Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

Lương Văn Triết -người thiết kế tàu không số



Khi anh Triết ra đi ,mình ở xa không tới được nên chỉ gửi hoa chia buốn với chị Long và cháu Huy.Cái tình của người làm nghề,còn thực ra mình không cùng đơn vị với anh Triết ..Và ,trước đây,đôi khi còn không khoái phong cách Tàu của các bác học từ Thượng Hải về .Lúc này mình chỉ nghĩ với người thiết kế con tàu không số này,đáng nhẽ chế độ phải làm to hơn ,có ý nghĩa hơn là một cái chết của một cụ già về hưu tại một phố ven đê !!Tất cả chỉ vì không có một Hội Nghề nghiệp đúng nghĩa như tất cả các quốc gia có biển khác !!!

Những đồng nghiệp và lãnh đọa cũ của anh Triết.Trên hàng đầu từ trái sang phải là Nguyễn Cảnh Thanh và Trịnh Xương .Hàng sau từ phải đọc được :Nguyễn Hữu Bảo ,trưởng phòng kế hoạch Viện và hai vị khác 

Một thông báo chia buồn như mọi thông báo cho các cụ về hưu bình thường trong khi tin buồn cho các nhà chính trị thì đầy chuyện thành tích  các trận đánh .Một kỹ sư như anh Triết đáng ra phải có một thông báo tin buồn mang màu sắc tàu bè ,biển cả hơn !!
Toàn cảnh đám tang .Vòng hoa của mình đã được đặt trân trọng bên Anh suốt cuộc lễ,vòng hoa lạ kiểu Sài Gòn !! .Cám ơn Long và cháu Huy đã hiểu tấm lòng của tôi với Anh cũng như với nền công nghiệp biển non trẻ của nước nhà .Tôi trân trọng mọi đóng góp của các Anh,dù những chuyện đời thường,đó lại là một việc khác.Đó la điều nhắc nhở ta phải sống tử tế ,tốt đẹp với các đòng nghiệp ,dù trẻ già hay có những cá tính khác nháu !   

Hình chụp tàu không số từ máy bay Mỹ ,nay là hình kỷ niệm của Đoàn Tàu Không Số
Biết tin Lương Văn Triết bị đau bệnh nặng,tôi gọi điện về nhà anh ,đường Âu Cơ Hà Nội,nhưng không ai bắt máy.Giờ này có lẽ chị Long vợ anh cũng đang trong bệnh viện cùng anh giành giật những giây phút cuối cùng của sự sống .Một số các bậc tiền bối của ngành đóng tàu nước ta đã lần lượt ra đi như Nguyễn Hữu Tố,Hồ Quang Long,Lê Xuân Ôn... .Biết rằng đời người không tránh khỏi quy luật của tuổi tác và bệnh tật.sinh tử là lẽ thường,nhưng vào lúc này những kỷ niệm về một trong những người thiết kế tàu thủy đầu tiên của nước nhà bắt tôi cầm bàn phím và hồi tưởng lại,và có lẽ những ghi chép này có ích phần nào cho các bạn trẻ đang làm việc trong công nghiệp biển của nước nhà .
Câu chuyện bắt đầu từ cách đây hai năm,khi tôi tìm được toàn bộ các ảnh chụp và hồ sơ của con tàu 198,con tàu thuộc đoàn “tàu không số”.Đó là con tàu thứ tư trong loạt “tàu 100 tấn” đóng tại xưởng đóng tàu Ba dưới sự chỉ huy của giám đốc Đoàn Kim Quang và chuyên viên kỹ thuật Phạm Văn Năm .Biết anh là người thiết kế chính con tàu này,tôi đem theo các tấm hình,hồ sơ về cuộc dượt đuổi con tàu này của hải quân Sài Gòn tới nhà anh tại con đường Âu Cơ
Hà Nội.Cuộc dượt bắt này được đối phương gọi tên là "chiến công trên sông Sa kỳ" -The Sa Ky River Victory mà ta có thể xem toàn bộ khi bấm chuột vào đây
Chú thích hình trên :Cuộc triển lãm con tàu bắt được của Việt cộng tại bến Bạch Đằng
1/Từ ngôi trường thân yêu “chuyên nghiệp đóng tàu Thượng Hải”
Bây giờ thì anh nói chuyện đã khá khó khăn ,diễn tả mọi thứ khá vất vả ,chả bù cho lúc viết hồi ký “Ghi chép trên các nẻo đường thiết kế” (nhà xuất bản GTVT năm 2000) ,hay khi gặp nhau tại dinh Độc Lập Sài Gòn tại lễ chào mừng việc thành lập bộ phận thiết kế tàu phía Nam.Vốn là người ít nói,thận trọng ,lại đã từng là một trong những người đầu tiên được đào tạo tại Thượng Hải ,anh em trong cơ quan thiết kế thường nói đùa anh là một trong những người cầm đầu ”trường phái Tàu ” trong thiết kế .Chẳng là lúc đó ,cơ quan thiết kế còn là một phòng trong Cục Cơ Khí bộ GTVT và hàng tháng tôi thường theo lãnh đạo Cục xuống dự các cuộc họp giao ban với phòng thiết kế mà các cán bộ kỹ thuật được đào tạo từ nhiều nguồn như Ba Lan,Liên Xô,Tiệp Khắc ,Bắc Triều,CHDC Đức ,Rumani ...nhưng có lẽ số học từ Trung Quốc chiếm thế áp đảo với số lượng cán bộ và vị trí lãnh đạo...Trịnh Xương ,trưởng phòng sau là Phó Viện Trưởng ,Hồ Quang Long –Cục Phó Cục Cơ khí khi về hưu và Lương Văn Triết ..,tất cả đều được đào tạo từ cùng một trường ,với cái tên là ”Trường Chuyên Nghiệp Đóng Tàu Thượng Hải”.Lục tìm trong đống các tấm ảnh đã hoen ố vì màu thời gian,Triết đưa cho tôi xem bức hình chụp lễ tốt nghiệp Trường này vào năm 1958 .Rời mái trường trung học Lương Ngọc Quyến Việt Bắc ,chàng học sinh sinh năm 1934 quê Lý Nhân Nam Hà hăm hở bước vào một ngành học hoàn toàn mới mẻ với đất nước,sau chiến thắng Điện Biên Phủ,sau khi nửa nước miền Bắc bước vào xây dựng hòa bình ,vào lúc mà chủ tịch Hồ Chí Minh mô tả qua vần thơ của Tố Hữu
”Xưa là rừng nói là đêm
Giờ thêm sông biẻn lại thêm ban ngày ”
Trường Chuyên Nghiệp Đóng Tàu Thượng Hải ,một trường thực hành chuyên phục vụ cho công nghiệp đóng tàu và hải quân của Trung Quốc,sau này là Viện Khoa Học Đóng Tàu Hoa Đông và hiện nay là Đại Học Khoa Kỹ Giang Tô ,đã đảm nhận đào tạo những ”hạt giống ” của công nghiệp hàng hải cho Việt Nam và Bắc Triều Tiên . Từ năm 1954 tới 1962,ngoài hàng nghìn học sinh Trung Quốc ,trường còn nhận đào tạo 24 lưu học sinh Việt Nam và Bắc Triều Tiên,tất cả sau này giữ những trọng trách trong công nghiệp và hàng hải , trong số đó có Trịnh Xương,Lương Văn Triết,Nguyễn Soạn, Nguyễn Tốt , Hồ Quang Long,Ngô Ngọc Lân,Nguyễn Gia Đăng là những lãnh đạo của ngành đóng tàu tại Cục Cơ Khí Bộ GTVT,Nguyễn Phương Ninh (Đại tá,Cục trưởng Cục Kỹ Thuật Hải Quân), Trần Luân (Quản Đốc Phân Xưởng Máy , Bí Thư Đảng Ủy Đóng Tàu Bạch Đằng),Nguyễn Văn Thức (Phó Giám Đốc Công Ty Vận Tải Biển III), Trần Luân Kim (Hội trưởng Hội Điện Ảnh Việt Nam),Nguyễn Văn Huấn (phó Giám Đốc Nhà Máy Đóng Tàu Tam Bạc), Bạch Quốc Văn, Đinh Ngọc Liễn (vụ trưởng Vụ Kỹ Thuật Bộ Công Nghiệp) …
2/Thiết kế con tàu 100 tấn
Trong cuộc đời thiết kế ,đã có nhiều con tàu hình thành qua các nét bút của mình,thành công có ,thất bại có ,nhưng có lẽ con tàu mang tên thương mại “tàu 100 tấn” để lại cho Lương Văn Triết và các đồng sự nhiều kỷ niệm không quên.Trịnh Xương,tác giả của phương án này thường vui kể một mẩu chuyện có liên quan tới Đào Vũ Hùng ,một thành viên trong nhóm thiết kế chuyên về kết cấu của con tàu .Chẳng là ,vào lúc này chị Lộc –vợ kỹ sư Hùng-đang mang thai cháu trai đầu tiên .Cả nhóm thiết kế -ngoài Trịnh Xương là chủ phương án còn có Lương Văn Triết ,thiết kế chính ,chịu trách nhiệm tính năng ,Đào Vũ Hùng cùng Cao Bút phần kết cấu –vui bàn nhau chuyện đặt tên cho con trai đồng nghiệp và thấy không gì thích hợp hơn là tên “Đào Bách Tấn “ để kỷ niệm những ngày tháng miệt mài quên ăn quên ngủ ,chỉ biết tới con tàu một trăm tấn ! Con trai của thày Hùng của chúng tôi –Đào Vũ Hùng sau này quay trở về nghề sư phạm ,dạy khóa vỏ tàu đầu tiên -không mang tên Bách Tấn mà mang tên Học Hải như niềm yêu say mê nghề ,hiện nay cũng là một giảng viên của Đại Học thành phố Hồ Chí Minh.Kể lại chuyện xưa ,Triết cho biết ,lúc đó mục đích của con tàu hoàn toàn được giữ bí mật,chỉ biết đó là tàu hàng 100 tấn ,phải có tính năng vượt biển tốt,mọi việc đều nhận yêu cầu từ Trịnh Xương,mà Trịnh Xương lại nhận chỉ thị trực tiếp từ Cục trưởng Ngô Văn Năm và đôi khi gặp cả Phan Trọng Tuệ ,Phạm Hùng ...Con tàu có kích thước chủ yếu LxBxT=28x5,6x2,2 đặt máy Đức 225 CV,được đóng loạt đầu tiên gồm 6 chiếc tại Xưởng Đóng Tàu Ba ,sau này là Nhà Máy Đóng Tàu Tam Bạc và giao ngay cho quân đội.Đây có lẽ là giai đoạn hai trong việc tìm kiếm các giải pháp vượt biển chi viện cho miền Nam ,bắt đầu từ việc nghiên cứu bắt chước đóng theo mẫu “thuyền Gò Công” đưa từ miền Nam ra .Sau giai đoạn này ,người ta thấy cần phải dùng những con tàu mạnh mẽ hơn,có khả năng ngụy trang tốt hơn ,được đóng bằng thép thay cho gỗ ,tàu có hai đáy dễ dàng cất dấu ...tức là phải thiết kế mới hoàn toàn theo yêu cầu ,thay vì theo khuôn mẫu của những tàu cá bằng gỗ có sẵn.Tính năng của tàu 100 tấn là tuyệt vời –Trịnh Xương thường nói với tôi như vậy mỗi khi nhắc lại quá trình đóng con tàu này –và anh cho biết thêm , tuyến hình và các kích thước của tàu 100 tấn này là một thông số tham khảo quan trọng cho các tàu Tự Lực,Giải Phóng được đóng hàng loạt tại các xưởng trong nước và tại nhà máy đóng tàu Quảng Châu Trung Quốc sau này .Đưa bộ hồ sơ tàu 198 cho Lương Văn Triết xem,tôi nói rằng ,qua cuộc dượt đuổi của hải quân Mỹ và Sài Gòn với chiếc tàu này,con tàu thứ tư trong loạt tàu 100 tấn,đóng tại Xưởng Ba do anh thiết kế,anh sẽ cảm nhận thêm tính năng con tàu này ra sao
3/Câu chuyện về con tàu 198
Năm nay là năm thứ 50 về Ngày Truyền Thống Đường Hồ Chí Minh Trên Biển (23/10/1961-23/10/2011) .Cách đây hai tháng,tại Đà Nẵng,Hội Cựu Chiến Binh đã kỷ niệm ngày này với sự có mặt của nhiều thuyền trưởng ,máy trưởng,các thủy thủ của đoàn 759 ,tiền thân của Lữ đòan 125 ,”đoàn tàu không số” ,những con người đã lập nên những kỳ tích trên con đường mòn ,trong đó có Vũ Tấn Ích ,81 tuổi (ông sinh năm 1931) ,người đã thực hiện 9 chuyến vượt biển. Hiện nay ,ông Ích sống tại đường Nguyễn Tri Phương Đà Nẵng nhưng ông vốn quê tại xã Bình Thới huyện Bình Sơn Quảng Ngãi.Ra Bắc tập kết ,năm 1956 ông được cử đi học hải quân tại |Trung Quốc sau đó về làm thuyền trưởng tàu số 5 của quân chủng hải quân bảo vệ vùng biển phía bắc .Năm 1964,Vũ Tấn Ích được chuyển sang đoàn 759 ,bắt đầu những chuyến hành trình chi viện cho chiến trường miền Nam.Chuyến đi đầu tiên gồm 12 các bộ chiến sĩ đội 6 đều là con em khu Năm và Nam Bộ thực hiện chuyển vũ khí vào tỉnh Bến Tre.Trên đường đi,do không thực hiện cập vào Bến Tre như dự định lúc xuất phát ,con tàu đã quyết định đi xuống Cà Mâu và may mắn gặp được Bông Văn Dĩa,mọi vũ khí đã được bốc xếp khẩn trương và con tàu quay trở lại miền Bắc ,kết thúc một chuyến đi tốt đẹp.Trừ một chuyến bị mắc cạn phải hủy tàu tại Trường Sa ,Vũ Tấn Ích đã thực hiện 7 chuyến thành công tốt đẹp và bắt đầu chuyến thứ chín ,khi ông nhận con tàu 100 tấn thứ tư trong loạt tàu đóng tại Xưởng Ba.Đó là một ngày đầu tháng 07/1967 ,chính trị viên Huỳnh Ngọc Trạch và thuyền trưởng Vũ Tấn Ích sau khi nhận tàu ,nhận hàng đầy đủ ,con tàu đã xuất phát từ Đồ Sơn vào ngày 06/07/1967. Đêm 14/07/1967, tàu 198 gặp máy bay và tàu chiến địch bao vây. Cuộc dượt đuổi của tàu đối phương theo chiếc “tàu đánh cá lạ” kéo dài suốt từ ven biển miền Trung ,vượt qua hải phận quốc tế tới gần đảo Hải Nam rồi con tàu cơ động vào bến Ba Làng An (Quảng Ngãi).Do không tổ chức hủy tàu được nên bị đối phương lấy nguyên tàu cùng toàn bộ hàng hóa ,vũ khí đem về triển lãm tại bến Bạch Đằng Sài Gòn vào tháng 09/1967 . Trong trận này, chính trị viên Huỳnh Ngọc Trạch và thuyền phó Phạm Chuyên Nghiệp hy sinh. Thuyền viên còn lại lên bờ, đi bộ ra miền Bắc .Sau chuyến đi đau thương đó, ông Vũ Tấn Ích chuyển lên bờ công tác,và năm 1982 nghỉ hưu với quân hàm trung tá, cán bộ Phòng tác chiến Quân khu 5 .
Cầm trên tay tấm hình con tàu 198,lần đầu tiên Lương Văn Triết mới thấy được sản phẩm của mình,nhưng đang trong tay đối phương ! một tấm hình mà phải hàng chục năm sau mới tới tay của người thiết kế chính của con tàu này.Cũng phải thôi ,vì năm tháng trôi qua ,mọi việc mới xác minh rõ ràng .Sau chuyến đi bất thành của tàu 198 ,Vũ Tấn Ích chịu kỷ luật và vụ việc mất tàu không được ai nhắc tới .Gần đây,những chiến công của các chuyến đi trước 198 của Vũ Tấn Ích được nhắc lại,người thuyền trưởng ở tuổi 81 lại được xuất hiện trên các phương tiện báo chí truyền hình và có lẽ con tàu 198 cũng giúp ngành đóng tàu chúng ta nhớ lại bản thiết kế tàu 100 tấn của những vị tiên phong .Điều đang tiếc là toàn bộ hồ sơ thiết kế con tàu,một vật chứng đáng lưu giữ trong bảo tàng Đường Mòn Hồ Chí Minh trên Biển lại không còn ,dù là một bức phác thảo hay một chỉ thị kỹ thuật.Trong khi đó ,bộ ảnh về cuộc triển lãm tàu 198 tại Sài Gòn và những ghi âm cuộc rượt đuổi mà đối phương ghi lại vẫn đang lưu giữ đâu đó trên mạng internet.Những chi tiết về lịch sử hình thành con tàu chắc chắn sẽ giúp cho các bạn trẻ ,dù ngày hôm nay chỉ cần nhấp con chuột máy tính vài cái là có thể hòan tất một bài toán ,hình dung ra được con tàu tạo nên kỳ tích trong cuộc chiến thần thánh được hình thành nhọc nhằn ra sao .Và trên hết ,trong quá khứ,dù thiếu thốn đủ điều ,đất nước đã gửi những người con đi học về nghề biển từ nhiều nước trên thế giới ,tại những trung tâm biển cả lớn của khối XHCN lúc bấy giờ như Thượng Hải ,Đại Liên (Trung Quốc),Gdansk (Ba Lan),Rostok (Đông Đức)...,với những ông thày giáo giỏi giang ,trong đó có người có uy tín vượt ra khỏi khối XHCN mà mang ý nghĩa toàn cầu như Doeffer,Kobylinski (Ba Lan) ,VV.Ashik (Liên Xô)...Chính những “hạt giống đỏ” đó đã tạo nên diện mạo ban đầu của ngành đóng tàu nước ta trong đó có kỹ sư thiết kế Lương Văn Triết ,người thiết kế chính của phương án tàu 100 tấn ,con tàu không số .Nhớ lại,một lần đến thăm gia đình chị Phạm Thị Be,vợ của anh hùng Nguyễn Văn Hiệu ,thuyền trưởng tàu 645 hy sinh trên vùng Vịnh Thái Lan ,tôi thấy treo trang trọng trên tường bức kỷ niệm của Đoàn Tàu Không Số .Đó là hình con tàu theo thiết kế tàu 100 tấn đang chạy hết tốc lực trên biển mà không quân Mỹ đã chụp được.
Viết vài dòng này gửi anh Lương Văn Triết với cả tấm lòng muốn chia sẻ khi anh đang phải chiến đấu vất vả với bệnh tật ! Hồi ký “Ghi chép trên các nẻo đường thiết kế” của anh thực lòng mà nói,có nhiều ý kiến khen chê khác nhau,đó là chuyện thường tình với loại văn chương nói về chính mình,nhưng trong đó anh không kể về giai đoạn thiết kế tàu 100 tấn .Những dòng ghi chép này của tôi mong đưa thêm những thông tin xác thực về một giai đoạn đáng ghi nhớ,mà bản thân Lương Văn Triết và cả nhóm đã góp phần làm nên lịch sử !
Viết thêm về con tàu trong " Chiến thắng Sa Kỳ" mà phía Mỹ khoe khoang . Vào tháng 5/2015, mạng Hải quân Mỹ có phỏng vấn thuyền trưởng Edward Bergin, người đã săn đuổi con tàu cũa Vũ Tấn Ích 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét