Thứ Tư, 28 tháng 10, 2009
Kim Chi phỏng vấn nhà giáo Đào Vũ Hùng- người thày đầu tiên của ngành đóng tàu Việt Nam
Ảnh chụp thày Đào Vũ Hùng và vợ chồng nhà giáo Nguyễn Vĩnh Phát- nguyên Chủ nhiệm khoa Đóng tàu.Nguyễn Vĩnh Phát và Hiệp Đòan là học trò thày Hùng,sinh viên khóa 5,sau khi tốt nghiệp ở lại giảng dậy và cả hai nay cũng đã về hưu
“Điều quan trọng là truyền được cảm hứng cho sinh viên…”
LGT: Ông Đào Vũ Hùng sinh năm 1929, theo học khoa Đóng Tàu của Học Viện Kỹ Sư Hàng Hải Odessa từ năm 1956. Năm 1962, ông tốt nghiệp xuất sắc Đại Học OIIMF (Liên Xô) với tấm“bằng đỏ”. Ông là kỹ sư đóng tàu, nhà giáo dục hàng hải, người đã tham gia thiết kế con tàu 100 tấn phục vụ chiến dịch Đường Hồ Chí Minh trên Biển. Từ năm 1973 đến 1981, ông làm Chủ Nhiệm Khoa Cơ Bản và Cơ Sở Đại Học Hàng Hải, là chuyên viên cao cấp của Đăng Kiểm Việt Nam…., ông nghỉ hưu năm 1991.
Nhà giáo Đào Vũ Hùng là một trong những người thày đầu tiên tham gia giảng dạy một ngành học mới mẻ và đầy hấp dẫn: ngành công nghiệp đóng tàu cho các sinh viên khóa đầu (cách đây hơn 40 năm) của Đại Học Hàng Hải Việt Nam. Ông nổi tiếng là nhà sư phạm nhiệt huyết, yêu nghề, tác phong sinh hoạt giản dị gương mẫu, để lại nhiều ấn tượng đặc biệt trong lòng sinh viên.
Nhân dịp Nhà giáo Đào Vũ Hùng vừa tròn tuổi 80, chúng tôi xin giới thiệu cuộc chuyện trò với ông:
PV: Thưa thày, được biết thày là một trong những người thày đầu tiên tham gia giảng dạy bộ môn cơ bản của ngành đóng tàu (cách đây gần nửa thế kỷ). Có thể nói thày là một trong những người đã xây những viên gạch đầu tiên cho ngành công nghiệp Đóng tàu Việt Nam sau này… Đó là thời kỳ đất nước ta trải qua muôn vàn khó khăn trong thời chiến và khôi phục đất nước sau chiến tranh… các thày làm thế nào để giảng dạy tốt cho sinh viên trong điều kiện đất nước còn nhiều thiếu thốn như vậy?
Thày Đào Vũ Hùng: Năm 1962, sau khi tốt nghiệp ở Viện Kỹ Sư Hàng Hải Odessa, tôi được phân công công tác về trường Đại học Giao thông vận tải, năm 1965 thì về trường Trung cấp hàng hải- lúc bấy giờ đang chuẩn bị thành lập khoa Đại học về ngành Hàng hải đầu tiên của nước ta…
Tôi dạy môn sức bền vật liệu và cơ học kết cấu thân tàu. Đây là hai môn học rất hóc búa, khô khan đối với sinh viên, họ thường gọi chệch là môn ‘Sức bền vật lộn”. Quả thực đây là môn học rất khó, hồi tôi còn học Đại học ở Odessa, sinh viên nước ngoài thường kháo nhau: “Nếu chưa thi môn sức bền vật liệu thì đừng có nghĩ đến yêu đương…”. Cũng là câu nói đó, khi về nước giảng dạy cho sinh viên, tôi sửa lại một chút: “Thi xong môn sức bền vật liệu thì sẽ được yêu…” thế là họ rất thích, hình như là câu đó có động lực giúp họ học tốt hơn…
Riêng đối với tôi, tôi rất yêu môn này và luôn cố gắng truyền cho sinh viên tình yêu đó… Đó chính môn “cốt tử”, nó sẽ đặt nền móng cho công việc thiết kế thân tàu và ngành đóng tàu sau này.
Để sinh viên hình dung về ngành học hết sức mới mẻ và hấp dẫn này (mà họ chưa hề có một chút khái niệm nào), tôi thường nói với họ: Con tàu chính là một thành phố nổi, làm việc trên đó là phải chiến đấu độc lập giữa Đại dương đầy sóng gió, hiểm nguy và bất trắc. Do vậy ta cần phải học môn này cho thật chắc để sau này có thể thiết kế, thi công, đóng mới được con tàu an toàn, hiệu quả…
PV: Được biết thời kỳ đó, các thày luôn là những tấm gương sáng về tinh thần tự lực, vượt khó trong việc giảng dạy cho sinh viên…?
Thày Đào Vũ Hùng: Cái khó nhất của thời kỳ đó là việc không có bất cứ một tài liệu nào để giảng dạy môn học này. Chúng tôi cũng đã tìm ở thư viện của trường Đại học GTVT, song tuyệt nhiên không hề có một tài liệu nào phục vụ cho việc giảng dạy… Có thể nói, hồi đó chúng tôi phải dò dẫm đi từ “con số không”. Tất cả những kiến thức truyền đạt cho sinh viên chỉ có trong số sách ít ỏi do cá nhân mang từ nước ngoài về. Giáo trình giảng dạy cũng được soạn ra từ những quyển sách đó, chương trình giảng dạy về môn đóng tàu cũng phải tự mình lập ra… Những “viên gạch đầu tiên” đặt nền móng cho ngành Đóng tàu nước ta được bắt đầu như vậy đó…
PV: Nhắc đến thày Hùng, nhiều thế hệ sinh viên còn rất ấn tượng về phong cách giảng dạy đặc biệt của Thày, phong cách đó là gì, thưa thày?
Thày Đào Vũ Hùng: Tôi rất yêu môn sức bền vật liệu, yêu ngành khoa học Đóng tàu… Tôi luôn tâm niệm mình phải làm cách nào để truyền cảm hứng về tình yêu đó cho sinh viên, để họ hiểu về cái hay, cái đẹp của môn học này qua từng tiết giảng dạy của mình. Người thày giáo không phải là cái máy hát, mà phải là người Nghệ sỹ biết truyền tâm hồn, cảm hứng của mình khi đứng trên bục giảng. Chỉ như vậy sinh viên mới không bị “khớp” trước những môn học hóc búa … Khi họ nắm bắt được bản chất, cốt lõi của vấn đề, cảm thấy hứng thú với nó thì chắc chắn họ sẽ học tốt hơn.
Có lẽ sinh viên cũng cảm nhận được tình yêu, sự nhiệt thành này của tôi trong những lần đứng trên bục giảng nên họ có ấn tượng chăng?
PV: Thày có kỷ niệm nào sâu sắc trong cuộc đời giảng dạy, công tác của mình không?
Thày Đào Vũ Hùng: Kỷ niệm thì nhiều, nhưng có lẽ tôi sẽ kể về một kỷ niệm riêng tư. Chả là vào năm 1962- 1963, tôi được giao nhiệm vụ tham gia thiết kế con tàu 100 tấn (mãi sau này tôi mới được biết đó là những con tàu không số đầu tiên phục vụ chiến dịch Đường Hồ Chí Minh trên biển). Cùng thời gian đó tôi đã gặp bà nhà tôi sau này… chúng tôi tìm hiểu, rồi kết hôn vào năm 1963… Khi nhà tôi có mang, bạn bè gợi ý: “…Nếu là con trai, cậu nên đặt tên cho con là Đào Bách Tấn để kỷ niệm những ngày cậu tham gia thiết kế con tàu 100 tấn đầy ý nghĩa này…”. Tuy nhiên, theo bà xã nhà tôi thì cái tên này “nghe nó nặng nề quá”…
PV: Thày có nhận xét hoặc lời khuyên gì với thế hệ giáo viên trẻ hiện nay?
Thày Đào Vũ Hùng: Lớp giáo viên trẻ bây giờ có đầy đủ những phương tiện hiện đại để giảng dạy, so với thời kỳ của chúng tôi thì khác một trời một vực. Nhưng theo tôi, ta đừng nên quá ỷ lại vào phương tiện hiện đại, vào công nghệ thông tin vv… mà coi nhẹ phong cách giảng dạy truyền thống của người thày với bảng đen, phấn trắng. Điều đó sẽ giúp họ có cơ hội truyền được cảm hứng cho sinh viên bằng chính tâm hồn, niềm say mê của mình… Máy móc, phương tiên hiện đại là sự hỗ trợ, nhưng không thể thay thế được con người. Bản thân người thày với lòng nhiệt huyết, yêu nghề và trách nhiệm của mình mới cảm hóa, thôi thúc được sinh viên học tập và làm cho họ nhớ mãi…
PV: Xin cảm ơn thày. Nhân dịp thày vừa tròn tuổi 80, chúc thày luôn có một sức khỏe dồi dào, tinh thần mẫn tuệ và tràn đầy nhiệt huyết như thời thày còn đứng trên bục giảng…
Ảnh chụp ngày hội khoa đóng tàu;từ trái sang phải Nguyễn Vĩnh Phát sinh viên khóa 5;Đặng Hộ thày giáo đầu tiên dạy Máy Tàu từ Trung Quốc trở về;Hiệp Đòan sinh viên khóa 5;thày Đào Vũ Hùng;Đỗ Thái Bình sinh viên khóa 3;Ngô Viết Tiệm sinh viên khóa 7;Lê Viết Lượng tiến sĩ hiện đang là Chủ nhiệm Khoa
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét