Ụ nổi 83M của Vinalines có phải là tàu biển không hay là
mớ rau?
Luật gia Tạ Bình
CTCP Hàng hải Đông Đô – Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam
Với hơn 30 năm công tác trong Ngành Hàng hải Việt Nam mà chủ yếu là làm công tác nghiên cứu - xây dựng pháp luật hàng hải, tôi mạo muội tự nhận là người trong nghề. Hôm nay, xin có vài lời tranh luận chuyên môn về một vấn đề đang còn được dư luận quan tâm bình luận với những lời lẽ “rất nóng” ngay cả khi vụ đại án tham nhũng liên quan đến Ụ nổi 83M của Vinalines đã tạm thời khép lại với bản án sơ thẩm có tới hai án tử hình. Đó là vấn đề “ụ nổi/floating dock” có phải là “tàu biển/ sea going ship/vessel” hay không?
Để rộng đường dư luận, xin nói rõ trước là cá nhân tôi không có ý bao biện chạy tội và phản đối việc xét xử các bị cáo trong vụ án này trước Tòa án một cách nghiêm minh, đúng pháp luật.Tuy nhiên, tôi cũng xin được giữ quan điểm cho rằng dù họ có thực sự phạm tội thì việc xác định tội danh, áp dụng hình phạt hay tổ chức tranh luận trước tòa…không chỉ cần phải “nghiêm”, mà còn phải “minh bạch” tới mức đủ sức thuyết phục theo đúng tinh thần cải cách tư pháp, chống oan sai - bỏ sót tội phạm mà Đảng, Chính phủ ta đang kêu gọi.Tôi không được dự khán phiên tòa sơ thẩm và cũng không có may mắn được tiếp xúc, nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án để hiểu hết mọi tình tiết, nên chỉ xin bình luận trên cơ sở các thông tin báo chí có thể tiếp cận được với tinh thần “thượng tôn pháp luật ”.
Những người trong nghề hàng hải lâu năm đều biết hiện có rất nhiều định nghĩa, khái niệm không hoàn toàn giống nhau về “tàu biển/ sea going ship/vessel”. Thông thường, các kỹ sư đóng tàu, đăng kiểm viên thường hiểu và xây dựng khái niệm “tàu biển” trong hệ thống quy phạm kỹ thuật của mình một cách thuần túy kỹ thuật, còn các nhà quản lý hoặc các doanh nhân, luật gia hàng hải… lại hiểu “tàu biển” theo ý nghĩa chính thống hơn trên cơ sở các quy phạm pháp luật hiện hành. Một trong số đó chính là Điều 11- Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005 với nội dung cụ thể “Tàu biển là tàu hoặc cấu trúc nổi di động khác chuyên dùng hoạt động trên biển”. Khái niệm tuy này có nhiều điểm rất khác và đã hẹp hơn nhiều so với Bộ luật Hàng hải Việt Nam 1990 với nội dung “Tàu biển là cấu trúc nổi có động cơ hoặc không có động cơ, chuyên dùng hoạt động trên biển hoặc vùng nước liên quan đến biển”, nhưng đang là quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành cao nhất ở thời điểm xảy ra sự kiện chúng ta đang quan tâm tranh luận. Xét về phương diện khoa học pháp lý khách quan, thì chính nội hàm của nó sẽ tạo nên thước đo rất quan trọng để xác định bản chất hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án này.
Tôi cho rằng, nếu xét tới hai đặc trưng quan trọng nhất của “tàu biển” được nhấn mạnh rất rõ trong nội hàm của quy phạm pháp luật này, thì Ụ nổi 83M không thỏa mãn điều kiện thứ nhất là phải là một cấu trúc nổi “di động” (theo thiết kế nó phải neo thường xuyên ở trên hố dìm ụ với độ sâu thích hợp và chỉ có thể di động nếu được chuyên chở hoặc lai kéo bởi một phương tiện thủy có động cơ khác khi buộc phải di chuyển từ một nơi này đến nơi khác). Chắc chắn Ụ nổi 83M cũng không thỏa mãn điều kiện thứ hai là phải được thiết kế và có công năng hoạt động “chuyên dụng trên biển” (vì nó được làm nổi lên hoặc chìm xuống theo phương thẳng đứng bằng hệ thống bơm hút nước qua các phao kín/pontoon được gắn kết khá lỏng lẻo với thân ụ/frame, rất dễ bị rơi ra ngoài và làm chìm ụ nếu hoạt động thường xuyên trên biển, nơi có nhiều sóng gió lớn hơn các khu công tác của nhà máy sửa chữa tàu; bản thân ụ nổi không được trang bị hệ thống cứu sinh, thông tin liên lạc, báo hiệu hàng hải, định biên tối thiểu.. theo quy phạm phân cấp kỹ thuật hoặc quản lý tàu biển; ụ nổi không được cấp chứng thư quốc tịch hay số hiệu IMO như quy phạm quản lý tàu biển…). Có lẽ hơi phóng đại một chút, nhưng nếu Ụ nổi 83M và các ụ nổi lớn nhỏ khác được coi là “tàu biển” thì có lẽ chúng ta cũng cần xem xét việc đưa các bè nuôi cá lồng trên sông Cửu Long, trên biển Cát Bà hoặc các giàn khoan dầu cố định… vào danh sách này vì chúng cũng có tính năng, cấu trúc, chiều dài, vùng hoạt động, mức độ nguy hiểm về hàng hải không khác Ụ nổi 83M là mấy, mà chỉ khác về công năng thôi (!)…
Theo tôi được biết, Bộ GTVT đã có ít nhất vài văn bản hoặc phát ngôn chính thức của Lãnh đạo Bộ với nội dung khẳng định các ụ nổi không phải là “tàu biển”- với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về hàng hải (Điều 8 - Bộ luật HHVN 2005) và cũng là cơ quan luôn được giao nhiệm vụ soạn thảo Luật Hàng hải Việt Nam, cũng như các văn bản dưới luật khác như Nghị định 49/2006/NĐ-CP hay Nghị định 29/2009/NĐ-CP, Nghị định 77/2011/NĐ-CP sau này về đăng ký, mua - bán tàu biển. Trong nội dung của các văn bản dưới luật này và ngay cả trong nội dung mới nhất của Nghị định 161/2013/NĐ-CP về đăng ký và mua bán, đóng mới tàu biển (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2014 và nghe nói được dẫn chiếu một cách cẩu thả tại phiên tòa) cũng không có bất cứ điều khoản nào, nội dung nào có thể vận dụng để diễn giải khái niệm “tàu biển” nói trong đó bao gồm cả “ụ nổi”. Ngoài ra, nếu điều tra kỹ và khách quan hơn, thì từ trước đến nay chưa từng có một ụ nổi được nhập khẩu hoặc đóng mới trong nước đang hoạt động tại Việt Nam đã được đăng ký chính thức vào hệ thống “Sổ đăng ký tàu biển quốc gia” ngoại trừ việc chỉ có duy nhất Ụ nổi 83M đã được đăng ký tạm thời về quyền sở hữu có thời hạn 90 ngày bởi một lý do nào đó… Vậy có một câu hỏi đặt ra là nếu như Tòa án sơ thẩm và Viện Kiểm sát Hà Nội không tin vào lời giải thích chuyên môn của Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam.., thì chảng lẽ tin vào lời giải thích của những người ngoại đạo hay sao?
Hơn nữa, cho đến tận hôm nay chúng ta cũng mới chỉ có “Quy phạm đóng mới ụ nổi” là tiêu chuẩn ngành do Đăng kiểm Việt Nam soạn thảo đang được áp dụng để quản lý kỹ thuật - phân cấp kỹ thuật, chứ các cơ quan quản lý Nhà nước hữu quan chưa bao giờ triển khai hoạt động quản lý ụ nổi, mặc dù lẽ ra cũng đã nên tổ chức quản lý và cấp phép hoạt động nó “tương tự” như “tàu biển” hoặc như xe máy, ô tô, sà lan, cần cẩu, động cơ có công suất lớn…Tôi cũng còn biết thêm rằng ụ nổi có mã số thuế hoàn toàn khác “tàu biển” trong Biểu thuế nhập khẩu do Bộ Tài chính ban hành và cũng nằm trong danh mục hàng hóa thông quan riêng biệt với tàu biển theo quy định của Hải quan…
Vậy xin thử hỏi tiếp, nếu các văn bản pháp luật do Quốc hội, Chính phủ ban hành không có quy định và ngay trong nhận thức, hành động thực tế của các cơ quan quản lý Nhà nước hữu quan cấp bộ quản lý chuyên ngành không coi hoặc đúng ra là chưa coi ụ nổi là “tàu biển”, thì ai có quyền xuyên chế hoặc giải thích khác đi cho dù với bất kỳ một mục đích nào trong một Nhà nước pháp quyền? Câu trả lời chắc chắn là không ai có cái quyền đó, kể cả Tòa án!
Nếu như vậy, cơ sở xác định hành vi phạm tội và xác định tội danh “cố ý làm trái” của một số cáo trong vụ án điểm này có nên được xem xét lại cho thấu lý, đạt tình hơn ở cấp phúc thẩm hay không? Nếu biện giải một cách khoa học thì bản chất pháp lý của hành vi “cố ý làm trái” với hành vi “thiếu tinh thần trách nhiệm” trên cơ sở chứng lý mới này có gì khác nhau không? Trong trường hợp, Ụ nổi 83M không phải là “tàu biển” thì trách nhiệm của Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm, Tổng cục Hải quan… sẽ được giới hạn đến đâu? Theo cá nhân tôi, câu trả lời là có thể có nhiều thay đổi và cần có thêm sự tham gia của các nhân chứng có đủ trình độ hiểu biết về luật pháp hàng hải nói riêng và hàng hải nói chung để đảm bảo xét xử “đúng người, đúng tội”!
Theo thiển nghĩ của tôi, việc Lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vận dụng Nghị định 49/2006/NĐ-CP để triển khai quy trình mua bán Ụ nổi 83M chẳng qua chỉ là sơ suất chuyên môn không đáng có kiểu “tự mua dây buộc mình” trong bối cảnh chúng ta tạm thời chưa có một quy trình chuẩn dành riêng cho việc mua sắm các trang thiết bị đặc chủng, không có giao dịch thường xuyên trên thị trường mà thôi. Chắc chắn họ sẽ không làm như vậy, nếu như hiểu rằng việc diễn giải và áp dụng sai văn bản pháp luật của chính họ sẽ là cơ sở để buộc tội nặng hơn sau này. Hay nói một cách khác, nếu kết luận họ cố tình làm trái thì phải nói rõ làm trái với những cái gì, như thế nào. Tôi đồng tình với một số ý kiến cho rằng họ không làm trái Nghị định 49/2006/NĐ-CP vì việc áp dụng văn bản đó là sai (Thanh tra Chính phủ cũng có quan điểm này), mà họ làm trái với quy trình mua bán - đấu thầu trang thiết bị quy định trong Luật Đấu thấu, Quy chế Đấu thàu hiện hành mà thôi. Khi đó, cũng nên xem xét thêm các tình tiết liên quan đến thị trường mua bán, đóng mới ụ nổi và khả năng tổ chức chào thầu, chỉ định thầu… trong thực tế đối với loại hàng hóa không thông dụng này.
Tôi rất thông cảm với bức xúc của Đại diện Viện Kiểm sát hà Nội khi đặt ra câu hỏi “Nếu Ụ nổi 83M không phải là tàu biển, thì chẳng lẽ nó là mớ rau à?”, tuy nhiên cũng xin thưa rằng đúng là nó không phải “mớ rau” mà đơn giản vẫn chỉ là “ụ nổi/floating dock” thôi. Còn để nói về sự giống nhau và khác nhau giữa ụ nổi và tàu biển, thì có thể so sánh nôm na như “con bò” với “con trâu”. Cả hai tuy đều là giống nhai lại thuộc bộ chân guốc và có thể cày ruộng, nhưng đến trẻ con hay các bà các chị khi ra chợ mua thịt cũng biết rõ chúng không thể là một. Vị Đại diện Viện Kiểm sát Hà Nội bức xúc là đúng vì lẽ ra các ụ nổi cũng phải được quản lý về hành chính, kỹ thuật tương tự (chứ không phải là y như vậy!)như tàu biển hay ô tô và một số trang thiết bị kỹ thuật khác, nhưng trên cơ sở một nguyên tắc tố tụng rất văn minh là “suy diễn có lợi cho bị cáo”, thì một khi chính quyền quên hay chưa kịp thiết lập được hệ thống quản lý hành chính hiệu quả đối với ụ nổi thì cũng không thể cứ nhất định cho rằng chúng là một, rồi từ đó tiến hành xét xử hay bình luận thiếu cơ sở khoa học, xa rời thực tiễn khách quan, không thấu tình đạt lý…Mặt khác, tôi cũng nhận thấy chính bản thân Cơ quan CSĐT và Viện Kiểm sát Hà Nội cũng còn có cách hiểu chưa thật đúng về việc Ụ nổi 83M có phải là “tàu biển” hay không, vì trong quá trình điều tra, lập cáo trạng và tranh luận trước Tòa có nhiều bằng chứng mà báo chí đăng tải cho thấy họ đều muốn các bị cáo thừa nhận Ụ nổi này là “tàu biển” (?). Tại sao lại phải cố chứng minh như vậy? Thiển nghĩ, cho dù Ụ nổi 83 có thể sẽ được chứng minh tại phiên phúc thẩm không phải là “tàu biển”, cũng không phải là “mớ rau” và đúng chỉ thuần túy là “ụ nổi” thôi, thì với các chứng lý đã được thu thập khác các bị cáo cũng vẫn sẽ có thể bị trừng phạt rất nặng với tội danh khác. Toi cho rằng, nếu Tòa Phúc thẩm làm rõ hơn được vấn đề vẫn còn gây nhiều tranh cãi này một cách khách quan và khoa học, thì các bị cáo và gia đình họ, cũng như dư luận chung sẽ “tâm phục, khẩu phục” hơn.
Trong phạm vi bài viết này, tôi không chủ trương đi sâu lạm bàn về chuyện các bị cáo có tham ô, tham nhũng, nhận hối lộ (đã hoàn thành hay chưa hoàn thành) hay không, động cơ phạm tội là gì hoặc bị tuyên phạt như vậy là nặng hay nhẹ do không có đủ thông tin. Do vậy, trong phạm vi bài viết này chỉ xin có vài lời phát biểu chuyên môn về khái niệm “tàu biển” như vậy với mong muốn cung cấp một số lập luận mới từ một góc nhìn khác để bạn đọc có thêm lựa chọn và tham gia tranh luận - góp ý, nếu thấy cần thiết.
Hà Nội - Tháng 12/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét