets là những đoạn dây ngắn nhằm buộc buồm lại khi không sử dụng .
Nhìn chung .một cánh buồm được giương lên bằng cách tung buồm ra tức là tháo dây buộc buồm để cho buồm từ xà buồm rũ rơi xuống , kéo dây clewlines và dây buntlines, để cho các góc buồm clews được sát với xà buồm phía dưới rồi kéo xà buồm lên .Tất nhiên nếu xà đã gắn cố định thì ta không phải kéo lên và khi ta giương các buồm đỉnh trên upper topsails và buồm ngọn trên upper topgallant sails ta phải kéo các dây kéo xuống downhauls.Khi thu buồm có xà cố định , ta kéo dây clewlines và dây buntlines trong khi nới lỏng dây sheets hoặc dây lèo tacks, rồi cuộn buồm lại tức là để buồm sát xà buồm và buộc bằng các dây cuộn buồm gaskets. Nếu xà buồm không cố định tấm buồm thì ta thu buồm  bằng cách nới lỏng dây treo buồm halyard đồng thời kéo dây clewlines hoặc dây downhauls và dây buntlines.
Việc giải thích trình bày ở trên nghe có vẻ phức tạp và đầy lý thuyết nhưng qua vài ví dụ sau đây có thể giúp các bạn sáng tỏ hơn :
Hình bên trái là một cột buồm nhìn từ phía đuôi tàu . Trên cột có treo bốn buồm vuông :một buồm dưới  course, hai buồm đỉnh topsails và một buồm ngọn topgallant sail.Xà buồm dưới (course yard) và xà buồm đỉnh dưới (lower topsail yard) là cố định , còn các xà khác đang ở vị trí thấp nhất của chúng vì lúc này buồm chưa được giương lên .Tất cả các xà đều được treo buộc bằng dây chặn topping lifts (xanh da trời) trừ xà buồm đỉnh dưới (lower topsail yard) không có bởi vì nó đã nối với xà buồm đỉnh trên (upper topsail yard) bằng cánh buồm và những dây sheets mà ta không nhìn thấy trên hình vẽ .
Hình bên phải là toàn bộ cánh buồm được giương lên . Xà buồm đỉnh trên (upper topsail yard)và xà buồm ngọn (topgallant yard) được kéo lên tới vị trí cao nhất  mà chúng có thể có .Các dây chặn topping lifts (vẫn tô xanh da trời ) không còn tác dụng nữa ,nhưng do căng dây chặn của buồm dưới (course topping lifts) đã ảnh hưởng tới toàn bộ các xà buồm vì các xà được nối với nhau bằng buồm và các dây sheets. Khi thu buồm lại , ta kéo dây clewlines(đỏ) và dây buntlines (màu xám). Trên thực tế ,từ phái đuôi tàu ta không nhìn thấy dây buntlines vì nó chạy trên mặt trước của cánh buồm . Trên cánh buồm dưới (course) và buồm đỉnh dưới (lower topsail) dây clewlines kéo các góc clews về hai đầu của xà buồm , nhưng trên buồm ngọn (topgallant sail) dây đó kéo các góc về giữa xà . Buồm đỉnh trên (upper topsail) không có dây clewlines, nhưng các dây downhauls (màu da cam) dùng để kéo xà buồm đỉnh trên (upper topsail yard) xuống tới xà buồm đỉnh dưới (lower topsail yard). Ta cần chú ý rằng buồm dưới (course) cũng có các dây leechlines.

Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

Hải chiến Hoàng Sa trong tầm mắt những người tham chiến !

                                                                           






                                                                                    
Báo Xa lộ Pháp luật đăng loạt bài “Ngược dòng thời gian”, “Hải chiến Hoàng Sa” trong ký ức cựu binh quân đội Sài Gòn có khá nhiều thông tin tuy nhiên còn thiếu chính xác. Cùng Tổng biên tập và tác giả Anh Thư qua Xa lộ Pháp luật tôi đã xem trọn vẹn 11 bài viết liên tục của tác giả. Xin cảm ơn Tổng biên tập và tác giả chính thức đưa ra trước công luận những diễn biến liên quan đến trận Hải chiến tại Hoàng Sa ngày 19/1/1974 cùng những nhận định khách quan của mình. Nhờ đó tôi được biết thêm những chi tiết mà mình chưa được biết, đồng thời tôi cũng xin góp ý với tác giả về bài hồi ký của Hạm Trưởng HQ 16 Lê Văn Thự còn nhiều điều chưa đúng sự thật. Tôi đã xem đi xem lại bài hồi ký của Hạm Trưởng Thự không bỏ sót một câu nào. Nếu như người chưa từng tham dự trận Hải chiến Hoàng Sa  thì  có thể cảm nhận ông viết có vẻ thật nhưng không thể thuyết phục được những người trực tiếp tham gia.
Tôi Lữ Công Bảy, Thượng sĩ Giám lộ (Giám sát lộ trình hàng hải) trên Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ 4, một trong 4 chiến hạm đã tham gia trong trận hải chiến với Hải quân Trung Quốc tại Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974 là phụ tá Trưởng Khối Hành quân (Hải quân Đại úy Nguyễn Văn Diên - Trưởng Khối) kiêm phụ tá Trưởng ngành Hàng hải (Giám lộ) do Hải quân Trung úy Phạm Ngọc Roa - Trưởng Ngành. Anh em chúng tôi cùng có các ý kiến thống nhất về trận hải chiến này.
Ngành giám lộ là xác định vị trí tàu, chuyển và nhận những tín hiệu bằng đèn (quang hiệu) hay cờ (kỳ hiệu) và đồng thời ghi nhật ký tác chiến, nhật ký hàng hải. Trong nhiệm sở hải hành cũng như trong nhiệm sở tác chiến lúc nào tôi cũng phải có mặt trên Đài Chỉ Huy. Tham dự trận Hải chiến Hoàng Sa tôi đã làm trọn vẹn nhiệm vụ được giao phó. Nhân đây tôi cũng xin nói sơ qua về hệ thống liên lạc trên Đài Chỉ Huy của Khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ 4.
Hệ thống liên lạc gồm 5 hệ thống:
1.      Máy KW2A chính đặt tại phòng truyền tin CIC ( phòng Chiến báo). Loa trên đài chỉ huy có thể liên lạc rất xa cả nửa vòng trái đất nhưng  ít khi sử dụng vì điều chỉnh rất phức tạp.
2.      Máy KW58 (còn gọi là ông già 58) cũng đặt tại phòng truyền tin CIC. Loa trên Đài Chỉ Huy từ vùng biển Hoàng Sa thường xuyên liên lạc về Đà Nẵng báo cáo tình hình cho Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại (Chỉ huy trưởng Vùng 1 Duyên Hải) nhưng từ thời điểm khoảng 9h sáng 19/1 hệ thống này bị xâm nhập phá rối, toàn nghe thấy tiếng Hoa, muốn liên lạc về Đà Nẵng phải chuyển về Trung Tâm Hành quân lưu động biển ở Sài Gòn rồi từ Sài Gòn mới chuyển ra Đà Nẵng và ngược lại.
3.      Máy URC 46 là hệ thống liên lạc giai tần đơn, hiện đại ,công suất mạnh nhưng  chỉ liên lạc trong vòng bán kính 80 - 90km khi điều kiện thời tiết tốt. Hệ thống này gắn trên Trần Đài Chỉ Huy, gần ghế của Hạm Trưởng.
4.      Máy PRC 25 gọn, nhẹ, cơ động được trang bị cho toàn cơ hữu trung úy Dũng chỉ huy đổ bộ lên giữ đảo Money Island ( Cam Tuyền) vào chiều 18/1 .
Ngoài ra trên phòng lái (phía sau Đài Chỉ Huy) có một máy PRC 25 do HQ Đại úy Tâm (Trung đội trưởng Biệt Hải) sử dụng liên lạc với  nhóm biệt hải đổ bộ lên đảo Quang Hòa (Duncan Island) sáng ngày 19/1.
Trước lúc nổ súng  (ngày 19-01-1974)  chúng tôi đã nhận hầu hết các tín hiệu từ tàu 274 của địch. Đến khi nhận văn bản cực kỳ khiêu khích của địch qua câu “ Chúng ta hãy làm những gì mà người quân nhân chúng ta phải làm” .Văn bản được chuyển bằng tiếng Anh qua quang hiệu (đèn). Anh em chúng tôi nhận xong và  trình lên Hạm Trưởng Vũ Hữu San. Ông vì quá bận lo vận chuyển tàu để đối phó với hai tàu 271 và 274 của Trung Quốc nên ông đưa qua cho Trung úy Mai Công Minh (Sĩ quan Trưởng ngành Hải pháo và Vỏ Tàu). Biết  Anh văn nhuần nhuyễn, Trung úy Minh dịch ngay và  báo cáo cho Hạm trưởng. Hạm Trưởng San tức giận lệnh cho chúng tôi không được nhận tín hiệu từ tàu địch, đồng thời thời ông dứ nắm đấm về phía tàu Trung Quốc rồi quát lớn “Đồ bố láo”. Từ đó chúng tôi không có việc gì để làm. Đến 10h10 Hạm Trưởng San lệnh nhận tín hiệu cờ từ Soái hạm HQ 5 theo kỳ hiệu của Nato (Khối minh ước Bắc Đại Tây Dương) để giữ bí mật vì khi ấy hệ thống âm thoại đường dài (KW58) bị Trung Quốc phá rối. Hệ thống âm thoại đường dài chỉ thực sự bị phá rối vào khoảng 9h sáng ngày 19/1 chứ không phải như ông Hạm Trưởng Thự nói từ chiều 18/1. Nếu từ chiều 18/1 hệ thống bị xâm nhập thì sẽ được điều chỉnh thay đổi tần số khác ngay (bằng mật mã vô tuyến) nhưng giờ đó trận đánh sắp xảy ra nên không thể kịp thay đổi tần số khác. Hơn nữa hệ thống liên lạc tầm ngắn URC 46, PRC 25 vẫn còn liên lạc thông suốt chưa bị xâm nhập phá rối. Việc liên lạc giữa Soái hạm HQ5 và HQ16, HQ4 , HQ10, lực lượng Hải Kích, lực lượng Biệt Hải vẫn bình thường .
Suốt thời gian trước và sau hải chiến máy PRC25 này hoạt động rất hiệu quả. Lệnh từ Hạm Trưởng San rút Trung đội Biệt Hải về tàu là qua hệ thống nầy. Lệnh khi đó vì thấy tình hình quá bất lợi do quân Trung Quốc đã đổ bộ đầy lên đảo .
Lệnh thực hiện vận chuyển chiến thuật bằng tín hiệu cờ của khối  Nato, các cuộc trao đổi giữa Hạm Trưởng San với Đại tá Ngạc và lệnh khai hỏa cũng qua hệ thống này. Tôi là người đứng kế bên máy PRC25 nên tôi gần như được nghe và nhớ hết những gì Đại tá Ngạc trao đổi với Hạm Trưởng San. Máy PRC25 được đặt trên một cái ghế gỗ 4 chân. Vào  khoảng 10h08’ Đại tá Ngạc chỉ thị “Cho các tàu lập đội hình chiến thuật theo lệnh từ soái hạm HQ5. Đến khi thực hiện đội hình hàng ngang, tất cả các chiến hạm hướng về đảo Quang Hòa tác xạ lên đảo dọn bãi, lập đầu cầu để biệt hải và người nhái đổ bộ lên chiếm đảo”. Hạm trưởng San tức tối liệng tổ hợp xuống sàn tàu, ông nhìn 2 tàu địch và ông thốt câu “Những thằng kia nó để cho mình yên à”. Tôi vội lấy máy và tổ hợp đặt lại vị trí cũ. Trước khi nổ súng Đại tá Ngạc hỏi ý kiến từng Hạm trưởng. Đến khi hỏi ý kiến Hạm trưởng San thì Hạm trưởng San gằn từng tiếng trong máy bộ đàm: “Hiện nay nước cờ đã bị lộ, từ sáng đến giờ địch đổ bộ đầy lên đảo, ta có 2 trung đội thì làm sao thành công được”, rồi ông tiếp: “Tôi là quân nhân, tôi chấp nhận hy sinh vì Tổ quốc nhưng việc này vô lý quá”. Chính hệ thống này tôi nghe được Trung sĩ nhất Giám lộ Vương Thương (bạn thân của tôi) bên HQ10 báo cáo về Soái Hạm HQ5 là đài chỉ huy HQ10 bị trúng đạn đại bác, Hạm trưởng Thà tử trận, Hạm phó Trí bị thương nặng, toàn bộ thủy thủ đoàn trên đài chỉ huy đều bị tử thương và bị thương. Riêng bạn tôi (Trung Sĩ Nhất Giám lộ Vương Thương) bị mảnh đạn cắt ngang thắt lưng, máu ra rất nhiều và từ thời khắc bi thảm đó mất hẳn liên lạc luôn với HQ10 . Từ phòng chiến báo Trung tâm hành quân HQ4 cố gắng liên lạc với HQ10 nhưng vẫn không được.
5.      Hệ thống liên lạc nội bộ từ Đài Chỉ Huy đến các phòng ban, hầm máy, trung tâm chiến … nhưng chỉ liên lạc được nội bộ mà thôi.
Phần tôi luôn trực tiếp có mặt trên Đài Chỉ Huy HQ4 suốt thời gian từ trước ngày 17/1 đến hơn 14 giờ ngày 19/1 vì nhiệm sở tác chiến liên tục, hết nhiệm sở tác chiến lại phải trực phiên hải hành và khi đói quá phải chui vào phòng Hải Đồ phía sau  nấu mì gói ăn cầm hơi. Qua bài hồi ký tôi chỉ thấy ông Hạm Trưởng Thự nói đúng một câu đối với bài viết của Hải Quân Trung úy Đào Dân (Sĩ quan trưởng Ngành Hàng Hải) trên HQ16. Ông viết “Vì ông Dân chỉ ở vị trí nào đó trên chiến hạm, chứ không có thể có mặt khắp mọi nơi, ngoài ra ông Dân còn làm phận sự chứ ông không thể ngồi không mà quan sát trận chiến”. Đúng là tùy nhiệm sở, tùy trường hợp cụ thể mà có người biết người không. Cho dù anh có tham gia nhưng nhiệm sở tác chiến anh ở Hầm máy, Trung tâm chiến báo CIC - Trung tâm truyền tin thì anh chỉ nghe không bao giờ thấy. Thậm chí các khẩu đội pháo anh chỉ thấy trước mắt, không thể nghe hết và biết hết. Chỉ duy nhất trên Đài Chỉ Huy thì anh thấy và nghe được xung quanh nhưng cũng tùy nhiệm sở của anh.
Tôi xin nêu cụ thể trên Đài Chỉ Huy HQ4 ngoài Hạm trưởng Vũ Hữu San chỉ huy toàn bộ, ông thoắt ẩn thoắt hiện, có khi bên trái Đài chỉ huy, có khi bên phải…Trung úy Phạm Ngọc Roa - Trưởng Ngành hàng hải luôn phải căng mắt vào màn hình Radar để quan sát  khoảng cách và theo dõi mọi diễn biến của tàu địch (chỉ có Radar mới có khoảng cách chính xác, mắt thường không thể đoán được). Trung úy Mai Công Minh, Trưởng khối Vũ khí -Vỏ tàu lúc đó đang theo dõi báo cáo từ các khẩu đội pháo qua trung úy Nguyễn Đình Long (Sĩ quan phụ tá trưởng khối Vũ khí-Võ tàu). Do đang đeo điện thoại liên lạc với các khẩu đội pháo nên Trung úy Long không thể nghe được hệ thống  liên lạc vô tuyến. Vào thời khắc sinh tử ,Thượng sĩ nhất Giám Lộ Võ Gia Ry cầm bảng nhật ký tác chiến di chuyển theo Hạm Trưởng San. Tôi và Trung sĩ nhất Giám lộ Trần Văn Khiết không làm gì hết (không xác định vị trí , không nhận tín hiệu đèn cờ) nên tôi có  nhiều thời gian quan sát  và nghe thấy các diễn biến. Tôi xin làm nhân chứng cho trận Hải chiến tại Hoàng Sa ngày 19/1/1974 .
Mở đầu bài viết ông Thự nói “Từ ngày trận chiến xảy ra đến nay tôi vẫn giữ im lặng, không viết ra những điều mắt thấy tai nghe những gì xảy ra trong trận chiến vì nghĩ rằng trận chiến Hoàng Sa là một thất bại vì không giữ được Hoàng Sa so với những chiến tích lẫy lừng của tiền nhân trong lịch sử .Vì vậy tôi thấy hổ thẹn khi viết ra …”. Tôi không hiểu một cấp chỉ huy, từng là Hạm Trưởng Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ16, chứng kiến toàn bộ từ đầu đến cuối từ trên Đài chỉ huy, nhận lệnh từ HQ5 phía sau là HQ10, trước mắt ông là HQ4 và HQ5 rành rành trên biển chỉ cách vài hải lý chứ đâu phải núp sau đảo mà ông nói không thấy, không biết hoạt động của 2 chiếc HQ4 và HQ5. Ông Thự nói sự thật là HQ4 và HQ5 chỉ ở vòng ngoài chứ không tham chiến trong lòng chảo Hoàng Sa . Ông còn nói HQ4 và HQ5 không có trầy một miếng sơn, một vết đạn nào cả . Ô hay! Nếu ông nói như vậy thì rõ ràng trí nhớ ông có quá nhiều vấn đề không bình thường nếu không dám nói nặng lời là “...”. Thật  khôi hài và không thể hiểu chứ hàng chục vết đạn đại bác 100 ly, hàng trăm vết đạn 37 ly và hàng ngàn vết đạn thượng liên mà HQ4, HQ5 lãnh đủ thì ở đâu mà ra và mấy chục quân nhân bị chết và bị thương không lẽ họ tự tử  !!!. Tôi thương và thông cảm cho Hải Quân Trung úy Đào Dân (Trưởng ngành Hàng hải trên HQ16) vì bị ông Hạm trưởng Thự sỉ vả qua câu “Ông Dân nói việc các chiến hạm hải hành tập đội (vận chuyển chiến thuật) để phô trương lực lượng là hoàn toàn không có. Đã đi đánh trận mà còn phô trương lực lượng thì không còn gì ngớ ngẩn hơn”. Việc hải hành tập đội để phô trương lực lượng là ý đồ của cấp chỉ huy tôi không có ý kiến nhưng là thuộc cấp tôi phải chấp hành lệnh trên. Tôi xin xác nhận và chịu trách nhiệm trước lịch sử ,trước anh em cùng tham gia trận chiến Hoàng Sa là có hải hành tập đội (vận chuyển chiến thuật) tổng cộng hai lần. Lần đầu vào lúc 15h10 ngày 18/1/1974 khi HQ 5 nhập vùng , Đại tá Ngạc lệnh cả 3 chiến hạm HQ4, HQ5 , HQ16 theo đội hình hàng dọc (Formation One) .Cờ Formation One được kéo lên cột cờ HQ5 (Soái Hạm). HQ4 và HQ16 đều kéo cờ Formation One lên cột cờ để xác nhận và thi hành ( tôi là người phải thực hiện lệnh trên). Khi trực chỉ đến cụm đảo Duy Mộng (Draymont) ,Quang Hòa (Duncan) nhưng bị hai chiến hạm 271 và 274 cố tình đâm ngang, đan chéo trước mũi tàu. Thấy tình hình quá căng thẳng nên Đại tá Ngạc lệnh quay về đảo Hoàng Sa và thả trôi ở đó. Lần thứ hai khi Đại tá Ngạc lệnh trên máy PRC 25 tất cả nhận lệnh từ hiệu kỳ sẽ phát ra từ Soái Hạm HQ5, lúc ấy vào khoảng trước 10h10 phút 19/1/1974. Sử dụng hiệu kỳ của Khối minh ước Bắc Đại Tây Dương - Nato để giữ bí mật vì hệ thống âm thoại bị phá rối và có thể bị nghe lén. Đúng 10h10 từ Soái Hạm HQ5 kéo 2 lá cờ Formation One lên đỉnh dây cờ , rồi cả 3 chiếc HQ4 , HQ16 , HQ10 đều kéo lên đỉnh dây cờ lá cờ Formation One để xác minh đã nhận lệnh và đang thi hành đội hình hàng dọc. Phía Tây Bắc đảo Quang Hòa là HQ10 rồi đến HQ16 , HQ5 và cuối cùng là HQ4 (xem phóng đồ 1 lúc 10h10). Đến 10h19 phút  thì trên HQ5 hai lá cờ Formation One được kéo xuống liền đó kỳ hiệu Formation Two được kéo lên. Tức khắc từ HQ4, HQ16, HQ10 kỳ hiệu Formation Two được đồng loạt kéo lên để xác nhận đã nhận tín hiệu, đồng thời cả 4 tàu điều chuyển sang đội hình hàng ngang , tất cả mũi tàu đều hướng vào đảo Quang Hòa. Và ngay lập tức từ PRC25 lệnh bắn được phát ra ,các chiến hạm đồng loạt khai hỏa (xem phóng đồ 2 lúc 10h20’).
Sau đây tôi xin phép được đưa ra những cái sai trong bài hồi ký của Hạm trưởng Lê Văn Thự.
Đêm 18 rạng 19/1 không có chuyện ông Thự cho đổ bộ toán người nhái lên đảo Quang Hòa, không có chuyện một Thiếu úy người nhái bị bắn chết khi đổ bộ lên đảo. Đêm ấy cả 3 chiến hạm HQ16, HQ5 và HQ4 đều thả trôi ở đảo Hoàng Sa, đêm đó toán người nhái ở trên HQ5. Đến sáng hôm sau 6h30 toàn bộ người nhái đổ bộ lên đảo Quang Hòa từ HQ5.
Lệnh làm tối chiến hạm được ban ra từ HQ5 (chế độ ZEBRA) sau đó bị 2 tàu địch 271 và 274 phá rối liên tục, cố tình tiếp cận đội hình tàu ta. HQ4 đang trong nhiệm sở tác chiến, tôi và Trung sĩ nhất Giám lộ Khiết phải liên tục nhận những tín hiệu bằng đèn từ tàu địch. Khi hai tàu địch đến quá gần HQ4, Hạm trưởng San ra lệnh kéo còi hơi và sử dụng đèn hồ quang trên nóc Đài chỉ huy rọi thẳng vào đội hình tàu địch. Ánh sáng đèn hồ quang sáng lóe rọi vào tàu địch. Chúng tôi thấy rõ từng người ,tay che mặt di chuyển trên mặt boong tàu địch. Khi đó tàu địch mới chịu di chuyển về hướng Đông Bắc, tình hình tạm thời yên tĩnh. Đến hơn 22 giờ đêm HQ10 mới nhập vùng. Một mình  HQ16 không thể tách khỏi đội hình nếu không có lệnh của Đại tá Ngạc .Vào thời điểm đó tôi vừa trực phiên hải hành vừa trực nhiệm sở tác chiến nên có mặt trực tiếp trên Đài Chỉ Huy, mọi động tĩnh của HQ16 đều thể hiện trên màn hình Radar HQ4 , HQ5 và tàu địch cũng có Radar để theo dõi tàu ta. Hạm trưởng Thự nên nhớ buổi chiều là ba tàu còn bị tàu địch chặn đầu không tiến lên được thì huống hồ chỉ có HQ 16 ông không thể tự ý nếu không có lệnh của Đại tá Ngạc và không có lệnh nào của Đại tá Ngạc chỉ thị cho ông đến đảo Quang Hòa trong đêm đó. Và đêm đó hệ thống liên lạc âm thoại trên Đài Chỉ Huy HQ4 đều biết hết, không thể sai được. Lệnh hành quân ngày hôm sau chỉ nhận vào nửa đêm 18 rạng sáng ngày 19 tháng 1.
Trong ngày hành quân 19/1 HQ 16, HQ 10 do Hạm Trưởng (HT) Thự chỉ huy di chuyển một hướng từ Hoàng Sa đến Quang Hòa, chứ không phải như ông Thự vẽ HQ 10 tiến theo hướng của HQ4 và HQ5 (ông Thự nên nhớ HQ10 chỉ còn một giò, mà một giò còn lại rất yếu ớt không thể đi dài và nhanh như ông Thự sáng tác!!!).
Ngày xảy ra trận đánh HT Thự viết sự việc xảy ra ở đâu chứ không phải trận Hoàng Sa. Có lẽ HT Thự viết ra trong trí tưởng tượng. Mọi hoạt động của HQ16 mà HT Thự viết tôi không có ý kiến vì tôi không có ở trên đó để biết, để nghe, để thấy nên cố dựa cột mà nghe nhưng tôi thấy HT Thự  quá phóng đại. Khi lệnh bắn được ban ra gần như các chiến hạm đều di chuyển với tốc độ tối đa mà mình có để tránh tầm tác xạ của pháo tàu địch (xin xem phỏng đồ 3). Phải di chuyển thật khôn ngoan, hải chiến chứ không phải dạo chơi ngắm cảnh xem hoa. Phân đội I gồm HQ4 và HQ5 đối  đầu khốc liệt  với hai tàu 271 và 274 (lúc bây giờ địch đoán HQ4 là Soái Hạm nên HQ4 được chăm sóc rất kỹ). Khi lệnh bắn được HT San ban ra tất cả các khẩu súng đều được nhắm thẳng vào tàu địch và khai hỏa. 10 phút đầu tiên trong trận hải chiến này HQ4 phải chịu đựng hỏa lực tấn công ác liệt của hai tàu địch, trong lúc đó HQ 5 quay ngược về bên trái nên không chịu ảnh hưởng nhiều của pháo tàu địch. Hai tàu 271 và 274 khi nằm bên phải khi nằm bên trái HQ4. HQ4 và hai tàu địch đan xen lẫn nhau nên HQ4 phải tả xung hữu đột, khôn khéo mới tránh được hàng loạt đạn của tàu địch.  Địch cố bám theo HQ4 để tiêu diệt nhưng bị HQ 5 chặn đầu  nã cho những đòn chí tử, rồi HQ4 quay lại cùng HQ5 đối đầu trực diện với địch. Ngay khi ấy một chiếc tàu địch bị trúng đạn nổ kinh hoàng và bốc cháy, thủy thủ phải nhảy ùm xuống biển (Hạ sĩ Giám lộ Phấn đứng trên sân cờ tận mắt chứng kiến - Hiện nay anh đang sinh sống tại Thủ Thừa-Long An), chiếc còn lại lãnh hàng loạt đạn phải cắm mũi lủi vào bờ đảo Quang Hòa.
Gần đây trên diễn đàn nơi hải ngoại có những thông tin tranh luận về viên đạn ác nghiệt 127 ly từ HQ5 bắn ra nằm trong hầm máy HQ16. Phần đông những người suy đoán là những người không trực tiếp tham gia Hạm Trưởng HQ5 Phạm Trọng Quỳnh giữ thái độ im lặng không tranh cãi, còn những chiến sĩ trực tiếp bắn ra viên đạn ác nghiệt ấy đã hy sinh trong trận chiến khi chặn đầu 2 tàu địch để giải tỏa áp lực cho HQ4. Tôi người lính trực tiếp trên Đài Chỉ Huy HQ 4 nhưng lúc bấy giờ nhiệm vụ xác định tàu hay nhận tín hiệu từ tàu địch không còn. Khi nghe nhân viên quan sát trên nóc đài chỉ huy báo cáo  có 2 tàu địch đang bám theo ta (HQ 4) gây sự hiếu kỳ của tôi, tôi bước vội ra hành lang bên trái Đài Chỉ Huy nhìn ra phía sau tôi thấy 2 tàu địch song song đuổi bám theo HQ4. Khẩu đại bác 76 ly 2 phía sau do Hạm phó (Thiếu tá Nguyễn Thành Sắc chỉ huy) và hai khẩu pháo 20 ly nơi sân giữa sau đài chỉ huy tác xạ ác liệt vào tàu địch. Khẩu đại bác 76.2 phía trước không còn mục tiêu nên im lặng.  Bỗng từ bên phải  HQ4, HQ5 cắt lái HQ4 đâm thẳng vào 2 tàu địch. Khối cầu lửa từ họng đại bác 127ly trước mũi cùng 2 đại bác 40 ly bên phải và trái nhả đạn vào tàu địch .Tôi tận mắt chứng kiến thấy pháo bắn dữ dội. Những viên đạn đen thui bay tới tấp vào hướng tàu địch, phía xa tàu HQ16 , HQ10 đang quần thảo với tàu địch. Giữa những âm thanh hỗn độn, khói thuốc súng phà vào mặt mũi , tôi quay vào Đài Chỉ Huy để nghe máy bộ đàm nội bộ, những báo cáo thương vong liên tục dội lên đài chỉ huy. Rồi tôi lại nghe báo cáo từ nóc Đài Chỉ Huy  tàu địch trúng đạn, nổ và bốc cháy. Vì hiếu kỳ tôi lại vọt ra hành lang trái nhìn phía sau nhưng không thấy gì hết quay vào Đài Chỉ Huy hỏi đâu đâu? Trung sĩ nhất Vận chuyển Ngọc đang lái tàu ngước mắt lên hướng 10h nói “Đó đó”, quay về hướng 10h thì tận mắt chứng kiến chiếc bên trái bốc lửa cháy dữ dội và chiếc bên phải trúng đạn phải quay mũi sang trái chạy vào đảo Quang Hòa. Đó là những gì tôi tận mắt chứng kiến Hạ sĩ Giám lộ Phấn đứng lên sân cờ còn khẳng định thấy thủy thủ trên tàu bốc cháy nhảy xuống biển. Điều đó chứng tỏ HQ4 và HQ5 đối đầu trực tiếp với tàu địch chứ như không phải lời ong tiếng ve nói HQ4 và HQ5 ngay từ đầu đã rời vị trí chiến đấu và còn nói HQ4 báo cáo đại bác 76ly2 trước mũi trở ngại tác xa và xin rút lui ??? . Mới vừa qua tôi đã trực tiếp nói chuyện với Thượng sĩ Trọng pháo Thành – Xạ thủ khẩu độ 76 ly2 trước mũi (đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh). Anh nói làm gì có trở ngại tác xạ, chỉ có phần điện (goi là điện pháo) bị trở ngại xoay  trở chậm hơn bình thường ,còn khi không thấy mục tiên tàu địch trong tầm tác xạ của mình thì điên sao mà bắn cho tốn đạn. Chính ở vị trí đối đầu đó khẩu đại bác 127 ly trước mũi HQ5 trúng đạn đại bác địch, tất cả đều hy sinh anh dũng và cũng chính trong khoảnh khắc đó một viên đạn 127 ly vô tình vượt qua tàu địch đi hết tầm đạn chui vào hầm máy HQ16 và nằm đó cho đến khi trận chiến kết thúc. Tôi là người chứng kiến nên tôi phải kể ra sự thật những gì mắt thấy tai nghe để giải tỏa nỗi niềm u uất của thủy thủ đoàn HQ5 mà trên đó có Tư lệnh Đại tá Hà Văn Ngạc và Hạm trưởng Phạm Trọng Quỳnh, Hạm phó Nguyễn Tường.  
Trận hải chiến đã xảy ra chỉ còn hơn tháng nữa là tròn 41 năm. Bao năm trải qua nhưng trong ký ức của tôi vẫn luôn hiển hiện. Vừa qua, bằng tất cả nghị lực của bản thân, một sức khỏe còm cõi của ông già sắp tròn 70 tuổi, với sự tài trợ của nhịp cầu Hoàng Sa – Trường Sa tôi cố gắng đi thăm một số anh em trên Khu trục hạm Trần Khánh Dư còn sinh sống rải rác trên mảnh đất thân yêu hình chữ S. Có người ở Tp.Hồ Chí Minh, ở Thủ Thừa (Long An), ở Liên Hương (Bình Thuận), Cam Ranh, rồi Lâm Đồng và ở tận Phong Điền, Huế xa xôi. Tôi đến thăm gia đình cố trung úy Đinh Ngọc Doanh (hy sinh ở đảo Gạc Ma - Trường Sa, ngày 14/3/1988) hiện đang sinh sống tại Cam Ranh. Một số đã ly hương nơi đất khách quê người, một số đã hóa ra người thiên cổ, số còn lại đã yếu đuối và nhiều bệnh tật nhưng nhắc đến trận Hải chiến Hoàng Sa thì dường như mọi ánh mắt đều sáng lên và ký ức lại cuồn cuộn hiện về. Tuy nhiên tùy vị trí và nhiệm vụ được phân công trên tàu phần đông anh em còn sống không nhớ nhiều nhưng rất hãnh diện vì đã tham gia bảo vệ Tổ quốc Việt Nam của mình. Riêng tôi những hình ảnh, âm thanh của trận hải chiến đã qua luôn hiện ra trước mắt tôi như những thước phim quay chậm không bao giờ phai mờ.


Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

Giàn nửa chìm hình trụ "Hy Vọng 7" và những lời đe dọa từ trang Hoàn Cầu Quân Sự


Tiếp theo bản tin ngày 15/01/2015 về giàn Hy Vọng 7,hôm qua ngày 19/01/2015 Hoàn Cầu Quân Sự lại tiếp tục nói về giàn Hy Vọng 7 với đầu đề :Việt Nam điên cuồng trước tin Trung Quốc lần đầu tiên đã xây dựng được một tiểu khu sinh hoạt trên biển đầu tiên trên thế giới ( 越南都要急疯了:中国建造世界第一座海上小区).Trong bài báo này,họ nói rõ hơn về quá trình tạo nên Hy Vọng 7 ,nhất là TQ đã lợi dụng vào lúc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2007-2008 ,Sevan Marine gặp khó khăn trong việc thực hiện dự án Sevan 300,TQ đã ra tay ,mua lại ,cùng cải biến để có cái Hy Vọng 07 ngày hôm nay.Chúng ta nhớ lại rằng,cũng chính vào những năm đó ,TQ cũng đã mua lại từ Friede Goldman để có cái giàn HYSY 981 ...Cả hai thiết kế .môt từ Sevan Na Uy và một từ F Goldman Hoa Kỳ là những thiết kế tối tân nhất hoàn cầu cho thế kỷ 21 ,sử dụng hệ định vị DP3 là mức cao nhất trong các định vị động học ...Dựa trên các thiết kế này,các nhà cung cấp các thiết bị có dịp "làm bàn",trong đó đi đầu là tập đoàn ABB cho ra lò những thiết bị mới nhất,tốt nhất và học có dịp trổ tài với chân vịt lái thruster nhãn hiệu Azipod độc quyền của họ...Một cuộc thi thố tài năng công nghệ toàn cầu với dã tâm đen tối của bành trướng phương Bắc đã ,đang và sẽ đổ ụp xuống biển Đông chúng ta ...

Ngày 11/01/2015 ,các phương tiện truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin Xưởng Nantong Cosco đã cho đi thử đường dài một giàn phục vụ sinh hoạt ngoài khơi kiểu nửa chìm nhưng có hình dáng đặc biệt,đó là hình trụ  với tên gọi là “Hy Vọng 07” .Chúng ta thử phân tích xem chiếc giàn này có những gì đặc biệt
Giàn nửa chìm thông thường 

Giàn nửa chìm hình trụ
1-Tại sao lại làm giàn hình trụ ?
Như ta đều biết, những giàn nửa chìm thông thường có hai phần : pông tông  ngâm nước và phần nổi trên mặt nước.Hai phần đó được nối với nhau bằng những cột chống.Trên phần nổi trên mặt nước,ta lắp đặt các thiết bị khoan khai thác dầu như trên các tàu khoan hay các thiết bị xử lý chế biến như trên các FPSO (  (floating production, storage, and offloading system - hệ thống nổi chế biến, lưu trữ, và dỡ hàng).Cũng là giàn nửa chìm nhưng nay trông nó thật đơn giản,chỉ gồm một ống hình trụ ,và giàn nửa chìm đó có thể là tàu khoan,FPSO hay cả giàn phục vụ sinh hoạt.   Thoạt đọc qua bài báo trên “Hoàn Cầu Quân Sự”,ta có thể nhầm tưởng rằng kiểu thiết kế giàn hình trụ tròn là phát minh của nhà máy Nantong Cosco Trung Quốc.Trên thực tế không phải như vậy .Đó là sáng kiến của Công ty Sevan Marine có trụ sở tại Arendal Na Uy ,một đơn vị chuyên chế tạo và khai thác các giàn khoan có hình trụ . So với các giàn nửa chìm thông thường,giàn hình trụ này có những ưu điểm :
-Có tính độc lập với các định hướng của môi trường .Giàn trụ đáp ứng một cách độc lập với hướng gió , hướng sóng và dòng chảy và có thể chọn lựa tối ưu hướng thich hợp .Tình trạng gió tạo sóng theo các hướng khác nhau không ảnh hưởng tới hoạt động của giàn vì các dao động lắc ngang và chúi dọc rất nhỏ .Cho nên không cần tốn công suất để điều hóa các dao động và tiêu thụ công suất trong trường hợp sóng và dòng theo hai hướng khá nhỏ
-Khả năng chịu tải trọng trên boong khá cao .Do dự trữ lượng chiếm nước và ổn định khá lớn của giàn hình trụ ,nên các tải trọng chịu được trên boong có thể lên tới 15.000 tấn .Khả năng dự trữ lớn nên giảm đáng kể công tác cung cấp thêm tức là giảm giá thành logistic
-Chế tạo đơn giản.Do hình trụ giản đơn nên có thể đóng giàn theo phương pháp truyền thống tức là lắp ráp từ các phân tổng đoạn với những mô đun lớn là những nhát cắt thân trụ của giàn .Phần dưới có thể lắp ngay trên đà tàu hay ụ khô,sà lan nổi
Tại Hội nghị hàng năm lần thứ 13 về FPSO ,Lars Ødeskaug, Giám đốc điều hành của Sevan Marine ASA đã trả lời phỏng vấn của Darwin Jayson Mariano về những ưu nhược điểm ,những thách thức của giàn nửa chìm hình trụ trong môt clip kèm theo .

Từ ngày thành lập vào năm 2001 tới nay,Sevan đã thiết kế và cho chế tạo 5 chiếc FPSO và 4 tàu khoan ,tất cả đều được đóng tại Trung Quốc ,trong đó có 2 chiếc được đóng tại Xưởng Yantai Raffles ,một xưởng tại Yên Đài Sơn Đông liên doanh của Tập đoàn container Trung Quốc CIMC với Singapore còn 7 chiếc đều được đóng tại Xưởng Nantong Cosco tại Nam Thông Giang Tô ,một xưởng thuộc Tập đoàn hàng hải Cosco.
Giàn nửa chìm hình trụ "Hy Vọng 7" được hạ thủy tại Xưởng Nantong Cosco

Clip giàn hình trụ Voyageur được kéo đi hoạt động 
2-Thế nào là giàn sinh hoạt ?
Để phục vụ cho con người sinh sống làm việc trên các giàn khoan hay các giàn chế biến dầu ngoài khơi ,người ta có những biện pháp sau đây:
-bố trí khu vực sinh hoạt cho con người ngay trên các giàn đó .
-sử dụng một giàn sinh hoạt tách khỏi giàn công tác ,và bố trí cầu nối với nơi công tác .Giàn sinh hoạt có thể là một phương tiện đóng mới hoàn toàn hay được cải hoán từ một giàn công tác cũ.Trong lịch sử dầu mỏ người ta thường nhắc tới vụ tai nạn giàn Alexander Kielland ,một giàn khoan tại mỏ Ekofisk Biển Bắc mang tên nhà văn nổi tiếng người Na Uy, cách bờ Scotland khoảng 320 km, và là sở hữu của Công Ty dầu mỏ Mỹ Phillips. Sau 40 tháng hoạt động, giàn thôi không làm nhiệm vụ khoan nữa mà chuyển sang làm khách sạn, nơi trú ngụ cho nhân viên giàn Edda gần đó. Ngày 27/03/1980, trong khi hầu hết mọi người đang tụ tập xem phim thì một chân giàn bị gãy khiến giàn lật nhào. Trong số 212 người trên giàn, 123 người đã chết, một vụ tai nạn khốc liệt nhất trong lịch sử khai thác dầu Na Uy.
Bởi vậy,với giàn sinh hoạt,vấn đề an toàn sinh mạng được đặt lên hàng đầu .Giàn “Hy Vọng số 7” phục vụ cho 490 con người sinh sống dài ngày giữa biển khơi đặt ra hàng loạt yêu cầu an toàn,an ninh cần phải giải quyết

Giàn "Hy Vọng 7" đi thử đường dài ngày 11/01/2015 
3-Giàn nửa chìm hình trụ “Hy Vọng số 7”
Như đã nói ở trên ,7 giàn nửa chìm hình trụ hoạt động trong vùng nước sâu dùng làm FPSO hay tàu khoan đều mang tên “Hy Vọng” ,đó là tên loạt giàn khoan này tại Xưởng Nantong Cosco ,trong khi tên thực tế   là những con tàu bắt đầu bằng chữ Sevan (công ty chủ xướng Na Uy) ví dụ chiếc tàu khoan “Hy vọng 3” theo cách gọi tại nhà máy trong khi tên nó là Sevan Lousiana;hay chiếc “Hy Vọng số 4” có tên thương phẩm là Sevan Brasil .Tới chiếc “Hy Vọng số 7”,giàn này không phải là tàu khoan hay FPSO ,tức là nó không làm công tác mà chỉ giành cho con người sinh sống ,đó là giàn nửa chìm hình trụ dùng cho sinh hoạt mà tên thương phẩm là Arendal Spirit tức là “Tinh thần của thành phố Arendal “,một trung tâm dầu mỏ của Na Uy.Vậy chúng ta thử khảo sát xem giàn này có gì đặc biệt mà tờ báo “Hoàn Cầu Quân Sự “ (www.armystar.com”  dám rút tít một bài báo “Trung Quốc khai triển một quái vật trên Nam Sa (tức biển Đông) ,Việt Nam hoàn toàn    hết ảo tưởng” (中国在南沙又部署一怪物 越南彻底死心)?
Đó là giàn nửa chìm hình trụ lượng chiếm nước khoảng 40.000 tấn,làm chỗ ăn ở sinh hoạt cho 490 người . Giàn là một khối trụ đường kính 60 mét ,đường kính boong chính 66 mét,chiều cao mạn 27 mét ,mớn nước thao tác là 14 mét (so với tàu sân bay Liêu Ninh có mớn nước 10,5 mét thì mớn này cũng chẳng có gì là lớn ),diện tích mặt boong công tác là 2200 mét vuông,nhận cấp đăng kiểm của DNVNa Uy .Giàn sử dụng hệ định vị động học DP3 với 6 chiếc chân vịt định vị (thruster) quay 360 độ loại Azipod do tập đoàn ABB cung cấp với tổng công suất là 5535 kW.Ngoài ra ,giàn còn được neo giữ bằng hệ neo thông thường với 9 điểm chằng buộc .Khu vực sinh hoạt gồm 98 buồng đơn cho 1 người,196 buồng đôi cho 2 người ,tổng cộng có 490 chỗ ăn ở .Giàn được thiết kế với tuổi thọ hoạt động là 20 năm .Đây là kết quả của sự hợp tác thiết kế  và chế tạo giữa Xưởng Nantong và công ty Teekay Offshore ,một chi nhánh của Sevan Marine Na Uy.Như đã trình bày ở trên,Nantong đã có cả một quá trình hợp tác lâu dài với Na Uy ,từ chiếc Hy Vọng số 1 tới chiếc số 7 này,tất cả đều là giàn hình trụ và đây là chiếc dùng cho sinh hoạt.Tập đoàn ABB có trụ sở tại Thụy Sĩ đã trúng hợp đồng cung cấp toàn bộ thiết bị điện và tự động hóa cho chiếc giàn nay cũng như nhiều giàn khoan đóng tại Trung Quốc,Không chỉ chân vịt lái thruster Azipod mà còn bảng phân phối điện,các máy phát,các máy biến tần …Chủ chiếc giàn này theo công bố là công ty Logitel Offshore có trụ sở tại Singapore ,một chi nhánh của Sevan,với tên giàn là  Arendal Spirit ,với mã nhận dạng hệ vệ tinh toàn cầu  MMSI là 311000278,số IMO của nó là 9757046 .

4- Bình luận của Hoàn Cầu Quân sự
Với tựa đề “Trung Quốc khai triển một quái vật trên Nam Sa (tức biển Đông) ,Việt Nam hoàn toàn    hết ảo tưởng” (中国在南沙又部署一怪物 越南彻底死心),một bài báo trên trang Hoàn Cầu Quân Sự cho là :
-Ngay bước vào năm mới 2015 đã có tin vui với TQ .Người Việt Nam vẫn thường lên án TQ cải tạo các hòn đảo là nhằm thay đổi bản đồ biển Đông ,thì đây ,một kỳ quan nhân tạo do chúng tôi tạo ra sẽ xuất hiện trên biển
-Nam Sa Quần đảo (tức Trường Sa) cách đảo Hải Nam ít nhất là 1500 km,thật quá xa .Cùng với việc cải tạo các đảo,các công trình ngoài khơi này nhất định sẽ biến Nam Hải (biển Đông) trở thành nội hải tức biển nội địa cảu Traung Quốc
-Bố trí một giàn “Hy Vọng 7”tại Nam Sa Quần đảo (Trường Sa) cũng là bố trí thêm một căn cứ quân sự
Họ còn có những dự báo cụ thể có tính đe dọa :
-Vào năm 2015 ,tại Nam Sa sẽ tạo cho Việt Nam một cú chấn động đáng kể
- Năm 2015 là một năm đặc biệt (不平凡).Học thuyết chiến lược của Hoa Kỳ có một điểm (共识gongshi ) consensus,đó là nếu vào năm 2015 mà TQ không thành công thì cơ hội không bao giờ tới !
Chẳng cần bình luận,toàn bộ dã tâm của TQ với những công trình ngoài khơi này cùng với các giàn khoan,tàu khảo sát biển,tàu khảo cổ …đang được khai triển ồ ạt trong thời gian qua và những năm sắp tới !!