"Thần đèn" trên biển
Thứ Năm, 5.8.2010 | 09:11 (GMT + 7)
Cơn bão Conson quét qua Hải Phòng làm 3 con tàu biển bị "tuột xích", trôi về thượng nguồn, đâm vào cây cầu bắc ngang sông Cấm. Giữa lúc bầu trời còn đầy những đám mây mọng nước đang vần vũ, lực lượng cứu hộ đã lôi được 2 con tàu "sổng chuồng" khỏi "cái hôn" với cầu Bính.
Trong đám đông kẻ hiếu kỳ đứng trên thành cầu nhìn 5 tàu kéo đang hộc lên vì bất lực trước Vinashin Orient (con tàu thứ ba bị mắc cạn dưới gầm cầu), có một cặp vợ chồng mang vẻ mặt bất mãn. Anh chồng thốt lên: "Giật thế kia thì có đến 10 tàu kéo cũng không ra!". Một vị cán bộ của Vinashin cả đêm không ngủ, ủ rũ như một miếng giẻ ướt vắt trên sào, cáu tiết: "Anh là cái thằng đếch nào? Có giỏi thì xuống mà kéo!". Ngay tối hôm đó, anh ta xuống sông kéo thật.
Giám đốc Trần Văn Văn ra hiện trường chỉ đạo trục vớt. |
Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh
Anh ta là Trần Văn Văn, 45 tuổi, Giám đốc Cty TNHH dịch vụ thương mại Mạnh Nam, nhà ở 50/51 phố Hạ Lý, quận Hồng Bàng, TP.Hải Phòng. Cty có 3 cổ đông là Văn, vợ và con trai, có tên giao dịch bằng tiếng Anh là Manhnam Sertraco. Thế nhưng, cả 3 cổ đông, cũng như gần hết nhân viên Cty, đều không biết chữ để hiểu nó nghĩa là gì! Đơn giản vì họ là những dân chài, từ nhỏ sống trôi nổi trên sông nước, thích làm tính nhẩm hơn học ngữ pháp. Văn kể rằng, anh sinh ra dưới thuyền. Trong lúc ông bố lặn bắt ba ba, thì Văn lặn mò sắt vụn. Văn lặn giỏi lắm, bố mẹ muốn đánh thì phải bắt tại chỗ, không thì Văn nhảy xuống sông lặn mất. Năm 17 tuổi, Văn lấy được vợ hơn Văn 3 tuổi, cũng là dân thuyền chài. Họ gặp nhau tự nhiên như 2 con đò cập vào nhau khi trời mưa bão. Vèo cái, họ đã có 5 đứa con. Mạnh, Nam là tên 2 cậu con trai.
Gần 20 năm, cả nhà Văn cứ lang thang khắp các dòng sông với chiếc thuyền con. Chồng lặn kiếm ăn, vợ ngồi trên cầm dây kéo. Cuộc sống ở nơi đầu mom, bãi sú biến Văn thành một con người của biển: Thông minh, dũng cảm, chấp nhận thách thức... Năm 1994, trong lúc loay hoay đi tìm con tàu đắm ở vùng cửa đèn Tây Vàng chấu, Hoàng Giang - Trưởng phòng An toàn hàng hải Cảng vụ Hải Phòng gặp một thanh niên khoảng 40 cân, đen nhẻm, tóc tan tác như đang trong cơn bão, cập thuyền nài nỉ: “Em tìm thấy, anh cho em ít tiền!”. Thế rồi chỉ 2 lần lặn, Văn đã reo lên: “Đây rồi!”. Lần lặn này là khởi đầu cho “cuộc tình” lâu dài giữa Trần Văn Văn và Cảng vụ Hải Phòng.
Năm 2000, Văn làm một cuộc cách mạng gây rung động cả họ hàng. Anh bán căn nhà dưới nước của mình, chiếc thuyền ximăng lưới thép dài 6m, chỗ rộng nhất trải được một chiếc chiếu (2m) - để mua căn nhà trên bờ. Mảnh đất 80m2 có một túp lều chồng gạch ba banh, mái tôn dột nát, tận trong ngõ sâu của một xóm nghèo, mèo và chó cũng gầy ốm, nhưng nó làm cuộc đời Văn bớt tròng trành.
Rồi có những người biết tài bơi lặn của Văn, họ đến gạ anh cùng làm ăn chung. Cũng chỉ vì không biết chữ, nên Văn chẳng dám hợp tác. Anh đi vay lãi mua được con tàu đầu tiên. Từ đấy, đời Văn lên hương. Tiếng lành đồn xa, anh được mời đi khắp nơi, từ Quảng Ninh tới Cà Mau (có lần sang tận Trung Quốc) tìm kiếm, trục vớt tất cả những thứ bị chìm: Từ tàu bè, bom mìn đến người chết! Chưa bao giờ Văn thất bại.
May cho Văn là anh có một người vợ đẹp và đảm. Chị có làn da trắng như vảy cá, mũi cao, mắt to, loé sáng - đặc điểm khiến chị không phải mẫu người phụ nữ bị trêu chọc khi đi trên đường phố. Văn nhận: “Vợ tôi giỏi lắm! Nghe tôi kể là đã biết ngay vớt được hay không vớt được. Chẳng cần phải đến nơi sờ!”. Nhờ sự quản gia của chị, bây giờ Văn có 2 tàu trục vớt cứu hộ, có nhà 3 tầng kiên cố, có tivi màn hình phẳng để tối theo dõi thời sự, phim. Thỉnh thoảng, Văn lái xe Innova 7 chỗ đưa vợ đi ăn nhà hàng, trong ví Văn thấy có cả tiền đôla Mỹ và vài cái “cạc” “giám đốc Cty”. Hai đứa con út, đứa học lớp 6, đứa lớp 12 - những đứa con có nhiều chữ hơn cha. Và cả Văn cũng đẹp hơn ngày xưa: Mái tóc tan tác được chuốt keo mượt, ốp như tài tử cải lương.
Tàu Vinashin Orient mắc kẹt tại cầu Bính, được giải cứu thành công. |
Vớt được mọi thứ
Chiều ngày 18.7, Thứ trưởng thường trực của Bộ GTVT - ông Ngô Thiện Đức - triệu tập cuộc họp khẩn tại Cảng vụ Hải Phòng, sau khi cả 5 tàu kéo thất bại trong nhiệm vụ giải thoát tàu Vinashin Orient dưới gầm cầu Bính. Thời gian không chờ. Nước sông đang “chết”, nếu để nước ròng mà kéo có khả năng bị lật tàu. Các chuyên gia phân tích đủ các lực, mà không dẫn ra giải pháp nào hơn là thêm tàu kéo! (Hải Phòng có tàu kéo nào thì đã đem dùng cả rồi còn đâu!). Phương án Cảng vụ Hải Phòng mời Trần Văn Văn vấp phải bức màn ngờ vực từ phía những bậc áo cao, mũ dài. Hy vọng vào anh thuyền chài mỏng tang như lớp vecni trên gỗ! Nhưng vì “có bệnh thì vái tứ phương”, họ đã miễn cưỡng để Văn nhập cuộc. Anh kéo về 2 sà lan và một đống các thiết bị cứu hộ tự chế. Giữa đêm, những người thợ không biết chữ của Trần Văn Văn hối hả lặn xuống, móc cáp, thổi bùn, khát thì uống nước sông Cấm. Và sau 5 tiếng vừa kéo, vừa nâng, họ đã bắt Vinashin Orient phải nổi lên, trôi ra khỏi cầu. Trên bờ, người ta ôm nhau chúc mừng thành công. Lãnh đạo Hải Phòng và Bộ GTVT thấy nhẹ người như đang bị ngạt mũi lại hít thở được. Còn Văn được đưa lên đài truyền hình để nói: “Em có biết nói gì đâu!” - anh nói với hàm răng sáng loá trong một nụ cười hạnh phúc. Tôi hỏi tại sao đội bóng chân đất của anh lại thắng đội bóng “hoàng gia” - 5 con tàu kéo 8.000 sức ngựa? Văn đáp: “Dưới nước không cậy sức được, mà phải có mẹo! Cộng thêm tí liều!”.
Bằng công thức “mẹo cộng liều”, Văn đã giải thoát được tàu Đông Hoa hơn một vạn tấn trọng tải, bị bão đánh nhảy lên bãi đá ngầm vùng biển Quảng Ngãi, cứu hộ nhà nước đã phải bó tay. Có người sông nước mách cho chủ tàu Đông Hoa cầu Văn đến cứu. Văn mang đến một “con rùa” 65 tấn, 2 neo 5 tấn, dùng 2 dây cáp “phi” 120, dài 1.000m, 2 đường cáp “phi” 40, dài 100m... Chỉ sau 2 ngày, Đông Hoa lại về với biển!
Vợ Văn nói rằng, anh là người thích mạo hiểm, luôn trong tình trạng đặt chân lên vùng cát lún. Khi nghe tin tàu Hoàng Chiến 08 bị lật ở biển Hải Phòng, Văn sôi lên muốn ra tay. Song, chị vợ lại khoá cửa nhốt chồng trong nhà, lý do: Đang mùa biển động, tàu bị chìm lấp dưới hàng mét bùn... Một tối, Văn bỏ di động ở nhà, quần đùi, áo may ô lẻn ra ngoài, vay tiền mua quần áo dài, bay vào - bay ra Sài Gòn để ký hợp đồng. Vớt xong Hoàng Chiến 08, anh mới báo tin cho vợ đang không biết chồng ngụp lặn ở vùng biển nào! Vụ đó, chủ tàu thu hồi hàng chục tỉ đồng (1.500 tấn thép cuộn), phần Văn được cái vỏ tàu.
Tháng 5.2010, tàu nước ngoài đâm gãy đôi sà lan NĐ 0096 có 12 thùng container bị chìm, sóng cuốn trôi hàng cây số, có cái nằm ngay giữa luồng tàu chính. Văn mò ra chúng nhanh hơn các thiết bị tìm kiếm hiện đại của Bảo đảm hàng hải VN, loại bỏ nguy cơ tắc luồng. Nhiều lần Văn trục tàu nhanh đến nỗi hợp đồng còn chưa ký xong, tàu đã được vớt lên rồi, kéo đi. Chủ tàu cứ tưởng mất tàu! Bất cứ tàu chìm ở tư thế nào, Văn nói: “Chúng tôi đều vớt đẹp như văn công!”.
Biển chỉ dịu êm và sung sướng với du khách. Còn với người làm trục vớt, biển dữ dội, nguy hiểm và khó lường hệt như người đàn bà đẹp! Nhiều lần Văn tưởng đã chết vì tàu bị lật, anh chìm sâu dưới 30m nước. Nhưng ở dưới nước, Văn lại bình tĩnh, tự tin như những thổ dân sống trong rừng rậm, thuỷ thần không bắt được anh và những người thợ dũng cảm của anh. Văn thú nhận: Anh chỉ sợ người trên bờ, những kẻ bắt nạt người thật thà và hiền lành như vợ chồng Văn. Anh đã từng là người nghèo nên thương người nghèo. Văn chẳng bắt bí ai trong hoạn nạn. Vớt con tàu đắm, người khác đòi mười, anh chỉ lấy ba, điều đó làm cho khối kẻ tức anh, họ đe doạ anh dù họ không có tài năng như anh. Dân cứu hộ khắp dải đất hình chữ S phục lăn Văn, vì anh đã biến nhiều điều không thể trở thành có thể bằng các con thuyền nhỏ như lá tre trên biển của mình.
10 năm trục vớt hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ, ôtô, bom, mìn, vật cản luồng lạch. Công anh lớn lắm! Hãy tưởng tượng xem một ngày tàu thuyền không ra vào cảng Hải Phòng vì bị tắc luồng! Góp phần đắc lực bảo đảm an toàn hàng hải con đường giao thông huyết mạch miền Bắc - một cái Huân chương Lao động với Trần Văn Văn không phải là điều xa xỉ. “Trừ các anh cảng vụ ra, chẳng ai thèm biết em đâu!” - Văn nói xong rồi lặng lẽ đi ra Quảng Ninh - ở đó có con tàu chìm, dầu đang rò chảy ra biển!
Hà Linh Quân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét