Ngày ấy trên một vùng ngã ba
sông
Trần
Trọng Trung
Hàng năm cứ đến ngày 8 tháng 3, chúng tôi -
những chiến sỹ Thuỷ quân sông Lô năm xưa - lại họp mặt kỷ niệm ngày Bộ Quốc
Phòng ra quyết định thành lập Ban Nghiên cứu Thủy quân.
Mặc dù đã trên dưới nấc thang “thất thập cổ lai hy” (có người như
anh Ngô Hương đã ngoại bát tuần), nhưng xem ra số đông vẫn giữ được phong thái
thời lính trẻ, nhất là mấy nhân vật đã vang bóng nghịch ngợm một thời, như Lê Q
uang Loát, Đỗ Sâm, Nguyễn Thọ Sơn... Cứ mỗi lần họp mặt là một lần cùng nhau ôn
lại những giai thoại về những chàng “lính thuỷ nước ngọt” 50 năm trước, cùng
nhau hát lại những bài hát của thời trai trẻ và trao đổi tâm tình về cuộc sống
đời thường của tuổi già bên cạnh con cháu nội ngoại.
Thấm thoắt thế mà đã nửa thế kỷ!
Nhớ lại hồi đó, khoảng giữa năm 1950, vừa học xong khoá 2 trường
Nguyễn ái Quốc trở về công tác ở Bộ Tổng tham mưu không lâu, tôi được điều làm
Chính trị viên Ban Nghiên cứu Thuỷ quân và lớp Thuỷ quân. Khi trao nhiệm vụ,
trả lời điều băn khoăn thắc mắc của tôi, anh Thái nói:
- Cái hồi Bác Hồ trao nhiệm vụ thành lập Bộ Tổng tham mưu, trong
cán bộ ta đã ai biết gì về công tác Tham mưu đâu...
Rồi anh động viên tôi hãy đem cái vốn kinh nghiệm làm chính trị
viên khoá 2 lớp sỹ quan tham mưu vận dụng vào điều kiện mới. Còn về chuyên môn
hàng hải, tìm hiểu học hỏi anh em thuỷ quân cũ đang làm công tác giảng dạy dưới
đó...
Từ chợ Chu, tôi qua ngã ba Phú Minh, vượt đèo Khế sang Bình Ca rồi
theo đường số 2 xuống Đoan Hùng. Huyện lỵ đã sơ tán hết, vắng vẻ, chỉ còn lèo
tèo vài cái quán nép mình dưới mấy cây to ven đường. Cuộc hành binh Pô-mô-nơ
mùa hè năm trước của quân Pháp khiến cho vùng ngã ba Đoan Hùng chưa lấy lại
cảnh nhộn nhịp của một điểm nút giao thông từ đồng bằng trung du lên chiến khu.
Đang hỏi thăm đường đến chợ Giàn, xã Hùng Quan thì gặp một cán bộ
cũng vừa vào quán nghỉ chân. Nhìn nhau, hai chúng tôi cùng ngờ ngợ như đã từng
gặp nhau ở đâu. Cuối cùng, rồi cũng nhận ra, con người cao cao đó chính là một
cán bộ đã từng công tác ở Hải đoàn bộ, cùng trong khu nhà 18 Nguyễn Du, trụ sở
của Bộ Tổng tham mưu hồi trước kháng chiến toàn quốc. Nhận ra nhau rồi, được
biết anh đang công tác ở Ban Nghiên cứu Thuỷ quân. “May sao, may khéo là may”,
tôi được anh Quế dẫn đường về cơ quan.
Dọc đường tôi tranh thủ tìm hiểu tình hình của Ban và của lớp thuỷ
quân. Khoá 1 vừa kết thúc. Tháng 6 vừa qua, gần 100 học viên đã lên đường sang
nước bạn để bổ túc thêm vì có thực tế môi trường ven biển và hải đảo. Một số
cán bộ đang đi chiêu sinh, chuẩn bị cho khoá tiếp theo. Khác với khoá 1, học
sinh khoá này tuyệt đại đa số là học sinh trung học vừa nhập ngũ. Cán bộ phụ
trách hiện nay là hai anh Nguyễn Văn Khương và Trần Đình Vọng, trưởng và phó
ban. Anh Nguyễn Việt, chính trị viên, đã lên đường sang Trung Quốc cùng với anh
em học viên khoá 1. Tôi thầm nghĩ: như vậy là về mặt công tác Đảng và công tác
chính trị, tôi sẽ nhận nhiệm vụ mà không có sự bàn giao giữa Cấp uỷ khoá 1 và
Ban cán sự Đảng khoá 2.
Anh Quế dẫn tôi đến căn nhà tranh ở sườn đồi phía sau làng Cỏ. Ban
Chỉ huy không có chỗ riêng mà ở chung với đồng bào địa phương. Tuy không quen,
nhưng đã từng gặp trong một vài hội nghị ở Bộ Tổng tham mưu nên anh Khương, anh
Vọng và tôi nhận ra nhau ngay. Sau một buổi trao đổi sơ bộ trong nội bộ Ban phụ
trách và gặp gỡ thăm hỏi anh em giáo viên, mấy hôm sau chúng tôi bàn việc chuẩn
bị khai giảng khoá học sắp tới.
Đội ngũ giáo viên vẫn chia thành ba ban chuyên môn: Hàng hải,
Thông tin, Điện cơ, do anh Nguyễn Văn Quế làm tổ trưởng huấn luyện. Các anh đã
có kinh nghiệm khoá 1. Qua những buổi đầu tiếp xúc và được anh Khương, anh Vọng
cho biết, điều đáng quý trong đội ngũ giáo viên không chỉ là kiến thức về
chuyên môn mà cái chính là nhiệt tình trách nhiệm trong công tác giảng dạy.
Ngay từ khoá trước, các anh đã góp phần công sức đặt những viên gạch đầu tiên
xây dựng ngành Thuỷ Quân từ buổi đầu trứng nước. Chính với tinh thần trách
nhiệm và lòng say mê nghề nghiệp mà các anh đã tìm mọi biện pháp khắc phục khó
khăn thiếu thốn để có những phương tiện huấn luyện tối thiểu trước ngày lớp học
khai giảng. Đúng là các anh đã “đi từ hai bàn tay trắng” với đầy đủ nghĩa đen
và nghĩa bóng của cụm từ đó. Với trí nhớ và sự hiểu biết về tầu chiến của Pháp,
các anh đã làm được những mô hình (maquette) tầu tuần dương, khu trục, hàng
không mẫu hạm: đã tự đóng xuồng để học sinh chèo lái; tự làm ra những phương
tiện thông tin thô sơ (cờ, đèn...) để dậy cách liên lạc trên biển. Có những thứ
(ví dụ như máy nổ) có thể đi nhờ sự giúp đỡ của các cơ quan bạn, cũng có những
thứ đành phải giới thiệu bằng hình vẽ, như la bàn đi biển hay những phương tiện
thông tin hiện đại về Hàng Hải.
Do chức năng, nhiệm vụ của mình, cho nên một trong những công việc
đầu tiên của tôi khi bàn việc chuẩn bị khai giảng khoá học là nghiên cứu phương
án triển khai công tác Đảng, công tác chính trị. Điều đáng quan tâm là lực
lượng Đảng viên quá mỏng, cả trong đội ngũ giáo viên và học viên. Trong anh em
giáo viên chỉ có một vài Đảng viên và một số trợ giáo (mới tốt nghiệp khoá
trước) là trong diện cảm tình Đảng.
Khi bàn về công tác Đảng, công tác chính trị, Ban Cán sự chúng tôi
chú ý nghiên cứu tìm hiểu về anh em giáo viên chuyên môn, những người đóng vai
trò rất quan trọng đối với kết quả khoá học. Qua đôi lần tiếp xúc, được biết
các anh đã từng trải qua cuộc sống của những chuyên viên kỹ thuật hàng hải trên
các tầu biển của Pháp, đã từng đặt chân tới những thành phố cảng lớn như
Mác-xây, Tu-lông, Niu-Yoóc, Hồng Kông... Mỗi khi tầu cập bến, thuỷ thủ lên bờ
với bộ cánh trắng, là thẳng tắp. Có anh thuộc dòng dõi quý tộc. Có anh lấy tên
Tây, lại có anh công giáo toàn tòng, còn rất tin ở đức Chúa Trời... Cách mạng
Tháng Tám thành công, các anh đem kiến thức chuyên môn phục vụ hoạt động của
lực lượng vũ trang trên chiến trường sông biển, từ Thuỷ đội Bạch Đằng ở Khu 5
đến vùng duyên hải Đông Bắc và cơ quan Hải đoàn bộ thuộc Bộ Tổng tham mưu từ
những ngày trước kháng chiến toàn quốc. Khi Ban Nghiên cứu Thuỷ quân thành lập,
các anh là những người đầu tiên đem hiểu biết truyền đạt lại cho lớp trẻ, từ
khoá trước đến khoá 2 này. Ban cán sự đánh giá cao sự hiểu biết và sự đóng góp
của các anh, đồng thời xác định phương hướng giúp đỡ các anh về mặt chính trị,
một lĩnh vực các anh còn ít quan tâm “vì quá khô khan”.
Bên cạnh giáo viên chuyên môn là đội ngũ cán bộ làm công tác huấn
luyện quân sự, cấp trung và đại đội. Các anh đều đã tốt nghiệp Trường Lục quân
Trần Quốc Tuấn, từ khoá 2 đến khoá 5. Một số đã là Đảng viên. Từ khoá 1, không
mấy ai là không biết tiếng ông Lê Trường Đa, được mệnh danh là “ông Đa đi đều
bước”. Anh là một cán bộ rất thương yêu bộ đội nhưng cũng rất nghiêm khắc trong
chấp hành điều lệnh. Còn cán bộ trung đội, xuất thân từ “lò luyện quân” khoá 4
ở vùng núi Guộc - Phúc Trìu, Thái Nguyên, nổi tiếng về rèn luyện quân phong
quân kỷ.
Đối tượng thứ ba - được coi là trọng tâm - đó là học viên. Anh
Phương và anh Hiệu đã ít nhiều có kinh nghiệm lãnh đạo anh em thanh niên học
sinh trung học từ khoá trước. Hôm từ ngã ba Đoan Hùng về cơ quan, tôi đã có dịp
trao đổi với anh Quế về những thanh niên mà anh đang chiêu sinh chuẩn bị cho
khoá 2. Mấy ngày theo dõi anh em tề tựu tập trung về lớp, một đặc điểm rất đáng
ghi nhận là, tuổi trẻ và ý thức giác ngộ chính trị đã giúp cho anh em nhanh
chóng hoà quyện với nhau, đoàn kết tương thân tương ái trong công tác và trong
sinh hoạt ngay từ những ngày đầu tựu trường. Hơn 100 thanh niên mới rời ghế nhà
trường để “nhập ngũ vào lính thủy”, có một nét rất chung là thông minh, tháo
vát, một số nổi bật là khá nghịch ngợm - nét đặc trưng của tuổi học trò. Như
sau này nhiều anh em nhớ lại, không ít người
đăng ký nhập ngũ với những suy nghĩ mộng mơ rất trẻ và cũng rất lãng mạn: “giầy
trắng, quần áo trắng, mũ trắng có chóp bông đỏ, đứng tựa lan can tầu sạch bóng,
nhìn mây, ngắm nước...”. So với cuộc sống kháng chiến hồi đó (1950-1951) ước mơ
trên đây được coi là “tạch tạch xè” (tiểu tư sản). Nhưng rồi thực tế những ngày
lao động xây dựng trường sở, bộ quần áo vệ quốc đoàn nhuộm bằng lá cơi, doanh
trại bằng tre nứa lá, những bữa ăn không đủ no đối với cái tuổi bẻ gẫy sừng
trâu và nhất là một tháng “cầy vỡ tân binh”, tất cả đã đưa những chàng trai
đáng yêu ấy thích ứng với cuộc sống của người “lính thuỷ nước ngọt” ở vùng ngã
ba sông Lô - sông Chảy.
Hôm lên đường đi nhận nhiệm vụ, cơ quan chính trị Bộ Tổng tham mưu
trao cho tôi quyết định thành lập Ban Cán sự Đảng Ban Nghiên cứu Thuỷ quân và
lớp Thuỷ quân, trực thuộc Đảng bộ Bộ Tổng tham mưu. Ban cán sự gồm có 3 người:
Trần Lưu Phương và Nguyễn Khổng Hiệu (tiểu đoàn trưởng và chính trị viên tiểu
đoàn học viên) và tôi (bí thư Ban Cán sự kiêm chính trị viên Ban Nghiên cứu và
lớp Thuỷ quân).
Theo phương hướng chỉ đạo của trên, công tác giáo dục lãnh đạo tư
tưởng trong thời kỳ này tập trung vào việc quán triệt đường lối kháng chiến của
Đảng và bản chất cách mạng của Quân đội nhân dân. Trước mắt đối với anh em học
viên với bước vào thời quân ngũ, cần nhanh chóng tạo điều kiện cho anh em thích
ứng với môi trường mới, nhất là trong thời kỳ rèn luyện tân binh, những ngày
thử thách đầu tiên mà các anh sắp phải trải qua. Về lâu dài, mặc dù cuộc kháng
chiến phát triển thuận lợi, nhưng khó khăn không ít. Cần giáo dục khắc phục mọi
tư tưởng ngại gian khổ hy sinh, tư tưởng ỷ lại vào nước ngoài. Phương hướng
phát triển Đảng nhằm vào số cán bộ sơ cấp và các trợ giáo, đặc biệt là những
anh em đã trong diện cảm tình Đảng...
Sau một tháng rèn luyện tân binh, chương trình chuyên môn Hàng hải
bắt đầu, xen kẽ với chương trình học tập chính trị chính khoá. Điều mà cán bộ
Đảng viên quan tâm là vận dụng công tác quân sự bộ binh sao cho phù hợp yêu cầu
chiến đấu trên sông biển. Ví như, bắn súng bộ binh trên tàu thuyền, ca nô, tiếp
cận bờ, bám mục tiêu, triển khai đội hình chiến đấu... Bên cạnh đó là những nội
dung thuần tuý Hàng hải do giáo viên chuyên môn trực tiếp huấn luyện, từ tập bơi
lặn, chèo lái xuồng ca nô, đến sử dụng hải đồ, vận dụng kinh nghiệm dân gian để
tìm phương hướng trên biển, sử dụng phương tiện thông tin hàng hải...
Tài liệu giáo dục chính trị cơ bản là cuốn Kháng chiến
nhất định thắng lợi của Tổng bí thư Trường Chinh, kết hợp với những
buổi sinh hoạt tập trung nghe thời sự hoặc nghiên cứu một số tài liệu ngoại
khoá, như Thanh niên tính, Giai cấp tính và các bài viết
của các đồng chí lãnh đạo trên tờ Sự thật, Cứu quốc v.v...
Tôi còn nhớ, sau buổi giới thiệu tài liệu Thanh niên tính
(xin được của anh Lý Ban nhân một buổi lên Bộ họp), tôi hỏi ý kiến một số học
viên: Làm thế nào, dùng hình thức gì để cải thiện sinh hoạt văn hoá tinh thần
cho phù hợp với tâm tư tình cảm của tuổi trẻ? Anh em cho biết: thỉnh thoảng,
sau bữa cơm chiều (trước giờ sinh hoạt tối), nhiều anh em thường ra ngồi trên
bãi cỏ bên bờ sông Chảy, với cây đàn ghi ta, cùng nhau hát và trao đổi với nhau
về những vấn đề mang tính văn hoá lành mạnh. Tôi quyết định tham gia cùng anh
em với hy vọng tìm thêm hình thức hoạt động công tác chính trị cho phù hợp với
điều kiện lớp học.
Lúc đầu, có anh em dè dặt “vì sự có mặt của Chính trị viên”. Nhưng
rồi chúng tôi nhanh chóng hoà với nhau, cùng nhau nói chuyện về thơ, về truyện
Kiều, Chinh Phụ Ngâm... Chỉ một vài buổi đầu tiên cũng đủ nhận thấy nhiều anh
em có năng khiếu văn học và hiểu biết khá sâu ngay từ những ngày ngồi trên ghế
nhà trường trung học. Có anh thích đọc và nhớ khá nhiều bài thơ của Vich-to
Huy-gô, trong đó có bài Sau trận đánh (Après la bataille)
chan chứa tình người và đặc biệt là một bài thơ rất hợp với những suy nghĩ lãng
mạn của những chàng thuỷ thủ tương lai, bài Đêm trên đại dương (Nuit
sur l’océan), trong đó có câu:
“Ôi biết bao thuyền viên, thuyền trưởng
Vui ra đi những chuyến viễn dương...”
Cũng có anh thích bình những bài thơ hay nhất của Xuân Diệu,
Nguyễn Bính, rồi đặt ra những câu hỏi rất khó trả lời, ví như vì sao Xuân Diệu
thích Ranh-bô và Véc-len (“hai chàng thi sĩ choáng hơi men”)?.
Điều đáng trân trọng là anh em rất có ý thức, chỉ dừng lại ở mức
sinh hoạt văn hoá mang tính thư giãn lành mạnh sau một ngày học tập căng thẳng.
Chẳng thế mà đã không có người nào hưởng ứng ý kiến ai đó muốn bình luận về
bài thơ của Phê-lích ác-ve (1806-1850).
Đây là một bài xon-nê rất nổi tiếng, đã từng được ghi trong từ điển La-rút-xơ,
nhưng vì nhan đề Tình tuyệt vọng và mang nội dung uỷ mị,
không phù hợp với điều kiện sinh hoạt chính trị tư tưởng trong những ngày kháng
chiến gian khổ hồi đó.
Cứ như thế, nhóm anh em yêu thơ nhạc này trở thành hạt nhân văn
hoá văn nghệ của lớp, một “câu lạc bộ” nhỏ, không chính thức, sinh hoạt không
định kỳ, ngoài giờ. Tôi thường tranh thủ họp mặt với anh em, nhưng không được
đều. Tôi gọi là “hạt nhân văn hoá văn nghệ” vì ngoài những buổi sinh hoạt nhóm
nhỏ mang tính thư giãn ra, anh em còn đóng vai trò nòng cốt trong các cuộc liên
hoan văn nghệ nội bộ. Cũng chính do đề nghị của anh em mà lớp học có thêm những
buổi nói chuyện chung về nhiều đề tài khác nhau, từ các chiến dịch
Xta-lin-grát, Béc-lin, cuộc Vạn lý trường chinh, đến các nhân vật nổi tiếng
trong chiến tranh Xô - Đức như Xtalin, Giucốp v.v...
Một trong những buổi nói chuyện đáng ghi nhớ là buổi nói về chiến
thắng Biên giới.
Khoảng cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 1950, tôi được đi dự Hội
nghị tổng kết chiến dịch Lê Hồng Phong II (chiến dịch giải phóng Biên giới Đông
Bắc). Sau hội nghị, cơ quan chính trị Bộ Tổng tham mưu hướng dẫn mục đích tuyên
truyền về chiến thắng có tầm cỡ chiến lược quan trọng này là nhằm làm cho bộ
đội và nhân dân thấy được mấy nội dung chủ yếu sau đây: 1/ Đây là chiến dịch
lớn nhất của quân đội ta sau 5 năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp và đã
giành thắng lợi vượt mức yêu cầu (diệt 8 tiểu đoàn tinh nhuệ của địch); 2/ Biên
giới khai thông, do đó ta có điều kiện mở rộng quan hệ giao lưu quốc tế, trước
hết là với Liên Xô và Trung Quốc; 3/ Chiến thắng Biên giới đánh dấu một mốc
chiến lược quan trọng, tạo nên một bước ngoặt của cuộc kháng chiến.
Nói chuyện với học viên, điều mà anh em thích
thú nhất là những mẩu chuyện về Bác hồ đi chiến dịch, từ việc Bác theo dõi động
viên bộ đội giữ vững quyết tâm khi trận đánh mở màn (diệt cứ điểm Đông Khê) gặp
khó khăn phải kéo dài thời gian, đến việc Bác hoá trang đi thăm hỏi bộ đội,
thương binh, dân công và gặp cả những sỹ quan tù binh Pháp; rồi chuyện địch,
chuyện đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ bị chảy máu dạ dày, không chịu lui về hậu
tuyến, vẫn nằm trên cáng để chỉ huy bộ đội truy kích địch: rồi những mẩu chuyện
về tình cảnh hỗn loạn của hai binh đoàn địch trong quá trình bị quân ta chia cắt và tiêu diệt...
Cuộc nói chuyện đã thực sự đem lại cho toàn thể giáo viên và học
viên một niềm phấn khởi trước chiến công to lớn của đồng đội.
Nhóm hạt nhân văn hoá văn nghệ tồn tại và phát huy tác dụng trong
suốt khoá học và một điều bất ngờ đã đến với tôi, 46 năm sau. Năm 1996, một
người bạn từ miền Nam ra thăm và tặng một tập thơ gồm 50 bài, do nhà xuất bản
Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản. Tập thơ nhan đề Em ơi - Thời
gian tác giả chính là người bạn trẻ đến thăm hôm đó - Trịnh Thế, một
thành viên Lính thuỷ sông Lô năm xưa. Trong tập thơ có bài anh viết từ năm
1946, khi mới ở tuổi 16.
Xin trở lại với khoá học của chúng tôi ở vùng ngã ba sông Lô -
sông Chảy.
Khoảng giữa tháng 4 năm 1951, khoá 2 vừa kết thúc thì anh em khoá
1 từ Trung Quốc về nước. Ngày 29 Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái xuống trực
tiếp chỉ thị cho cán bộ phụ trách cả hai khoá chuẩn bị chuyển hướng hoạt động
của Ban Nghiên cứu Thuỷ quân. Điều kiện cụ thể của cuộc kháng chiến lúc này đỏi
hỏi giản chính biên chế cơ quan Bộ để tập trung cán bộ xây dựng các đại đoàn
chủ lực và tăng cường cán bộ ra phía trước. Mấy trăm cán bộ của cả hai khoá
thuỷ quân cũng trong diện đó. Bộ chỉ thị cho chúng tôi cùng cơ quan quân lực
nghiên cứu cụ thể từng đối tượng, hoặc điều ra chiến đấu vùng duyên hải Đông
Bắc (chủ yếu là anh em bộ đội và du kích vùng biển vừa tham gia lớp huấn luyện
khoá 1) hoặc điều về các đại đoàn, trước hết là đại đoàn công pháo 351.
Phải thú nhận rằng việc giải thể Ban Nghiên cứu Thuỷ quân hai khoá
huấn luyện là điều bất ngờ đối với chúng tôi. Anh em học viên đang nô nức chờ
đợi nhiệm vụ mới, chờ đợi vận dụng những kiến thức vừa tiếp thu được về hàng
hải. Vấn đề đặt ra là phải triển khai công tác tổ chức, công tác chính trị tư
tưởng như thế nào mà không gây nên sự hẫng hụt trong một số người, nhất là nhưng
anh em không được phân công ra chiến đấu ở Đông Bắc. Chúng tôi ghi nhớ lời dặn
của anh Thái (Tổng Tham mưu trưởng) cấp uỷ, từng tổ Đảng và đảng viên phải tự
xác định nhận thức và tư tưởng rằng chủ trương tạm thời giải thể lúc này là
đúng, là phù hợp với yêu cầu phát triển của cuộc kháng chiến. Khi phổ biến
nhiệm vụ cho chúng tôi, Tổng Tham mưu trưởng nhấn mạnh: chúng ta không hứa hẹn
xuông, nhưng chắc chắn khi điều kiện cho phép tổ chức lực lượng Hải quân, các
anh em học sinh này sẽ là những người đầu tiên được Bộ triệu tập về và sẽ trở
thành “những hạt giống đỏ” của Hải quân Việt Nam sau này.
Suốt tháng 5, hàng loạt công tác được triển khai dồn dập nhằm
nhanh chóng thực hiện chủ trương của Bộ: sinh hoạt chính trị, đả thông tư
tưởng, phân bố cán bộ và học viên của cả hai khoá, giải quyết những vấn đề còn
lại về quản lý hành chính, cơ sở vật chất...
Trong không khí khẩn trương nhộn nhịp ấy, không khỏi có những biểu
hiện tâm lý nuối tiếc và tình cảm bạn bè quyến luyến trước ngày chia tay, nhất
là sau khi công bố danh sách theo phân công cụ thể. Kẻ ra Đông Bắc, người xuống
đại đoàn, hôm chia tay không ai dự kiến trước ngày gặp lại và - tuy không nói ra- không ai biết trước cuộc
đời binh nghiệp của mình liệu còn có dịp trở lại gắn bó với Hải Quân?
Phải hơn bốn mươi năm sau, với sự ra đời của Ban liên lạc Cựu
chiến binh Thuỷ quân (BTTM), bài toán mới có lời giải trong cuộc họp mặt đầu
Xuân Quý Dậu - 1993. Sau bốn mươi hai năm - một khoảng thời gian dài ngoài dự
kiến - mới có dịp báo cho nhau ai còn ai mất, anh nào còn trong quân ngũ anh
nào đã ra ngoài trước ngày nghỉ hưu và đặc biệt là những ai hiện còn là “hạt
giống đỏ” trong quân chủng Hải quân? Được biết, ngay sau hiệp định Giơ-ne-vơ
được ký kết, Bộ đã giữ lời hứa, điều động ngay một số anh em về tham gia chuẩn
bị thành lập Cục Phòng thủ bờ biển. Trong đó, có nhiều anh em còn tham gia công
tác trong quân chủng Hải quân cho đến ngày nghỉ hưu. Ai nấy đều vui mừng khi
được tin dù xuống đơn vị chiến đấu hay về các cơ quan Bộ hoặc Liên khu, hoàn
cảnh môi trường cụ thể khác nhau, kể cả trước những thử thách ác liệt nhất, tất cả anh em đều
hoàn thành nhiệm vụ, có anh ngã xuống trên chiến trường địch hậu Đông bắc. Và một “mẫu số
chung” là mỗi người chúng tôi đều rất tự hào về bản chất anh bộ đội cụ Hồ, cũng
như chưa ai hề quên những kỷ niệm một thời trai trẻ của những chàng “Lính thuỷ
nước ngọt” trên một vùng ngã ba sông.