Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Bài báo của Hoàng Minh Tường về mảng Sầm Sơn


Bài này lên trang của Tạp chí Cộng Sản ngày 21/12/2004 và phía dưới có ghi là lấy từ Tạp chí Di sản !Kèm theo là ảnh chụp trang của bài báo này !!
Chiếc bè mảng của ngư dân Sầm Sơn
16:31 | 21/12/2004
Từ rừng tiến ra đồng bằng và tràn xuống biển là cả một hành trình cam go, đầy gian khó của cư dân Việt cổ xứ Thanh. Họ đã chuyển từ cuộc sống săn bắn, hái lượm tới trồng cấy, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp và tiếp đó là gắn với cuộc sống lênh đênh trên biển cả đầy sóng gió. 
Cũng như sản xuất nông nghiệp, con người và phần lớn mọi ứng xử của họ tuỳ thuộc vào hoàn cảnh tự nhiên, "Ơn trời mưa nắng phải thì", "Trông trời trông đất trông mây; trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm"... theo sự thay đổi khôn lường của khí hậu, thời tiết nhiệt đới gió mùa, nắng lắm mưa nhiều. Trước thiên nhiên hùng vĩ, con người cảm thấy mình thật vô cùng nhỏ bé, với bao bất trắc bất thần đổ xuống, khiến nhiều khi họ bất lực, phó mặc cho số phận đưa đẩy. Tồn tại trên mặt đất đã khó khăn, với nghề sông nuớc chài lưới trên biển cuộc sống của con người lại càng nhiều gian khổ: bão tố, sóng thần, thuỷ quái... luôn là mối nguy hiểm đối với tính mạng và cuộc sống của họ.
Bè mảng Sầm Sơn là một loại phương tiện đi biển độc đáo của ngư dân có từ xa xưa mà cho đến ngày nay vẫn còn được duy trì, sử dụng.
Theo những nhà nghiên cứu về thuyền bè truyền thống Việt Nam thì bè mảng ra đời rất sớm, cùng với thuyền độc mộc trên sông và thậm chí bè còn xuất hiện sớm hơn thuyền độc mộc.
Chiếc bè Sầm Sơn và sự độc đáo của nó trong việc đi biển khai thác hải sản từ lâu đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.
Cấu tạo của bè mảng Sầm Sơn rất đặc biệt. Một chiếc bè mảng thường được ghép lại từ 15 đến 18 cây luồng hoặc bương có kích thước khác nhau (tuỳ thuộc vào bè to hay nhỏ). Để làm một chiếc bè người ta phải cất công mua và chọn từ những cây luồng, cây bương còn tươi, đưa về, dùng dao sắc dọc hết cật xanh bên ngoài, đốt lửa nóng để nắn cho các ngọn của luồng bương cong đầu vào. Đường kính của mỗi thân cây khoảng 10cm, chiều dài từ 7 đến 8m. Lòng bè được ghép phẳng, hai bên mái hơi khum, đầu và lái uốn cong. Các cây luồng, bương liên kết lại với nhau thành một khối bởi 3-4 cái "ngàng" phân đều nằm ngang từ đầu đến cuối trên các cây luồng, sau đó dùng dây mây hoặc song kết buộc thật chặt.
Trên các đà ngang ở đầu và giữa bè người ra dựng các cột buồm. Mỗi bè thường có từ 1-3 lá buồm hình thang. Hai bên bè có néo chèo, phía sau có bánh lái. Điều đặc biệt là, để cho bè không bị lật và giữ được thăng bằng khi lướt trên sóng nước người ta còn chế tạo ra những chiếc xiến. Xiến được làm bằng những miếng gỗ có độ dày 2-3cm, bề rộng 30-40cm, chiều dài 80cm - 1m, được phân bổ đều trong một chiếc bè, mỗi bè thường có từ 1-3 chiếc xiến. Xiến được gắn từ thân bè và tiếp xúc trực tiếp với nước. Trên mỗi bè (trước đầu bè và mũi bè) có 2 cái đà cong hình sừng trâu, sau này để giản tiện, người ra thay bằng những cái nạnh. Những đà (hoặc nạnh) này có tác dụng gác buồm hoặc gác chèo, đồng thời cũng tạo dáng bề thế cho chiếc bè và đặc biệt là gắn với tín ngưỡng có từ rất lâu đời, đó là nơi để những thủ trâu, lễ vật cúng tế thần Độc Cước - mặt Trăng.
Mỗi bè khi ra khơi có từ 2-3 người chèo lái cùng với các ngư cụ lưới chài câu để khai thác và đánh bắt hải sản.
Những chiếc bè mảng của ngư dân sau mỗi chuyến từ biển trở về được kéo lên bờ để bảo quản và tránh sóng xô, nước cuốn.
Kiểu bè mảng Sầm Sơn này đến nay vẫn được người dân trong vùng sử dụng phổ biến như ở Hoằng Hoá, Quảng Xương, Tĩnh Gia (tỉnh Thanh Hoá), ngoài ra người Việt ở Vạn Vĩ (Đông Hưng, Trung Quốc) và Trà Cổ (Móng Cái, Quảng Ninh) cũng chế tạo để đi biển.
Bè mảng Sầm Sơn có lợi thế cho sản xuất lại chế tạo đơn giản, nguyên vật liệu sẵn có và rất dồi dào, luồng, bương và song mây ở các huyện Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hoá không khi nào cạn, giá thành lại rẻ và sử dụng tiện lợi. Những khi gặp sóng to gió lớn bè khó bị lật, nếu có lật thì ngư dân vẫn bám được bè và đưa nó vào bờ, chính vì vậy bè mảng có độ an toàn rất cao đối với người dân đi biển khi mà các phương tiện tàu thuyền khác không có được lợi thế này.
Chiếc bè mảng Sầm Sơn ngoài chức năng là phương tiện để đi biển và khai thác hải sản, bản thân nó còn chứa đựng những tín ngưỡng đơn sơ và thuần phác của những ngư dân miền biển - tín ngưỡng thờ mặt Trăng.
Nhìn tổng thể chiếc bè đầu lái cong, hai bên khum vào mang hình vầng Trăng khuyết, hai đà được phân bố trên thân bè - nơi để các chèo và buồm có hình sừng trâu vút lên, dấu ấn của nơi để lễ vật tế thần... hình dáng và chức năng ở mỗi bộ phận của chiếc bè cũng toát lên biểu tượng liên quan đến mặt Trăng. Theo triết lý phương đông bầu trời và con người là dương và mặt trăng - thuỷ triều - biển là âm. Âm dương tuy khác nhau nhưng hài hoà trong thái cực. Trong dương có âm và trong âm có dương thể hiện trời biển giao hoà. Chiếc bè mảng của ngư dân vùng biển đã thể hiện một nhận thức về vũ trụ của những người thời cổ truyền lại đến ngày nay, để thoáng như phản ánh về quan điểm sống “Hoà” giữa con người với thiên nhiên. Trước khi có thuyền bè và những công cụ chinh phục đại dương, để tồn tại, con người thời bấy giờ phải nghĩ ra cách đối phó tránh lại với loài thuỷ quái. Sử sách chép rằng: Dân nước Văn Lang xưa làm nghề chài lưới thường hay bị giống thuồng luồng làm hại, nên vua bắt dân lấy chàm vẽ mình, cho giống ấy tưởng là đồng loại mà không làm hại nữa.
Thuỷ triều với mặt Trăng là một cặp "Song sinh". Hòa trong "không gian" ấy con người như được tăng thêm sức mạnh và tự tin hơn mỗi khi quăng chài. Người miền biển luôn tin tưởng rằng, có thần mặt trăng phù trợ trong tinh thần “Hoà” cùng vũ trụ thì sẽ hạn chế được tác hại của bão tố, sóng thần. Biển rộng lớn không thể chôn vùi họ và thần mặt trăng sẽ dẫn lối đưa họ trở về đất liền một cách an toàn.
Suy cho cùng, con người và biển cả là một, “Hoà” với thiên nhiên, thiên nhiên sẽ đem lại nguồn lợi vô tận và cuộc sống ấm no. Ấy chính là tín ngưỡng và quan niệm sống "khôn ngoan, sáng suốt" của ngư dân miền biển tích luỹ được từ ngàn đời nay. Vì vậy, ngư dân Sầm Sơn biết ơn thiên nhiên, biết ơn Thần Độc Cước - Mặt Trăng vị thần bảo mệnh mang một quyền năng vô bờ bến, đem lại mọi nguồn hạnh phúc cho họ. Xưa nay mỗi độ xuân về, trong những ngày tế lễ, mỗi bận ra khơi người dân biển lại thành tâm lên đền dẫng lễ cầu thần Độc Cước giúp cho họ vượt qua sóng to, gió lớn, bảo vệ họ an toàn tính mạng và đánh bắt được nhiều cá tôm.
Chiếc bè mảng Sầm Sơn trong năm 1992 lại lập nên một kỷ lục mới. Phương tiện đi biển đơn sơ này đã được ngư dân xóm Núi Phương Trung Sơn - Văn Đình Lợi và một số những người nghiên cứu về phương tiện thuyền bè đã làm một chuyến viễn dương xuất phát từ bãi biển Sầm Sơn mặc dù gặp sóng to, gió lớn, bão tố và phải kết lại bè với hai tạ dây đem đi dự phòng, sau 6 tháng họ đã vượt biển an toàn và cập bến tại một thành phố nước Mỹ. Chuyên gia của chuyến đi "lịch sử" ấy không ai khác là ngư dân vùng biển Sầm Sơn chèo lái chiếc bè nhỏ bé thô sơ ấy.
Ngày nay, mặc dù với phương tiện là tầu thuyền cỡ lớn được trang bị hiện đại trong những chuyến ra khơi, nhưng đối với chiếc bè mảng đơn sơ rất đỗi quen thuộc và gắn bó thân thiết vẫn được người dân Sầm Sơn và ngư dân vùng biển Thanh Hoá sử dụng. Chiếc bè mảng đã chở theo nó một lòng tin dân gian muôn thuở của người Việt nói chung, dân miệt biển nói riêng, đó là một tư tưởng "hoà" mang tính mênh mông tràn vũ trụ - con người và thiên nhiên đồng nhất thể, tất cả để tồn tại để phát triển. Chiếc mảng Sầm Sơn đã một thời dài đưa người dân nơi đây vượt qua những bến bờ trắc trở về miền hạnh phúc.


Hoàng Minh Tường

Ghi chú :Khi gọi điện thoại được biết có hai ông Hoàng Minh Tường tại Thanh Hóa .Một ông là nhà văn ,một công tác trong Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét