Họ có gặp nhau không, nơi ấy?! Khi chúng ta gặp mặt nơi này...
Đã ba mươi sáu năm, kể từ ngày chiến hạm HQ10 mang theo tinh thần thép và lòng yêu nước ngùn ngụt của Ngụy Văn Thà chìm xuống đáy Hoàng Sa. Đã hai mươi hai năm, kể từ ngày cuộc chiến Trường Sa bùng nổ với người thiếu úy Trần Văn Phương gục trên bãi Gạc-Ma giữ lấy ngọn cờ. Họ, những con người cách nhau khoảng chừng mười lăm năm tuổi. Họ, những con người thuộc về 2 chế độ đối địch nhau. Họ, những người may mắn còn sống sót, đến hôm nay đã từng gặp lại nhau? Ở cuộc đời này? Có lẽ là chưa. Có lẽ là thật khó. Và họ, những người đã ôm lấy xác tàu, hòa máu mình vào con sóng biển Đông và linh hồn mãi ai oán chốn Hoàng - Trường, họ có gặp nhau không, nơi ấy?!
Dù những con người còn sống của 2 thể chế vẫn thù hằn, đối nghịch và không tha thứ cho nhau vì những quyền lợi tranh giành, vì những thù hận ngày xưa, vì những sai lầm không ai thừa nhận, vì tham vọng quyền lực,... vì thật nhiều những thứ linh tinh của lòng ích kỷ con người. Nhưng các anh thì khác. Ngụy Văn Thà - người hạm trưởng đã quyết tử nguyện chết theo tàu và Trần Văn Phương - người thiếu úy đã chết để giữ cờ trên đất đảo Gạc-Ma, nhiều những người quân nhân khác nữa; có lẽ giờ này linh hồn họ vẫn đang tựa lưng nhau, cùng canh giữ đảo, cùng chờ tiếp viện để bảo vệ biên cương tổ quốc... Nhưng chờ đến bao giờ. Buồn lắm...
Các anh, những con người không chiến đấu giành quyền lực, chế độ mà kiên quyết hi sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo, các anh đã có bao giờ xem nhau là kẻ thù chưa dù khoác trên mình 2 màu áo đối địch nhau? Chưa, chưa bao giờ như thế phải không? Dẫu 14 năm trước nơi đảo Hoàng Sa, hay 14 năm sau ở chốn Trường Sa sóng gió thì những màu áo, những cái tên cũng chẳng nói lên được điều gì; khi mà máu của các anh đã hòa thắm vào nhau, cùng tan vào trong biển mà ôm lấy những mảnh đảo quê hương. Vậy ở nơi ấy, khi nhìn thấy những con người còn sống vẫn hãm hại lẫn nhau mà bỏ quên đất nước, các anh có thấy buồn? Linh hồn các anh có khi nào mỏi mệt?!
Những phút giây lịch sử theo lời kể của đại tá Hà Văn Ngạc (từ trần tại Dallas, Texas vào hồi 10 giờ 30 sáng Thứ Sáu ngày 12 tháng 2 năm 1999, hưởng thọ 64 tuổi):
Kết-quả của trận-hải-chiến
- Một cách tổng-quát thì sự thiệt hại của hai đối-thủ được kể như tương-đương trong trận hải-chiến. Mỗi bên bị tổn-thất một chiến-hạm, như đài BBC loan tin vào sáng sớm ngày 20 tháng giêng, phía VNCH là Hộ-tống-hạm HQ10, phía Trung-cộng là chiếc Kronstad 271(được coi là chiến-hạm chỉ-huy) còn một số khác thì chịu một sự hư-hại trung-bình hoặc trên trung-bình. Hai chiếc nhỏ hơn 389 và 396 cùng hai ngư-thuyền ngụy-trang theo tôi ước-lượng chỉ hư-hỏng hơi nặng mà thôi vì tầm hỏa-lực của ta trội hơn. Riêng chiếc Kronstad 271 có thể bị tổn-thất nhiều nhân-viên hơn vì trúng nhiều hải-pháo của Tuần-dương-hạm HQ5 vào thương-tầng kiến-trúc, trong khi đó chiếc 274 thì tổn-thất được coi là nhẹ hơn cả vì chỉ bị tấn-công nhiều bằng đại-liên và ít hải-pháo về sau này. Tuy-nhiên trong các trận hải-chiến thì người ta thường kể về số chiến-hạm bị loại khỏi vòng chiến hơn là số thương-vong về nhân-mạng. Riêng trên Hộ-tống-ham HQ10, theo các nhân-viên đã đào-thoát về được đất liền, thì vị Hạm-trưởng và Hạm-phó đều bị thương-nặng, nhưng Hạm-trưởng đã từ-chối di-tản và quyết ở lại tuẫn-tiết cùng chiến-hạm của mình theo truyền-thống của một sĩ-quan hải-quân và một nhà hàng-hải. Hạm-phó được nhân-viên dìu đào-thoát được nhưng đã phải bỏ mình trên mặt biển vì vết thương quá nặng. Vụ này làm tôi nhớ lại, theo lời kể của các bậc tiên-sinh, thì khi hải-quân Pháp hành-quân trên sông (nếu không lầm thì là Sông Ðáy) một chiến-hạm loại trợ-chiến-hạm (LSSL) hay Giang-pháo-hạm (LSIL) đã bị trúng đạn đài-chỉ-huy, làm tử-thương cả hai hạm-trưởng và hạm-phó cùng một lúc, sĩ-quan cơ-khí đã phải lên thay thế tiếp-tục chỉ-huy. Sau kinh-nghiệm này, hải-quân Pháp không cho hạm-trưởng và hạm-phó có mặt cùng một nơi khi lâm-trận. Cá-nhân tôi lúc đó đã không có chút thì giờ để nhớ tới kinh-nghiệm mà các bậc tiên-sinh đã truyền lại tôi mà áp-dụng.
- Một điều lạ là Trung-cộng có đủ khả-năng tuy khiêm-nhượng, vào lúc cuối trận-chiến, vì có thêm tăng-viện đến kịp thời, nhưng đã bỏ rơi cơ-hội truy-kích khi lực-lượng ta triệt-thoái, hay xử-dụng hỏa-tiễn hải-hải vì lực-lượng ta vẫn còn nằm trong tầm hữu-hiệu của loại vũ-khí này. Tôi cho rằng có thể họ đã bận-tâm vào việc cứu vãn chiếc Kronstad 271 và quân bộ trên đảo Quang-Hòa, hoặc họ đã không nhận được lệnh tấn-công, và chỉ đương-nhiên chống-trả tự-vệ mà thôi. Tôi nhận rằng ước-tính của tôi về phản-ứng của địch đã cao hơn như thực-tế đã xẩy ra. Việc Hải-quân Viêt-Nam khai-hỏa tấn-công sau khi thất-bại đổ-bộ đã tạo cho Trung-cộng có nguyên-cớ vì bị tấn-công mà phải hành-động, nên đã dùng cường-lực cưỡng-chiếm các đảo vào ngày sau.
- Theo các quân-nhân trú-phòng trên đảo Hoàng-Sa thì sáng sớm ngày hôm sau tức là ngày 20 tháng giêng, Trung-cộng đã huy-động một lưc-lượng hùng-hậu kết -hợp hải-lục-không-quân đổ-bộ tấn-chiếm đảo Hoàng-Sa và các đảo kế-cận mà các chiến-binh hải-quân đang chiếm-giữ. Theo ký-giả Lê-Vinh, một cựu sĩ-quan hải-quân, đã từng đảm-trách chức-vụ thư-ký cũa ủy-ban nghiên-cứu trận hải-chiến cho biết, thì vào thời-gian trận hải-chiến, Hải-quân Hoa-Kỳ đã chuyển cho Hải-quân Việt-Nam một tin-tức về 42 chiến-hạm Trung-cộng với 2 tiềm-thủy-đĩnh đang tiến xuống Hoàng-Sa. Dù nhiều hay ít thì lực-lượng của họ sễ trội hẳn lực-lượng Hải-quân Việt-Nam có thể điều-động tới. Nếu hai chiến-hạm còn lại của Hải-đoàn đặc-nhiệm phải lưu-lại Hoàng-Sa như lệnh ban ra lúc đầu, với khả-năng chiến-đấu đã bị giảm-sút nhiều thì sự bảo-tồn của hai chiến-hạm này rất mong-manh. Thế cho nên phản-lệnh cho hai chiến-hạm phải trở về căn-cứ được kể như là đúng lúc và sát với thực-tế hơn.
- Trung-cộng đã bắt giữ tất cả quân-nhân và dân-chính Việt-Nam trên đảo Hoàng-Sa và toán hải-quân đổ-bộ thuộc Khu-trục-hạm HQ4 trên đảo Vĩnh-Lạc (sát phía nam đảo Hoàng-Sa) mà trưởng toán là HQ Trung-Uý Lê-văn-Dũng (sau được vinh-thăng HQ Ðại-Uý tại mặt-trận), làm tù-binh đưa về giam-giữ đầu tiên tại đảo Hải-nam. Riêng ông Kosh là nhân-viên của cơ-quan DAO Hoa-Kỳ tại Ðà-nẵng thì được trao trả cho Hoa-Kỳ sớm nhất tại Hồng-Kông. Còn các nhân-viên Việt đã bị họ nhồi-sọ về chủ-nghĩa của họ trong suốt thời-gian tại Quảng-Ðông, và trao trả về Việt-Nam tại ranh-giới HồngKông và Trung-cộng. Ðô-đốc Tư-lệnh-phó HQ đã được đề-cử đích-thân đến HồngKông tiếp-nhận. Các chiến-sĩ từ Trung-cộng hồi-hương đều được đưa vào Tổng-Y-viện Cộng-Hòa điều-trị về các bệnh-trạng gây ra do các hành-động ngược-đãi trong khi bị giam-cầm trên lục-địa Trung-Hoa.
- Thế là cuối cùng thì Việt-Nam Cộng-Hòa đã mất nốt nhóm đảo Nguyệt-Thiềm phía nam của cả quần-đảo Hoàng-Sa cho tới ngày hôm nay.
- Các chiến-sĩ Hải-quân đào-thoát từ Hoàng-Sa, sau nhiều ngày trôi-dạt trên mặt biển, một số đã được chính các tuần-duyên-đĩnh của Hải-quân cứu vớt, một số đã được các thương-thuyền trên hải-trình Singapore HồngKông bắt gặp. Tất cả các chiến-sĩ thoát-hiểm được đưa về diều-trị tại các Tổng-y-viện Duy-Tân (Ðà-nẵng) hay Cộng-Hòa, và còn được Thủ-tướng chính-phủ, các vị Tư-lệnh Quân-đoàn, và các vị Ðô-đốc Hải-quân đến thăm hỏi và úy-lạo.
Và chút gì để nhớ từ hồi ức của Phạm Trung Trực (bút danh) - một sĩ quan hải quân Quân Đội Nhân Dân đã tham dự trận hải chiến Trường Sa, vào tháng 3 năm 1988:
20 năm trận hải chiến Trường Sa: Một trang sử anh hùng, một thời kỳ nhục nhã
- Thực hiện nhiệm vụ đóng giữ các đảo Gạc Ma, Cô Lin, 9 giờ sáng ngày 13-3-1988, tàu HQ-604 do đồng chí Vũ phi Trừ làm Thuyền trưởng và tàu HQ-505 do đồng chí Vũ huy Lễ làm thuyền trưởng được lệnh từ đảo Đá Lớn tiến về đảo Gạc Ma, Cô Lin. Phối hợp với hai tàu HQ-604 và HQ-505, có hai phân đội công binh (70 người) thuộc trung đoàn 83, 4 tổ chiến đấu (22 người) thuộc Lữ đoàn 146 do đồng chí Trần đức Thông, phó Lữ đoàn trưởng chỉ huy. Sau khi hai tàu của ta thả neo được 30 phút thì tàu hộ vệ của Trung Quốc từ Huy Gơ chạy về phía Gạc Ma có lúc cách tàu quân ta chỉ khoảng 500 mét. 17 giờ ngày 13-3-1988, tàu Trung Quốc áp sát tàu HQ-604 của ta và dùng loa gọi sang khiêu khích. Bị địch uy hiếp, chiến sỹ hai tàu HQ-604, HQ-505 động viên nhau giữ vững quyết tâm không để mắc mưu khiêu khích của địch, kiên trì tuần giữ quanh đảo. Trong lúc đó tàu chiến đấu của địch cùng một tàu hộ vệ, hai tàu vận tải thay nhau cơ động chạy quanh đảo Gạc Ma, nhằm uy hiếp tinh thần quân ta.
- Trước tình hình căng thẳng ngày một tăng do bọn Trung Quốc gây ra, vào hồi 21 giờ ngày 13-3-1988, Bộ tư lệnh Hải quân chỉ thị cho các đồng chí Trần đức Thông, Vũ huy Lễ, Vũ phi Trừ chỉ huy bộ đội quyết giữ vững các đảo Gạc Ma, Cô Lin. Bộ tư lệnh chỉ thị khẩn trương thả xuồng máy, xuồng nhôm, chuyển vật liệu làm nhà trên đảo ngay trong đêm 13-3-1988. Cùng lúc đó, lực lượng của Lữ đoàn 146 bí mật đổ bộ cắm cờ Tổ quốc và triển khai 4 tổ bảo vệ đảo Gạc Ma.
- Lúc này bọn Trung Quốc điều thêm hai tàu hộ vệ trang bị pháo 100 mm đến hỗ trợ, đe dọa ta rút khỏi đảo Gạc Ma.
- 6 giờ ngày 14-3-1988, bọn Trung Quốc thả 3 thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo. Bọn Trung Quốc dựa vào thế quân đông tiến đến giật cờ ta. Lập tức thiếu úy Trần văn Phương, hạ sỹ Nguyễn văn Lanh cùng đồng đội anh dũng xông lên giành lại cờ.
- Bọn lính Trung Quốc láo xược, hung hãn đã dùng lưỡi lê đâm và bắn Nguyễn văn Lanh bị thương. Thiếu úy Trần văn Phương xông vào cứu bạn lập tức bị bọn lính Đại hán bắn chết. Trần văn Phương đã anh dũng hy sinh.
- Đây là liệt sỹ đầu tiên của bộ đội hải quân Việt Nam hy sinh trên vùng biển Đông của Tổ Quốc, bảo vệ quần đảo Trường Sa. Trước lúc hy sinh, Trần văn Phương đã hô to: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo.Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng hải quân anh hùng. Tổ quốc Việt Nam muôn năm.”
- Tiếng hô của anh vang vọng trên sóng biển Đông xa xôi. Những người lãnh đạo ở Hà Nội có nghe được tiếng hô thống thiết này không? Tiếng hô mà lẽ ra bằng tâm linh của những con người có lương tri phải nghe được, cảm được. Vì chính họ là những người phải chịu trách nhiệm về sự hy sinh này.
- Không uy hiếp được bộ đội ta rút khỏi đảo, bọn Trung Quốc dùng hai tàu bắn pháo 100 mm vào tàu HQ-604, làm tàu ta bị hỏng nặng. Tiếp đó bọn chúng cho quân xông về phía tàu ta. Thuyền trưởng Vũ phi Trừ vừa chỉ huy bộ đội chiến đấu, vừa tổ chức băng bó cứu chữa thương binh, và hỗ trợ các chiến sỹ bảo vệ cờ. Đối phương tiếp tục nã đạn, làm tàu ta bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển. Đồng chí Vũ phi Trừ, thuyền trưởng; đồng chí Trần đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 cùng một số cán bộ chiến sỹ đã anh dũng hy sinh cùng tàu 604 ở khu vực đảo Gạc Ma.
- Tại đảo Cô Lin, 6 giờ ngày 14 tháng 3 năm 1988, tàu HQ-505 đã cắm hai lá cờ trên đảo. Khi tàu 604 của ta bị chìm, đồng chí Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng tàu HQ-505 ra lệnh nhổ neo cho tàu ủi bãi. Phát hiện tàu 505 của ta đang cơ động lên bãi, hai tàu của đối phương quay sang tiến công tàu 505. Bất chấp hiểm nguy, tàu HQ-505 chạy hết tốc độ, trườn lên được hai phần ba thân tàu thì bốc cháy. 8 giờ 15 phút ngày 14 tháng 3, bộ đội tàu HQ-505 vừa triển khai lực lượng dập lửa cứu tàu, bảo vệ đảo, vừa đưa xuồng đến cứu vớt cán bộ, chiến sĩ tàu HQ-604 bị chìm. Tàu HQ – 505 bị bốc cháy. Cán bộ chiến sĩ của tàu, dưới sự chỉ huy dũng cảm của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, bảo vệ chủ quyền đảo Cô Lin.
- Ở hướng đảo Len Đao, 8 giờ 20 phút ngày 14 tháng 3, tàu của bọn Trung Quốc bắn mãnh liệt vào tàu HQ-605 của ta. Tàu 605 bốc cháy và chìm lúc 6 giờ ngày 15 tháng 3. Cán bộ, chiến sĩ của tàu dìu nhau bơi về đảo Sinh Tồn an toàn.
- Như vậy, trong trận chiến đấu ngày 14 tháng 3 năm 1988, ba tàu của hải quân ta bị bắn cháy và chìm, ba đồng chí hy sinh, 11 đồng chí bị thương, 70 đồng chí bị mất tích. Sau này đối phương trao trả ta 9 đồng chí, còn 61 người mất tích.
Những người đã anh dũng hi sinh, các anh có biết; hôm nay chúng tôi gặp nhau ở nơi đây: những người còn sống sót và gia quyến các anh, để gửi đến 1 lòng tri ân sâu sắc. Người còn sống trở về từ đảo Hoàng Sa, nắm lấy tay hậu duệ của người đã gục ngã ở Trường Sa ngày ấy, truyền đến nhau hơi ấm, sự đồng cảm và chia sẻ những nỗi đau; không phân biệt màu cờ, không hận thù thời cuộc. Phải, bởi đằng sau tất cả, chúng ta cùng là 1 dân tộc Việt Nam, chỉ có 1 dân tộc Việt Nam sát cánh cùng nhau chống lại kẻ thù xâm lược truyền kiếp và bè lũ tay sai bán nước để vươn tìm một tương lai tươi sáng.
Người chiến sỹ Hoàng Sa Lữ Công Bảy năm nào, sẽ truyền cho cô gái trẻ Đinh Mỹ Lệ - con gái trung úy Trường Sa Đinh Ngọc Doanh - hơi ấm của người cha mà cô đã thiếu suốt hơn hai chục năm nay, và ở nơi chốn cửu tuyền, chúng tôi hi vọng linh hồn anh Đinh Ngọc Doanh sẽ được nhẹ nhàng yên nghỉ.
Cô Đinh Mỹ Lệ (con gái Liệt sĩ Trường Sa Đinh Ngọc Doanh) và Chiến sĩ Hoàng Sa Lữ Công Bẩy (Giám Lộ Chiến hạm HQ4)
Chỉ có 1 dân tộc Việt Nam vẫn quật cường chiến đấu suốt hàng ngàn năm chống bọn bá quyền phương bắc và vẫn kiên cường chiến đấu chống lại dã tâm xâm lược của kẻ cừu thù đến vạn đời sau. Dù khó khăn gian khổ đến đâu, thì dân tộc ta cũng vẫn trường tồn mãnh liệt, bởi trong chúng ta còn mãi có tình người.
Trao tặng quà cho gia đình cựu chiến sĩ Hoàng Sa Trần Dục (Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư - HQ 4) tại Huế
Phái đoàn tặng quà cho con trai và con gái Cố Hạm Phó HQ10 Nguyễn Thành Trí
Tôi muốn xây dựng 1 tượng đài, không chỉ là Ngụy Văn Thà trong màu áo hải quân quân lực Việt Nam Cộng Hòa, không chỉ là Trần Văn Phương hay Đinh Ngọc Doanh trong sắc phục hải quân quân đội nhân dân chế độ cộng sản; mà là 1 tượng đài người lính hải quân Việt Nam với 2 màu quân phục tựa sát vào nhau truyền niềm tin và lòng yêu nước cùng bảo vệ biển đảo quê nhà. Đó có là điều quá khó?
Thân hữu Đỗ Văn Huy cùng phái đoàn đến thăm viếng và tặng quà cho gia đình bà quả phụ Ngụy Văn Thà (Hạm Trưởng Chiến hạm HQ10)
Chúng tôi đã gặp nhau ở cuộc đời này, thì có lẽ là nơi xa ấy, các anh - những người con anh dũng của đất mẹ Việt Nam- cũng đã cùng siết chặt tay nhau, linh hồn vẫn hiên ngang sừng sững canh giữ biển đảo mình!
Những người còn sống, những người đang sống và những thế hệ mai sau, xin gửi đến các anh sự cảm phục và lòng tri ân sâu sắc nhất. Nguyện xin cho linh hồn các anh đời đời an nghỉ trong vòng tay của đất mẹ Việt Nam.
Nhóm Bloggers Tự Do tri ân những người chiến sỹ Hoàng - Trường.
Phục Hưng (Sphinx2412) - thành viên nhóm Bloggers Tự Do
Hành động tri ân các chiến sĩ và gia đình có công bảo vệ Tổ Quốc, có ý nghĩa rất thiết thực để un đúc tinh thần quật khởi của dân tộc
Trả lờiXóa