Thứ Tư, 31 tháng 3, 2010

Vinashin qua bình luận của báo Tiền Phong

Cận cảnh con tàu Vinashin: Tập đoàn 2N-Nóng và nợ

TP - Sau một thời gian phát triển nóng, đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận lại hiệu quả hoạt động của Tập đoàn này để có những điều chỉnh kịp thời, đưa con tàu khổng lồ Vinashin theo đúng hướng.

Tập đoàn kinh tế Vinashin được thành lập ngày 15 tháng 5 năm 2006. Đây là tập đoàn hoạt động sản xuất kinh doanh đa sở hữu, trong đó sở hữu Nhà nước là chi phối, trên cơ sở sắp xếp tổ chức lại Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con.

Ảnh: Đình Quân

Với hàng loạt hợp đồng đóng tàu được ký kết cùng đối tác nước ngoài, đã không ít lần Vinashin được xếp vào hàng “đại gia” trong lĩnh vực đóng tàu và đưa Việt Nam lên top 5 nước đóng tàu hàng đầu thế giới. Đằng sau những vinh quang hào nhoáng đó là gì? Tại thời điểm 31-12-2007, nợ phải trả theo báo cáo tài chính của Tập đoàn là trên 70.700 tỷ đồng ( chiếm 91,45% tổng tài sản của Tập đoàn). Có thể gọi đây là Tập đoàn 2N: Nóng và nợ

Giá trị Vinashin = nợ là chính!

Chỉ một năm rưỡi sau ngày thành lập Tập đoàn, số đơn vị thành viên của Vinashin đã tăng thêm 46. Trong đó, Tập đoàn thành lập mới 37 đơn vị và tiếp nhận từ các đơn vị khác 9 công ty.

Sự phát triển về số lượng doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh là rất nóng và hệ quả kéo theo là các khoản vốn đầu tư tăng lên chóng mặt. Qua thanh tra tại 11 đơn vị thành viên Tập đoàn có 48 công ty con đã lộ ra nhiều con số đáng quan tâm.

Theo báo cáo của Công ty mẹ và các công ty thành viên, tổng giá trị tài sản của Tập đoàn đến hết năm 2007 là 77.322 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn đảm bảo giá trị gồm: Vốn chủ sở hữu: 6.613 tỷ đồng chiếm 8,5%. Còn lại là nợ chiếm tỷ lệ 91,4%, tương đương gần 71.000 tỷ đồng.

Thanh tra tại 10 đơn vị thành viên của Tập đoàn cũng cho thấy, tổng giá trị tài sản của các đơn vị này là gần 37.100 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ là con số rất khiêm tốn 464 tỷ đồng.


Trụ sở Tập đoàn Kinh tế Vinashin tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Yên

Vốn điều lệ: chiếc bánh vẽ

Không chỉ tạo nên siêu giá trị bằng những khoản vay khổng lồ chiếm đến 91% tổng giá trị doanh nghiệp, qua quá trình kiểm tra cũng phát lộ nhiều vấn đề về việc đăng ký vốn điều lệ của Tập đoàn cũng như một số công ty thành viên của Tập đoàn Vinashin.

Theo tổng hợp đăng ký kinh doanh của các đơn vị thành viên thì vốn điều lệ của toàn tập đoàn đến hết năm 2007 lên đến 23.131 tỷ đồng. Tổng số vốn điều lệ này được cơ cấu: Góp bằng thương hiệu: 1.694 tỷ đồng; góp bằng tiền, tài sản: 18.993 tỷ đồng; góp từ các cổ đông khác là 2.443 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, cơ quan chức năng đã chỉ ra, tổng số nguồn vốn kinh doanh được phản ánh trên báo cáo tài chính của Tập đoàn tại thời điểm 31-12-2007 chỉ là 7.022 tỷ đồng. Qua đây có thể thấy rằng, vốn điều lệ thực có của Tập đoàn trên thực tế chỉ bằng 31%. Còn thiếu so với số vốn đã đăng ký là 69% (tương đương 17.112 tỷ đồng).

Tại 10 đơn vị thành viên lớn của Tập đoàn Vinashin, vốn điều lệ theo đăng ký kinh doanh là 9.455 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu thực có đến hết ngày 31-12-2007 chỉ là 464 tỷ đồng, chỉ chiếm 4,9% so với số vốn đã đăng ký.

Trong 10 đơn vị thành viên này có 48 Cty con với vốn điều lệ mà các Cty thành viên đầu tư vào các Cty con lên đến con số 5.872 tỷ đồng. Nhưng đến hết năm 2007, vốn thực có tại các Cty con chỉ là 502 tỷ đồng. Trong đó, các Cty thành viên đóng tiền và tài sản bằng 8,56% so với số vốn đã đăng ký.

Kiểm tra cho thấy các đơn vị thành viên đã sử dụng hết vốn chủ sở hữu của mình, đồng thời còn huy động thêm vốn vay để góp vốn vào các Cty con trực thuộc.

Vay dài hạn: Gần 3 tỷ đô la

Như đã đề cập, Tập đoàn Vinashin chỉ trong một thời gian ngắn đã huy động các khoản vốn vay lên đến 70.700 tỷ đồng. Đặc biệt trong số đó có đến trên 43.700 tỷ đồng được vay dài hạn. Vậy tiền từ đâu đổ về Vinashin nhiều đến vậy, trong khi việc tiếp cận các nguồn vốn đối với hầu hết doanh nghiệp Việt Nam không phải là chuyện dễ?

Trước hết phải kể đến khoản vay 750 triệu đô la tương đương 12.085 tỷ đồng đã làm cho thương hiệu của Vinashin nổi như cồn. Và nhờ khoản vay này, Vinashin được xem như “người hùng” trong số các tập đoàn, tổng Cty nhà nước.

Tập đoàn có 150 đơn vị trực thuộc, với 71.000 lao động, gồm: Công ty mẹ, các công ty con gồm: 35 doanh nghiệp nhà nước, 33 Cty TNHH nhà nước một thành viên, 70 công ty cổ phần, 7 trường nghiệp vụ, 5 công ty liên doanh liên kết. Tổng sản lượng của toàn tập đoàn năm 2007 là 27.500 tỷ đồng.
Theo quyết định 914 ngày 1-9-2005, Thủ tướng Chính phủ cho phép tập đoàn Vinashin vay lại vốn phát hành trái phiếu Chính phủ phát hành ra thị trường quốc tế để thực hiện mục tiêu hiện đại hoá và nâng cấp ngành đóng tàu biển và giao cho Bộ Tài chính theo dõi, quản lý.

Trái phiếu quốc tế được phát hành vào ngày 3-11-2005 lãi suất 6,875 %/năm, trả gốc một lần vào ngày 15-1-2016, trả lãi 6 tháng một lần vào ngày 15-1 và 15-7 hàng năm.

Để có khoản vay này, đơn vị được vay còn phải chịu một khoản phí gọi là phí phát hành trái phiếu quốc tế trả một lần 168 tỷ đồng. Sau khi có khoản tiền lớn trong tay, Tập đoàn đã uỷ thác cho Công ty Tài chính Công nghiệp tàu thuỷ quản lý và cho các đơn vị trong Tập đoàn vay.

Ngoài khoản vay nói trên, Vinashin còn vay nước ngoài số tiền 600 triệu đô la, tương đương 9.657 tỷ đồng. Ngày 22-6-2007, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho Tập đoàn vay 600 triệu đô la của 15 ngân hàng và 2 quỹ đầu tư nước ngoài do ngân hàng nước ngoài (Credit Suisse CN Singapore) sắp xếp tín dụng cho vay.

Sau đó, ngày 25-6-2007, Tập đoàn nhận được số tiền vay 600 triệu đô la, lãi suất Libor 6 tháng + 1,5%/năm (năm 2007 lãi suất bình quân 6,8%/năm) trả nợ gốc 6 tháng một lần vào ngày 25-6 và 25-12 hằng năm mỗi lần trả 60 triệu đô la...

Để vay được số tiền này, Vinashin cũng phải nộp khoản phí thu xếp tín dụng cho vay trả một lần 8 triệu đô la. Số tiền vay nước ngoài 600 triệu đô la, Tập đoàn cũng ủy thác cho Công ty Tài chính Công nghiệp tàu thủy quản lý và cho các đơn vị thuộc Tập đoàn vay.

Ngoài hai khoản vay khổng lồ trên trong năm 2006 và 2007, Tập đoàn còn nhận được nguồn vốn từ 6 lần phát hành trái phiếu trong nước với số tiền 8.300 tỷ đồng, gồm: Phát hành đợt 1 (tháng 9-2006) số tiền 500 tỷ đồng; Đợt 2 (tháng 11-2006), số tiền 300 tỷ đồng. Đợt 1 và đợt 2 lãi suất phát hành là 9,6%/năm. Đợt phát hành thứ 3 (tháng 1/2007), số tiền 500 tỷ đồng, lãi suất 10,5%/năm, sau 5 năm trả gốc một lần.

Chỉ 13 ngày sau, 18-1-2007, Vinashin phát hành lần thứ 4 số tiền lên đến 1.000 tỷ đồng, lãi suất 10,5%/năm, sau 10 năm trả gốc một lần. Đáng lưu ý là đợt phát hành thứ 5 số tiền lên đến 3.000 tỷ đồng, đợt phát hành thứ 6 cũng có số tiền lên đến 3.000 tỷ đồng. Số tiền này đều được Vinashin đầu tư vào các dự án đóng tàu, nâng cấp hạ tầng công nghiệp đóng tàu tại các đơn vị thành viên...

Ngoài các khoản vay quốc tế, 6 đợt phát hành trái phiếu trong nước, Vinashin còn có các khoản vay khác lên đến 13.672 tỷ đồng. Trong đó Công ty mẹ vay 805 tỷ đồng, các Cty con trực tiếp vay 12.866 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ các khoản vay dài hạn đã biến Vinashin thành con nợ khổng lồ với số tiền lên đến trên 43.700 tỷ đồng, tương đương với gần 3 tỷ đô la (theo tỷ giá năm 2007). Ngoài ra, Tập đoàn này còn lãnh khoản nợ ngắn hạn 26.993 tỷ đồng.

Vay để cho vay cao hơn lãi suất huy động

Điều đáng lưu ý là, ngay sau khi đi vay được vốn, Tập đoàn Vinashin lại đóng vai là bên cho các đơn vị con vay lại với lãi suất cao hơn lãi suất huy động.


Tàu đang được hoàn thiện tại nhà máy đóng tàu Nam Triệu. Ảnh: P.D


Cụ thể: Lãi suất cho vay từ nguồn trái phiếu quốc tế cao hơn 2,96%/năm; các khoản cho vay khác cao hơn từ 2 đến 3%/năm. Như vậy thay vì tạo sự thuận lợi vì được nương nhờ ở Tập đoàn (Công ty mẹ), việc được vay với lãi suất cao đã ảnh hưởng lớn đến giá thành sản xuất của các công ty con, làm cho giá thành sản xuất cao hơn so với các đơn vị không vay vốn của Tập đoàn mà tự huy động vốn tại cùng thời điểm.

Chỉ trong thời gian ngắn sau khi lên Tập đoàn, Vinashin đã gánh trên mình khoản nợ 70 ngàn tỷ đồng. Trong lúc nợ nần chồng chất, đáng ra Tập đoàn này phải biết chắt chiu từng đồng vốn nhưng trái lại Tập đoàn này đã vung tay quá trán.


Phùng Sưởng
Đầu tư hàng trăm triệu đô “ôm” tàu quá đát

>> Cận cảnh con tàu Vinashin: Tập đoàn 2N-Nóng và nợ

TP - Chỉ trong thời gian ngắn sau khi lên hạng Tập đoàn, Vinashin đã phải gánh trên mình khoản nợ 70 ngàn tỷ đồng. Trong lúc nợ nần chồng chất, Tập đoàn và một số Cty thành viên lại vung tay tiêu tiền một cách đáng kinh ngạc.



Trăm tỷ đồng mua tàu sắt vụn

Câu chuyện khôi hài quá mức lại có thật. Số là, ngày 31-3-2006, Chủ tịch Tập đoàn Vinashin đã ký quyết định số 473 CNT/QĐ-KHĐT để Tổng Cty CNTT Nam Triệu nhận bàn giao tàu Bạch Đằng Giang từ Cty TNHH 1 thành viên Vận tải Viễn Dương với giá trị 155 tỷ đồng (làm tròn).

Tàu Bạch Đằng Giang được Cty Xuất nhập khẩu vật tư tàu thủy mua từ năm 2000, năm 2001 nó được hoán cải một lần, đến năm 2003 được nâng cấp một lần nữa; đến hết tháng 7-2008, Tập đoàn Vinashin và các đơn vị liên quan chưa cung cấp được hồ sơ, lai lịch và quá trình hoạt động của con tàu cho cơ quan chức năng.
Sau tiếp nhận con tàu, thay vì sự vui mừng khi có thêm phương tiện kinh doanh, Tổng Cty CNTT Nam Triệu lại phải lo sửa chữa chiếc tàu già nua.

Đơn vị đã phải đầu tư thêm 13 tỷ đồng cho tàu Bạch Đằng Giang để phá dỡ bê tông trên tàu gồm chi phí ban quản lý dự án, lãi vay, chi phí khác. Như vậy tàu Bạch Đằng Giang sau khi về với Tổng Công ty Nam Triệu đã đội giá lên thành 168,8 tỷ đồng (khoảng 10 triệu đô la).

Điều đáng nói là để đầu tư con tàu này, Tổng Cty Nam Triệu được dùng 106 tỷ đồng từ khoản trái phiếu quốc tế (750 triệu đô la). Nhưng điều trái khoáy là con tàu trị giá 10 triệu đô dù được hà hơi, thổi ngạt nhưng vẫn chết lịm không thể hoạt động được. Vì sao?

Theo xác định ban đầu nguyên nhân con tàu “ không thể nhổ neo” là do hệ thống máy móc hư hỏng không còn hoạt động; phần vỏ, nội thất đã xuống cấp trầm trọng; cabin, bề mặt boong tàu đã han rỉ, thủng mục.

Để sớm cứu vãn con tàu già nua này, Tập đoàn Vinashin lại nghĩ ra chiêu mới đưa con tàu lên khỏi cõi viễn dương. Ngày 15-6-2006, Chủ tịch Tập đoàn có quyết định số 943/CNT-KHĐT thực hiện hoán cải tàu Bạch Đằng Giang thành khách sạn nổi 4 sao.


Tàu Hoa Sen được đầu tư 60 triệu Euro (1.300 tỷ đồng) nhưng không thể khai thác được và đang neo đậu tại Khánh Hòa - Ảnh: Đ.Quân

Tuy nhiên vấn đề đặt ra là tiền ở đâu? Không có tiền, nên đến giữa năm 2008, sau hơn hai năm Tổng Cty Nam Triệu nhận tàu và bỏ ra khoản đầu tư 10 triệu đô la, tàu Bạch Đằng Giang vẫn chưa thực hiện hoán cải để đưa vào khai thác sử dụng thu hồi vốn vay.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong chiều 29-3, một lãnh đạo Tập đoàn Vinashin cho biết, do con tàu quá cũ nát nên Tổng Cty CNTT Nam Triệu đã tháo phần máy tàu Bạch Đằng Giang để bảo dưỡng. Riêng phần vỏ tàu đã được tháo dỡ để bán sắt vụn.

Vậy là cả trăm tỷ đồng đi vay, cuối cùng Tổng Cty CNTT Nam Triệu mua về một con tàu làm sắt vụn.

Ngàn tỷ đồng sắm tàu để treo cờ ngoại quốc

Tàu Bạch Đằng Giang chỉ là một phần nhỏ trong số các gói mua sắm lạ lùng của Tập đoàn Vinashin.

Như đã nêu, sau khi có khoản tiền vay lên đến nhiều tỷ đô la cho đầu tư, sản xuất, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Vinashin là phải giải ngân số tiền vay sao cho có hiệu quả.

Thế nhưng, trong năm 2006 và 2007, Chủ tịch Tập đoàn Vinashin ký các quyết định phê duyệt cho Cty TNHH một thành viên Vận tải Viễn Dương mua 10 tàu vận tải biển.

3.100 tỷ đồng sắm 9 tàu phải treo cờ nước ngoài:



Theo đó Cty này đã mua 9 tàu với giá trị 3.136 tỷ đồng (gần 200 triệu đô la). Số tàu này đều có tuổi đời trên 15 năm. Đặc biệt có đến 6 con tàu có tuổi đời từ 22 đến 26 năm. Trong số đó có 2 tàu tuổi 26 năm (thời điểm mua), 4 tàu có tuổi từ 22 đến 24 năm.

Chính vì lô tàu hàng trăm triệu đô la này “quá tuổi” nên chúng không được đăng kiểm tại Việt Nam. Hiện chúng đang được treo cờ nước ngoài (Panama, Tuvalu, Liberia) để tham gia hoạt động vận tải.

Theo xác định của cơ quan chức năng, hầu hết số tàu này được mua sắm bằng nguồn vốn vay. Trong đó có 2 tàu (tuổi 23 và 24 năm) được mua bằng nguồn trái phiếu quốc tế với giá trị 329 tỷ đồng. Bảy tàu còn lại được mua bằng nguồn vốn vay từ Cty mẹ ủy thác qua Cty Tài chính Vinashin.

Trên 200 triệu đô “chơi” cổ phần, cổ phiếu

Không chỉ rót hàng ngàn tỷ đồng vào việc sắm tàu quá đát, tàu hỏng, thông tin úp mở về việc Tập đoàn Vinashin tham gia đầu tư cổ phần, cổ phiếu cũng được làm sáng tỏ.


Tàu VNS Glory

Theo báo cáo tài chính của Tập đoàn Vinashin đến hết tháng 12-2007 tổng số tiền đầu tư tài chính dài hạn của Tập đoàn lên đến 4.103 tỷ đồng. Trong đó góp vốn liên doanh, liên kết 615 tỷ đồng; mua cổ phần, cổ phiếu 3.488 tỷ đồng.

Các khoản đầu tư tài chính dài hạn được thực hiện với nhiều lý do khác nhau. Cụ thể Cty mẹ đầu tư mua cổ phần, cổ phiếu 1.831 tỷ đồng. Lấy lý do là đầu tư chiến lược vì ngành tàu biển là ngành có nhiều rủi ro nên Cty mẹ đã mua cổ phần của Bảo Việt 1.462 tỷ đồng. Khoác lý do phục vụ nhiệm vụ chính trị, Cty mẹ mua cổ phần của Cty cổ phần cho thuê máy bay 70 tỷ đồng.

Trong mớ lùm xùm nợ nần của Tập đoàn và các Cty con thành viên, vấn đề nổi lên rõ nhất là sự yếu kém đến lạ lùng trong lĩnh vực quản lý nợ và hạch toán các khoản tài sản lớn của Nhà nước...
Hơn thế, Công ty mẹ còn đầu tư 120 tỷ đồng vào Quỹ đầu tư phát triển Việt Nam; vào Cty cổ phần sắt Thạch Khê 120 tỷ đồng; vào Cty cổ phần Chế tạo giàn khoan dầu khí 80 tỷ đồng; và Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội 91 tỷ đồng.

Không kém cạnh Cty mẹ, nhiều Cty con cũng mạnh tay trong đầu tư cổ phần cổ phiếu. Cụ thể, Tổng Cty CNTT Bạch Đằng dù nợ nần chồng chất nhưng cũng liều vay vốn ngắn hạn của Cty Tài chính Vinashin để mua cổ phần của các đơn vị trong Tập đoàn số tiền trên 58 tỷ đồng.

Đặc biệt, Cty TNHH một thành viên Vận tải Viễn Dương dù nợ đìa trong việc mua sắm hàng loạt tàu biển trong đó nhiều tàu cũ, tàu hỏng cũng gồng mình vay ngắn hạn đến 1,2 tỷ đồng để mua cổ phần của Cty cổ phần sơn tàu biển Vinashin.

Cũng phải kể đến Công ty đóng tàu Phà Rừng góp vốn cổ phần và mua cổ phiếu số tiền 61 tỷ đồng. Trong đó Cty này đã sử dụng vốn vay ngắn hạn để góp vốn cổ phần và đầu tư tài chính số tiền 24 tỷ đồng.

Cty cũng góp 2 triệu đô la (40% vốn pháp định) thành lập Cty liên doanh Baican nhưng Liên doanh này đã bị thua lỗ. Tính đến cuối năm 2007 số lỗ luỹ kế lên đến trên 5,1 triệu đô la tương đương trên 81 tỷ đồng.

Doanh nghiệp thúc ép Vinashin trả nợ

Cách đây hơn chục ngày, người đi đường ngạc nhiên khi thấy một số người (trong đó có cả người tàn tật, người già...) nằm vật vạ trước cửa toà nhà của Tập đoàn Vinashin ở Ngọc Khánh (Hà Nội) chăng biển đòi nợ. Hỏi ra mới biết, đó là người của Cty TNHH Đức Trọng (Việt Trì – Phú Thọ).

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Cty cho biết, Cty của ông là một trong số 9 Cty được Cty con của Vinashin (Cty TNHH một thành viên CN tàu thuỷ Cái Lân-Vinashin) thuê san lấp Dự án Hải Hà (Quảng Ninh). Khi dự án đang triển khai thì Vinashin đột ngột dừng, vì khó khăn tài chính.

Khi quyết toán, 9 doanh nghiệp đã san lấp được giá trị khoảng gần 200 tỷ đồng, nhưng Vinashin mới trả được 30%. Từ đó đến nay, Vinashin nợ dây dưa không trả.

“Mãi tết vừa rồi, chúng tôi đòi miết thì Vinashin trả được 2,5 tỷ đồng. Các doanh nghiệp chia nhau, Cty tôi được 85 triệu đồng”, ông Sơn nói. Đường cùng, doanh nghiệp bên bờ phá sản, ông Sơn cùng mẹ và em trai đến nằm chực trước trụ sở của Vinashin để đòi nợ.

Theo ông Sơn, hiện Vinashin còn nợ 9 doanh nghiệp tham gia san lấp dự án Hải Hà khoảng 130 tỷ đồng.

Phạm Anh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét