Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

Hải chiến Hoàng Sa trong tầm mắt những người tham chiến !

                                                                           






                                                                                    
Báo Xa lộ Pháp luật đăng loạt bài “Ngược dòng thời gian”, “Hải chiến Hoàng Sa” trong ký ức cựu binh quân đội Sài Gòn có khá nhiều thông tin tuy nhiên còn thiếu chính xác. Cùng Tổng biên tập và tác giả Anh Thư qua Xa lộ Pháp luật tôi đã xem trọn vẹn 11 bài viết liên tục của tác giả. Xin cảm ơn Tổng biên tập và tác giả chính thức đưa ra trước công luận những diễn biến liên quan đến trận Hải chiến tại Hoàng Sa ngày 19/1/1974 cùng những nhận định khách quan của mình. Nhờ đó tôi được biết thêm những chi tiết mà mình chưa được biết, đồng thời tôi cũng xin góp ý với tác giả về bài hồi ký của Hạm Trưởng HQ 16 Lê Văn Thự còn nhiều điều chưa đúng sự thật. Tôi đã xem đi xem lại bài hồi ký của Hạm Trưởng Thự không bỏ sót một câu nào. Nếu như người chưa từng tham dự trận Hải chiến Hoàng Sa  thì  có thể cảm nhận ông viết có vẻ thật nhưng không thể thuyết phục được những người trực tiếp tham gia.
Tôi Lữ Công Bảy, Thượng sĩ Giám lộ (Giám sát lộ trình hàng hải) trên Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ 4, một trong 4 chiến hạm đã tham gia trong trận hải chiến với Hải quân Trung Quốc tại Hoàng Sa ngày 19 tháng 1 năm 1974 là phụ tá Trưởng Khối Hành quân (Hải quân Đại úy Nguyễn Văn Diên - Trưởng Khối) kiêm phụ tá Trưởng ngành Hàng hải (Giám lộ) do Hải quân Trung úy Phạm Ngọc Roa - Trưởng Ngành. Anh em chúng tôi cùng có các ý kiến thống nhất về trận hải chiến này.
Ngành giám lộ là xác định vị trí tàu, chuyển và nhận những tín hiệu bằng đèn (quang hiệu) hay cờ (kỳ hiệu) và đồng thời ghi nhật ký tác chiến, nhật ký hàng hải. Trong nhiệm sở hải hành cũng như trong nhiệm sở tác chiến lúc nào tôi cũng phải có mặt trên Đài Chỉ Huy. Tham dự trận Hải chiến Hoàng Sa tôi đã làm trọn vẹn nhiệm vụ được giao phó. Nhân đây tôi cũng xin nói sơ qua về hệ thống liên lạc trên Đài Chỉ Huy của Khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ 4.
Hệ thống liên lạc gồm 5 hệ thống:
1.      Máy KW2A chính đặt tại phòng truyền tin CIC ( phòng Chiến báo). Loa trên đài chỉ huy có thể liên lạc rất xa cả nửa vòng trái đất nhưng  ít khi sử dụng vì điều chỉnh rất phức tạp.
2.      Máy KW58 (còn gọi là ông già 58) cũng đặt tại phòng truyền tin CIC. Loa trên Đài Chỉ Huy từ vùng biển Hoàng Sa thường xuyên liên lạc về Đà Nẵng báo cáo tình hình cho Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại (Chỉ huy trưởng Vùng 1 Duyên Hải) nhưng từ thời điểm khoảng 9h sáng 19/1 hệ thống này bị xâm nhập phá rối, toàn nghe thấy tiếng Hoa, muốn liên lạc về Đà Nẵng phải chuyển về Trung Tâm Hành quân lưu động biển ở Sài Gòn rồi từ Sài Gòn mới chuyển ra Đà Nẵng và ngược lại.
3.      Máy URC 46 là hệ thống liên lạc giai tần đơn, hiện đại ,công suất mạnh nhưng  chỉ liên lạc trong vòng bán kính 80 - 90km khi điều kiện thời tiết tốt. Hệ thống này gắn trên Trần Đài Chỉ Huy, gần ghế của Hạm Trưởng.
4.      Máy PRC 25 gọn, nhẹ, cơ động được trang bị cho toàn cơ hữu trung úy Dũng chỉ huy đổ bộ lên giữ đảo Money Island ( Cam Tuyền) vào chiều 18/1 .
Ngoài ra trên phòng lái (phía sau Đài Chỉ Huy) có một máy PRC 25 do HQ Đại úy Tâm (Trung đội trưởng Biệt Hải) sử dụng liên lạc với  nhóm biệt hải đổ bộ lên đảo Quang Hòa (Duncan Island) sáng ngày 19/1.
Trước lúc nổ súng  (ngày 19-01-1974)  chúng tôi đã nhận hầu hết các tín hiệu từ tàu 274 của địch. Đến khi nhận văn bản cực kỳ khiêu khích của địch qua câu “ Chúng ta hãy làm những gì mà người quân nhân chúng ta phải làm” .Văn bản được chuyển bằng tiếng Anh qua quang hiệu (đèn). Anh em chúng tôi nhận xong và  trình lên Hạm Trưởng Vũ Hữu San. Ông vì quá bận lo vận chuyển tàu để đối phó với hai tàu 271 và 274 của Trung Quốc nên ông đưa qua cho Trung úy Mai Công Minh (Sĩ quan Trưởng ngành Hải pháo và Vỏ Tàu). Biết  Anh văn nhuần nhuyễn, Trung úy Minh dịch ngay và  báo cáo cho Hạm trưởng. Hạm Trưởng San tức giận lệnh cho chúng tôi không được nhận tín hiệu từ tàu địch, đồng thời thời ông dứ nắm đấm về phía tàu Trung Quốc rồi quát lớn “Đồ bố láo”. Từ đó chúng tôi không có việc gì để làm. Đến 10h10 Hạm Trưởng San lệnh nhận tín hiệu cờ từ Soái hạm HQ 5 theo kỳ hiệu của Nato (Khối minh ước Bắc Đại Tây Dương) để giữ bí mật vì khi ấy hệ thống âm thoại đường dài (KW58) bị Trung Quốc phá rối. Hệ thống âm thoại đường dài chỉ thực sự bị phá rối vào khoảng 9h sáng ngày 19/1 chứ không phải như ông Hạm Trưởng Thự nói từ chiều 18/1. Nếu từ chiều 18/1 hệ thống bị xâm nhập thì sẽ được điều chỉnh thay đổi tần số khác ngay (bằng mật mã vô tuyến) nhưng giờ đó trận đánh sắp xảy ra nên không thể kịp thay đổi tần số khác. Hơn nữa hệ thống liên lạc tầm ngắn URC 46, PRC 25 vẫn còn liên lạc thông suốt chưa bị xâm nhập phá rối. Việc liên lạc giữa Soái hạm HQ5 và HQ16, HQ4 , HQ10, lực lượng Hải Kích, lực lượng Biệt Hải vẫn bình thường .
Suốt thời gian trước và sau hải chiến máy PRC25 này hoạt động rất hiệu quả. Lệnh từ Hạm Trưởng San rút Trung đội Biệt Hải về tàu là qua hệ thống nầy. Lệnh khi đó vì thấy tình hình quá bất lợi do quân Trung Quốc đã đổ bộ đầy lên đảo .
Lệnh thực hiện vận chuyển chiến thuật bằng tín hiệu cờ của khối  Nato, các cuộc trao đổi giữa Hạm Trưởng San với Đại tá Ngạc và lệnh khai hỏa cũng qua hệ thống này. Tôi là người đứng kế bên máy PRC25 nên tôi gần như được nghe và nhớ hết những gì Đại tá Ngạc trao đổi với Hạm Trưởng San. Máy PRC25 được đặt trên một cái ghế gỗ 4 chân. Vào  khoảng 10h08’ Đại tá Ngạc chỉ thị “Cho các tàu lập đội hình chiến thuật theo lệnh từ soái hạm HQ5. Đến khi thực hiện đội hình hàng ngang, tất cả các chiến hạm hướng về đảo Quang Hòa tác xạ lên đảo dọn bãi, lập đầu cầu để biệt hải và người nhái đổ bộ lên chiếm đảo”. Hạm trưởng San tức tối liệng tổ hợp xuống sàn tàu, ông nhìn 2 tàu địch và ông thốt câu “Những thằng kia nó để cho mình yên à”. Tôi vội lấy máy và tổ hợp đặt lại vị trí cũ. Trước khi nổ súng Đại tá Ngạc hỏi ý kiến từng Hạm trưởng. Đến khi hỏi ý kiến Hạm trưởng San thì Hạm trưởng San gằn từng tiếng trong máy bộ đàm: “Hiện nay nước cờ đã bị lộ, từ sáng đến giờ địch đổ bộ đầy lên đảo, ta có 2 trung đội thì làm sao thành công được”, rồi ông tiếp: “Tôi là quân nhân, tôi chấp nhận hy sinh vì Tổ quốc nhưng việc này vô lý quá”. Chính hệ thống này tôi nghe được Trung sĩ nhất Giám lộ Vương Thương (bạn thân của tôi) bên HQ10 báo cáo về Soái Hạm HQ5 là đài chỉ huy HQ10 bị trúng đạn đại bác, Hạm trưởng Thà tử trận, Hạm phó Trí bị thương nặng, toàn bộ thủy thủ đoàn trên đài chỉ huy đều bị tử thương và bị thương. Riêng bạn tôi (Trung Sĩ Nhất Giám lộ Vương Thương) bị mảnh đạn cắt ngang thắt lưng, máu ra rất nhiều và từ thời khắc bi thảm đó mất hẳn liên lạc luôn với HQ10 . Từ phòng chiến báo Trung tâm hành quân HQ4 cố gắng liên lạc với HQ10 nhưng vẫn không được.
5.      Hệ thống liên lạc nội bộ từ Đài Chỉ Huy đến các phòng ban, hầm máy, trung tâm chiến … nhưng chỉ liên lạc được nội bộ mà thôi.
Phần tôi luôn trực tiếp có mặt trên Đài Chỉ Huy HQ4 suốt thời gian từ trước ngày 17/1 đến hơn 14 giờ ngày 19/1 vì nhiệm sở tác chiến liên tục, hết nhiệm sở tác chiến lại phải trực phiên hải hành và khi đói quá phải chui vào phòng Hải Đồ phía sau  nấu mì gói ăn cầm hơi. Qua bài hồi ký tôi chỉ thấy ông Hạm Trưởng Thự nói đúng một câu đối với bài viết của Hải Quân Trung úy Đào Dân (Sĩ quan trưởng Ngành Hàng Hải) trên HQ16. Ông viết “Vì ông Dân chỉ ở vị trí nào đó trên chiến hạm, chứ không có thể có mặt khắp mọi nơi, ngoài ra ông Dân còn làm phận sự chứ ông không thể ngồi không mà quan sát trận chiến”. Đúng là tùy nhiệm sở, tùy trường hợp cụ thể mà có người biết người không. Cho dù anh có tham gia nhưng nhiệm sở tác chiến anh ở Hầm máy, Trung tâm chiến báo CIC - Trung tâm truyền tin thì anh chỉ nghe không bao giờ thấy. Thậm chí các khẩu đội pháo anh chỉ thấy trước mắt, không thể nghe hết và biết hết. Chỉ duy nhất trên Đài Chỉ Huy thì anh thấy và nghe được xung quanh nhưng cũng tùy nhiệm sở của anh.
Tôi xin nêu cụ thể trên Đài Chỉ Huy HQ4 ngoài Hạm trưởng Vũ Hữu San chỉ huy toàn bộ, ông thoắt ẩn thoắt hiện, có khi bên trái Đài chỉ huy, có khi bên phải…Trung úy Phạm Ngọc Roa - Trưởng Ngành hàng hải luôn phải căng mắt vào màn hình Radar để quan sát  khoảng cách và theo dõi mọi diễn biến của tàu địch (chỉ có Radar mới có khoảng cách chính xác, mắt thường không thể đoán được). Trung úy Mai Công Minh, Trưởng khối Vũ khí -Vỏ tàu lúc đó đang theo dõi báo cáo từ các khẩu đội pháo qua trung úy Nguyễn Đình Long (Sĩ quan phụ tá trưởng khối Vũ khí-Võ tàu). Do đang đeo điện thoại liên lạc với các khẩu đội pháo nên Trung úy Long không thể nghe được hệ thống  liên lạc vô tuyến. Vào thời khắc sinh tử ,Thượng sĩ nhất Giám Lộ Võ Gia Ry cầm bảng nhật ký tác chiến di chuyển theo Hạm Trưởng San. Tôi và Trung sĩ nhất Giám lộ Trần Văn Khiết không làm gì hết (không xác định vị trí , không nhận tín hiệu đèn cờ) nên tôi có  nhiều thời gian quan sát  và nghe thấy các diễn biến. Tôi xin làm nhân chứng cho trận Hải chiến tại Hoàng Sa ngày 19/1/1974 .
Mở đầu bài viết ông Thự nói “Từ ngày trận chiến xảy ra đến nay tôi vẫn giữ im lặng, không viết ra những điều mắt thấy tai nghe những gì xảy ra trong trận chiến vì nghĩ rằng trận chiến Hoàng Sa là một thất bại vì không giữ được Hoàng Sa so với những chiến tích lẫy lừng của tiền nhân trong lịch sử .Vì vậy tôi thấy hổ thẹn khi viết ra …”. Tôi không hiểu một cấp chỉ huy, từng là Hạm Trưởng Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ16, chứng kiến toàn bộ từ đầu đến cuối từ trên Đài chỉ huy, nhận lệnh từ HQ5 phía sau là HQ10, trước mắt ông là HQ4 và HQ5 rành rành trên biển chỉ cách vài hải lý chứ đâu phải núp sau đảo mà ông nói không thấy, không biết hoạt động của 2 chiếc HQ4 và HQ5. Ông Thự nói sự thật là HQ4 và HQ5 chỉ ở vòng ngoài chứ không tham chiến trong lòng chảo Hoàng Sa . Ông còn nói HQ4 và HQ5 không có trầy một miếng sơn, một vết đạn nào cả . Ô hay! Nếu ông nói như vậy thì rõ ràng trí nhớ ông có quá nhiều vấn đề không bình thường nếu không dám nói nặng lời là “...”. Thật  khôi hài và không thể hiểu chứ hàng chục vết đạn đại bác 100 ly, hàng trăm vết đạn 37 ly và hàng ngàn vết đạn thượng liên mà HQ4, HQ5 lãnh đủ thì ở đâu mà ra và mấy chục quân nhân bị chết và bị thương không lẽ họ tự tử  !!!. Tôi thương và thông cảm cho Hải Quân Trung úy Đào Dân (Trưởng ngành Hàng hải trên HQ16) vì bị ông Hạm trưởng Thự sỉ vả qua câu “Ông Dân nói việc các chiến hạm hải hành tập đội (vận chuyển chiến thuật) để phô trương lực lượng là hoàn toàn không có. Đã đi đánh trận mà còn phô trương lực lượng thì không còn gì ngớ ngẩn hơn”. Việc hải hành tập đội để phô trương lực lượng là ý đồ của cấp chỉ huy tôi không có ý kiến nhưng là thuộc cấp tôi phải chấp hành lệnh trên. Tôi xin xác nhận và chịu trách nhiệm trước lịch sử ,trước anh em cùng tham gia trận chiến Hoàng Sa là có hải hành tập đội (vận chuyển chiến thuật) tổng cộng hai lần. Lần đầu vào lúc 15h10 ngày 18/1/1974 khi HQ 5 nhập vùng , Đại tá Ngạc lệnh cả 3 chiến hạm HQ4, HQ5 , HQ16 theo đội hình hàng dọc (Formation One) .Cờ Formation One được kéo lên cột cờ HQ5 (Soái Hạm). HQ4 và HQ16 đều kéo cờ Formation One lên cột cờ để xác nhận và thi hành ( tôi là người phải thực hiện lệnh trên). Khi trực chỉ đến cụm đảo Duy Mộng (Draymont) ,Quang Hòa (Duncan) nhưng bị hai chiến hạm 271 và 274 cố tình đâm ngang, đan chéo trước mũi tàu. Thấy tình hình quá căng thẳng nên Đại tá Ngạc lệnh quay về đảo Hoàng Sa và thả trôi ở đó. Lần thứ hai khi Đại tá Ngạc lệnh trên máy PRC 25 tất cả nhận lệnh từ hiệu kỳ sẽ phát ra từ Soái Hạm HQ5, lúc ấy vào khoảng trước 10h10 phút 19/1/1974. Sử dụng hiệu kỳ của Khối minh ước Bắc Đại Tây Dương - Nato để giữ bí mật vì hệ thống âm thoại bị phá rối và có thể bị nghe lén. Đúng 10h10 từ Soái Hạm HQ5 kéo 2 lá cờ Formation One lên đỉnh dây cờ , rồi cả 3 chiếc HQ4 , HQ16 , HQ10 đều kéo lên đỉnh dây cờ lá cờ Formation One để xác minh đã nhận lệnh và đang thi hành đội hình hàng dọc. Phía Tây Bắc đảo Quang Hòa là HQ10 rồi đến HQ16 , HQ5 và cuối cùng là HQ4 (xem phóng đồ 1 lúc 10h10). Đến 10h19 phút  thì trên HQ5 hai lá cờ Formation One được kéo xuống liền đó kỳ hiệu Formation Two được kéo lên. Tức khắc từ HQ4, HQ16, HQ10 kỳ hiệu Formation Two được đồng loạt kéo lên để xác nhận đã nhận tín hiệu, đồng thời cả 4 tàu điều chuyển sang đội hình hàng ngang , tất cả mũi tàu đều hướng vào đảo Quang Hòa. Và ngay lập tức từ PRC25 lệnh bắn được phát ra ,các chiến hạm đồng loạt khai hỏa (xem phóng đồ 2 lúc 10h20’).
Sau đây tôi xin phép được đưa ra những cái sai trong bài hồi ký của Hạm trưởng Lê Văn Thự.
Đêm 18 rạng 19/1 không có chuyện ông Thự cho đổ bộ toán người nhái lên đảo Quang Hòa, không có chuyện một Thiếu úy người nhái bị bắn chết khi đổ bộ lên đảo. Đêm ấy cả 3 chiến hạm HQ16, HQ5 và HQ4 đều thả trôi ở đảo Hoàng Sa, đêm đó toán người nhái ở trên HQ5. Đến sáng hôm sau 6h30 toàn bộ người nhái đổ bộ lên đảo Quang Hòa từ HQ5.
Lệnh làm tối chiến hạm được ban ra từ HQ5 (chế độ ZEBRA) sau đó bị 2 tàu địch 271 và 274 phá rối liên tục, cố tình tiếp cận đội hình tàu ta. HQ4 đang trong nhiệm sở tác chiến, tôi và Trung sĩ nhất Giám lộ Khiết phải liên tục nhận những tín hiệu bằng đèn từ tàu địch. Khi hai tàu địch đến quá gần HQ4, Hạm trưởng San ra lệnh kéo còi hơi và sử dụng đèn hồ quang trên nóc Đài chỉ huy rọi thẳng vào đội hình tàu địch. Ánh sáng đèn hồ quang sáng lóe rọi vào tàu địch. Chúng tôi thấy rõ từng người ,tay che mặt di chuyển trên mặt boong tàu địch. Khi đó tàu địch mới chịu di chuyển về hướng Đông Bắc, tình hình tạm thời yên tĩnh. Đến hơn 22 giờ đêm HQ10 mới nhập vùng. Một mình  HQ16 không thể tách khỏi đội hình nếu không có lệnh của Đại tá Ngạc .Vào thời điểm đó tôi vừa trực phiên hải hành vừa trực nhiệm sở tác chiến nên có mặt trực tiếp trên Đài Chỉ Huy, mọi động tĩnh của HQ16 đều thể hiện trên màn hình Radar HQ4 , HQ5 và tàu địch cũng có Radar để theo dõi tàu ta. Hạm trưởng Thự nên nhớ buổi chiều là ba tàu còn bị tàu địch chặn đầu không tiến lên được thì huống hồ chỉ có HQ 16 ông không thể tự ý nếu không có lệnh của Đại tá Ngạc và không có lệnh nào của Đại tá Ngạc chỉ thị cho ông đến đảo Quang Hòa trong đêm đó. Và đêm đó hệ thống liên lạc âm thoại trên Đài Chỉ Huy HQ4 đều biết hết, không thể sai được. Lệnh hành quân ngày hôm sau chỉ nhận vào nửa đêm 18 rạng sáng ngày 19 tháng 1.
Trong ngày hành quân 19/1 HQ 16, HQ 10 do Hạm Trưởng (HT) Thự chỉ huy di chuyển một hướng từ Hoàng Sa đến Quang Hòa, chứ không phải như ông Thự vẽ HQ 10 tiến theo hướng của HQ4 và HQ5 (ông Thự nên nhớ HQ10 chỉ còn một giò, mà một giò còn lại rất yếu ớt không thể đi dài và nhanh như ông Thự sáng tác!!!).
Ngày xảy ra trận đánh HT Thự viết sự việc xảy ra ở đâu chứ không phải trận Hoàng Sa. Có lẽ HT Thự viết ra trong trí tưởng tượng. Mọi hoạt động của HQ16 mà HT Thự viết tôi không có ý kiến vì tôi không có ở trên đó để biết, để nghe, để thấy nên cố dựa cột mà nghe nhưng tôi thấy HT Thự  quá phóng đại. Khi lệnh bắn được ban ra gần như các chiến hạm đều di chuyển với tốc độ tối đa mà mình có để tránh tầm tác xạ của pháo tàu địch (xin xem phỏng đồ 3). Phải di chuyển thật khôn ngoan, hải chiến chứ không phải dạo chơi ngắm cảnh xem hoa. Phân đội I gồm HQ4 và HQ5 đối  đầu khốc liệt  với hai tàu 271 và 274 (lúc bây giờ địch đoán HQ4 là Soái Hạm nên HQ4 được chăm sóc rất kỹ). Khi lệnh bắn được HT San ban ra tất cả các khẩu súng đều được nhắm thẳng vào tàu địch và khai hỏa. 10 phút đầu tiên trong trận hải chiến này HQ4 phải chịu đựng hỏa lực tấn công ác liệt của hai tàu địch, trong lúc đó HQ 5 quay ngược về bên trái nên không chịu ảnh hưởng nhiều của pháo tàu địch. Hai tàu 271 và 274 khi nằm bên phải khi nằm bên trái HQ4. HQ4 và hai tàu địch đan xen lẫn nhau nên HQ4 phải tả xung hữu đột, khôn khéo mới tránh được hàng loạt đạn của tàu địch.  Địch cố bám theo HQ4 để tiêu diệt nhưng bị HQ 5 chặn đầu  nã cho những đòn chí tử, rồi HQ4 quay lại cùng HQ5 đối đầu trực diện với địch. Ngay khi ấy một chiếc tàu địch bị trúng đạn nổ kinh hoàng và bốc cháy, thủy thủ phải nhảy ùm xuống biển (Hạ sĩ Giám lộ Phấn đứng trên sân cờ tận mắt chứng kiến - Hiện nay anh đang sinh sống tại Thủ Thừa-Long An), chiếc còn lại lãnh hàng loạt đạn phải cắm mũi lủi vào bờ đảo Quang Hòa.
Gần đây trên diễn đàn nơi hải ngoại có những thông tin tranh luận về viên đạn ác nghiệt 127 ly từ HQ5 bắn ra nằm trong hầm máy HQ16. Phần đông những người suy đoán là những người không trực tiếp tham gia Hạm Trưởng HQ5 Phạm Trọng Quỳnh giữ thái độ im lặng không tranh cãi, còn những chiến sĩ trực tiếp bắn ra viên đạn ác nghiệt ấy đã hy sinh trong trận chiến khi chặn đầu 2 tàu địch để giải tỏa áp lực cho HQ4. Tôi người lính trực tiếp trên Đài Chỉ Huy HQ 4 nhưng lúc bấy giờ nhiệm vụ xác định tàu hay nhận tín hiệu từ tàu địch không còn. Khi nghe nhân viên quan sát trên nóc đài chỉ huy báo cáo  có 2 tàu địch đang bám theo ta (HQ 4) gây sự hiếu kỳ của tôi, tôi bước vội ra hành lang bên trái Đài Chỉ Huy nhìn ra phía sau tôi thấy 2 tàu địch song song đuổi bám theo HQ4. Khẩu đại bác 76 ly 2 phía sau do Hạm phó (Thiếu tá Nguyễn Thành Sắc chỉ huy) và hai khẩu pháo 20 ly nơi sân giữa sau đài chỉ huy tác xạ ác liệt vào tàu địch. Khẩu đại bác 76.2 phía trước không còn mục tiêu nên im lặng.  Bỗng từ bên phải  HQ4, HQ5 cắt lái HQ4 đâm thẳng vào 2 tàu địch. Khối cầu lửa từ họng đại bác 127ly trước mũi cùng 2 đại bác 40 ly bên phải và trái nhả đạn vào tàu địch .Tôi tận mắt chứng kiến thấy pháo bắn dữ dội. Những viên đạn đen thui bay tới tấp vào hướng tàu địch, phía xa tàu HQ16 , HQ10 đang quần thảo với tàu địch. Giữa những âm thanh hỗn độn, khói thuốc súng phà vào mặt mũi , tôi quay vào Đài Chỉ Huy để nghe máy bộ đàm nội bộ, những báo cáo thương vong liên tục dội lên đài chỉ huy. Rồi tôi lại nghe báo cáo từ nóc Đài Chỉ Huy  tàu địch trúng đạn, nổ và bốc cháy. Vì hiếu kỳ tôi lại vọt ra hành lang trái nhìn phía sau nhưng không thấy gì hết quay vào Đài Chỉ Huy hỏi đâu đâu? Trung sĩ nhất Vận chuyển Ngọc đang lái tàu ngước mắt lên hướng 10h nói “Đó đó”, quay về hướng 10h thì tận mắt chứng kiến chiếc bên trái bốc lửa cháy dữ dội và chiếc bên phải trúng đạn phải quay mũi sang trái chạy vào đảo Quang Hòa. Đó là những gì tôi tận mắt chứng kiến Hạ sĩ Giám lộ Phấn đứng lên sân cờ còn khẳng định thấy thủy thủ trên tàu bốc cháy nhảy xuống biển. Điều đó chứng tỏ HQ4 và HQ5 đối đầu trực tiếp với tàu địch chứ như không phải lời ong tiếng ve nói HQ4 và HQ5 ngay từ đầu đã rời vị trí chiến đấu và còn nói HQ4 báo cáo đại bác 76ly2 trước mũi trở ngại tác xa và xin rút lui ??? . Mới vừa qua tôi đã trực tiếp nói chuyện với Thượng sĩ Trọng pháo Thành – Xạ thủ khẩu độ 76 ly2 trước mũi (đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh). Anh nói làm gì có trở ngại tác xạ, chỉ có phần điện (goi là điện pháo) bị trở ngại xoay  trở chậm hơn bình thường ,còn khi không thấy mục tiên tàu địch trong tầm tác xạ của mình thì điên sao mà bắn cho tốn đạn. Chính ở vị trí đối đầu đó khẩu đại bác 127 ly trước mũi HQ5 trúng đạn đại bác địch, tất cả đều hy sinh anh dũng và cũng chính trong khoảnh khắc đó một viên đạn 127 ly vô tình vượt qua tàu địch đi hết tầm đạn chui vào hầm máy HQ16 và nằm đó cho đến khi trận chiến kết thúc. Tôi là người chứng kiến nên tôi phải kể ra sự thật những gì mắt thấy tai nghe để giải tỏa nỗi niềm u uất của thủy thủ đoàn HQ5 mà trên đó có Tư lệnh Đại tá Hà Văn Ngạc và Hạm trưởng Phạm Trọng Quỳnh, Hạm phó Nguyễn Tường.  
Trận hải chiến đã xảy ra chỉ còn hơn tháng nữa là tròn 41 năm. Bao năm trải qua nhưng trong ký ức của tôi vẫn luôn hiển hiện. Vừa qua, bằng tất cả nghị lực của bản thân, một sức khỏe còm cõi của ông già sắp tròn 70 tuổi, với sự tài trợ của nhịp cầu Hoàng Sa – Trường Sa tôi cố gắng đi thăm một số anh em trên Khu trục hạm Trần Khánh Dư còn sinh sống rải rác trên mảnh đất thân yêu hình chữ S. Có người ở Tp.Hồ Chí Minh, ở Thủ Thừa (Long An), ở Liên Hương (Bình Thuận), Cam Ranh, rồi Lâm Đồng và ở tận Phong Điền, Huế xa xôi. Tôi đến thăm gia đình cố trung úy Đinh Ngọc Doanh (hy sinh ở đảo Gạc Ma - Trường Sa, ngày 14/3/1988) hiện đang sinh sống tại Cam Ranh. Một số đã ly hương nơi đất khách quê người, một số đã hóa ra người thiên cổ, số còn lại đã yếu đuối và nhiều bệnh tật nhưng nhắc đến trận Hải chiến Hoàng Sa thì dường như mọi ánh mắt đều sáng lên và ký ức lại cuồn cuộn hiện về. Tuy nhiên tùy vị trí và nhiệm vụ được phân công trên tàu phần đông anh em còn sống không nhớ nhiều nhưng rất hãnh diện vì đã tham gia bảo vệ Tổ quốc Việt Nam của mình. Riêng tôi những hình ảnh, âm thanh của trận hải chiến đã qua luôn hiện ra trước mắt tôi như những thước phim quay chậm không bao giờ phai mờ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét