Thứ Hai, 27 tháng 7, 2009

Hoàng Quốc Hùng tưởng nhớ thày Nguyễn Văn Quế

Trong số các thày giáo của nghề hàng hải nước ta,có rất nhiều thày khác nhau.Có thày kinh nghiệm đầy mình sau lưng là hàng vạn hải lý đã qua ,có thày chưa từng đi tàu mà chuyên giảng dạy tránh va đụng tàu cho anh em thuyền trưởng bậc cao,có thày đầy các danh hiệu tiến sĩ kỹ sư nhà giáo ưu tú,nhân dân,có thày chỉ đơn giản một chữ "anh thày giáo" mà sống mãi trong lòng các thế hệ học trò.Nguyễn Văn Quế là một ông thày thuộc loại sau cùng như thế ,người thày đầu tiên của hải quân nhân dân Việt Nam và của ngành hàng hải Việt Nam.Tôi xin giới thiệu bài viết của Hoàng Quốc Hùng hiện sống bên Anh viết về người thày đầu đời của mình.Tưỡng cũng nên giới thiệu vài dòng về tác giả mà tôi chỉ mới biết qua văn bản.Anh sinh năm 1930,quê Quỳnh Lôi Quỳnh Lưu Nghệ An.Anh là học viên khóa 2 của Thủy Đội Sông Lô (1950-1951) trên núi rừng Việt Bắc. Sau đó anh là lính Hải Quân,là thuyền trưởng tàu biển...Tại sao anh sống bên Anh Quốc?Một tình cờ gần đây khiến tôi gặp thuyền trưởng NgVTh.,người của Vosco được cử sang Anh Quốc vào những năm đầu 80 để thành lập liên doanh hàng hải ViCub giữa Việt Nam và Cuba.Anh cho biết,ngoài nhiệm vụ hàng hải,công an còn muốn anh theo dõi HQ Hùng lúc này đã phải ra đi và sinh sống tại Anh vì Hùng có họ hàng với Hoàng Văn Hoan ! Nếu nhũng dòng chữ này tới anh Hùng ,mong anh cho phép tôi được dùng các bài viết của anh trong tuyển tập "Thủy Đội Bộ TTM" mà các anh Nguyễn Việt,Cao Xuân Thự,Hoàng Đại ...đã rất nhiệt tình góp nhặt,chuẩn bị.Những bài viết của các anh thật tươi tắn của một tuổi trẻ mong muốn dâng hiến cho Tổ Quốc mà tôi nghĩ thế hệ trẻ ngày nay cần được biết .Và lòng yêu mến người thày đầu tiên,thày Quế mà tôi cũng rất kính trọng dủ tôi không phải học trò của ông!Và để so sánh với các ông thày "dỏm" khác,rất nhiều,đang làm hỏng ngành giáo dục hàng hải nước nhà!

TƯỞNG NHỚ ANH
NGUYỄN VĂN QUẾ

Hoàng Quốc Hùng viết vào tháng Năm 1994

“Giơ tay đếm thử bao người
Chung vui năm ngoái năm nay không còn?”
Đó là hai câu thơ mà một thi sỹ đã đọc giữa Đại hội Quân chính tại chiến khu Bình Trị Thiên vào năm 1949 khi thấy một số bạn bè vắng mặt vì đã hy sinh trong chiến đấu.
Bây giờ tôi cũng muốn:
“Giơ tay đếm thử bao người
Chung vui “Thuỷ quân Bộ Tổng” mà năm nay không còn?”
Trong số những người không còn đó, có anh Nguyễn Văn Quế, giáo sư Hàng Hải đầu tiên của chúng tôi. Anh đã ra đi vĩnh viễn.
Anh Quế! Cho phép chúng tôi gọi anh là ANH như tôi vẫn gọi anh khi anh còn sống. Anh mất đi, chúng tôi những chiến sĩ Thuỷ quân Bộ Tổng thủa nào vô cùng thương tiếc anh. Thương anh vì anh có đạo đức tốt, tác phong tốt, học vấn tốt, kinh nghiệm nghề nghiệp tốt, nhưng anh đã chưa được “sử dụng” đúng mức, hợp lý. Do đó, những cái tốt của anh chưa đủ điều kiện để phát huy, cống hiến và phục vụ dân tộc tới mức tối đa. Tiếc vì anh không được “thọ” thêm để thấy đất nước được “đổi mới”, cuộc sống trăm màu ngàn sắc đang đua nở, tổ quốc đang thay da đổi thịt... như lúc sinh thời anh từng mơ ước.
Thương tiếc anh, không phải chỉ than ngắn thở dài. Chúng tôi, những học trò của anh muốn hồi tưởng lại những kỷ niệm sâu sắc về anh để tự rút ra những bài học bổ ích. Tôi chỉ muốn rất khiêm tốn hồi tưởng lại vài kỷ niệm về anh mà cá nhân tôi thấy là sâu sắc và có ý nghĩa nhất.
1. “Không có ai đậu trạng nguyên về hàng hải”
Năm 1950 -1951 chúng tôi là lính Thuỷ Bộ TTM. Nói tới thuỷ quân là nói tới hàng hải. Mà giáo sư hàng hải đầu tiên của chúng tôi là anh Nguyễn Văn Quế. Tháng 5/1951, Thuỷ quân (BTTM) giải tán, chúng tôi được cấp “Bằng tốt nghiệp” (giấy chứng nhận) trong đó có 4 câu: “Đã học hết lý thuyết Hàng hải đại cương”. Thực ra hồi đó, chúng tôi chưa học được gì nhiều. Hoàn cảnh, phương tiện và thời gian còn quá hạn chế. Nhưng “giáo sư” Quế đã chong chúng tôi một bài học trong buổi lên lớp đầu tiên mà chúng tôi ghi nhớ suốt “đời sông nước” của mình. Hôm đó, sau khi thầy trò làm quen nhau, anh bắt đầu giảng bài học hàng hải thứ nhất.
- Hàng hải (anh định nghĩa) nói nôm na là hành trình trên mặt biển. Ngắm mặt biển hiền hoà khi mặt trời mọc, quá đẹp! Quan sát đại dương yên ả dưới trăng thu, rất nên thơ. Nhưng dưới mặt nước có những gì, nào ai nhớ hết, biết hết? Và khi mặt nước nổi giận, nào ai lường hết, đo hết? Do vậy có thể nói, những người làm nghề sông nước là những người “sống ở dương gian mà làm việc ở âm phủ”.
Nghỉ một lúc, anh nhấn mạnh: - và cũng vì thế, không có ai đậu trạng nguyên về Hàng hải!
Hồi đó, thú thực, chúng tôi chưa nhận thức hết ý nghĩa thâm thuý của câu này, chỉ thấy hay về cách dùng từ ngữ trong văn chương để chứng minh rằng: Học Hàng hải không phải dễ! Nhưng, thưa các bạn, đã gần 30 năm xuôi ngược trên sông biển, với bao nhiêu va vấp tai nạn về tầu thuyền, càng ngày tôi càng thấm thía sâu chân lý của giáo sư Quế: “không có ai đậu trạng nguyên về Hàng hải”.
2. “Tôi phải học tiếng Nga”
Từ sau những năm 1956, 1957 tàu bè Liên Xô (cũ), cập cảng Hải Phòng ngày càng nhiều, chuyên gia Liên Xô đến Hải Phòng ngày càng đông. Vì không biết tiếng Nga nên trong giao dịch với thuyền viên và chuyên gia Liên Xô thường mất thời gian và gặp nhiều khó khăn do phải thông qua phiên dịch viên, việc đọc và nghiên cứu tài liệu của Liên Xô cũng hạn chế, anh Quế quyết định: Phải tự học tiếng Nga! Một hôm gặp tôi anh bảo: - Tớ phải học thêm tiếng Nga gấp.
- Ai dậy anh? Tôi hỏi.
- Mình tự học.
Tôi biết, anh nói là làm. Và 6 tháng sau, tôi đã thấy anh đọc được sách báo Liên Xô, và trực tiếp nói chuyện với chuyên gia Liên Xô.
Qua trò chuyện tìm hiểu, tôi được biết: Cả một quá trình công tác của anh là cả một quá trình tự học, tự nghiên cứu liên tục không ngừng. Anh thường thổ lộ: “Học ở nhà trường chỉ là cái vốn cơ bản. Phải biết dùng cái vốn ấy để “buôn bán” có lời lãi, phải tự học. Do tự học, trình độ chuyên môn của anh ngày càng phát triển cao. Anh đã viết sách, giảng dậy cho các lớp đào tạo cán bộ Hàng hải.
Qua huấn luyện và thực tập ở Nga về Hàng hải và Thiên văn (1966-1969) tôi đã từng làm quen với những “bảng tính độ cao và azimut (đo phương vị) của các thiên thể” của Mỹ, của Anh, của Nga (TBA-54, BC-58...). Về đến Việt Nam, tôi vô cùng khâm phục khi thấy anh Quế, sau năm 1957 cũng đã có “bảng tính độ cao và azimut của các thiên thể”, gọi tắt là”THH-57”(1). So với các bảng của Anh, Mỹ, Nga, sai số không đáng kể. Hồi đó đã làm gì có các máy tính như bây giờ. Thế mà với tinh thần quyết tâm và kiên nhẫn, anh đã cho ra bảng THH - 57 kịp thời phục vụ cho các tầu bè, các trường Hàng hải khi chưa có tài liệu nước ngoài. Cho đến những năm 1971 - 1972 tôi vẫn đến để nghe anh “huấn thị” về nghề nghiệp. Noi gương anh, chúng tôi cũng tự học không ngừng. Vì không có ai đậu trạng nguyên về Hàng hải nên phải học, học nữa, học mãi... Và đúng như học giả Nguyễn Hiến Lê đã viết tác phẩm: “Tự học, một nhu cầu của thời đại”(1).
Anh Nguyễn Văn Quế ! Xin anh hãy yên nghỉ. Đừng vương vấn bụi trần. Những điều mà anh hằng lưu tâm mong mỏi cũng là những vấn đề đang được Nhà nước ta tiếp tục đổi mới, cải tiến để đưa đất nước ta tiến lên kịp với thời đại, với trào lưu chung của thế giới. Lịch sử bao giờ cũng đi lên. Thế hệ con cháu chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thành những công việc mà chúng ta chưa làm được.

London tháng 5 năm 1994
Hoàng Quốc Hùng
Để biết thêm về Hoàng Quốc Hùng,xin đọc bài viết sau đây
THUỶ QUÂN BỘ TỔNG THAM MƯU
NHIỀU KỶ NIỆM KHÓ QUÊN


Vâng! Rất nhiều kỷ niệm khó quên đối với cá nhân tôi. Thuỷ quân sông Lô, một đơn vị gồm đại đa số là học sinh trung học, cái đuôi “tạch tạch sè” khá dài, nhiều kỷ niệm vui, hồn nhiên và cả... ngây thơ nữa. Bây giờ, tuổi già bóng xế, nhiều đêm không ngủ được, nằm nhớ lại những kỷ niệm xưa mà cười một mình và cảm thấy tâm hồn có phần trẻ lại.
1. OH! Combien de Marins... (Ôi! Biết bao thuỷ thủ...)
Cuối năm 1950, Phố Giàn, gần sông Lô, nơi vẫn còn nồng mùi thuốc súng bắn đắm tầu chiến Pháp, từng đoàn trai “xếp bút nghiên theo việc binh, đao”, những học sinh sắp tốt nghiệp trung học phổ thông, mặt non choẹt, yêu đời phơi phới, từ Khu 4 kéo ra, từ Khu 3 kéo tới, từ Thái Nguyên đổ xuống, gặp nhau tay bắt mặt mừng. Dễ làm quen nhau, bởi vì, xin lỗi nhà thơ Hồng Nguyên:
Lũ chúng tôi
Bọn người tứ xứ
Gặp nhau hồi “đã” biết chữ...(1)
Bởi vì cùng chung chất “tạch tạch xè”, cùng biết hát “ngồi đây ta gõ ván thuyền, ta ca trái đất còn riêng ta...”(2), cùng biết ngâm “mơ về Hà Nội dáng kiều thơm”(3) hay “vắng bóng cô em từ dạo ấy, để buồn cho những khách sang sông...”(3).
Ổn định nơi ăn chốn ở xong, chúng tôi được chính thức phổ biến “học Thuỷ quân”. Thuỷ quân? Thuỷ quân gì mà ở nơi khỉ ho cò gáy thế này?
Cán bộ giải thích: “Kháng chiến nhất định thắng lợi. Trung ương chủ trương thành lập Thuỷ quân để vừa làm hạt nhân nghiên cứu phương hướng phát triển Thuỷ quân sau này, vừa có lực lượng để sẵn sàng tiếp thu vùng biển...”. Nghe cũng có lý, xuôi tai. Khi tư tưởng đã thông suốt thì các “lính thư sinh” bắt đầu mơ mộng:
Thuỷ quân! Giày trắng, quần trắng, áo trắng, mũ trắng có chóp bông đỏ (bonnet rouge). Đứng tựa lan can tàu sạch bóng. Nhìn mây, ngắm nước. Có tiểu thư nào mà không mê những chàng trai như thế, những chàng trai lấy biển cả làm quê hương, lấy sóng gió làm lẽ sống. Hãy đọc khe khẽ cho các tiểu thư nghe những vần thơ của Victor Hugo:
Oh! Combien de marins combien de capitaines
Qui sont partis joyeux pour des courses lointaines...(1)
Rồi chúng tôi ôm nhau hát, những bài hát vừa nghịch, vừa tếu, vừa vui của nhạc sĩ Tô Hải ở trường Lục quân Việt Nam:
Trường “Thuỷ” quân đang cần lính đánh Tây,
Tớ vội vàng bỏ nhà ra đi ngay
Bao công việc ấm ớ phó thác cho bu mày.
Rồi một hôm tới một vùng đồi núi
Không được văn minh lắm rất vắng bóng người,
Đoàn vệ trọc ôi thôi, từ bình minh đến tối
Xoay trần ra bạt núi cuốc đồi vác tre
Te tò te tí te...
Phải nói hồi đó, đời sống vật chất nghèo nàn thiếu thốn, nhưng đời sống tinh thần của những anh “lính cậu” Thuỷ quân rất đa dạng, phong phú.
2. Tôi bị phạt vì...
Vì gác vào phiên sáng mà không đánh thức trung đội trường Lương Anh dậy.
Vẫn đóng quân gần phố Giàn, trong nhà dân. Hôm đó tôi gác từ 3-5 giờ sáng. Theo quy định, lính gác vào phiên sáng phải gọi trung đội trưởng dậy. Tôi quên béng mất, để cho ông Anh mang tiếng “dậy muộn”. Chín giờ, bị gọi sang trung đội bộ. Tôi đứng nghiêm, dơ tay chào ông Anh.
- Thế nào, đồng chí gác vào phiên sáng? Ông Anh nghiêm nghị chất vấn tôi.
- Dạ đúng (Vẫn dạ theo kiểu gia đình)
- Sao không gọi tôi dậy?
- Dạ... quên!
Ông Anh chắp tay sau lưng đi vòng quanh tôi. Tôi run! Chắc chắn là bị phạt rồi, nhưng phạt kiểu gì đây?
- Quên hả - ông Anh chậm rãi nhấn mạnh - bây giờ tôi có cách làm cho đồng chí phải nhớ.
Tôi bị phạt đứng nghiêm một giờ, tay phải vác một quả mìn trên vai. Các bạn biết không? Mìn hồi đó to gần bằng quả dưa hấu, nặng lắm, được bọc trong một cái rọ đan bằng tre và có cán để vác. Tôi thuộc loại lính khoẻ, anh em vẫn gọi là “máy xúc Liên Xô”. Quãng 20 phút đầu, bình an vô sự, nhưng sau đó thì cáh tay phải cứ rã rời dần, mỏi dần... Chân đứng đúng kiểu “Hai hàng chân ngọc duỗi song song” cũng mỏi dần, mỏi dần... Tôi phải quan sát ông Anh liên tục để lợi dụng lúc “địch sơ hở”. Ông Anh không thể nhìn tôi chằm chằm mãi được. Cũng có lúc ông phải gặp người này, gặp người nọ hoặc viết lách. Thế là tôi khẩn trương cho tay trái lên tương trợ tay phải và tranh thủ cử động hai chân.
Đúng 1 giờ, tôi được giải phóng. Chào trung đội trưởng xong, quay đi, mồm tôi lẩm bẩm “Merci beaucoup” nhưng tôi cũng thấm thía rút ra được một bài học “phải nhớ mà chấp hành mọi quy định của cấp trên cho nghiêm túc”.
3. Ông Lê Trường Đa và... đi đều bước!
Ông Đa sau này là Giám Đốc Xưởng Hải Quân X 46 Hải Phòng Khả Lĩnh. Đóng quân trong nhà dân, trên ngọn đồi thoai thoải thấp. Từ đó xuống dốc để ra thao trường, một bãi đất bằng phẳng rộng rãi nối liền với một dòng sông bằng bãi cát mịn. Chúng tôi đang bị “quần” về đi đều. Tiểu đội đi đều. Trung đội đi đều. Rồi đại đội đi đều. Mắt nhìn thẳng. Ngực ưỡn ra. Chân đi đúng nhịp hô. Đến khổ: có những anh mang cố tật “chân nào tay ấy” bị ông Đa mang riêng ra “quần” cho mệt lử. Ông Đa, đại đội trưởng, da ngăm đen, to, cao, quắc thước. Nhìn ông đã thấy run rồi. Ông trực tiếp điều khiển luyện tập “đại đội đi đều”. Nắng như thiêu như đốt. Mồ hôi chảy vào mắt xót không chịu được, vẫn không dám nhúc nhích, áo ướt đẫm. Chân tay mỏi dừ tê dại. Miệng khát khô. Ông Đa vẫn “quần” liên tục. Tập chịu đựng gian khổ cho quen! Tiếng hô của ông vẫn “sắc” như kiếm. Ông cho cả đại đội đứng gần mép sông. Ông huấn thị: - Kỷ luật Quân đội là kỷ luật sắt, các đồng chí rõ chưa?
Rõ! Mồm chúng tôi đáp theo phản xạ tự nhiên nhưng chúng tôi đưa mắt nhìn nhau không hiểu đại đội trưởng giở trò gì đây?
Ông dõng dạc hỏi chúng tôi: - Toàn đại đội đi đều, xuống đến tận mép sông chưa hô đứng lại, các đồng chí có tiếp tục đi không?
Bị hỏi đột ngột, chúng tôi đứng ngớ ra. Vài anh trong hàng lẩm bẩm: - Sông thì đi làm sao?
Không ngờ ông nghe được. Giọng ông lên thêm một “ton” nữa, ông dằn từng tiếng: - Vẫn phải đi. Vẫn phải chấp hành tuyệt đối. Xuống sông cũng phải đi. Vào lửa cũng phải đi. Bao giờ cho đứng lại mới được đứng lại. Các đồng chí rõ chưa?
- Rõ!
- Bên phải... quay.
Cả đại đội thành hàng dọc. Trước mặt là dòng sông. Thôi, chết đuối cả lũ rồi.
- Đi đều... bước. Một hai... một hai...
Chúng tôi phải đi. Mấy người đi đầu đã mấp mé nước. Bỗng...
- Đứng lại... đứng!
- Đằng sau... quay!
- Đi đều... bước!
Lạy chúa. Anh nào anh nấy thở phào thoát chết!
Từ đó, chúng tôi được một bài học: kỷ luật Quân đội là kỷ luật sắt (très dure).
4. Hỏi thăm cô Tú có chồng hay chưa?
Đóng quân ở Nghinh Lạp. Vẫn đóng trong nhà dân.
Bấy giờ bọn chúng tôi thường hát xa hát gần hai câu cố để cho anh Ngoạn, trung đội phó của chúng tôi nghe:
Ai về Nghinh Lạp bên sông
Hỏi thăm cô Tú có chồng hay chưa
Anh Ngoạn, mặt đỏ như sôi gấc, phải bấm bụng mà lờ đi, không có lý do gì để bắt bẻ bọn lính cậu này được. Nguyên là ông chủ nhà trung đội tôi đóng quân có cô con gái, so với nhan sắc địa phương, cũng “mười phân vẹn mười”. Cô tên là Tú, đang “tuổi cập kê”, tường đông ong bướm đi về mặc ai! Anh Ngoạn ta để ý tìm hiểu rồi... tỏ tình. Bọn tôi bí mật điều tra theo dõi. Được biết: cô Tú không phản đối, nhưng cũng chưa hẳn cắn câu, vẫn lơ lửng con cá vàng. Và anh Ngoạn vẫn kiên nhẫn “tấn công” rất kín đáo.
Thế rồi: Ai về Nghinh Lạp bên sông
Hỏi thăm cô Tú có chồng hay chưa?
Đã đến tai cô Tú. Nghe câu ca dao, cô tủm tỉm cười nhìn chúng tôi. Chúng tôi đang đào tranchée (hầm) cũng ngấp nghé ngắm lại cô vừa “tỏ tình quân dân”, vừa tranh thủ “cải thiện đôi mắt” vì đã lâu ngày không có bóng dáng nữ sinh nào để chúng tôi “ngơ ngẩn trông vời áo tiểu thư!”.
Phải khiêm tốn mà tự hào rằng: lính Thuỷ quân sông Lô chúng tôi đi đến nơi nào, đóng quân ở đâu cũng giữ vững tác phong và đạo đức quân nhân, nhất là giữ được quan hệ rất tốt đẹp với phụ nữ, không bao giờ để xảy ra tai tiếng gì. Phải chăng xuất thân từ học sinh, có học, có hiểu biết?
Tháng 3/1994 vừa qua hành hương về thăm lại “vườn xưa chốn cũ” của Thuỷ quân sông Lô chúng tôi được biết cô Tú đã mất. Chuyện chồng con của cô chúng tôi cũng không tiện hỏi. Một nỗi buồn xâm nhập vào chúng tôi bởi “tình cá nước”. Có những người dân đã giúp đỡ bộ đội hết lòng, nay không còn nữa!
5. Chép cho tớ bài thơ hay!
Đóng quân Nghinh Lạp, những ngày chủ nhật, chúng tôi thường rủ nhau ra sông tắm. Không bao giờ chúng tôi chịu tắm dưới dòng các cô gái địa phương. Lúc nào cũng trên dòng. Các cô cũng không chịu. Và cứ thế mà tranh nhau.
Tắm xong, quây quần dưới ánh mặt trời chói chang, ngắm những làn mây xanh ngắt, trong những rừng cọ những bờ tre vi vu tiếng gió, nhìn những cánh đồng ngô non mơn mởn, trong lòng dào dạt, lời ca tiếng hát giọng ngâm cũng vút lên. Tôi thường ngâm bài thơ mà tôi thích nhất cho các bạn nghe:
Năm xưa em nữ sinh,
Mắt huyền lung linh,
Đu đưa mái tóc,
Tiếng guốc thanh bình.
Ta mơ ta hát hề nhan sắc,
Ta gọi thầm em gọi một mình.
Em là hương ngọt vườn trinh
Gió trăng kết bạn đa tình là ta.
Người thâm khuê kẻ xa nhà
Cầu duyên lỗi nhịp, thuyền hoa lỏng chèo...(1)
Không những các bạn đồng đội tôi nghe, mà các cô gái Nghinh Lạp ngồi dưới gió cũng nghe. Chắc các cô, trong đó có cô Tú, thương chúng tôi lắm. Cầu duyên đẹp thế mà phải lỗi nhịp. Thuyền hoa tươi thắm vậy đành nỡ lỏng chèo. “Các cô ơi, có ai bắc lại cầu, chèo lại thuyền được không?”.Các cô cười, đấm lưng nhau thùm thụp...
Không hiểu sao, anh Ngoạn, trung đội phó, biết được bài thơ này? Cô Tú mách chăng? Một hôm anh gặp tôi, thì thầm kín đáo: - H. ơi, chép cho tớ bài thơ Nữ sinh... ấy”.
- Thơ nào? Tôi giả vờ đánh trống lảng.
- Thôi, đừng gây khó khăn nữa. Thuận chép không?
Tất nhiên tôi sẵn sàng chép. Nhất cử lưỡng tiện: vừa được tiếng là giúp đỡ bề trên, vừa đỡ bị “đòn” sau này.
Thì ra, cấp chỉ huy, đứng trước hàng quân “miệng nhà quan có gang có thép”, nhưng ruột gan thì cũng giống như bọn lính chúng tôi.
6. Ông Triết ốm được cô Tú bồi dưỡng!
Ông Triết, trung đội trưởng của chúng tôi, ốm. Sốt. Nằm liệt giường.
Thư ký của ông ta, cậu Bùi Xuân Kiều, lo lắng chạy vạy thuốc thang cơm cháo. Kiều là bạn chí thân của tôi, quê Ninh Bình, người thấp nhỏ, nhưng nhanh nhẹn tháo vát. Kiều cũng như chúng tôi, biết chuyện kín đáo giữa cô Tú và ông Ngoạn. Qua Kiều, chúng tôi được biết: ông Triết cũng chả trách móc gì chuyện đó.
Nhưng - lại Nhưng nữa, trò đời là thế - tuyệt đối bí mật, Kiều rỉ tai tôi: - Tú nó mến tao. Tôi giật bắn người. Chuyện động trời! Sao lại dám chen vào với cấp chỉ huy, trung đội phó Ngoạn? Kiều thanh minh rất thực thà: tao đâu dám. Nhưng thỉnh thoảng thấy Tú nó cho tao bánh. Đang đói, tội gì không lấy. Mấy ngày hôm nay ông Triết ốm. Tao để dành bánh cho ông Triết. Ông ta vừa ăn vừa khen ngon, vừa hỏi bánh mua ở đâu. Tao phải tìm cách nói dối quanh co, chứ tiền đâu mà mua!
Tuần lễ sau, ông Triết đỡ, rồi khoẻ hẳn. Bọn tôi cứ nhìn ông Triết, rồi lại nhìn ông Ngoạn bấm nhau cười: ông Triết khoẻ, một phần nhờ bánh của cô Tú, mà ông Ngoạn đâu có biết. Nhưng chúng tôi vẫn trân trọng quý mến tấm lòng vàng của cô Tú đối với bộ đội. Quả thật “quân với dân như cá với nước”.
7. Báo động cá nhân
Để huấn luyện tinh thần cảnh giác, khẩn trương sẵn sàng chiến đấu, chúng tôi thường bị báo động ban đêm. Đang ngủ say, bỗng “toe”, còi rít lên. Tiếng trung đội trưởng: “báo động”. Thế là chúng tôi phải vùng dậy ngay. Tối đa sau 5 phút, ai nấy phải ra sân tập hợp: quân phục chỉnh tề, lưng mang ba lô đựng toàn bộ tài sản cá nhân như quần áo, chăn màn, sách vở, bát đũa bàn chải đánh răng... vai đeo súng hoặc cuốc xẻng được trang bị. Tập hợp xong, chạy lại chỗ. Chính những pha báo động này mà nhiều chuyện cười ra nước mắt. Có anh không kịp mặc quần dài. Có người không mũ. Có cậu cởi trần. Vì buộc không chặt, khi chạy, có đồng chí bát đũa rơi lủng ngủng. Tội to nhất là không tìm ra “vợ” mình (quên súng).
Trong trung đội tôi, anh Phan Ngọc Vạn thường chậm chạp nhất. Anh Vạn học cao hơn chúng tôi, người mập tròn, đi đứng thong dong, chất thư sinh chưa cải tạo được nhiều. Bỗng một đêm...
TOE! Báo động. Chúng tôi ngồi vùng dậy. Nhưng không. Tiếng trung đội trưởng tuyên bố: “Báo động riêng cá nhân đồng chí Vạn. Các đồng chí khác cứ tiếp tục ngủ”. Chúng tôi muốn phì cười mà không cười được. Trời! Lại có chuyện báo động cá nhân. Sáng tạo lạ! Tôi nằm nghe anh Vạn lục cục thu xếp để chạy ra sân. Vẫn chậm. Vẫn thiếu thứ này thứ khác. Vẫn nghe tiếng bát rơi. Nghĩ mà thương đồng đội.
Sau này phải công nhận rằng: cuộc sống quân ngũ đã rèn luyện chúng tôi có một tác phong khoa học, ngăn nắp, trật tự, khẩn trương, một ý chí kiến cường quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Tháng 5 năm 1994
Hoàng Quốc Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét