Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010
Thời kế Chronometer có còn cần trên các con tàu hiện đại?
Một khách hàng tìm tới cửa hiệu chúng tôi hỏi mua “Nhật ký ghi chép thời kế” tức là Chronometer Logbook theo tên tiếng Anh.Tôi thật ngạc nhiên ,giữa thời đại vệ tinh với một rừng các thiết bị điện tử hàng hải trên một con tàu ,tại sao người ta vẫn phải lo lắng cho chiếc thời kế ,một thiết bị cực kỳ khó tính ,mang tên vị nữ thần thời gian Chronos !Nhớ lại hồi viết cuốn “Đường trên biển” cách đây 20 năm ,tôi đã đọc say mê những dòng chữ mà ông thuyền trưởng người Nga Kviatkovskiy (Квятковский –chắc là gốc Ba Lan,nhiều ông họ Kviatkovskiy –còn sống được sau các vụ thanh trừng đẫm máu-rất nổi tiếng ơ Nga) mô tả chiếc thời kế và con đường gian khổ để ông thợ đồng hồ Harrison trở thành nhà phát minh ra dụng cụ “giữ thời gian trên tàu” chính xác nhất ,tạo nên giai đoạn huy hoàng của hạm đội Anh trong kỷ nguyên Victoria “mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh”.Trong cuộc bình chọn 100 người Anh nổi tiếng nhất muôn đời do đài BBC tổ chức vào năm 2002,Harrison được chọn là nhân vật thứ 39 ,trong một loạt các nhân vật có gắn với lịch sử nhân loại như Brunel,Froude…! Ngày nay,một chiếc đồng hồ quarzt rẻ tiền mà trẻ em cũng có thể đeo được cho ta biết thời gian khá chính xác chả kém gì cái thời kế đỏng đảnh khó tính trên tàu,một thiết bị đòi hỏi nào phải lên giây đúng giờ,đúng số vòng,nào giữ cho nhiệt độ đúng mức,nào …Mà không biết giờ chính xác thì làm cách nào xác định được độ kinh (longitude) của tàu ,một câu hỏi tưởng chừng “ngớ ngẩn” trong thời đại bấm nút là GPS cho tọa độ chính xác tới phần lẻ của mét .Tôi say mê câu chuyện do Kviatkovskiy kể lại và sau này ,trong quá trình kinh doanh ,tiếp xúc thật sự với các loại chronometer,tôi cũng sở hữu được vài cái nhãn hiệu 6MX do nhà máy chế tạo đồng hồ của Liên Xô mang tên Poljot (mà ta thường gọi dân dã thành Pôn-giốt) và Kirov chế tạo.Còn nhớ vào những năm 90,nghe tin tôi có vài món đồ này,vài ông tùy viên thương mại Tây Âu không ngại bụi bẩn,lao vào kho đồ cũ của tôi để lục tìm ba thứ đồ cổ hàng hải này (marine antique) .Tra trên mạng ,các bạn sẽ thấy thời kế Nga vẫn là thứ hàng đắt giá nhất trong cuộc săn tìm đồ cổ hiện nay ,giá vài trăm tới suýt soát nghìn đô một chiếc,và người Nga (chắc có cả bàn tay người Tàu) đào đâu ra lắm thời kế thế để bán ,chắc lại chế mới và cho làm cũ giả cổ !Tại sao người ta vẫn dùng thời kế và chăm sóc thời kế trên tàu?Có lẽ chỉ là điều nhắc nhở người đi biển khi gặp hiểm nguy ,mất tất cả,khi một mình chống chọi với thiên nhiên biển cả hung dữ,trong tay không còn radar,AIS ,GPS …không còn điện mà cũng chẳng có một thứ gì văn minh của thế kỷ 20,21 ,chỉ còn lại những gì mà các bậc tiền bối như Colomb ,như Magellan…đã sử dụng thì phải chiến đấu ra sao ?Việc này có lẽ cũng cần thiết trong việc giáo dục người đi biển trẻ tuổi ,mà hiện nay chúng ta có lẽ còn lơ là bởi quá tin vào simulator ,vào các trang internet trong khi YẾU TỐ CON NGƯỜI (HUMAN FACTOR) thường bị bỏ qua
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét