Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

Khảo sát thuyền ba vách

BÀI ĐANG VIẾT 
Thế là mình thực sự bắt tay vào khảo sát thuyền dân gian , khởi đầu là thuyền ba vách Quảng Ninh .Để có cái nhìn tổng quan, mình đã liên lạc với Nick Burningham và đã bỏ ra 38 đô la mua bài báo của ông về những khảo sát tại Sầm Sơn năm 1993.
I- THU THẬP TÀI LIỆU 
Và trong quá trình thu thập tài liệu , mình nhặt được bài báo này , và chép lại tại đây  Đó là bài báo trích lại từ Đại Đoàn kết, không rõ tác giả :
Ngẩn ngơ tiếc một làng thuyền
(Ngày đăng: 14/09/2014   Lượt xem: 143)
Mới đây, nhằm thực hiện chương trình hợp tác nghiên cứu tàu thuyền truyền thống của Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Viện Nghiên cứu Di sản văn hóa biển Hàn Quốc đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát một số vùng biển ở Việt Nam, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh. Từ chuyến khảo sát, một thực tế được chứng thực rõ hơn, đó là nghề đóng thuyền và kỹ thuật đóng thuyền truyền thống ở vùng này đang dần mai một và có nguy cơ biến mất.



Ở vùng biển Quảng Ninh, nghề đan thuyền nan đã có từ bao đời nay, thuyền nan nhẹ và dễ làm nhưng không bền bằng thuyền gỗ. Tuy nhiên do tự đan được nên các gia đình ngư dân trong vịnh Hạ Long, Bái Tử Long xưa chủ yếu dùng thuyền nan, hộ gia đình nào cũng có thuyền. Con thuyền vừa là nhà ở, vừa là phương tiện đi lại, vừa là phương tiện làm nghề. Thuyền nan cũng được dùng để chuyên chở, đi lại ở nhiều vùng đồng bãi, khênh vác nhẹ nhàng, sử dụng thuận tiện. Ở xã Nam Hòa, huyện Yên Hưng có một làng nghề đan thuyền nan, thuyền mủng nổi tiếng.

Theo ông Đặng Sơn Tề - người say mê nghiên cứu nghề đan thuyền nan truyền thống - ở thôn Hưng Học, xã Nam Hòa, huyện Yên Hưng thì dân làng đã làm và sử dụng thuyền nan được 14 - 15 thế hệ. Những con tàu thuyền được sản xuất đầu tiên cách nay khoảng hơn 400 năm. Thuyền nan ở Quảng Yên có hình bầu dục, dài từ 1,2m đến 10m, rộng từ 0,8m đến 4,8m. Nguyên vật liệu chính là tre, gỗ và các sản phẩm sơn phủ (bã thực vật, động vật, sơn…). Thuyền nan được sử dụng chủ yếu trong việc di chuyển, vận tải, đánh bắt thủy hải sản, ma chay, cưới hỏi…Việc đóng một chiếc thuyền nan truyền thống trải qua nhiều công đoạn, gồm: ra nan (sau khi chọn được tre tốt, chẻ ra, tách ruột, chỉ dùng cật tre); đan cốt (có thể đan lóng một hoặc lóng đôi); vào khuôn và cạp viền (khuôn được định hình theo kích thước của thuyền); trát bã (phải dùng phân trâu mới có tác dụng tốt) và sơn phủ (quét nhựa đường trộn với dầu hỏa). Cuối cùng là đóng khung gỗ làm sườn, sạp thuyền và phơi khô. Những nơi có truyền thống đóng thuyền lâu đời và sản xuất cung cấp thuyền cho khu vực phía Bắc là Móng Cái, Vân Đồn và Quảng Yên. Ước tính với giá thành hiện tại, chi phí để đóng một thuyền nan loại nhỏ khoảng hơn 2 triệu đồng.

Chúng tôi có cuộc trao đổi với nghệ nhân Nguyễn Mạnh Quý (69 tuổi), ở phường Hùng Thắng, TP Hạ Long; nghệ nhân học đóng thuyền năm 14 tuổi và là hậu duệ đời thứ 14 trong nghề. Ông là con cháu của cụ Khán Thư có xưởng đóng thuyền nổi tiếng ở làng Giang Võng và Trúc Võng xưa (nay là xã Hùng Thắng và Thành Công, thành phố Hạ Long). Theo nghệ nhân Quý, thuyền gỗ có nhiều loại, thuyền của ngư dân vùng Yên Hưng - Hòn Gai là thuyền "Ba Vách”, thuyền có ba mặt: mặt đáy và hai mặt bên. Trước kia, người dân không sử dụng đinh để đóng thuyền, các tấm nẹp giữ ván thuyền được liên kết lại với nhau bằng những lỗ khoan, dùng dây mây và guộc để làm mối buộc, lấy sắn thuyền để làm sảm, dùng các thanh tre để giữ các đường sảm và nêm chặt các mối buộc (đó là dùng vỏ cây sắn rừng, còn gọi là sắn sơn thuyền, xay nhuyễn, ủ vài ngày để trát cho chất nhựa lấp kín khe hở giữa các nan tre của vỏ thuyền). Khi thuyền ở dưới nước, các thứ này ngấm nước nở ra tạo cho các tấm vách và đáy thuyền liên kết chặt chẽ với nhau. Thuyền ngư dân vùng Giang Võng và Trúc Võng cũng là thuyền Ba Vách nhưng lòng sâu và mũi cao hơn, ở mui thuyền có "văng” để bắt cá, thường gọi là thuyền "cá nóc”.

Việc chọn gỗ để đóng thuyền phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của các hộ ngư dân. Đối với hộ ngư dân có điều kiện kinh tế, họ thường chọn loại gỗ nằm trong "tứ thiết” (đinh, lim, sến, táu), hay gỗ "săng lẻ”, còn với các loại gỗ vườn như Xoan, Nhãn… được dùng nhiều hơn bởi loại gỗ này phù hợp với điều kiện kinh tế của đa số các hộ dân.

Ngư dân ở vùng Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái dùng thuyền Ba Vách lườn bé, thành sâu lái rộng, mũi cao nhọn, thường gọi là "thuyền mũi rắn ráo”, sau lại sửa thành loại thuyền lườn tròn vỏ dưa có lợi thế nông mướn nước, độ cạn thấp, chèo lái nhẹ nhàng, ra vào bến bãi dễ dàng nhưng khi có sóng to thuyền hay bị bạt. Ngư dân vùng Cống Yên, Cô Tô do ngày đêm trực tiếp với sóng biển ngoài khơi nên dùng loại thuyền Cóc, đuôi bằng, có buồm cánh dơi để đánh lưới. Ngư dân Yên Hưng thường dùng buồm vuông, thường được gọi là "buồm kẹo lạc”, cột buồm đặt ở 1/3 cánh buồm và buộc cột một bên dây. Khi chuyển sang thuyền buồm bằng vải, thường buồm trên nhỏ hơn buồm dưới, cá biệt có loại buồm hình vuông, ở trên nhọn.

Do cuộc sống thủy cư, ngư dân coi con thuyền không chỉ là nơi ở, mà còn là phương tiện kiếm sống và đi lại. Tất cả các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày của một gia đình đều gắn bó với con thuyền, nên con thuyền còn là tài sản quý và quan trọng đối với ngư dân làng chài. 

Ở Trà Cổ, Bình Ngọc trước đây nổi tiếng với những con thuyền vỏ dưa lườn cao, chuyên vận tải biển, về khả năng chịu sóng gió (có thể đi xuôi ngược trong gió cấp 6, cấp7). Thuyền vận tải Quan Lạn có sức mạnh không kém, sau đó là thuyền vận tải Quảng Yên. Dân đi biển ở Quảng Ninh cũng sáng tạo ra loại thuyền buồm cánh dơi, thuyền hình bán nguyệt. Mỗi cánh buồm được mở căng, ghép lại hay chỉ để lưng chừng với một ít "thép” buồm, khi nào kéo cả hai buồm lại thì thêm buồm mũi, buồm hậu.  Thuyền đi biển thường có trọng tải 25 đến 30 tấn, dài từ 18 đến 25m, rộng từ 3 đến 5m. Thuyền hoạt động ở vùng nước mặn thường bị con hà bám vào đáy, sườn thuyền bằng gỗ hay bị mục và tăng sức cản, ảnh hưởng đến tốc độ di chuyển. Do vậy, thông thường 3 đến 6 tháng, các chủ thuyền cho thuyền "lên đà” (lợi dụng lúc triều cường để cho thuyền vào bãi khi nước còn cao, kê gỗ xuống đáy thuyền, nước triều rút thì thuyền nằm trên giá kê ngoài bãi) để "thui thuyền” (đốt lửa bằng lá thông khô và hun khói để làm chết con hà, làm lì mặt gỗ ván thuyền để kéo dài tuổi thọ cho thuyền). Sau khi thuyền được thui, ngư dân lau sạch mặt ngoài ván thuyền và bôi một lớp dầu như dầu thầu dầu (dầu rái) để chống hà bám và tạo độ trơn, giúp tăng gia tốc cho thuyền.

Có thể nói, trình độ đóng tàu thuyền của dân vùng biển Quảng Ninh đã ở mức hoàn hảo, có khả năng đóng các tàu thuyền lớn, chịu được sóng to gió lớn; tàu thuyền được bảo dưỡng tốt có thể sử dụng được từ 15 đến 20 năm.

Giờ đây, đời sống ngư dân ở Hạ Long đã có nhiều thay đổi, họ vẫn sinh sống trên thuyền nhưng đã thay thế những con thuyền buồm trước kia bằng những thuyền máy, các ngôi nhà nổi trên biển và những con thuyền đánh bắt hải sản truyền thống cũng thưa thớt dần. Hầu như thế hệ hậu duệ của các làng chài nổi hiện nay không còn biết đến các công cụ đóng thuyền truyền thống, họ chỉ được nghe qua lời kể của thế hệ trước. Những du khách trong và ngoài nước từng say đắm trước vẻ đẹp của vịnh Hạ Long, từng mê mải với những cánh buồm của các con thuyền truyền thống trên Vịnh giờ cũng không còn có cơ hội tự mình chụp những tấm ảnh kỷ niệm ấn tượng như vậy. Trong hàng trăm con tàu phục vụ ngành du lịch ở Hạ Long không còn bóng dáng của những con thuyền truyền thống. Chúng ta chỉ còn được thấy hình bóng của chúng trong bưu ảnh tại các cửa hàng lưu niệm hay những mô hình thu nhỏ ở Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn Hạ Long mà thôi.

2/ Nghiên cứu của Phạm Thị Hà Xuyên ,bảo vệ Thạc sĩ Dân tộc học, dưới sự hướng dẫn của TS Nguyển Ngọc Thanh  Nghiên cứu về đánh cá tại xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa Ngư Lộc còn có một số thuyền ba vách, giá khoảng 6-7 triệu đồng, công thêm máy lưới khoảng 12 triệu, thuyền nay dùng để kéo giã hoặc câu gần bờ. 
3/ Ngư Lộc còn có một số thuyền ba vách
II- LÀM VIỆC VỚI LÊ ĐỨC CHẮN (Hồ sơ lưu trong Google Drive) 
- Các loại gỗ dùng đóng con thuyền PHT-Bạch Đằng 01 : 80% tàu , còn lại là cà chít
-
-

III- LÀM VIỆC VỚI ĐĂNG KIỂM VIỆT NAM 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét