Cuốn Phòng Hàng Hải Nam Bộ
do Trần Văn Kiêm viết.Ông là nhà báo ,nhà văn sống tại Sài Gòn,bạn học từ thời
niên thiếu với thuyền trưởng Lê Minh Công.Ngoài Trần Văn Kiêm ,lịch sử hào hùng
của Phòng Hàng Hải Nam Bộ còn được Nguyên Hùng trực tiếp hỏi chuyện các nhân
vật như Tư Hóa,Ý Nết,Dương Quang Đông …Khi đánh vào chữ “Phòng Hàng Hải Nam Bộ
“ vào Google ta tìm được 12.500 kết quả . Trang lược sử của Cục hàng hải Việt Nam viết “Tháng 4/1947, quân Pháp
chiếm hầu hết các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ. Ủy ban hành chính kháng chiến Nam
Bộ đã thành lập Phòng Hàng hải Nam Bộ (Bí danh là “Bộ đội 29”)…” Đọc qua ta đã
thấy có những cái sai :Sông Lô không phải chạy tuyến Thái Lan –Singapore mà
chuyến đầu tiên mua tàu từ Thái Lan với các thiết bị VTD và thuốc men đã bị lộ,phải phá hủy tàu .Còn Thứ trưởng Bình Tâm trong bài viết hướng tới kỷ niệm
65 năm ngành GTVT cho là kỹ sư Lý Văn Sâm có giai đoạn là trưởng phòng Hàng Hải
Nam Bộ.Thực ra không phải.Trang Quân Sử viết nhầm Võ Đăng Kỳ thành Nguyễn Đăng
Kỳ.Có độc giả nhắc tới ông ngoại mình là một thành viên của Phòng Hàng Hải Nam
Bộ.Có một điều đáng ngạc nhiên là hàng hóa trên tàu Sông Lô theo như hồi ký này ,do một tập thể mua còn trong hồi ký viết chuyên về ông Nguyễn Như Kim,một hành khách trên tàu ,không để lại dấu ấn nào trong hồi ký Trần Văn Kiêm,lại là nhân vật chính của Sông Lô trong bài viết trên báo Công An Nhân Dân.Trong các năm vừa qua,kết hợp các chuyến đi Thái Lan,tôi đã thu thập một số tài liệu về tàu Sông Lô và mong có dịp hội thảo về con tàu này.Còn dưới đây,tôi xin đánh máy lại toàn bộ hồi ký do Trần Văn Kiêm ghi.Kèm theo có 8 tấm hình rất quý nhưng trên đĩa floppy cũ, chưa chép lại được.Khi nào có,chúng tôi sẽ bổ sung cũng như bổ sung liên tục những gì tra cứu mới,Mong các bạn hưởng ứng ,góp ý đặc biệt,bạn phóng viên báo Công An có ghi chép được thêm tài liệu gì từ Nguyễn Như Kim xin cho biết .Trân trọng
Nhân
dân Nam Bộ bắt đầu cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp sau khi giành được
chính quyền từ tay phát xít Nhật chỉ có 29 ngày và sau khi Bác Hồ đọc bản tuyên
ngôn độc lập có 21 ngày.
Tình
thế của cuộc kháng chiến ở Nam Bộ lúc bấy giờ vô cùng hiểm nghèo. Chính phủ
Pháp được chính phủ các nước tư bản đế quốc ủng hộ, quân Pháp được quân Anh
giúp đỡ, trang bị các vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại.
Trong
lúc đó, nước Việt Nam độc lập đang nằm trong vòng vây của chủ nghĩa tư bản đế
quốc, chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa được chính phủ nước nào
công nhận, phong trào quần chúng đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến
bộ xã hội ở các nước mới được nhen nhóm, cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân
dân Việt Nam chưa được các nước biết đến. Mặt khác, nhân dân Nam Bộ được trang
bị hết sức thô sơ, phần lớn là mã tấu và tầm vông vạc nhọn. Lúc ấy Trung ương
tổ chức nhiều đơn vị Nam tiến, thu gom và đưa vào tiếp tế cho Nam Bộ khá nhiều
vũ khí, đạn dược nhưng so với yêu cầu thì chẳng thấm vào đâu vì ta chưa sản
xuất súng ống và đang phải bảo vệ miền Bắc trước mưu đồ của Tưởng Giới Thạch và
quân Pháp.
Trước
tình hình đó, chủ trương của Xứ ủy Nam Bộ cho đi mua vũ khí, đạn dược ở Thái
Lan và tìm sự ủng hộ từ bên ngoài là một chủ trương rất nhạy bén, mở ra con
đường tiếp tế hết sức quan trọng cho nhân dân Nam Bộ đang thiếu thốn vũ khí,
đạn dược và những phương tiện cần thiết cho cuộc chiến tranh chính nghĩa của
mình. Con đường xuyên tây góp phần to lớn trong việc tăng cường sức mạnh cho
các lực lượng vũ trang ở Nam Bộ đồng thời mở ra con đường giao thông liên lạc
Bắc - Nam và quan hệ với các nước.
Phòng
Hàng hải Nam Bộ đã mạnh dạn cải tiến những chiếc thuyền buồm thành thuyền máy,
giúp cho Ban vận tải hàng hải không phải lệ thuộc vào việc thuê tàu thuyền của
tư nhân, không lệ thuộc vào sức gió và chỉ trong hai ngày hai đêm là có thể đưa
vũ khí từ trạm Mai Ruột ở miền Nam Thái Lan về đến căn cứ Dày Chảo ở Nam Bộ,
kịp thời trang bị cho bộ đội ta đánh giặc.
Quyển
sách “Phòng Hàng hải Nam Bộ” ghi chép tương đối tỉ mỉ về việc tiếp tế vũ khí
cho chiến trường Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là
một tài liệu có giá trị do nhiều đồng chí trong cuộc kể lại và được ghi chép
công phu.
Lời
nói đầu
Khi
bắt đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm chiếm đất nước ta lần
thứ hai, nhân dân Nam Bộ được trang bị rất kém, phần lớn là vũ khí thô sơ.
Tinh
thần chiến đấu của nhân dân rất cao, đánh giặc rất anh dũng kiên cường, nhưng
mã tấu và tầm vông vạc nhọn không thể đương đầu nổi với súng đạn, với xe tăng
thiết giáp, máy bay tàu chiến.
Vì
vậy, sau khi đánh chiếm Sài Gòn, được quân Anh giúp đỡ, quân Pháp lần lượt đánh
chiếm tất cả các tỉnh Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ.
Trước
tình hình đó, Trung ương lập tức điều nhiều đơn vị bộ đội và tổ chức đưa vũ khí
từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Mặt khác, Xứ ủy Nam Bộ cũng
tổ chức bí mật đi mua vũ khí ở Thái Lan, Malaysia đưa về cung cấp cho Nam Bộ.
Đến
khi cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra, nguồn chi viện vũ khí từ Trung ương vào
không còn nữa, Xứ ủy Nam Bộ liền chuyển công tác tiếp tế vũ khí hoàn toàn qua
con đường phía tây.
Tháng
7-1947, Phòng Hàng hải Nam Bộ được thành lập để thu mua, vận chuyển vũ khí và
các mặt hàng cần thiết từ Thái Lan về cho Nam Bộ và Campuchia.
Phòng
Hàng hải tổ chức một Ban mậu dịch chuyên lo thu mua vũ khí đưa về tạm giữ ở
trạm Mai Ruột và một Ban vận tải hàng hải chuyên lo vận tải hàng bằng tàu
thuyền có gắn máy từ Mai Ruột về Nam Bộ. Nhờ vậy chỉ trong hai ngày đêm là súng
đạn từ miền Nam Thái Lan đã về đến khu 9, kịp thời trang bị cho bộ đội ta đánh
giặc.
Cuộc
chiến đấu và công việc thu mua, vận chuyển vũ khí diễn ra trong tình hình cả ba
nước Đông Dương đang nằm trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc nên phải trải qua
biết bao khó khăn, gian khổ và hy sinh.
Tuy
vậy, trong một thời gian không lâu, Phòng Hàng hải Nam Bộ đã đưa về phục vụ
cuộc kháng chiến hàng trăm tấn hàng. Đến khi chiếc tàu Sông Lô của Phòng chở
hàng tiếp tế cho chiến trường miền Bắc bị hải quân Pháp bao vây chặn đường,
phải tự hủy mình ở ngoài khơi bờ biển tỉnh Nghệ An vào hạ tuần tháng 9-1949,
Phòng Hàng hải mới giải thể.
Phòng
Hàng hải giải thể nhưng việc thu mua và chuyên chở vũ khí cho Nam Bộ vẫn tiếp
tục. Công việc vận chuyển trước kia do Ban vận tải hàng hải phụ trách bây giờ
do một tổ mới, Ban vận tải xuyên tây đảm nhiệm.
Ngoài
việc thu mua và vận chuyển vũ khí cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm
lược, Phòng Hàng hải còn tập hợp và đào tạo được một đội ngũ chuyên ngành có
trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức tốt, phục vụ rất đắc lực cho ngành hàng
hải non trẻ của chúng ta trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và
ngay cả trong những năm đầu sau khi hai cuộc kháng chiến trường kỳ của chúng ta
giành được thắng lợi hoàn toàn.
Đó
là những ngày hoạt động sôi nổi vì sự nghiệp thiêng liêng của Tổ quốc.
Từ
lâu, nhiều anh chị em muốn ghi lại những hoạt động của Phòng Hàng hải Nam Bộ để
lưu giữ một truyền thống chiến đấu hào hùng của dân tộc. Nguyện vọng đó là
chính đáng. Tuy nhiên, Phòng Hàng hải chỉ là một giai đoạn trong cả một quá
trình chuyên lo tiếp tế vũ khí cho chiến trường Nam Bộ để đánh thắng quân xâm
lược Pháp. Vả lại, phần lớn những người làm nên lịch sử của Phòng Hàng hải Nam
Bộ cũng là những người đã đi suốt quá trình đầy gian khổ và cũng rất đáng tự
hào đó.
Vì
vậy, để cho có trước có sau, quyển sách này không tách riêng Phòng Hàng hải Nam
Bộ mà cố gắng ghi lại trên những nét lớn quá trình ấy. Trong thời gian qua, đã
có một số sách nói về những sự kiện đó nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ trong một
bối cảnh lớn. Quyển sách này chỉ đề cập đến mỗi một vấn đề là tiếp tế vũ khí
cho chiến trường Nam Bộ, một vấn đề hết sức bức xúc trong những ngày đầu nhân
dân ta kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Sự
việc đã diễn ra trên nửa thế kỷ - Nhiều người trong cuộc đã vĩnh viễn ra đi. Số
đồng chí còn ở lại với chúng ta tuổi đã cao, sức rất yếu, nhiều sự kiện đã quên
đi hoặc nhớ không chính xác lắm. Vì vậy, trong quyển sách này nếu có điều gì sơ
suất, rất mong được các đồng chí rộng lòng tha thứ.
Trần Văn Kiêm
Trần Văn Kiêm
Sáng
ngày 23 tháng 9 năm 1945, một tiểu đội của ta bảo vệ cột cờ Thủ Ngữ, Sài Gòn,
trang bị bằng súng săn, dao găm, lựu đạn đã chiến đấu đến người cuối cùng trước
một đại đội quân Anh trang bị vũ khí hiện đại đến định thay lá cờ đỏ sao vàng
bằng lá cờ ba sắc.
Đó
là trận đánh tiêu biểu của nhân dân Nam Bộ trong những ngày đầu của cuộc kháng
chiến với tinh thần cao cả hy sinh vì Tổ quốc trong điều kiện trang bị vũ khí
hết sức thô sơ.
Đêm
22 tháng 9 năm 1945, khi nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, địch có hơn 10.000 quân,
trong đó có hơn 2.600 quân Pháp, 2.500 quân Anh và 5.000 quân Nhật. Chúng được
trang bị đầy đủ các loại vũ khí tiên tiến nhất thời bấy giờ. Sau đó, chúng lần
lượt tăng thêm viện binh, tăng thêm nhiều loại vũ khí mới và phương tiện chiến
tranh hiện đại như xe tăng, thiết giáp, máy bay, tàu chiến...
Trong
khi đó, quân dân ta trang bị rất kém, chỉ có một ít súng lấy của bảo an binh
khi giành được chính quyền, còn lại là mã tấu, tầm vông mà phần lớn là tầm vông
vì mã tấu cũng không có để trang bị.
Súng
ống đã ít, đạn dược lại càng khó khăn hơn nên chiến sĩ ta khi thật cần thiết
mới được nổ súng và phải đem lại kết quả thiết thực. Vì vậy, lúc đó ta nêu cao
khẩu hiệu “mỗi viên đạn là một quân thù”.
Lòng
yêu nước, ý chí chiến đấu để bảo vệ nền độc lập còn rất non trẻ của nhân dân ta
cao như núi, sâu như biển, nhưng chỉ có lòng yêu nước và ý chí chiến đấu thì
không thể đánh thắng giặc mà cần phải có vũ khí, có súng ống đạn dược.
Thời
bấy giờ, một hai khẩu súng trường bắn từng phát một cũng đã là một gia tài quý
báu lắm rồi. Chuyện đồng chí Võ Đăng Kỳ chuyển vũ khí cho khu 7 và khu 8 có thể
coi như là một sự kiện điển hình về tính chất quý giá của súng đạn và lòng khao
khát vũ khí để đánh giặc của cán bộ chiến sĩ ta lúc bấy giờ.
Lần
đó, sau khi đánh địch một thời gian ở Sài Gòn, phân đội công chánh Sài Gòn do
đồng chí Võ Đăng Kỳ làm chỉ huy trưởng rút lần ra Thủ Đức rồi ra Phan Thiết và
sáp nhập vào chi đội Nam Tiến do đồng chí Nam Long chỉ huy.
Một
ngày trong tháng 12 năm 1945, khi nghe Ban chỉ huy chi đội bàn việc chọn người
tháo vát, có uy tín để phụ trách việc áp tải vũ khi do Trung ương gửi vào chi
viện cho khu 7 và khu 8, đồng chí Võ Đăng Kỳ xung phong nhận nhiệm vụ ấy.
Võ
Đăng Kỳ quê ở Gò Công, có trình độ văn hóa gần tú tài, đã 37 tuổi, từng đi lại
nhiều nơi, biết nhiều vùng và đã chỉ huy một phân đội đánh Pháp nhiều ngày ở
Sài Gòn, con người có vẻ chững chạc nên đồng chí Nam Long đồng ý ngay.
Đoàn
vận tải có 4 người do đồng chí Võ Đăng Kỳ chỉ huy nhờ bốn công nhân hỏa xa cùng
nhau đẩy mấy chiếc xe rùa từ ga Phan Thiết đến ga Gia Rai, cách thị trấn Xuân
Lộc, nơi đã có quân Pháp đóng, khoảng 20 ki lô mét. Từ đây, đoàn mượn hai chiếc
xe bò vận chuyển tiếp.
Sau
ba ngày ba đêm, đoàn đến nơi đóng quân của Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Đồng chí Võ
Đăng Kỳ báo cáo với Tư lệnh Nguyễn Bình về số súng đạn và mục đích của chuyến
áp tải. Đồng chí Nguyễn Bình bảo để tất cả số vũ khí đó cho khu 7, không cần
đưa một phần về cho khu 8. Đồng chí Võ Đăng Kỳ trình bày rằng cần phải chấp
hành đúng mệnh lệnh của cấp trên, chia cho khu 8 một nửa.
Sau
hai ngày giằng co với nhau, Tư lệnh Nguyễn Bình đồng ý để đồng chí Võ Đăng Kỳ
chuyển cho khu 8 số vũ khí do Trung ương phân phối.
Đồng
chí Võ Đăng Kỳ đi tìm xe bò chở xuống Cỏ May (Bà Rịa) rồi tìm một chiếc ghe
đang đêm vượt biển Cần Giờ đến địa phận xã An Thủy thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến
Tre. Từ đây có ô tô chở vũ khí và đoàn về đến Mỹ Lồng thuộc huyện Giồng Trôm và
được đồng chí Nguyễn Văn Cái, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Bến
Tre đón tiếp rất trọng thể và thân tình.
Nghe
chuyến áp tải trải qua nhiều ngày đêm lặn lội, bằng nhiều loại phương tiện khác
nhau, phải đấu tranh với nhau, rất gian khổ, ai cũng tưởng rằng chuyến đó chắc
là có nhiều vũ khí quan trọng. Nhưng thật ra tất cả chỉ có tám khẩu súng
trường, trong đó có bốn khẩu mút Pháp, bốn súng trường Nhật, bốn hòm đạn mỗi
hòm 1.000 viên và hai hòm lựu đạn mỗi hòm 50 quả. Số vũ khí ít ỏi đó chia cho
quân khu 7 và 8 mỗi nơi một nửa.
Ý
chí chỉ có thể phát huy tác dụng của súng đạn chứ không thể thay thế súng đạn
được. Bởi vậy đi đến đâu cũng đều nghe đòi hỏi súng đạn để đánh giặc. Mà tìm
đâu ra súng đạn?
Trong
khi Pháp có quân Anh trực tiếp giúp sức đánh chiếm khắp nơi và trên 40.000 quân
Nhật đang được tập trung về Sài Gòn ủng hộ chúng thì quân ta không có nước nào
giúp sức cả. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa được nước nào công
nhận và cũng chưa có phong trào tiến bộ nào của nhân dân các nước ủng hộ. Chúng
ta đang ở trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc.
Bởi
vậy, muốn có súng trước mắt chỉ có hai cách:
Thứ
nhất là đánh địch, cướp lấy súng đạn của chúng đem về trang bị cho bộ đội ta.
Cách này thời gian đầu rất khó vì lực lượng ta ít, chỉ đánh những trận phục
kích nhỏ, những trận kỳ tập nhỏ nên không lấy được nhiều súng và cũng không có
súng lớn.
Thứ
hai là xin chi viện của Trung ương. Nhưng miền Bắc đang có quân Tưởng Giới
Thạch đang ngày đêm giúp bọn tay sai mưu toan lật đổ chính quyền cách mạng và
vũ khí cũng không có dồi dào vì ta chưa sản xuất được nên sự chi viện cũng có
mức độ.
Trong
cuộc họp vào tháng 2-1946 của Xứ ủy Nam Bộ do đồng chí Phạm Hữu Lầu chủ trì tại
căn cứ địa Cây Bàng ở U Minh Thượng, xã Vĩnh Hòa, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá,
các đồng chí bàn cách làm sao có được nhiều vũ khí để đánh giặc. Đồng chí Vũ
Đức bàn nên cử người ra Trung ương xin. Vũ Đức tức Hoàng Đình Giong, một cán bộ
cao cấp do Trung ương cử vào từ tháng 11-1945 và được cử làm Tư lệnh khu 9.
Đồng chí Phan Trọng Tuệ, một cán bộ từng hoạt động ở Thái Lan, bị địch bắt giam
ở Côn Đảo vừa được đưa về ngày 23-9-1945, đề nghị một mặt xin Trung ương nhưng
mặt khác nên cử người sang mua súng ở Thái Lan vì Nhật bại trận vứt bỏ súng rất
nhiều, và từ khu 9 đi Thái Lan bằng đường biển rất gần, chỉ vài ba ngày là tới,
không phải đi xa và gặp nhiều nguy hiểm như con đường đi ra Trung ương. Đó là
một sáng kiến rất đặc biệt mở ra con đường tiếp tế vũ khí rất quan trọng cho
chiến trường Nam Bộ.
Khu
9 có một phần lãnh thổ và lãnh hải giáp với Campuchia và chỉ cần đi qua bờ biển
tỉnh Kampot là đến Thái Lan. Đặc biệt, ở huyện đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Hà Tiên
có nhiều dân thường qua lại làm ăn với Thái Lan bằng đường biển nên tương đối
rành đường và có nhiều người biết tiếng Thái.
Sau
khi bàn bạc, Xứ ủy Nam Bộ quyết định cử một đoàn cán bộ gồm 13 người do đồng
chí Dung Văn Phúc tức Dương Quang Đông làm trưởng đoàn mang theo 25 ký vàng
sang Thái Lan mua vũ khí. Trong đoàn còn có nhiều cán bộ như đồng chí Trương
Văn Kỉnh - Xứ ủy viên, Nguyễn Văn Thiệt - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành
chính tỉnh Vĩnh Long, Nguyễn Duy Khâm - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính
tỉnh Trà Vinh, Trần Văn Sáu và Nguyễn Khai Cơ, đều là Tỉnh ủy viên tỉnh Trà
Vinh, ông Achar Miên tức Sơn Ngọc Minh. Đồng chí Trương Văn Kỉnh được cử làm
chính trị viên của đoàn; các đồng chí Sơn Ngọc Minh và Nguyễn Văn Thiệt làm phó
trưởng đoàn.
Vàng
là của nhân dân đóng góp. Chúng ta giành được chính quyền trong khi ngân khố
trống rỗng. Thế mà, biết bao nhiêu công việc nhằm củng cố chính quyền cách mạng
còn non trẻ đang rất cần kinh phí. Tình thế lúc bấy giờ chỉ có một cách duy
nhất là dựa vào nhân dân, vào sức mạnh của cả dân tộc đang vùng lên với niềm
khát khao mãnh liệt vĩnh viễn thoát khỏi ách đô hộ của thực dân đế quốc và được
sống trong một quốc gia độc lập, được ngẩng cao đầu với nhân dân năm châu bốn
biển.
Vì
vậy, ngày 4-9-1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra sắc lệnh xây dựng Quỹ
độc lập và tổ chức Tuần lễ vàng, động viên toàn thể nhân dân tự
nguyện đóng góp ủng hộ nền độc lập của Tổ quốc. Nhân dân cả nước nhiệt liệt ủng
hộ sắc lệnh nói trên, đóng góp rất nhiều vàng, phần lớn là vàng nữ trang, vàng
trang trí. Ở Nam Bộ, Xứ ủy cho nấu và đổ thành thỏi. Nhờ đó chúng ta mới có
vàng đem đi mua vũ khí về đánh giặc.
Ngày
20-02-1946, đoàn xuất phát từ Cái Tàu trên một chiếc ghe khoảng 5 tấn thuê của
vợ chồng ông Sáu Tú. Bốn hôm sau đoàn đến Băng Cốc, thủ đô của Thái Lan. Chiếc
ghe được đưa về trả cho chủ. Mấy hôm sau đồng chí Dung Văn Phúc gặp đồng chí
Trần Văn Giàu, vừa từ Hà Nội sang cùng với đồng chí Ngô Thất Sơn. Cuộc hội ngộ
khá lý thú. Một người nguyên là Bí thư, một người cũng nguyên là Bí thư và hiện
giờ là Ủy viên thường vụ Xứ ủy Nam Bộ từ Sài Gòn ra đi bằng hai đường khác
nhau, với những nhiệm vụ không giống nhau, giờ lại gặp nhau tại Băng Cốc để
cùng chung sức phục vụ cuộc kháng chiến ở Nam Bộ đang hồi hết sức khó khăn.
Đồng chí Dung Văn Phúc do Xứ ủy Nam Bộ cử sang mua vũ khí và tổ chức cùng nhân
dân Cạmpuchia liên minh chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược. Đồng chí Trần Văn
Giàu được Trung ương cử sang cũng với mục đích tương tự.
Thái
Lan có đường biên giới lãnh thổ và lãnh hải rất dài giáp với Lào và Campuchia.
Ba nước Thái, Lào và Campuchia có nền văn hóa rất gần gũi nhau, cùng coi đạo
Phật là quốc đạo và trong ngôn ngữ, nhiều danh từ chính trị, triết học, kinh tế
chính trị... được phát âm gần giống nhau vì đều bắt nguồn từ tiếng Bắc Phạn.
Trong
quá khứ, giữa Thái Lan và Campuchia thường xảy ra những cuộc chiến tranh mà
phần nhiều thất bại thuộc về Campuchia vì là một nước nhỏ hơn và nước Campuchia
bị đẩy từ bờ sông Mê Nam lùi dần về phía nam.
Năm
1352, vua Ra-ma-đi-pa-ti (Ramathibodi I (chữ Thái : สมเด็จพระรามาธิบดีที่ 1), người sáng lập vương triều A-dút-thia (Ayutthaya chữ Thái : อาณาจักรอยุธยา) của Thái Lan,
lúc ấy gọi là nước Xiêm, tấn công Campuchia. Vua Long-pong Ria-chia mất tích
trong khi đánh nhau. Quân Xiêm chiếm được kinh thành Angko. Mấy năm sau quân
Xiêm rút về nước. Sau đó, nhiều lần đất nước Campuchia bị quân Xiêm tấn công và
đặt ách cai trị.
Năm
1955, lợi dụng nội bộ nước Xiêm đang gặp khó khăn, vua Ba-rom Ria-chia của
Campuchia tấn công chiếm lại tỉnh Chan-ta-bun và tuy không chiếm được kinh
thành A-dút-thia nhưng chiếm được tỉnh Kô-rạt, đặt quan cai trị một thời gian.
Năm
1940, trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, được sự ủng hộ của quân
Nhật, quân Thái gây ra cuộc chiến tranh biên giới với Pháp. Nhiều người lính
thuộc các dân tộc Campuchia, Việt Nam, Lào bị quân Pháp xua ra chiến trường làm
bia đỡ đạn cho chúng.
Pháp
thua trận nên phải cắt một phần đất của Campuchia và Lào cho Thái Lan, gồm tỉnh
Battambang, phần lớn tỉnh Xiêm Riệp, một phần của hai tỉnh Kom-pong Thom và
Stưng Treng của Campuchia và tỉnh Cham-pát-xắc, một phần của tỉnh Pắc-lay (tức
Xay-nha-bu-ri) ở Thượng Lào, những phần đất của Lào ở hữu ngạn sông Mê Kông.
Đến
khi Nhật thua trận, đầu hàng đồng minh thì đảng Séri Thai (Thái tự do) lên cầm
quyền và Hoàng thân Pri-đi Phnom-yong được cử làm Thủ tướng của chính phủ vương
quốc Thái Lan.
Đảng
Séri Thai đi theo con đường tiến bộ. Trước kia, để chống lại sự chiếm đóng của
quân phiệt Nhật, đảng Séri Thai tổ chức lực lượng vũ trang, xây dựng chiến khu
trong vùng rừng núi tỉnh Sa-kon ở đông bắc Thái Lan, cách thị xã Sa-kon khoảng
20 ki lô mét. Đảng Séri Thai còn giúp Việt kiều ở Thái xây dựng một chiến khu
riêng vào tháng 3-1945, ở bên cạnh chiến khu của du kích Thái để xây dựng lực
lượng chuẩn bị đưa sang chiến đấu ở Lào khi thời cơ đến.
Lúc
này ở Thái có khoảng 40.000 Việt kiều. Từ thế kỷ thứ 18 đã có nhiều người Việt
Nam sang Thái Lan, chủ yếu là để làm ăn sinh sống. Đến khi Pháp đánh chiếm và
đặt ách đô hộ lên ba nước Đông Dương, nhiều người Việt Nam lần lượt sang Thái
ngoài lý do kinh tế còn có lý do chính trị. Một số người thuộc phong trào Cần
vương và sau này có một số chiến sĩ cộng sản sang Thái để tránh sự truy lùng
của nhà cầm quyền Pháp đồng thời tìm cách xây dựng lực lượng để trở về hoạt
động. Trong những năm 1927-1929 Bác Hồ đã từng sang hoạt động ở Thái Lan. Hiện
nay, tại bản Mây, huyện Mường, tỉnh Na-kon Phnom có đền thờ Bác. Xa đất nước
nhưng Việt kiều lúc nào cũng hướng về Tổ quốc và sẵn sàng tham gia những công
tác vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân ba nước Đông Dương.
Vì
vậy, từ tháng 3-1945, một đội vũ trang của Việt kiều được thành lập, xây dựng
chiến khu trong vùng rừng núi của tỉnh Sa-kon, lấy tên là “Việt Nam độc lập
quân” với khoảng 140 anh chị em.
Khi
Cách mạng tháng Tám nổ ra ở Việt Nam, nhiều cán bộ của “Việt Nam độc lập quân”
được cử về các tỉnh của Lào để phối hợp với bộ đội Ít-xa-la Lào cướp chính
quyền ở Viên-chăng, ở một số tỉnh và thành lập chính phủ Cách mạng lâm thời của
nước Lào.
Đến
cuối tháng 3 đầu tháng 4-1946, khi quân Pháp lần lượt tấn công chiếm lại các
tỉnh của Lào thì trên 60.000 Việt kiều ở Lào vượt sông Mê Kông, nhiều đoàn
người vượt sông dưới làn mưa đạn của máy bay Pháp để sang Thái Lan lánh nạn,
nâng số Việt kiều ở Thái Lan lên khoảng 100.000 người.
Sang
Thái Lan, mặc dù phải vật lộn với cuộc sống từ hai bàn tay trắng, bà con vẫn
đóng góp sức người sức của, thành lập một số đơn vị bộ đội trang bị mạnh đưa về
Nam Bộ tham gia chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược.
Sau
khi trở lại chiếm đóng Campuchia và Lào, chính quyền thực dân Pháp đòi Thái Lan
trả lại những phần đất của Campuchia và Lào mà họ đã cắt nhường cho Thái từ năm
1940. Thái Lan không đồng ý ngay mà đến tháng 11-1946 mới trả lại cho Pháp. Do
đó, trong khoảng thời gian này giữa chính quyền Pháp ở Đông Dương và chính phủ
Thái Lan chưa có quan hệ hữu hảo.
Chính
phủ Thái cho phép Việt kiều treo cờ đỏ sao vàng và ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh
trong nhà, không cản trở Việt kiều xây dựng các chiến khu ở Thái, ở Lào và
Campuchia, trên những phần lãnh thổ thuộc chính phủ Thái kiểm soát.
Một
số quan chức Thái rất nhiệt tình ủng hộ cách mạng Việt Nam. Đặc biệt là ông
Thông In, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chính phủ Thái coi việc thu mua, sản xuất, chuyên
chở vũ khí cho Việt Nam như là công việc của chính mình, bất kể hiểm nguy về
sau. Ông cho phép dùng nhà ông làm kho chứa vũ khí, làm binh công xưởng và
nhiều lần cho cảnh sát hộ tống những xe chở vũ khí xuống tàu để đưa về Nam Bộ
đánh Pháp. Nhiều sĩ quan quân đội, công an cũng có cảm tình với cuộc chiến đấu
chính nghĩa của nhân dân ba nước Đông Dương.
Mặc
dù không công khai nhưng Tổng hội Việt kiều ở Thái hoạt động cũng khá rầm rộ.
Tổng hội xây dựng một số chiến khu ở Đông Bắc và Đông Nam Thái Lan, tuyển thanh
niên xây dựng hai đơn vị là Chi đội Trần Phú và Tiểu đoàn Cửu Long 2 với gần
700 cán bộ chiến sĩ, quyên góp tiền bạc mua vũ khí, quân trang quân dụng trang
bị đầy đủ cho các đơn vị bộ đội lên đường về Nam Bộ chiến đấu.
Riêng
ở tỉnh Battambang, thời kỳ còn do chính phủ Thái quản lý, Hội Việt kiều tỉnh hoạt
động công khai, trụ sở đặt tại nhà ông Phạm Thành Trinh trong thị xã, đối diện
với dinh tỉnh trưởng phía bên kia bờ sông. Hàng ngày, trước trụ sở có treo cờ
đỏ sao vàng.
Ông
Phạm Thành Trinh là một người đặc biệt, là một nhà tư sản lớn, rất giàu nhưng sẵn
sàng hy sinh tất cả để ủng hộ cách mạng. Ông quê ở Ba Tri, Bến Tre, trước kia
có đi lính cho Pháp, được phong tới cấp đại úy nhưng vì bất mãn với chính sách
coi trọng người Pháp, coi thường người bản xứ nên ông nghỉ việc, lên Battambang
làm nghề khai thác lâm sản. Khi tích lũy được một số vốn kha khá, ông kinh
doanh thêm nhiều ngành khác như mở mang đồn điền làm ruộng, xây dựng cầu đường,
vận tải, sửa chữa cơ khí. Ông có hàng ngàn héc ta ruộng, 1.400 con trâu bò, sáu
chiếc ô tô vận tải và ba dãy nhà cho công chức Pháp thuê. Tuy giàu có nhưng ông
sống rất giản dị và sẵn sàng giúp đỡ Việt kiều đến làm ăn sinh sống, đặc biệt
là đối với những người quê ở Bến Tre. Lúc này tỉnh Battambang có khoảng 15.000
Việt kiều, trong đó có Sóc Chót toàn là người Bến Tre.
Sau
cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, để tránh sự đàn áp đẫm máu của nhà cầm quyền thực dân
Pháp, một số chiến sĩ cách mạng lánh sang Battambang trong đó có các đồng chí
Le Văn Xướng tức Sáu Rỗ và Thái thị Cửu. Đồng chí Lê Văn Xướng quê ở Gò Vấp,
Sài Gòn là người từng được Bác Tôn Đức Thắng cử lên Campuchia xây dựng cơ sở
trong Việt kiều từ cuối những năm 1920. Còn đồng chí Thái Thị Cửu quê ở Ba Tri,
Bến Tre vốn là liên lạc của đồng chí Nguyễn Thị Thập. Lên Battambang một thời
gian, hai người trở thành vợ chồng và cùng một số đồng chí từ Thái sang xây
dựng chi bộ Đảng, gây dựng cơ sở trong Việt kiều trong đó có gia đình ông Phạm
Thành Trinh.
Khi
Nhật đầu hàng đồng minh, chi bộ ở đây lãnh đạo thành lập Hội Việt kiều yêu nước
tỉnh Battambang và cử ông Phạm Thành Trinh làm chủ tịch.
Dưới
sự lãnh đạo của chi bộ, Hội xây dựng bốn chiến khu trong tỉnh Battambang ở Koh
Khnơi, Stung Chot, Koh Vêng và Tà Om, tập hợp thanh niên Việt kiều ở Campuchia
và một số ở Thái Lan, Lào xây dựng hai đơn vị là “Bộ đội độc lập số 1” và “Bộ
đội Quang Trung” với gần 180 cán bộ, chiến sĩ hành quân về Nam Bộ chiến đấu
trong các tháng 8 và 11-1945.
Đoàn
đồng chí Dung Văn Phúc sang Băng Cốc lúc đầu ở tại chùa Thi Hòa Thi do nhà sư
Bảo Ân làm trụ trì. Sư Bảo Ân là một người giàu lòng yêu nước, quê ở Rạch Giá,
vì tránh sự truy lùng của chính quyền thực dân Pháp nên sang Thái Lan vào chùa
tu hành. Ông rất tích cực hoạt động phục vụ cách mạng. Số vàng đoàn đem gửi nhà
sư cất giùm. Sư Bảo Ân giới thiệu với đoàn một người Việt đã nhập tịch Thái,
tên Việt là Chín, tên Thái là Nai Savát, cũng rất giàu lòng yêu nước. Người
Việt Nam xa quê hương, dù thuộc tầng lớp nào, tôn giáo nào cũng hướng về Tổ
quốc. Chính Việt kiều là chỗ dựa đầu tiên, là chỗ dựa rất quan trọng của các
phong trào cách mạng hoạt động ở Thái Lan, ở Lào và Campuchia và đóng vai trò
rất quan trọng trong việc mua vũ khí chở về nước.
Sang
được ba bốn hôm, Nai Savát mời đồng chí Dung Văn Phúc đến nhà chơi. Trên đường
đi bộ, đồng chí Dung Văn Phúc găp đồng chí Trần Văn Giàu. Hai bên bàn bạc và
đồng ý nhập hai đoàn lại cùng thực hiện một nhiệm vụ. Đoàn thuê một ngôi nhà để
ở và làm nơi giao dịch.
Hai
đồng chí Dung Văn Phúc và Sơn Ngọc Minh trở xuống miền Nam Thái Lan lập một
trạm trung chuyển ở Mai Ruột. Đây là một xóm nhỏ, độ 20 ngôi nhà trong đó duy
nhất có một người Việt Nam trước làm việc trong ngành kiểm lâm và đã nghỉ hưu.
Ông còn nói được tiếng Việt chứ các con thì không. Trong xóm có một gia đình
người Hoa tên Kim Hon rất nhiệt tình ủng hộ cán bộ Việt Nam sang công tác. Cần
giấy tờ, anh ta lo, cần mua một số hàng thông thường, anh ta sẵn sàng giúp đỡ.
Mai Ruột ở cực Nam Thái Lan, thuộc tỉnh Trat. Xóm có một con rạch chảy ngang,
nhân dân ở một bên, còn bên kia là nhà của cán bộ ta trực trạm, bề ngoài giả là
dân làm nghề đi biển. Bên trong rừng là kho chứa hàng. Lúc đầu ông Thảnh phụ
trách, sau đó đồng chí Bông Văn Dĩa thay làm trạm trưởng. Nhân dân Thái trong
xóm rất tốt. Mặc dù biết đây là kho hàng của những người cách mạng Việt Nam
nhưng bà con không tiết lộ với ai. Vì vậy, Mai Ruột là trạm trung chuyển rất
thuận tiện, hoạt động trong nhiều năm liền mà không bị lộ, không bị thất thoát.
Sau
đó, hai đồng chí đến đặt thêm một trạm nữa ở Koh Kông thuộc tỉnh Kampot của
Campuchia. Trạm Koh Kông do anh Nhơn làm trạm trưởng. Anh Nhơn là con của ông
Thảnh, nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện Phú Quốc. Về sau
đồng chí Lê Văn Một làm trạm trưởng.
Việc
mua vũ khí do đồng chí Trương Văn Kỉnh phụ trách. Ở Băng Cốc, sau khi Nhật đầu
hàng đồng minh, súng ống phân tán tràn lan, không thể nào kiểm soát nổi. Người
dân thường, những kẻ đầu cơ, những người muốn bảo vệ bản thân và gia đình,
thường có vũ khí. Một khẩu súng ngắn bán 50 bạt (đồng tiền Thái Lan). Tiền ăn
một bữa cơm thường của một người cũng có thể mua được một khẩu súng tiểu liên
Mỹ hiệu Thompson, có khi còn được cho thêm đạn.
Nhiều
người, nhiều nhóm tổ chức mua bán vũ khí trong đó có cả những người trong quân
đội. Họ thường tìm cách quan hệ gạ bán cho người Việt vì biết rằng ở Nam Bộ
đang rất cần vũ khí để đánh Pháp. Một cô bạn gái của đồng chí Nguyễn Văn Hóa
tên Tsôt Xoy, rất nhiệt tình ủng hộ, dẫn đi mua ở nhiều nhà, mỗi nhà vài ba
khẩu súng và giúp mua nhiều thứ cần thiết khác. Anh Nguyễn Văn Trọng một lần đi
trên phố bị mấy kẻ lạ mặt bắt bịt mắt dẫn đi. Còn đang hoang mang, chưa biết bọn
nào và bắt mình để làm gì thì chúng đưa anh đến một căn nhà rồi mở băng bịt mắt
ra. Anh thấy mình đang ở trong một gian phòng rộng lớn chứa đầy vũ khí. Bọn
chúng nói: Chúng tôi biết ngài là người Việt Nam và đang cần mua vũ khí. Ngài
xem, ngài cần thứ nào, số lượng bao nhiêu chúng tôi đều có thể đáp ứng đầy đủ.
Hóa
ra chúng thấy anh ăn mặc có vẻ đàng hoàng, tưởng anh cần mua vũ khí nên bắt cóc
dẫn đi giới thiệu. Thật là một kiểu mua bán không khác gì trong truyện kiếm
hiệp của Trung Quốc.
Khi
anh trả lời không có tiền và không thể mua bán kiểu như thế này được chúng mới
thả anh ra.
Bọn
lưu manh, bọn cướp giật cũng hoạt động rất mạnh. Nếu không cẩn thận có thể bị
cướp trắng tay hoặc bị lừa đảo, hàng giao không đúng theo thỏa thuận hay thiếu
những bộ phận quan trọng. Tiền bạc mang đi phải giữ bí mật, phải nghi trang và
phải có bảo vệ.
Băng
Cốc còn là nơi gián điệp của các nước hoạt động khẩn trương, tất nhiên trong đó
có cả gián điệp của Pháp, mà tập trung chú ý của chúng là những hoạt động chống
lại cuộc chiến tranh phi nghĩa của quân đội Pháp ở ba nước Đông Dương, đặc biệt
là trong cộng đồng người Việt.
Dù
vậy, việc tìm mua vũ khí và những phương tiện cần thiết cho cuộc kháng chiến
của chúng ta vẫn diễn ra liên tục, không lúc nào ngưng nghỉ.
***
Trong
khi đó, ở Quân khu 7, khu 8 và các tỉnh cũng tìm mọi cách tăng cường vũ khí
“bén” (các loại vũ khí hiện đại) cho các lực lượng vũ trang của mình.
Ngày
15-3-1946, Tỉnh ủy Bến Tre cho một trung đội do đồng chí Nguyễn Văn Tất chỉ huy
đi trên hai chiếc ghe ra Trung ương xin vũ khí. Mấy ngày sau ghe ra đến Phú
Yên, vùng do ta kiểm soát. Hai đồng chí Nguyễn Văn Tất và Trần Văn Xã phải ra
Hà Nội, xin lệnh của Bộ Quốc phòng để nhận vũ khí. Hai chiếc ghe đưa ra đậu ở
bến Cổ Lũy thuộc sông Trà Khúc của tỉnh Quãng Ngãi. Đồng chí Nguyễn Văn Tất
giới thiệu, gửi gắm hai đồng chí phụ trách hai chiếc ghe là Sáu Hân và Nhàn Râu
với tỉnh đội Quảng Ngãi.
Thời
gian này ở miền Trung rất thiếu gạo, nhân dân phải ăn độn với bắp, khoai hoặc
các loại rau củ khác. Nhiều ghe từ miền Trung vào Nam Bộ mau gạo chở ra bán
nhưng chuyến được chuyến không, có khi bị gió lớn, ghe không trở về nữa.
Trên
hai chiếc ghe của Bến Tre có khoảng 30 bao gạo và hai lu thịt heo muối. Đó là
những món hàng rất quý. Hàng ngày nhiều người ở địa phương đến đề nghị chia lại
một phần cho các đơn vị.
Hơn
một tháng chờ đợi anh Năm Tất, các anh Sáu Hân, Nhàn Râu rất nóng ruột, sợ hết
gió mùa thì phải ở chờ đến mùa gió năm sau, mất hết thời cơ đánh giặc.
Sau
khi trao đổi với địa phương, các anh cho đưa gần ba chục bao gạo và hai lu thịt
heo muối giao cho tỉnh đội Quảng Ngãi đồng thời ký mượn một số vũ khí có thể
trang bị cho một trung đội, gồm:
-
01 trung liên Bỉ.
-
10 súng trường Nga, Nhật, Pháp.
-
20 thùng đạn Nga, mỗi thùng 1.200 viên.
-
50 lựu đạn chày của quân Tưởng.
-
10 thùng mìn dẻo.
-
Một số áo quần, mùng mền cũ và sách báo.
Hai
chiếc ghe quay về Bến Tre trong tháng 4-1946.
Số
súng ít ỏi đó đã giúp cho bộ đội Bến Tre tăng thêm sức mạnh, đánh thắng nhiều
trận trong đó có trận ở cầu Bếp Lý, diệt 25 tên giặc và thu được 30 súng.
Sau
đó, đồng chí Cao Hồng Lãnh giao cho đồng chí Võ Đăng Kỳ áp tải một chiếc ghe
bầu chở súng từ cửa Hội An vào Nam Bộ. Lúc này không còn gió mùa đông bắc nên
một tháng lênh đênh trên mặt biển mà chiếc ghe chỉ mới đến Hòn Rơm thuộc tỉnh
Bình Thuận, cách thị xã Phan Thiết độ 10 cây số. Tại đây, chủ chiếc ghe bầu
được tin của các ghe từ Nam Bộ ra nói lúc này giặc Pháp tăng cường tuần tra
trên biển, bắn chìm nhiều ghe nên ông ta không chịu đi tiếp mà quay trở lại.
Đoàn áp tải không có quyền gì, nói ông ta không nghe. Trước khi đi, chủ ghe
được động viên tinh thần yêu nước nhưng chủ yếu là do nghe tin trong Nam Bộ có
nhiều gạo, vào mua đem về bán sẽ có lời nhiều. Bây giờ thấy nguy hiểm nên ông
ta sợ.
Đồng
chí Võ Đăng Kỳ đề nghị nên đợi đến gió mùa đông bắc vì ghe của ta chỉ chạy bằng
buồm, không có máy, nên dùng ghe nhỏ để chạy cho nhanh, nhất là ghe Gò Công,
Bến Tre, người và phương tiện đều là của ta mới không bị động và cơ quan nên
dời từ Quảng Ngãi vào Bình Định hoặc Phú Yên cho gần đường vào miền Nam.
Theo
phân công của Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam, đồng chí Võ Đăng Kỳ vào tìm
được một cái miếu hoang nằm trong một vườn dừa sum suê độ bốn héc ta ở xã Phước
Lý, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Nơi đây xa dân, cách vịnh Sông Cầu 100 mét và
cách quốc lộ 1 độ 100 mét, rất tiện lợi trong việc bố trí chỗ ăn ở làm việc.
Đồng chí tuyển một số người, mua hai chiếc ghe để chuẩn bị chuyển vũ khí vào
Nam.
Khoảng
tháng 6-1946, Ủy ban Kháng chiến miền Nam do đồng chí Phạm Văn Bạch làm Chủ
tịch quyết định thành lập Phòng Vận tải Nam Bộ trực thuộc Ủy ban và chỉ định
đồng chí Võ Đăng Kỳ làm trưởng phòng. Nhiệm vụ của phòng là lo mua ghe, tuyển
người và tổ chức chuyên chở vũ khí của Trung ương chi viện cho Nam Bộ bằng
đường biển. Nhiều cán bộ, chiến sĩ lần lượt được điều đến cho phòng, trong đó
có một số đồng chí vừa học xong trường lục quân Quảng Ngãi và từ Nam Bộ mới ra.
Trong
khi đó, đồng chí Nguyễn Văn Tất được Ủy ban Kháng chiến miền Nam cử đi nhận
súng đạn ở các tỉnh phía Bắc theo giới thiệu của Bộ Quốc phòng. Vũ khí ở miền
Bắc cũng không có nhiều. Các địa phương tịch thu của chính quyền cũ, tìm đào số
súng ống của quân Pháp chôn giấu khi bị Nhật đảo chính, mua lại của bọn lính
Tưởng Giới Thạch, chủ yếu là các loại chúng tước của quân Nhật.
Vì
vậy, súng ống cũng rất đa dạng, do rất nhiều nước sản xuất, dùng nhiều loại đạn
khác nhau và có nhiều khẩu bị mất một số bộ phận quan trọng.
Đến
đầu tháng 6-1945, đồng chí Năm Tất chuyển về Quảng Ngãi được hai toa xe lửa vũ
khí. Cộng với số hàng còn lại, với vũ khí ở Quảng Ngãi gồm có:
-
30 thùng đạn các loại.
-
100 súng trường Inđônêxia, Pháp, Nga, Đức...
-
26 trung liên các loại.
-
10 đại liên.
-
10 súng ngắn.
-
5 súng cối tay của Nhật.
Đến
tháng 7-1946, đồng chí Năm Tất chuyển về hai toa xe lửa nữa trong đó có các
loại đạn, súng trường, vài chục trung liên, 15 đại liên và một số vũ khí khác.
Về
sau, đồng chí còn chuyển về nhiều chuyến hàng, cho đến tháng 12-1946, khi kháng
chiến toàn quốc nổ ra, việc tiếp tế vũ khí từ Trung ương vào Nam Bộ mới chấm
dứt.
Lúc
đầu việc vận chuyển vũ khí tương đối thuận lợi. Về sau quân Tưởng Giới Thạch do
tướng Lư Hán chỉ huy nhân danh đồng minh kiểm soát súng đạn rất gắt.
Một
lần đồng chí Năm Tất được giới thiệu đi nhận một triệu viên đạn ở Vĩnh Yên. Đây
là xưởng đúc đạn lớn nhất của Pháp ở Đông Dương nắm sâu trong dãy núi Vĩnh Yên.
Xe lửa tới ga Vĩnh Yên có đường nhánh 8 cây số chạy đến tận kho đạn. Ngày trước
cứ sáu tháng quân Pháp đổi đạn một lần.
Tình
hình khẩn trương, xưởng đúc đạn chuẩn bị dời lên Việt Bắc nên sản xuất không
kịp theo yêu cầu. Đồng chí Năm Tất đề nghị cho nhận thành phẩm và cả nguyên vật
liệu như vỏ đạn, hột nổ, thuốc nổ, đầu đạn để về tự sản xuất.
Việc
nhận đạn và nguyên vật liệu không có gì khó khăn bởi vì có giấy giới thiệu của
Bộ Quốc phòng và có bức thư riêng của Bác Tôn Đức Thắng. Cái khó là làm sao vận
chuyển được an toàn. Bác Tôn góp ý là đi đường vòng để tránh các trạm gác của
quân Lư Hán.
Cuộc
vận chuyển thật gay go. Phải dùng nhiều loại phương tiện như ô tô, ghe thuyền,
người vác bộ, xe lửa đi qua nhiều đoạn và hàng trăm người giúp đỡ, khuân vác
mới đến nơi. Từ kho Vĩnh Yên, toàn bộ vũ khí được đưa lên ô tô chở đến bến Mê
Linh. Theo hợp đồng trước, tại đây đã có 200 dân quân do Ủy ban nhân dân tỉnh
Sơn Tây huy động và 60 thuyền do tỉnh Vĩnh Yên bố trí sẵn để chuyển tải từ ô tô
xuống thuyền vượt qua sông Hồng, vác bộ đến đập xả lũ sông Đáy để từ đó thuyền
của Sơn Tây chở xuôi dòng đến địa phận huyện Nho Quan. Tại đây, Ủy ban nhân dân
tỉnh Ninh Bình bố trí sẵn 300 dân quân vác bộ đến ga Ghềnh. Từ ga Ghềnh xe lửa
chở đến ga An Cựu. Từ An Cựu, 300 dân quân do Ủy ban nhân dân Thừa Thiên bố trí
vác bộ đi suốt ba ngày đường, vượt khoảng 70 cây số tới ga Truồi (phía bắc đèo
Hải Vân) đưa lên hai toa xe lửa chạy vào tới Quảng Ngãi và sau đó chạy thẳng
đến ga Diêu Trì (Quy Nhơn).
Những
chuyến vận chuyển như thế nếu không có sự ủng hộ hết sức nhiệt tình của Ủy ban
nhân dân và đồng bào các tỉnh thì chắc chắn là không thể hoàn thành một cách
tốt đẹp được.
Tất
cả vũ khí đều chở vào giao cho Phòng Vận tải Nam Bộ. Trong lúc đó Phòng Vận tải
Nam Bộ tập trung lo tuyển người, mua ghe 15-20 tấn về sửa chữa, chuẩn bị khi có
gió mùa đông bắc thì chở vào Nam. Bộ phận tiếp nhận vũ khí ở trạm trung chuyển
miền Trung còn lo kiểm tra, sửa chữa những vũ khí hư hỏng, làm thêm chân cho
các khẩu đại liên loại gắn trên máy bay để đưa vào tới nơi là có thể sử dụng
được ngay. Binh công xưởng VK50 trực thuộc Ủy ban Kháng chiến miền Nam tích cực
nạp đầu đạn và sản xuất lựu đạn cho chiến trường Nam Bộ.
Trong
số cán bộ từ trong Nam ra có anh Nguyễn Văn Hóa. Anh Hóa sinh ra tại Sài Gòn,
trong gia đình có đạo dòng Thiên Chúa. Lúc nhỏ anh học trường Ta-be ở Sài Gòn.
Năm 1931 anh vào học trường bá nghệ Sài Gòn, khoa hàng hải cận hải xa (grand
cabotage coloniale) dành cho dân thuộc địa. Ra trường anh thực tập dưới tàu
Giăng Đu-puy (Jean Dupuis) của hãng Đơ-ni Fre (Denis frères) trong thời gian 5
năm và sau đó thi thực hành. Nhờ vậy, anh rất rành đường biển miền Trung và cả
đường sang Hồng Kông.
Nam
Bộ kháng chiến nổ ra, anh Hóa gia nhập bộ đội Công chánh của Võ Đăng Kỳ, tham
gia đánh địch ở Sài Gòn một thời gian rồi rút ra Phan Thiết. Tại đây, anh bị
sốt rét phải ở lại điều trị đến tháng 5-1946 mới tự lực xin quá giang ghe buôn
đi ra Hội An. Vì không có giấy tờ chứng minh mình là bộ đội, anh bị nghi là
phần tử không tốt nên bị giải vào giam trong “cải hối thất” ở Quảng Ngãi. Nửa
tháng sau, nhân buổi xung phong đi quét chợ Quảng Ngãi, anh Hóa tình cờ gặp anh
Lộc, người bạn đã cùng chiến đấu trong đội Công chánh ở Sài Gòn và thuật lại
tình cảnh của mình. Anh Lộc về báo cáo với đồng chí Nguyễn Thanh Sơn. Anh Hóa
được lãnh ra và nhận nhiệm vụ cùng anh Hoài đi mua thuyền, tổ chức sửa chữa rồi
giao cho Phòng Vận tải Nam Bộ để vận chuyển vũ khí.
Trong
khi đó, khu 8 cũng tổ chức đi xin vũ khí. Đồng chí Trương Văn Giàu, Phó Tư lệnh
khu 8 viết báo cáo gửi Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam và cử một đoàn cán
bộ đi ra miền Trung báo cáo và xin súng do đồng chí Phạm Văn Thôi làm trưởng
đoàn. Phạm Văn Thôi quê ở Gò Công, tham gia cách mạng từ năm 1945, đang giữ
chức quyền trưởng ban tình báo khu 8, cơ quan đóng ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến
Tre. Tham mưu trưởng khu 8 Nguyễn Văn Quạn thấy Mười Thôi lanh lợi, hiểu biết
công việc và có quen nhiều người nên giao cho Mười Thôi làm trưởng đoàn. Trong
đoàn còn có các đồng chí Nguyễn Hoàng Khải, Nguyễn Văn Sĩ (sau này là thiếu
tướng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố Hồ Chí Minh), Phùng Xuân Đại
và Huỳnh Văn Cúc tức Huỳnh Thế Phương.
Đoàn
chọn hai chiếc ghe cửa chở gạo, chia làm hai toán, Thôi và Sĩ đi trên một
chiếc, còn Đại, Cúc và Khải đi một chiếc, xuất phát vào ngày 06-9-1946 tại cửa
Khâu Băng, Thạnh Phú, hẹn tập trung ở mũi Kê Gà, Phan Thiết và chờ nhau tối đa
là ba ngày.
Hành
trình của đoàn thật lắm gian lao, trở ngại.
Mười
Thôi đến Kê Gà chờ ba ngày không thấy Tám Đại đến và do máy bay địch thường
xuyên theo dõi bắn phá ngoài khơi nên Mười Thôi bỏ ghe, lên bờ nhờ Ủy ban nhân
dân tỉnh Bình Thuận giúp đỡ cho đi đường bộ.
Còn
đang chờ đợi tổ chức đường đi thì toán Tám Đại theo kịp. Chiếc ghe của Tám Đại
bị chìm, mất hết gạo nhưng may là người vẫn bình yên.
Nhưng
một trở ngại khác lại đến. Cúc bị bệnh thương hàn, không thể đi được. Vì vậy,
Mười Thôi quyết định Khải ở lại chăm sóc Cúc và sau khi lành bệnh hai người tìm
đường trở vào Sài Gòn.
Đoàn
Mười Thôi còn ba người đi bộ nhiều ngày, qua vùng chiếm đóng của địch, qua dốc
“Núi Gió”, nơi đồng chí Vũ Đức, tức Hoàng Đình Giong, nguyên Tư lệnh khu 9, bị
địch bắn chết, đến căn cứ của trung đoàn 81 đóng ở vùng đất Phan Rang giáp với
Khánh Hòa. Đoàn lại được đưa xuống Hòn Tí để tùy cơ tính toán tiếp tục cuộc
hành trình. Đoàn mua một chiếc thuyền nan thuê ba người chèo, vượt Ba Ngòi, Nha
Trang tấp vào làng Giăng, nơi do chính quyền cách mạng kiểm soát. Ở tạm nơi đây
chờ xem tình hình, đoàn bán chiếc thuyền nan, cho ba thủy thủ về. Sau đó, đoàn
lại tìm một chiếc thuyền đưa đi qua khỏi Đại Lãnh rồi lại bỏ ghe đi bộ đến Đà
Rằng và gặp được Đại đoàn 27. Đồng chí Cao Văn Khánh, Đại đoàn trưởng giúp đỡ
đoàn đi bằng ô tô ra Bình Định và từ đó lấy giấy xe lửa đi ra Quảng Ngãi gặp Ủy
ban Kháng chiến miền Nam.
Sau
đó, đồng chí Nguyễn Văn Sĩ được bố trí đi đường công khai mang tiền về Nam Bộ.
Hai đồng chí Mười Thôi, Tám Đại đi học sử dụng súng lớn ở tiểu đoàn Ba Dương
rồi được đưa về Phòng Vận tải Nam Bộ của đồng chí Võ Đăng Kỳ.
Bên
con đường phía tây, sau khi đặt các trạm trung chuyển ở Mai Ruột và Koh Kong,
hai đồng chí Dung Văn Phúc và Achar Miên trở về Băng Cốc rồi sang Battambang
góp phần xây dựng cơ sở, tổ chức mặt trận đoàn kết nhân dân Campuchia để cùng
nhau đánh đuổi quân Pháp xâm lược. Hai đồng chí mang giao cho cơ sở ở
Battambang 5 ký vàng trích trong số 25 ký từ Nam Bộ đưa sang.
Các
đồng chí Trần Văn Giàu và Dung Văn Phúc chủ trương, ngoài việc mua vũ khí
chuyên chở về còn cần tổ chức một số đơn vị bộ đội là con em của Việt kiều ở
Thái, Campuchia và Lào, huấn luyện chiến đấu tốt, trang bị mạnh đưa về Nam Bộ
chiến đấu vừa đáp ứng yêu cầu tăng cường lực lượng vũ trang chống Pháp ở trong
nước vừa thỏa mãn nguyện vọng cháy bỏng của Việt kiều muốn trực tiếp tham gia
chiến đấu vì sự nghiệp thiêng liêng giải phóng dân tộc.
Vì
vậy, tháng 6-1946 một đơn vị bộ đội được tập trung tại chiến khu Tà Om thuộc
tỉnh Battambang do đồng chí Ngô Thất Sơn huấn luyện về quân sự. Ngô Thất Sơn
nguyên là thầy giáo dạy học ở tỉnh Kompong Cham của Campuchia, cùng đi với đồng
chí Trần Văn Giàu từ Sài Gòn ra Hà Nội, được vào học trường quân chính Sơn Tây,
sang Thái Lan cùng với đồng chí Trần Văn Giàu và được đưa về làm Ủy viên quân
sự của Hội Việt kiều tỉnh Battambang. Đơn vị được đặt tên là “Bộ đội độc lập số
1” do đồng chí Huỳnh Văn Vàng làm chỉ huy trưởng, Đặng Văn Duyệt làm chính trị
viên và Ngô thất Sơn làm chỉ huy phó. Ngày 10-8-1946 “Bộ đội độc lập số 1” hành
quân theo hướng đông Biển Hồ về tham gia chiến đấu ở Tây Ninh.
Bộ
đội độc lập số 1 hành quân rồi, các lực lượng Khmer và Việt Nam còn lại trong
đó có các đồng chí Sơn Ngọc Minh, Dung Văn Phúc và bà Mê Muôn cho nghiên cứu
chiến trường, tập hợp bộ đội và bất ngờ tấn công chiếm thị xã Xiêm Riệp, làm
chủ ba ngày mới rút. Đây là cuộc tấn công chiếm thị xã duy nhất trong cuộc
kháng chiến chống Pháp của nhân dân ba nước Đông Dương. Sau đó, đồng chí Dung
Văn Phúc trở lại Băng Cốc.
Chính
phủ Thái Lan đã đồng ý cho chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt một phái
viên ở Băng Cốc. Đồng chí Nguyễn Đức Quì mang giấy giới thiệu do cụ Quyền Chủ
tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Huỳnh Thúc Kháng ký sang nhận chức phái
viên. Đây là phái viên duy nhất ở nước ngoài của chính phủ Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa lúc bấy giờ. Chúng ta đã giành được chính quyền trên cả nước, thành
lập chính phủ, ra tuyên ngôn độc lập nhưng tình hình lúc đó rất đặc biệt, các
nước xã hội chủ nghĩa thì ở quá xa Việt Nam, các thế lực của thực dân đế quốc
còn quá mạnh, chính phủ Pháp luôn luôn tuyên bố là Đông Dương thuộc Pháp nên
không có chính phủ nước nào công nhận chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Do
đó, việc chính phủ Thái Lan đồng ý cho chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt
một phái viên tại Băng Cốc là biểu hiện mối cảm tình của chính phủ và nhân dân
Thái Lan đối với cuộc chiến đấu chính nghĩa vì độc lập dân tộc của nhân dân
Việt Nam và tạo điều kiện cho hoạt động đối ngoại của Việt Nam.
Đến
đầu năm 1948, chính phủ Miến Điện đồng ý cho chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa đặt một phái đoàn đại diện chính phủ tại Răng-gun, thủ đô của Miến Điện.
Đồng chí Trần Văn Luân được cử làm trưởng phái đoàn. Tháng 5-1948, đồng chí
cùng với vợ từ Băng Cốc sang Răng-gun nhận nhiệm vụ. Từ đây, quan hệ đối ngoại
của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được mở ra với chính phủ một số nước và
các tổ chức quốc tế yêu chuộng hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.
Đồng chí Trần Văn Luân thường được chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cử đi dự
các cuộc hội nghị quốc tế.
Đồng
chí Nguyễn Đức Quì sang nhận nhiệm vụ ở Băng Cốc vào khoảng giữa năm 1946.
Trước trụ sở của phái viên thường trực treo cờ đỏ sao vàng.
Tổng
Hội Việt kiều ở Thái Lan xuất bản một tờ tin bằng tiếng Việt lấy tên là “Tin
tức Việt Nam” phát hành hàng tuần, in bằng li-tô. Trụ sở của tờ “Tin tức Việt
Nam” đặt tại số 543 đường Sỹ Lom, Băng Cốc. Trước trụ sở có treo cờ đỏ sao
vàng, quốc kỳ Việt Nam.
Chính
phủ Thái Lan không cấm đoán những hoạt động yêu nước của Việt kiều nên các mặt
công tác trong đó có việc mua vũ khí, có nhiều thuận lợi.
Bà
con Việt kiều ở Thái Lan, ngay cả những người đã nhập tịch Thái như anh Nai
Savat, bà Song Ngam và những nhà tu hành như nhà sư Bảo Ân ở chùa Thi Hòa Thi,
nhà sư Giác Mẫn ở chùa Năng Lớn, nhà sư Bích Vân ở chùa Băng Phô rất tích cực
ủng hộ những hoạt động vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân trong nước.
Nhiều người hăng hái đi tìm mua vũ khí và giúp đỡ vận chuyển. Nhà sư Bảo Ân tự
mình đi lấy mẫu đạn về cho anh em và nhiều lần đi theo xe chở vũ khí để bảo vệ
hàng được chở đến nơi đến chốn. Các chùa Thi Hòa Thi, Năng Lớn, Băng Phô là nơi
tạm trú của cán bộ từ bên nước sang và cũng là những kho tạm chứa vũ khí chờ
dịp chuyển xuống trạm Mai Ruột.
Trở
lại Băng Cốc sau trận đánh Xiêm Riệp, thấy vũ khí đã mua được nhiều, đồng chí
Dung Văn Phúc cho lấy hai chiếc ghe chở về Nam Bộ. Chiếc nhỏ trọng tải 4 tấn do
ông Nhâm phụ trách đi gần bờ, nên chạy về đến nơi an toàn. Chiếc thứ hai lớn
hơn, trọng tải đến 10 tấn do đồng chí Dung Văn Phúc phụ trách, có đồng chí Bông
Văn Dĩa cùng đi, bung ra ngoài khơi để tránh tàu địch nhưng gặp gió “đồng
chung” (tức là không có gió) ghe phải thả trôi tấp vào đảo Thổ Chu để đợi gió
đến khoảng 10 ngày. Hết gạo, anh em phải lên rừng tìm đào củ chuối nấu ăn qua
ngày. Sau đó may mắn gặp đồng bào ở Hoàn Thơm đi đánh cá cho một túi gạo tạm
sống qua cơn ngặt nghèo. Đến khi có gió, đồng chí Dung Văn Phúc cho ghe chạy
vào vàm Ông Trang thuộc xã Diên An nhờ nhân dân chuyển vũ khí lên bờ. Các đồng
chí chính ủy Hoàng Dư Khương, Khu bộ phó khu 9 Nguyễn Hùng Phước đến nhận súng
nhưng không hết. Đồng chí Dung Văn Phúc bàn với địa phương tuyển thanh niên
thành lập một đơn vị bộ đội gọi là “Cửu Long 1” với quân số khoảng một đại đội,
trang bị bằng số vũ khí mới đưa về. Đồng chí Huỳnh Thủ được giao chỉ huy bộ đội
Cửu Long 1. Số vũ khí còn lại giao cho đồng chí Lê Khắc Xương, Chủ tịch Ủy ban
Kháng chiến hành chính tỉnh Bạc Liêu thành lập một đơn vị gọi là bộ đội Bạch
Đằng.
Sau
khi về báo cáo với Xứ ủy, đồng chí Dung Văn Phúc nhận 10 ký vàng từ tay đồng
chí Lê Khắc Xương để trở sang Thái Lan tiếp tục mua vũ khí. Vì không có biên
nhận và vì đồng chí Dung Văn Phúc công tác và chiến đấu suốt mấy mươi năm trên
chiến trường Campuchia và miền Nam Việt Nam nên đồng chí Lê Khắc Xương như bị
một án treo về 10 ký vàng nói trên. Mãi đến sau khi miền Nam được giải phóng,
qua xác nhận của đồng chí Dung Văn Phúc, vấn đề 10 ký vàng do đồng chí Lê Khắc
Xương giữ mới được giải tỏa.
Đồng
chí Dung Văn Phúc trở sang Băng Cốc vào dịp Tết đầu năm 1947. Đồng chí Trần Văn
Giàu cho biết vừa từ Mã Lai về. Lực lượng kháng Nhật ở Mã Lai do Đảng Cộng sản
Mã Lai lãnh đạo tỏ ý sẵn sàng ủng hộ việc tìm kiếm vũ khí cho cách mạng Việt
Nam. Hiện ở Mã Lai vũ khí của các phe phân tán rải rác nhiều nơi. Khi quân Nhật
tấn công Mã Lai, quân Anh và người chỉ huy của họ là Mông-gô-mê-ry rút chạy,
súng ống vứt bừa bãi. Đảng Cộng sản Mã Lai tổ chức thu gom vũ khí, đứng ra tổ
chức lực lượng vũ trang chống phát xít Nhật, gọi là “Liên quân Hoa-Mã”, tức là
người Hoa và người Mã Lai tập hợp nhau lại thành lực lượng vũ trang để chiến
đấu chống quân Nhật, giành độc lập cho đất nước. Lúc này ở Mã Lai có mấy triệu
người Hoa sinh sống, được coi là người bản xứ. Liên quân Hoa-Mã thu được nhiều
vũ khí trang bị cho các đơn vị du kích để đánh Nhật.
Đến
khi Nhật Bản bại trận đầu hàng đồng minh, quân Anh trở lại tước khí giới quân
Nhật và lực lượng du kích kháng Nhật giải tán, trao vũ khí cho chúng. Hai bên
còn đang đấu tranh giằng co nhau.
Mặt
khác, các đoàn quân bại trận lúc đầu là Anh sau đó là Nhật đều có chôn giấu vũ
khí ở một số nơi để không phải tất cả đều rơi vào tay đối phương và đề phòng
khi trở lại.
Nhờ
một người bạn Thái dẫn đường, đồng chí Dung Văn Phúc cùng với hai đồng chí Trần
Văn Sáu, Nghiêm Khai Cơ lên xe lửa xuống miền Nam, đến biên giới hai nước rồi
từ đó được liên lạc của Mã Lai đưa đi. Đến Kua-la Lum-pua, thủ đô của Mã Lai,
đồng chí Dung Văn Phúc thấy lính Nhật tèm lem, dơ dáy, thất thểu ngoài đường,
không còn tề chỉnh dáng vẻ hùng hổ như ngày nào.
Liên
lạc dẫn đoàn đến một cơ quan đang đóng ở giữa thủ đô. Đồng chí Dung Văn Phúc
nhìn lên thấy tấm bảng đề: “Cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Mã Lai”. Trước trụ
sở là cờ búa liềm đang tung bay. Khi quân Nhật chiếm đóng Mã Lai, Đảng Cộng sản
Mã Lai tổ chức lực lượng vũ trang kháng Nhật. Bây giờ Nhật đầu hàng, Đảng ra
hoạt động công khai. Sau khi tìm hiểu yêu cầu của đoàn đồng chí Dung Văn Phúc,
Đảng Cộng sản Mã Lai tích cực giúp đỡ, cho người đi dò tìm nơi chôn giấu vũ khí
và gom góp từ các nơi về. Sau ba tháng hoạt động khẩn trương, Đảng Cộng sản Mã
Lai gom được khoảng 500 khẩu súng đủ loại gồm có đại liên, trung liên, tiểu
liên và súng trường giao cho đồng chí Dung Văn Phúc rồi cho thuyền chở và cử
bốn chiến sĩ áp tải về Koh Kong và Mai Ruột. Số vũ khí này được phân ra, gửi
giúp Lào một phần, Campuchia một phần, còn lại đưa về Nam Bộ.
Bốn
chiến sĩ Mã Lai đi áp tải không trở về nước mà tình nguyện ở lại cùng nhân dân
Việt Nam chiến đấu chống quân Pháp xâm lược. Bốn anh được gia nhập tiểu đoàn
Cửu Long 2 do đồng chí Dung Văn Phúc làm chỉ huy trưởng từ Thái Lan về chiến
đấu ở khu 9 Nam Bộ và đến đầu năm 1949 được điều lên chiến đấu ở Tây Nam
Campuchia.
Trong
bốn chiến sĩ quốc tế đó có một đồng chí tên Mã Lai là Chanmunboy, sinh ra và
lớn lên tại Xinh-ga-po, lúc đó còn là một bộ phận của Mã Lai, và tên Việt Nam
là Trần Văn Quang. Năm 16 tuổi, Chanmunboy tham gia phong trào học sinh sinh
viên chống phát xít Nhật. Năm sau đồng chí được kết nạp vào lực lượng vũ trang
chống Nhật. Đầu năm 1947, đồng chí là chuyên viên kỹ thuật tàu biển và tình
nguyện sung vào đoàn áp tải vũ khí giúp đỡ nhân dân Việt Nam, nhân dân
Campuchia và Lào chiến đấu chống quân xâm lược Pháp. Sau đó đồng chí tham gia
vận chuyển nhiều chuyến vũ khí từ Mai Ruột về Nam Bộ, có lần trực tiếp đụng độ
rất quyết liệt với quân Pháp và bảo vệ an toàn cho đoàn vận tải. Hiện đồng chí
Trần Văn Quang đang nghỉ hưu tại thị xã Rạch Giá tỉnh Kiên Giang.
***
Trong
khi đó, ở miền Trung, Phòng Vận tải Nam Bộ cũng tích cực lo thu gom, sửa chữa
và đóng gói sẵn các loại vũ khí, chuẩn bị ghe thuyền, người lái, người áp tải
để khi có gió thuận là bắt đầu ra khơi. Kể từ những chuyến đầu ra đi trong
những tháng cuối năm 1946 đến tháng 4-1947, Phòng Vận tải Nam Bộ tổ chức được
21 chuyến, vận chuyển khoảng 132 tấn vũ khí các loại, hàng triệu đồng tiền Đông
Dương, rất nhiều sách báo của Trung ương vào cho các khu 7, 8 và 9.
Hình... Chiếc ghe bầu đầu tiên chở vũ khí từ Phú Yên về Bến Tre
Tất
cả 21 chuyến đều về đến đích mặc dù quân Pháp cho tàu chiến, máy bay tuần tiễu
liên tục ngày đêm. Trong số vũ khí đó có súng trường các loại, tiểu liên, trung
liên, đại liên, trọng liên, súng chống tăng, đạn, lựu đạn. Số vũ khí của Trung
ương gửi cho Nam Bộ làm tăng thêm sức mạnh, tăng thêm khả năng chiến đấu của
các lực lượng vũ trang chống Pháp đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân Nam
Bộ vào cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.
Trong
số 21 chuyến đó, chuyến thứ nhất do các đồng chí Vân, Sinh, Huệ phụ trách chở
về Xuyên Mộc, chuyến thứ hai do đồng chí Ba Thời quân giới khu 7 phụ trách cũng
chở về Xuyên Mộc, chuyến thứ ba do đồng chí Đặng Văn Qua phụ trách chở về khu
7. Đồng chí Nguyễn Thị Định đi chuyến thứ tư. Nếu tính số chuyến do đồng chí Võ
Đăng Kỳ trực tiếp bố trí ghe thuyền, người chỉ huy, người áp tải... thì đây là
chuyến thứ nhất.
Đồng
chí Nguyễn Thị Định cùng đi với đoàn cán bộ Bến Tre ra báo cáo với Trung ương
rồi trở vào và được Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam điều về Phòng Vận tải
Nam Bộ ở xã Phước Lý, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Đến khi có gió mùa đông
bắc, Phòng Vận tải Nam Bộ bố trí đồng chí chỉ huy một chiếc thuyền chở vũ khí
về Nam Bộ. Cùng đi có đồng chí Hồng Phong, một cán bộ vô tuyến điện quê miền
Bắc được Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam điều vào bổ sung cho khu 8, anh
Nhung, một tài công có nhiều kinh nghiệm đi biển quê Bến Tre và 4 thủy thủ quê
Gò Công, tất cả đều thuộc người của Phòng Vận tải Nam Bộ.
Trên
thuyền chở 15 tấn vũ khí gồm súng trường các loại, tiểu liên Sten, Tôm-xơn,
trung liên và lựu đạn do binh công xưởng VTP (Võ Thành Phát) của Ủy ban Kháng
chiến miền Nam sản xuất. Trên thuyền còn chở một quả bom 125 ký và một thùng
xăng để khi đụng tàu Pháp, không còn có thể chạy thoát được thì quyết tử với
địch, dùng búa đập vào đầu trái bom cho nổ và đổ xăng ra đốt thuyền. Dù có bàn
bạc thề quyết hy sinh tất cả chứ không để cho địch chiếm lại vũ khí nhưng tất
cả mọi người được phân công đi đều rất vui vẻ, hăng hái, không chút suy tư lo
lắng. Đồng chí Nguyễn Thị Định đề nghị xuất tiền mua 40 chiếc chài cá và khoảng
50 tấm trần bằng lá buông để ngụy trang làm ghe đi buôn và sau này sẽ là phương
tiện cho cán bộ chiến sĩ ta chài cá để cải thiện đời sống, còn lá buông nếu
không dùng bán lại cũng có lời.
Trước
ngày thuyền xuất phát, các đồng chí Phạm Văn Bạch, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến
miền Nam Việt Nam, Nguyễn Thanh Sơn, Phó chủ tịch và Nguyễn Duy Khâm đại biểu
Quốc hội tỉnh Trà Vinh đang công tác tại Phòng Nam Bộ đến gặp đồng chí Nguyễn
Thị Định và đoàn thủy thủ sắp lên đường để thăm hỏi, động viên cố gắng hoàn
thành tốt chuyến đi.
Vào
một đêm tối trời cuối năm 1946, thuyền của đồng chí Nguyễn Thị Định rời bến.
Mấy ngày sau thuyền vào cửa Khâu Băng, Bến Tre an toàn.
Chuyến
đi thứ năm do đồng chí Phạm Văn Thôi phụ trách gặp gió lớn sóng to làm chìm
ghe.
Đồng
chí Phạm Văn Thôi xuất phát từ vũng Sông Cầu, tỉnh Phú Yên từ ngày 23-12-1946.
Chiếc ghe chở 17 tấn hàng gồm 60 súng trường, 3 tiểu liên Tôm-xơn, 9 trung
liên, 3 đại liên, 20 thùng lựu đạn, một quả bom quyết tử, quần áo, sách vở, và
200.000 đồng tiền Đông Dương. Cùng đi với Mười Thôi có 4 cán bộ vừa học xong
trường lục quân Quảng Ngãi và 5 người lái ghe. Theo chỉ thị, chuyến này đưa vũ
khí về tiếp tế cho khu 8.
Ghe
đi được hai ngày thì gặp sóng gió đập gẫy bánh lái. Các anh phải thả trôi và
may mắn là trôi đến gần một hòn đảo nhỏ thuộc đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Vì
chở khẩm lại gặp sóng to, nước đập mạnh liên tục nên ghe bị hở hèm, nước chảy
vào. Anh em tập trung tát nước nhưng vì chỗ hở càng lúc càng lớn, sóng dập đứng
không vững nên tát không xuể. Mười Thôi ra lệnh ném bớt đồ nặng xuống biển, chỉ
để lại vũ khí. Số tiền 200.000 đồng chia ra đựng trong hai ba lô, Mười Thôi
mang một chiếc đựng 80.000 đồng và Lan, một người bơi giỏi, mang chiếc đựng
120.000 đồng. Chiếc ghe bị sóng đánh gẫy đôi. Mọi người nhảy xuống nước bơi vào
bờ.
Sau
những giờ vật lộn với sóng biển, anh Lan bị nước cuốn đi mất tích cùng với ba
lô tiền, còn 9 người đều vào đến bờ, được chính quyền cách mạng và nhân dân
trên đảo đón tiếp, giúp đỡ rất nhiệt tình. Đồng chí Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến
tổng Phú Quý huy động hơn mười thợ lặn đến lặn tìm suốt ba ngày mới lấy được
hết vũ khí đem lên rửa chùi và tra dầu nhớt cho khỏi sét.
Sau
14 ngày tá túc trên đảo, nhờ chủ tịch đảo Phú Quý giới thiệu cho đoàn mua một
chiếc ghe mới đóng còn để trên nề với giá 12.000 đồng. Đoàn tiếp tục ra đi
nhưng vì người lái không rành đường, tấp vào Cửa Đại, nơi có đồn bốt của tên
“một On” (tức Leroy, lúc này được phong quân hàm quan một, là một tên sĩ quan
khét tiếng tàn ác của giặc Pháp đóng ở Bình Đại). Nhờ đồng bào báo tin nên đoàn
kịp thời quay ghe ra và sau đó địa phương còn cho sang bớt vũ khí qua ghe nhỏ
rồi dẫn đường vào cửa Hàm Luông, vào Rạch Cừ thuộc địa phận huyện Thạnh Phú
tỉnh Bến Tre.
Chuyến
thứ 7 do đồng chí Trần Văn Biếc phụ trách, chở 7 tấn vũ khí, 800.000 đồng tiền
Đông Dương. Ghe có gắn một máy nhỏ, khởi hành tại Sông Cầu được một ngày thì
gẫy bánh lái, phải lấy hai chiếc neo dằn hai bên rồi thả trôi lênh đênh năm
ngày ngoài biển khơi. Đến ngày thứ 6 thấy bờ, đoàn cho chạy máy vào bờ biển
Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng. Gặp lúc địch đang ruồng bố đốt nhà nên đoàn cho quay
ra chạy về mũi Cà Mau, vào sông Ông Đốc, giao hàng và tiền cho đồng chí Huỳnh
Thủ.
Chuyến
thứ 20 do đồng chí Phùng Xuân Đại phụ trách, đi trên một chiếc thuyền trọng tải
17 tấn, chở nhiều vũ khí trong đó có hai khẩu trọng liên 12,7 ly và khá nhiều
tiền. Thuyền khởi hành tại Sông Cầu vào cuối tháng 3-1947, chạy được hai ngày
đêm thì gặp giông lớn, anh em gọi là “tố Bà Lễ” phải cuốn buồm nhưng bị gãy
lái. Anh em dùng chèo thay lái thả theo chiều gió ba ngày đêm thì may vào đúng
vàm Rạch Cừ tỉnh Bến Tre. Toàn bộ hàng giao cho Ban quân nhu khu 8.
Chuyến
thứ 21 ra đi vào đầu tháng 4-1947 do đồng chí Đặng Văn Qua phụ trách, có đồng
chí Võ Đăng Kỳ cùng đi, được ba ngày đêm thì vào vàm Rạch Cừ. Đồng chí Đặng Văn
Qua đã phụ trách chuyến thứ ba, về đến nơi an toàn rồi trở ra và được giao chỉ
huy chuyến cuối cùng. Từ khi nổ ra cuộc kháng chiến toàn quốc tháng 12-1946,
nguồn hàng từ Trung ương tiếp tế cho miền Nam không còn nữa. Vì vậy, chuyến thứ
21 là chuyến chót, vét tất cả hàng còn lại để chở đi và giải tán Phòng Vận tải
Nam Bộ, sắp xếp công tác cho cán bộ nhân viên của phòng, kẻ ở lại, người vào
Nam trực tiếp tham gia chiến đấu.
Trong
khoảng 10 tháng, Phòng Vận tải Nam Bộ đã tổ chức vận chuyển được 21 chuyến vũ
khí và nhiều loại hàng khác vào cho Nam Bộ kháng chiến bằng thuyền gỗ và chạy
bằng buồm. Tất cả các chuyến đều đến nơi an toàn, không một thứ gì bị lọt vào
tay giặc mặc dù chúng có máy bay, tàu chiến hiện đại tuần tiễu suốt ngày đêm.
Cán bộ chiến sĩ Phòng Vận tải Nam Bộ từ những con người chưa từng quen sóng
nước, chưa hề biết súng đạn, chỉ quanh quẩn với cuộc sống gia đình, đã trở
thành những chiến sĩ dũng cảm, dám đương đầu với sóng to biển cả, với máy bay
tàu chiến, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp thiêng liêng của Tổ quốc. Tinh thần
anh dũng, ý chí bất khuất ấy bắt nguồn từ dòng máu nghìn đời quật khởi của dân
tộc Việt Nam đồng thời cũng do sự khéo léo khơi dậy, bồi đắp và nâng cao của Ủy
ban Kháng chiến miền Nam mà trực tiếp là Phòng Vận tải Nam Bộ.
Và
trong hơn một năm kể từ ngày nhân dân Nam Bộ tiến hành cuộc kháng chiến chống
quân xâm lược Pháp, mặc dù đang ở trong tình thế vô vàn khó khăn nguy hiểm,
miền Bắc vừa trải qua nạn đói khủng khiếp làm hơn hai triệu người thiệt mạng,
đến lúc này vẫn chưa thật sự phục hồi, quân Tưởng Giới Thạch phong tỏa, hạn chế
hoạt động của chúng ta, đang tìm mọi cách giúp đỡ bọn tay sai mưu toan lật đổ
chính phủ lâm thời còn non trẻ nhưng Trung ương vẫn hết lòng quan tâm đến Nam
Bộ, liên tục đưa quân, chuyển vũ khí, tiền bạc... những gì cuộc kháng chiến cần
và Trung ương có để đánh Pháp. Điều đó đã tạo nên một sức mạnh vật chất và tinh
thần vô cùng to lớn, giúp cho nhân dân Nam Bộ có thể chống cự được với đội quân
xâm lược nhà nghề được trang bị vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại của
thực dân Pháp và vững bước tiến lên.
Bây
giờ cuộc kháng chiến đã lan ra toàn quốc. Nguồn tiếp tế của Trung ương không
còn nữa nên Ủy ban Kháng chiến miền Nam chủ trương tìm nguồn khác ở hướng tây.
***
Đầu
tháng 01-1947, Chủ tịch Phạm Văn Bạch và Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến miền
Nam Nguyễn Thanh Sơn phân công đồng chí Trần Văn Xã đi thuyền sang Băng Cốc
mang 500.000 đồng tiền Đông Dương giao cho Tổng Hội Việt kiều Thái Lan, cụ thể
là giao cho các đồng chí Trần Văn Giàu và Nguyễn Đức Quỳ để chi phí cho công
tác ngoại giao. Ngoài ra, cùng đi có hai chiếc thuyền, một do đồng chí Trần Văn
Hoài và một do đồng chí Nguyễn Văn Thanh phụ trách. Trên thuyền của đồng chí
Trần Văn Xã có đồng chí Nguyễn Văn Hóa, người thuyền trưởng được đào tạo cơ bản
và có nhiều kinh nghiệm nhất thời bấy giờ. Sau nửa tháng lênh đênh trên biển cả
và ăn Tết giữa đại dương, thuyền của đồng chí Trần Văn Xã vào sông Mê Nam, con
sông đi về Băng Cốc. Tám Xã theo người của Tổng Hội Việt kiều lên Băng Cốc đi
đổi tiền Đông Dương ra tiền “bat” của Thái Lan và giao cho đồng chí Trần Văn
Giàu.
Thuyền
của đồng chí Trần Văn Hoài đến Hòn Khoai (mũi Cà Mau) bị gẫy bánh lái, phải thả
trôi nhưng may mắn là tấp vào vùng do ta kiểm soát. Thuyền đồng chí Nguyễn Văn
Thanh bị tàu tuần tra của Pháp chặn lại ngoài khơi, bắn gẫy cột buồm rồi kéo
thuyền về Đà Nẵng. Tất cả 25 người trên thuyền đều bị bắt giam ở khu Đông Đà
Nẵng. Bảy tháng sau, đồng chí Thanh liên lạc được với công an của ta và nhân
ngày lễ quân Pháp uống rượu say, công an đưa ba chiếc xuồng qua rước các anh
lên núi Sơn Trà. Ông lái và người phụ lái đều lớn tuổi không dám đi theo, còn
23 người ra đi an toàn lên núi và hôm sau được đưa về Tam Kỳ rồi đi gặp Ủy ban
Kháng chiến miền Nam ở Phong Niên. Lúc này Ủy ban Kháng chiến miền Nam đã về
Nam Bộ, bộ phận vận tải đường biển của Phòng liên lạc Nam Bộ sáp nhập vào Ban
Vận tải khu 6 do Nguyễn Phong Thanh và Huỳnh Thông phụ trách.
Khoảng
một tháng sau, khu 5 và Phòng liên lạc tổ chức một đoàn mang 50 ký vàng mở
đường từ khu 5 sang Thái Lan, chuẩn bị mở một đường tiếp vận mới đồng thời bổ
sung tiền bạc cho Tổng Hội Việt kiều Thái Lan. Đoàn do Trần Đại Bảo, một cán bộ
từng hoạt động với đồng chí Vũ Hữu Bỉnh ở Thái Lan, làm trưởng; đồng chí Đắc,
nguyên là đội viên đội du kích Ba Tơ, làm phó và Nguyễn Văn Thanh làm chính trị
viên. Đi theo bảo vệ đoàn có một tiểu đội trang bị vũ khí bén như tiểu liên
Tôm-xơn, các-bin và lựu đạn do binh công xưởng khu 5 sản xuất.
Dự
kiến đường đi là từ Quảng Ngãi qua ngã tư Hà Lam, Trà My, Quế Sơn, lên Trường
Sơn, leo dốc Bạc Đầu, vượt đường 14 giữa đồn Đắc Tô - Đắc Sulk, băng rừng qua
tỉnh At-tô-pơ ở Hạ Lào, băng ngang bình nguyên Bô-lô-ven, qua đường 13 bên dưới
cầu Kông-xê-đôn 2 đến bờ sông Mê Kông và vượt sông và vượt sông là thuộc địa
phận tỉnh U-bon của Thái Lan sẽ gặp Việt kiều.
Liên
lạc đưa đoàn đến đường 14, khoảng giữa đồn Đắc Tô - Đắc Suk. Từ đây đoàn phải
tự mở đường, cắt rừng nhắm hướng mà đi.
Sau
mười ngày mò mẫm, lương thực mang theo đã hết sạch mà chưa đi đến đâu. Thế là
đoàn phải bắt đầu nhịn đói mà đi. Dọc đường, phải ăn những lá cây chua chát,
chuối rừng cho đỡ đói. Thỉnh thoảng gặp suối có cá thì ném lựu đạn bắt cá ăn.
Đến trưa ngày đói thứ 11, đoàn gặp một bản người Lào ở bình nguyên Bô-lô-ven,
một bản có truyền thống chống Pháp, có người là cán bộ của bộ đội Ít-xa-la Lào.
Đoàn được dân làng đón tiếp cho ăn uống, chăm sóc rất tử tế. Sau ba ngày nghỉ
ngơi, đoàn tiếp tục lên đường, qua lộ 13, đến bờ sông Mê Kông thì bất ngờ gặp
địch đi càn. Nhờ đoàn có vũ khí bén nên sau khi nổ vài loạt tiểu liên, địch vội
vã rút lui. Đoàn qua sông gặp đại diện Tổng Hội Việt kiều Thái Lan giao đủ số
vàng mang theo.
Con
đường của đoàn đi sau này trở thành con đường tiếp liệu từ Thái Lan về khu 5.
Sau
khi nổ ra cuộc kháng chiến toàn quốc, Ủy ban Kháng chiến miền Nam đã hoàn thành
nhiệm vụ, chuẩn bị rút về Nam Bộ, kiện toàn Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam
Bộ và các cơ quan trực thuộc.
Tháng
4-1947 Phòng Vận tải Nam Bộ rút đi bằng đường biển. Cuối tháng 6-1947, tiểu đoàn
Ba Dương phối hợp với địa phương mở các trận chiến đấu ở Ninh Hòa nhằm nghi
binh thu hút địch để cho tiểu đoàn Hùng Phước bảo vệ Ủy ban Kháng chiến miền
Nam rút về Nam Bộ. Đến cuối tháng 7-1947, đoàn của Ủy ban Kháng chiến miền Nam
về tới Đồng Tháp Mười an toàn. Hai tiểu đoàn Hùng Phước, Ba Dương, binh công
xưởng VTP cũng về đến nơi theo đúng kế hoạch.
Nguyện
vọng của đồng chí Võ Đăng Kỳ là được trở về chiến đấu trên mảnh đất Sài Gòn -
Gia Định. Sau khi chuyến 21 vào Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre và
bàn giao hàng xong, các đồng chí Võ Đăng Kỳ, Đặng Văn Qua, Cao Tuấn Lộc lần
lượt về Bộ Tư lệnh khu 8 đóng ở Thiên Hộ, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho để chờ phân
công công tác.
Được
mấy hôm, Tư lệnh khu 8 Trần Văn Trà báo cho biết, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn
điện vào bảo không để đồng chí Võ Đăng Kỳ về Sài Gòn - Gia Định mà giữ lại nhận
nhiệm vụ mới.
Tháng
8-1947, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ Phạm Văn Bạch ký quyết
định thành lập “Phòng Hàng hải Nam Bộ”. Để che mắt địch, phòng lấy bí danh là
“Bộ đội Độc lập 29”.
Nhiệm
vụ của Phòng Hàng hải Nam Bộ là:
-
Thu mua và chuyên chở hàng hóa trong nước qua Thái Lan bán để lấy tiền mua vũ
khí và các loại hàng cần thiết cho cuộc kháng chiến và tổ chức vận chuyển về
nước.
-
Tạo phương tiện vận tải biển để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng lớn.
Về
sau, Phòng được giao thêm các nhiệm vụ:
-
Đưa cán bộ từ trong nước đi ra nước ngoài và đón về bảo đảm an toàn.
-
Đào tạo cán bộ ngành hàng hải nhằm phục vụ lâu dài về sau.
Phương
châm hoạt động của các tàu là hoàn toàn bí mật ở hai đầu bến ra vào. Khi ra hải
phận quốc tế có thể đi công khai ban ngày.
Cuối
tháng 8-1947, Ủy ban chính thức bổ nhiệm đồng chí Võ Đăng Kỳ làm Trưởng Phòng
Hàng hải Nam Bộ.
Như
vậy là từ việc tiếp tế, chuyên chở vũ khí ở hướng đông, trên biển đông nay
chuyển sang con đường tiếp tế, chuyên chở ở hướng tây, trên vịnh Thái Lan.
Đồng
chí Võ Đăng Kỳ, một con người lịch lãm, đã từng làm Trưởng Phòng Vận tải Nam
Bộ, có nhiều kinh nghiệm trong việc chuyên chở đường biển, đã từng tổ chức đưa
21 chuyến thuyền chở vũ khí từ Bình Định, Phú Yên vào khu 7, khu 8, khu 9 an
toàn nay được cử làm Trưởng Phòng Hàng hải Nam Bộ là hợp lý, ai cũng cho là
phải.
Nhận
nhiệm vụ mới, đồng chí Võ Đăng Kỳ bắt tay vào việc tìm kiếm cán bộ, tổ chức
phòng, lo ghe thuyền vận chuyển. Phòng Hàng hải Nam Bộ đóng ở ấp Tân Hòa, xã
Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Bạc Liêu, tại nhà ông Sáu Tửng.
Một
số cán bộ đã từng công tác chung với nhau như Phùng Xuân Đại, Phạm Văn Thôi,
Đặng Văn Qua... lần lượt được điều về Phòng Hàng hải Nam Bộ. Đồng chí Võ Đăng
Kỳ xin ý kiến các đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Trần Văn Trà rước người em là Võ
Đăng Ban, thuyền phó tàu viễn dương thương mại của Pháp và con trai là Võ Đăng
Tuấn vào công tác.
Tình
hình ở ba nước Đông Dương và Thái Lan có nhiều chuyển biến. Tháng 11-1946, Thái
Lan trả lại cho Pháp các phần lãnh thổ của Lào và Campuchia mà Pháp đã cắt
nhường cho Thái Lan sau khi thua trận năm 1940. Bốn chiến khu trong tỉnh
Battambang được giải thể. Những cán bộ, những cơ sở quan hệ chặt chẽ với cách mạng
trong thời gian qua phải rút sang Thái Lan, phần lớn ở Chantaburi, giáp với
Campuchia.
Trước
đó, sau khi “Bộ đội Độc lập số 1” từ chiến khu Tà Om, tỉnh Battambang hành quân
theo hướng đông Biển Hồ về Tây Ninh thì một đơn vị nữa được thành lập tại chiến
khu Koh Khnơi. Đơn vị có 71 cán bộ chiến sĩ, trang bị mạnh, được đồng chí Trần
Văn Giàu đặt tên là “Bộ đội Quang Trung” do đồng chí Phạm Ngọc Thuần làm chỉ
huy trưởng, Võ Hoành làm chính trị viên và Hoàng Ngọc Cừ làm chính trị viên
phó. Bộ đội Quang Trung hành quân theo hướng tây Biển Hồ từ ngày 15-11-1946 và
đến ngày 5-01-1947, về đến Châu Đốc.
Như
vậy là từ tỉnh Battambang, hai đơn vị bộ đội Việt kiều được thành lập và hành
quân về Nam Bộ tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ngoài
ra còn hai đơn vị nữa được thành lập tại các chiến khu ở Thái Lan cũng lần lượt
hành quân về khu 8 và khu 9 của Nam Bộ. Đây là hai đơn vị lớn, trang bị thật
mạnh gọi là “Chi đội Trần Phú” và “Bộ đội Cửu Long 2”.
Chi
đội Trần Phú được thành lập tại khu vực Um Kè - Nong Hỏi thuộc tỉnh Na Khon ở
Đông Bắc Thái Lan. Chi đội có 426 cán bộ chiến sĩ. Trong Ban chỉ huy có đồng
chí Trần Văn Sáu, nguyên Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh, thành viên trong
đoàn sang mua vũ khí ở Thái Lan, làm chính trị viên, đồng chí Sơn Ngọc Minh làm
cố vấn. Ngày 26-12-1946 chi đội xuất phát đi theo hướng đông Biển Hồ, về khu 8.
Tiểu
đoàn hải ngoại Cửu Long 2 thành lập ngày 16-5-1947 tại chiến khu Prak Pông
thuộc tỉnh Prachin Buri của Thái Lan. Cuối tháng 6-1947, tiểu đoàn hành quân
xuống Mai Ruột. Tiểu đoàn có 280 cán bộ chiến sĩ do đồng chí Dung Văn Phúc làm
chỉ huy trưởng, Trương Văn Kỉnh, nguyên Xứ ủy viên Nam Bộ, thành viên trong
đoàn sang mua vũ khí ở Thái Lan, làm chính trị viên và đồng chí Bông Văn Dĩa
làm chỉ huy phó. Ngày 7-11-1947, tiểu đoàn hành quân về nước và ngày 01-12-1947
đến Hà Tiên.
Khi
Pháp chuẩn bị trở lại tiếp quản tỉnh Battambang, nhiều Việt kiều di cư sang
Thái Lan trong đó có gia đình ông Phạm Thành Trinh, Chủ tịch Hội Việt kiều tỉnh
Battambang.
Năm
1940, trước khi rút khỏi Battambang, Pháp cho người đến thuyết phục ông Phạm
Thành Trinh cùng đi. Chúng hứa sẽ tìm mọi biện pháp bù đắp cho ông số ruộng đất
và tài sản bị mất. Ông không đi theo Pháp và sau đó trở thành người đứng đầu
Hội Việt kiều yêu nước ở Battambang.
Năm
1946, khi chuẩn bị trở lại quản lý tỉnh Battambang, Pháp lại cho người đến
thuyết phục ông Phạm Thành Trinh đừng di cư sang Thái Lan. Chúng hứa sẽ không
trả thù, bảo đảm giữ nguyên tài sản của ông và để ông tự do sản xuất kinh
doanh. Nhưng ông Phạm Thành Trinh không ở lại. Ông từ bỏ tất cả nhà cửa, ruộng
vườn di cư sang Thái Lan, chịu đựng cuộc sống khó khăn thiếu thốn và còn cho
người con gái, cô Phạm Thị Hồng Nhung, thoát ly trở sang chiến khu Tây Bắc
Campuchia tham gia kháng chiến chống quân xâm lược Pháp. Sau khi miền Nam được
giải phóng, có thời gian cô Phạm Thị Hồng Nhung làm Giám đốc Trung tâm y tế
quận 4, thành phố Hồ Chí Minh.
Ở
Thái Lan, các lực lượng thân phương Tây hoạt động ráo riết nhằm thay đổi chế độ
chính trị có lợi cho chúng. Khoảng tháng 8-1947, Phi-bun Song-kram, một viên
tướng lục quân do Mỹ ủng hộ, tổ chức cuộc đảo chính quân sự hòng lật đổ Thủ
tướng Luông Pri-đi. Lực lượng hải quân ở miền Nam kéo lên đánh lại lục quân của
Phi-bun Song-kram. Cuộc đảo chính bất thành. Hải quân rút về căn cứ.
Thấy
tình hình có nhiều phức tạp, Thủ tướng Pri-đi Phnom Yong xin từ chức và đề cử
Luông Thamrong làm Thủ tướng thay ông.
Ngày
08-11-1947, Phi-bun Song-kram làm cuộc đảo chính quân sự lần thứ hai. Rút kinh
nghiệm thất bại mấy tháng trước, lần này Phi-bun Song-kram chuẩn bị chu đáo
hơn. Hải quân lại kéo lên đánh nhau trong hai ngày nhưng không thắng nổi, phải
rút chạy. Một số sĩ quan hải quân Thái đưa 5-6 chiếc tàu chiến sang hải phận
Campuchia xin gia nhập lực lượng cách mạng chống Pháp, chống Mỹ. Thật là một
tình huống bất ngờ! Xứ ủy Nam Bộ chỉ thị, chỉ nhận người tị nạn chính trị chứ
không nhận tàu chiến. Mấy hôm sau, các tàu chiến nói trên cùng toàn bộ sĩ quan,
binh lính trở về căn cứ hải quân Thái Lan như cũ và không có biến cố nào xảy
ra.
Luông
Thamrong bị lật đổ, Phi-bun Song-kram lên làm thủ tướng, đi theo quỹ đạo của
Mỹ, nghiêm cấm lực lượng cách mạng của ba nước Đông Dương hoạt động trên đất
Thái, không cho Việt kiều treo cờ đỏ sao vàng và ảnh Hồ Chủ tịch trong nhà.
Việt kiều tổ chức đấu tranh bằng nhiều hình thức như phụ nữ cạo đầu, mặc đồ đen
kéo nhau đi đấu tranh đòi được treo ảnh Hồ Chủ tịch trong nhà. Đại diện của ngụy
quyền Sài Gòn tại Băng Cốc mời và ép bà con đến để nghe chúng tuyên truyền lừa
bịp. Bị nhiều sức ép, một số bà con đến nhưng ngồi quay lưng lại diễn giả làm
bọn chúng bị bẽ mặt, phải rút lui.
Phi-bun
Song-kram lên cầm quyền, một số nhân vật tiến bộ của Thái Lan bị sát hại, tình
hình ở Thái có nhiều khó khăn. Tuy vậy, Việt kiều và những lực lượng tiến bộ ở
Thái Lan vẫn tiếp tục ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ba nước
Đông Dương nhưng bây giờ hoạt động có phần kín đáo hơn.
Phòng
Hàng hải Nam Bộ đang trong quá trình tập hợp cán bộ và hình thành tổ chức.
Nhiều cán bộ đã từng tham gia công tác kháng chiến, nhất là những người thông
thạo ngành hàng hải cùng nhiều thanh niên được tuyển vào làm việc. Đồng chí
Phùng Xuân Đại được cử về Bến Tre, nơi đồng chí từng ở với cơ quan khi còn làm
việc tại Bộ Tư lệnh khu 8, để tìm cán bộ.
Sau
đó, Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ lần lượt điều về Phòng Hàng hải nhiều
người từng hoạt động ngành hàng hải như Nguyễn Ý Nết, Phan Thanh Nhã, Trần Văn
Hoài, Huỳnh Kim Ngạnh, Nguyễn Tấn Nghiêm, Nguyễn Văn Hóa, có cả kỹ sư cầu cống
Lý Văn Sâm và một số thợ máy như Dương Hữu Thạnh, Bùi Nhị, Hồ Đê, Trần Hữu
Thức, Nguyễn Ngọc Liếp...
Tháng
12-1947, sau khi đưa tiểu đoàn Cửu Long 2 về Nam Bộ bàn giao cho khu 9, đồng
chí Dung Văn Phúc được bổ nhiệm làm Phó Phòng Hàng hải Nam Bộ. Như vậy là những
cán bộ nhân viên của hai con đường tiếp tế vũ khí cho Nam Bộ ở phía đông và
phía tây được tập hợp lại làm một và chỉ còn hoạt động trên con đường đi qua
hướng tây. Một thời gian sau, khi đồng chí Dung Văn Phúc bận thường trực ở Thái
Lan, đồng chí Nguyễn Ý Nết được bổ sung làm phó phòng.
Phòng
Hàng hải Nam Bộ được tổ chức như sau:
-
Ban lãnh đạo: Trưởng phòng Võ Đăng Kỳ; hai phó phòng: Dung Văn Phúc và Nguyễn Ý
Nết.
-
Chánh văn phòng: Trần Công Phước, sau là Phạm Văn Thôi.
Dưới
phòng có hai ban:
-
Ban mậu dịch do Dung Văn Phúc làm trưởng, nằm ở Thái Lan, chuyên lo mua vũ khí
và các mặt hàng cần thiết cho kháng chiến và chuyển xuống trạm trung chuyển Mai
Ruột. Từ Băng Cốc chở hàng xuống Mai Ruột bằng thuyền do đồng chí Trần Thái Hòa
tức Ba Nhâm phụ trách.
-
Ban vận tải hàng hải do Nguyễn Ý Nết làm trưởng, Phạm Văn Thôi làm chính trị
viên và Phan Thanh Nhã làm phó. Ban đóng ở ấp Tân Hòa, xã Tân Thuận, huyện Đầm
Dơi, tỉnh Bạc Liêu.
Nhiệm
vụ của ban là vận chuyển hàng hóa từ trạm Mai Ruột qua cửa Bồ Đề về Dày Chảo và
từ đây đồng chí Nguyễn Thanh Sơn sẽ phân phối cho các nơi.
Dưới
ban có một binh công xưởng do Trần Văn Hoài làm quản đốc, Huỳnh Văn Thông làm
chính trị viên và Dương Hữu Thạnh làm phó. Binh công xưởng có vài chục công
nhân làm nhiệm vụ sửa chữa và đóng thuyền ghe để kịp thời đáp ứng nhiệm vụ
chính trị của ban.
Phòng
Hàng hải có một tổ điện đài do Huỳnh Văn Miên làm đài trưởng, Hoàng Đài là đài
phó, đồng chí Ngữ phụ trách mật mã.
Ngoài
ra, phòng còn có một số bộ phận như bộ phận nghiên cứu sông rạch biển gồm các
anh Phan Thanh Nhã, Võ Đăng Ban..., một bộ phận phụ trách huấn luyện chính trị
do Trần Hữu Liêm phụ trách.
Sau
khi được bổ nhiệm làm phó Phòng Hàng hải Nam Bộ kiêm trưởng ban mậu dịch, đồng
chí Dung Văn Phúc trở sang Thái Lan lần thứ tư trong vòng ba năm, cũng với
nhiệm vụ mua vũ khí, mua các mặt hàng thiết yếu cho kháng chiến nhưng trong một
tổ chức mới mang tính thường trực chứ không phải được giao từng chuyến, từng vụ
việc như thời gian trước.
Dung
Văn Phúc tức là nhà cách mạng lão thành Dương Quang Đông. Ông sinh ra trong năm
cuối cùng của thế kỷ trước, thế kỷ thứ 19, là một trong những hội viên Công hội
đầu tiên do Bác Tôn Đức Thắng đứng ra thành lập vào ngày 25-02-1920 tại đình
Bình Đông, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh, là một trong những đảng viên đầu
tiên, bí thư chi bộ đầu tiên của Đảng bộ Nam Kỳ. Năm 1933 ông được cử vào Xứ ủy
Nam Kỳ. Năm 1941, sau khi vượt ngục Tà Lài cùng với ông Trần Văn Giàu và một số
đồng chí khác, ông góp phần rất tích cực trong việc khôi phục 21 Tỉnh ủy ở Nam
Kỳ đã bị nhà cầm quyền thực dân Pháp khủng bố tan rã. Giữa tháng 10-1943, Hội
nghị đại biểu các Tỉnh ủy Nam Kỳ họp tại nhà ông Đốc Hoài ở Chợ Gạo tỉnh Mỹ
Tho, có mặt đại diện 11 trong 21 tỉnh ủy, đã bầu ông làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ.
Ông từ chối, đề nghị cử ông Giàu làm Bí thư. Nhưng vì ông Trần Văn Giàu không
có mặt nên hội nghị vẫn giữ ý kiến như lúc ban đầu. Ông hứa chấp hành ý kiến
của hội nghị, tạm thời giữ chức Bí thư Xứ ủy nhưng khi gặp ông Giàu sẽ trao
chức vụ Bí thư cho ông Giàu.
Hình 1 -Một số cán bộ của Phòng Hàng hải Nam Bộ.
Từ trái sang phải:
- Hàng đứng: Đặng Văn Qua, Võ Đăng Kỳ,
Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Ý Nết.
- Hàng ngồi:
Phan Thanh Nhã, Võ Đăng Ban, chị Băng Tâm (vợ đồng chí Võ Đăng Ban), kỹ sư Lý
Văn Sâm.
Tháng 4-1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, hai
người gặp nhau tại Sài Gòn và ông bàn giao chức Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ cho ông
Trần Văn Giàu, ông giữ chức Phó Bí thư.
Ông
tham gia cướp chính quyền ở Sài Gòn, sau đó tham gia một số trận đánh ở khu 9
và có một thời gian ngắn được cử làm Khu bộ trưởng khu 9, trong khi Huỳnh Phan
Hộ làm Khu bộ phó và Phan Trọng Tuệ làm Chính ủy.
Tháng
02-1946, ông được giao một nhiệm vụ có tính chiến lược cấp bách là tiếp tế vũ
khí cho Nam Bộ kháng chiến, tìm súng đạn thay cho tầm vông vạc nhọn. Từ đó, lúc
làm thuyền trưởng chở vũ khí, khi tham gia chỉ huy đánh chiếm và làm chủ thị xã
Xiêm Riệp trong ba ngày ba đêm; lúc làm ngoại giao xin hàng trăm khẩu súng và
rất nhiều đạn dược; khi chỉ huy tiểu đoàn hải ngoại Cửu Long 2 trang bị toàn vũ
khí bén hành quân về Nam Bộ chiến đấu, trên cương vị nào ông cũng hoàn thành
một cách xuất sắc.
Bây
giờ ông lại trở sang Băng Cốc. Tình hình Thái Lan không còn thuận lợi như
trước. Chính phủ Phi-bun Song-kram đi theo Mỹ, ủng hộ thực dân Pháp trở lại xâm
chiếm ba nước Đông Dương, cấm những hoạt động yêu nước của Việt kiều. Do đó,
ông phải thay đổi hình thức và phương pháp làm việc.
48
tuổi đời, 28 năm lặn lội đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng
giai cấp, từng vào tù rồi vượt ngục, từng làm nhiều nghề để vừa sinh sống vừa
hoạt động cách mạng, ông được trui rèn, thử thách và rút ra được nhiều kinh
nghiệm quý báu trong quãng đời chiến đấu đầy sóng gió của mình.
Yêu
cầu của chiến trường dần dần thay đổi. Lúc đầu rất cần súng. Nhưng bước sang
năm 1948, súng từ Trung ương đưa vào, từ Thái Lan, Mã Lai đưa sang và súng thu
được của địch qua các trận đánh đã khá dồi dào. Thứ rất cần hiện giờ là đạn, là
các loại thuốc nổ để sản xuất đạn, lựu đạn, mìn. Trong thư gửi đồng chí Nguyễn
Thanh Sơn đề ngày 25-11-1948 tướng Nguyễn Bình đề nghị quan tâm cho mua từ bên
ngoài các loại hóa chất để làm thuốc nổ, như mi-li-nít, diêm sinh... Xứ ủy cũng
chỉ thị tìm mua càng nhiều càng tốt loại phốt pho đỏ. Mặt khác, hóa chất để sản
xuất thuốc chữa bệnh, các loại máy móc như máy vô tuyến điện, dụng cụ văn phòng
cũng yêu cầu ngày càng nhiều hơn và đa dạng hơn. Nhiều loại hóa chất, máy móc
không có bán ở các cửa hàng người bản xứ, ông phải mua trong các hãng Đơ-ni
Phre (Denis Frères) và Đết-cua ê Ca-bô (Descours et Cabaud) thuộc chi nhánh
các hãng của người Pháp ở Băng Cốc.
Cách
mua hàng bây giờ phải kín đáo, khéo léo hơn, những loại cần số lượng lớn phải
mua nhiều lần, qua nhiều người để tránh sự chú ý theo dõi của địch. Hàng mua
xong tổ chức chuyển về trạm Mai Ruột tạm cất giữ.
Người
mua hàng cho Ban mậu dịch vẫn là những người đã từng quan hệ trước đây. Ngoài
anh Chín Nai Savat, nhà sư Bảo Ân và một số người lân cận, còn có bà Song Ngam
cũng ủng hộ Ban mậu dịch rất tích cực. Bà Song Ngam gốc là người Việt Nam trước
kia ở xóm Cầu Kho, Sài Gòn. Hai vợ chồng đều rất quan tâm đến vận mệnh của đất
nước. Ông tham gia hội kín của Nguyễn An Ninh. Khi Nguyễn An Ninh bị chính
quyền thực dân Pháp bắt, ông bà sang Thái lánh nạn. Chẳng may ông lâm bệnh mất.
Bà phải đi bước nữa và may mắn gặp một quan chức Thái hiền lành, đức độ, yêu bà
và yêu cả quê hương của bà. Ông tỏ ý đồng tình với cuộc đấu tranh vì độc lập tự
do của nhân dân Việt Nam.
Do
ảnh hưởng của ông bà, con trai và con rể của ông bà, dù làm đến sĩ quan cao cấp
của quân đội, cũng yêu mến quê ngoại và sẵn sàng ủng hộ những gì cần thiết.
Những
ngày đồng chí Dung Văn Phúc sang mua vũ khí, bà thường quan hệ giúp đỡ.
Trong
khi chuẩn bị cho tiểu đoàn Cửu Long 2 về nước, ngân quỹ của Tổng Hội Việt kiều
cạn kiệt, Xứ ủy Nam Bộ liền cử một đoàn cán bộ do đồng chí Trần Văn Sáu làm
trưởng, đồng chí Sơn Ngọc Minh làm cố vấn có một tiểu đội bảo vệ mang 50 ký
vàng và hai triệu đồng tiền Đông Dương sang mua vũ khí, trang bị và lo lương
thực cho tiểu đoàn. Ngày 20-7-1947, khi đến Phum Moát Prós cách chiến khu Mai
Ruột hai ngày đường thì nhân đêm tối, bọn cướp kéo đến chém chết 12 đồng chí,
cướp hết vàng, tiền, súng ống đạn dược và tất cả mọi vật dụng của đoàn. Đồng
chí Sơn Ngọc Minh bị thương, cùng ba đồng chí còn sống sót chạy sang Mai Ruột.
Đồng chí Dung Văn Phúc liền chỉ huy một trung đội sang truy lùng bọn cướp tại
Moát Prós nhưng chỉ còn hai cái mền, chiếc ba lô của đồng chí Trần Văn Sáu
trong đó có hình ảnh các trận thắng lớn ở Nam Bộ.
Tiền,
vàng không đến nơi, tiểu đoàn Cửu Long 2 vẫn gặp khó khăn. Đồng chí Huỳnh Công
Đồng, một cán bộ trung đội, được lệnh đến thương lượng mượn của bà Song Ngam
2.000 đồng bạt để mua lương thực thực phẩm cho tiểu đoàn hành quân về Nam Bộ.
Số tiền 2.000 bạt là rất lớn nhưng bà Song Ngam sẵn sàng đưa ngay, không cần
một lời hẹn trả lại.
Hình 2 -Năm 1949, chuẩn bị tiễn đồng chí Võ Đăng Kỳ (người
thứ ba từ phải sang) đi Thái Lan
Công
tác đầu tiền của Phòng Hàng hải Nam Bộ là chuyển ba trái thủy lôi của tỉnh Bạc
Liêu tăng cường cho Quân khu 8 do đồng chí Đặng Văn Qua phụ trách.
Đầu
tháng 11-1947, Phòng Hàng hải được điện của Chủ tịch Phạm Văn Bạch chuẩn bị đưa
đoàn thanh niên đi ra nước ngoài để dự Hội nghị Thanh niên Dân chủ thế giới,
họp ở Can-cút-ta, Ấn Độ.
Đồng
chí Võ Đăng Kỳ giao cho Võ Đăng Ban chuẩn bị thuyền để đi. Chủ tịch Ủy ban
Kháng chiến hành chính tỉnh Bạc Liêu cho một chiếc ghe Phú Quốc, dài khoảng 10
mét, ngang khoảng 3 mét, tải trọng khoảng 8 tấn, mũi dỏng lên, cột buồm chắc,
có gắn máy xe hơi hiệu Rơ-nôn còn chạy được. Đồng chí Võ Đăng Ban lên Quân khu
9 xin được một chiếc la bàn nước nhưng khô nước, đem về tự pha nước cất với
va-dơ-lin nhưng không dùng được, thành thử đi đường vào ban đêm chỉ nhờ có sao
Bắc Đẩu. Đoàn cũng không có hải đồ vùng vịnh Thái Lan mà phải dùng tấm bản đồ
trong quyển tự điển La Rút-xơ.
Chiều
30 Tết đầu năm 1948, thuyền tách bến tại xã Diên An, một xã nằm sát mé biển,
đối diện với Hòn Chuối.
Trên
thuyền có:
-
Võ Đăng Ban: thuyền trưởng.
-
Phạm Văn Thôi: chịu trách nhiệm mang vàng.
-
Cao Phát Thành: phiên dịch tiếng Thái, tiếng Tiều.
-
Sáu Nắng và Tư Ghế: tài công ghe buồm.
-
Tư Ngọc: máy trưởng.
Cùng
một thủy thủ và bốn thanh niên đi dự Hội nghị Thanh niên Dân chủ thế giới là
Huỳnh Kim Trương, Nguyễn Duy Cương, Nguyễn Văn Sinh và Lê Tâm.
Đây
là cái chết thứ ba đến với nhân dân Nam Bộ kháng chiến. Giặc Pháp đang tiến
hành cuộc chiến tranh xâm lược đất nước ta, nhân dân ta đang chìm trong cảnh
đau thương tang tóc thì người chiến sĩ cách mạng đâu thể ngồi yên hưởng tết. Vì
vậy, ngay trong đêm trừ tịch, đất nước đang chuẩn bị đón giao thừa, thuyền chở
đoàn vẫn rời cửa Ông Trang ra đi.
Nhờ
có gió chướng khá mạnh nên sáng hôm sau, mùng một tết, thuyền đã ra tới hải
phận quốc tế.
Ra
khơi được một ngày thì chẳng may thuyền chết máy, phải kéo buồm dự phòng chạy
tạm. Giữa biển cả mênh mông, con người chỉ là một sinh vật nhỏ bé và yếu đuối.
Chỉ một cơn gió mạnh, một luồng gió lớn là cả đoàn có thể làm mồi cho cá. Mặt
khác, nếu tàu tuần tiễu của Pháp phát hiện thì cuộc đời chiến đấu của tất cả
mọi người trên thuyền phải trải qua một bước ngoặt đớn đau. Nhưng may thay, sau
ba ngày bốn đêm lênh đênh trên mặt biển, thuyền đến được trạm Mai Ruột. Đoàn
thanh niên đi dự hội nghị được đồng chí Bông Văn Dĩa đưa lên Băng Cốc trước. Số
người còn lại nhờ Cao Phát Thành, lên bàn với Kim Hon làm giấy tờ để đi Băng
Cốc và bán các loại hàng chở sang như cá mặn, tôm khô, củ hành đỏ.
Thời
gian này ở Thái Lan bọn cướp giật hoành hành khắp nơi. Muốn cướp nhà nào chúng
đều dán giấy báo trước, đe dọa chủ nhà và ngang nhiên thách thức chính quyền
địa phương. Đi đường, nếu có đem theo vàng hoặc tiền phải ngụy trang, không cho
bọn chúng nghi ngờ mình đang mang của quý, đồng thời phải tổ chức bảo vệ mới
bảo đảm an toàn.
Một
lần, chúng dán giấy báo rằng bảy ngày sau sẽ đến đánh xóm Mai Ruột, chủ yếu
nhắm vào nhà Kim Hon vì đây là nhà giàu nhất xóm.
Chuyện
xảy ra một thời gian sau khi Mười Thôi đến Mai Ruột. Thấy có dán báo tin, Kim
Hon lo sợ vì biết rằng nhà mình là cái đích chủ yếu của chúng. Anh mời Mười
Thôi đến, nói rõ phán đoán của mình và cho biết rằng anh có một khẩu súng
trường Anh, một khẩu tiểu liên Tom-xơn, một súng hai nòng và một khẩu súng
ngắn. Anh bằng lòng giao súng cho Mười Thôi và đề nghị giúp đỡ chống lại bọn
cướp. Mặc dù không bao giờ hỏi công việc của chúng ta và chúng ta cũng không hề
tiết lộ, nhưng Kim Hon vẫn biết chắc rằng anh em chúng ta đều là những chiến sĩ
cách mạng đang tham gia kháng chiến chống Pháp.
Kim
Hon đã và đang giúp đỡ anh em rất nhiều nên khi anh gặp tai họa chúng ta không
thể làm ngơ, đồng thời không thể để nhân dân trong xóm, những con người hiền
lành chất phác và ngấm ngầm ủng hộ anh em hoạt động. Do đó Mười Thôi hứa sẽ
đánh lại bọn cướp để bảo vệ bà con dù bọn chúng có đông đến mấy cũng không sợ.
Anh cho rằng chỉ cần số vũ khí của Kim Hon, đặc biệt là khẩu tiểu liên Tôm-xơn,
cũng đủ để đánh trả bọn cướp, không cần trang bị gì thêm.
Tưởng
rằng sẽ có đổ máu và trạm trung chuyển Mai Ruột có thể bị lộ, phải di dời đi
nơi khác. Một tuần lễ đợi chờ trong hồi hộp lo âu với nhiều kế hoạch đánh trả
quyết liệt nhưng bọn cướp không đến. Có thể chúng ngại những người “đánh cá”
Việt Nam ở bên kia sông Mai Ruột.
Trở
lại chuyện Mười Thôi vừa đến Mai Ruột. Sau khi báo tin lên cơ quan của phái
viên Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Băng Cốc, Mười Thôi lấy số vàng mang
theo để vào trong một chiếc giỏ có ngụy trang rau cải, lá chuối rồi lên tàu đò.
Tàu
chạy một ngày một đêm thì đến bến sông Mê Nam, thủ đô Băng Cốc. Đã có hẹn
trước, Mười Thôi đến bến xe điện thì gặp đồng chí Đáng đang đón. Đáng là cháu
của đồng chí Tào Tỵ, Ủy viên quân sự tỉnh Bạc Liêu. Hai người lên xe điện đến
cơ quan của phái viên Chính phủ. Đồng chí Nguyễn Đức Quỳ ký nhận số vàng gửi
sang rồi giao cho Mười Thôi đem đi bán để lấy tiền “bat” chi tiêu.
Hình 3-Ở một trạm của Đoàn Vận tải xuyên tây - phụ trách chuyển vũ khí từ rừng ra biển và ngược lại.
Hình 3-Ở một trạm của Đoàn Vận tải xuyên tây - phụ trách chuyển vũ khí từ rừng ra biển và ngược lại.
Bốn
người cùng đi. Đồng chí Ba Nhâm, một người giỏi tiếng Thái, biết rành thủ đô
Băng Cốc, từng lăn lộn trong chốn giang hồ, đi trước dẫn đường. Kế đó là Mười
Thôi và phía sau là Võ Đăng Ban và Cao Phát Thành. Trên đường đi, thỉnh thoảng
Ba Nhâm quay lại nhắc Mười Thôi phải coi chừng bị cướp giật. Anh dẫn đến một
khu phố toàn là tiệm vàng, tiệm nào cũng trưng bày vàng rực rỡ. Ở đây chỉ hoạt
động đến 16 giờ. Các tiệm vàng phải đóng cửa sớm, đề phòng bọn cướp. Việc buôn
bán của Mười Thôi diễn ra suôn sẻ.
Trong
thời gian ở Băng Cốc, đồng chí Võ Đăng Ban có thời gian vận chuyển vũ khí mua
gom góp các nơi.
Một
hôm, anh Ba Nhâm lái xe đến gọi Võ Đăng Ban cùng đi. Anh Ba Nhâm nói: “Tôi đã
chuẩn bị hết. Có tấm bạt để đậy và bảng số xe phòng hờ. Đến nhà nào tôi đậu xe,
tôi canh chừng cảnh sát, còn anh vào vác súng đạn đem lên xe rồi lấy tấm bạt
đậy lại cho kỹ. Nếu có gì bất trắc, anh mở bảng số xe trước và sau, thay bảng
số xe khác”.
Xe
đến đậu trước một căn nhà. Chủ nhà ra mở cửa và chỉ chỗ để súng đạn. Võ Đăng
Ban đem ra xe, gồm: 8 cây trung liên đầu bạc, 1 trung liên đầu đen, 1 cây súng
trường Nhật và 8 thùng đạn các-bin, mỗi thùng 800 viên.
Anh
Ba Nhâm chạy xe đến ngã tư thì đèn đỏ. Anh chạy luôn. Cảnh sát thổi còi và gọi
điện thoại. Anh bảo Võ Đăng Ban bụm số xe lại. Nhưng bảng số ở đằng sau không
thể nào bụm được. Xe lại gặp đèn đỏ. Ạnh lại chạy luôn, quẹo qua mấy con đường
rồi dừng lại trước một căn nhà cửa đóng. Anh chạy vào kêu: “Chị Ba mở cửa gấp,
cảnh sát rượt”. Chị Ba chủ nhà mở cửa và đẩy chiếc bàn giữa nhà sang một bên.
Phích nước, ấm trà, ly tách đều ngã bể hết. Anh bảo chị đi kêu chồng về sơn lại
chiếc xe màu xám tro gấp.
Chị
Ba đi chừng mười phút thì chồng chị về với máy sơn và sơn. Anh thổi sơn cấp tốc
trong khoảng 20 phút thì xong rồi trở lại xưởng. Chị Ba quạt cho sơn mau khô.
Võ Đăng Ban thay hai bảng số xe trước và sau rồi ra đi đưa về nơi cất giấu an
toàn.
Đầu
tháng 6-1948, bộ phận mậu dịch ở Băng Cốc đưa anh Nguyễn Văn Bang, một Việt
kiều ở Thái Lan, hợp đồng thuê một chiếc tàu khoảng 40 tấn tên Dara Thiệp để
chở hàng về nước. Chiếc Dara Thiệp đã cũ, xì nước nên phải chạy máy bơm nước ra
liên tục. Anh Ba Nhâm đưa đoàn của Võ Đăng Ban, Phạm Văn Thôi lên tàu ở gần
cảng Băng Cốc. Cùng đi với anh Ba Nhâm có một số sĩ quan hàng hải người Thái
Lan hoa tiêu. Trên tàu có một thuyền trưởng già trên 50 tuổi, một thanh niên
làm thủy thủ lái la bàn, một máy trưởng, một thợ chấm dầu và hai người nữa. Lên
tàu xong, hoa tiêu ra lệnh mở dây cho tàu chạy.
Ra
đến cửa biển thì có một chiếc ca nô chạy ra đón hoa tiêu và anh Ba Nhâm trở vào
bờ. Trước khi xuống ca nô, anh Ba Nhâm bảo chạy đến đảo Cô Cút, anh Bảy Dĩa cho
biết phải làm gì.
Khi
tàu đến đảo Cô Cút, có ba chiếc thuyền dưới sự chỉ huy của anh Bảy Dĩa đã chờ
sẵn liền cặp mạn tàu chuyển súng đạn lên tàu. Anh máy trưởng phản ứng mạnh,
không chịu đi. Chủ tàu và một số thủy thủ trên tàu cũng không chịu. Anh Bảy Dĩa
thương lượng. Anh Mười Thôi ra lệnh phát súng cho anh em mình để đề phòng bất
trắc. Sau cùng, mọi người đều bằng lòng đi.
Trên
ba chiếc thuyền có một số Việt kiều ở Thái Lan làm nghề đánh cá, đã giúp đem
hàng từ bờ ra thuyền từ chiều hôm trước. Anh em phải đội hàng trên đầu, lội
nước đưa từ bờ ra vì nước cạn, thuyền không cặp bến được. Hàng gồm một số súng
chống tăng FIAT, 10 khẩu trung liên, một số tiểu liên, các-bin, súng trường tự
động, súng trường Anh, Nhật, mấy chục ngàn viên đạn và một số thuốc nổ TNT.
Lên
hàng xong, anh Bảy Dĩa, tức Bông Văn Dĩa, giới thiệu Võ Đăng Ban làm thuyền
trưởng chuyến đi này và từ giã anh em, xuống thuyền ra đi. Trong đoàn Võ Đăng
Ban có Phạm Văn Thôi, Tư Ghế (thủy thủ trưởng), anh Nuôi (thủy thủ), anh Ngọc
(thợ máy), anh Đáng (cháu đồng chí Tào Tỵ, Tỉnh đội trưởng tỉnh Bạc Liêu, giỏi
tiếng Thái) và anh Hoàng Duyệt, trưởng đài vô tuyến điện, phụ trách liên lạc
với Phòng Hàng hải.
Tàu
chạy được một ngày một đêm thì mưa xối xả trong gần 2 tiếng đồng hồ và gió lớn
cấp 4, cấp 5. Đang chạy, tàu bị tắt máy. Dây buộc tàu rơi xuống biển và thẳng
căng. Anh Nuôi lấy dây buộc vào eo ếch, tay cầm một chiếc dao phay lặn xuống
cắt dây quấn vào chân vịt và tàu trở lại chạy bình thường.
Mờ
sáng hôm sau tàu vào cửa Bảy Háp rồi đến Xẻo Kiến Vàng ở Cái Bác, nhờ dân quân
đưa hàng xuống xuồng nhỏ đem vào bờ. Anh Mười Thôi mượn 10 chiếc đệm để phơi
đạn, còn súng thì chở về Phòng Hàng hải để lau chùi, tra dầu mỡ.
Chuyến
vận tải thành công tốt đẹp.
Chiếc
tàu Dara Thiệp đã quá mục, nước vào tát không kịp. Các anh được phép phá đập
Cái đưa tàu qua Năm Căn tìm chỗ cho nó nằm luôn. Anh Trần Công Phước chỉ huy
phá đập đem tàu qua rồi hàn lại ngay.
Hình 4-Phòng Hàng Hải Nam Bộ chuẩn bị tổ chức đoàn cán bộ đi công tác bên Thái Lan. Từ trái qua phải:
Hình 4-Phòng Hàng Hải Nam Bộ chuẩn bị tổ chức đoàn cán bộ đi công tác bên Thái Lan. Từ trái qua phải:
- Hàng đứng: Võ Đăng Kỳ, Nguyễn Ý Nết,
Trần Văn Hoài, Phan Thanh Nhã.
- Hàng ngồi: Nguyễn Văn Hóa, Võ Đăng Ban,
Trần Hữu Liêm.
Thuê
tàu để chở vũ khí rất bất tiện vì mình không thể chủ động và có nguy cơ bị lộ
con đường vận chuyển và các trạm. Vì vậy, Phòng Hàng hải cần có những chiếc
thuyền của riêng mình.
Chiếc
thuyền của Tám Xã và Tư Hóa từ miền Trung vào đã bị mục, phải bán đi. Lúc ấy
chiếc ghe Phú Quốc tải trọng khoảng 15 tấn do từ khu 9 sang còn để đó. Đồng chí
Trần Văn Giàu lệnh cho Tư Hóa cải tạo thành một chiếc ghe chạy máy để không lệ
thuộc vào gió và đi về nhanh chóng, kịp thời tiếp tế cho chiến trường Nam Bộ.
Ông Nhâm có trách nhiệm mua máy móc, các loại vật tư cần thiết, Tư Hóa phụ
trách kỹ thuật. Các anh mua một máy Grai ma-rin (Gray marine) 225 mã lực do Mỹ
sản xuất đem ráp vào. Đây là một việc làm táo bạo. Chiếc ghe lắp máy mới lớn
hơn vào phải thay đổi một phần cấu trúc cho phù hợp. Nhưng sau một thời gian
mày mò khẩn trương, công việc lắp máy hoàn thành một cách tốt đẹp.
Ghe
lắp máy xong, anh em bốc một số vũ khí từ nhà ông Nai Thông In xuống rồi đi Mai
Ruột để tiếp tục nhận hàng. Ông Thông In còn cho hai sĩ quan đi theo hộ tống để
bảo đảm an toàn trên vùng biển của Thái Lan. Đến Mai Ruột, hai sĩ quan nói trên
lên bờ trở về Băng Cốc. Tư Hóa làm thuyền trưởng, nhận hàng ở trạm Mai Ruột gồm
một số súng đại liên, trung liên đầu bạc, tiểu liên Tôm-xơn, Sten và súng
trường. Ghe chở khoảng 12 tấn súng đạn, một trái thủy lôi, một số mặt hàng khác
và bảy thủy thủ. Trên chiếc thuyền có một máy vô tuyến điện do đồng chí Dương
phụ trách. Thuyền đi bằng la bàn và máy xác định tọa độ (Sextant) còn gọi là
máy lục phân.
Nhận
hàng xong, ghe rời bến chạy hai ngày hai đêm thì vào cửa Rạch Già, đền Dày
Chảo. Một thành công lớn! Ghe lắp máy chạy tốt, chở được nhiều hàng, đi rất
nhanh chóng và đến nơi an toàn.
Địa
phương nhận được vũ khí phấn khởi quá, làm heo quay đãi đoàn thủy thủ một bữa
thật linh đình.
Sau
đó, anh em địa phương phối hợp với một số đồng chí ở Phòng Hàng hải vác đại
liên mới đem về đến gần đồn Thái Bình, một đồn nhỏ của giặc, xổ mấy loạt đạn uy
hiếp tinh thần bọn chúng. Không ngờ, mấy hôm sau địch hoảng quá rút chạy, bỏ
đồn Thái Bình. Một vùng giải phóng nữa được mở ra.
Chiếc
thuyền do Tư Hóa làm thuyền trưởng được đặt tên là chiếc “Độc Lập”.
Nhờ
được gắn máy, chiếc Độc Lập chủ động ra khơi, không lệ thuộc vào gió, đi về rất
thuận lợi và nhanh chóng.
Từ
đây mở ra một thời kỳ dùng thuyền có gắn máy để chuyên chở vũ khí, các loại
hàng hóa và đưa đón cán bộ đi công tác. Có thể nói Phòng Hàng hải Nam Bộ đã mở
đầu cho việc cơ giới hóa ngành hàng hải của nước Việt Nam mới.
Để
đảm bảo nhiệm vụ được đề ra, Phòng tìm kiếm, tập hợp những người đã được học,
đã làm việc trong ngành hàng hải, mời về những kỹ sư, những chuyên viên, những
thợ máy tàu có kinh nghiệm, đồng thời mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ bổ sung
cho đội ngũ. Mặt khác, Phòng cũng phải chuẩn bị dự trữ nhiên liệu, các loại phụ
tùng cần thiết để cho các chiếc thuyền được cơ giới hóa có thể hoạt động liên
tục.
Một
tháng sau, chiếc Độc Lập trở lại Mai Ruột. Tư Hóa lên bộ, đi tàu đò lên Băng
Cốc làm việc rồi trở xuống Mai Ruột tiếp tục chở vũ khí. Tư Hóa điều khiển
chiếc Độc Lập chở hai chuyến vũ khí nữa thì được lệnh giao nhiệm vụ thuyền
trưởng chiếc Độc Lập cho đồng chí Phan Thanh Nhã.
Phan
Thanh Nhã gia đình gốc ở Bến Tre sau sang Trà Vinh sinh sống. Ông học trung cấp
hàng hải tại trường bá nghệ Sài gòn. Khi Phòng Hàng hải chủ trương tập hợp
những người có chuyên môn hàng hải, Nguyễn Ý Nết đưa Phan Thanh Nhã về làm
việc. Sau khi nhận chiếc Độc Lập, trong vòng hai tuần lễ, ông chạy luôn ba
chuyến chở vũ khí và các loại hàng hóa từ Mai Ruột về Dày Chảo an toàn.
Sau
đó, chiếc Độc Lập được đưa vào ụ sửa chữa và cũng để cho chiếc khác chạy vì một
chiếc đi quá nhiều lần địch sẽ chú ý.
Thay
thế chiếc Độc Lập là chiếc “Toàn Thắng” cũng gắn máy tàu, do đồng chí Huỳnh Kim
Ngạnh làm thuyền trưởng.
Huỳnh
Kim Ngạnh quê ở Mỹ Trà, Cao Lãnh, Đồng Tháp, học trường bá nghệ Sài Gòn, khóa
thuyền trưởng tàu sông. Sau khi tốt nghiệp, ông đi lính thủy thực tập một năm
rồi thi vào học khóa thuyền trưởng ven biển. Sau đó ông lái chiếc tàu mang tên
“Phú Quốc” chở hàng từ Sài Gòn đi Phú Quốc, đi Kampot của Campuchia.
Năm
1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp, ông sửa chữa chiếc “De lanessan” định đưa đi
chở hàng thì bị Nhật lấy. Ông liền trở lại lái chiếc Phú Quốc. Cách mạng tháng
Tám thắng lợi, ông được lệnh ra Côn Đảo chở tù chính trị về đất liền. Huỳnh Kim
Ngạnh chỉ huy chiếc Phú Quốc hai lần ra Côn Đảo, cùng với nhiều ghe bầu trong
đó có 18 chiếc do đồng chí Võ Đăng Ban, theo lệnh của Ủy ban cách mạng lâm thời
tập hợp đem xuống, chở hàng nghìn tù chính trị về trong đó có nhiều nhà lãnh
đạo như Bác Tôn Đức Thắng, các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng... kịp thời cung cấp
cán bộ cho cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.
Hình 5-Tàu Sông Lô ở ngoài khơi biển Khlong Dai
Khi giặc Pháp đánh chiếm tỉnh Bạc Liêu, một số cơ quan dời về bên trong Cái Tàu. Đồng chí Huỳnh Kim Ngạnh được lệnh nhận chìm chiếc Phú Quốc ở vàm Cái Tàu để ngăn chặn tàu địch, không cho vào đánh phá cơ quan của ta.
Hình 5-Tàu Sông Lô ở ngoài khơi biển Khlong Dai
Khi giặc Pháp đánh chiếm tỉnh Bạc Liêu, một số cơ quan dời về bên trong Cái Tàu. Đồng chí Huỳnh Kim Ngạnh được lệnh nhận chìm chiếc Phú Quốc ở vàm Cái Tàu để ngăn chặn tàu địch, không cho vào đánh phá cơ quan của ta.
Nhận
chìm chiếc Phú Quốc xong, Huỳnh Kim Ngạnh lên bờ lần về quê hương Mỹ Trà ở Cao
Lãnh, làm Phó chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính xã và đến cuối năm 1947
được điều về công tác tại Phòng Hàng hải Nam Bộ vì cấp trên biết khả năng của
ông về chuyên ngành và tinh thần tự nguyện chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng
dân tộc.
Chiếc
Toàn Thắng có sức chở khoảng 10 tấn. Vùng biển vịnh Thái Lan rất quen thuộc đối
với Huỳnh Kim Ngạnh. Ngày trước ông lái tàu xuôi ngược vùng này để chở hàng cho
các chủ Tây, bây giờ ông lái tàu chở vũ khí về cho nhân dân ta đánh Pháp. Huỳnh
Kim Ngạnh hai lần lái chiếc Toàn Thắng sang Mai Ruột chở hàng về Dày Chảo an
toàn, trong số hàng đó có một máy in ty pô.
Thuyền
máy đi lại nhanh chóng, chỉ hai ngày hai đêm là từ Mai Ruột về tới Dày Chảo. Vũ
khí tức thời được chuyển đến những người đang tay không chiến đấu chống quân
Pháp xâm lược, một đội quân được trang bị vũ khí và phương tiện chiến tranh
hiện đại. Vũ khí đến càng nhiều càng làm tăng thêm sức mạnh của chúng ta, càng
làm giảm bớt sự đổ máu hy sinh của cán bộ chiến sĩ trên chiến trường.
Tuy
nhiên, hai chiếc Độc Lập và Toàn Thắng có tải trọng không lớn, sức chở hàng
không nhiều nên Ban Ngoại vụ Nam Bộ muốn có tàu lớn hơn, chở được nhiều hàng
hơn.
Nguyễn
Văn Hóa giao chiếc Độc Lập cho Phan Thanh Nhã là để chuẩn bị theo ý đồ đó.
Nhưng bộ phận mậu dịch ở Thái Lan gặp khó khăn trong việc mua một chiếc tàu lớn
như vậy nên điện về báo cáo và đồng chí Võ Đăng Kỳ thân hành sang Băng Cốc để
lo liệu. Trước đó, đồng chí Nguyễn Ý Nết được đề bạt làm Phó phòng Hàng hải Nam
Bộ, vừa điều hành công việc chung vừa điều hành công việc của Ban Vận tải hàng
hải.
Sau
một thời gian tìm kiếm, Phòng Hàng hải mua được một chiếc tàu gỗ với giá
200.000 đồng bat tên là Samút Song-kram (cửa chiến tranh) dài 18 mét, ngang 4
mét, tải trọng khoảng 80 tấn, có một máy 50 mã lực, tốc độ khoảng 5 hải lý một
giờ. Nguyễn Văn Hóa mua hai máy Gray Marine, mỗi máy 225 mã lực gắn thêm vào
hai bên, nâng sức đẩy của chiếc tàu lên đến 500 mã lực với ba chân vịt. Chiếc
Samút Song-kram được đưa đến rạch Ma-ha-xay, cách thủ đô Băng Cốc khoảng 20km
để lắp thân máy. Trong vòng 15 ngày, việc gắn thêm máy hoàn tất.
Trong
lúc đó, một cán bộ kỹ thuật tên Lê Văn Kim được phái từ Việt Bắc sang Băng Cốc
để cùng lo việc mua máy móc và các loại hàng chở ra phục vụ chiến trường miền
Bắc nước ta. Cùng đi với đồng chí Lê Văn Kim có hai cán bộ vô tuyến điện, phụ
trách liên lạc với các đài có liên quan.
Lúc
này chính phủ Thái kiểm soát gắt gao hơn nên đồng chí Dung Văn Phúc cần thay
đổi hình thức hoạt động. Nhờ nhà sư Bảo Ân lo liệu, đồng chí Dung Văn Phúc nhập
quốc tịch Thái Lan lây tên là Nai Chrơn và thành lập một hãng xuất nhập khẩu
với môn bài hạng nhất tên là hãng Chrơn Pha-ních (nghĩa là Thịnh vượng) do đồng
chí làm giám đốc, trụ sở đặt tại nhà số 48 đường Lãng Luông, giữa thủ đô Băng
Cốc.
Sau
khi tu sửa xong, chiếc Samút Song-kram rời Băng Cốc xuống Mai Ruột. Trên đoạn
đường này, thuyền trưởng là người Thái. Khi đến thị trấn Khlong Dai, thuyền
trưởng và số người Thái đổ bộ xuống đất liền trở về Băng Cốc. Từ đây, Nguyễn
Văn Hóa nhận nhiệm vụ thuyền trưởng.
Chiếc
Samút Song-kram do Nguyễn Văn Hóa lái bí mật vào nhận hàng ở trạm trung chuyển
Mai Ruột rồi ra khơi xuôi về Nam Bộ, vào cửa Bồ Đề, qua Vàm Đầm và đến đậu ở
Trảng Tràm.
Tại
đây, chiếc tàu được mang tên mới. Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn đặt tên cho chiếc
tàu là “Sông Lô” và bổ nhiệm các chức vụ trên tàu như sau:
-
Thuyền trưởng: Nguyễn Văn Hóa.
-
Chính trị viên: Đặng Văn Qua (Bí thư chi bộ).
-
Thuyền phó: Phan Thanh Nhã.
-
Cố vấn: Trần Hữu Liêm.
-
Phụ trách máy nhất: Nguyễn Ngọc Liếp.
-
Phụ trách máy nhì: Bùi Nhị.
-
Phụ trách máy ba: Trần Hữu Thức.
-
Phụ trách vô tuyến điện: Lưu Kim Hoàn, Dương.
Người
chính trị viên của tàu Sông Lô vốn là một cảm tử quân ở mặt trận Cầu Kiệu, Sài
Gòn khi nổ ra cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Đầu năm 1946, anh là một thành viên
trong đoàn áp tải vàng - sau tuần lễ vàng của toàn quốc - từ Bà Rịa ra Hà Nội
rồi được vào học trường quân chính Sơn Tây khóa 7. Đặng Văn Qua từng hai lần
chỉ huy thuyền chở vũ khí - lần thứ 3 và lần thứ 21 - của Phòng Vận tải Nam Bộ
từ miền Trung vào khu 8, sau đó làm đại đội trưởng đại đội Độc lập hoạt động ở
Đồng Tháp Mười.
Tàu
Sông Lô có nhiệm vụ chở hàng ra tiếp tế cho chiến trường miền Bắc trong đó có
trên 200 máy vô tuyến điện hiệu MK2 để trang bị cho các nơi làm phương tiện
thông tin liên lạc, một số hóa chất để làm thuốc nổ và sản xuất thuốc trị bệnh,
máy móc và khoảng vài chục tấn gạo.
Hình 6-Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Ban Ngoại vụ Nam Bộ, trên tàu Sông Lô
Hình 6-Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Ban Ngoại vụ Nam Bộ, trên tàu Sông Lô
Ngày
13-8-1949 tàu Sông Lô xuất phát từ Trảng Tràm, ra cửa Bồ Đề và ra hải phận quốc
tế. Hàng ngày, tàu liên lạc bằng vô tuyến điện với Phòng Hàng hải và với Bộ
Tổng tham mưu. Đi được vài hôm tàu bị trục trặc máy nhưng anh em sửa được, tiếp
tục cuộc hành trình. Rời bến được bốn ngày, khi đến ngang Đà Nẵng thì có máy
bay thám thính của Pháp quần đảo và theo dõi tàu.
Samút
Song-kram là một chiếc tàu lớn ở Băng Cốc, có lý lịch hàng hải. Việc mua bán,
sửa chữa dù Phòng Hàng hải cố gắng giữ bí mật nhưng không qua mắt được bọn mật
thám, nhất là mật thám phương Tây. Hàng ngày tàu liên lạc bằng vô tuyến điện
với nhiều nơi đã bị giặc Pháp phát hiện, theo dõi lộ trình và tổ chức đón bắt.
Tàu
Sông Lô điện về báo cáo và được lệnh chạy vào cảng Du Lâm thuộc đảo Hải Nam của
Trung Quốc, lúc này vẫn còn nằm dưới sự kiểm soát của Quốc Dân đảng và khoảng
một tháng sau Trung Hoa lục địa mới được giải phóng. Ban chỉ huy tàu cho người
lên đảo tìm cách bắt liên lạc với du kích nhưng người dân địa phương nói họ
không biết gì cả nên đành phải hồi hộp nằm chờ. Năm hôm sau, tàu Sông Lô được
lệnh của Bộ Tổng tham mưu vào Cửa Lò. Đồng chí thuyền trưởng ra lệnh cho tàu từ
đảo Hải Nam đâm thẳng vào Cửa Lò, dự định khuya sẽ cặp bến. Đến 13 giờ, khi còn
cách bờ biển tỉnh Nghệ An độ 200 km, tức còn khoảng nửa ngày đường, thì anh em
nhìn thấy một chấm đen trước mặt. Tàu lập tức chuyển hướng nhưng lại có thêm
mấy chấm đen nữa. Nhiều tàu địch bao vây, tiến gần chiếc Sông Lô, kéo cờ ra
lệnh cho chiếc Sông Lô ngừng lại. Hai chiếc tàu Pi-mô-đăng (Pimodan) và Am-mi-ô
Đanh-vin (Amyot d’ Inville) tiến lại gần Sông Lô nổ súng bắt đầu hàng. Khi hai
chiếc tàu của Pháp còn cách khoảng 100 mét, Nguyễn Văn Hóa ra lệnh cho đồng chí
Võ Thống Nhất, tức Tư Ghế đổ hai phuy xăng xuống sàn tàu. Hộp quẹt vừa bật lên,
một tiếng nổ phát ra dữ dội và lửa trùm lên cả chiếc tàu. Tư Ghế lăn lộn trong
lửa trên sàn tàu. Tất cả anh em đều bị sức nổ ném xuống biển. Chiếc Sông Lô từ
từ chìm xuống đáy biển.
Quân
Pháp thả ca nô xuống vớt 21 người, trong đó có 8 người bị cháy phỏng. Trong số
người bị cháy phỏng có thuyền trưởng, chính trị viên và đồng chí Trần Hữu Thức,
máy trưởng máy ba. Anh Thức bị cháy hết bàn chân trái, bàn chân quăn queo, chỉ
còn ngón chân cái.
Pháp
đưa 13 người không bị thương về Sài gòn để điều tra khai thác, còn 8 người bị
cháy phỏng thì đưa vào chữa trị tại bệnh viện hải quân Pháp ở Hải Phòng. Tại
đây, tên thuyền trưởng người Pháp Pha-ra-ven (Faravel) đến gặp Nguyễn Văn Hóa.
Hai người quen nhau từ lâu trong các vũ trường ở Sài Gòn. Pha-ra-ven thường nhờ
Tư Hóa mua rượu Péc-nô (Pernod) Hồng Kông vì tàu của Tư Hóa thường đến Hồng
Kông và rượu Péc-nô sản xuất tại đây có độ cồn cao, rất hợp khẩu vị của hắn. Pha-ra-ven
cho Tư Hóa biết, việc mua tàu và liên lạc bằng vô tuyến điện của tàu Sông Lô
rất lộ liễu, quân Pháp theo dõi chặt chẽ lộ trình, bố trí nhiều tàu chiến bao
vây nên chiếc Sông Lô không thể nào chạy thoát được.
Việc
đó một phần cũng do thiếu hiểu biết của ta. Chúng ta biết rằng quân Pháp có thể
bắt được làn sóng điện của mình nhưng không hiểu rằng chúng có rất nhiều cách
giải mã, có máy định vị, có thể xác định máy phát sóng của chúng ta nằm ở vị
trí nào.
Gần
một tháng sau, quân Pháp đưa tám anh ở bệnh viện Hải Phòng vào Sài Gòn. Một số
anh em bị đánh đập chịu không nổi khai ra căn cứ của Phòng Hàng hải.
Trong
khi đó, anh em ở căn cứ không hay biết gì về chiếc Sông Lô bị nạn, anh em trên
tàu bị địch bắt nên vẫn làm việc bình thường.
Khoảng
giữa tháng 9-1949, quân Pháp chia làm hai đoàn bất ngờ tấn công vào Dày Chảo và
Vàm Đầm.
Đội
tuần tiễu của Bộ đội lưu động 29 do đồng chí Trần Công Phước chỉ huy đi công
tác ở Năm Căn nên không có lực lượng nào chống lại. Anh em phải rút vào rừng.
Đoàn
quân Pháp vào Dày Chảo kéo chiếc Độc Lập đang nằm ụ để sửa chữa, phá xưởng, lấy
một chiếc máy nổ và một số dụng cụ.
Đoàn
vào Vàm Đầm kéo hai chiếc “Như Ý” và “Dân Chủ” là hai chiếc thuyền dùng để
chuyển hàng từ tàu lên bờ và ngược lại. Nhưng khi kéo đến giữa Vàm Đầm và ngã
ba Tam Giang thì nước vào nhiều nên chúng cởi dây bỏ lại.
Khoảng
mười ngày sau, tướng Đờ-La-Tua, Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở miền Nam Đông
Dương gọi các anh Nguyễn Văn Hóa, Phan Thanh Nhã và Nguyễn Văn Trọng lên gặp
chúng. Trọng chỉ là người quá tàu Sông Lô ra miền Bắc học tập chứ không có
nhiệm vụ gì. Đờ-La-Tua cho biết chúng sẽ thả các anh và khuyên các anh nên ở
lại Sài Gòn vì nếu trở ra chiến khu, theo lời hắn “Việt Minh sẽ bắn bỏ các
anh”.
Ba
người được thả. Nguyễn Văn Hóa liền tranh thủ đến thăm các anh còn bị giam ở
trại Phú Lâm. 15 ngày sau, quân Pháp lần lượt thả tất cả các anh trên tàu Sông
Lô bị bắt. Có lẽ chúng cho rằng các anh không còn gì để khai thác nữa.
Hình 7-Trong phòng làm việc của Ban mậu dịch ở Thái Lan
Một
thời gian không lâu sau, trừ Nguyễn Văn Trọng ở lại Sài Gòn chữa bệnh, còn 20
anh em lần lượt trở ra chiến khu, tìm về đơn vị cũ. Các anh được Ban Ngoại vụ
Nam Bộ cử đi công tác do Phòng Hàng hải quản lý. Các anh làm đúng công việc
được giao, chấp hành đúng mệnh lệnh, đi đúng lộ trình nhưng chẳng may gặp địch
ở giữa biển khơi. Chiếc tàu cây nhỏ bé của các anh không thể chống chọi nổi với
các chiến hạm bằng sắt to lớn của địch. Các anh quyết định hủy tàu để hàng hóa
không lọt vào tay giặc. Hủy tàu giữa biển cả cũng có nghĩa là hủy thân mình.
Các anh không hề tính toán. Nhưng rồi bị địch bắt và được thả ra. Các anh tất
phải quay về nơi mà từ đó các anh được lênh ra đi.
Nhưng
đơn vị cũ không còn. Các cán bộ chiến sĩ tàu Sông Lô và một số người thuộc
Phòng Hàng hải Nam Bộ như phó phòng Nguyễn Ý Nết, thuyền trưởng Huỳnh Kim
Ngạnh... được tập trung về Ban trồng tỉa số 10 và một số đơn vị do công an Nam
Bộ quản lý.
Đời
là thế! Cuộc chiến đấu một mất một còn giữa ta và địch là thế, muôn hình vạn
trạng. Quân Pháp có sức mạnh của một con cọp và sự quỷ quyệt của một con cáo.
Chúng đánh ta bằng những vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại đồng thời
dùng đủ âm mưu thủ đoạn xảo trá hòng mua chuộc, bôi lem, ly gián, cài gián
điệp... để thu lượm tin tức, tổ chức đánh phá nhằm làm suy yếu lực lượng chúng
ta. Do đó, cách mạng phải cảnh giác, không thể nào khác được. Nhiều chiến sĩ
của chúng ta phải hưởng đủ hương vị ngọt bùi cay đắng trong quãng đời chiến đấu
của mình, có khi cái hương vị đắng cay kéo dài suốt nhiều năm liền. Nhưng các
anh đã dám xả thân vì nước, dám chết cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thì dù
cay đắng đến đâu cũng vẫn chịu đựng được.
Nguyễn
Ý Nết, Phó Phòng Hàng hải, người không liên quan gì đến việc mua tàu ở Băng
Cốc, không đi theo tàu Sông Lô, cũng phải về Sở Công an Nam Bộ ngồi kiểm điểm
một năm. Ông đã từng tham gia phong trào thanh niên tiền phong, tham gia cướp
chính quyền tại huyện Mỏ Cày trong dịp Cách mạng tháng Tám rồi làm Ủy viên quân
sự huyện, từng tham gia lãnh đạo Phòng Hàng hải, bây giờ đi làm nò bắt cá tự
túc cho cơ quan, làm liên lạc chèo ghe đưa cán bộ đi công tác dù đã 38 tuổi
đời.
Không
phải bị “Việt Minh bắn bỏ” như tên tướng Đờ-La-Tua tác động nhưng nhiều anh
phải ở Ban trồng tỉa số 10 suốt bốn năm trời, cho đến khi đình chiến tập kết ra
Bắc.
Sau
khi tàu Sông Lô bị nạn, Phòng Hàng hải Nam Bộ giải thể, một số cán bộ đi nhận
nhiệm vụ khác, một số về Ban trồng tỉa số 10. Riêng Ban mậu dịch vẫn giữ nguyên
từ nhiệm vụ đến con người. Đồng chí Võ Đăng Kỳ về làm Trưởng Phòng kinh tài của
Ban Ngoại vụ, sau làm công tác kinh tài của Ủy ban dân tộc giải phóng Trung
ương Campuchia.
***
Phòng
Hàng hải Nam Bộ là một tổ chức vận tải đường biển bằng cơ giới đầu tiên trong
thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ. Trong hơn hai năm hoạt động, Phòng tổ
chức sản xuất, thu mua hàng chục tấn tôm khô và một số mặt hàng khác như vi cá,
khô mặn, tiêu, củ hành đỏ... đưa sang bán ở Thái Lan và mua chở về hàng trăm
tấn vũ khí và nhiều vật liệu, phương tiện rất cần cho cuộc kháng chiến đầy
thiếu thốn và gian khổ ở Nam Bộ, đồng thời đưa đón nhiều cán bộ, trong đó có cả
cán bộ cao cấp đi công tác vào Nam ra Bắc.
Công
việc của Phòng là tổ chức một đường dây thường trực thu mua và vận chuyển vũ
khí và các mặt hàng cần thiết từ Thái Lan về Nam Bộ thay cho những lần đi mang
tính chất từng chuyến trước đây do đồng chí Dung Văn Phúc phụ trách. Nguồn tiếp
tế của Phòng mua về góp phần làm tăng thêm sức mạnh cho nhân dân Nam Bộ trong
cuộc chiến đấu chống lại một đội quân nhà nghề thiện chiến của thực dân xâm
lược Pháp.
Phòng
Hàng hải Nam Bộ tập hợp và đào tạo được nhiều cán bộ tài năng thuộc ngành hàng
hải, phục vụ tốt yêu cầu trước mắt đồng thời đáp ứng một phần rất lớn cán bộ
đầu não chuyên ngành sau khi cuộc kháng chiến giành được thắng lợi. Tuy Phòng
Hàng hải giải thể nhưng về sau nhiều cán bộ vẫn tiếp tục theo đuổi công tác
chuyên ngành, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng ngành hàng hải của đất
nước.
***
Phòng
Hàng hải giải thể nhưng công việc tiếp tế từ hướng tây vẫn không chấm dứt. Ban
mậu dịch vẫn do đồng chí Dung Văn Phúc phụ trách, chỉ có điều bây giờ không còn
cấp trung gian nữa mà do Ban Ngoại vụ trực tiếp chỉ đạo. Hãng xuất nhập khẩu
Chrơn Pha-ních vẫn hoạt động nhưng kín đáo hơn, cẩn thận hơn vì chính phủ Thái
Lan ngày càng khăng khít hơn với các chính phủ Mỹ và Pháp, kiểm soát chặt chẽ hơn
và khủng bố những hoạt động yêu nước của Việt kiều. Hàng hóa sau khi mua xong,
phần lớn được bí mật tổ chức chuyển thẳng về tạm cất giữ tại trạm trung chuyển
Mai Ruột. Tình hình ngày càng căng thẳng, nhiều tổ chức của Việt kiều bị khủng
bố, nhưng trạm Mai Ruột vẫn hoạt động bình thường nhờ anh em bảo đảm được bí
mật và nhân dân ở đây rất tốt, tuy biết khá rõ hoạt động của ta nhưng không hề
tiết lộ ra bên ngoài và cũng không báo cho chính quyền biết. Quận trưởng, lính
bảo an thỉnh thoảng vẫn đến tuần tra, có khi lưu lại một hai ngày ở Mai Ruột
nhưng không nắm được gì về hoạt động của ta.
Hình 8-Đoàn cán bộ Ban Ngoại vụ trên đường xuyên tây. Có voi giúp chuyên chở
Tháng
9-1949, trong khi đang ở Băng Cốc bàn việc thống nhất lãnh đạo cuộc kháng chiến
chống quân xâm lược Pháp trên toàn quốc Campuchia và củng cố Ban mậu dịch ở
Thái Lan, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng Ban Ngoại vụ Nam Bộ và là Bí thư
Ban cán sự lâm thời toàn Miên, điện về điều năm đồng chí: Phạm Văn Thôi, Phùng
Xuân Đại, Võ Đăng Ban, Hồ Đê và Vương Hữu Thạnh mang vàng sang Thái Lan để tiếp
tục mua hàng.
Khi
đoàn đi đến Kompong Tamung thì gặp đoàn đồng chí Nguyễn Thanh Sơn trở về, đưa
theo một số cán bộ ở chiến trường phía Bắc Campuchia như các đồng chí Phạm Văn
Xô, Vũ Hữu Bỉnh... để tăng cường sự lãnh đạo chung. Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn
cho biết, tình hình có nhiều thay đổi, giặc Pháp tăng cường tuần tiễu vùng biển
vịnh Thái Lan nên chúng ta cần củng cố hành lang phía tây của tỉnh Kampot, giữ
vững và mở rộng vùng giải phóng đồng thời kiện toàn con đường vận tải xuyên
tây. Các đồng chí Võ Đăng Ban, Hồ Đê và Vương Hữu Thạnh tiếp tục lên đường sang
Băng Cốc, còn hai đồng chí Phạm Văn Thôi và Phùng Xuân Đại ở lại. Đồng chí Phạm
Văn Thôi được bổ nhiệm làm chính trị viên Bộ đội 545, đồng chí Phùng Xuân Đại
làm cán bộ của đơn vị, phụ trách công tác vận tải xuyên tây.
Bộ
đội 545 được thành lập từ đầu năm 1948 với nhiệm vụ bảo vệ căn cứ địa của Tây
Nam Campuchia. Đến tháng 3-1948, đơn vị được mang tên là Bộ đội 545 do đồng chí
Trần Háo Hiếu làm chỉ huy trưởng, chuyển sang hoạt động trên địa bàn vùng Tây
Kampot.
Ban
Vận tải hàng hải không còn nhưng việc vận chuyển vẫn phải tiếp tục. Một tổ chức
khác ra đời lấy tên là Ban Vận tải xuyên tây do đồng chí Lê Tấn Phát làm chỉ
huy trưởng, Lại Công Tạc làm chính trị viên và Hồ Minh Sứ làm chỉ huy phó. Về
sau bổ sung thêm Trần Công Phước và Lưu Thanh Giang làm Ủy viên.
Ban
Vận tải xuyên tây trực tiếp chịu sự chỉ đạo của Ban Ngoại vụ. Bộ phận lãnh đạo
của Ban Vận tải xuyên tây đóng ở Kongpong Tamung thuộc tỉnh Kampot của
Campuchia. Khác với thời kỳ đầu của Phòng Hàng hải Nam Bộ, lúc này phong trào
cách mạng của Campuchia đã phát triển khá mạnh, vùng giải phóng được mở ra
nhiều nơi, cơ sở cách mạng được xây dựng khắp các tỉnh, huyện, xã, nhất là ở
vùng rừng núi, có thể làm chỗ dựa vững chắc cho việc xây dựng kho tàng, tổ chức
đường dây vận chuyển hàng hóa. Nhiệm vụ của Ban Vận tải là chở hàng từ Mai Ruột
về Ba Hòn, Hà Tiên, không chở về Dày Chảo nữa vì căn cứ đó đã bị lộ, tàu của
Pháp thường tuần tiễu ngoài khơi và về núi Trầu gần hơn. Từ đây hàng hóa không
còn đi một lèo từ Mai Ruột về Nam Bộ mà phải qua nhiều trạm, có đoạn đi bằng
thuyền, có đoạn đi bộ bằng nhiều cách như vác, xe bò chở, voi thồ.
Tùy
theo tình hình, có trạm đóng ở một nơi cố định, lâu dài nhưng cũng có trạm phải
thay đổi, do đó cung đường và cách vận chuyển cũng thay đổi.
Lúc
đầu, hàng từ Mai Ruột được chở đi Koh Kong bằng thuyền. Cung đường này do đồng
chí Lê Văn Một phụ trách. Rồi từ Koh Kong đi Kompong Tamung cũng bằng thuyền do
một bộ phận của Ban Vận tải xuyên tây phụ trách. Tại Kompong Tamung, hàng được
dỡ lên kho tạm bên rạch Tamung rồi dùng xe bò chở đến kho ở chân núi Tà-lơn. Kế
đó dùng voi thồ qua núi và tổ chức đưa về Hà Tiên. Cung đường này do đồng chí
Phùng Xuân Đại phụ trách, có hai cỗ xe bò và 18 thớt voi. Đàn voi là của dân
cho ta mượn. Bà con rất sẵn sàng cho cách mạng mượn voi để chở hàng và cho quản
tượng đi theo điều khiển. Khi không dùng thì đưa trả lại cho bà con.
Các
cung đường thủy, mỗi nơi có 4-5 chiếc ghe loại 5 tấn, khi có gió thì chạy buồm,
khi không có gió thì bốn người chèo. Gần bờ biển có nhiều rạng đá, thuyền buồm
nhỏ dễ dàng lách đi. Nếu tàu địch phát hiện chúng cũng không dám đuổi vì sợ va
vào đá và mắc cạn. Dọc theo đường có nhiều điểm dân cư trong đó có khá đông
Việt kiều như Trapeng Rơ-bâu, Prek Thnot, Lục Sơn... Nếu muốn tránh địch thì
ghé vào các xóm trên, bà con sẵn sàng che chở.
Đến
năm 1951, không dùng voi thồ qua núi Tà Lơn nữa mà chuyển đi con đường khác. Từ
Koh Kong dùng ghe chở đến Ske Prou rồi dùng xe bò chở đi Tà Pâu (cầu sắt) và từ
đây dùng ghe chở về Hà Tiên.
Thời
kỳ Phòng Hàng hải, chỉ một lần lên hàng ở Mai Ruột rồi dùng ghe có gắn máy chạy
hai ngày hai đêm là đến Dày Chảo xuống hàng, vừa nhanh chóng vừa đỡ cực nhọc.
Bây giờ, do tình hình ngày càng khó khăn, địch luôn luôn theo dõi, phong tỏa,
đánh phá nên vừa len lỏi chạy dọc theo bờ biển, vừa dựa vào rừng núi, chia ra
nhiều cung đường, có nhiều trạm, nhiều kho, phải bốn lần lên hàng, bốn lần
xuống hàng mới đến nơi, có khi còn phải vác bộ trên đoạn đường ba bốn chụ ki lô
mét vất vả vô cùng.
Có
lần, đồng chí Trương Toàn Phát, một cán bộ của Ban Ngoại vụ được giao điều 10
con voi đi chở vũ khí từ trạm Hỉn Đạt về. Đàn voi đang chở nặng, trong đêm mưa
gió giữa rừng già, một con voi bị một con rắn lớn cắn chết. Các anh phải chia
hàng ra cho 9 con còn lại chở về đến nơi.
Khoảng
đầu năm 1950, bọn lính ngụy Chăng-tơ-răng-xây kết hợp với quân Pháp liên tiếp
hành quân đánh phá vùng giải phóng, uy hiếp con đường vận tải bộ và các kho
hàng. Bộ Tư lệnh quân đội Việt Nam và Ít-xa-rắc ở Campuchia điều bộ đội Achar
Mau do đồng chí Nguyễn Tấn Sĩ làm chỉ huy trưởng vừa từ miền Đông Nam sang phối
hợp với bộ đội 245 do đồng chí Trịnh Văn Nghĩa chỉ huy hành quân đến Hỉn Đạt để
mang vũ khí về. Hai đơn vị khuân vác trên 400 khẩu súng gồm trung liên, tiểu
liên, các-bin và súng trường, mỗi người vác hai ba khẩu từ Hỉn Đạt hành quân
trên 10 ngày qua núi Tà-lơn về Lơ-bớc thuộc tỉnh Kampot. Số vũ khí này một phần
để lại cho Campuchia, còn phần lớn Ban Vận tải xuyên tây đưa về Nam Bộ.
Trong
các chuyến vận chuyển đường thủy, có hai chuyến do hai đồng chí Khinh và Đôn
làm thuyền trưởng bị tàu Pháp phát hiện đuổi theo bắn chìm. Tuy vũ khí bị chìm
xuống đáy biển nhưng các thủy thủ đều bơi vào bờ và được nhân dân che chở an
toàn. Ngoài ra còn có một số lần chúng ném bom, bắn phá trúng các kho hàng trên
đất liền nhưng thiệt hại không lớn.
Con
đường vận tải xuyên tây nằm hoàn toàn trên địa bàn của phân khu Tây Kampot,
được phân khu ủng hộ mọi mặt như giáo dục nhân dân giữ gìn bí mật, thuyết phục
bà con cho mượn voi, trâu bò và xe để chuyên chở hàng, bố trí các lực lượng vũ
trang bảo vệ nên về sau Ban Vận tải xuyên tây được giải thể, công tác vận tải
xuyên tây giao cho Ban cán sự phân khu Tây Kampot quản lý và Ban cán sự phân
công đồng chí Phùng Xuân Đại phụ trách.
Tùy
theo yêu cầu của công việc mà các trạm, các cung đường bố trí người.
Có
thời gian, đồng chí Trần Mạnh Thắng được cử phụ trách trạm Hỉn Đạt. Đồng chí là
chiến sĩ tham gia công tác ở Hạ Lào, từng xung phong bơi dưới nước vượt sông Mê
Kông, đoạn có nhiều cá sấu và từng có người bị chúng ăn thịt, để liên lạc với
bên Thái đề nghị tiếp tế lương thực và vũ khí trong lúc đơn vị đã bị cạn kiệt.
Khi vượt gần đến bờ bên kia, đồng chí bị một con cá sấu lớn tấn công. Trần Mạnh
Thắng hai tay cầm dao găm, hai chân đạp đất phóng lên đâm vào lồng ngực con cá
sấu làm nó bị thương nặng và đồng chí thoát được lên bờ sau khi bị cái đuôi nó
quật trúng làm đồng chí choáng váng.
Sau
đó Trần Mạnh Thắng được điều về công tác ở tiểu đoàn hải ngoại Cửu Long 2.
Tháng 11-1947, trên đường hành quân về nước, tiểu đoàn đụng độ với lính Pháp và
Ma Rốc ở sông Giang Thành, gần biên giới Việt Nam - Campuchia. Đồng chí bị
thương và bị địch bắt giải về đồn Ton Hon rồi đưa đi Phnom Penh và sau đó đem
giam trong khám nhà binh thuộc trung đoàn Cọp Rằn đóng ở Battambang.
Sau
gần một năm rưỡi bị giam cầm, ngày 20-5-1949, lợi dụng tên lính gác sơ hở trong
khi bắt đồng chí bơm nước lên lầu, đồng chí chạy trốn về hướng biên giới Thái,
được đồng bào giúp đỡ và nhờ mưu trí dũng cảm, đồng chí sang được Thái Lan và
gặp lại đồng chí Dung Văn Phúc, người thủ trưởng cũ của mình. Sau đó, Trần Mạnh
Thắng được đưa về phụ trách đoạn đường vận tải từ Hỉn Đạt đến A-đon (Sre
Umbêl).
Qua
lời kể của đồng chí Phạm Thành Lưu ở trạm Hỉn Đạt, Koh Kong cũng có thể hình
dung được phần nào sự gian khổ anh chị em phải trải qua. Đơn vị các anh là một
trung đội của Ban Vận tải xuyên tây gồm những anh em từ miền Nam lên. Cuối
tháng 11-1949, các anh đến Kompong Tamung, đảm nhận việc vác hàng từ đây đến
kho ở chân núi Tà-lơn. Mỗi người phải vác 20 ký hàng, không kể súng đạn và đồ
dùng của cá nhân. Mấy tháng liền các anh vận chuyển hàng như thế, người nào đôi
vai cũng sưng vù, đôi chân thì rã rời, áo quần bị mồ hôi và cây rừng cào rách
tả tơi. Ăn uống thì mỗi người mang theo hai cái lon, một cái để nấu cơm cho cá
nhân, một cái để nấu thức ăn, chủ yếu là nấu nước cho sôi, bỏ một ít me và muối
vào làm canh chua chan cơm ăn.
Khổ
cực quá, có anh khóc than số phận, không được trực tiếp đánh giặc mà phải chịu
cực khổ thế này. Có người định trốn tìm một đơn vị khác hoặc về nước. Nhưng rồi
được giải thích về nhiệm vụ của từng đơn vị, từng người trong từng hoàn cảnh và
vinh quang của người chiến sĩ chiến đấu vì sự nghiệp thiêng liêng của dân tộc
nên anh em ổn định tư tưởng, tích cực làm tròn nhiệm vụ của mình. Có anh còn
cải tiến cách khuân vách, làm sao mang được nhiều hàng mà đỡ vất vả, đỡ mệt
hơn.
Rồi
Phạm Thành Lưu và một số đồng chí được điều lên Hỉn Đạt phụ trách chuyển hàng
đi Đôn Tức, trên một cung đường khoảng 40 ki lô mét. Nhờ có 7 chiếc xe và 21
con trâu nên việc vận chuyển đỡ vất vả hơn.
Có
thời gian hơn một năm, đồng chí được giao vào trông coi 4 cái kho ở trong rừng
sâu, mỗi kho cách nhau ba bốn ki lô mét. Đồng chí một mình ở trong một chòi lá
cất trên một nhánh cây vẻ to lớn, cách mặt đất khoảng năm mét để tránh thú dữ.
Hàng ngày, đồng chí phải đi kiểm tra các kho, đề phòng heo rừng, chuột hoặc các
loại thú cắn phá. Một đêm, có một con cọp lần đến kho bị lựu đạn gài banh xác.
Hàng tháng có một người mang gạo, muối, mắm ruốc đến tiếp tế rồi trở ra. Hơn
một năm ít nói chuyện, khi được trở lại đơn vị đồng chí phát hoảng lên vì lưỡi
mình đã hơi cứng, phát âm không nhanh và không chuẩn xác như trước.
Đơn
vị của đồng chí gọi là C 333 do các đồng chí Trần Công Phước, Lê Văn Một phụ
trách.
Giặc
Pháp thấy được tầm quan trọng của đường vận tải xuyên tây nên cho tàu chiến,
máy bay tuần tra liên tục và thỉnh thoảng mở những cuộc hành quân càn quét,
đồng thời cho máy bay đánh phá kho tàng của ta. Một lần chúng ném bom trúng kho
làm đồng chí Lưu cháy phỏng.
Bị
giặc phong tỏa, lương thực thực phẩm tiếp tế ngày càng khó, đơn vị từ 57 đồng
chí, chuyển đi nơi khác bớt, chỉ còn 22 đồng chí mà cũng không có gạo ăn, phải
ăn củ nừng độn, làm cho anh em nhiều khi bị say vì chưa ngâm xả kỹ.
Trước
tình thế khó khăn đó, chi bộ cử hai đồng chí Phạm Thành Lưu và Nguyễn Văn Y ra
mượn 8 công ruộng của dân để làm lúa. Vụ đầu lúa trúng, anh chị em có đủ gạo
ăn. Hai đồng chí Lưu và Y lên phá rừng làm thêm bốn công nữa, vừa trồng lúa vừa
trồng các loại bắp, khoai mì, dưa, đậu, rau nên cuộc sống của anh chị em được
khá hơn hẳn.
Tiến
thêm một bước, đơn vị cho mua một chiếc ghe, một giàng lưới và giao cho một tổ
năm đồng chí do Phạm Thành Lưu phụ trách. Mỗi buổi chiều, khi mặt trời sắp lặn
và không thấy tàu địch, anh em ra khơi đánh cá đến hừng sáng mới về xẻ phơi khô
rồi đưa lên Băng Cốc bán. Nhờ vậy, đời sống của anh chị em được cải thiện
nhiều.
Đơn
vị 333 tồn tại đến đình chiến. Tháng 9-1954, phái đoàn của Ủy ban liên hiệp
đình chiến đến Koh Kong rước anh chị em tập trung về Phnom Pênh để đi tập kết.
***
Ở
Băng Cốc, hãng Chrơn Pha-ních vẫn hoạt động nhưng dần dần bị nhà cầm quyền để
ý. Đồng chí Dung Văn Phúc vẫn có quan hệ tốt với bạn bè người Việt cũng như
người Thái trong đó có hai sĩ quan công an là đại úy Sa Vĩnh và trung úy Kô
Vít.
Một
ngày đầu năm 1951, vợ của đại úy Sa Vĩnh đến cho đồng chí Dung Văn Phúc biết là
sẽ có lệnh xét nhà. Vì vậy cần phải dọn dẹp sạch sẽ, đừng có hàng hóa hoặc vật
gì bất hợp pháp. Vợ của Kô Vít cũng đến cho biết như vậy.
Đúng
như tin báo, sáng ngày 11-3-1951, tên thiếu úy công an mang lệnh đến xét nhà.
Chúng không tìm thấy hàng hóa bất hợp pháp, chỉ tìm được một lá cờ đỏ sao vàng
do một anh trong hãng giấu không kỹ. Chúng nói đó là tang vật chứng tỏ hãng
Chrơn Pha-ních thân cộng sản Việt Minh. Chúng mời đồng chí Dung Văn Phúc về sở
công an để hỏi cung.
Đồng
chí Dung Văn Phúc nói rằng cờ là biểu tượng của một quốc gia, người ta thường
treo trước cơ quan. Vì vậy không thể cho đó là tang vật bất hợp pháp được.
Chúng cho tống giam đồng chí.
Một
tuần sau, chúng đưa đồng chí ra hỏi cung. Một tên nói:
-
Cửa hàng của ông là một cửa hàng giả danh để buôn đồ lậu quốc tế.
Đồng
chí Phúc trả lời:
-
Cửa hàng chúng tôi buôn bán hợp pháp. Bằng chứng là các ông khám xét nhưng
chẳng thấy một món đồ lậu nào cả.
-
Ông đem giấu hết rồi, đâu còn mà gặp.
-
Làm sao tôi biết được mà đem giấu?
-
Tại sao trong hãng của ông có lá cờ Việt Minh?
-
Tôi là người gốc Việt Nam. Tôi yêu mến chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đang
lãnh đạo nhân dân đấu tranh để giành độc lập cho đất nước mình.
-
Ông có mua súng đạn và các loại thuốc nổ không?
-
Không.
-
Ông có mua hàng của các hãng Đơ-ni Phre và Đết-cua ê Ca-bô không?
-
Không.
-
Luông Prađi có giúp súng đạn cho các ông không?
-
Không. Tôi không quen biết ông ấy.
Chúng
bắt đồng chí ký cung nhưng đồng chí không ký và nói:
-
Khi nào ông Prađi và các hãng của Pháp ký tên xác nhận rằng tôi đã có nhận
hàng, mua hàng thì tôi mới ký.
Chúng
đưa đồng chí vào phòng tra tấn, chỉ các dụng cụ tra tấn hỏi đồng chí sợ thứ
nào. Đồng chí trả lời là không sợ vì mình là người làm ăn buôn bán hợp pháp.
Chúng dẫn đồng chí đến chỗ sợi dây thòng lọng, đút dây vào cổ và hỏi có sợ
không? Vẫn trả lời là không sợ. Bỗng tên Mỹ hất hàm ra hiệu. Chúng liền đem
đồng chí trở lại phòng giam.
Khoảng
ba tháng sau, một tên sĩ quan đến cho biết Thủ tướng ra lệnh trục xuất đồng chí
rồi thả đồng chí ra.
Mấy
tháng sau, vợ đại úy Sa Vĩnh đến cho biết chính quyền sẽ trục xuất đồng chí
Dung Văn Phúc, không thể nào thay đổi được. Bà hỏi đồng chí muốn trục xuất về
đâu để làm giấy tờ. Đồng chí Phúc trả lời là muốn về Campuchia, đi qua Koh
Kong.
Theo
lệnh của nhà cầm quyền Thái Lan, trung úy Cô Vít giải đồng chí Dung Văn Phúc
đến trình bót Khlong Dai rồi cho qua Koh Kong.
Nhờ
cảm tình của các sĩ quan công an Thái Lan, việc trục xuất đồng chí Dung Văn
Phúc chẳng khác nào thả hổ về rừng. Người chiến sĩ cách mạng từng ngang dọc
sông nước, từng chỉ huy các lực lượng vũ trang đánh thắng những đơn vị thiện
chiến của giặc Pháp, vì nhiệm vụ phải ngồi trong văn phòng của hãng xuất nhập
khẩu Chrơn Pha-ních, bây giờ lại được trở về với đơn vị, với núi rừng để tiếp
tục cuộc chiến đấu đầy gian khổ nhưng cũng hết sức vẻ vang của dân tộc.
Vừa
về tới Kampot, đồng chí được bổ sung ngay vào Ban Cán sự Phân khu Tây Kampot.
Sau đó, đồng chí được đi học lớp Trường Chinh khóa III rồi trở về bổ sung làm
Ủy viên Ban Cán sự miền Tây Nam Campuchia kiêm Bí thư Phân khu Tây Kampot.
Sau
hội nghị Giơ-ne-vơ 1954, đồng chí được bố trí ở lại miền Nam công tác. Đồng chí
đã góp phần rất lớn trong việc xây dựng đường Hồ Chí Minh trên biển, chuyên chở
vũ khí từ miền Bắc vào tiếp tế cho nhân dân miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm
lược.
Khi
thành lập Câu lạc bộ hưu trí thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí được cử làm Chủ
nhiệm. Tuổi đã quá một trăm nhưng đồng chí vẫn khỏe, trí óc vẫn minh mẫn và rất
nhiệt tình đóng góp ý kiến nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ
nghĩa, một chế độ mà ông đã trên 80 năm cống hiến.
Sau
khi đòng chí Dung Văn Phúc bị trục xuất, hangx Chrơn Pha-ních cũng ngưng hoạt
động. Tuy nhiên, công việc mua hàng tiếp tế cho cuộc kháng chiến chống Pháp vẫn
tiếp tục nhưng với quy mô nhỏ hơn và hoạt động được giữ gìn kín đáo hơn.
Quân
Pháp bị thất bại nặng nề ở Điện Biên Phủ và thua trên khắp các chiến trường mặc
dù đã được Mỹ viện trợ rất lớn về tiền bạc, về vũ khí và phương tiện chiến
tranh hiện đại nên buộc lòng chính phủ Pháp phải ký kết hiệp định Giơ-ne-vơ
chấm dứt chiến sự ở Đông Dương, công nhận độc lập, chủ quyền của nhân dân ba
nước Việt Nam, Campuchia và Lào và rút quân về nước.
***
Nước
Việt Nam có trên ba ngàn ki lô mét bờ biển nên chiến tranh vừa chấm dứt thì
công việc hàng hải lập tức mở ra, những người có chuyên ngành hàng hải liền
được mời tới.
Người
được gọi đầu tiên là nguyên Phó Phòng Hàng hải Nam Bộ Nguyễn Ý Nết. Ông được Bí
thư huyện ủy Tắc Vân Võ Văn Kiệt giao nhiệm vụ tổ chức đo cửa sông Ông Đốc để
tàu Ba Lan vào đón cán bộ đi tập kết ra Bắc. Ý Nết phải xác định tàu nên đậu
chỗ nào để không quá xa trong việc thuyền đưa người ra tàu mà cũng không để cho
tàu bị mắc cạn. Công việc diễn ra suôn sẻ. Các đồng chí Nguyễn Văn Hóa, Trần
Văn Hoài là cán bộ ở tổ liên hiệp đình chiến, lo việc đưa bộ đội ta từ Xuyên
Mộc xuống Thị Vải, đi tàu há mồm để lên tàu lớn của Pháp đậu ở Vũng Tàu và ra
Thanh Hóa. Đồng chí Võ Đăng Ban làm sĩ quan liên lạc của Ủy ban Liên hiệp Đình
chiến lo công tác chuyển quân vùng Cà Mau. Sau đó các anh tập kết ra Bắc.
Tháng
5-1955 Pháp rút khỏi Hải Phòng. Ta cử người đến tiếp quản. Đồng chí Kiều Công
Quế được cử làm Giám đốc cảng Hải Phòng, đồng chí Trần Hữu Liêm, nguyên cố vấn
tàu Sông Lô làm Phó giám đốc. Nhiều đồng chí ở Phòng Hàng hải Nam Bộ ngày trước
được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Kỹ sư Lý Văn Sâm phụ trách kỹ thuật, đồng
chí Nguyễn Văn Hóa là Trưởng ty cảng vụ hoa tiêu hải đăng, hai đồng chí Nguyễn Ý
Nết và Phan Thanh Nhã làm Phó ty, đồng chí Lê Văn Một làm Giám đốc phân cảng
Cẩm Phả, sau đó đồng chí Huỳnh Kim Ngạnh thay làm Giám đốc, đồng chí Võ Đăng
Ban làm Giám đốc phân cảng Hòn Gai...
Khi
rút khỏi cảng Hải Phòng, trả về cho người Việt Nam quản lý, người Pháp nói rằng
ít nhất một năm nữa cảng mới hoạt động được vì khi rút, họ mang theo tất cả hồ
sơ về cảng nhằm làm cho chúng ta có mắt như mù, không biết đâu là luồng lạch để
đưa tàu ra vào.
Ngày
13-5-1955 Pháp rút khỏi cảng Hải Phòng. Đúng một tuần sau, ngày 20-5-1955 chúng
cho hai chiếc tàu 10.000 tấn và 8.000 tấn chở đồng bào miền Bắc trở về xin nhập
cảng. Chúng muốn làm bẽ mặt người Việt Nam vì đinh ninh rằng chúng ta chẳng có
hoa tiêu, chẳng có bản đồ cửa cảng nên nhất định không thể dẫn tàu vào được và
rồi phải đề nghị van nài chúng giúp đỡ.
Thật
ra lãnh đạo của ta cũng lo, không biết cán bộ mình có đủ khả năng dẫn tàu lớn
cập bến an toàn không. Đây không chỉ là uy tín, là thể diện của một bến cảng mà
còn là thể diện của quốc gia, của nước Việt Nam vừa mới đánh thắng giặc Pháp
xâm lược.
Nhưng
sau khi nhận được điện xin nhập cảng Hải Phòng, ta liền cho một chiếc tàu nhỏ
chở hai cán bộ ra, lên hai chiếc tàu của Pháp. Người ta thấy hai người mặc quần
áo Ka-ki xanh, đầu đội mũ cối giống như một chiến sĩ Vệ quốc đoàn chứ không
giống như một hoa tiêu chút nào cả. Người chỉ huy tàu còn đang ngơ ngác thì một
giọng nói tiếng Pháp rành rẽ được cất lên:
-
Tôi là hoa tiêu được lệnh dẫn tàu các ông vào cập cảng.
Rồi
với những khẩu lệnh chuyên môn hàng hải bằng tiếng Pháp rất chuẩn xác, các anh
ra lệnh cho tàu nhổ neo tiến vào cảng.
Hai
hoa tiêu đó chính là hai cán bộ của Phòng Hàng hải Nam Bộ năm xưa: Nguyễn Văn
Hóa và Nguyễn Ý Nết.
Trước
khi ra dẫn tàu, lãnh đạo mời Nguyễn Văn Hóa đến hỏi:
-
Các anh có bảo đảm dẫn tàu vào cập bến an toàn không?
Hóa
trả lời nhẹ nhàng nhưng với một giọng chắc chắn:
-
Chúng tôi xin bảo đảm.
-
Đây là hai chiếc tàu rất lớn, đến 10.000 tấn.
-
Không hề gì. Chúng sẽ được đưa vào an toàn.
Trong
một tuần lễ tiếp quản cảng, các anh đã tự lực đi đo đạc luồng lạch, tuy bằng
phương pháp thủ công nhưng khá chính xác, có thể tin tưởng được.
Nguyễn
Văn Hóa dẫn chiếc Va-lê-ry (Valléry) 10.000 tấn đi trước, Nguyễn Ý Nết dẫn
chiếc Véc-nong (Vernon) 8.000 tấn theo sau vào cập cảng an toàn trước con mắt
vô cùng ngạc nhiên của tất cả mọi người.
Ngày
hôm sau các anh dẫn hai chiếc tàu ấy trở ra.
Thành
tích tuyệt vời đó làm cho uy tín của hoa tiêu Việt Nam bắt đầu bay xa. Từ đó,
các anh thường xuyên dẫn tàu của nhiều nước như Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan...
ra vào cảng an toàn.
Năm
1960, Nguyễn Văn Hóa được bổ nhiệm làm Trưởng Ty Đăng kiểm của Trung ương đóng
ở Hải Phòng. Sau đó, đồng chí Sửu thay cho anh trở lại nghề hoa tiêu.
Tháng
01-1975, đúng 60 tuổi, anh được cho nghỉ chế độ để làm thủ tục về hưu. Nhưng số
phận anh còn gắn bó lâu dài với ngành hàng hải. Tháng 4-1975, Cục phó Cục Đường
biển Đặng Văn Qua, người chính trị viên tàu Sông Lô năm xưa, đến mời anh vào
Nam tiếp tục công tác. Anh xuống tàu Đồng Nai vào đến Sài Gòn ngày 10-5-1975.
Từ đó, anh làm hoa tiêu ở các cảng Sài Gòn, Cần Thơ đến năm 1992, tức 77 tuổi
mới nghỉ hưu. Chiếc tàu cuối cùng anh dẫn đi là chiếc tàu khách sạn 10.000 tấn
của Thái Lan, từ Vũng Tàu theo cửa Định An lên đến Phnom Pênh, thủ đô của
Campuchia.
Nguyễn
Văn Hóa thuộc gia đình đạo dòng Thiên Chúa giáo. Anh rất hăng hái tham gia
chiến đấu chống quân Pháp xâm lược, một lòng đi theo Đảng vì sự nghiệp giải
phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, dù khó khăn gian khổ đến mấy cũng
phấn đấu vượt qua, lúc nào cũng lạc quan tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng,
tin tưởng vào tiền đồ tươi sáng của dân tộc. Trong cuộc đời chiến đấu của mình,
không may hai lần bị giam giữ, bị quản thúc nhưng anh không hề phàn nàn, không
hề tỏ vẻ bi quan mà luôn hiểu rằng khách quan là như thế, sự gian khổ của mình
đang đi cùng gian khổ của dân tộc. Con người ta, không có gì vinh quang bằng hy
sinh cho Tổ quốc.
Nguyễn
Ý Nết có thời gian làm thuyền trưởng tàu Hữu Nghị 800 tấn của Trung Quốc và
sang phục vụ trên tàu Hữu Nghị trên một năm. Sau khi miền Nam được giải phóng,
anh được trưng dụng làm hoa tiêu rồi làm cán bộ kỹ thuật đến 80 tuổi mới nghỉ
hưu.
Nhiều
anh em ở Phòng Hàng hải vẫn tiếp tục theo ngành và lần lượt được giao những
công việc quan trọng.
Đồng
chí Trần Văn Hoài, nguyên quản đốc binh công xưởng của Phòng Hàng hải được cử
làm thuyền trưởng tàu Hòa Bình 800 tấn do Ba Lan đóng và Trung Quốc mua tặng
Việt Nam.
Kỹ
sư Lý Văn Sâm phụ trách kỹ thuật ở cảng Hải Phòng rồi về làm công trình sư Bộ
Giao thông Vận tải, sau là Cục trưởng đầu tiên của Cục Đường thủy Bộ Giao thông
Vận tải.
Đồng
chí Phan Thanh Nhã, nguyên thuyền trưởng tàu Độc Lập tập kết ra Hải Phòng làm
Phó Ty cảng vụ hoa tiêu hải đăng, sau là Phó giám đốc Công ty Vận tải biển
Sovosco.
Đồng
chí Huỳnh Kim Ngạnh, nguyên thuyền trưởng tàu Toàn Thắng tập kết ra tiếp quản
cảng Cửa Ông, làm Phó giám đốc cảng Cửa Ông kiêm Trưởng Ty Cảng vụ hoa tiêu và
sau này là Cục phó Cục Đường sông.
Đồng
chí Đặng Văn Qua, nguyên chính trị viên tàu Sông Lô tập kết ra Bắc làm thuyền
trưởng các tàu quốc doanh vận tải, đi học Trường Đại học Hàng hải quốc gia Ba
Lan (trường Gơ-đy-níc), đi thực tập thuyền trưởng viễn dương trên các tàu Ba
Lan trên các tuyến của cả năm châu bốn biển rồi làm Cục phó Cục Đường biển kiêm
thuyền trưởng viễn dương, đưa tàu Hồng Hà mở luồng đầu tiên sang Nhật, qua eo
biển Đài Loan, mua và đưa tàu khách Thống Nhất từ Đức về Hải Phòng, tham gia
phá thủy lôi của Mỹ ở vịnh Hạ Long, sau giải phóng miền Nam là Phó Tổng Cục
trưởng Tổng cục Đường biển kiêm Giám đốc Công ty Vận tải biển Sovosco.
Đồng
chí Võ Đăng Ban vẫn theo đuổi với nghề, khi tập kết ra Bắc, tham gia tiếp quản
cảng Hải Phòng, làm hoa tiêu ở các cảng Hải Phòng, Hòn Gai, Cẩm Phả, có thời
gian làm Cảng trưởng kiêm hoa tiêu cảng Hòn Gai; các năm 1974-1975 làm PHó giám
đốc Trường Hàng hải T3 và năm 1976 làm Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật nghiệp vụ
đường biển thuộc Cục Đường biển.
Đồng
chí Võ Đăng Cao làm Phó giám đốc Công ty Vitaco, tức Công ty Xăng dầu thuộc Bộ
Giao thông Vận tải.
Đồng
chí Nguyễn Thanh Phong, nguyên là y tá của Phòng Hàng hải, sau giải phóng miền
Nam là Phó trưởng Ty Y tế tỉnh Bình Dương.
Đồng
chí Dương Hữu Thanh nguyên là cán bộ máy tàu sau là Chi cục trưởng Chi cục Đăng
kiểm số 6.
Đồng
chí Bùi Nhị, nguyên là máy trưởng máy số 2 tàu Sông Lô sau này là Phó giám đốc
kỹ thuật Công ty 202 đường sông.
Đồng
chí Trần Hữu Thức, nguyên máy trưởng máy số 3 tàu Sông Lô, bị cháy hư hết bàn
chân trái trong vụ hủy tàu, sau giải phóng là Phó trưởng Ty Giao thông Vận tải
tỉnh Minh Hải.
Đồng
chí Trần Công Phước, nguyên Trưởng văn phòng Phòng Hàng hải sau làm Phó giám
đốc Công ty vận tải Chiến Thắng, chuyên vận tải xăng dầu ở Hải Phòng.
Đồng
chí Nguyễn Văn Tòng, nguyên là cán bộ máy, sau này là Phó giám đốc xưởng đóng
tàu Đồng Tiến của Bộ Thủy sản.
Đồng
chí Hồ Đê, nguyên là cán bộ máy, sau này là Ủy viên Tổng Liên đoàn Lao động
Việt Nam đóng ở phía Nam.
Đồng
chí Phạm Văn Thôi, nguyên chính trị viên Ban Vận tải hàng hải, được chuyển làm
chính trị viên Bộ đội 545 rồi làm Bí thư huyện ủy, Bí thư Ban cán sự vùng Tây
Kampot, sau giải phóng là chuyên viên văn phòng Phủ Thủ tướng ở phía Nam, công
tác tại Ban Cải tạo công thương nghiệp Trung ương.
Đồng
chí Đặng Văn Hai, nguyên là cán bộ vận tải trên đường từ Mai Ruột về Nam Bộ,
được Phòng Hàng hải cử đi học lớp báo vụ, sau này là Chủ nhiệm Thông tin Mặt
trận 779 và được phong quân hàm đại tá, giữ nhiệm vụ Trưởng ban Hậu cần Phòng
Thông tin thuộc Bộ Tham mưu Quân khu 7.
Một
số đồng chí vẫn làm thuyền trưởng cho đến ngày nghỉ hưu như các đồng chí Huỳnh
Văn Thông, Trần Tài Thế, Lưu Tửu.
Có
hai đồng chí thời kỳ kháng chiến chống Mỹ lập thành tích đặc biệt. Đó là các
đồng chí Lê Văn Một và Bông Văn Dĩa.
Đồng
chí Lê Văn Một nguyên là lính thủy của Pháp, tham gia cách mạng từ năm 1945,
làm trạm trưởng trạm Hỉn Đạt trên đường vận tải xuyên tây. Sau khi tập kết ra
Bắc đồng chí làm Giám đốc phân cảng Cẩm Phả rồi đi học thêm ngành hoa tiêu. Năm
1962, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang phát triển mạnh mẽ, miền Nam
đang rất cần vũ khí nên Bộ Tổng tham mưu quyết định thử nghiệm chở vào bằng
đường biển. Đồng chí Lê Văn Một được cử làm thuyền trưởng chiếc tàu không số
Phương Đông 1 chở 30 tấn vũ khí vào khu 9. Đồng chí Bông Văn Dĩa được cử làm
chính trị viên con tàu này. Ngày 11-10-1962, con tàu không số đầu tiên do Lê
Văn Một làm thuyền trưởng bắt đầu xuất phát. Dự kiến sau 8 ngày tàu sẽ đến nơi.
Nhưng khi đang ở hải phận quốc tế thì máy chết. Tàu phải tạm kéo buồm chạy
nhưng rất chậm. Nhờ đồng chí máy trưởng Ba Sao, một người thợ máy giỏi, sửa
chữa nên tàu trở lại hoạt động bình thường. Đến ngày thứ 12 tàu mới vào Vàm Lũng
thuộc xã Tân Ân huyện Đầm Dơi, tỉnh Bạc Liêu. Nhưng vì chở nặng, tàu mắc cạn.
Lực lượng của ta chờ đón tàu phải dùng ca nô ra dỡ bớt một phần hàng tàu mới
vào trong được. Thế là chuyến tàu đầu tiên, coi như chuyến tàu trinh sát trong
việc xây dựng con đường chuyên chở vũ khí trên biển Đông từ miền Bắc vào tiếp
tế cho chiến trường miền Nam đã thành công. Đó là cơ sở để Bộ Tổng tham mưu
quyết định dùng tàu sắt loại 100-200 tấn liên tục chở vũ khí cho miền Nam và
hình thành Đoàn 962 trên biển.
Một
tuần sau, tàu đồng chí Lê Văn Một trở ra Bắc.
Chuyến
thứ hai, Lê Văn Một vào Bà Rịa, kịp thời trang bị vũ khí cho bộ đội chủ lực của
ta ở miền Đông.
Sau
đó, Lê Văn Một trở ra miền Bắc rồi được cử vào Nam công tác, làm tiểu đoàn
trưởng tiểu đoàn đặc công thủy, lập được nhiều thành tích trong cuộc kháng
chiến chống quân xâm lược Mỹ và quân Lon Nol tay sai của Mỹ ở Campuchia.
Đồng
chí Bông Văn Dĩa quê ở xã Tân Ân huyện Đầm Dơi, sau gọi là huyện Ngọc Hiển,
tỉnh Bạc Liêu, tham gia cách mạng từ năm 1934. Đồng chí là người mang lệnh của
Tỉnh ủy Bạc Liêu ra và tham gia đánh chiếm Hòn Khoai trong cuộc khởi nghĩa Nam
Kỳ năm 1940.
Sau
Cách mạng tháng Tám, Bông Văn Dĩa cùng đồng chí Dung Văn Phúc đi trên chiếc
thuyền chở 10 tấn vũ khí từ Thái Lan về vàm Ông Trang thuộc xã Diên An. Sau đó
đồng chí là cán bộ của Phòng Hàng hải Nam Bộ phụ trách các trạm và cung đường
từ Mai Ruột đi Hỉn Đạt. Đồng chí được cử làm chính trị viên con tàu không số
đầu tiên, sau đó làm Phó Đoàn trưởng Đoàn 962 phụ trách đường Hồ Chí Minh trên
biển, chuyên chở vũ khí và các mặt hàng cần thiết từ miền Bắc vào tiếp tế cho
chiến trường miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.
Đồng chí được phong danh hiệu Anh hùng các lực lượng vũ trang vào năm 1967, khi
đang là Phó Đoàn trưởng Đoàn 962.
Phòng
Hàng hải Nam Bộ là một tổ chức ra đời trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp trở lại xâm chiếm nước ta.
Sau
khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, Pháp là nước bại trận nhờ
đồng minh giải thoát, sức mạnh quân sự chưa kịp phục hồi mà lại tiến hành cuộc
chiến tranh xâm lược nên chúng chưa có điều kiện kiểm soát chặt chẽ vùng biển
vịnh Thái Lan, đồng thời các thế lực phản động trên thế giới còn đang bận nhiều
việc khác, chưa kịp với đến Thái Lan để lái chính phủ nước này đi theo quỹ đạo
của chúng. Trong khi đó, đội quân của xứ Phù Tang sau nhiều năm hoành hành ở
châu Á, bây giờ đã trở thành những kẻ bại trận, tinh thần rã rời, súng ống vứt
bừa bãi, nhất là ở Thái Lan, một nước trước đây may mắn nằm ngoài bàn tay bẩn thỉu
của bọn thực dân đi xâm chiếm thuộc địa.
Nắm
bắt được tình hình đó, dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ, Phòng Hàng hải tổ chức
tìm mua vũ khí và tổ chức chuyên chở bằng thuyền máy nên trong một thời gian
không lâu, đã đưa về cho các lực lượng vũ trang nhân dân Nam Bộ hàng trăm tấn
vũ khí, góp phần rất lớn trong việc nâng cao sức chiến đấu chống quân xâm lược
Pháp.
Việc
tổ chức chuyên chở bằng cơ giới thay cho sức gió và đôi tay là một sáng kiến
quan trọng rút ngắn thời gian, đỡ tốn công sức để đưa vũ khí về cho nhân dân
Nam Bộ thay tầm vông vạc nhọn.
Phòng
Hàng hải Nam Bộ còn tập hợp, bồi dưỡng và đào tạo được nhiều cán bộ vừa có khả
năng chuyên ngành tốt vừa có tinh thần yêu nước nồng nàn, sẵn sàng xả thân vì
sự nghiệp thiêng liêng giải phóng dân tộc. Hình ảnh đồng chí Tư Ghế đổ xăng lên
sàn tàu và bật lửa đốt, tự tắm mình trong biển lửa để hủy tàu, không cho lọt
vào tay địch là hình ảnh hy sinh cao cả nhất, biểu lộ tinh thần không gì lay
chuyển nổi thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, đồng thời là niềm tự hào chung
cho tất cả những người tha thiết với nền độc lập tự do của Tổ quốc.
Cuộc
chiến đấu không bao giờ ngưng nghỉ. Mỗi người có một số phận khác nhau, gặp
nhiều hoàn cảnh khác nhau, có lúc thuận lợi dễ dàng, có khi gian khổ khó khăn,
thậm chí cần hy sinh đến cả thân mình, nhưng tất cả cán bộ chiến sĩ xuất thân
từ Phòng Hàng hải Nam Bộ đều giữ được mình, trở thành những cán bộ tốt. Nhiều
người gắn bó với ngành hàng hải cho đến cuối đời và trong quá trình công tác đã
được Đảng và Nhà nước ta tín nhiệm, giao cho nhiều công tác quan trọng và nhiều
trường hợp được hoàn thành một cách xuất sắc.
Đó
là niềm tự hào của tất cả anh chị em cán bộ chiến sĩ Phòng Hàng hải Nam Bộ mà
giờ đây mỗi khi nhắc đến mọi người không khỏi bồi hồi xúc động.
Bác ơi không thấy hình ạ ?
Trả lờiXóa