Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2009

Gặp Capt Bùi Huy Túc -đội tàu Giải Phóng


Nhắc tới đội tàu Giải Phóng,người ta thường nói tới hai nhân vật :Nhữ Cao Tài và Bùi Huy Túc.Tôi đến nhà anh Túc vào sáng thứ bảy 31/07/09,một căn nhà sau chợ Văn Thánh ồn ào,khi tổ trưởng tổ hưu trí của Vosco này đang mải mê xem bóng đá trên kênh “suốt ngày chỉ bóng”còn nội tướng của người đi biển đang giỗ đứa cháu nội.Bùi Huy Túc sinh năm 1937 ,quê quán Nam Định,học sinh Trung Cấp Hàng Hải khóa 1

Giáo sư Vũ đình Cự và thủy lôi

Bom ,mìn, thủy lôi… là công việc quân sự,tưởng chừng không có liên quan gì tới vận tải biển.Nhưng,trên thực tế không phải như vậy.Trong suốt ba năm qua,với mục đích tìm hiểu lịch sử ngành vận tải biển trong thập niên 60,70,trong những câu chuyện của các thuyền trưởng,máy trưởng,các lãnh đạo ngành …,có một chữ được nhắc đi nhắc lại tới hàng nghìn lần ,đó chính là từ “thủy lôi” khiến tôi phải quan tâm tới cái vũ khí chết người này và tự mình bị lâm vào một tình thế khó xử,đó là phải tự trả lời câu hỏi :ai là người đã dẹp thủy lôi để cho các con tàu tiến lên được,chính những người đường biển và hải quân đã làm việc này hay có sự mở đường của các nhà khoa học như nhiểu trang web đã viết như vậy ?.Công việc dò tìm sự thật đã khiến tôi phải đọc hai bài báo có tính chất “phản biện” gay gắt với nhau về giáo sư tiến sĩ Vũ đình Cự ,”nhà khoa học của thủy lôi” :một là bài báo của phóng viên Hà Hồng trên báo Nhân Dân ngày 21/04/2005 (và cả của Hàm Châu,một nhà báo chuyên viết về các nhà khoa học) và một loạt ba bài trả lời của tác giả Phi Đăng.Là người theo dõi các buổi tổng kết của đường biển trong ba năm qua,xin được nói vài lời về Phi Đăng.Anh là đại tá hải quân,người được Bộ Tư Lệnh đặc trách cử sang giúp Đường Biển có khái niệm về quân sự,bom mìn,thủy lôi ngay từ những ngày đầu tiên chống chiến tranh phá hoại vào năm 1967.Từ đó,cuộc đời anh gắn chặt với các hoạt động bảo đảm giao thông thời chiến.Nay,Phi Đăng đã về hưu và sống tại Quận 7 thành phố Hồ Chí Minh.Các bài báo này,anh đã trực tiếp gửi tới Tổng Biên tập báo Nhân Dân năm 2005 và chúng tôi đã xin phép khi đưa lên blog này

NHỮNG TRẬN ĐÁNH XUẤT SẮC
NHỮNG GƯƠNG CHIẾN ĐẤU DŨNG CẢM
“ĐỘI ĐẶC NHIỆM GK-1”


Tháng 5-1972, đế quốc Mỹ phong tỏa cảng Hải Phòng và vùng biển miền Bắc, tuyên bố áp dụng biện pháp “cắt đứt giao thông đến mức tối đa”, nhằm gây áp lực với ta tại Hội nghị Pa-ri. Tạp chí Thời báo của Mỹ ra ngày 22-5-1972, nhận định: “Ném bom với quy mô và mức độ tàn bạo nhất từ trước tới nay cũng như thả mìn phong tỏa hải cảng và bờ biển là hành động vừa quá ư mạo hiểm vừa quá ư bất lực”. Bộ đội, dân quân và các nhà khoa học đã vô hiệu hóa việc thả mìn phong tỏa hải cảng và bờ biển miền Bắc.

Rà phá thủy lôi từ tính và bom từ trường trên sông, biển và đất liền là công việc rất khó khăn. Từ năm 1967, Mỹ đã dùng loại vũ khí nguy hiểm nói trên để đánh phá giao thông trên biển, lúc đó bộ đội ta chưa có nhiều kinh nghiệm. Các bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố đã có nhiều hội nghị liên tịch với các ngành giao thông vận tải, Cục Đường biển, Bộ đội Hải quân... bàn cách chống địch phong tỏa đường biển. Các cơ quan nghiên cứu của Bộ Tư lệnh Công binh, Quân chủng Hải quân, cùng các cơ quan dân sự tập trung lực lượng nghiên cứu các biện pháp phá gỡ mìn và thủy lôi. Sau ngày Mỹ phong tỏa cảng Hải Phòng và vùng biển miền Bắc, ngoài các lực lượng nói trên, Đảng và Nhà nước còn huy động thêm lực lượng các nhà khoa học tham gia nghiên cứu cách rà phá thủy lôi từ tính và bom từ trường. Đội đặc nhiệm GK-1 ra đời trong bối cảnh đó.
Để hiểu kỹ hơn công việc của đội đặc nhiệm GK-1, chúng tôi tìm gặp Giáo sư - Tiến sĩ (GS.TS) Vũ Đình Cự, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội. Ông chính là đội trưởng GK-1. GS. Vũ Đình Cự kể: “Vào cuối tháng 5-1972, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học ở Liên Xô trước đây về công tác tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi được Bộ trưởng Đại học lúc đó là đồng chí Tạ Quang Bửu cho mời lên giao nhiệm vụ. Bộ trưởng đã quyết định thành lập một đội đặc nhiệm gồm mười nhà khoa học do tôi làm đội trưởng, phối hợp các đơn vị của Bộ Giao thông vận tải để nghiên cứu thủy lôi từ tính và bom từ trường (MK-52, MK-42). Đội đặc nhiệm mang tên GK-1 (G - viết tắt cụm từ Giao thông vận tải. K - viết tắt cụm từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), có nhiệm vụ: Nghiên cứu cơ bản về loại vũ khí thông minh này; xây dựng hệ thống đo lường chính xác, tìm ra thông số kỹ thuật của thủy lôi, bom từ trường; cung cấp các tư liệu, thiết kế các thiết bị rà phá chuyển cho các đơn vị của Bộ Giao thông vận tải và bộ đội Công binh chế tạo. GK-1 được ưu tiên cung cấp những thiết bị tốt nhất của trường lúc đó như máy dao động kỳ để đo tần số và bố trí một phòng thí nghiệm tại khu nhà A của trường.
Làm thế nào có thủy lôi từ tính, bom từ trường để nghiên cứu? Công việc không đơn giản và cũng thật sự nguy hiểm. Sau khi được dân quân địa phương báo tọa độ có thủy lôi, nhóm đặc biệt của tổ bảo đảm hàng hải (Bộ Giao thông vận tải) vào cuộc. Mỗi lần các anh đi tìm thủy lôi là mỗi lần đơn vị tổ chức buổi chia tay đặc biệt. Các anh để lại kỷ vật, thư viết cho người thân... Đến bãi có thủy lôi chỉ mang theo một chiếc clê bằng nhôm. Để giảm tối đa thương vong, chỉ một người tiếp cận thủy lôi, sau đó có báo cáo với người chỉ huy qua lời nói, người này truyền cho người kia. Với tinh thần dũng cảm, kinh nghiệm tháo gỡ bom mìn, các anh đã chuyển được thủy lôi từ tính, bom từ trường về cho đội đặc nhiệm nghiên cứu, sau khi đã tháo hết thuốc nổ.
GS.TS Vũ Đình Cự kể về những ngày tháng hào hùng đó cho chúng tôi một cách chi tiết, cụ thể, y như sự việc mới diễn ra hôm qua. Vừa đưa xem đầu điện khai nổ bom từ trường M-42 (kỷ vật mà GS còn giữ lại được sau 33 năm), giáo sư vừa kể cho chúng tôi nghe việc nghiên cứu cơ chế hoạt động của bom, mìn. Một kỷ niệm làm giáo sư nhớ nhất là để tìm hiểu cấu tạo của đầu điện khai nổ chỉ có phương án duy nhất lúc đó là phải cưa bom, mìn, để xem cấu tạo như thế nào. Đây là việc làm nguy hiểm vì trong đầu điện khai nổ này còn một lượng thuốc nổ khoảng 250 gam. Trong đội đặc nhiệm có GS.TS Bùi Minh Tiêu là người cao tuổi nhất. Anh nói với cánh trẻ chúng tôi: Các cậu để mình cưa cho, ngộ nhỡ có làm sao thì... các cậu còn trẻ cần phải tiếp tục công việc. Tất nhiên là chúng tôi không chịu nhường “ông già”. Cuối cùng cả nhóm thống nhất phương án: ba người thay phiên nhau cưa. May sao mọi việc diễn ra suôn sẻ. Hơn 30 năm đã qua nhưng giáo sư Vũ Đình Cự còn giữ lại được những bản vẽ mạch lô-gic trên tờ giấy đã úa vàng, mô tả lại toàn bộ cơ chế hoạt động của thủy lôi, bom từ trường. Những bản vẽ này là kết quả của hơn hai tháng tiến hành “phẫu thuật” các loại bom từ trường, thủy lôi...
Sau hai tháng nghiên cứu (từ tháng 5 đến tháng 7-1972) đội đặc nhiệm đã có báo cáo gửi cho Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, đơn vị Công binh về chế độ gây nổ của từng loại bom, về sơ đồ thiết kế để các đơn vị quốc phòng, giao thông vận tải thiết kế, chế tạo các thiết bị rà phá bom mìn. Theo các nhà khoa học trong đội đặc nhiệm: các loại bom này được cài đặt các chương trình nhận biết tàu đặc chủng của đối phương sau đó bộ phận kích nổ làm việc cho thủy lôi nổ. Có những thủy lôi chỉ nổ khi có tàu tải trọng lớn đi qua, hoặc chỉ nổ khi có tàu thứ ba đi qua chứ không phải tàu thứ nhất. Có những loại nổ bất chợt, hay không theo quy luật, hòng gây tâm lý cho người điều khiển phương tiện thủy. Giới chóp bu của Lầu Năm Góc rêu rao rằng loại thủy lôi chúng thả ở cảng Hải Phòng có thể kích nổ từ vệ tinh. Bằng các thí nghiệm cụ thể các nhà khoa học trong đội đặc nhiệm GK-1 đã chứng minh được rằng thủy lôi không thể kích nổ được từ vệ tinh, đó chỉ là đòn chiến tranh tâm lý. Trong phòng thí nghiệm, nhóm đặc nhiệm đã nghiên cứu thành công các loại thiết bị gây từ trường giả làm cho bom tưởng là có tàu đi qua, phát nổ; thiết kế được máy đo từ trường độ chính xác cao (1/1000 oxtedt) từ trường. Điều đáng nhớ là chiếc máy đó được tạo ra bằng một chương trình phần mềm do chính các nhà khoa học nhóm GK-1 viết để chạy trên máy tính Min-xcơ 32 của Liên Xô.
Cùng với các tài liệu thiết kế của nhóm đặc nhiệm, các đơn vị có liên quan của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư lệnh Công binh, bộ đội địa phương, dân quân du kích đã có những cách phá thủy lôi sáng tạo, đạt hiệu quả cao.
Thi hành điều khoản về phá gỡ mìn và thủy lôi được quy định trong Hiệp định Pari, đoàn tàu rà quét bom mìn của Mỹ đã vào khu vực Nam Triệu (Hải Phòng) ngày 5-02-1973... đoàn gồm 20 tàu chở 50 máy bay lên thẳng, tàu tên lửa điều khiển và hơn năm nghìn lính Mỹ thuộc đội đặc nhiệm 78 do Đô đốc Mắc Cao-ly chỉ huy. Phương tiện rà phá mìn của Mỹ sử dụng gồm có tàu quét lôi MSO (để quét thủy lôi âm thanh), cuộn từ MK-105 kéo trên mặt biển bằng máy bay lên thẳng CH-53 (để quét thủy lôi từ tính). Phương tiện tuy hiện đại, lực lượng tuy đông nhưng từ ngày 6-3 đến ngày 18-7-1973 chúng chỉ gây nổ được ba quả ở luồng Nam Triệu và tuyên bố hoàn thành nhiệm vụ. Trong đợt rà phá này, phía Mỹ đã bị rơi hai máy bay lên thẳng, một phi công tử nạn. Trong khi đó các thiết bị gây nổ do GK-1 phối hợp Bộ Giao thông vận tải chế tạo, đưa đi rà phá trên biển (từ tháng 7-1972 đến tháng 2-1973) không ai bị thương vong.
Ghi nhận thành tích của bộ đội, các đơn vị dân sự, các nhà khoa học, vào dịp kỷ niệm mừng Quốc khánh 2-9-1996, Đảng và Nhà nước đã trao tặng phần thưởng cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt một cho: Viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Tư lệnh Hải quân, Viện Kỹ thuật (Bộ Giao thông vận tải), các cục: Đường bộ, Đường sông, Đường biển, Cảng Hải Phòng, Ty Bảo đảm Hàng hải và Đội đặc nhiệm GK-1 (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), vì đã có thành tích phá thủy lôi từ tính và bom từ trường bảo đảm giao thông thời kỳ 1967-1972. GS.TS Vũ Đình Cự và nhiều thành viên khác trong Đội đặc nhiệm GK-1 được thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì.
Chiến tranh đã lùi xa, các nhà khoa học và công nghệ đang đóng góp công sức của mình cho thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH. Từ các bài học trong chiến tranh, làm thế nào để phát huy trí tuệ của lực lượng trí thức?
Trả lời câu hỏi này của chúng tôi. GS.TS Vũ Đình Cự cho biết: Hiện nay, hoạt động khoa học và công nghệ ngày càng đóng vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tôi mong muốn các cấp có thẩm quyền cần xây dựng một số chương trình đề tài quan trọng của đất nước, sau đó giao đích danh cho cá nhân hoặc tập thể các nhà khoa học thực hiện, tạo mọi điều kiện tốt nhất mà Nhà nước có thể đáp ứng được. Có như vậy mới làm “ra tấm, ra miếng” những vấn đề cụ thể, trong từng ngành, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

HÀ HỒNG


Một vài ý kiến nhân đọc bài:
NHỮNG TRẬN ĐÁNH XUẤT SẮC
NHỮNG GƯƠNG CHIẾN ĐẤU DŨNG CẢM
“ĐỘI ĐẶC NHIỆM GK-1”
(Đăng trên báo Nhân Dân ngày 21-4-2005)
Tác giả: Bài và ảnh: HÀ HỒNG


Nhân được đọc bài báo trên do GS.TS Vũ Đình Cự kể, nhà báo Hà Hồng biên tập, tôi xin phép được nêu một số vấn đề giúp bạn đọc quan tâm tham khảo.
Xin phép GS.TS Vũ Đình Cự cho biết: “Đội đặc nhiệm GK-1” do ông làm đội trưởng được thành lập theo quyết định nào, ai ký và ký vào thời gian nào?
“Đội đặc nhiệm GK-1” do giáo sư làm đội trưởng và 9 nhà khoa học gồm những ai?
Giáo sư có thể kể cụ thể một số trận đánh xuất sắc và các gương chiến đấu dũng cảm của “Đội đặc nhiệm GK-1” cho chúng tôi học tập được không?
Chúng tôi là những người được Bộ trưởng GTVT Phan Trọng Tuệ giao nhiệm vụ theo dõi công tác bảo đảm giao thông thời chiến, bao gồm công tác chống phong tỏa còn sống đến ngày nay chưa hề nhận được bản thiết kế các thiết bị rả phá của GK-1. Ông có thể công bố các bản thiết kế thiết bị rà phá đã chuyển cho các đơn vị GTVT và Công binh để chế tạo. Vì đây là bằng chứng nói lên sự thật.
Cũng nhân bài này, chúng tôi muốn nhắc lại cuộc trưng bày hiện vật gồm quả thủy lôi MK-52, một số hiện vật và đề tài Nghiên cứu Entracen của GH-1 (Giao thông và Đại học Tổng hợp) về tính khúc xạ của tia LASER trong màn khói đậm đặc của bột cao su. Cuộc trưng bày này có mời Bộ Chính trị và các đồng chí Trung ương, các nhà khoa học như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa... đến tham quan. Sau khi cuộc trưng bày kết thúc, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ hỏi chúng tôi: “Sao tôi không thấy Hải quân và Đường biển lên dự?”. Chúng tôi trả lời: “Không được mời nên các đồng chí không lên”.
Nhà vật lý chất rắn mới về được vài tháng đứng ra thuyết minh về thủy lôi trong khi những kỹ sư về thủy lôi được đào tạo chính quy ở nước ngoài về và những người trực tiếp tháo gỡ thủy lôi mang lên Hà Nội thì không hề hay biết gì về cuộc trưng bày này.
Đầu nổ MK-42 chúng tôi đưa lên để nghiên cứu thì ông Cự giữ lại làm “kỷ vật”! Đây là tài sản của Quốc gia, Quốc phòng phải đổi bằng xương máu mới có được, tại sao biến thành “kỷ vật”?
Chúng ta làm công tác khoa học cần phải trung thực và khiêm tốn! Ngành khoa học nào cũng có những chuyên sâu riêng của nó, nhất là vũ khí chiến lược. Ông Vũ Đình Cự về nước tháng 5-1972 thì đến năm 1973 cuộc chiến chống phong tỏa đã kết thúc. Vậy mà sau 2 tháng (5/1972) ông về nước đến (7/1972) “Đội đặc nhiệm của ông đã có báo cáo gửi Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng về các chế độ gây nổ của từng loại bom, mìn..., vẽ sơ đồ thiết kế để các đơn vị Giao thông vận tải và Quốc phòng chế tạo rà phá bom mìn...”. Thật là một kỳ tích! Vì ở đây không thấy đề cập đến sự phát triển của những công trình nghiên cứu của các đơn vị, cán bộ chuyên ngành trước.
Ở các làng quê dọc theo các triền sông, ven biển, đài phát thanh, báo chí đã đưa tin có những em bé chăn trâu, các cô gái đi làm ruộng cũng phá được bom, mìn từ trường bằng cách kéo tấm tôn qua bãi mìn cũng làm nổ râm rang. Vậy thì chế độ gây nổ là đơn giản như vậy thôi có gì mà “Đội đặc nhiệm GK-1” phải nghiên cứu. Cái mà chúng tôi hy vọng vào các nhà khoa học là ở chỗ làm sao ngược lại, có nghĩa là không cho nổ mà đưa nó đi đến nơi an toàn, xử lý sau để bảo vệ cầu, tuyến đường sắt, các công trình.
Nhiệm vụ của những chiến sĩ công binh là phải làm như vậy.
Điểm cuối cùng chúng tôi muốn nêu lên là trong bài báo ra ngày 21-4-2005 ông Vũ Đình Cự còn có ý so sánh giữa Đội đặc nhiệm 78 do Đô đốc Mc Cauley chỉ huy với “Đội đặc nhiệm GK-1” do ông làm đội trưởng đã tham gia rà phá trên biển từ tháng 7/1972 đến tháng 2/1973 “không ai bị thương vong”. Còn Đội đặc nhiệm của Đô đốc Mc Cauley thì bị “rơi 2 trực thăng và 1 người tử nạn”.
Những vấn đề GS Vũ Đình Cự đề cập trên báo Nhân Dân ngày 21-4-2005 đã để lại cho những người trực tiếp làm công tác này từ năm 1966 đến 1973 nhiều bức xúc và ngạc nhiên về những ngộ nhận của ông Vũ Đình Cự.
Chúng tôi thấy cần thiết phải tổ chức một cuộc họp gồm các đơn vị có liên quan để xác nhận và đánh giá sự hoạt động và những đóng góp của GK-1 trong công cuộc chống phong tỏa của đế quốc Mỹ.
Còn những vấn đề khác sẽ nói ở Bài 2 có tựa đề: “SẢN PHẨM”.
Ngày 03 tháng 02 năm 2006
Tác giả: PHI ĐĂNG



BÀI 2
SẢN PHẨM

Xã hội loài người tồn tại và phát triển là nhờ có sản phẩm vật chất và sản phẩm tinh thần phát triển không ngừng, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, thông qua sự lao động bằng cơ bắp và trí óc. Còn một loại sản phẩm đặc biệt nữa được gọi là chất xám.
Sản phẩm chủ yếu:
- Của nông dân là nông sản (lúa gạo).
- Của ngư dân là thủy hải sản (tôm cá).
- Của anh thợ rèn: sản phẩm của những người lao động thủ công chủ yếu bằng cơ bắp (dao, rựa, cuốc, cày...).
- Của thi sĩ là những bài thơ...
- Của văn sĩ là những tác phẩm văn học.
- Của nhạc sĩ là những bản nhạc, bài hát...
- Của họa sĩ là những tác phẩm hội họa...
- Của nhà điêu khắc là những tượng đài...
- Của các nhà khoa học nổi tiếng trong nước gần đây:
+ GS Lương Đình Của: Giống lúa ngắn ngày, cao sản, kháng rầy, chịu hạn...
+ GS.BS Tôn Thất Tùng: Mổ gan không chảy máu...
+ GS.TS Lê Văn Thiêm: Sơ đồ P.E.R.T...
+ Tạ Quang Bửi, Trần Đại Nghĩa, các nhà nghiên cứu chiến lược về khoa học quân sự...
+ BS Phạm Ngọc Thạch: Công trình nghiên cứu bệnh Lao...
+ GS Trần Văn Giàu: Nhà nghiên cứu Sử học...
Vấn đề tôi muốn nói ở đây là người nông dân, đến anh thợ rèn, những văn nghệ sĩ, những nhà khoa học đều có sản phẩm và những sản phẩm của họ đã thực sự đi vào đời sống của nhân dân. Nhắc đến họ ai cũng hiểu họ là Ai, đã cống hiến cho xã hội những sản phẩm gì, tên tuổi của họ gắn liền với những con đường, góc phố trong cả nước, trong lòng nhân dân.
Thời gian là “Quan tòa” vô cùng công minh, đã phán xét một cách khách quan: Ai có danh hiệu mà không có sản phẩm hoặc có sản phẩm nhưng những sản phẩm đó không phải do họ lao động sáng tạo ra. Báo chí trong năm 2005 đã bắt đầu nói về họ. Sự chịu đựng của nhân dân và xã hội cũng chỉ có giới hạn!
Thước đo công bằng nhất là phải lấy sản phẩm ra “cân, đong, đo, đếm”.
Chủ nghĩa xã hội khoa học và văn minh là hướng mọi người đến cái Thiện: có làm có hưởng, làm ít hưởng ít, làm nhiều hưởng nhiều, không làm không hưởng. Tại sao trong những “ngóc ngách” của xã hội hiện nay đâu đó còn có chuyện ngược lại?
Họ mang trong người họ nhiều “Mác”, những cái “Mác” đó được hợp thức hóa và như vậy, hết “ngày dài lại đêm thâu” họ ung dung “ký gửi” trên những lao động của người khác. Không những thế họ được “đằng chân, lân đằng đầu”, họ bắt Nhà nước “cần xây dựng một chương trình đề tài quan trọng của Đất nước, sau đó giao đích danh cho cá nhân hoặc tập thể các nhà “khoa học” thực hiện...”, họ không quên nhắc thêm: “...tạo mọi điều kiện tốt nhất mà Nhà nước có thể đáp ứng được” (Báo Nhân Dân ngày 21-4-2005 có tựa đề: Đội đặc nhiệm GK-1).
Chúng tôi không phân tích và kết luận. Chúng tôi nêu lên những cái trên tờ báo đã đăng để độc giả và xã hội phán xét.
Chúng tôi đã nén và chịu đựng hơn 30 năm rồi (từ ngày Đất nước thống nhất, chiến tranh kết thúc), vì chúng tôi nghĩ “cây kim bỏ trong túi lâu ngày cũng lòi ra”. Vậy mà, sau hơn 30 năm đến ngày 21-4-2005 lại tiếp tục:
“Những trận đánh xuất sắc
Những gương chiến đấu dũng cảm”
“Đội đặc nhiệm GK-1”

Bài 3: Sự thật về hoạt động của GK-1.

Ngày 05 tháng 02 năm 2006

Tác giả: PHI ĐĂNG



BÀI 3

SỰ THẬT VỀ NHỮNG HOẠT ĐỘNG CỦA GK-1


Xin phép trở lại đầu đề của bài đăng trên báo Nhân Dân ngày 21-4-2005 của tác giả Hà Hồng:
“Những trận đánh xuất sắc
Những gương chiến đấu dũng cảm”
“Đội đặc nhiệm GK-1”

Đội đặc nhiệm thường là một tổ chức trong lực lượng vũ trang. Quân đội của các quốc gia để làm nhiệm vụ đặc biệt. Ở nước ta trước năm 1975, lực lượng vũ trang và Quân đội nhân dân Việt Nam không có cái gọi là: “Đội đặc nhiệm”, ngoại trừ “Đội đặc nhiệm GK-1” do ông Vũ Đình Cự làm đội trưởng. Ở Hoa Kỳ có Đội đặc nhiệm 78 đã từng vớt mìn ở vịnh Pecxích và đã vào Việt Nam rà phá bom, mìn, thủy lôi theo những điều khoản của Hiệp định Paris.
Đội đặc nhiệm này có 2 hạm đội: Delta và Bravo gồm tàu tên lửa, khu trục, tàu vớt mìn MSO và hàng chục máy bay trực thăng v.v... do Đô đốc Mc Cauley chỉ huy đã hoạt động ở Vịnh Bắc Bộ từ tháng 3/1973 đến tháng 7/1973. Vậy “Đội đặc nhiệm GK-1” của GS.TS Vũ Đình Cự làm đội trưởng có bao nhiêu quân, bao nhiêu phương tiện, trang bị kỹ thuật... hoạt động ở đâu và phá được bao nhiêu quả bom, mìn?...
Lần này chắc ông Đội trưởng “Đội đặc nhiệm GK-1” phải giải trình trước công luận những vấn đề trên để đáp ứng những mong muốn của bạn đọc và những người đã từng trực tiếp làm nhiệm vụ chống phong tỏa qua 2 giai đoạn 67-68 và 72-73.
Tháng 5/1972 ông Cự về nước sau khi hoàn thành luận văn tốt nghiệp ở Liên Xô cũ về “Vật lý chất rắn”, đến đầu năm 1973 thì cuộc chiến phong tỏa thủy lôi ở miền Bắc chấm dứt. Tháng 02/1973, Đội đặc nhiệm 78 của Đô đốc Mc Cauley vào Vịnh Bắc Bộ vớt mìn. Và như vậy từ ngày ông về nước đến ngày kết thúc phong tỏa vẻn vẹn 9 tháng (chưa kể những tháng ông mới về chưa nhận nhiệm vụ).
Báo chí trước đây đưa tin nhóm GK-1 của ông phá được hàng trăm, hàng ngàn thủy lôi, bom, mìn đã làm chúng tôi sửng sốt, ngạc nhiên, nay lại tiếp tục xuất hiện trên báo chí ngày 21-4-2005:
“Những trận đánh xuất sắc
Những gương chiến đấu dũng cảm”
“Đội đặc nhiệm GK-1”
Tôi là thành viên của GK từ ngày đầu thành lập nhưng chưa bao giờ nghe “Đội đặc nhiệm GK-1” do ông Vũ Đình Cự làm đội trưởng. Sự thật là như vậy. Điều quan trọng hơn là “Đội đặc nhiệm GK-1” đã làm được những gì trong giai đoạn cuộc chiến chống phong tỏa chiến lược của đế quốc Mỹ từ năm 1966-1968 và từ 1972-1973?
Ở Hàn Quốc gần đây cũng có một sự kiện làm rung chuyển trong nước và thế giới về một phát minh giả của GS.TS Hwang Woo-Suk về công trình nghiên cứu tế bào mầm ở Đại học Quốc gia Seoul cùng với 6 cộng sự. Đại học Quốc gia Seoul đã sa thải các vị này và có khả năng họ sẽ ra hầu tòa.
Còn ở ta thì sao!? Một việc có liên quan đến xương máu và sự hy sinh của người khác bị xâm phạm, liệu có nên đưa ra ánh sáng không?

Ngày 20 tháng 4 năm 2006

Tác giả: PHI ĐĂNG

VŨ ĐÌNH CỰ VÀ TỔ GK-1-bài báo của Hàm Châu

Cứ mỗi lần đi xe máy theo phố Tạ Quang Bửu - con phố ngoằn ngoèo lượn qua Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - Tôi dừng xe giây lát nhìn lại ngôi nhà A. Tôi chợt nhớ về 12 ngày đêm tháng 12-1972. Hà Nội ngút trời khói lửa! Và tôi cảm thấy nên kể lại đôi điều với bạn đọc hôm nay - nhất là các bạn trẻ - về công việc thầm lặng của một nhóm các nhà khoa học trong trường đã góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...

Chiến dịch xuân - hè 1972 bắt đầu:
Lần đầu tiên xe tăng hạng nặng của ta cùng một lúc xuất kích ở Quảng Trị, Tây Nguyên và Nam Bộ. Pháo lớn dồn dập nã mỗi ngày hàng nghìn, hàng chục nghìn quả vào Dốc Miếu - Cồn Tiên, Đắc Tô - Tân Cảnh, Lộc Ninh - An Lộc. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” có cơ phá sản! Tổng thống Mỹ Richard Nixon hết sức bối rối, trở nên hung hãn một cách tuyệt vọng...
Tháng 4-1972, ông ta ra lệnh ném bom miền Bắc Việt Nam. Khác với lối đánh của Lyndon Johnson trước kia là “leo thang” từng nấc, từng nấc một, vừa “leo” vừa thăm dò dư luận,Richard Nixon dùng lối đánh phủ đầu. Ngày 14-4, B-52 giội bom trải thảm xuống Vinh. 2 giờ 15 phút sáng 16-4, B-52 đánh cảng Hải Phòng. 9 giờ 30 phút sáng hôm đó, máy bay cường kích chiến thuật đánh thẳng vào Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chưa đầy một tháng sau, vào lúc 2 giờ sáng ngày 9-5-1972, nhân danh Tổng Tư lệnh các lực lượng quân sự Mỹ, R. Nixon ra lệnh thả thủy lôi phong tỏa tất cả các cảng biển, cửa sông ở miền Bắc Việt Nam. Ông ta không ngần ngại đem dùng cả thủy lôi chiến lược MK-52 để - theo lời ông - “bịt chặt” cảng Hải Phòng, “bóp nghẹt cổ họng” đối phương, chặn đứng sự viện trợ quốc tế! Các tàu Trung Quốc, Liên Xô, Cuba... không thể cập bờ.
Nixon những tưởng đối phương sau một thời gian bị “bóp nghẹt cổ họng”, sẽ kiệt sức dần vì thiếu gạo, thiếu xăng, thiếu vũ khí...
Tướng Phan Trọng Tuệ, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, liền gặp ngay Giáo sư Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, đề nghị Giáo sư biệt phái một số nhà khoa học sang giúp ngành giao thông nhanh chóng nghiên cứu, chế tạo các loại khí tài rà phá thủy lôi từ tính và bom từ trường, để bẻ gãy các gọng kìm phong tỏa của Nixon trên đường biển, đường sông và đường bộ.
Hai tổ nghiên cứu mang mật danh GK-1 và GK-2 được thành lập. G là chữ cái đầu biểu hiện cho từ Giao thông, K là chữ cái đầu biểu hiện cho từ Bách khoa. Tiến sĩ khoa học Vũ Đình Cự được Bộ trưởng Tạ Quang Bửu tin cậy cử làm tổ trưởng tổ GK-1, một tổ nghiên cứu gồm nhiều nhà khoa học cán bộ kỹ thuật của Trường Bách khoa lúc ấy như Bùi Minh Tiêu, Nguyễn Bính, Nguyễn Trọng Quế, Đoàn Đức Thành v.v...
Vũ Đình Cự thuộc thế hệ những nhà khoa học được đào tạo sau Cách mạng tháng Tám. Ông tốt nghiệp cử nhân vật lý năm 1956 tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1965, rồi luận án tiến sĩ khoa học năm 1967 tại Trường Lomonosov (Matxcơva) khi mới 30 tuổi. Trở thành nhà vật lý chất rắn đầu ngành ở nước ta, ông giảng dạy ở Khoa Toán - Lý Trường Bách khoa Hà Nội và là người xây dựng nên lý thuyết màng mỏng từ tính nổi tiếng, được nhiều nước - kể cả Mỹ - vận dụng khi chế tạo các bộ nhớ của máy tính điện tử...
Việc đầu tiên của tổ GK-1 là đi tìm hiểu thực tế rà phá thủy lôi. Tiến sĩ khoa học Vũ Đình Cự và một số cán bộ giảng dạy Trường Bách khoa cùng đi với ông Kha, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Kỹ thuật Bộ Giao thông - Vận tải, xuống Hải Phòng hỏi chuyện ông Kỳ, Cục trưởng Cục Đường biển, rồi ra thăm bến cảng. Bên Giao thông cho biết: Do chưa nắm được nguyên lý hoạt động của các loại thủy lôi mà Nixon vừa mới thả, cho nên việc rà phá chưa có bài bản, kết quả ít, thương vong nhiều!
Nửa tháng sau, tổ GK-1 trở lại Hải Phòng. Ông Thái Phong ở cảng vừa “bắt sống” được thủy lôi chiến lược MK-52 của Mỹ! Đó là loại thủy lôi đủ sức đánh chìm tàu mười vạn tấn! Công việc cần làm lúc này là “hỏi cung” cái tay “tù binh không biết nói” kia.
Đầu tháng 7 dương lịch, đang giữa mùa hè. Người cởi trần, người mặc may ô, các thành viên tổ GK-1 tiến hành thí nghiệm ở hai phòng khác nhau và liên hệ với nhau qua máy bộ đàm. Máy dao động ký, máy đo từ trường, dụng cụ đo dòng điện, máy phát âm tần, loa phát âm thanh... đều được chở từ Hà Nội xuống. Quả thủy lôi đã được rút hết thuốc nổ, dựng đứng giữa gian phòng. Vây quanh nó là cuộn dây Helmholtz gồm những vòng dây nằm sát sàn nhà và những vòng khác treo lơ lửng ngang tầm cao của quả thủy lôi.
“Đưa lợn về chuồng! Đưa lợn về chuồng!” Câu ấy có nghĩa: Đưa thiết bị phát từ vào thí nghiệm!
Ngòi nổ của quả thủy lôi được thay bằng một bóng đèn. Bao giờ các điều kiện gây nổ được thỏa mãn thì bóng đèn lóe sáng. Từ trường phải có cường độ bao nhiêu? Dạng xung phải như thế nào? Âm thanh có tác động gì không? Tác nhân gây nổ là gì? Lõi cuộn cảm và lõi hình xuyến làm bằng vật liệu gì? Dùng điện xoay chiều có được không?
Tại sao có những đoạn luồng lạch tàu ta chạy qua chạy lại nhiều lần mà chẳng sao cả. Thế rồi bỗng một hôm tàu bị nổ tung đúng ngay buồng lái, thuyền trưởng chết tại chỗ? Tại sao có những chỗ tàu phá thủy lôi rà đi quét lại nhiều lần, chẳng thấy nổ niếc gì, nhưng khi nó vừa dắt tàu chở hàng lướt qua là bị nổ ngay?
Để trả lời cho bao nhiêu câu “tại sao” hóc hiểm đó, cần phải “hỏi cung” thật kỹ tên “tù binh” cỡ bự kia. Tổ GK-1 cố thuyết phục ông Thái Phong vui lòng cho đưa “thằng MK-52” từ cảng Hải Phòng về Trường Bách khoa Hà Nội, nơi có đủ thiết bị thí nghiệm.
Tiến sĩ khoa học Vũ Đình Cự triệu tập cuộc họp tổ, lắng nghe ý kiến mọi người, rồi trình bày giả thuyết hợp lý, và gợi ý cho từng nhóm chuyên đề cần giải quyết dứt điểm những vấn đề gì, cách làm thí nghiệm khảo sát ra sao. Về phần mình, ông nhận trách nhiệm xác định các thông số cho bài toán lý thuyết.
Giữa lúc tổ GK-1 đang tìm cách “trị” thủy lôi chiến lược MK-52, thì các chiến trường nêu thêm một yêu cầu mới: Phải có ngay biện pháp chống các mô-đen mới của thủy lôi chiến thuật MK-42...
Ông Bùi Minh Tiêu vốn là một nhà lãnh đạo quân giới nổi tiếng từ thời chống Pháp, người cộng sự gần gũi của Tướng Trần Đại Nghĩa ở chiến khu Việt Bắc. Nay tham gia tổ GK-1, ông giải quyết thành công một vấn đề then chốt: thiết lập được sơ đồ chức năng của vũ khí địch, tính ra dạng tín hiệu tác động vào nó. Kết quả này được nhóm chuyên đề kỹ thuật tự động sử dụng để thiết kế khí tài phá nổ.
Tổ GK-1 cũng tiến hành hàng loạt thí nghiệm để xác định các tín hiệu bất lợi đối với quả thủy lôi để gây nhiễu, khiến nó không thể hoạt động bình thường. Từ đó thiết kế khí tài gây nhiễu.
Áp dụng công thức của Viện sĩ Lev Landau, Tiến sĩ khoa học Vũ Đình Cự viết Bài toán xác định từ trường của một cuộn dây tròn và dẹt. Tiến sĩ Nguyễn Bính nhận giải bài toán phức tạp đó. Anh tự mình chọn phương pháp giải, viết chương trình tính, xác định các bước giải. Để cho đáp án, máy tính điện tử Minsk-22 lúc bấy giờ đặt trong tòa nhà 39 Trần Hưng Đạo (trụ sở của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước) đã phải chạy trong vòng 7 giờ 30 phút, làm khoảng 170 triệu phép tính, 2.400 lần cho kết quả, mỗi lần 6 thông số - những số liệu cần thiết cho người sử dụng khí tài phá nổ hoặc gây nhiễu thủy lôi.
Các khí tài được đưa ra thử nghiệm tại hiện trường có tàu bè qua lại y như thật, ở cảng Chùa Vẽ và đảo Cát Hải (Hải Phòng) trước khi được sản xuất hàng loạt cung cấp cho các đội tàu phá thủy lôi ngành giao thông - vận tải.
19 giờ 15 phút tối 18-12-1972, chiến dịch của Mỹ dùng máy bay B-52 ném bom trải thảm Hà Nội, Hải Phòng bắt đầu và kéo dài đến hết đêm 29-12-1972.
Vài con số nhắc ta nhớ lại: mỗi ngày đêm Nixon cho xuất kích 140 lần chiếc “siêu pháo đài bay” B-52, 300 lần chiếc “cánh cụp cánh xòe” F-111, và 500-700 lần chiếc máy bay ném bom chiến thuật. Tổng số bom Mỹ giội xuống Hà Nội, Hải Phòng trong 12 ngày đêm ấy có sức công phá bằng 2 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima.
Trường Bách khoa Hà Nội là mục tiêu ném bom của máy bay chiến thuật. Dãy nhà số 19 trúng bom hơi... Tổ GK-1 chuyển vào làm việc trong tầng hầm nhà A, một tòa nhà vững chãi của khu Đông Dương học xã cũ. Anh em bám trụ tại trường, không sơ tán. Nhà trường cho chở đến một xe com-măng-ca bắp cải để anh em luộc ăn dần.
Bộ trưởng Tạ Quang Bửu nhiều lần đến đây dự những cuộc họp của tổ GK-1. Ông ngồi xuống sàn xi măng, viết, vẽ lên mặt sàn những điều đang nghĩ, nêu ra những giả thuyết gợi mở...
7 giờ sáng ngày 30-12-1972, Nixon buộc phải ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra Bắc, khẩn khoản mời ta trở lại cuộc “mật đàm” tại thị trấn Gif-sur-Yvette gần Paris.
Hà Nội, Hải Phòng được ăn một cái Tết hòa bình.
Nhưng nhiệm vụ của tổ GK-1 còn rất nặng nề. Phải mau lẹ chế tạo hàng loạt khí tài để quét nhanh, quét gọn, quét sạch thủy lôi và bom từ trường trên đường biển, đường sông và đường bộ. Một chiến dịch vận tải lớn với quy mô chưa từng có bắt đầu ngay từ trước Tết Quý Sửu - 1973.
Nước nhà vẫn chưa thống nhất...
Ghi nhận công lao thời chống Mỹ cứu nước, năm 1996, Nhà nước ta phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I cho Công trình phá thủy lôi từ tính và bom từ trường , bảo đảm giao thông (1967-1972). Tổ GK-1 là một đơn vị tham gia công trình này, cùng nhiều đơn vị bạn trong quân đội cũng như trong ngành Giao thông - Vận tải.

HÀM CHÂU

Lời bình:Hàm Châu là “nhà báo khoa học” có nghề.Với các thuật ngữ khoa học như cuộn dây Helmholtz,cuộn dây tròn và dẹt,với việc nêu các tên tuổi Lev Landau,Lomonossov,người đọc bình thường thật dễ xúc động và tin là thật !!!

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2009

ĐỀ CƯƠNG BIÊN SOẠN “TỪ ĐIỂN HÀNG HẢI VÀ GIÀN KHOAN BIỂN HÁN-ANH-VIỆT

Trong công cuộc phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền trên biển,việc giao lưu với các nền văn hóa lớn và sử dụng các ngoại ngữ là vô cùng cấp thiết.Ngoài việc phổ cập tiếng Anh chuyên ngành ,các ngôn ngữ khác như tiếng Nga,Pháp,Trung…cũng rất cần thiết phải có những sách công cụ chuyên ngành hàng hải.Không phải chỉ phục vụ cho công tác nghiên cứu học tập,các sách công cụ đó còn cần thiết cho các hoạt động hàng ngày diễn ra trên biển cả,tại các bến cảng.Xuất phát từ tình hình đó,nhóm Văn Phong chúng tôi cho tiến hành biên soạn cuốn “Từ Điển Hàng Hải và Giàn Khoan Biển Hán-Trung –Việt”


Sách tham khảo:
汉英船舶近海工程词典 HànYīng chuánbó jìnhǎi gōngchéng cídiǎn do 何志刚 (Hé Zhìgāng Hà Chí Cương) và () chủ biên ,nhà xuất bản khoa học kỹ thuật Thượng Hải xuất bản năm 2006


Một trang thử
A

[ā]
阿基米德定律 law of Archimedes Định luật Archimede
阿基米德螺旋 Archimedes screw Đường xoắn ốc Archimede
阿基米德原理 Archimedes principle Nguyên lý Archimede

[āi]
埃 Angstrom Angstrom (đơn vị đo độ dài bằng 10-10 mét)
埃单位 Angstrom unit (A.U) đơn vị Angstrom

[ǎi]
矮 superstructure (dwarf) wall thành của thượng tầng kiến trúc (trên tàu)
矮型平台 squat platform giàn khoan kiểu thành
霭 mist bụi,sương (ví dụ bụi nước)

[ài]
爱立无杆锚Allison ‘s anchor neo không ngáng Allison
碍 difficult area khu vực khó khăn (cho công việc hàng hải)
碍航物界限 limiting danger line đường giới hạn nguy hiểm hàng hải
[ān]
安 safety ,safe an toàn
~平衡 stable equilibrium cân bằng bền

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2009

Giáo sư Vũ đình Cự giới thiệu thủy lôi cho các nhà lãnh đạo tối cao



Chúng tôi muốn giới thiệu với các bạn những bức ảnh về buổi giới thiệu của giáo sư Vũ đình Cự về kết quả nghiên cứu chống thủy lôi với các nhà lãnh đạo cao cấp của nhà nước vào năm 1972.Trong ảnh chúng ta có thể thấy các vị Trường Chinh,Hoàng Quốc Việt...

Và 36 năm sau,trong một bức thư gửi Nguyễn Thái Phong đội trưởng phá lôi của Đường Biển,giáo sư viết nguyên văn như sau :

Vũ đình Cự
Hà nội, ngày 4 tháng 1 năm 2008

Thân gửi : Anh Nguyễn Thái Phong

Như đã trao đổi với anh ở Hà nội, sau khi hỏi các d/c trong Bách khoa (vì đã quá lâu nên sợ quên) và đọc lại một số tài liệu còn lưu, tôi trao đổi với anh một số việc sau:
1) Chúng tôi có tham gia với các anh về cải tiến con tầu để rà phá trong phần nguồn có chỉnh lưu dòng một chiều và một số đo đạc…
Sau đóVụ Kỹ Thuật có báo cáo tàu này rà phá tốt, do đó các báo chí có viết như vậy.
Đến nay, nghĩa là sau 35 năm, mới có thông tin rằng: khi tàu này xong đưa đi rà phá thì đã rà phá xong rồi.
Thật đáng tiếc, nếu biết sớm như vậy báo sẽ viết khác. Cụ thể là chỉ kể về tàu tự động rà phá T5, các thiết bị dùng cho đường bộ trong đó có đường HCM,đường sông và ven biển vào miền Trung.
Như vậy lỗi là từ thiếu thông tin.
2) Trong đầu nổ mà chúng tôi cưa ra, ngoài chất chống ẩm còn có một vòng với lớp nhôm ở ngoài chưa rõ công dụng. Nhờ quân giới kiểm tra thì đó là vòng thuốc nổ mà Mỹ cài bẫy trong đầu MK-42.
3) Chúng tôi bất ngờ được Bộ, lúc đó d/c Đinh Đức Thiện làm Bộ trưởng, gọi lên tham dự 1 triển lãm ở trong biệt thự, tôi chỉ được lệnh giới thiệu tính năng cơ bản của đầu MK-42. Còn các phần khác do các nhóm khác giới thiệu, chứ không có Bách Khoa.
Sự hợp tác giưa chúng ta thật tốt đẹp, tôi xin chân thành cám ơn sự hợp tác của chúng ta.

Bức thư của giáo sư Vũ đình Cự nhằm đinh chính các việc đã làm trong quá khứ,giải thích công tác phá thủy lôi thực sư là do anh em hải quân và đường biển làm,sự đóng góp của các nhà khoa học chỉ trong một chừng mực nhất định .Tuy vậy,tại Đại Học Bách Khoa vẫn còn tấm biển ghi công muôn đời và huyền thoại GK1 vẫn bao trùm trên tất cả các văn bản ?
Thực chất công tác chế tạo thiết bị rà phá lôi ra sao,xim mời các bạn đọc bản báo cáo của kỹ sư điện Nguyễn Ngọc Linh,một thành viên trong tổ phá lôi tại hội nghị ngày 20 tháng 12 năm 2007 như sau


CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU, CHẾ TẠO THIẾT BỊ RÀ PHÁ
THUỶ LÔI Ở CỤC ĐƯỜNG BIỂN PHỤC VỤ CHO VIỆC BẢO ĐẢM AN TOÀN HÀNG HẢI TRONG GIAI ĐOẠN 1965 – 1975.


Chân dung Nguyễn Ngọc Linh chụp năm 1967
Là một thành viên trong Tổ nghiên cứu phá thuỷ lôi của Cục Đường Biển, được phép của Cục Hàng hải, tôi xin được trình bày về công tác nghiên cứu, chế tạo thiết bị rà phá thuỷ lôi ở Cục Đường Biển, phục vụ cho việc bảo đảm an toàn hàng hải trong giai đoạn 1965-1975.
Cùng với việc leo thang ném bom phá hoại miền Bắc, năm 1967 đế quốc Mỹ đã tiến hành phong toả đường biển của ta bằng các loại thuỷ lôi từ tính.
Những vấn đề đặt ra cho Cục Đường Biển trước việc Mỹ phong toả thuỷ lôi là:
1. Phải thấm nhuần đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng trong toàn Cục, sát cánh cùng Hải Quân và các đơn vị bạn để chủ động tìm biện pháp rà phá thuỷ lôi của địch. Các cán bộ Khoa học kỹ thuật phải tự tin đi vào tìm hiểu lĩnh vực bom mìn, thuỷ lôi, không né tránh cho rằng việc này là của bên quân sự mà có tư tưởng trù trừ chờ đợi.
2. Trong các nhiệm vụ của Cục Đường Biển, có một nhiệm vụ vô cùng quan trọng là đảm bảo an toàn hàng hải. Địch thả thuỷ lôi làm mất an toàn hàng hải. Nhiệm vụ đương nhiên của Cục Đường Biển là phải phá bỏ sự mất an toàn này. Vì vậy toàn Cục Đường Biển đã lao vào mặt trận này với một quyết tâm cao, vượt qua mọi khó khăn, không sợ gian khổ, hy sinh.
3. Phải nhanh chóng nắm được tính năng, tác dụng của các loại thuỷ lôi để trong thời gian ngắn nhất chế tạo được các thiết bị rà phá đạt hiệu quả cao.
4. Phải nắm vững âm mưu, thủ đoạn phong toả bằng thuỷ lôi của địch.
5. Phải tranh thủ tối đa sự chi viện của cấp trên, hợp tác chặt chẽ với các đơn vị bạn, huy động tối đa mọi nguồn năng lực của Cục cho công tác nghiên cứu, chế tạo thiết bị rà phá thuỷ lôi.
Trước những vấn đề đặt ra cấp bách như trên, Cục Đường Biển đã:
- Tổ chức thành lập tổ nghiên cứu rà phá thuỷ lôi. Bước đầu là 1 tổ nghiên cứu hỗn hợp Đường Biển + Hải Quân, cho ra đời PĐ-67-1.
- Sau đó là tổ nghiên cứu của Đường biển, cho ra đời PĐ – 67 – 02 và PĐ - 67 – 03).
- Chỉ đạo thành lập các đội rà phá thuỷ lôi ở các đơn vị (Ty Bảo đảm hàng hải, Cảng Hải Phòng, Cảng Bến Thuỷ ….)
- Kết quả là tổ nghiên cứu hỗn hợp Đường Biển + Hải Quân được thành lập ngày 18/4/1967 thì chỉ sau hơn 2 tháng đã sản xuất được PĐ - 67 – 01 và đưa đi rà phá ở Khu IV.
PĐ – 67 – 01 là một phao vỏ sắt bên trong đặt 1 búa đập tạo âm thanh ở bên ngoài, phía sau đặt 1 cuộn phát từ hình chữ U, phía đầu gắn 1 ăng ten. Dùng đầu nổ của MK- 50 để thử, cho tín hiệu nổ ở cự ly 17m.
PĐ- 67 – 01 được C8 Hải Quân đưa thử ở Khu IV nhưng không kết quả. Tuy PĐ- 67 – 01 chưa thành công nhưng đã nói lên được tinh thần làm việc khẩn trương, nhịp nhàng của nhóm nghiên cứu, cũng như của các đơn vị trong Cục Đường Biển và Hải Quân.
Tiếp theo là PĐ – 67 – 02 và PD – 67 – 03 ra đời.
Thiết bị gồm:
- 1 ống dây  300 mm, l = 500 mm (trên quấn dây)
- Ở giữa là 1 lõi từ
 200 x 1000 mm,  = 4mm (PĐ – 67 – 02 CT3)
65 x 65 x 1200 (PĐ – 67 – 03 Tôn Silic)
- 3 bình ắc quy 12v – 128 ah
- Bộ tự động tạo xung để kích nổ thuỷ lôi.
PĐ – 67 – 03 được thiết kế gọn nhẹ, đặt trên thuyền gỗ nhỏ, đã mở đầu bằng chiến công phá được 2 quả thuỷ lôi ở cửa Lạch Giang. Với kết quả này cấp trên đã cho phép sản xuất 40 bộ PĐ – 67 – 03, lúc này được mang tên ĐB – 67 – 3 cung cấp cho các đơn vị trong và ngoài ngành và được biết với tên chung là PĐ67, PĐ67 đã phát huy tác dụng ở các luồng sông, bến phà … và được các chiến sĩ trong các đội rà phá sáng tạo ra nhiều cách rà quét như kéo dây 2 bên bờ, thả trôi, gắn máy đĩa vào xuồng phá lôi kéo theo xuồng cao su có người ngồi để lái xuồng phá lôi.
Kết quả là phá được rất nhiều thuỷ lôi, mở rộng được nhiều luồng và bến phà.
Song song với việc thành lập tổ nghiên cứu, Cục Đường Biển cũng chỉ đạo các đơn vị thành lập các đội phá lôi (Ty BĐHH, Cảng Hải Phòng, Cảng Bến Thuỷ…)
Các đội phá thuỷ lôi có vai trò hết sức quan trọng:
- Sử dụng các công cụ thô sơ lúc đầu như tôn, nam châm vĩnh cửu để rà phá khi chưa có các công cụ chính quy.
- Thử nghiệm các thiết bị rà phá mới sản xuất, bổ xung đóng góp để hoàn chỉnh, tiến tới sản xuất hàng loạt.
- Bắt sống thuỷ lôi địch, tháo gỡ bộ phận điều khiển gây nổ cung cấp cho các nhóm nghiên cứu, đã giúp rất nhiều cho việc tìm hiểu tính năng tác dụng của thuỷ lôi, đưa đến việc chế tạo các thiết bị rà phá có hiệu quả cao.
- Các đội phá lôi của Cục Đường biển dần dần trở thành nòng cốt trong việc rà phá các trọng điểm, huấn luyện sử dụng và bàn giao thiết bị rà phá cho các đơn vị địa phương.
Với thiết bị được Cục Đường biển cung cấp, nhiều đơn vị của Đường Sông cũng phá nổ được nhiều thuỷ lôi địch.
Năm 1968 địch ngưng phong toả nhưng ta nắm được chúng vẫn chưa từ bỏ âm mưu phong toả tiếp khi chúng bị đánh ác liệt ở chiến trường miền Nam. Các đơn vị chức năng vẫn tiếp tục nghiên cứu, củng cố những hiểu biết về vũ khí địch để sẵn sàng vào cuộc.
Đúng như dự đoán, năm 1972 địch phong toả trở lại với thủ đoạn tinh vi hơn và với các loại thuỷ lôi phức tạp hơn và có độ nhậy thấp hơn trước rất nhiều (15 đến 20 lần). Chúng leo thang phong toả luồng vào cảng Hải Phòng bằng MK- 52 (luồng Nam Triệu). Chúng gây khó khăn cho việc rà phá bằng cách thả xen kẽ nhiều loại thuỷ lôi với nhiều loại độ nhậy khác nhau kết hợp với bom nổ ngay.
Tổ nghiên cứu của Cục Đường Biển được tập hợp trở lại do đồng chí Trần Văn Chấp làm Tổ trưởng.
Trước tình hình này đòi hỏi phải sản xuất loại thiết bị rà phá phát ra từ trường mạnh hơn và phải có dạng xung phù hợp.
Tổ nghiên cứu cùng các đơn vị sản xuất đã nhanh chóng cho ra đời ĐB-72-01 và ĐB-72-02.
* ĐB – 72 – 01 gồm:
- Cuộn phát từ : Dây được quấn trên 1 ống có kích thước 1000m/m; L = 800m/m.
- Lõi từ bằng tôn Silic có kích thước 150 x 150 x 1500m/m. ĐB-72-01 được lắp đặt trên các phương tiện tự hành như tàu Tự lực, Tàu cá… cho phép phá được thuỷ lôi an toàn ở cự ly xa hơn.
* ĐB – 72 – 02 là 1 khung dây chỉ có 1 vòng dây được gắn trên các phao nổi với đường kích 15m khi triển khai. Khi cho dòng điện chạy trong khung dây sẽ tạo được 1 từ trường thẳng đứng , nhằm phá các thuỷ lôi đã biết tương đối chính xác vị trí. Thiết bị này chưa mang lại kết quả.
Với ĐB-72-01 ta đã có một loạt các phương tiện rà phá rất có hiệu quả, giải phóng nhanh các luồng.
Riêng đối với thuỷ lôi được thả trên luồng Nam Triệu ta gặp rất nhiều khó khăn trong rà phá và chưa làm nổ được quả thuỷ lôi nào. Nhiều dấu hiệu cho thấy đây là loại MK-52.
Vấn đề đặt ra lúc này là phải cho ra đời một thiết bị phá thuỷ lôi có khả năng phát ra một từ trường rất mạnh ở cự ly tối thiểu 50m và có dạng xung hết sức phù hợp, giống như 1 con tàu thật cỡ lớn .
Trước tình hình đó, mấu chốt suy nghĩ của chúng tôi là địch thả thuỷ lôi để đánh tàu biển nên phải tạo tín hiệu giả như tín hiệu thật của một con tàu cỡ lớn.
Chúng tôi đã vận dụng những hiểu biết đã tích luỹ được suốt trong quá trình làm công tác nghiên cứu rà phá thuỷ lôi cộng với những tài liệu nghiên cứu do các đơn vị bạn cung cấp.
Cục Đường Biển đã vượt qua nhiều khó khăn về mọi mặt để sản xuất trong một thời gian ngắn nhất ĐB – 72 – 03.
Cũng xin nói đôi chút về ĐB – 72 – 03 niềm tự hào của Cục đường biển chúng tôi.
ĐB – 72 – 03 gồm các phần chính sau
* Cuộn phát từ: là một cuộn dây bọc cao su tiết diện 100mm2 quấn quanh một khung có kích thước 5000x5000x2000 m/m phần trên là khung thép, phần dưới là bản thân vỏ tàu tăng kit.
* Dòng điện sử dụng: 400A
* Số vòng dây : 124 vòng
* Bộ phận tạo xung: đây là bộ phận quan trọng nhất, mang nhiều tính sáng tạo.
Bộ tạo xung có nhiệm vụ chủ yếu:
- Thay đổi dòng kích từ của máy phát chính để được dòng điện trong cuộn dây phát từ biến thiên từ 0 – 400A.
- Tạo một xung hình sin gồm: ½ chu kỳ dương 4” đến 5”
½ chu kỳ âm 4” đến 5”
- Giữ nguyên chiều dòng điện vào ampe kế và vôn kế ở chu kỳ âm
- Vai trò chính của bộ tạo xung là giúp có được dạng tín hiệu rất giống tín hiệu của con tàu thực, khắc phục được việc đóng cắt với dòng điện lớn làm cháy các mặt tiếp xúc trong các cầu dao từ như ở các thiết bị trước.
* Lõi từ là cả khối sắt thép của tàu tăng kit cộng với 1 lõi tôn silic đặt ở trung tâm cuộn dây và có kích thước 3000 x 750 x 700 m/m, trọng lượng khoảng 7 tấn.
* Cường độ từ trường tính toán ở cự ly 50m (chưa kể ảnh hưởng của lõi từ):
H50 : 22 moe
Từ trường do ĐB – 72 – 03 tạo ra mạnh và rộng hơn rất nhiều so với các thiết bị trước.
Khi ĐB – 72 – 03 đi rà phá ở tuyến Đông Bắc đã gây nổ được thuỷ lôi ở rất xa và ở cả 2 bên trên một diện rất rộng phía trước con tàu. Thuỷ lôi nổ khiến những ngườ đi rà phá không đếm kịp.
Sau ĐB – 72 – 03 Cục Đường Biển đã cho ra đời ĐB – 72 – 04. Lúc này chúng ta gặp 2 khó khăn lớn:
- Không tìm ra máy phát điện một chiều cỡ lớn.
- Không còn dây bọc cao su tiết diện lớn.
Trước khó khăn này chúng tôi đã chuyển hướng dùng máy phát điện xoay chiều và nắn thành dòng điện một chiều qua bộ chỉnh lưu. Còn để giải quyết khó khăn về dây quấn chúng tôi đã nghiên cứu đặt cuộn phát từ trong lòng tàu tăng kít nên sử dụng được các loại dây quấn bình thường. Vì ở cuối giai đoạn phong toả nên ĐB – 72 – 04 chưa phát huy được nhiều tác dụng.
Từ cuộc chống phong toả tôi nghĩ rằng chúng ta rút được bài học kinh nghiệm sau:
1. Thấm nhuần đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng những đơn vị ngoài quân đội cũng có thể tham gia có hiệu quả trong công tác rà phá thuỷ lôi của địch.
2. Nguồn gốc của mọi thành công trong công tác phá thuỷ lôi, làm thất bại âm mưu phong toả đường biển của địch là:
- Sự chỉ đạo và chi viện kịp thời của cấp trên
- Sự quyết đoán trong chỉ đạo và tập trung kịp thời mọi nguồn năng lực cho công tác chống phong toả của lãnh đạo Cục Đường Biển.
- Sự phối hợp chặt chẽ, đoàn kết trong nghiên cứu, hướng dẫn và cung cấp tài liệu nghiên cứu của các đơn vị bạn.
- Tinh thần tận tụy, sáng tạo, không sợ gian khổ hy sinh của cán bộ khoa học kỹ thuật, các chiến sĩ trong các đội phá thuỷ lôi.
3. Thành công của chúng ta sẽ trọn vẹn hơn nếu tổ chức được kịp thời việc tổng kết chống phong toả, đánh giá được một cách đúng đắn:
- Âm mưu thủ đoạn của địch.
- Biện pháp đối phó của ta.
- Tính năng tác dụng của các loại thuỷ lôi của địch
- Giá trị của các tài liệu và đóng góp của chúng vào việc sản xuất các loại thiết bị rà phá.
- Tác dụng và hiệu quả của các phương tiện rà phá thuỷ lôi
4. Thành công của chúng ta cũng sẽ trọn vẹn hơn nếu chúng ta tiến hành kịp thời công tác khen thưởng một cách công bằng và chính xác.
Chính vì công tác khen thưởng làm không kịp thời nên cả người làm báo cáo cũng như người xét duyệt không phải là những người am hiểu diễn biến công việc của các đợn vị tham gia cuộc chiến chống phong toả. Do đó đã xảy ra nhiều việc hiểu lầm, ngộ nhận rất đáng tiếc.
Kết thúc bài phát biểu,là một thành viên trong tổ nghiên cứu phá thuỷ lôi, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến lãnh đạo Cục Đường Biển đã chắp cánh cho cán bộ khoa học kỹ thuật phát huy khả năng ság tạo của mình, cám ơn các đồng nghiệp đã cung cấp tài liệu nghiên cứu có giá trị. Cám ơn các đồng chí trong các đội rà phá thuỷ lôi đã dũng cảm bắt sống nhiều thuỷ lôi của địch giúp nhiều cho công tác nghiên cứu, đã phát hiện các khiếm khuyết để hoàn chỉnh các thiết bị rà phá, đã sáng tạo nhiều cách rà phá làm tăng tính hiệu quả của thiết bị.
Cuối cùng xin thành kính tưởng nhớ đến các đồng chí đã từng tham gia công tác chống phong toả thuỷ lôi của địch đã không còn đến ngày hôm nay.

Cái mà giáo sư Vũ Đình Cự nói ở trên chính là thiết bị ĐB-72-04 ,đặt trên tàu 153 ,chưa hoạt động.Tuy vậy,trong buổi làm việc với chúng tôi ngày 30 tháng Chín năm 2007 tại nhà riêng tọa lạc tại Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội,giáo sư đã say sưa kể về các đóng góp rất cơ bản cho công tác phá lôi ,đó là thiết kế con tàu phá lôi ,phá được rất nhiều bom.Có lẽ đó là lý do tạo nên huyền thoại GK1,tạo nên tấm bia tưởng niệm các chiến công của "Đô Đóc Đặc NHiệm Vũ Đình Cự" hiện vẫn treo trên tường đại Học Bách kHoa Hà Nội.Chúng ta hãy nghe giáo sư nói gì về công tác thiết kế con tàu này:


Lịch sử khoa học Việt Nam,lịch sử cuộc chiến chông phong tỏa anh hùng của quân và dân Hải Phòng đòi hỏi phải có một cuộc đinh chính chính thức về vấn đề này khi rất nhiều các nhân chứng còn sống ! Không phải là một cuộc tranh luận công trạng ,không phải là một cuộc đấu đá..vì tất cả đã qua đi ,vinh quang và cay đắng,hữu danh và vô danh ...Mong rằng tấm lòng trí thức với đặc điểm ưa chuộng công lý,tôn trọng sự thật ,khát vọng tìm hiểu cái mới sẽ thức tỉnh ,sẽ át đi những yêu thích tầm thường của con người trước danh vọng,quyền lực...Tất cả đều là phù du ,nhát là khi các con người tham gia các sự kiện nói trên đều đã ở ngưỡng cửa tuổi 70,80 .Hy vọng thay !!
Tại cuộc họp cựu chiến binh đường biển Hải Phòng,đại tá Vũ Tang Bồng,cán bộ nghiên cứu lịch sử quân sự đã lớn tiếng kêu gọi:"Sự thật lịch sử phải được tôn trọng.Của Ceasar phải trả về Ceasar !"

Hoàng Quốc Hùng tưởng nhớ thày Nguyễn Văn Quế

Trong số các thày giáo của nghề hàng hải nước ta,có rất nhiều thày khác nhau.Có thày kinh nghiệm đầy mình sau lưng là hàng vạn hải lý đã qua ,có thày chưa từng đi tàu mà chuyên giảng dạy tránh va đụng tàu cho anh em thuyền trưởng bậc cao,có thày đầy các danh hiệu tiến sĩ kỹ sư nhà giáo ưu tú,nhân dân,có thày chỉ đơn giản một chữ "anh thày giáo" mà sống mãi trong lòng các thế hệ học trò.Nguyễn Văn Quế là một ông thày thuộc loại sau cùng như thế ,người thày đầu tiên của hải quân nhân dân Việt Nam và của ngành hàng hải Việt Nam.Tôi xin giới thiệu bài viết của Hoàng Quốc Hùng hiện sống bên Anh viết về người thày đầu đời của mình.Tưỡng cũng nên giới thiệu vài dòng về tác giả mà tôi chỉ mới biết qua văn bản.Anh sinh năm 1930,quê Quỳnh Lôi Quỳnh Lưu Nghệ An.Anh là học viên khóa 2 của Thủy Đội Sông Lô (1950-1951) trên núi rừng Việt Bắc. Sau đó anh là lính Hải Quân,là thuyền trưởng tàu biển...Tại sao anh sống bên Anh Quốc?Một tình cờ gần đây khiến tôi gặp thuyền trưởng NgVTh.,người của Vosco được cử sang Anh Quốc vào những năm đầu 80 để thành lập liên doanh hàng hải ViCub giữa Việt Nam và Cuba.Anh cho biết,ngoài nhiệm vụ hàng hải,công an còn muốn anh theo dõi HQ Hùng lúc này đã phải ra đi và sinh sống tại Anh vì Hùng có họ hàng với Hoàng Văn Hoan ! Nếu nhũng dòng chữ này tới anh Hùng ,mong anh cho phép tôi được dùng các bài viết của anh trong tuyển tập "Thủy Đội Bộ TTM" mà các anh Nguyễn Việt,Cao Xuân Thự,Hoàng Đại ...đã rất nhiệt tình góp nhặt,chuẩn bị.Những bài viết của các anh thật tươi tắn của một tuổi trẻ mong muốn dâng hiến cho Tổ Quốc mà tôi nghĩ thế hệ trẻ ngày nay cần được biết .Và lòng yêu mến người thày đầu tiên,thày Quế mà tôi cũng rất kính trọng dủ tôi không phải học trò của ông!Và để so sánh với các ông thày "dỏm" khác,rất nhiều,đang làm hỏng ngành giáo dục hàng hải nước nhà!

TƯỞNG NHỚ ANH
NGUYỄN VĂN QUẾ

Hoàng Quốc Hùng viết vào tháng Năm 1994

“Giơ tay đếm thử bao người
Chung vui năm ngoái năm nay không còn?”
Đó là hai câu thơ mà một thi sỹ đã đọc giữa Đại hội Quân chính tại chiến khu Bình Trị Thiên vào năm 1949 khi thấy một số bạn bè vắng mặt vì đã hy sinh trong chiến đấu.
Bây giờ tôi cũng muốn:
“Giơ tay đếm thử bao người
Chung vui “Thuỷ quân Bộ Tổng” mà năm nay không còn?”
Trong số những người không còn đó, có anh Nguyễn Văn Quế, giáo sư Hàng Hải đầu tiên của chúng tôi. Anh đã ra đi vĩnh viễn.
Anh Quế! Cho phép chúng tôi gọi anh là ANH như tôi vẫn gọi anh khi anh còn sống. Anh mất đi, chúng tôi những chiến sĩ Thuỷ quân Bộ Tổng thủa nào vô cùng thương tiếc anh. Thương anh vì anh có đạo đức tốt, tác phong tốt, học vấn tốt, kinh nghiệm nghề nghiệp tốt, nhưng anh đã chưa được “sử dụng” đúng mức, hợp lý. Do đó, những cái tốt của anh chưa đủ điều kiện để phát huy, cống hiến và phục vụ dân tộc tới mức tối đa. Tiếc vì anh không được “thọ” thêm để thấy đất nước được “đổi mới”, cuộc sống trăm màu ngàn sắc đang đua nở, tổ quốc đang thay da đổi thịt... như lúc sinh thời anh từng mơ ước.
Thương tiếc anh, không phải chỉ than ngắn thở dài. Chúng tôi, những học trò của anh muốn hồi tưởng lại những kỷ niệm sâu sắc về anh để tự rút ra những bài học bổ ích. Tôi chỉ muốn rất khiêm tốn hồi tưởng lại vài kỷ niệm về anh mà cá nhân tôi thấy là sâu sắc và có ý nghĩa nhất.
1. “Không có ai đậu trạng nguyên về hàng hải”
Năm 1950 -1951 chúng tôi là lính Thuỷ Bộ TTM. Nói tới thuỷ quân là nói tới hàng hải. Mà giáo sư hàng hải đầu tiên của chúng tôi là anh Nguyễn Văn Quế. Tháng 5/1951, Thuỷ quân (BTTM) giải tán, chúng tôi được cấp “Bằng tốt nghiệp” (giấy chứng nhận) trong đó có 4 câu: “Đã học hết lý thuyết Hàng hải đại cương”. Thực ra hồi đó, chúng tôi chưa học được gì nhiều. Hoàn cảnh, phương tiện và thời gian còn quá hạn chế. Nhưng “giáo sư” Quế đã chong chúng tôi một bài học trong buổi lên lớp đầu tiên mà chúng tôi ghi nhớ suốt “đời sông nước” của mình. Hôm đó, sau khi thầy trò làm quen nhau, anh bắt đầu giảng bài học hàng hải thứ nhất.
- Hàng hải (anh định nghĩa) nói nôm na là hành trình trên mặt biển. Ngắm mặt biển hiền hoà khi mặt trời mọc, quá đẹp! Quan sát đại dương yên ả dưới trăng thu, rất nên thơ. Nhưng dưới mặt nước có những gì, nào ai nhớ hết, biết hết? Và khi mặt nước nổi giận, nào ai lường hết, đo hết? Do vậy có thể nói, những người làm nghề sông nước là những người “sống ở dương gian mà làm việc ở âm phủ”.
Nghỉ một lúc, anh nhấn mạnh: - và cũng vì thế, không có ai đậu trạng nguyên về Hàng hải!
Hồi đó, thú thực, chúng tôi chưa nhận thức hết ý nghĩa thâm thuý của câu này, chỉ thấy hay về cách dùng từ ngữ trong văn chương để chứng minh rằng: Học Hàng hải không phải dễ! Nhưng, thưa các bạn, đã gần 30 năm xuôi ngược trên sông biển, với bao nhiêu va vấp tai nạn về tầu thuyền, càng ngày tôi càng thấm thía sâu chân lý của giáo sư Quế: “không có ai đậu trạng nguyên về Hàng hải”.
2. “Tôi phải học tiếng Nga”
Từ sau những năm 1956, 1957 tàu bè Liên Xô (cũ), cập cảng Hải Phòng ngày càng nhiều, chuyên gia Liên Xô đến Hải Phòng ngày càng đông. Vì không biết tiếng Nga nên trong giao dịch với thuyền viên và chuyên gia Liên Xô thường mất thời gian và gặp nhiều khó khăn do phải thông qua phiên dịch viên, việc đọc và nghiên cứu tài liệu của Liên Xô cũng hạn chế, anh Quế quyết định: Phải tự học tiếng Nga! Một hôm gặp tôi anh bảo: - Tớ phải học thêm tiếng Nga gấp.
- Ai dậy anh? Tôi hỏi.
- Mình tự học.
Tôi biết, anh nói là làm. Và 6 tháng sau, tôi đã thấy anh đọc được sách báo Liên Xô, và trực tiếp nói chuyện với chuyên gia Liên Xô.
Qua trò chuyện tìm hiểu, tôi được biết: Cả một quá trình công tác của anh là cả một quá trình tự học, tự nghiên cứu liên tục không ngừng. Anh thường thổ lộ: “Học ở nhà trường chỉ là cái vốn cơ bản. Phải biết dùng cái vốn ấy để “buôn bán” có lời lãi, phải tự học. Do tự học, trình độ chuyên môn của anh ngày càng phát triển cao. Anh đã viết sách, giảng dậy cho các lớp đào tạo cán bộ Hàng hải.
Qua huấn luyện và thực tập ở Nga về Hàng hải và Thiên văn (1966-1969) tôi đã từng làm quen với những “bảng tính độ cao và azimut (đo phương vị) của các thiên thể” của Mỹ, của Anh, của Nga (TBA-54, BC-58...). Về đến Việt Nam, tôi vô cùng khâm phục khi thấy anh Quế, sau năm 1957 cũng đã có “bảng tính độ cao và azimut của các thiên thể”, gọi tắt là”THH-57”(1). So với các bảng của Anh, Mỹ, Nga, sai số không đáng kể. Hồi đó đã làm gì có các máy tính như bây giờ. Thế mà với tinh thần quyết tâm và kiên nhẫn, anh đã cho ra bảng THH - 57 kịp thời phục vụ cho các tầu bè, các trường Hàng hải khi chưa có tài liệu nước ngoài. Cho đến những năm 1971 - 1972 tôi vẫn đến để nghe anh “huấn thị” về nghề nghiệp. Noi gương anh, chúng tôi cũng tự học không ngừng. Vì không có ai đậu trạng nguyên về Hàng hải nên phải học, học nữa, học mãi... Và đúng như học giả Nguyễn Hiến Lê đã viết tác phẩm: “Tự học, một nhu cầu của thời đại”(1).
Anh Nguyễn Văn Quế ! Xin anh hãy yên nghỉ. Đừng vương vấn bụi trần. Những điều mà anh hằng lưu tâm mong mỏi cũng là những vấn đề đang được Nhà nước ta tiếp tục đổi mới, cải tiến để đưa đất nước ta tiến lên kịp với thời đại, với trào lưu chung của thế giới. Lịch sử bao giờ cũng đi lên. Thế hệ con cháu chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thành những công việc mà chúng ta chưa làm được.

London tháng 5 năm 1994
Hoàng Quốc Hùng
Để biết thêm về Hoàng Quốc Hùng,xin đọc bài viết sau đây
THUỶ QUÂN BỘ TỔNG THAM MƯU
NHIỀU KỶ NIỆM KHÓ QUÊN


Vâng! Rất nhiều kỷ niệm khó quên đối với cá nhân tôi. Thuỷ quân sông Lô, một đơn vị gồm đại đa số là học sinh trung học, cái đuôi “tạch tạch sè” khá dài, nhiều kỷ niệm vui, hồn nhiên và cả... ngây thơ nữa. Bây giờ, tuổi già bóng xế, nhiều đêm không ngủ được, nằm nhớ lại những kỷ niệm xưa mà cười một mình và cảm thấy tâm hồn có phần trẻ lại.
1. OH! Combien de Marins... (Ôi! Biết bao thuỷ thủ...)
Cuối năm 1950, Phố Giàn, gần sông Lô, nơi vẫn còn nồng mùi thuốc súng bắn đắm tầu chiến Pháp, từng đoàn trai “xếp bút nghiên theo việc binh, đao”, những học sinh sắp tốt nghiệp trung học phổ thông, mặt non choẹt, yêu đời phơi phới, từ Khu 4 kéo ra, từ Khu 3 kéo tới, từ Thái Nguyên đổ xuống, gặp nhau tay bắt mặt mừng. Dễ làm quen nhau, bởi vì, xin lỗi nhà thơ Hồng Nguyên:
Lũ chúng tôi
Bọn người tứ xứ
Gặp nhau hồi “đã” biết chữ...(1)
Bởi vì cùng chung chất “tạch tạch xè”, cùng biết hát “ngồi đây ta gõ ván thuyền, ta ca trái đất còn riêng ta...”(2), cùng biết ngâm “mơ về Hà Nội dáng kiều thơm”(3) hay “vắng bóng cô em từ dạo ấy, để buồn cho những khách sang sông...”(3).
Ổn định nơi ăn chốn ở xong, chúng tôi được chính thức phổ biến “học Thuỷ quân”. Thuỷ quân? Thuỷ quân gì mà ở nơi khỉ ho cò gáy thế này?
Cán bộ giải thích: “Kháng chiến nhất định thắng lợi. Trung ương chủ trương thành lập Thuỷ quân để vừa làm hạt nhân nghiên cứu phương hướng phát triển Thuỷ quân sau này, vừa có lực lượng để sẵn sàng tiếp thu vùng biển...”. Nghe cũng có lý, xuôi tai. Khi tư tưởng đã thông suốt thì các “lính thư sinh” bắt đầu mơ mộng:
Thuỷ quân! Giày trắng, quần trắng, áo trắng, mũ trắng có chóp bông đỏ (bonnet rouge). Đứng tựa lan can tàu sạch bóng. Nhìn mây, ngắm nước. Có tiểu thư nào mà không mê những chàng trai như thế, những chàng trai lấy biển cả làm quê hương, lấy sóng gió làm lẽ sống. Hãy đọc khe khẽ cho các tiểu thư nghe những vần thơ của Victor Hugo:
Oh! Combien de marins combien de capitaines
Qui sont partis joyeux pour des courses lointaines...(1)
Rồi chúng tôi ôm nhau hát, những bài hát vừa nghịch, vừa tếu, vừa vui của nhạc sĩ Tô Hải ở trường Lục quân Việt Nam:
Trường “Thuỷ” quân đang cần lính đánh Tây,
Tớ vội vàng bỏ nhà ra đi ngay
Bao công việc ấm ớ phó thác cho bu mày.
Rồi một hôm tới một vùng đồi núi
Không được văn minh lắm rất vắng bóng người,
Đoàn vệ trọc ôi thôi, từ bình minh đến tối
Xoay trần ra bạt núi cuốc đồi vác tre
Te tò te tí te...
Phải nói hồi đó, đời sống vật chất nghèo nàn thiếu thốn, nhưng đời sống tinh thần của những anh “lính cậu” Thuỷ quân rất đa dạng, phong phú.
2. Tôi bị phạt vì...
Vì gác vào phiên sáng mà không đánh thức trung đội trường Lương Anh dậy.
Vẫn đóng quân gần phố Giàn, trong nhà dân. Hôm đó tôi gác từ 3-5 giờ sáng. Theo quy định, lính gác vào phiên sáng phải gọi trung đội trưởng dậy. Tôi quên béng mất, để cho ông Anh mang tiếng “dậy muộn”. Chín giờ, bị gọi sang trung đội bộ. Tôi đứng nghiêm, dơ tay chào ông Anh.
- Thế nào, đồng chí gác vào phiên sáng? Ông Anh nghiêm nghị chất vấn tôi.
- Dạ đúng (Vẫn dạ theo kiểu gia đình)
- Sao không gọi tôi dậy?
- Dạ... quên!
Ông Anh chắp tay sau lưng đi vòng quanh tôi. Tôi run! Chắc chắn là bị phạt rồi, nhưng phạt kiểu gì đây?
- Quên hả - ông Anh chậm rãi nhấn mạnh - bây giờ tôi có cách làm cho đồng chí phải nhớ.
Tôi bị phạt đứng nghiêm một giờ, tay phải vác một quả mìn trên vai. Các bạn biết không? Mìn hồi đó to gần bằng quả dưa hấu, nặng lắm, được bọc trong một cái rọ đan bằng tre và có cán để vác. Tôi thuộc loại lính khoẻ, anh em vẫn gọi là “máy xúc Liên Xô”. Quãng 20 phút đầu, bình an vô sự, nhưng sau đó thì cáh tay phải cứ rã rời dần, mỏi dần... Chân đứng đúng kiểu “Hai hàng chân ngọc duỗi song song” cũng mỏi dần, mỏi dần... Tôi phải quan sát ông Anh liên tục để lợi dụng lúc “địch sơ hở”. Ông Anh không thể nhìn tôi chằm chằm mãi được. Cũng có lúc ông phải gặp người này, gặp người nọ hoặc viết lách. Thế là tôi khẩn trương cho tay trái lên tương trợ tay phải và tranh thủ cử động hai chân.
Đúng 1 giờ, tôi được giải phóng. Chào trung đội trưởng xong, quay đi, mồm tôi lẩm bẩm “Merci beaucoup” nhưng tôi cũng thấm thía rút ra được một bài học “phải nhớ mà chấp hành mọi quy định của cấp trên cho nghiêm túc”.
3. Ông Lê Trường Đa và... đi đều bước!
Ông Đa sau này là Giám Đốc Xưởng Hải Quân X 46 Hải Phòng Khả Lĩnh. Đóng quân trong nhà dân, trên ngọn đồi thoai thoải thấp. Từ đó xuống dốc để ra thao trường, một bãi đất bằng phẳng rộng rãi nối liền với một dòng sông bằng bãi cát mịn. Chúng tôi đang bị “quần” về đi đều. Tiểu đội đi đều. Trung đội đi đều. Rồi đại đội đi đều. Mắt nhìn thẳng. Ngực ưỡn ra. Chân đi đúng nhịp hô. Đến khổ: có những anh mang cố tật “chân nào tay ấy” bị ông Đa mang riêng ra “quần” cho mệt lử. Ông Đa, đại đội trưởng, da ngăm đen, to, cao, quắc thước. Nhìn ông đã thấy run rồi. Ông trực tiếp điều khiển luyện tập “đại đội đi đều”. Nắng như thiêu như đốt. Mồ hôi chảy vào mắt xót không chịu được, vẫn không dám nhúc nhích, áo ướt đẫm. Chân tay mỏi dừ tê dại. Miệng khát khô. Ông Đa vẫn “quần” liên tục. Tập chịu đựng gian khổ cho quen! Tiếng hô của ông vẫn “sắc” như kiếm. Ông cho cả đại đội đứng gần mép sông. Ông huấn thị: - Kỷ luật Quân đội là kỷ luật sắt, các đồng chí rõ chưa?
Rõ! Mồm chúng tôi đáp theo phản xạ tự nhiên nhưng chúng tôi đưa mắt nhìn nhau không hiểu đại đội trưởng giở trò gì đây?
Ông dõng dạc hỏi chúng tôi: - Toàn đại đội đi đều, xuống đến tận mép sông chưa hô đứng lại, các đồng chí có tiếp tục đi không?
Bị hỏi đột ngột, chúng tôi đứng ngớ ra. Vài anh trong hàng lẩm bẩm: - Sông thì đi làm sao?
Không ngờ ông nghe được. Giọng ông lên thêm một “ton” nữa, ông dằn từng tiếng: - Vẫn phải đi. Vẫn phải chấp hành tuyệt đối. Xuống sông cũng phải đi. Vào lửa cũng phải đi. Bao giờ cho đứng lại mới được đứng lại. Các đồng chí rõ chưa?
- Rõ!
- Bên phải... quay.
Cả đại đội thành hàng dọc. Trước mặt là dòng sông. Thôi, chết đuối cả lũ rồi.
- Đi đều... bước. Một hai... một hai...
Chúng tôi phải đi. Mấy người đi đầu đã mấp mé nước. Bỗng...
- Đứng lại... đứng!
- Đằng sau... quay!
- Đi đều... bước!
Lạy chúa. Anh nào anh nấy thở phào thoát chết!
Từ đó, chúng tôi được một bài học: kỷ luật Quân đội là kỷ luật sắt (très dure).
4. Hỏi thăm cô Tú có chồng hay chưa?
Đóng quân ở Nghinh Lạp. Vẫn đóng trong nhà dân.
Bấy giờ bọn chúng tôi thường hát xa hát gần hai câu cố để cho anh Ngoạn, trung đội phó của chúng tôi nghe:
Ai về Nghinh Lạp bên sông
Hỏi thăm cô Tú có chồng hay chưa
Anh Ngoạn, mặt đỏ như sôi gấc, phải bấm bụng mà lờ đi, không có lý do gì để bắt bẻ bọn lính cậu này được. Nguyên là ông chủ nhà trung đội tôi đóng quân có cô con gái, so với nhan sắc địa phương, cũng “mười phân vẹn mười”. Cô tên là Tú, đang “tuổi cập kê”, tường đông ong bướm đi về mặc ai! Anh Ngoạn ta để ý tìm hiểu rồi... tỏ tình. Bọn tôi bí mật điều tra theo dõi. Được biết: cô Tú không phản đối, nhưng cũng chưa hẳn cắn câu, vẫn lơ lửng con cá vàng. Và anh Ngoạn vẫn kiên nhẫn “tấn công” rất kín đáo.
Thế rồi: Ai về Nghinh Lạp bên sông
Hỏi thăm cô Tú có chồng hay chưa?
Đã đến tai cô Tú. Nghe câu ca dao, cô tủm tỉm cười nhìn chúng tôi. Chúng tôi đang đào tranchée (hầm) cũng ngấp nghé ngắm lại cô vừa “tỏ tình quân dân”, vừa tranh thủ “cải thiện đôi mắt” vì đã lâu ngày không có bóng dáng nữ sinh nào để chúng tôi “ngơ ngẩn trông vời áo tiểu thư!”.
Phải khiêm tốn mà tự hào rằng: lính Thuỷ quân sông Lô chúng tôi đi đến nơi nào, đóng quân ở đâu cũng giữ vững tác phong và đạo đức quân nhân, nhất là giữ được quan hệ rất tốt đẹp với phụ nữ, không bao giờ để xảy ra tai tiếng gì. Phải chăng xuất thân từ học sinh, có học, có hiểu biết?
Tháng 3/1994 vừa qua hành hương về thăm lại “vườn xưa chốn cũ” của Thuỷ quân sông Lô chúng tôi được biết cô Tú đã mất. Chuyện chồng con của cô chúng tôi cũng không tiện hỏi. Một nỗi buồn xâm nhập vào chúng tôi bởi “tình cá nước”. Có những người dân đã giúp đỡ bộ đội hết lòng, nay không còn nữa!
5. Chép cho tớ bài thơ hay!
Đóng quân Nghinh Lạp, những ngày chủ nhật, chúng tôi thường rủ nhau ra sông tắm. Không bao giờ chúng tôi chịu tắm dưới dòng các cô gái địa phương. Lúc nào cũng trên dòng. Các cô cũng không chịu. Và cứ thế mà tranh nhau.
Tắm xong, quây quần dưới ánh mặt trời chói chang, ngắm những làn mây xanh ngắt, trong những rừng cọ những bờ tre vi vu tiếng gió, nhìn những cánh đồng ngô non mơn mởn, trong lòng dào dạt, lời ca tiếng hát giọng ngâm cũng vút lên. Tôi thường ngâm bài thơ mà tôi thích nhất cho các bạn nghe:
Năm xưa em nữ sinh,
Mắt huyền lung linh,
Đu đưa mái tóc,
Tiếng guốc thanh bình.
Ta mơ ta hát hề nhan sắc,
Ta gọi thầm em gọi một mình.
Em là hương ngọt vườn trinh
Gió trăng kết bạn đa tình là ta.
Người thâm khuê kẻ xa nhà
Cầu duyên lỗi nhịp, thuyền hoa lỏng chèo...(1)
Không những các bạn đồng đội tôi nghe, mà các cô gái Nghinh Lạp ngồi dưới gió cũng nghe. Chắc các cô, trong đó có cô Tú, thương chúng tôi lắm. Cầu duyên đẹp thế mà phải lỗi nhịp. Thuyền hoa tươi thắm vậy đành nỡ lỏng chèo. “Các cô ơi, có ai bắc lại cầu, chèo lại thuyền được không?”.Các cô cười, đấm lưng nhau thùm thụp...
Không hiểu sao, anh Ngoạn, trung đội phó, biết được bài thơ này? Cô Tú mách chăng? Một hôm anh gặp tôi, thì thầm kín đáo: - H. ơi, chép cho tớ bài thơ Nữ sinh... ấy”.
- Thơ nào? Tôi giả vờ đánh trống lảng.
- Thôi, đừng gây khó khăn nữa. Thuận chép không?
Tất nhiên tôi sẵn sàng chép. Nhất cử lưỡng tiện: vừa được tiếng là giúp đỡ bề trên, vừa đỡ bị “đòn” sau này.
Thì ra, cấp chỉ huy, đứng trước hàng quân “miệng nhà quan có gang có thép”, nhưng ruột gan thì cũng giống như bọn lính chúng tôi.
6. Ông Triết ốm được cô Tú bồi dưỡng!
Ông Triết, trung đội trưởng của chúng tôi, ốm. Sốt. Nằm liệt giường.
Thư ký của ông ta, cậu Bùi Xuân Kiều, lo lắng chạy vạy thuốc thang cơm cháo. Kiều là bạn chí thân của tôi, quê Ninh Bình, người thấp nhỏ, nhưng nhanh nhẹn tháo vát. Kiều cũng như chúng tôi, biết chuyện kín đáo giữa cô Tú và ông Ngoạn. Qua Kiều, chúng tôi được biết: ông Triết cũng chả trách móc gì chuyện đó.
Nhưng - lại Nhưng nữa, trò đời là thế - tuyệt đối bí mật, Kiều rỉ tai tôi: - Tú nó mến tao. Tôi giật bắn người. Chuyện động trời! Sao lại dám chen vào với cấp chỉ huy, trung đội phó Ngoạn? Kiều thanh minh rất thực thà: tao đâu dám. Nhưng thỉnh thoảng thấy Tú nó cho tao bánh. Đang đói, tội gì không lấy. Mấy ngày hôm nay ông Triết ốm. Tao để dành bánh cho ông Triết. Ông ta vừa ăn vừa khen ngon, vừa hỏi bánh mua ở đâu. Tao phải tìm cách nói dối quanh co, chứ tiền đâu mà mua!
Tuần lễ sau, ông Triết đỡ, rồi khoẻ hẳn. Bọn tôi cứ nhìn ông Triết, rồi lại nhìn ông Ngoạn bấm nhau cười: ông Triết khoẻ, một phần nhờ bánh của cô Tú, mà ông Ngoạn đâu có biết. Nhưng chúng tôi vẫn trân trọng quý mến tấm lòng vàng của cô Tú đối với bộ đội. Quả thật “quân với dân như cá với nước”.
7. Báo động cá nhân
Để huấn luyện tinh thần cảnh giác, khẩn trương sẵn sàng chiến đấu, chúng tôi thường bị báo động ban đêm. Đang ngủ say, bỗng “toe”, còi rít lên. Tiếng trung đội trưởng: “báo động”. Thế là chúng tôi phải vùng dậy ngay. Tối đa sau 5 phút, ai nấy phải ra sân tập hợp: quân phục chỉnh tề, lưng mang ba lô đựng toàn bộ tài sản cá nhân như quần áo, chăn màn, sách vở, bát đũa bàn chải đánh răng... vai đeo súng hoặc cuốc xẻng được trang bị. Tập hợp xong, chạy lại chỗ. Chính những pha báo động này mà nhiều chuyện cười ra nước mắt. Có anh không kịp mặc quần dài. Có người không mũ. Có cậu cởi trần. Vì buộc không chặt, khi chạy, có đồng chí bát đũa rơi lủng ngủng. Tội to nhất là không tìm ra “vợ” mình (quên súng).
Trong trung đội tôi, anh Phan Ngọc Vạn thường chậm chạp nhất. Anh Vạn học cao hơn chúng tôi, người mập tròn, đi đứng thong dong, chất thư sinh chưa cải tạo được nhiều. Bỗng một đêm...
TOE! Báo động. Chúng tôi ngồi vùng dậy. Nhưng không. Tiếng trung đội trưởng tuyên bố: “Báo động riêng cá nhân đồng chí Vạn. Các đồng chí khác cứ tiếp tục ngủ”. Chúng tôi muốn phì cười mà không cười được. Trời! Lại có chuyện báo động cá nhân. Sáng tạo lạ! Tôi nằm nghe anh Vạn lục cục thu xếp để chạy ra sân. Vẫn chậm. Vẫn thiếu thứ này thứ khác. Vẫn nghe tiếng bát rơi. Nghĩ mà thương đồng đội.
Sau này phải công nhận rằng: cuộc sống quân ngũ đã rèn luyện chúng tôi có một tác phong khoa học, ngăn nắp, trật tự, khẩn trương, một ý chí kiến cường quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Tháng 5 năm 1994
Hoàng Quốc Hùng

Gặp Capt Nhữ Cao Tài-đội tàu Giải Phóng

Nhữ Cao Tài sinh năm 1940 (theo anh nói),còn lý lịch khai năm 1/1941,quê quán Hà Nam,học sinh Trung Cấp Hàng Hải khóa 1.Là một trong người nhận chiếc tàu Giải Phóng đầu tiên và bàn giao chiếc cuối cùng cho Sovosco sau chiến tranh.Ngôi với Tài,nhớ lại chuyện ngày xưa tại ngôi nhà đẹp đẽ của con gái Tài,số nhà 92D22 khu dân cư Savimex Gò Ô Môi Phú Thuận Quận 7 vào buổi sáng ngày 27/07/09.


Tài cũng là người ưa tranh luận.Khi nhận tàu kéo từ Nhà Máy Đóng Tàu Bạch
Đằng vào năm 1984,anh đã có bài góp ý nêu những cái dở của con tàu này đăng trên Báo Nhân Dân khiến cơ quan thiết kế phải tìm gặp và tiếp thu.Thời gian làm hoa tiêu,anh có xuất hiện trên báo Người Lao Động năm 2005 với bài phỏng vấn của cô phóng viên Bích Hà :
...."Ông Nhữ Cao Tài, 66 tuổi, 13 năm trong nghề “đầu sóng, ngọn gió” này cho biết đa số anh em hoa tiêu khi bước vào nghề đều qua vài năm đi biển hoặc làm thuyền trưởng, đã tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm. Với tính chất công việc phức tạp, đòi hỏi người hoa tiêu phải tập trung cao độ và không được rời khỏi buồng lái, giờ ăn cũng không được nghỉ cho nên nhiều người bảo đây là nghề “cơm bưng nước rót” tận miệng..."

60 NĂM SỰ KIỆN TÀU SÔNG LÔ

Tháng Tám nằm nay,tròn 60 năm sự kiện con tàu Sông Lô tự cháy nổ trên Vịnh Bắc Bộ.Chúng ta thử tìm hiểu sự kiện này và gặp các nhân chứng còn sống:thuyền trưởng Nguyễn Văn Hóa,thợ máy Trần Hữu Thức.chúng tôi cũng cố gắng liên lạc với mạng Net Marine của Hải Quân Pháp và thự viện CAOM tại Aix-de -Provence để tìm hiểu phía bên kia,nhất là quan ba tình báo Faravel,người đã hỏi cung Hóa,Thức...nhưng chưa có kết quả

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2009

Gặp Capt Nguyễn Ngọc Tuyền-đội tàu Giải Phóng

Nguyễn Ngọc Tuyền sinh năm 1940,quê Mỹ Văn Hưng Yên .Tốt nghiệp khóa Trung Cấp Hàng Hải thứ hai (1959-1961) và bắt đầu thủy nghiệp trên tàu Đoàn Kết .Thành viên Đội tàu Giải Phóng,thuyền trưởng chiếc GP-16.Sau chiến tranh,đi trên tàu Aquamarine...Hiện ngụ tại 302 Huỳnh Tấn Phát Quận 7.điện thoại 08-38720963


Một đoạn clip Tuyến kể lại tàu GP-16 vượt bãi lôi để đưa gạo vào Cẩm Phả :

Trong những ngày chiến tranh gian khổ,có một sức mạnh tinh thần nào luôn động viên những người không mặc áo lính này luôn xông ra trận ?Những cuốn nhật ký và cả tập thơ tự sáng tác trong bom đạn với vần thơ "Đời thủy thủ" là những tài sản vô giá