Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

Mô hình nào cho một Bảo Tàng Hàng Hải Việt Nam ?


Bài đăng trên Tuổi Trẻ cuối tuần 18/01/2015 và bản thảo ban đầu 
MÔ HÌNH NÀO CHO MỘT BẢO TÀNG HÀNG HẢI VIỆT NAM ?
Thật vô cùng thiếu sót ,là một quốc gia biển mà cho tới nay chúng ta chưa có một bảo tàng hàng hải đúng nghĩa…Ý kiến này đã được nhiều nhà nghiên cứu nêu ra như tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn từ Đà Nẵng hay các nhà dân tộc học như Đặng Nghiêm Vạn,Ngô Đức Thịnh,Nguyễn Duy Thiệu …từ Hà Nội.Không chỉ có giới nghiên cứu trong nước,nhiều các nhà dân tộc học nước ngoài đã nêu ra vấn đề này,trong đó đáng chú y nhất là hai người Mỹ “mê thuyền Việt” –như chữ của báo Tuổi Trẻ đã viết về những người bạn này trên số báo 1/10/2005 .Trong một bức thư gần đây,Ken Preston viết  :” Tôi nghĩ đã tới lúc phải có một Bảo tàng Hàng hải Quốc gia của Việt Nam,có thể giống như Bảo tàng Mystic tại Mỹ nhưng toàn bộ chỉ nói về lịch sử hàng hải Việt Nam .Tôi hình dung ra trên mặt nước sẽ trưng bày sống động các thuyền buồm và thuyền chèo đủ mọi cỡ loại ,có một xưởng đóng thuyền theo kiểu truyền thống đang hoạt động …Tất cả để cho người Việt Nam có thể tự hào về nó và những người ngoại quốc có thể học tập từ đó “
1/Mô hình nào cho một bảo tàng hàng hải ?
Mặc dù chưa có một bảo tàng hàng hải hoàn chỉnh nhưng rải rác trên khắp đất nước ta có những bảo tàng với “yếu tố hàng hải” như Bảo tàng Hải quân Hải Phòng,Bảo tàng Sinh vật biển của Viện Hải dương học Nha Trang,bảo tàng của các lãnh tụ có cuộc đời hoạt động gắn với  tàu thuyền như Bảo tàng Hồ Chí Minh,Tôn Đức Thắng ,kho đồ cổ từ các cuộc khai quật dưới nước của Bảo tàng Lịch sử,bảo tàng Cù Lao Chàm,bảo tàng Quang Trung huyện Tây Sơn Bình Định,bảo tàng trận Rạch Gầm-Xoài Mút Mỹ Tho,bảo tàng tư nhân tại Phú Quốc,nhà trưng bày tại Hội An…Trên thế giới,theo thống kê hiện nay có khoảng vài nghìn bảo tàng hàng hải và người ta vẫn tiếp tục xây mới các bảo tàng chuyên đề này.Ví như Trung Quốc ,ngoài bảo tàng thuyền nổi tiếng tại Tuyền Châu,một hệ thống các bảo tàng chuyên đề về Trịnh Hòa, bảo tàng hải quân Thanh Đảo,bảo tàng trên hai mẫu hạm to lớn mua lại của Nga tại Thiên Tân và Thâm Quyến ,người ta vừa hoàn chỉnh Bảo tàng Hàng hải Quốc gia khổng lồ tại Thượng Hải ,trong khi Thiên Tân lại đang có dự án bảo tàng hàng hải lớn hơn nhằm cổ vũ “tinh thần biển” cho một nước Trung Hoa đang bành trướng trên đại dương !Về mặt tổ chức,các bảo tàng hết sức đa dạng .Có thể đó là nơi lưu trữ bản gốc của các di vật hàng hải ,các bản vẽ,hải đồ,các chi tiết của con tàu ,những cuốn sách cổ …như bảo tàng Greenwich Luân Đôn dẫn đầu với trên 2 triệu hiện vật.Có bảo tàng lấy trung tâm  là một hay nhiều con tàu cổ đi kèm theo nơi lưu trữ các di vật hàng hải.Nhưng phổ biến nhất hiện nay là những bảo tàng “sống” ,giúp cho khách tham quan sống thật với môi trường hàng hải lịch sử,với những chiếc thuyền buồm cổ xưa ,được “tương tác” qua các thiết bị công nghệ số hay các vật thật để trải nghiệm bão tố ,đọc các tấm hải đồ,cùng say sóng với con tàu …bên cạnh việc xem các hiện vật ,nghe lời thuyết minh có thể đôi lúc thấy nhàm chán .Bảo tàng Mystic bên bờ Đại Tây Dương mà Ken nêu ra là một ví dụ cho một bảo tàng “sống” như vậy ,với các con tàu cột buồm cao vút thuộc nhiều thời đại dẫn dắt khách tham quan trở về “Kỷ nguyên Vàng của Buồm”,khi các cánh buồm nó gió tung bay khắp các đại dương.Giản dị hơn Mystic là bảo tàng hàng hải của San Francisco ,dựa trên nền tảng của một cảng cá xưa cũ nay không còn sử dụng.Tòa nhà lớn dùng để lưu trữ  các hiện vật,giống như mọi bảo tàng hàng hải khác .Dọc theo đường ra cầu tàu là một loạt hàng quán bán lưu niệm,các cửa hàng ăn uống mang phong cách biển ,trang trí các cờ đen của hải tặc ,những “Đảo dấu vàng” theo tiểu thuyết của nhà văn Stevenson hay “Robinson” một mình trên hoang đảo.Khi sắp tới bến tàu là một xưởng đóng thuyền hoàn toàn theo phong cách cổ xưa với các cách ghép gỗ,bào mộng thủ công .Bên cạnh các cọc buộc thuyền là những cột thi đố buộc các nút dây quen thuộc dùng trong hàng hải như nút dẹt,nút thuyền chài…Và những con thuyền đón khách là các con thuyền lịch sử quen thuộc với người dân ven bờ Thái Bình Dương để đánh bắt cá tới tận Alaska hay đưa các di dân tới vùng Tây nước Mỹ này trong các cơn sốt đào vàng vào năm 49 của thế kỷ 19.  


Hình 1-Dựng buồm trên chiếc mảng Sầm Sơn để thực hiện chuyến viễn du 5500 dặm vượt Thái Bình Dương sang Mỹ năm 1993[1].Giúp cho nhà du lịch Tim Severin chỉ huy công việc này là Nick Burningham (râu quai nón,đứng dưới cột buồm),một chuyên gia về tàu thuyền cổ đến từ Úc.Sau chuyến làm mảng Sầm Sơn,Nick làm cố vấn cho bảo tàng thuyền Tuyền Châu Trung Quốc

2/Một hội thảo mini tại Hội An    
Mong mỏi của Ken về một bảo tàng hàng hải đã dẫn tới một cuộc hội thảo mini tại Hội An vào trung tuần tháng Chạp vừa rồi.Biết tin Ken đang rong ruổi xe máy từ Trà Cổ tiến dần về miền Trung, Đỗ Nguyên Ái mê thuyền buồm từ Sài Gòn đề nghị anh em kéo ra Hội An đón Ken .Cuộc gặp mặt có dân ghe thuyền Hội An,những người chơi thuyền từ Đà Nẵng,có Trung tâm Bảo tồn Di sản ,có cả giàng viên và sinh viên Khoa Đóng tàu từ Đại học Đà Nẵng và được tổ chức tại hội trường Đại học Phan Châu Trinh .Vượt chặng đường từ Huế vào bằng chiếc xe máy LiFan Trung Quốc,Ken kể lại anh vừa trọ tại nhà một cựu chiến bình năm 1971 đã chiến đấu tại vùng Biên Hòa.Đó cũng là năm Ken được đưa tới Biên Hòa ,và ở tại đó hai năm .Hiện nay,anh sống tại đảo Bainbridge ,cách trung tâm Seattle –thành phố quen thuộc với chúng ta nhờ đó là trung tâm của hãng máy bay Boeing và phần mềm Microsoft-bằng một chuyến tàu phà kéo dài hơn một giờ.Từ hơn mười năm nay,anh thường xuyên đi du lịch Việt Nam và hai nước láng giềng ,mọi việc được ghi chép trên blog “Thuyền và Cơm”  (boatsandrice) và những cuốn sách ảnh tỉ mỉ về các con thuyền dọc theo bờ biển nước ta.Đến nay,người nước ngoài tìm hiểu văn hóa và sinh sống trên đất nước ta đã là chuyện bình thường,tới nhóm  nhạc “Ngũ cung và cây đàn đá “ cũng có một “ông Tây” là David Peyen ,nhưng gần hai chục năm trước,một kẻ “lạ mặt”,rây ria xồm xoàm ,phóng xe máy tới các làng chài,giương máy ảnh ,nhẩy lên chèo thuyền thúng là một hành động “đáng ngờ” với nhiều cơ quan chức năng.Ken còn là người biên tập bản tiếng Anh của cuốn sách “Thuyền buồm ở Đông Dương” ,một cuốn sách kinh điển về tàuthuyền Việt Nam do một ông Chánh Kiểm ngư người Pháp ,tên là J.B.Pietri ,xuất thân từ một hoa tiêu trên sông Sài Gòn ,đã xuất bản vào năm 1943[2] .Công việc của Ken tiếp nối người đi trước của anh,ông John Doney người khởi xướng lập một “Quỹ Di sản Thuyền bè Việt Nam” .John Doney đã mất vào năm 2009 do một tai nạn xe hơi ,nhưng những hiện vật mà ông đem về từ Việt Nam như những chiếc thúng chài,chiếc “nốc” Huế được “khâu” từ năm tấm ván vẫn được lưu giữ tại một Trung tâm ở Cảng Townsend phía Tây Bắc của Seattle.


Hình 2-Ken Preston giữa những ngư dân miền Trung .Anh đến với họ bằng chiếc xe máy và một nụ cười ,cùng “năm trăm từ tiếng Việt” mà anh thú nhận .Nhưng thực ra ,anh biết hơn nhiều !

3/Những bước đi thực tế ?               
          Đề xuất xây dựng mới một bảo tàng,chắc chắn gặp phải nhiều ý kiến lo ngại.Chẳng phải chúng ta đã có Bảo tàng Hà Nội khổng lồ mà chẳng biết bày cái gì hay hệ thống bảo tàng của chúng ta hiện nay công suất sử dụng rất thấp ,trừ một vài bảo tàng đã mạnh dạn đổi mới như bảo tàng dân tộc học,bảo tàng Phụ nữ Hà nội…Về mặt quan điểm,chúng ta cần làm cho toàn xã hội thấy sự cần thiết phải có bảo tàng hàng hải nhằm nâng cao “tinh thần biển” của toàn dân tộc nhưng có lẽ cần có những bước đi hết sức thiết thực
          Trước hết,các bảo tàng có gắn với hàng hải ,các cơ quan ,công ty hàng hải cần cố gằng lưu giữ những gì còn lại như Bảo tàng Hải quân giữ con tàu không số nguyên vẹn còn sót lại hay những mảnh  còn đắm chìm tại Cà Mâu,Vũng Rô,Bảo tàng lịch sử với con tàu tăng-kích 174 còn nằm gửi tại Ninh Bình …Thật đáng  tiếc,khi tìm hiểu về các chuyến tàu Bắc Nam ngày thống nhất,chúng tôi điện hỏi đại phó Nguyễn Bá Trí đã về hưu tại Thanh Hóa ,anh cũng không biết Công ty đã vứt cuốn Nhật ký của tàu Thông Nhất vào lúc nào !
          Việc nghiên cứu lịch sử hàng hải dân tộc hiện nay có thể nói chưa đáng là bao.Nếu chỉ một đường thêu của chiếc váy Mường đã là đề tài cho nhà dân tộc học Nguyễn Đổng Chi theo đuổi trong nhiều năm thì biết bao chi tiết hàng hải từ con mắt thuyền,chiếc “ngà”,chiếc “mõ” ,bao nhiêu loại thuyền …xứng đáng để chúng ta ghi chép,nghiên cứu,đối chiếu với các dân tộc khác ,để tạo nên một đội ngũ các nhà dân tộc học hàng hải thời hiện đại.Trong cuộc hội thảo mini tại Hội An vừa rồi,giảng viên Nguyễn Tiến Thừa từ Đại học Đà Nẵng đã có đề xuất khá hay “Trong khi chúng ta chưa đóng lại các con thuyền cổ xưa thì việc vẽ lại theo lời kể,theo một số vật mẫu còn sót lại ,theo một số con thuyền còn đang dùng , bằng các công cụ thiết kế tàu với các bản vẽ tuyến hình,kết cấu …bằng các phần mềm hiện đại là cần  thiết để tạo ra một thư viện “ảo”là hết sức cần thiết để chúng ta có thể chế tạo lại khi có điều kiện “Và nhóm thày trò này đã bắt tay vào một việc đầu tiên :vẽ lại chiếc ghe nang trước khi chiếc ghe này được đưa về bảo tàng Cù Lao Chàm .
          Cuối cùng thì việc chọn địa điểm cho một bảo tàng hàng hải cũng phải đặt ra .Một bến cảng xưa cũ không còn sử dụng ư ? Trên đất nước ta thiếu gì những cảng cá đầu tư vài chục tỷ đồng không sử dụng được,nhưng lại ở xa các khu dân cư còn khu vực nhà máy Ba Son hay khu Tân Cảng đã giải tỏa ở vào nơi đô thị sầm uất  ,rất thích hợp cho một quần thể “Công viên Hàng hải “ có ích cho cộng đồng nhưng lại đã có chủ với những dự án đô thị hấp dẫn.Vậy chúng ta trông chờ vào những dự án bến cảng du thuyền,các marina mà các ông chủ đang cho mọc lên dọc ven biển,ven cửa sông lớn . Vào một ngày đẹp trời nào đó,các đại gia không chỉ ngắm nhìn các mô hình thuyền buồm hay bức tranh buồm no gió trong phòng khách sang trọng với dòng chữ “Nhất phàn phong thuận”phù hộ cho làm ăn khấm khá như thuyền được gió mà gắn các công trình bến cảng này với một bảo tàng hàng hải ?Còn đầu tư hoàn toàn bằng ngân quỹ quốc gia –mong ước là như vậy- có lẽ cũng khá khó khăn khi tiền của đã đổ nhiều xuống sông xuống biển theo các dự án Vinashin,Vinalines trong khi yêu cầu nâng cao “tinh thần biển” cho dân tộc luôn là một yêu cầu cấp bách .



[1] Xem “Be tre Việt Nam du ký vượt 5500 dặm Thái Bình Dương” bản dịch tiếng Việt của Đỗ Thái Bình và Vũ Diệu Linh từ cuốn du ký của Tim Severin ,XB Trẻ ấn hành 2014
[2] Cuốn sách “Voiliers d’Indochine” do J.B Pietri vẽ và viết ,nhà xuất bản SILI tại Sài Gòn ấn hành năm 1943 và 1949.Bản tiếng Việt do Đỗ Thái Bình thực hiện từ bản tiếng Pháp và tiếng Anh,XB Trẻ ấn hành dự kiến ra mắt 03/2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét