Thứ Hai, 27 tháng 7, 2009

Giáo sư Vũ đình Cự giới thiệu thủy lôi cho các nhà lãnh đạo tối cao



Chúng tôi muốn giới thiệu với các bạn những bức ảnh về buổi giới thiệu của giáo sư Vũ đình Cự về kết quả nghiên cứu chống thủy lôi với các nhà lãnh đạo cao cấp của nhà nước vào năm 1972.Trong ảnh chúng ta có thể thấy các vị Trường Chinh,Hoàng Quốc Việt...

Và 36 năm sau,trong một bức thư gửi Nguyễn Thái Phong đội trưởng phá lôi của Đường Biển,giáo sư viết nguyên văn như sau :

Vũ đình Cự
Hà nội, ngày 4 tháng 1 năm 2008

Thân gửi : Anh Nguyễn Thái Phong

Như đã trao đổi với anh ở Hà nội, sau khi hỏi các d/c trong Bách khoa (vì đã quá lâu nên sợ quên) và đọc lại một số tài liệu còn lưu, tôi trao đổi với anh một số việc sau:
1) Chúng tôi có tham gia với các anh về cải tiến con tầu để rà phá trong phần nguồn có chỉnh lưu dòng một chiều và một số đo đạc…
Sau đóVụ Kỹ Thuật có báo cáo tàu này rà phá tốt, do đó các báo chí có viết như vậy.
Đến nay, nghĩa là sau 35 năm, mới có thông tin rằng: khi tàu này xong đưa đi rà phá thì đã rà phá xong rồi.
Thật đáng tiếc, nếu biết sớm như vậy báo sẽ viết khác. Cụ thể là chỉ kể về tàu tự động rà phá T5, các thiết bị dùng cho đường bộ trong đó có đường HCM,đường sông và ven biển vào miền Trung.
Như vậy lỗi là từ thiếu thông tin.
2) Trong đầu nổ mà chúng tôi cưa ra, ngoài chất chống ẩm còn có một vòng với lớp nhôm ở ngoài chưa rõ công dụng. Nhờ quân giới kiểm tra thì đó là vòng thuốc nổ mà Mỹ cài bẫy trong đầu MK-42.
3) Chúng tôi bất ngờ được Bộ, lúc đó d/c Đinh Đức Thiện làm Bộ trưởng, gọi lên tham dự 1 triển lãm ở trong biệt thự, tôi chỉ được lệnh giới thiệu tính năng cơ bản của đầu MK-42. Còn các phần khác do các nhóm khác giới thiệu, chứ không có Bách Khoa.
Sự hợp tác giưa chúng ta thật tốt đẹp, tôi xin chân thành cám ơn sự hợp tác của chúng ta.

Bức thư của giáo sư Vũ đình Cự nhằm đinh chính các việc đã làm trong quá khứ,giải thích công tác phá thủy lôi thực sư là do anh em hải quân và đường biển làm,sự đóng góp của các nhà khoa học chỉ trong một chừng mực nhất định .Tuy vậy,tại Đại Học Bách Khoa vẫn còn tấm biển ghi công muôn đời và huyền thoại GK1 vẫn bao trùm trên tất cả các văn bản ?
Thực chất công tác chế tạo thiết bị rà phá lôi ra sao,xim mời các bạn đọc bản báo cáo của kỹ sư điện Nguyễn Ngọc Linh,một thành viên trong tổ phá lôi tại hội nghị ngày 20 tháng 12 năm 2007 như sau


CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU, CHẾ TẠO THIẾT BỊ RÀ PHÁ
THUỶ LÔI Ở CỤC ĐƯỜNG BIỂN PHỤC VỤ CHO VIỆC BẢO ĐẢM AN TOÀN HÀNG HẢI TRONG GIAI ĐOẠN 1965 – 1975.


Chân dung Nguyễn Ngọc Linh chụp năm 1967
Là một thành viên trong Tổ nghiên cứu phá thuỷ lôi của Cục Đường Biển, được phép của Cục Hàng hải, tôi xin được trình bày về công tác nghiên cứu, chế tạo thiết bị rà phá thuỷ lôi ở Cục Đường Biển, phục vụ cho việc bảo đảm an toàn hàng hải trong giai đoạn 1965-1975.
Cùng với việc leo thang ném bom phá hoại miền Bắc, năm 1967 đế quốc Mỹ đã tiến hành phong toả đường biển của ta bằng các loại thuỷ lôi từ tính.
Những vấn đề đặt ra cho Cục Đường Biển trước việc Mỹ phong toả thuỷ lôi là:
1. Phải thấm nhuần đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng trong toàn Cục, sát cánh cùng Hải Quân và các đơn vị bạn để chủ động tìm biện pháp rà phá thuỷ lôi của địch. Các cán bộ Khoa học kỹ thuật phải tự tin đi vào tìm hiểu lĩnh vực bom mìn, thuỷ lôi, không né tránh cho rằng việc này là của bên quân sự mà có tư tưởng trù trừ chờ đợi.
2. Trong các nhiệm vụ của Cục Đường Biển, có một nhiệm vụ vô cùng quan trọng là đảm bảo an toàn hàng hải. Địch thả thuỷ lôi làm mất an toàn hàng hải. Nhiệm vụ đương nhiên của Cục Đường Biển là phải phá bỏ sự mất an toàn này. Vì vậy toàn Cục Đường Biển đã lao vào mặt trận này với một quyết tâm cao, vượt qua mọi khó khăn, không sợ gian khổ, hy sinh.
3. Phải nhanh chóng nắm được tính năng, tác dụng của các loại thuỷ lôi để trong thời gian ngắn nhất chế tạo được các thiết bị rà phá đạt hiệu quả cao.
4. Phải nắm vững âm mưu, thủ đoạn phong toả bằng thuỷ lôi của địch.
5. Phải tranh thủ tối đa sự chi viện của cấp trên, hợp tác chặt chẽ với các đơn vị bạn, huy động tối đa mọi nguồn năng lực của Cục cho công tác nghiên cứu, chế tạo thiết bị rà phá thuỷ lôi.
Trước những vấn đề đặt ra cấp bách như trên, Cục Đường Biển đã:
- Tổ chức thành lập tổ nghiên cứu rà phá thuỷ lôi. Bước đầu là 1 tổ nghiên cứu hỗn hợp Đường Biển + Hải Quân, cho ra đời PĐ-67-1.
- Sau đó là tổ nghiên cứu của Đường biển, cho ra đời PĐ – 67 – 02 và PĐ - 67 – 03).
- Chỉ đạo thành lập các đội rà phá thuỷ lôi ở các đơn vị (Ty Bảo đảm hàng hải, Cảng Hải Phòng, Cảng Bến Thuỷ ….)
- Kết quả là tổ nghiên cứu hỗn hợp Đường Biển + Hải Quân được thành lập ngày 18/4/1967 thì chỉ sau hơn 2 tháng đã sản xuất được PĐ - 67 – 01 và đưa đi rà phá ở Khu IV.
PĐ – 67 – 01 là một phao vỏ sắt bên trong đặt 1 búa đập tạo âm thanh ở bên ngoài, phía sau đặt 1 cuộn phát từ hình chữ U, phía đầu gắn 1 ăng ten. Dùng đầu nổ của MK- 50 để thử, cho tín hiệu nổ ở cự ly 17m.
PĐ- 67 – 01 được C8 Hải Quân đưa thử ở Khu IV nhưng không kết quả. Tuy PĐ- 67 – 01 chưa thành công nhưng đã nói lên được tinh thần làm việc khẩn trương, nhịp nhàng của nhóm nghiên cứu, cũng như của các đơn vị trong Cục Đường Biển và Hải Quân.
Tiếp theo là PĐ – 67 – 02 và PD – 67 – 03 ra đời.
Thiết bị gồm:
- 1 ống dây  300 mm, l = 500 mm (trên quấn dây)
- Ở giữa là 1 lõi từ
 200 x 1000 mm,  = 4mm (PĐ – 67 – 02 CT3)
65 x 65 x 1200 (PĐ – 67 – 03 Tôn Silic)
- 3 bình ắc quy 12v – 128 ah
- Bộ tự động tạo xung để kích nổ thuỷ lôi.
PĐ – 67 – 03 được thiết kế gọn nhẹ, đặt trên thuyền gỗ nhỏ, đã mở đầu bằng chiến công phá được 2 quả thuỷ lôi ở cửa Lạch Giang. Với kết quả này cấp trên đã cho phép sản xuất 40 bộ PĐ – 67 – 03, lúc này được mang tên ĐB – 67 – 3 cung cấp cho các đơn vị trong và ngoài ngành và được biết với tên chung là PĐ67, PĐ67 đã phát huy tác dụng ở các luồng sông, bến phà … và được các chiến sĩ trong các đội rà phá sáng tạo ra nhiều cách rà quét như kéo dây 2 bên bờ, thả trôi, gắn máy đĩa vào xuồng phá lôi kéo theo xuồng cao su có người ngồi để lái xuồng phá lôi.
Kết quả là phá được rất nhiều thuỷ lôi, mở rộng được nhiều luồng và bến phà.
Song song với việc thành lập tổ nghiên cứu, Cục Đường Biển cũng chỉ đạo các đơn vị thành lập các đội phá lôi (Ty BĐHH, Cảng Hải Phòng, Cảng Bến Thuỷ…)
Các đội phá thuỷ lôi có vai trò hết sức quan trọng:
- Sử dụng các công cụ thô sơ lúc đầu như tôn, nam châm vĩnh cửu để rà phá khi chưa có các công cụ chính quy.
- Thử nghiệm các thiết bị rà phá mới sản xuất, bổ xung đóng góp để hoàn chỉnh, tiến tới sản xuất hàng loạt.
- Bắt sống thuỷ lôi địch, tháo gỡ bộ phận điều khiển gây nổ cung cấp cho các nhóm nghiên cứu, đã giúp rất nhiều cho việc tìm hiểu tính năng tác dụng của thuỷ lôi, đưa đến việc chế tạo các thiết bị rà phá có hiệu quả cao.
- Các đội phá lôi của Cục Đường biển dần dần trở thành nòng cốt trong việc rà phá các trọng điểm, huấn luyện sử dụng và bàn giao thiết bị rà phá cho các đơn vị địa phương.
Với thiết bị được Cục Đường biển cung cấp, nhiều đơn vị của Đường Sông cũng phá nổ được nhiều thuỷ lôi địch.
Năm 1968 địch ngưng phong toả nhưng ta nắm được chúng vẫn chưa từ bỏ âm mưu phong toả tiếp khi chúng bị đánh ác liệt ở chiến trường miền Nam. Các đơn vị chức năng vẫn tiếp tục nghiên cứu, củng cố những hiểu biết về vũ khí địch để sẵn sàng vào cuộc.
Đúng như dự đoán, năm 1972 địch phong toả trở lại với thủ đoạn tinh vi hơn và với các loại thuỷ lôi phức tạp hơn và có độ nhậy thấp hơn trước rất nhiều (15 đến 20 lần). Chúng leo thang phong toả luồng vào cảng Hải Phòng bằng MK- 52 (luồng Nam Triệu). Chúng gây khó khăn cho việc rà phá bằng cách thả xen kẽ nhiều loại thuỷ lôi với nhiều loại độ nhậy khác nhau kết hợp với bom nổ ngay.
Tổ nghiên cứu của Cục Đường Biển được tập hợp trở lại do đồng chí Trần Văn Chấp làm Tổ trưởng.
Trước tình hình này đòi hỏi phải sản xuất loại thiết bị rà phá phát ra từ trường mạnh hơn và phải có dạng xung phù hợp.
Tổ nghiên cứu cùng các đơn vị sản xuất đã nhanh chóng cho ra đời ĐB-72-01 và ĐB-72-02.
* ĐB – 72 – 01 gồm:
- Cuộn phát từ : Dây được quấn trên 1 ống có kích thước 1000m/m; L = 800m/m.
- Lõi từ bằng tôn Silic có kích thước 150 x 150 x 1500m/m. ĐB-72-01 được lắp đặt trên các phương tiện tự hành như tàu Tự lực, Tàu cá… cho phép phá được thuỷ lôi an toàn ở cự ly xa hơn.
* ĐB – 72 – 02 là 1 khung dây chỉ có 1 vòng dây được gắn trên các phao nổi với đường kích 15m khi triển khai. Khi cho dòng điện chạy trong khung dây sẽ tạo được 1 từ trường thẳng đứng , nhằm phá các thuỷ lôi đã biết tương đối chính xác vị trí. Thiết bị này chưa mang lại kết quả.
Với ĐB-72-01 ta đã có một loạt các phương tiện rà phá rất có hiệu quả, giải phóng nhanh các luồng.
Riêng đối với thuỷ lôi được thả trên luồng Nam Triệu ta gặp rất nhiều khó khăn trong rà phá và chưa làm nổ được quả thuỷ lôi nào. Nhiều dấu hiệu cho thấy đây là loại MK-52.
Vấn đề đặt ra lúc này là phải cho ra đời một thiết bị phá thuỷ lôi có khả năng phát ra một từ trường rất mạnh ở cự ly tối thiểu 50m và có dạng xung hết sức phù hợp, giống như 1 con tàu thật cỡ lớn .
Trước tình hình đó, mấu chốt suy nghĩ của chúng tôi là địch thả thuỷ lôi để đánh tàu biển nên phải tạo tín hiệu giả như tín hiệu thật của một con tàu cỡ lớn.
Chúng tôi đã vận dụng những hiểu biết đã tích luỹ được suốt trong quá trình làm công tác nghiên cứu rà phá thuỷ lôi cộng với những tài liệu nghiên cứu do các đơn vị bạn cung cấp.
Cục Đường Biển đã vượt qua nhiều khó khăn về mọi mặt để sản xuất trong một thời gian ngắn nhất ĐB – 72 – 03.
Cũng xin nói đôi chút về ĐB – 72 – 03 niềm tự hào của Cục đường biển chúng tôi.
ĐB – 72 – 03 gồm các phần chính sau
* Cuộn phát từ: là một cuộn dây bọc cao su tiết diện 100mm2 quấn quanh một khung có kích thước 5000x5000x2000 m/m phần trên là khung thép, phần dưới là bản thân vỏ tàu tăng kit.
* Dòng điện sử dụng: 400A
* Số vòng dây : 124 vòng
* Bộ phận tạo xung: đây là bộ phận quan trọng nhất, mang nhiều tính sáng tạo.
Bộ tạo xung có nhiệm vụ chủ yếu:
- Thay đổi dòng kích từ của máy phát chính để được dòng điện trong cuộn dây phát từ biến thiên từ 0 – 400A.
- Tạo một xung hình sin gồm: ½ chu kỳ dương 4” đến 5”
½ chu kỳ âm 4” đến 5”
- Giữ nguyên chiều dòng điện vào ampe kế và vôn kế ở chu kỳ âm
- Vai trò chính của bộ tạo xung là giúp có được dạng tín hiệu rất giống tín hiệu của con tàu thực, khắc phục được việc đóng cắt với dòng điện lớn làm cháy các mặt tiếp xúc trong các cầu dao từ như ở các thiết bị trước.
* Lõi từ là cả khối sắt thép của tàu tăng kit cộng với 1 lõi tôn silic đặt ở trung tâm cuộn dây và có kích thước 3000 x 750 x 700 m/m, trọng lượng khoảng 7 tấn.
* Cường độ từ trường tính toán ở cự ly 50m (chưa kể ảnh hưởng của lõi từ):
H50 : 22 moe
Từ trường do ĐB – 72 – 03 tạo ra mạnh và rộng hơn rất nhiều so với các thiết bị trước.
Khi ĐB – 72 – 03 đi rà phá ở tuyến Đông Bắc đã gây nổ được thuỷ lôi ở rất xa và ở cả 2 bên trên một diện rất rộng phía trước con tàu. Thuỷ lôi nổ khiến những ngườ đi rà phá không đếm kịp.
Sau ĐB – 72 – 03 Cục Đường Biển đã cho ra đời ĐB – 72 – 04. Lúc này chúng ta gặp 2 khó khăn lớn:
- Không tìm ra máy phát điện một chiều cỡ lớn.
- Không còn dây bọc cao su tiết diện lớn.
Trước khó khăn này chúng tôi đã chuyển hướng dùng máy phát điện xoay chiều và nắn thành dòng điện một chiều qua bộ chỉnh lưu. Còn để giải quyết khó khăn về dây quấn chúng tôi đã nghiên cứu đặt cuộn phát từ trong lòng tàu tăng kít nên sử dụng được các loại dây quấn bình thường. Vì ở cuối giai đoạn phong toả nên ĐB – 72 – 04 chưa phát huy được nhiều tác dụng.
Từ cuộc chống phong toả tôi nghĩ rằng chúng ta rút được bài học kinh nghiệm sau:
1. Thấm nhuần đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng những đơn vị ngoài quân đội cũng có thể tham gia có hiệu quả trong công tác rà phá thuỷ lôi của địch.
2. Nguồn gốc của mọi thành công trong công tác phá thuỷ lôi, làm thất bại âm mưu phong toả đường biển của địch là:
- Sự chỉ đạo và chi viện kịp thời của cấp trên
- Sự quyết đoán trong chỉ đạo và tập trung kịp thời mọi nguồn năng lực cho công tác chống phong toả của lãnh đạo Cục Đường Biển.
- Sự phối hợp chặt chẽ, đoàn kết trong nghiên cứu, hướng dẫn và cung cấp tài liệu nghiên cứu của các đơn vị bạn.
- Tinh thần tận tụy, sáng tạo, không sợ gian khổ hy sinh của cán bộ khoa học kỹ thuật, các chiến sĩ trong các đội phá thuỷ lôi.
3. Thành công của chúng ta sẽ trọn vẹn hơn nếu tổ chức được kịp thời việc tổng kết chống phong toả, đánh giá được một cách đúng đắn:
- Âm mưu thủ đoạn của địch.
- Biện pháp đối phó của ta.
- Tính năng tác dụng của các loại thuỷ lôi của địch
- Giá trị của các tài liệu và đóng góp của chúng vào việc sản xuất các loại thiết bị rà phá.
- Tác dụng và hiệu quả của các phương tiện rà phá thuỷ lôi
4. Thành công của chúng ta cũng sẽ trọn vẹn hơn nếu chúng ta tiến hành kịp thời công tác khen thưởng một cách công bằng và chính xác.
Chính vì công tác khen thưởng làm không kịp thời nên cả người làm báo cáo cũng như người xét duyệt không phải là những người am hiểu diễn biến công việc của các đợn vị tham gia cuộc chiến chống phong toả. Do đó đã xảy ra nhiều việc hiểu lầm, ngộ nhận rất đáng tiếc.
Kết thúc bài phát biểu,là một thành viên trong tổ nghiên cứu phá thuỷ lôi, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến lãnh đạo Cục Đường Biển đã chắp cánh cho cán bộ khoa học kỹ thuật phát huy khả năng ság tạo của mình, cám ơn các đồng nghiệp đã cung cấp tài liệu nghiên cứu có giá trị. Cám ơn các đồng chí trong các đội rà phá thuỷ lôi đã dũng cảm bắt sống nhiều thuỷ lôi của địch giúp nhiều cho công tác nghiên cứu, đã phát hiện các khiếm khuyết để hoàn chỉnh các thiết bị rà phá, đã sáng tạo nhiều cách rà phá làm tăng tính hiệu quả của thiết bị.
Cuối cùng xin thành kính tưởng nhớ đến các đồng chí đã từng tham gia công tác chống phong toả thuỷ lôi của địch đã không còn đến ngày hôm nay.

Cái mà giáo sư Vũ Đình Cự nói ở trên chính là thiết bị ĐB-72-04 ,đặt trên tàu 153 ,chưa hoạt động.Tuy vậy,trong buổi làm việc với chúng tôi ngày 30 tháng Chín năm 2007 tại nhà riêng tọa lạc tại Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội,giáo sư đã say sưa kể về các đóng góp rất cơ bản cho công tác phá lôi ,đó là thiết kế con tàu phá lôi ,phá được rất nhiều bom.Có lẽ đó là lý do tạo nên huyền thoại GK1,tạo nên tấm bia tưởng niệm các chiến công của "Đô Đóc Đặc NHiệm Vũ Đình Cự" hiện vẫn treo trên tường đại Học Bách kHoa Hà Nội.Chúng ta hãy nghe giáo sư nói gì về công tác thiết kế con tàu này:


Lịch sử khoa học Việt Nam,lịch sử cuộc chiến chông phong tỏa anh hùng của quân và dân Hải Phòng đòi hỏi phải có một cuộc đinh chính chính thức về vấn đề này khi rất nhiều các nhân chứng còn sống ! Không phải là một cuộc tranh luận công trạng ,không phải là một cuộc đấu đá..vì tất cả đã qua đi ,vinh quang và cay đắng,hữu danh và vô danh ...Mong rằng tấm lòng trí thức với đặc điểm ưa chuộng công lý,tôn trọng sự thật ,khát vọng tìm hiểu cái mới sẽ thức tỉnh ,sẽ át đi những yêu thích tầm thường của con người trước danh vọng,quyền lực...Tất cả đều là phù du ,nhát là khi các con người tham gia các sự kiện nói trên đều đã ở ngưỡng cửa tuổi 70,80 .Hy vọng thay !!
Tại cuộc họp cựu chiến binh đường biển Hải Phòng,đại tá Vũ Tang Bồng,cán bộ nghiên cứu lịch sử quân sự đã lớn tiếng kêu gọi:"Sự thật lịch sử phải được tôn trọng.Của Ceasar phải trả về Ceasar !"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét