Trước chiến dịch biên giới,giữa hai nước không có một mối liên hệ nào về hải quân.Sự việc bắt đầu từ việc gửi 100 học viên của Thủy Đội Sông Lô sang Trạm Giang để học kinh nghiệm "dùng thuyền buồm tấn công đảo Hải Nam " của Giải Phóng Quân Trung Quốc.
Điều Thuận-Trạm Giang nơi học tập đầu tiên của hải quân Việt Nam !
Tháng 7 năm 2009 ,nhân dịp du lịch đảo Hải Nam Trung Quốc trên đường trở về,tôi có tới viếng thăm Trạm Giang,vào đúng lúc đoàn hải quân Việt Nam viếng thăm xã giao Hạm Đội Nam Hải.Điều đáng ngạc nhiên là đã tròn 60 năm kể từ ngày 100 học viên Việt Nam tới Điều Thuận,bao nhiêu đổi thay đã xảy ra trên mảnh đất này ,những cầu vượt,cầu nối đảo,những cao ốc ven biển...nhưng làng chài nhỏ bé hình như không thay đổi,đứng trên đường cái vẫn nhận ra chiếc tàu cá nhỏ bé đang được sửa chữa chuẩn bị cho xuống nước.Trong hai ngày trọ lại Trạm Giang ,tôi đã đi theo các địa danh mà cuốn hồi ký Thủy Đội Sông Lô do Đại tá Nguyễn Việt,nguyên phó phòng tác chiến Bộ Tổng Tham Mưu chủ biên đã mô tả khá kỹ.Sáu tháng trời và một cái Tết tại nơi đây,những cậu học sinh làu làu tiếng Pháp đã thu lượm được những gì từ các ông thày Trung Quốc?Không phải là những bài học tác chiến hải quân ,vì chẳng ông thày nào có nghề biển (anh em còn tiếc là không có các thày hàng hải như thày Nguyễn Văn Quế cùng đi theo,một việc không tưởng vì ông Quế là một thày "lưu dung" lại là dân công giáo!!) phải tập thuyền buồm do các ngư phủ địa phương huấn luyện mà thu lượm chính là các nguyên tắc tác chiến của Lâm Bưu ,là các bài học về vô sản chuyên chính...Trở về trong tình cảm chân tình quyến luyến với đông bào đại phương tuy còn rất nghèo nhưng vẫn ra sức che chở đùm bọc cho các bạn Việt Nam,đoàn quân vượt hàng nghìn cây số đường rừng chuẩn bị đặt những nền móng đầu tiên cho hải quân Việt Nam với những học viên sau này là cán bộ nòng cốt của lực lượng bảo vệ biển cả như đại tá Vũ Phi Hoàng (1935-2009) chuyên gia nghiên cứu về chủ quyền biển,Trịnh Tuần ,Cục Phó Chủ nhiệm chính trị Hải Quân ...chuyến du học cuối năm 50 là chuyến đi đầu tiên của hải quân miền Bắc Việt Nam để mở đường cho các đọt du học hàng loạt sau này tại Học Viện Hải Quân Đại Liên (với Hoàng Hữu Thái,Lê Kế Lâm ngay từ đợt đầu sau đó có Nguyễn Văn Hiến ,Trương Thế Hùng học về thủy lôi...)Học Viện Nam Kinh (Vũ Phi Hoàng...)
Trường dậy nghề đóng tàu Thượng Hải ,cái nội của nghề đóng tàu miền Bắc Việt Nam
Tại miền Bắc Việt Nam,ngoài những chuyên viên đóng tàu xuất thân từ Trường Bá Nghệ Sài Gòn,do Pháp đào tạo,chúng ta phải nhắc tới Trường Chuyên Nghiệp Tàu Thuyền Thượng Hải (Shanghai Chuanbo Gongye Xuexiao上海船舶工业学校).Từ năm 1954 tới 1962,ngoài hàng nghìn học sinh Trung Quốc ,trường còn nhận đào tạo 24 lưu học sinh Việt Nam và Bắc Triều Tiên,tất cả sau này giữ những trọng trách trong cônng nghiệp và hàng hải , trong số đó có Trịnh Xương,Lương Văn Triết,Nguyễn Soạn, Nguyễn Tốt , Hồ Quang Long,Ngô Ngọc Lân,Nguyễn Gia Đăng là những lãnh đạo của ngành đóng tàu tại Cục Cơ Khí Bộ GTVT tiền thân của Vinashin ,Nguyễn Phương Ninh (Đại tá,Cục trưởng Cục Kỹ Thuật Hải Quân), Trần Luân (Quản Đốc Phân Xưởng Máy , Bí Thư Đảng Ủy Đóng Tàu Bạch Đằng),Nguyễn Văn Thức (Phó Giám Đốc Công Ty Vận Tải Biển III), Trần Luân Kim (cán bộ Cục Cơ Khí ,nay là Hội trưởng Hội Điện Ảnh Việt Nam),Nguyễn Văn Huấn (phó Giám Đốc Nhà Máy Đóng Tàu Tam Bạc), Bạch Quốc Văn, Đinh Ngọc Liễn (vụ trưởng Vụ Kỹ Thuật Bộ Công Nghiệp) …Các học viên Trung Quốc cũng có nhiêu người thành đạt như Ren Fuwei(任福炜)-Chủ tịch kiêm Tổng Giám Đốc Nhà Máy Đóng Tàu Quảng Châu (học sinh khóa 1954),tức là đồng môn với các lưu học sinh Việt Nam.Với cách giảng dậy trọng thực tiễn của một trường dậy nghề tương tự như Trường Bá Nghệ Sài Gòn,các học viên ra trường biết làm những công việc cần thiết và là rường cột của đóng tàu Bắc Việt Nam sau này.Với tư cách là người cầm đầu ngành thiết kế tàu,Trịnh Xương đã đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần chuẩn bị cho nhà máy Hồ Đông Thượng Hải xây dựng nhà máy đóng tàu Bạch Đằng,thiết kế tàu vận tải 100 tấn thực chất là tàu vận tải quân sự cho chiến trường miền Nam (tàu không số) và tàu Giải Phóng được đóng hàng loạt tại nhà máy đóng tàu Quảng Châu tại Bạch Hạc Đồng.... Cũng cần lưu ý là trong khi tại Bạch Hạc Đồng đang khẩn trương đóng tàu không số thì tại một địa điểm khác của thành phố Quảng Châu,tại Hoàng Phố người ta tháo dỡ các con tàu khu trục Kronschtadt của Liên Xô để chế tạo các tàu khu trục cho Hạm đội Nam Hải,lực lượng chính tấn công Hải Quân Sài Gòn và cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
Xây dựng ngành vận tải biển
Trong số các học viên Việt Nam có mặt tại thành phố Đông Bắc Trung Quốc lạnh lẽo ngay sau khi miền Bắc Việt Nam được giải phóng khỏi thực dân Pháp,ngoài các học viên hải quân còn có các sinh viên hải vận tức là học về vận tải biển tại Học Viện Hải Vận Đại Liên ,trong đó phải kể tới Tiếu Văn Kinh (từ Quảng Ngãi ,sau này là thuyền trưởng viễn dương) và Nguyễn Khoa Diệu Hương (con gái nhà văn Hải Triều ,chị của nha thơ Nguyễn Khoa Điềm ủy viên Bộ Chính Trị ,sau này là giảng viên đầu tiên của khoa kinh tế vận tải biển ).Các con tàu vận tải đầu tiên của miền Bắc Việt Nam là những con tàu do Trung Quốc viện trợ nên mang các tên như Trạm Giang,Hoàng Phố...Như vậy,bước vào cuộc chiến tranh ,về mặt đóng tàu và hàng hải,miền Bắc Việt Nam với sự giúp đỗ tận tình của đóng tàu Hồ Đông Thượng Hải đã bước đầu xây dựng được một nhà máy đóng tàu Bạch Đằng có khả năng đóng được tàu tới 3000 nghìn tấn ,lớn nhất cả nước thời bấy giờ (ở miền Nam ,CARIC chỉ đóng các tàu ghe nhỏ còn Ba Son chỉ sửa chữa tàu ..) tuy đã chọn mục tiêu khá lạc hậu là đóng tàu chạy máy hơi nước với lý do miền Bắc có nhiều than đá trong lúc công nghiệp tàu diesel đang phát triển,chứng tỏ tầm nhìn quy hoạch kinh tế khá hạn hẹp .Cùng với sự hình thành đóng tàu,các ngành phụ trợ khác cũng bắt đầu sinh sôi như đăng kiểm,hoa tiêu,đại lý tàu biển,cung ứng tàu biển ,vận tải với cách tổ chức chịu ảnh hường của Trung Quốc khá lớn mặc dù người cố vấn cao nhất vạch hướng đi này trong Bộ Giao Thông là kỹ sư Lý Văn Sâm,người Sài Gòn,một trí thức Tây học,và được chính Lê Đức Thọ kết nạp vào Đảng tại bưng biền Nam Bộ .Ví như tên của Công Ty Vận Tải Biển Việt Nam có tên viết tắt tiếng Anh là VOSCO nghe hao hao COSCO của Trung Quốc,hoặc Đăng Kiểm Việt Nam với các bản dịch từ Trung văn ban đầu còn lủng củng với các từ ngữ "bài thủy lượng " (tức lượng chiếm nước-displacement ),"long cốt" (sống chính tàu keel),với Công Ty Vietfracht-Sao Vàng Golden Star có trụ sở tại Hongkong ,với sự trợ giúp của Trung Quốc để tập làm kinh doanh "tự do biển cả" của thế giới hàng hải tư bản với các con tàu tiếp vận cho miền Nam theo con đường chính thống... .Sau này,ngoài Trung Quốc,Bắc Việt Nam còn nhận được sự viện trợ về thiết bị và đào tạo hàng hải từ Liên Xô (ví như các tàu chiến đấu loại thường ,thua xa các con tàu LX cung cấp cho Indonesia lúc này,các tàu cuốc...),Đông Đức (máy NVD của nhà máy Karl Liebneck là động lực chủ chốt của nhiều tàu thuyền ),Ba Lan ,kể cả Bắc Triều Tiên (điển hình là việc viện trợ một nhà máy đóng tàu nhỏ tại Việt Trì ...) ,Rumani ,Tiệp Khắc (các máy Skoda cho tàu thuyền...) nhưng Trung Quốc vẫn có ảnh hưởng quan trọng nhất
Một vài nhận định sơ bộ
Nhìn lại mối liên hệ hàng hải Trung -Việt từ góc độ hàng hải là một việc cần thiết,nhất là vào dịp kỷ niệm 60 năm hữu nghị Việt -Trung năm 2010 này .Trân trọng cảm ơn những người bạn ,người thày hướng dẫn các bước đi nghề nghiệp đầu tiên là việc làm cần thiết.Nhà máy Bạch Đằng không thể nào quên được các kỹ sư Lưu Hồng Căn,Khương Thủ Hoa,Trần Tam Bảo...của Hồ Đông đã tận tình nêu gương sáng trong làm việc và hướng dẫn cho cán bộ Việt Nam ra sao,cũng như không thể quên được thuyền trưởng đội tàu Hồng Kỳ đã hy sinh vì bom Mỹ tronmg khi tiếp vận cho miền Trung Việt Nam....Nhưng cũng cần phân tích một cách khách quan,khoa học mối liên hệ hàng hải đó tốt xấu ra sao.Việc nghiên cứu này ,kiểu như một môn học "Trung Quốc học về hàng hải" chắc chưa được ai đặt ra trong khi đó là công việc bình thường của các Viện,Trường hàng hải ở các nước .Nhớ lại chuyến viếng thăm bộ môn chính trị khoa hàng hải Đại Học Washington UW Mỹ vào tháng 09 năm 1998.Tại thư viện nhỏ của bộ môn,tôi đọc được tất cả các số báo cũ của Morskoj Flot-Đội tàu biển của Nga,SeewirtSchaft của CHDC Đức,Budowstwo Okretowe -Đóng Tàu Ba Lan ...trong khi đó chắc chắn các số báo này của ta đã được bán chè trai ,mà tôi được biết trong thập niên 60-70 chúng ta đã mua đủ vì hồi ấy,tôi là một trong những người theo dõi công việc này
1/Công nghệ hàng hải của Trung Quốc thập niên 60,70 tương đương trình độ quốc tế những năm 50 sau Thế Chiến II đã được du nhập vào nước ta với mô hình tổ chức nhân sự kiểu Stalinist-Maoist đã phần nào góp phần thực hiện giao thông sông biển trên miền Bắc và tiến hành cuộc chiến tranh ...Trong nghiệp vụ hàng hải không có câu chuyện nào áp dụng kinh nghiệm khoa học TQ quá khích kiểu như "cánh đồng 10 tấn " hay "ô tô chạy than " như trong nông nghiêp nhưng cách sử dụng con người theo "chủ nghĩa lý lịch","hông chuyên"....đã hạn chế rất nhiều sức sáng tạo ,để lại những hậu quả tiêu cực trong giáo dục hàng hải tới tận ngày hôm nay.Có một thời,trong Viện Thiết Kế Tàu của Cục Cơ Khí có đồn đại là có các "trường phái TQ","trường phái Liên Xô,Ba Lan "...Kỹ sư Lương Văn Triết cho biết ,thực ra là anh em chỉ tranh luận quanh các mẫu biểu ví như tính toán tính ổn định ,sách TQ trình bày kiểu này,Ba Lan kiểu khác ...nhưng thực ra đều cùng từ một ông tổ là các nhà khoa học Nga!
2/Ảnh hưởng sâu nặng về hàng hải liệu co ảnh hưởng tới việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét