Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Hồi ký của anh Trần Tuấn Anh về cha mình,thày Trần Văn Phương

Xin được chép lại trên trang này trang hồi ký của Trần Tuấn Anh về thày Trần Văn Phương,người cha kính mến vừa qua đời tại Sài Gòn.Cộng đồng hàng hải Việt Nam được biết thêm về chân dung của một người hết lòng mong muốn sự nghiệp biển phát triển . Bản gốc xin đọc tại đây 

Cho Phúc Tâm Chí tỏa hương

(Chân thành cảm ơn Mr. Đỗ Ngọc Quang đã tặng cha tôi câu này.)

Làm con phải biết

Ba tôi có gương mặt khắc khổ. Những nếp nhăn quanh mắt, miệng và má ông sớm xuất hiện từ thời những năm 80, khi đó ông tầm 45 tuổi. Cùng với thời gian, những nếp nhăn ngày càng chằng chịt, xếp nếp nói rõ ông là một con người vất vả, lao lực trong mưu sinh, trong làm việc.

Ba tôi là trưởng nam của ông bà Trần Văn Quỳ - Nguyễn Sỹ Thị Dung.

Thời kháng Pháp, cuộc sống cực kỳ gian nan, khổ cực. Ngày ấy đi học cấp 2 là đã phải trọ học do trường xa nhà. Nhà nghèo nên ba tôi theo bài cũ của các học trò thời trước là ở trọ, dạy kèm con nhà chủ nhà, đổi lại sẽ được nuôi cơm.

Sau khi Nguyệt Bổng bị bom năm 1951 thì sơ tán vào vùng núi Võ Liệt. Từ đó thức ăn hàng ngày là măng nứa và bù rợ (bí đỏ), củi đun tự đốn ở rừng. Nhiều năm học cấp 2, cấp 3 trong ánh đèn dầu lạc (đậu phộng), bàn ghế thì được vác trên vai, giấy cũ tẩy bằng vôi, mực viết tự chế, cuốc bộ chân đất đến trường xa hàng chục km.

Vậy mà thi vào cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng ông thi hỏng vì ngủ quên, năm sau 1952 ông đậu thủ khoa và giữ ngôi đầu trường suốt thời gian học. Chính vì kết quả học tập ấn tượng như vậy mà ông được tuyển chọn đi học tại Trung Quốc.

Pháp trên đường thua trận, chính quyền Việt Nam DCCH cần có những con người để vận hành bộ máy mới. Khi ba tôi lên đường, ông còn chưa học hết chương trình phổ thông.

1954 đi bộ rời quê ra Chiêm Hóa, Tuyên Quang học lớp chỉnh huấn. Kết thúc khóa học lại đi bộ đến Mục Nam Quan. Từ đây mới được đi ô tô tới Bằng Tường, ngồi tàu hỏa đến Nam Ninh, Thượng Hải, Thiên Tân, Bắc Kinh.

Qua Trung Quốc, học tiếng và bổ sung kiến thức. Tuyển chọn người đi học các ngành. Ai học giỏi các môn tự nhiên thì học chương trình đại học, ngành kỹ thuật, còn lại học chương trình cao đẳng, ngành kinh tế, tài chính.

Sự tuyển chọn học môn gì, ngành nào, đại học hay cao đẳng của TQ thời đấy cũng vòng vèo như món võ tàu trứ danh. Sau gần năm học tiếng, thì từ 9-1955 đến 11-1956 ông học ngành lái tàu sông trường Vũ Hán hà vận học hiệu. Từ 11-1956 đến 8-1961 chuyển đến Đại Liên hải vận học viện học chương trình đại học ngành lái tàu biển, sau một thời gian lại chuyển qua học ngành sửa chữa và thiết kế động lực tàu thủy.

Điều trớ trêu là những người được tuyển chọn theo học chương trình nặng hơn sau này lại kém thế hẳn so với những người kia, đa số làng nhàng, trong khi dân kinh tế tài chính hầu hết vị trí cao hơn, kinh tế khá hơn hẳn.

Điều bất hợp lý trong đào tạo và sử dụng người như vậy đã có từ thời đó. Nó báo hiệu một nền KHKT thấp kém của Việt Nam sau này và hệ quả là người Việt chỉ thích chỉ tay năm ngón, lý thuyết suông, trọng ăn xổi, xa rời lao động chăm chỉ, cật lực, coi thường KHKT…nhưng đó là chuyện về sau.

Ba tôi đi hồi đó là may mắn, vì 1956 thì cải cách ruộng đất xảy ra, một sai lầm kinh khủng nhưng tất yếu. Ông không ngờ lần đó là lần cuối ông được nói chuyện với mẹ. Sau này, ông vẫn nhớ mãi lần chia tay lời mẹ dặn: con đi học nước ngoài sung sướng, thầy mẹ và các em ở nhà khổ, ráng lên con.

Sai lầm kinh khủng vì theo tinh thần đấu tố, trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ.

Tại sao trí thức lại đầu bảng. Theo tôi vì thời Pháp, trong con mắt mọi người đây là tầng lớp được biệt đãi. Người ta quên rằng những người này phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt như thế nào mới đỗ đạt, đi dạy, đi làm được. Hình ảnh tương phản hoàn toàn với nông dân tay lấm chân bùn. Ngoài chuyện sướng khổ, thì những người này còn có uy tín trong cộng đồng, mà khi người ta có ý kiến thì sẽ phức tạp. Những người cộng sản lại luôn muốn thép đã tôi thế đấy, nam châm thì chỉ có một cực.

Ảnh hưởng của tinh thần đố kỵ giỏi, ghét giàu, coi khinh quản trị tốt khi ít khi nhiều vẫn theo suốt chúng ta từ 1954 cho tới nay. Nó là một phần quan trọng trong sự tụt hậu, chậm tiến của Việt nam so với các nước. Và câu chuyện không chỉ liên quan tới GDP, nó còn liên quan đến cả văn hóa, đạo đức xã hội. Việc đơn giản hóa cuộc đấu tranh rất phù hợp với lối tư duy trực quan, hình thức của phương Đông, nơi dân trí vẫn còn ở dưới tầng trệt, chưa leo lên được tầng trên khai sang như dân phương Tây.

Vì có nhà có ruộng tự cày cấy nên nhà ông bà tôi bị quy địa chủ theo thành phần 5%(tức là một làng thì thấp nhất 5% là địa chủ, bất kể làng giàu làng nghèo). Sau sửa sai thì trở lại thành phần trung nông. Nhưng điều quan trọng nhất thì bà tôi không chịu được nhục trong đấu tố đã tự vẫn chết rồi, các cô chú tôi thì sự học vẫn bị ngăn trở như thường.

Trung Quốc hồi đó nghèo, du học sinh (Việt Nam, Triều Tiên) được ăn ở phòng riêng, theo chế độ riêng. Khi đi thực tế ba tôi mới biết dân rất khổ, ở nhà đất, nằm giường đất (dưới có sưởi bằng củi hoặc than vì trời rất lạnh), ăn hạt bắp (ngô) xay, hàng hóa cũng ít. Muốn mua phải đi tìm và xếp hàng.

Ông có đem về album ảnh kỷ niệm thời sinh viên. Khung cảnh, sinh hoạt, chơi thể thao, học tập…trông cũng phơi phới, văn minh, hồn nhiên, tiếc rằng những tấm ảnh đó bị xé đôi. Lý do xé bởi tôi, năm 1979 khi đó 13 tuổi, cứ thấy hình TQ thì ghét. Vậy mới hiểu sao Mao phát động tiểu tướng hồng vệ binh. Sau nghĩ lại thấy bậy thì cũng xong rồi.

Về Hà nội năm 1961, ba tôi được phân công nhiệm vụ làm giáo viên. Thoạt đầu ông trú đóng tại trường ĐH Kinh tế tài chính (nay là trường ĐH KTQD). Năm sau, khi cơ sở vật chất thiết lập xong mới chuyển về trường ĐH giao thông sắt bộ tại Cầu Giấy.

Bắt đầu từ đây nghiệp khai phá, trồng cây trồng người vận vào ông. Ngoại trừ 10 năm ở cục Đăng kiểm Việt Nam (Hải Phòng) và phân viện thiết kế tàu thủy (Tp.HCM) thì thời gian còn lại 26 năm ông làm giáo viên. Ở những trường tham gia giảng dạy ông đều là người khai sơn phá thạch tham gia lập nên ngành cơ khí tàu thủy. Có thể kể đến lần lượt sau ĐH Giao thông sắt bộ là ĐH Giao thông đường thủy Hải Phòng, ĐH Hàng hải Hải Phòng (khi trường chuyển từ trung cấp lên ĐH) hay ĐH Bách khoa Tp.HCM (lập tổ cơ khí tàu thủy thuộc khoa cơ khí).

Kể thêm một chuyện có liên quan đến cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Số là ba tôi có làm một bản đề án đào tạo nhân lực ngành tàu thủy gửi cho thủ tướng. Ba tôi nhờ ông Lê Văn Châu – phó thống đốc NHNN hồi đó chuyển giúp. Vậy mà ông 6D có bút phê đồng ý trên bản đề án và thư trả lời ba tôi đàng hoàng. Cũng nhờ vậy mà ông Trương Minh Vệ, hiệu trưởng ĐH Bách khoa lúc đó mời ba tôi về đây làm việc từ năm 1990 cho tới khi nghỉ hưu 1997.

Từ người khai phá đến khi trở thành một trong những chuyên gia đầu ngành máy tàu thủy ở Việt Nam là một con đường dài dặc, khó nhọc và chông gai.

Khi từ TQ về ông chỉ đem về sách vở tài liệu. Hỏi ông sao không mua xe đạp phượng hoàng, chăn con công ông thật thà kể nghe cán bộ Việt Nam qua nói chuyện, Việt Nam bây giờ hàng hóa ê hề, xe đạp thống nhất để quên ở Bờ Hồ không ai lấy nên mua chi mang vác cho cồng kềnh, để về nhà mua.

Thật thà, cả tin cũng là một đức tính trong con người ông. Kết quả là về Việt Nam chờ mãi không được tiêu chuẩn mua xe phân phối đành phải mua ngoài. Mà hồi đó, được mua xe phân phối thì sẽ được mua phân phối săm lốp, phụ tùng thay thế. Còn ai mua ngoài thì cái gì cũng phải mua ngoài. Chiếc xe đạp Liên xô cà khổ đó theo ông từ Hà Nội xuống Hải Phòng, tới năm 1985 khi vào Tp.HCM nó cũng còn đi theo.

Sau này, khi có phong trào đi tàu viễn dương để xóa đói giảm nghèo, lựa chọn giữa 2 chuyến đi Nhật và Singapore thì ông nghe đồng nghiệp của ông rù rì thế nào mà ông chọn đi Sing vì đi theo tàu 20 tháng 7 là tàu hơi nước, đúng chuyên ngành của ông. Nhưng Nhật hay Sing thì cũng vậy thôi vì ông không biết/không dám mang tiền đi mua hàng. Nên cơ hội cũng bị bỏ lỡ.

Kể thêm về những chuyến đi bằng làm việc cả đời này. Sau khi thủy thủ viễn dương ngon lành rồi thì các cơ quan liên quan như trường học, đăng kiểm có chính sách cho cán bộ công nhân viên đi để xóa đói giảm nghèo. Người có chuyên môn thì dễ rồi, những người không có nghề dù có là tiến sỹ, phó tiến sỹ thì xuống tàu cũng chỉ được làm phụ bếp. Có ông tiến sỹ xuống bị mọi người đùa bắt đeo tạp dề đứng phục vụ bữa ăn cho thuyền trưởng, mãi sau mới biết, thù mãi. Không chỉ đi tàu, đi các nước Đông Âu cũ cũng ngon, có thầy ra sân bay mặc một lúc 2 quần jean, bị hải quan bắt lột ra để lại.

Tới bây giờ nhiều đứa bạn tôi còn nhớ cái giá sách đầy lặc lè ở nhà Cát bi cách đây hơn 30 năm. Sách tiếng trung, tiếng nga, tiếng anh về kỹ thuật và từ điển đa phần dày cộp, chỉ có mỗi cuốn Hồng lâu mộng đi kèm. Ngày đó làm gì có internet, sách báo mua còn khó nên nếu không có tài liệu khoa học kỹ thuật nước ngoài thì kể như bó tay. Mà đi dạy thì phải soạn giáo trình.

Ngày đêm cặm cụi chắt lọc, biên dịch, can vẽ hình đều bằng tay, những quyển giáo trình nội bộ in roneo ra đời. Giá của những tài liệu này là những đêm thức trắng, sức lực bị vắt kiệt. Nghe nói sau này nhiều người lớp sau lấy giáo trình đó, chỉ điền tên mình vào, đàng hoàng đem in, nghiễm nhiên làm tác giả mà chẳng nói một lời tới chính chủ.

Không khí làm việc hồi đó hăng say lắm, mà dạy học thì đâu chỉ là chuyện soạn giáo trình, đủ thứ lích kích đi kèm. Ba tôi được danh hiệu chiến sỹ thi đua 5 năm liên tiếp tại trường ĐH giao thông, đến năm thứ 6 thì không được. Lý do vì nếu được 6 năm thì phải xét phong danh hiệu chiến sỹ thi đua toàn quốc, mà cái này đương nhiên không có tiêu chuẩn. Để được bình chọn như thế thì công sức, trí lực phải bỏ ra thật kinh khủng, giờ khó có thể tưởng tượng. Có thể nói là làm việc miệt mài, gương mẫu, quên ăn quên ngủ, quá sức.

Có lần ba tôi tâm sự, dạy học là điều đáng ngán vì hết năm này qua năm khác cũng những kiến thức đó, câu hỏi đó, chấm bài đó, lặp đi lặp đi lặp lại nhàm chán. Nhà tôi là một gia đình có truyền thống làm nhà giáo, từ cụ cố tôi, ông tôi tới ba tôi. Tới đời chúng tôi không đứa nào theo nghề vì sợ đói khổ nghèo của nghề này.

Miền Bắc những năm chiến tranh thật khổ cực. Cũng như mọi người ba tôi lấy vợ, sinh con. Sinh hoạt thiếu thốn, làm việc thì quần quật, gánh nặng nuôi nấng dạy dỗ đè nặng lên vai ba mẹ tôi. Đi công tác miền nam, nghe nói mua mùng tuyn có lời, ra chợ Bến Thành mua về kiếm ăn, nào ngờ mua phải mùng dỏm bán mãi không được, lỗ vốn. Sau chỉ dám mua trứng về bán vì trứng thì ông rành.

Lớp người như ba mẹ tôi hình như không có khái niệm chơi giải trí, lúc nào cũng thấy làm việc, nghiên cứu hoặc kiếm cái này cái kia nuôi sống gia đình. Chỉ biết làm việc nhưng lo cho con cái em út thì lại đặt lên đầu. Đi miền nam thì nhớ mua sườn xe đạp về cho em ở quê vì chú chưa có xe đi.

Ba tôi vẫn nói, quyết định di chuyển vào Tp.HCM năm 1985 thật là đúng. Khi đó, quyết định này là cả một sự liều lĩnh. Nhiều người can ngăn, ở ngoài này còn có anh có em, đi là chết. Khó khăn chất chồng, trong tay chỉ có 6 chỉ vàng, mẹ tôi thì vô làm giáo viên tại trung tâm đào tạo phía nam của trường ĐH Hàng hải. Ba tôi thì xin mấy nơi nhưng chỉ có phân viện thiết kế tàu thủy chịu nhận. Mấy nơi kia học trò cũ làm sếp nhưng họ cũng câu giờ để chối.

Khi vào ở nhờ nhà trong phường 18 quận Tân Bình (cũ), ăn thì gạo rẻ, bó rau muống chia làm 2 bữa, trứng mua trái dập, mua lòng gà vịt của cơ sở chế biến xuất khẩu loại ra. So với ở Hải Phòng thì không có gì phàn nàn, coi như ổn.

Quyết tâm vào Tp.HCM vì cuộc sống ở Hải Phòng hồi ấy thật vất vả và bế tắc.

Mẹ tôi, sau khi sinh đứa út (1977) thì bị hen, mỗi khi đông về, đi cấp cứu suốt. Mọi người nói, nếu vào nam sẽ đỡ.

Ba tôi cũng bị lao lực, nám phổi vô bệnh viện Việt Tiệp mấy tuần.

Chuyện nhà cửa thì bị lừa. Ba mẹ tôi muốn sang lại căn hộ ở khu 2 tầng Đổng Quốc Bình, giao 1 chỉ vàng (khoảng 500đ bằng 6 tháng lương hồi đó) cho chủ nhà. Ông đi, nhưng giao tiền mà lại chẳng có hợp đồng, không có giấy tờ ký cọt gì cả, vì tin người quen và vì cũng thật lơ ngơ trước tiền bạc. Hầu hết mọi người ngoài Bắc những năm đó thì ai cũng thế thôi, hồi đó những khái niệm kinh tế thị trường chưa được biết đến ở xứ bao cấp gần 30 năm. Sáng hôm sau giao nhà, họ trở mặt, còn đòi ba mẹ tôi trưng ra bằng chứng, hàng xóm đế vô lừa đảo. Tất nhiên mình thua trắng.

Lạm phát thật kinh khủng, tích cóp, cả đời giờ tiền như giấy vụn, chẳng còn đáng giá gì. Qua mấy đợt đổi tiền, có khi tiền tiết kiệm chỉ còn mua được cái giường ba xà.

Tuổi thì cũng đã ngấp ngé 50, gần như tay trắng, ngỡ ngàng trước mở cửa, trước bỏ bao cấp, thật là mờ mịt khủng hoảng. Cũng may Tp.HCM dạo đó còn dễ sống hơn hẳn so với ngoài Bắc.

Đất lành chim đậu, ba mẹ tôi mua được căn nhà đầu tiên ở Bà Quẹo năm 1987. Vào đây, ba mẹ tôi may mắn quen được hàng xóm tốt bụng là ông bà Chới. Căn nhà được mua nhờ sự giúp đỡ vô tư của ông bà Chới, đến nay hai gia đình vẫn thân thiết với nhau.

Khi bắt đầu đổi mới, các doanh nghiệp VN, kể cả doanh nghiệp nhà nước đều nghèo, trang thiết bị lạc hậu nên để cải tiến trang thiết bị họ thường tìm đến các trung tâm nghiên cứu, trường đại học. Khi Vitaco vận chuyển dầu nặng thì khó khăn phát sinh do nhiệt độ thấp nên dầu bị đông đặc làm quá trình bơm trả hàng khó khăn, ngoài ra còn lo bị thiếu hụt hàng do lượng hàng tính theo thể tích. Ba tôi đưa ra giải pháp làm hệ thống hâm dầu bằng cách đặt catot điện trong khoang chứa hàng nhằm duy trì nhiệt độ theo yêu cầu cho khoang hàng khi trả hàng (khi nhận hàng thì bên Singapore họ đã có thiết bị xử lý). Rồi công ty của ông Hải Robe nhận sơn sửa bể chứa dầu, giàn khoan, ba tôi thiết kế thiết bị cho công nhân và trang thiết bị tác nghiệp bằng cách di chuyển thông qua hệ thống tời, ròng rọc,…nhận được những đồng tiền từ công sức mình bỏ ra ba mẹ tôi vui lắm.

Nhưng rồi những việc như vậy cũng ít dần vì các công ty xoay sang nhập trang thiết bị, công nghệ của nước ngoài, đặc biệt Trung Quốc, rẻ và ổn định hơn. Nhờ đó tôi cũng mới giải đáp được thắc mắc về kỹ sư Trần Đại Nghĩa. Đó là khi bắt đầu kháng chiến chống Pháp thì vũ khí của ông Nghĩa như sung không giật SKZ bắn đạn lõm diệt được cả xe tăng nổi danh như cồn mà sau không thấy nhắc gì tới vũ khí do Việt Nam chế tạo nữa, dòng vũ khí từ Trung Quốc, Liên xô đã tràn ngập, thay thế hoàn toàn.

Rồi các con lớn lên, đi làm, ba mẹ bắt đầu nhẹ dần gánh lo. Cuộc sống dần trở nên êm ả, bớt nhọc nhằn. Nhưng những nếp nhăn cũng kịp ghi dấu ấn của mình lên khuôn mặt ba tôi.

Sau khi nghỉ hưu ông vẫn còn biên soạn sách Thiết kế hệ thống động lực tàu thuyền (NXB ĐH Quốc gia Tp.HCM, 2003), cẩm nang giám định viên VFC, Trần tộc phả ký và chủ trì biên soạn Biên niên sử gia đình nhà giáo Trần Văn Quỳ…

Cả đời ba tôi đã cho đi sức lực, thời gian, tiền bạc, tình yêu cho gia đình, cho công việc và giờ đây 20 năm cuối đời ông an hưởng tuổi già với gia đình, cháu con.

Người có sức chịu đựng lớn thì trời sẽ thử thách càng nhiều. Khoảng năm nay, căn bệnh ung thư quái ác đã hành hạ ông.

Ba tôi nói, “tôi biết về mặt cơ thể tôi đã bị sụp đổ, bệnh cực kỳ nặng, nhưng tôi vẫn thấy lạc quan, ăn ngủ bình thường”. Mặc dù tôi nghe, khi ngồi không nén được, vẫn bật ra tiếng rên. Cầu chúc cho ba vượt qua thử thách cuối cùng của cuộc đời trước khi người nhắm mắt xuôi tay.

Tôi vẫn nhớ ngày xưa, ở nơi sơ tán Quý Cao, Hải Hưng ông cho tôi bắn viên đạn lửa lên trời. Hay ở Phương Lưu Hải Phòng, ba ba con trong nửa gian nhà tre vách đất, giường thì phải lắp thêm miếng gỗ tối đưa ra, ngày hạ xuống, ăn thì 3 người một trái trứng chiên. Ăn xong chảo nhẵn như chùi vì được trộn 2,3 lần.

Nhớ ông bàn về phúc tâm chí của ông nội, về ý nghĩa của cuộc đời, khối tứ diện trong chất lượng giáo dục…say sưa về ngành cơ khí đóng tàu, đau đáu về những chuyện đời, chuyện triết. Dấu hiệu của một trí thức đã thoát khỏi kiến thức chuyên môn hẹp của mình để đi vào vùng trời biển mênh mông của thực tế, của thân phận con người.



Thể xác nào rồi cũng về với cát bụi, còn linh hồn lại đầy đặn, nở hoa trước lúc chia lìa thân xác ba tôi – một con người công nghiệp đã sống ở xứ tiểu nông này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét