Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2009

Vương Tri Nhàn tâm sự với các bạn trẻ về việc tự học

Bạn trẻ thân mến !
Những trang viết này trong blog này giành cho các bạn muốn tự học,muốn hoàn thiện mình hơn ,nâng cao hiểu biết để có thể làm nghề biển,để có thể có một cuộc sống khá hơn,chất lượng sống tốt hơn và đóng góp cho cộng đồng.”Bảy mươi chưa què chớ khoe rằng lành”.Các cụ dậy cho ta như vậy,cho lớp U60 chúng tôi đang ngấp nghé thất thập “cổ lai hy” (?).Cho nên tôi chẳng dám khoe khoang gì về mình .Trong một xã hội hiện nay đang chuộng hư danh,ưa bằng cấp,ít chú ý thực học,tôi muốn giới thiệu với các bạn hai bài viết của Vương Trí Nhàn,người mà tôi đã gặp cách đây hơn bốn mươi năm trong khi đang cùng lang thang trong Thư Viện Quốc Gia đường Tràng Thi Hà Nội và Thư Viện Khoa Học đường Lý Thường Kiệt.Chúng tôi có cùng say mê học hỏi.Có lẽ hai bài viết giúp thêm cho các bạn những nghĩ suy về mục đích sống,thái độ trước các nghịch cảnh còn đầy rẫy trong xã hội ta hiện nay và có thể thăng tiến trong học hỏi nếu hoàn cảnh gia đình không thuận lợi,thiếu tiền bạc….Nếu cần thiết,các bạn thấy có thể ngỏ nỗi lòng tâm sự về bước đi trong đời,chúng tôi sẵn sàng trao đổi .
Câu chuyện của người tự học

Vương Trí Nhàn



1. Lời khuyên đầu tiên
Ở trường đại học ra, sau khi thu xếp được một chỗ làm việc tàm tạm, cái việc mà một thanh niên tự trọng hiện nay phải lo đầu tiên, theo tôi chưa phải là lo học thạc sĩ rồi lần lên tiến sĩ... mà là học để có được một ngoại ngữ có thể sử dụng tự do và trước tiên, dư sức đọc các tài liệu chuyên môn.
Mỗi khi có dịp trò chuyện với các bạn trẻ, lời khuyên đầu tiên tôi muốn nói - nếu như được yêu cầu có một lời khuyên - đơn giản như vậy. Đây là kinh nghiệm tự học của tôi, mà cũng là điều tôi rút đúc được, qua nhiều thành bại của các đồng nghiệp.
2. Nhận rõ vị thế của mình!
Các trường đại học mà bọn tôi theo học nhà cửa đơn sơ, phòng học nhiều khi chỉ là mấy gian nhà lá trống trải, sách vở và phương tiện thiếu thốn, cổ lỗ. Nay các trường đại học ở ta đã khang trang to đẹp hơn nhiều. Nhưng, theo chỗ tôi hiểu, trước sau trình độ đào tạo ở ta vẫn vậy, người sinh viên ra trường thường không nhập được vào guồng máy sản xuất của xã hội, còn so với trình độ đại học ở các nước tiên tiến thì lại càng không theo kịp (giá có muốn xin việc ở nước ngoài cũng không ai người ta nhận!)
Chúng ta chỉ được đào tạo rất sơ sài..., chắc chắn đây là điều mà các bạn trẻ đã nghe nhiều lần. Song biết lơ mơ là một chuyện, mà ghi tạc nó vào tâm trí, để biến thành ý chí, nghị lực trong hành động lại là một chuyện khác. Mà chỉ khi nào người sinh viên ở trường ra thấy đau đớn khổ sở vì mình chưa được học đến nơi đến chốn, tiếc cho tuổi trẻ của mình không vươn tới được cái tầm lẽ ra nó có thể vươn tới... thì người ta mới bắt tay vào tự học thực sự, tự học có kết quả.
Nhưng làm thế nào để biết rằng mình còn đang kém cỏi, nếu không đọc rộng ra sách báo nước ngoài? Xin phép được lấy ví dụ từ kinh nghiệm bản thân: Nhờ tự học tiếng Nga, hiểu văn học Nga (và chút ít văn học phương Tây qua tiếng Nga) mà tôi có điều kiện để nhìn nhận văn học Việt Nam phần nào thấu đáo hơn, cũng như quan niệm của tôi, cách hiểu của tôi về văn học nói chung, trong chừng mực nào đó, cũng trở nên hợp lý hơn. Một số bạn trẻ gần đây chỉ lo học ngoại ngữ để giao thiệp, trong khi đó học để đọc sách, kể cả “đọc” qua máy tính... mới là việc chủ yếu của người muốn tự học.
3. Tinh thần lập nghiệp.
Ta chỉ hay nói lớp trẻ nên khiêm tốn biết ơn những người đi trước... Song có một tinh thần nữa mà người thanh niên ngày nay phải thấm nhuần, ấy là không thoả mãn với kiến thức được truyền thụ, coi rằng moi việc người trước đã làm đều chưa hoàn thiện, thế hệ mình còn phải tiếp tục; hoặc trong khi chấp nhận sự hoàn thiện của người đi trước, thì vẫn tin rằng thế hệ mình sẽ có cách làm khác, để đi tới một sự hoàn thiện mới. Về mặt đạo đức mà xét, cách tốt nhất để thế hệ đi sau tỏ lòng biết ơn với những người đi trước, là tìm cách vượt lên trên họ. Sự hiểu biết kỹ lưỡng về thành tựu của những người đi trước là nhân tố có vai trò kích thích người trẻ tiếp tục khai phá mở đường.
4. Mấy “chiêu thức” cần thiết
Có nhiều “động tác” mới nhìn tưởng là chuyện nhỏ, song lại có ý nghĩa quyết định và các bạn trẻ mới bắt tay tự học nên biết :
1/. Các loại sách từ điển bách khoa cho phép người ta có được bức tranh toàn cảnh về một lĩnh vực kiến thức nào đó, bởi vậy, với những người tự học, là một công cụ thật thuận tiện. Vả chăng không phải chỉ tra một từ điển, mà có khi mò mẫm tra nhiều từ điển khác nhau, để tìm ra cái tối ưu. Khi sử dụng Bách khoa toàn thư, không nên quên theo dõi phần thư mục của nó, để tìm xem chung quanh vấn đề mình đang theo đuổi có những quyển sách nào đáng đọc nhất, rồi dành thời gian đọc bằng được. Theo cách này, tôi đã có thể hiểu kỹ thêm vài môn học mà quả thực, lúc học ở trường, chưa được các thày dạy, hoặc dạy quá sơ sài, thậm chí là dạy sai nữa.
2/ Trong khi tự đặt cho mình một kỷ luật làm việc, đồng thời ta nên dành ra những khoảng trống tự do, để từ lĩnh vực mình phải học, đọc lấn sang các lĩnh vực khác. Ví dụ, trong khi học về văn học, tôi đồng thời có ý tìm đọc thêm sách sân khấu, hội hoạ, có lúc lan man sang cả sinh học, cơ học lượng tử... Không bao giờ tôi coi những bước lang thang này là mất thì giờ, ngược lại, thấy biết ơn những kiến thức xa lạ ấy, vì nhờ có chúng, những suy nghĩ của tôi về văn chương và đời sống trở nên mềm mại hơn.
3/ Nên biến việc tự học thành một việc hữu ích. Tức là người tự học cũng nên tính tới những sản phẩm cụ thể, và nếu những sản phẩm này biến thành hàng hoá, mang lại cho đương sự một số tiền nho nhỏ thì...càng tốt. Tôi nhớ hồi đang mê đọc các thứ lý luận về tiểu thuyết, tôi đồng thời nhận làm các bản lược thuật cho Viện thông tin khoa học xã hội. Đáng lẽ chỉ tuỳ tiện ghi lại kiến thức vào sổ tay thì tôi phải trình bày lại chúng một cách sáng sủa, để người khác có thể sử dụng được. Tiền thu được chẳng là bao, nhưng nó buộc tôi phải làm công việc của mình một cách nghiêm túc.
5. Bản lĩnh và may mắn
Bên cạnh yếu tố chủ quan của người đi học, thì việc học hỏi thành bại hay không còn phụ thuộc vào ông thày. Người tự học phải biết tìm thầy cho chính mình. Và nếu như sau một thời gian đọc hàng núi sách, anh chợt nhận ra mình toàn loay loay với những cuốn sách hạng ba hạng tư, thời giờ đã mất, mà kiến thức thu được chẳng bao nhiêu, thì người đáng để anh ta buông lời trách móc lại là chính bản thân anh - oái oăm là ở chỗ đó!
Thường nhìn vào khoa học, người ta dễ bắt gặp một khung cảnh ồn ào lộn xộn. Vậy nên khi bước vào đó, người tự học luôn luôn cần có một chút tỉnh táo để biết trong trường hợp của mình, thầy nào đáng theo, sách nào đáng đọc kỹ trước tiên. Tức là phải có được một bản lĩnh nhất định, và cả một chút may mắn nữa.
Nói là phải đọc hàng ngàn cuốn sách, hàng vạn bài báo khác nhau, song người có kinh nghiệm đều biết trên con đường tự học thực ra chỉ có một hai cuốn sách nào đó với bản thân là có ý nghĩa nhất: những quyển sách ấy làm thay đổi cả hướng đi của mình, do đó cả cuộc đời mình. Nếu như bằng trực giác, bằng mẫn cảm, ta đã tìm được một hai cuốn sách lớn, và biết coi nó là bạn đồng hành suốt đời, đọc mãi không chán, thì hoàn toàn có thể tự coi là mình biết học, và may mắn ấy, không phải ai cũng có.
Nhấn mạnh một chút hên xui không phải để làm chùn bước các bạn trẻ : chính những đỏng đảnh bất định này lại là chút muối mặn mà làm cho công việc tự học của chúng ta không bao giờ nhàm chán.
Trong số rất nhiều định nghĩa về con người hiện đại, có một định nghĩa đơn giản như sau: Đó là con người biết làm ra chính mình.
Theo tiêu chuẩn này mà xét, thì người biết tự học luôn luôn là con người hiện đại./.

1998
Bàn về lý tưởng của tuổi 20

Nhà phê bình Vương Trí Nhàn:

Hãy nghĩ tới ngày giã từ sư phụ để xuống núi

Nhận diện lại lý tưởng và giá trị của những con người trẻ tuổi (đặc biệt là giới trí thức) trong thời chiến tranh và trong cuộc sống hiện tại...

Thông điệp làm mẫu qua rồi

Đọc những trang nhật ký của anh Nguyễn Văn Thạc và chị Đặng Thuỳ Trâm hơn 30 năm về trước, khi họ còn đang là những người trẻ tuổi đang cống hiến tuổi thanh xuân cho công cuộc giải phóng đất nước, nhiều người trẻ hôm nay đều rất xúc động trước lý tưởng, hoài bão cao đẹp của họ. Nhưng nhiều người khác lại có vẻ buồn hơn khi thấy cái lý tưởng đó hình như đang mất dần đi trong cuộc sống thời bình...

Vương Trí Nhàn (VTN): Tôi cho rằng nỗi buồn anh vừa nói là chính đáng, nhưng để khỏi buồn, phải hiểu rằng hoàn cảnh mỗi thời một khác, không thể và không nên đem cái lý tưởng của thời chiến tranh để áp đặt cho con người thời bình. Với tôi, những trang nhật ký ấy không phải được in ra để làm mẫu cho các bạn trẻ bây giờ. Thông điệp làm mẫu qua rồi. Điều tôi muốn đề nghị là qua những trang nhật ký đó, kích thích được các bạn trẻ giúp họ có thái độ đúng đắn với chính bản thân mình. Thành thực mà nói, tôi vẫn nghĩ người mình thời nay, kể cả thanh niên, nhiều khi bị mắc cái bệnh hời hợt quá nặng. Dễ bằng lòng với những gì đang có. Nghèo nàn trên phương diện nội tâm. Lúc nào cũng nói mà huyên thiên không hiểu là đang nói cái gì. Giá kể ta biết dành ra ít thời gian để đối diện với chính mình suy nghĩ thêm xem mình là ai, mình đang ở đâu, đang làm gì và qua đó phanh phui những ẩn sâu trong con người mình thì hay biết bao. Ngay cả tuổi trẻ cũng vậy...

Ông cắt nghĩa thế nào về sự khác nhau giữa hai thế hệ?

VTN : Tôi nhớ trong tác phẩm Thế giới hôm qua, nhà văn áo Stephan Zweig từng nói tới cái cảm giác kỳ lạ của con người phương Tây khoảng những năm bắt đầu đại chiến thứ nhất: “Sau một đêm, chúng tôi tỉnh dậy và thấy thế giới cũ không còn nữa”. Sở dĩ như vậy vì đầu thế kỷ XX là giai đoạn chứng kiến sự thay đổi lớn của thế giới từ cổ điển sang hiện đại. Trong tư duy cổ điển, con người với con người, con người với hoàn cảnh sống rất hoà hợp. Người ta luôn biết mình phải làm gì và trước mắt người ta hầu như chỉ có một con đường duy nhất. Còn khi chuyển sang thời hiện đại, sự hoà hợp, cân đối hôm qua không còn nữa. Thế giới trở nên kỳ dị. Không phải bao giờ con người cũng dễ hiểu với nhau như ngày trước. Và ngay trong một con người cũng có sự phân cách. Một con người có thể có hai ba bộ mặt khác nhau như trong tranh Picasso chúng ta đã xem.

Tôi cho rằng ở Việt Nam cũng đã xảy ra sự biến động đó. Ngay trong cùng một khoảng thời gian như cuộc chiến tranh chống Mỹ, thì những năm đầu có khác ( như ta quen đọc trong phần lớn các tác phẩm văn học ), mà từ 1968 trở đi đã khác (đọc Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, thậm chí chỉ cần đọc Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu người ta đã bắt đầu nhận ra sự khác biệt đó.) Từ sau 1975 thì hoàn cảnh càng thay đổi. Tinh thần của xã hội hiện đại đã và đang chi phối cuộc sống người Việt. Chỉ có điều khác là nếu ở thế giới người ta bình tĩnh để đón nhận và lý giải nó thì ở ta cái mới cái hiện đại lại ít được nói tới hoặc bị lãng tránh. Chúng ta thường đánh đồng các giá trị với nhau, rồi quá luyến tiếc cái đã qua, nên với lớp trẻ, công tác giáo dục ngày càng thiếu thuyết phục.

Đánh giá lớp trẻ hiện thời

Có vẻ như ông không chia sẻ với những lời kết án lớp trẻ hiện nay?

VTN Tất nhiên là không rồi. Ngược lại, tôi thì thấy các bạn trẻ bây giờ khá bơ vơ. Họ gặp nhiều khó khăn lắm, thậm chí còn khó khăn hơn chúng tôi nữa. Chúng tôi cực khổ nhưng có niềm tin, còn sự khủng hoảng niềm tin thì đang thấy ở nhiều bạn trẻ hôm nay. Thế hệ chúng tôi chỉ lo đối mặt với kẻ thù và cuối cùng đã góp phần làm nên chiến thắng.Thế hệ các bạn bây giờ đang đối mặt với nỗi đau đớn của đất nước tụt hậu, và trong thâm tâm nhiều người tự hỏi không biết bao giờ chúng ta mới thực sự giải quyết được điều đó. Trong cuộc sống, khá nhiều bạn trẻ già đi rất sớm. Một số ra vẻ nhanh nhảu chớp lấy thời cơ để kiếm tiền và tưởng rằng bằng cách đó sớm in dấu ấn của mình trước xã hội, sau đó lao vào cuộc sống ăn chơi thực dụng. Một số khác lại sống đờ đẫn, mộng du hay rơi vào một tình trạng vô cảm, một sự chết mòn về tâm lý. (Điều này thể hiện phần nào trong tác phẩm Chuyện của thiên tài của Nguyễn Thế Hoàng Linh mới in gần đây).

Ông có cực đoan quá không? Bởi với nhiều người thì tình trạng lớp trẻ mà ông miêu tả chỉ là cá biệt và đấy không phải là lỗi của cá nhân họ. Liệu có cần nói đến những ảnh hưởng (tiêu cực) của thế hệ đi trước?

VTN Tôi cũng rất mong muốn có người chứng minh một cách thuyết phục rằng tôi nói sai. Cụ thể hơn, tôi nghĩ rằng giá có thể mở ra một cuộc đối thoại trên phạm vi toàn xã hội để nhận xét về lớp thanh niên hiện nay, và nếu cho rằng họ có hư thì đâu là nguyên nhân đẻ ra sự hư hỏng đó.

Dù đánh giá mức độ thế nào, song có thể tin chắc trong cái hư của lớp trẻ bây giờ có nhiều cái hư do người lớn gây ra. Tôi tin rằng những người lớn thoái hoá biến chất -- mà tiêu biểu là các quan chức tham nhũng -- thì con cái của họ sẽ không ra gì. Bởi không ai lừa được con cái cả và cũng vì con cái phản ánh rất đúng chất lượng làm người của bố mẹ. Nhiều lỗi của giới trẻ bây giờ nảy sinh là để phản ứng lại với cách sống bon chen, giả dối, nói một đằng làm một nẻo của chính lớp người đi trước. Vì thế mà trong cái hư của nhiều người trẻ hôm nay, tôi thấy lớp người đi trước có lỗi nhiều.

Tức là theo ông hoàn cảnh xã hội không giúp cho người thanh niên sống tốt sống đúng đắn, và đó là chỗ khác giữa hôm nay và hôm qua ?

VTN Đúng vậy. Nhìn ra xã hội bây giờ, chúng ta không tránh khỏi xấu hổ: quan chức tham nhũng thuộc vào hàng nhất nhì châu Á; cơ sở vật chất hạ tầng yếu kém, môi trường ô nhiễm, đường đầy bụi bặm, rác rưởi; công nhân đi lao động nước ngoài bị trả về; giáo dục thì nhồi sọ, chạy thành tích, chạy điểm, đủ thứ “cò, phe vé” ; hầu như ở đâu cũng thấy gian lận.... Sau cái phồn vinh giả tạo mốt này mốt kia, chất lượng cuộc sống bị hạ thấp thảm hại.Và cay đắng là chúng ta biết xấu hổ, biết ngượng nhưng vẫn cứ làm. Lên án thì cứ lên án nhưng lười biếng, cẩu thả, chạy điểm, đưa hối lộ … vẫn tiếp tục. Dần dần những cái xấu đó biến thành chuyện bình thường, chuyện “tặc lưỡi” cho qua. Mỗi cá nhân đều hiểu rằng trong cuộc đấu tranh chống lại hoàn cảnh, mình không đủ sức.

Thay đổi bắt đầu từ đâu ?

Một cái nhìn lạc quan hơn, được biểu hiện trong ý kiến của nhà văn Nguyên Ngọc trong mục Thời sự và suy nghĩ trên báo Tuổi trẻ (thứ 5, ngày 21.7.2005). Nguyên Ngọc cho rằng “...Hiện nay chúng ta đang đến trước một cơ hội mới, một cơ hội lớn...Thậm chí có thể nói mấy mươi năm nay, chưa bao giờ có được tình thế tốt hơn bây giờ để có thể bứt phá lên, chuyển sang một bước quan trọng về chất của phát triển”... Ông có chia sẻ với nhận định đó?

VTN Tôi đồng ý là bây giờ rất cần phải thay đổi nhưng hầu như chúng ta chưa chuẩn bị được gì cho sự thay đổi đấy. Điều kiện cho sự thay đổi ít quá, nếu thay đổi thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn nên tôi không tin đây là một giai đoạn có thể bứt phá lên được. Ngược lại không khéo thì những lời kêu gọi lại trở thành cách nói một chiều, chúng rất dễ khiến các bạn trẻ rơi vào ảo tưởng.

Đọc một số truyện ngắn của Nam Cao tôi thấy có một mô-tip lặp lại thế này : nhân vật rơi vào tình thế bế tắc rất cần sự thay đổi ; nhưng một chút thay đổi ấy quá bé nhỏ, nhất là nó lại đẩy người ta rơi vào tình trạng bế tắc mới, thậm chí nặng hơn bế tắc hôm qua. Ta ngày nay cũng đang như thế.

Nhưng chẳng lẽ chúng ta cứ mãi ngồi chờ và cứ bi quan trước thực tại xã hội (mà tôi nghĩ thời nào cũng có). Nhất là những người trẻ tuổi khi cơ hội của họ không phải là nhiều? Vậy phải bắt đầu từ đâu?

VTN Trước hết tìm cách thay đổi về nhận thức. Báo chí hãy cùng xã hội nhận diện lớp trẻ ngày nay sâu sát hơn nữa. Chẳng hạn, có thể nên đăng nhật ký của các bạn trẻ bây giờ, xem họ sống như thế nào và nghĩ như thế nào về thời cuộc và về chính họ.

Nói chung tôi muốn trở lại cái ý đã nói đây đó: Lớp trẻ hãy dành thời giờ để nghĩ về mình. Hãy nghiêm khắc và tự đặt ra yêu cầu cao với chính mình.

Trong quan hệ với các thế hệ đi trước,cách tốt nhất để lớp người đi sau biểu hiện lòng biết ơn là phải tìm cách vượt lên, đi xa hơn họ. Trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung bao giờ cũng có hình ảnh của những chàng thiếu niên anh tuấn từ giã sư phụ xuống núi để tự tìm cách khẳng định mình. Tôi nghĩ rằng mỗi người thanh niên phải tìm cách chuẩn bị để có ngày làm cuộc từ giã mà chính các sư phụ chân chính cũng mong muốn đó.

Lê Hồng Lâm (thực hiện)
báo Sinh viên -2005

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét