Sau đây là bài của phóng viên Phạm Vũ báo Tuổi Trẻ
Lời thề với biển
TT - Sáng 23-10, tại buổi giao lưu kỷ niệm 48 năm “Đường Hồ Chí Minh trên biển” - cũng là ngày thành lập Lữ đoàn 125 hải quân - các thế hệ chiến sĩ của lữ đoàn cùng ngồi lại, nhắc đến con đường một cách thân thương và đầy tự hào.
Một chiếc tàu không số trên đường vào Nam - Ảnh tư liệu do Hải quân Mỹ chụp
Câu chuyện về hàng trăm chuyến tàu không số mang trên mình những chiến sĩ quyết tử, lặng lẽ đi về trên biển suốt 15 năm trong bão dông, trong vòng vây tàu địch ngày xưa sống dậy trong hồi ức của những người chiến sĩ.
Câu chuyện của những người anh hùng
Đại tá Hồ Văn Kiêm nhắc lại một giây thắt lòng cái đêm ông còn là chàng thủy thủ 20 tuổi đang cầm lái trên con tàu mang bí số 56. “Bốn con tàu xuất phát đợt đó của chúng tôi đều bị đối phương phát hiện, bao vây, bắn rát. Thả hàng xong ở Bình Định, tàu tôi quay ra thì bị sáu chiếc tàu địch bao vây. Tiếng loa gọi chiêu hồi văng vẳng, đèn chớp đánh tín hiệu dừng tàu liên hồi, đạn bắn cảnh cáo rát rạt. Rồi trước cabin của tôi, một chiếc tàu khu trục sừng sững chắn lối. Thuyền trưởng ra lệnh cuối cùng: “Lao thẳng!”. Tôi thoáng nghĩ: “Thôi, lần này mình hi sinh cho Tổ quốc. 20 tuổi, thế cũng đủ”. Thoáng thế thôi rồi tàu tôi lao thẳng, còn cách mấy chục mét bất ngờ chiếc khu trục kia lại tránh đi...”.
Máu vẫn còn đổ
Không phải kết thúc chiến tranh rồi thì máu không còn đổ. Lịch sử Lữ đoàn 125 còn ghi dấu ngày 14-3-1988, 64 cán bộ, chiến sĩ hi sinh, hai tàu 604, 605 đã bị bắn chìm trong lúc chiến đấu bảo vệ các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Châu Viên tại quần đảo Trường Sa.
Thuyền trưởng tàu 604 Vũ Huy Trừ hi sinh tại chỗ. Thuyền trưởng tàu 605 Vũ Huy Lễ tuy bị thương nhưng đã lao cả tàu lên bãi cát của đảo Cô Lin để bảo vệ lá cờ, chủ quyền Việt Nam. Cả hai anh đều được phong Anh hùng lực lượng vũ trang.
Những giọt nước mắt rơi khi đại tá Trần Phong, nguyên chỉ huy lữ đoàn, xuất hiện trên sân khấu với những kỷ niệm thật riêng tư về anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh, người thuyền trưởng huyền thoại của tàu 235. Câu chuyện về sự hi sinh của Phan Vinh đã thành huyền thoại và niềm tự hào của Lữ đoàn 125.
Nhưng hôm nay mọi người mới được nghe ông kể câu chuyện trước lúc tàu 235 ra đi, ông đưa Phan Vinh la bàn, phòng khi phải hủy tàu để lên bờ tìm đường ra Bắc. Phan Vinh gạt phắt: “Thôi, cất đi”. Trong một chuyến chuyển vũ khí vào Nam, tàu Phan Vinh bị phát hiện và vây đánh ở Vũng Rô (đoạn ngay đèo Cả, tỉnh Phú Yên). Không để địch bắt, anh và đồng đội đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, lao tàu vào tàu địch...
Mãi mãi đầu ngọn sóng
Thiếu tá Nguyễn Xuân Thơm đã thực hiện cả thảy 16 chuyến hải hành trên những con tàu không số. Hôm nay mắt ông vẫn long lanh khi kể: “Ngược Trường Sơn đi ra, gặp những đoàn quân điệp điệp trùng trùng đi vào, chúng tôi biết chân mình càng phải bước mau hơn nữa vì chiến trường đang khát vũ khí”.
Đại tá Trần Phong xúc động tổng kết: “Sáu tuyến hải đồ chằng chéo trên 2 triệu km2 mặt biển, sáu trung tâm thông tin chỉ huy theo dõi từng phút trong bao năm. Nhiệm vụ to lớn là vậy, tổ chức căng thẳng là vậy, nhưng trang bị thì thô sơ, đo tốc độ chân vịt bằng dây, đo độ sâu bằng sào, chênh lệch với đối phương là ngàn lần, vạn lần, không tính nổi. Nhưng cũng không tính nổi là quyết tâm, lòng dũng cảm, tinh thần sẵn sàng hi sinh vì nhiệm vụ của anh em”.
Những câu chuyện bi hùng vô cùng bí mật, vô cùng lặng lẽ ngày xưa ấy hôm nay vẫn luôn được nhắc nhớ, lời thề với biển trong lòng các chiến sĩ quyết tử ngày xưa vẫn luôn được từng người của Lữ đoàn 125 hôm nay gìn giữ. Họ nhắc đến những cái tên Bông Văn Dĩa, Nguyễn Phan Vinh, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Đức Thắng, Ngô Văn Thứ, Phan Hải Hồ... như những người trong gia đình.
“Chúng tôi luôn nhắc mình phải thấm nhuần tinh thần của những người đi trước. Hôm nay Lữ đoàn 125 có nhiệm vụ chuyên chở, vận tải phục vụ xây dựng các công trình phòng thủ trên quần đảo Trường Sa, trực chốt giữ chủ quyền vùng biển ở các nhà giàn DK1, vùng biển Thanh Long, bảo vệ các tàu thăm dò dầu khí, cứu hộ cứu nạn. Chúng tôi vẫn ngày ngày ngang dọc trên biển Đông, trên những con đường ngày xưa với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc của ngày xưa” - đại tá Đỗ Mạnh Hà, chính ủy, chỉ huy Lữ đoàn 125, khẳng định.
Đường Hồ Chí Minh trên biển là tên gọi của tuyến đường vận tải bí mật trên biển Đông, được thiết lập ngày 23-10-1961 với nhiệm vụ vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho quân giải phóng miền Nam, do Lữ đoàn 125 thực hiện.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh (4-1975), Lữ đoàn 125 đã tham gia giải phóng các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa thuộc quần đảo Trường Sa.
Hiện Lữ đoàn 125 làm nhiệm vụ chính là chuyên chở, vận tải cung cấp hàng hóa, nguyên vật liệu xây dựng quần đảo Trường Sa, bảo vệ chủ quyền vùng biển Thanh Long, DK1.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét