Ít người nhớ rằng, trọn vẹn tròn cách đây 10 năm, ngày 4-5-2002, những người lính Nga cuối cùng đã bước chân lên tầu Xakhalin từ biệt căn cứ Cam Ranh sau gần 1/4 thế kỷ có mặt tại nơi này. Cam Ranh đã được gửi lại cho Việt Nam, như một căn cứ đầy đủ cơ sở nền tảng để trở nên hùng mạnh. Và dường như cho đến tận bây giờ, phần đông trong số chúng ta không thực sự biết gì nhiều về căn cứ ấy.
1. Ngày 23-4-2012, khi ba chiến hạm Mỹ cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng để bắt đầu 5 ngày hoạt động giao lưu, trao đổi hải quân “phi tác chiến” với Việt Nam, một hãng thông tấn nước ngoài đã bình luận rằng, nếu các chuyến ghé cảng này được nói một cách công khai, thì có một khía cạnh hợp tác Mỹ – Việt khác ít được loan báo: Đó là chiến hạm Mỹ đã được gửi đến sửa chữa, bảo trì tại các cảng Việt Nam. Theo Hạm đội 7, tàu hải quân Mỹ đã có lần được gửi đến sửa chữa tại các xưởng đóng tàu Việt Nam. Gần đây nhất, vào năm 2012, chiếc USNS Rappahannock (T-AO-204) đã có chuyến đến bảo trì tại Nhà máy đóng tàu Cam Ranh.
Một bài bình luận thú vị trong không khí biến động thời cuộc không ngừng của Biển Đông. Cam Ranh đã âm thầm phát triển, trở thành một tổ hợp hải quân và không quân hùng mạnh, với các trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại có thể đánh trả mọi đe dọa chiến tranh với Việt Nam, như lời Trung tướng, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên LB Nga A.V Phêđôrôvich nhận xét. Lời trung tướng A.V Phêđôrôvich hoàn toàn có cơ sở, bởi ông là một trong số những người thợ xây dựng Xô Viết có mặt ở Việt Nam từ những năm 1980, và ông không xa lạ gì với căn cứ Cam Ranh.
Giới tinh hoa quân sự đã thừa nhận vị trí của Cam Ranh có tầm ảnh hưởng to lớn tới bản đồ địa – chiến lược toàn cầu, cho dù họ có đứng ở các chân trời quan điểm nào đi chăng nữa. Năm 1888, Hải hạm của Nga mang tên “Tráng sĩ” trong chuyến đi vòng quanh thế giới đã cập cảng Cam Ranh, sau đó, nơi đây đã trở thành quân cảng của các nước lớn thay nhau đồn trú trong vòng gần 100 năm trở lại đây. Trong cuộc chiến Nga – Nhật 1905, hơn 100 chiến thuyền thuộc Hạm đội Thái Bình Dương số 2 của Hải quân Nga Hoàng đã từng tập trung tại Cam Ranh. Năm 1935, thực dân Pháp bắt đầu cho xây dựng căn cứ hải quân tại Cam Ranh. Năm 1940, Cam Ranh rơi vào tay Nhật Bản, trở thành bàn đạp để Nhật Bản tiến đánh Malaysia và các quần đảo thuộc địa của Hà Lan (nay là Indonesia). Ngày 18-10-1946, Cam Ranh là nơi diễn ra cuộc hội kiến giữa Hồ Chủ tịch và cao ủy Pháp D’Argenlieu. Cuộc gặp gỡ được tổ chức trên thiết giáp hạm Suffren, có các vị chỉ huy hải, lục, không quân Pháp và các nhà báo nước ngoài. Trong bữa tiệc trên chiến hạm Suffren, khi D’Argenlieu bóng gió nói: “Thưa ngài Chủ tịch, Ngài thật đang bị đóng trong cái khung”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mỉm cười và trả lời: “Nhưng mà Ngài Đô đốc biết đấy, chính bức tranh làm nên giá trị cái khung”. D’Argenlieu lại nói: “Chủ tịch thật quen với biển cả, có lẽ xin tặng Người danh hiệu “Người thủy thủ nhỏ” như quân đội Pháp đã quý mến tặng Napoleon cái tên “Người đội trưởng nhỏ!”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp lại: “Phải, người thủy thủ nhỏ của Hải quân Việt Nam”.
Từ năm 1965 – 1972, Mỹ đã xây dựng Cam Ranh thành một căn cứ quân sự khổng lồ được bảo vệ “bất khả xâm phạm” để làm cứ điểm tiếp liệu và khí tài quân sự cho chiến tranh, đồng thời khống chế hành lang phía tây Thái Bình Dương. Hầu hết cây cối đã bị đốt trụi để làm căn cứ. Khi chiến tranh quyết liệt nhất vào năm 1969, Linđen Giônxơn đã đến thị sát căn cứ này, và đó là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ khi tới Việt Nam. Lúc đó, căn cứ không quân của Mỹ ở vịnh Cam Ranh rất lớn, bao gồm hai sân bay cho máy bay phản lực và một sân bay cho máy bay trực thăng, mỗi sân bay có sức chứa hơn 100 máy bay. Người Mỹ còn tiến hành khoét núi Cam Ranh, xây dựng kho chứa máy bay trong lòng núi, nâng cấp đường băng lớn có thể cho máy bay ném bom chiến lược B52 cất và hạ cánh. Vào lúc cao điểm, sân bay quân sự Cam Ranh có tần suất hạ cánh và cất cánh cao nhất thế giới.
Năm 1972, người Mỹ trả lại căn cứ này cho quân đội Sài Gòn và 3 năm sau quân đội Miền Bắc Việt Nam đã giải phóng Cam Ranh. Khi người Miền Bắc tiếp quản, Cam Ranh đã bị phá hủy hoàn toàn các bến neo tầu, đường xá, sân bay, hệ thống đường dây tải điện cũng như các khu nhà ở.
Mục đích của việc tàn phá Cam Ranh là không để lại cho đối phương sử dụng. Đồng thời, người Mỹ cho xây dựng tại Xubic bên bờ biển Philippines, nằm đối diện với Cam Ranh một căn cứ hải quân cực mạnh với hơn hai chục bến tàu trên tổng chiều dài 9km, có thể cho phép cùng một lúc neo đậu tới 35 tầu chiến. Dung tích các bể chứa dầu của căn cứ này là 400 ngàn tấn, hay nói cách khác là lớn gấp 40 lần dung tích kho chứa nhiên liệu tạm thời của căn cứ Cam Ranh ở thời điểm năm 1987. Còn kho chứa vũ khí của Mỹ với 50 ngàn tấn đạn dược và xưởng sửa chữa tầu biển Xubic thì chẳng có gì so sánh được.
2. Chuẩn đô đốc E.I Prokôpievich, người cuối cùng lên cầu tầu thủy Xakhalin -9 rời Việt Nam năm 2002 trong cương vị Chỉ huy trưởng Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật 922 của Cam Ranh nhận định, căn cứ quân sự trước đây của Mỹ trên bán đảo Cam Ranh – Khánh Hòa đã thu hút sự chú ý Liên bang Xô Viết bằng chính vị trí địa lý của nó, xét về mọi phương diện thì hoàn toàn ưu việt cho việc triển khai một căn cứ hải quân. Nó cho phép khống chế các eo biển Malaysia và Philippines, có thể tiến hành trinh sát điện tử Biển Đông, biển Philippines, Đông Hải, thậm chí tới tận khu vực vịnh Pécxich hay vùng bắc Ấn Độ Dương. Bán đảo Cam Ranh bọc trong mình hai vịnh Bình Ba và Cam Ranh, nơi không chịu ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết, có độ lớn và sâu để có thể neo đậu mọi loại chiến hạm và tầu hộ tống, kể cả tầu sân bay.
Từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, hải quân Liên Xô đã vươn ra biển lớn, bắt đầu tiến hành trực ban chiến đấu trên các đại dương. Tầu chiến, tầu ngầm, máy bay hải quân được triển khai trên các đại dương nhằm mục đích bình ổn cục diện chung. Việc mở rộng quy mô cũng như vùng hoạt động của tầu thuyền và không quân trên biển yêu cầu phải có mạng lưới hậu cần kỹ thuật hải quân rộng khắp. Vì không có căn cứ quân sự ở nước ngoài nên Liên Xô đã xây dựng trạm cung ứng vật tư kỹ thuật trên lãnh thổ các nước có quan hệ thân thiện, đương nhiên Cam Ranh là một điểm sáng tô son. Cuối năm 1978, nhóm sĩ quan đại diện cho các tổng cục của Bộ tư lệnh Hải quân và của Hạm đội Thái Bình Dương đáp máy bay sang Việt Nam để ngày 30/12 đã thỏa thuận xong và ký biên bản ghi nhớ làm cơ sở đàm phán xây dựng và cùng khai thác Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật.
Ngày 2-5-1979, Chính phủ LB CHXHCN Xô Viết và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã ký hiệp định về việc sử dụng Cam Ranh làm Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật cho hạm đội Thái Bình Dương của quân đội Liên Xô – thực chất là hợp đồng cho thuê không mất phí trong 25 năm. Ngay ngày hôm đó, thi hành lệnh của Bộ tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô và chỉ thị số 13/1/0143 của Cục tham mưu hạm đội Thái Bình Dương ngày 28-8-1980 đã thành lập Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật trên bán đảo Cam Ranh mang phiên hiệu đơn vị 31350.
Theo quy định trong Hiệp định, tại quân cảng Cam Ranh cùng lúc có thể tập trung từ 8 – 10 tầu chiến Liên Xô, 4 – 8 tầu ngầm có khu neo nổi và tối đa 6 tầu hộ tống. Tại sân bay cùng lúc có thể tiếp nhận từ 14 – 16 máy bay mang tên lửa, 6 – 9 máy bay trinh sát do thám và 2 – 3 máy bay vận tải. Tùy theo tình hình chiến sự cụ thể, số lượng máy bay và tầu chiến có thể tăng lên theo thỏa thuận giữa hai Bộ quốc phòng Liên Xô và Việt Nam.
Tháng 5/1979, các tầu chiến Liên Xô bắt đầu đi vào hải phận Cam Ranh. Mùa hè năm đó, tầu ngầm nguyên tử phóng ngư lôi K – 45 đã neo đậu tại Cam Ranh, sau đó ít lâu, các máy bay hải quân của hạm đội Thái Bình Dương bắt đầu hạ cánh.
Tháng 12/1979, Tổng tư lệnh Hải quân Liên Xô, Đô đốc X. Gorskốp tới Cam Ranh và ông đã dành hẳn một ngày để quan sát vịnh biển này, giống y như cách Tổng thống Mỹ Giônxơn đã tới để ngắm nhìn địa thế “sông núi nước Nam” 10 năm về trước. Phân đội đầu tiên của Hạm đội Thái Bình Dương gồm 54 người đến đây tháng 4/1980 và tháng 8 năm đó quân số được bổ sung thêm 24 người thuộc bộ phận thông tin liên lạc.
Bộ Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang và chính phủ Liên Xô đã giao cho Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật 922 những nhiệm vụ sau đây: Đảm bảo an toàn neo đậu cho các chiến hạm và tầu hộ tống trong thời gian nghỉ tại Cam Ranh, cung cấp điện, nước, nhiên liệu và lương thực thực phẩm cho các tầu này; Duy trì cơ số vật tư kỹ thuật dự trữ theo quy định, cấp phát và vận chuyển vật tư kỹ thuật lên các chiến hạm và các tầu hộ tống của Hải quân đi qua đây (trong đó có phụ tùng thay thế, trang bị kỹ thuật và trang bị tầu); Đảm bảo liên lạc tiếp sức cho các chiến hạm và tầu hộ tống của Hải quân tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương với chỉ huy sở của Hạm đội Thái Bình Dương và của Bộ tư lệnh Hải quân; Sử dụng sân bay Cam Ranh làm nơi đỗ của máy bay chống tầu ngầm và máy bay trinh sát; Trợ giúp y tế chuyên môn sâu… Chính bởi thế, Cam Ranh đã giảm nhẹ đáng kể áp lực cho Hạm đội Thái Bình Dương nói riêng và toàn bộ Hải quân Liên Xô nói chung trong việc cung cấp những dự trữ cần thiết cho các chiến hạm và tầu hộ tống đang làm nhiệm vụ tại Biển Đông trong tình hình chiến sự lúc đó của khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Và Cam Ranh trở thành căn cứ hải quân lớn nhất của Liên Xô ở nước ngoài, căn cứ duy nhất bên bờ Biển Đông, nơi cách cảng gần nhất của Nga tới 2.500 hải lý.
3. Từ mùa thu năm 1983 đến tháng 8 năm 1991, hải đoàn cơ động số 17 triển khai tại Cam Ranh, từ tháng 8 – 1991 đến tháng 12 – 1991 được thay thế bằng hải đoàn cơ động số 8 và sau đó là hải đội tầu hỗn hợp 119. Thời điểm năm 1986, trên sân bay triển khai trung đoàn không quân hỗn hợp độc lập gồm 4 máy bay Tu – 95, 4 chiếc Tu – 142, phi đoàn máy bay Tu-16 khoảng 20 chiếc các loại, phi đoàn Mic 25 khoảng 15 chiếc, hai máy bay vận tải An – 24 và 3 máy bay lên thẳng Mi-8. Ngoài ra trung đoàn còn quản lý và chỉ huy căn cứ chống tầu ngầm, tiểu đoàn tên lửa và tiểu đoàn kỹ thuật.
Tháng 2 năm 1984, theo đề nghị của phía Việt Nam, Chính phủ Xô Viết đã quyết định khôi phục và xây dựng thêm một loạt công trình tại căn cứ Cam Ranh. Việc xây dựng Cam Ranh bước sang một giai đoạn mới, chuyển từ hình thức tự hạch toán kinh tế sang hình thức đấu thầu khoán gọn, bắt đầu giai đoạn xây dựng kiên cố thay cho các kết cấu lắp ghép tạm thời. N.M Zariphôvich – Phó TGĐ Cty xây lắp Liên Xô tại Việt Nam giai đoạn 1987 – 1989 đã kể lại trong cuốn “Liên Xô – một từ không bao giờ quên” (Nguyễn Đình Long dịch) rằng, Cục kỹ thuật xây dựng nước ngoài thuộc Bộ quốc phòng Liên Xô, đơn vị có nhiều kinh nghiệm xây dựng các công trình ở hơn 60 nước trên thế giới đảm nhiệm việc lựa chọn và đưa chuyên gia đến Cam Ranh. Họ là những chuyên gia tài năng của các đơn vị trong và ngoài quân đội được các tổ chức Đảng, Đoàn giới thiệu, được chở sang bằng đường hàng không qua Mátxcơva hay Vlađivôxtốc theo hành trình Mátxcơva – Tasken – Karachi (đôi khi là Bombay) – Kancútta – Hà Nội – Cam Ranh.
Trong thời gian bay kéo dài 17 giờ, các chuyên gia được cử đi công tác và thân nhân đi cùng đã nhận thấy những khác biệt trong đời sống mỗi nước. Từ Tasken, vì sẽ bay qua bầu trời Ápganistan đang nóng bỏng chiến sự nên phải bay đêm trên tầm cao. Máy bay hạ cánh ở sân bay Karachi ban đêm, các tay súng Pakistan vây kín xung quanh, không cho xuống sân bay. Một giờ rưỡi máy bay đỗ trong đêm tối, bị bao vây, không điều hòa và không quạt gió, để chờ đổi kíp bay và nhận lên máy bay nước uống đóng chai dán nhãn Coca-Cola. Khi tới Hà Nội, họ được nghỉ tạm tại khách sạn Kim Liên, sau đó được đưa sang sân bay Gia Lâm để vào Cam Ranh bằng máy bay AN-12. Tại nơi này, một công trường xây dựng khổng lồ trên diện tích khoảng 100km2 đang chờ đón họ.
4. Trên cơ sở Hiệp định ký giữa Liên Xô và Việt Nam ngày 20-4-1984, hai bên đã ký hợp đồng xây dựng cụm đài Ra-đa số ba, là công trình viện trợ không hoàn lại. Tính chung từ năm 1984 đến năm 1987, Tổng công ty xây lắp Liên Xô do E.X Bôprênhep làm Tổng giám đốc đã xây dựng tổng cộng 28 nhà ở và công trình chuyên dụng các loại. Lúc đó tổng số người Liên Xô sống trong khu quân sự là 6.000 người, kể cả công nhân xây dựng. Theo thỏa thuận trong mục 71 của Hiệp định ký ngày 20-4-1984, các công trình xây dựng xong sẽ bàn giao cho phía Việt Nam sử dụng. Các hạng mục đầu tiên được xây dựng xong từ tháng 12- 1987, sau đó các chuyên gia Liên Xô bắt đầu sử dụng theo hình thức thuê miễn phí. Có thể thấy rằng, về cơ bản, các công trình được Liên Xô – Nga xây dựng ở Cam Ranh bao gồm: Khu nhà ở của Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật, trong đó có chỉ huy sở đơn vị 31350 và doanh trại cho quân số biên chế của đơn vị, nhà ăn 250 chỗ, lò bánh mỳ, tổ hợp tắm hơi – giặt là, CLB, trường phổ thông số 183, 18 tòa nhà ở, kho tổng hợp lưu giữ và cấp phát vật tư, đội xe (gồm cả xe chuyên dụng); Vùng bến nhỏ; Bể chứa ngầm thể tích 14.000m3 dùng để chứa nhiên liệu; hai hầm lạnh dung tích 270 tấn dùng để chứa thực phẩm lưu trữ; 12 kho khung sắt dùng để chứa các loại vật tư khác nhau; Hai bể lọc giếng khoan, một dùng cho sinh hoạt, một dùng cho chiến hạm và các tầu hộ tống; Trạm phát điện trung tâm công suất 24.000kW cấp điện cho tất cả các công trình thuộc khu quân sự và của Việt Nam trên bán đảo… Khi từ biệt Cam Ranh, người Nga đã chở đi 588 người, 819 tấn hàng trong đó có 50 chiếc ô tô và xe chuyên dụng, 190 tấn dầu diezel, 133 tấn dầu mỡ các loại, vũ khí đạn dược cũng như tài liệu lưu trữ và tài liệu mật, bằng cả đường hàng không và đường biển. Đồng thời, người Nga bàn giao cho phía Việt Nam 57 tòa nhà và công trình thuộc căn cứ, 85km đường dây tải điện lưới, 62km đường điện cáp, 25km công trình ngầm, 250m cầu cảng, sân bay và hệ thống quản lý kho.
Những người Nga đã sống và làm việc như thế tại Cam Ranh. U.X Ivanôvich, Đại tá quân dự bị, cựu binh Cam Ranh kể lại rằng, cho đến tận năm 1992, khi Liên Xô đã tan rã, thủ tục ra vào khu quân sự vẫn do phía Việt Nam quy định. Theo thỏa thuận thì mỗi tháng chỉ cho phép 4 chuyến xe đi ra ngoài theo kế hoạch định trước với số lượng người hạn chế, chủ yếu là dành cho thủy thủ Hạm đội Thái Bình Dương. Còn đối với số nhân viên kỹ thuật của Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật thì do “nhiều yếu tố” nên ra “vùng tự do” là vi phạm luật. Bởi thế, để đưa được một đoàn phụ nữ dân sự trong quân cảng Cam Ranh ra tắm ở bãi biển ngoài khu quân sự nhân ngày 8/3, ông đã phải uống rượu ngâm rắn biển và sò huyết cùng với xoài xanh thái lát chấm muối với cả ba chỉ huy trưởng quân sự và hai phó chính trị người Việt cùng một người phiên dịch cho tới quá nửa đêm mới có thể đạt được mong muốn của mình.
5. Cam Ranh đã được Liên Xô xây dựng ra sao? Đơn vị đầu tiên của Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật gồm 50 người đến bán đảo Cam Ranh trên con tầu PM-156 vào tháng 4-1980. Mùa thu năm 1984, nhóm chuyên gia Liên Xô đầu tiên do Chánh kỹ sư của Tổng công ty xây lắp Liên Xô A.A Pêtúc dẫn đầu đã vào Cam Ranh. Vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị thi công, phương tiện vận tải, đồ gỗ văn phòng và nhiên liệu được cung cấp qua đường Tổng cục kỹ thuật Bộ Kinh tế đối ngoại. Mọi việc vô cùng vất vả nếu chúng ta biết được rằng, các chuyên gia đã phải bốc dỡ ngoài bến tầu gần 700.000 tấn hàng hóa thiết bị. Ai đã từng một lần phải bốc xi măng rời (không đóng bao) từ dưới tầu lên bờ mới hiểu được thế nào là chiến công trong lao động. Nổi cộm nhất của việc giải quyết các vấn đề xây dựng hóc búa tại đây là lấy đâu ra nước ngọt ở bán đảo này? Ai cũng biết rằng, quanh bán đảo Cam Ranh chỉ có nước biển, không thể dùng cho xây dựng cũng như cho sinh hoạt được. Lính Pháp và lính Mỹ trước đây sử dụng nước chở bồn và các loại nước giải khát đóng chai, còn người Liên Xô đã khoan tìm kiếm nước. Người lính Việt Nam và người dân sống ở nơi này đến nay vẫn hàm ơn các chuyên gia Liên Xô, những người đã tìm ra nước ngọt và xây dựng 11km đường ống dẫn nước tới “đất liền”, mang nguồn nước tới làm sống lại mảnh đất khô cằn này. Khi đưa vào sử dụng tổ hợp công trình lọc nước sạch, Thiếu tướng, Uỷ viên Bộ Chính trị Phùng Thế Tài và ông Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây lắp Liên Xô đã cùng rót hai ly nước và uống thử. Nó giống như hành động của một quan chức cấp cao của Nhật Bản đã uống thử ly nước lọc của một nhà máy nước hoạt động trở lại sau khi khắc phục sự cố hạt nhân Fukushima, trước ống kính của hàng trăm hãng thông tấn trên thế giới. Đây là một hành động mang tính biểu tượng, và mọi người xung quanh đều hiểu rằng, Xô – Việt đã trở thành quan hệ chuẩn mực giữa con người với con người.
5 năm trời ròng rã, họ đã xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên cả bán đảo lẫn đất liền. Những đốc công, thợ cả, những thợ hàn, thợ điện, thợ lái máy đã vật lộn với sóng biển để cố định cầu cảng và lắp đặt các công trình bờ. Công nhân làm đường trải nhựa sửa đường dưới cái nắng như thiêu như đốt. Gần mười ngàn lượt chuyên gia Nga/ Liên Xô đã tới và làm việc ở Cam Ranh như thế.
L.N Mikhailôvich, phóng viên báo Krasnaia Zvezđa đã tường thuật lại rằng, nơi này cây cối không mọc được vì bị côn trùng có cánh tàn phá; những khung cửa gỗ chỉ cần 3 tháng không để ý là đã bị mối biến thành mùn. Cuộc chiến đấu giành giật với cuộc sống nơi đây diễn ra hàng ngày: phải chống chọi với khí hậu khắc nghiệt, với rắn độc và với các bệnh nhiệt đới, cũng như với máy móc thiết bị già cỗi đã dần dần hết hạn sử dụng. Những cây cột điện bằng thép đưa điện vào quân khu bị thời gian bào mòn và bị những trận bão lớn quật đổ. Mất điện trong thời tiết khí hậu oi bức không khác gì thiếu nước ngoài sa mạc nóng nực. Để tìm – sửa chỉ một đoạn đường cáp hỏng, toàn thể đàn ông ở đây đã phải đào một đường hào cát dài hai cây số rưỡi, sâu tới một mét, đào từ sáng sớm đến tận tối khuya, trong mưa nhiệt đới và nắng cháy lưng, rồi lang thang tìm 1 đoạn cáp thay thế tại một nơi cách đó tới 5km sau đó xốc cáp đi trên cát, vượt qua ụ cao hố sâu mang tới chỗ hào đã đào. Tính ra mỗi người đã phải vác tới 60kg cáp và phải mất 9 ngày mới hoàn thành. Đô đốc M. Zakharenkô, Tư lệnh trưởng Hạm đội Thái Bình Dương đã ví von vui vẻ: “Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật Cam Ranh là một quả tạ treo trên cổ tôi, nhưng đó là một quả tạ bằng vàng cần phải mang đi tiếp”.
6. Cam Ranh đã chứng kiến sự hy sinh của dòng máu Nga – Xô Viết. T.A Đanhilôvich, nguyên Quản trị cận vệ trưởng dự bị đã kể lại rằng, sáng 13-2-1985, khi bay tuần tra trên Biển Đông, máy bay TU-95 bay số 2 cất cánh sau 6h30 phút, kíp bay do Thiếu tá cận vệ V. Spiriđônôp chỉ huy ở khoảng cách 15km, cao hơn 300m so với máy bay thứ nhất, đã nhìn thấy qua ánh đèn tín hiệu máy bay thứ nhất giảm nhanh độ cao và bay chếch sang phải. Cùng lúc đó trong bộ đàm vang lên tiếng kêu: “Chúng tôi bị rơi! Chúng tôi bị rơi! Có ai nghe thấy không? Chúng…” Vì trời nhiều mây nên máy bay số 2 không thể xác định được chính xác điểm rơi của máy bay số 1, và Biển Đông đã nuốt trọn trong lòng mình cuộc sống của cả kíp bay lẫn nguyên nhân gây ra tai nạn. Phi công nổi tiếng người Pháp A.Đ.S Êkzupêri từng nói rằng phi công là những người không bao giờ chết, mà họ chỉ bay đi khỏi cuộc đời mà thôi. Kíp bay của những người phi công Nga cũng thế, họ bay đi mãi mãi, để lại trên mặt đất gia đình và vợ con mình. “Chào những cánh đại bàng bay không về tổ/ Mà yên mình nơi sâu nước Thái Bình Dương/ Để mẹ già đêm dài ngóng chờ than thở/ Và trẻ thơ trong côi cút thiếu tình thương/ Đồng đội anh lặng chìm nghẹn ngào đau khổ/ Không phải ai cũng hiểu được nỗi đau riêng” – Nguyễn Đình Long dịch bài thơ của chị V.V Gerchkô viết tưởng nhớ những người trong vụ tai nạn gây chấn động Liên Xô này như vậy. Và không chỉ có những phi công Nga nằm xuống ở Cam Ranh mà còn có cả những thủy thủ và những người không mặc áo lính.
Từ năm 1973 đến năm 1991, sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết tới lúc Liên Xô tan rã, Việt Nam vẫn luôn nhận được sự giúp đỡ to lớn về kinh tế từ phía Liên Xô. Quyết định của BCH Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Chính phủ Liên Xô công bố tháng 7-1973 về việc “xem xét khả năng xóa nợ toàn bộ những chi viện kinh tế và quân sự” của Liên Xô cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến lần thứ hai được người Việt Nam đón nhận như một “khẳng định sáng ngời của tình hữu nghị anh em” đã gắn bó hai nước với nhau. Ngoài ra phía Liên Xô còn thông báo sẵn sàng giúp Việt Nam khôi phục các công trình kinh tế đã bị chiến tranh tàn phá.
Trong thời gian này Liên Xô đã trợ giúp về kinh phí và trang bị kỹ thuật cho Việt Nam xây dựng thêm gần 100 xí nghiệp công nghiệp, trong đó có nhiều xí nghiệp thuộc những ngành mũi nhọn của nền kinh tế quốc dân và đóng vai trò quan trọng xác định tiềm năng kinh tế tương lai của một đất nước bị tàn phá nặng nề trong cuộc chiến tranh hủy diệt. Trong số đó có công trình xây dựng tổ hợp thủy lợi đồ sộ và Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (1920 MW) trên sông Đà – tổ hợp thủy lợi lớn nhất Đông Nam Á. Quan trọng không kém, ngày 19-6-1981, Chính phủ hai nước đã ký kết Hiệp định thành lập Xí nghiệp Liên doanh Việt – Xô trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa phía nam Việt Nam. Liên Xô đã cho Việt Nam vay khoản ngoại tệ (thỏa thuận ký ngày 13-8-1982) để chi phí mua sắm trên thị trường quốc tế những trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến nhất cho Xí nghiệp Liên doanh mới với tên gọi Vietsovpetro. Chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực dầu khí biển, xây dựng, nghiên cứu khoa học, kinh tế từ các miền đất như Caspi, Xakhalin, Muốcmanxcơ, Crưm, Kalinhingrat được cử sang Việt Nam làm việc. Ngày 26-6-1986, Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro khai thác được tấn dầu đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ. Và sự kiện này chính là điểm khởi đầu hoạt động cho một ngành công nghiệp mới, được thực tế chứng minh là đầy triển vọng của nền kinh tế Việt Nam – ngành công nghiệp dầu khí.
Ngoài ra còn có cầu Thăng Long với chiều dài 3.000m với hai tầng lưu thông bắc qua sông Hồng; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Quảng trường Ba Đình – Hà Nội được xây dựng trong một thời gian rất ngắn, sử dụng các giải pháp kiến trúc và công nghệ cao; Cải tạo cụm ga đường sắt Hà Nội và mở rộng khổ ray cho tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng, đồng thời đảm bảo chạy tàu bình thường trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP HCM… Trạm cung ứng vật tư kỹ thuật cho lực lượng hải quân Liên Xô và Việt Nam trên bán đảo Cam Ranh được coi là một trong số những công trình quan trọng bậc nhất, đã để lại dấu ấn sâu đậm của người Nga Xô Viết với Việt Nam.
Chính vì những lý do đó mà Đại tướng G.V Leônhiđôvich, Anh hùng Liên Xô, khi là Chủ tịch Hội cựu chiến binh và cựu binh Nga, đã ngay lập tức ủng hộ vô điều kiện sáng kiến của tập thể lao động quốc tế Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro đề nghị xây dựng trên bán đảo Cam Ranh một tượng đài tưởng niệm các công dân Liên Xô, Nga và Việt Nam đã hy sinh trong khi thực thi nhiệm vụ. Và cũng chính vì những lý do đó mà ông T.N. Pêtrôvich, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần mở Zarubezhneft, trên tờ trình của Vietsovpetro về việc lưu danh muôn đời những “chiến sĩ Cam Ranh” đã phê duyệt: “Hoàn toàn ủng hộ”. Tượng đài ấy đã được khánh thành năm 2009, trước thềm kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia, một tượng đài thắm tình hữu nghị và tình bạn đã được thời gian kiểm chứng, là biểu tượng sinh động cho sự hợp tác chiến lược giữa hai nước và hai dân tộc.
7. Vịnh Cam Ranh – “dải lụa xanh” tuyệt đẹp, nơi được xem là một trong 3 cảng biển tự nhiên tốt nhất thế giới (cùng với vịnh San Francisco của Mỹ và vịnh Rio de Janéro của Brazil), nơi mà chỉ cần ra khỏi cửa vịnh là có thể tiếp cận với “đường đẳng sâu” 40 m. Đây là lợi thế thiên nhiên tuyệt đối của Cam Ranh so với các hải cảng lớn của nước ta như Đà Nẵng, Chân Mây, Cẩm Phả – những cảng chỉ có độ sâu giới hạn từ 9 – 12m nước. Nếu tính từ đường hàng hải quốc tế vào vịnh Cam Ranh chỉ mất 1 giờ tàu biển, trong khi đó vào Vũng Tàu cách 3 giờ tàu biển, vào Hải Phòng cách 8 giờ. Không có nơi nào như Cam Ranh, căn cứ mà báo chí nước ngoài chưa từng “rời mắt”. Ben Bland trên tờ “Thời báo Tài chính” (Anh) thậm chí đã gọi Cam Ranh như “một biểu tượng của chiến tranh lạnh” trong bầu không khí nhiều biến động của Biển Đông. Khi Nga cuối cùng rút khỏi căn cứ này vào năm 2002, Hà Nội nguyện sẽ không để bất cứ quân đội nước ngoài nào kiểm được phép kiểm soát Cam Ranh. Nhưng cách đây không lâu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói sẽ cho tàu hải quân nước ngoài sử dụng cảng theo mục đích thương mại như neo đậu, tiếp nhiên liệu và sửa chữa.
Các nhà phân tích an ninh nói việc này có thể mang lại một ít lợi nhuận một khi cảng được tân trang lại. Tuy nhiên, lý do chính cho việc mở cửa lại cảng Cam Ranh là để cân bằng với sự nổi trội về quân sự của một số thế lực ở Biển Đông. Hải quân nhiều nước muốn neo đỗ ở Cam Ranh. Tờ South China Morning Post cho rằng, “tương lai của Cam Ranh sẽ là trung tâm của các cuộc đàm phán”. Cam Ranh còn được gọi là “tài sản hải quân hấp dẫn nhất” và việc mở cửa vịnh Cam Ranh cho lực lượng hải quân nước ngoài là một ngón đòn “bậc thầy” trong chính sách đối ngoại “đa phương” của Việt Nam, sẵn sàng chống lại mọi tham vọng thô bạo ngoài ý muốn. Theo giới phân tích Trung Quốc, cùng với việc thực hiện cải cách mở cửa, chiến lược quân sự của Việt Nam đã được điều chỉnh thành “lục thủ, hải tiến” (phòng thủ trên bộ, tiến ra biển) và trong đó Cam Ranh là một trong những con át chủ bài.
Cách đây 10 năm, Tổng thống Nga V. Putin đã thông qua quyết định chấm dứt trước thời hạn sự có mặt của Hải quân và Không quân Nga tại căn cứ Cam Ranh. Tháng 2/2002, khi trả lời phỏng vấn của tờ Wall Street Journal của Mỹ, ông Putin đã tuyên bố quyết định của Nga rời Cam Ranh là đúng đắn, không phải là quyết định bột phát của một người, mà đó là một quyết định quân sự – chính trị có cân nhắc dựa trên thực tế mới và quan điểm của các chính khách cùng giới quân sự, trước hết của Bộ Tổng tham mưu.
Thời gian trôi đi, tình hình đổi thay… Trên thế giới đang nhắc tới sự trở lại chiến lược của Nga ở khắp các đại dương. Những chiến dịch tuần tiễu xa hiện nay của các tàu chiến Nga, việc nối lại những chuyến bay hàng không chiến lược của Nga trên các đại dương và tình hình quốc tế với dấu hiệu gia tăng khủng bố hàng hải, càng làm nổi bật tính cần thiết của việc Nga phải có mặt tại các cứ điểm hải quân và không quân ở nước ngoài – nhận định của Đô đốc M. Abramốp, cựu Tư lệnh trưởng Hải quân Nga. Sứ mệnh của Nga mà lịch sử định đoạt là duy trì Hạm đội, như nhà cải cách Piốt Đại đế từng nói, để luôn có hai tay cả trên đất liền lẫn ngoài biển khơi.
Người Nga chưa bao giờ quên Cam Ranh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét