Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013

Ụ nổi có phải là tàu biển ?

         
Học sinh Lê Văn Lừng đang trả bài !

Có lẽ trong lịch sử tàu thuyền nước ta chưa bao giờ có một buổi vấn đáp kỳ lạ.Thầy giáo là các quan tòa còn học viên là các bị cáo vốn dĩ một thời là các cán bộ hải quan đầy quyền uy ! Họ tranh đấu để chứng minh cái ụ nổi 83M không phải là tàu biển.Trong khi đó đông đảo thày giáo gồm quan tòa,các điều tra viên ...giữ ý kiến bằng được ,đó chính là tàu biển,và đôi khi quá mạnh tay ...đánh mất tính sư phạm của ông thày.Bị cáo Huỳnh Hữu Đức -nguyên chi cục phó Chi cục hải quan Vân Phong-người có chức vụ cao nhất cùng với hai đệ tử khác là Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng-đã trình bày "...Khi bị bắt, tôi vẫn đấu tranh 83M là ụ nổi, không phải là tàu. Nhưng điều tra viên nói: “Nếu anh không nhận là tàu, chúng tôi sẽ có biện pháp mạnh”. Ba ngày sau, tôi bị chuyển lên Phú Thọ. Lên đó, họ bố trí trước rồi. Năm thanh niên lực lưỡng nằm trong buồng giam, bắt tôi nằm xuống, cởi hết quần áo. Họ đánh tôi, bắt tôi phải nhận đó là tàu. Sau họ đánh nhiều quá, tôi phải nhận” Vì đâu nên nỗi một câu chuyện thuần túy kỹ thuật nay trở thành một đề tài đẫm nước mắt và có cả máu nữa ?

            Nếu hỏi dân thuần túy kỹ thuật chúng tôi ụ nổi có phải là tàu biển không,chúng tôi trả lời "phải" ngay tắp lự ,không cần suy nghĩ,giống như mặt trăng phải là vệ tinh của mặt trời .Nhưng thế giới tàu biển mênh mông ,không phải cứ kỹ sư đóng tàu là đóng được hết các loại tàu ,có kỹ sư làm thuyền yacht chỉ dài 15 mét nổi danh toàn cầu còn hơn là những ông vẽ những chiếc tàu khổng lồ ,có người làm tàu ngầm,người làm tàu trục vớt ,có người như tôi chưa từng vẽ một con tàu nào ! Cho nên không có gì lạ khi một tờ báo kêu lên ,ụ nổi 83M có trong danh sách tàu biển của Đăng Kiểm và Cục Hàng hải .Đúng như thế,trong danh sách tàu biển đó còn có giàn khoan nửa chìm Đại Hùng đang làm việc trên Biển Đông .Tàu biển trong phạm trù kỹ thuật nó rộng rãi như vậy .Còn nếu là người cần mua ụ nổi,ta thử gõ vào Google để lùng sục mà không cần qua những tay môi giới "vườn" ,ta có thể thấy nhiều trang giới thiệu việc mua bán sắp xếp theo các quan điểm khác nhau,ví dụ  :
          -trang của nhà môi giới Rodson chuyên mua bán các ụ nổi đã qua sử dụng .Ụ nổi là thiết bị công nghiệp ,mua bán cùng với một loạt các thiết bị dùng cho xưởng đóng tàu như cần trục,cẩu,thiết bị synchrolift...tức là hầm bà làng tất tật các thiết bị nâng,nhấc mọi vật từ nhẹ tới nặng...
         -trang của nhà buôn bán tàu Hellas Hy lạp  xếp ụ nổi là một trong số các thiết bị nổi mà họ buôn bán bao gồm :sà lan,tàu tuần tra,tàu đẩy,tàu cánh ngầm ....
Có lẽ khi có ý định mua ụ nổi,các nhà sửa chữa tàu của Vinalines ,vốn xuất thân từ dân vận tải,đã nhìn ụ nổi theo quan điểm đầu ,vì với họ toàn bộ các nghị định,luật lệ chế tài từ trước tới nay hình như chỉ nhắm vào các con tàu vận tải,dù đông đảo nhưng chỉ là một nhóm nhỏ trong cái gọi là "tàu biển".
            Vậy "tàu biển" thể hiện qua các luật lệ hiện hành như thế nào.Các văn bản được vận dụng trong phiên tòa "đại án ụ nổi 83M" bao gồm nghị định 49/2006/NĐ-CP của Chính Phủ,(ở đây gọi tắt là nghị định 2006)  " về đăng ký và mua bán tàu biển"được ban hành tại Hà Nội ngày 18/05/2006 do Thủ tướng Phan Văn Khải ký dựa trên Luật tổ chức Chính phủ ngày 25/12/2001; Bộ Luật Hàng hải Việt Nam ngày 14/06/2005 (gọi tắt là bộ Luật HH) .Nghị định 2006  này nhằm thay thế các văn bản trước nó,đó nghị định 91/CP ngày 23/08/1997 (gọi tắt là nghị định 1997) về Quy chế đăng ký tàu biển và thuyền viên cùng nghị định 23/2001/NĐ-CP ngày 30/05/2001 nhằm bổ sung sửa đổi nghị định này và nghị định 99/1998/NĐ-CP ngày 28/11/1998 về quản lý mua bán tàu biển.Tóm lại ,mọi việc tranh luận lấy cơ sở là nghị định 2006 về đăng ký và mua bán tàu ,là văn bản cập nhật từ các nghị định 1997 về đăng ký và thuyền viên,2001 cập nhật cái 1997 và 1998 về mua bán.
            Xét về hình thức,nghị định 2006 gồm 6008 từ với chữ "tàu" được nhắc lại 203 lần ,kèm theo cả mẫu bảng bằng tiếng Việt kèm theo tiếng Anh có vẻ vượt trội,tiến bộ hơn nếu so với nghị định 1997 gồm 2977 từ và con tàu được gọi là "tầu"  và nghị định 1998 gồm 3613 từ và thuật ngữ tàu được nhắc lại 240 lần ,hai nghị định  mà nó có nhiệm vụ phải nâng cấp,Khoan nói tới những vấn đề của đăng ký tàu,vốn dễ dàng vì có các mẫu chung toàn thế giới,ta thử xem việc mua bán tàu đã được nghị định 2006 xử lý ra sao,khi so sánh với nghị định 1998.Có thể nói âm hưởng chung của cả ba nghị định 1997,1998 và 2006 quan niệm chung về giới hạn các con tàu với những chỉ tiêu kỹ thuật về sức tải DWT,công suất CV ,kể cả có nêu thêm  GT (mà nghị định 1998 gọi sai là GRT) ...đều được ngầm hiểu là tàu vận tải.Kể cả khi định tuổi tàu là 15 tuổi ,không rõ trên cơ sở luận chứng nào,trong khi giới kinh doanh tàu toàn cầu thường mua bán tàu tính theo chu kỳ vào ụ của tàu,5 năm một lần để giữ cấp đăng kiểm tàu.Thường mua tàu cũ hơn 2 chu kỳ vào ụ ,tức là 12-13 tuổi là tốt nhất,vừa lợi về giá cả mà con tàu còn sung sức,còn ta nghèo hơn nên thôi,không quá 15 tuổi và tàu khách không quá 10 tuổi (điều 8 về thủ tục đăng ký trong nghị định 2006) .Những con tàu vận tải có lẽ cũng là điều ám ảnh ngầm định của các nhà làm luật khi viết nên các nghị định này.Như mọi đạo luật ,phần mở đầu phải có phạm vi điều chỉnh,trong đó có định nghĩa đối tượng điều chỉnh luật là gì ,ở đây con tàu được hiểu ra sao ,không thể có một chữ tàu chung chung.Mặc dù còn nói rất chung,nhưng nghị định 1997,1998 cũng có quy định phạm vi điều chỉnh,điều 2 nghị định 1997 nói ..."Các tầu biển chuyên dùng vào mục đích quân sự, an ninh thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và thuyền viên làm việc trên các loại tầu đó được đăng ký theo quy định riêng, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này" và điều 3 của nghị định 1998 nêu rõ không áp dụng cho tàu công vụ, và không hiểu sao nêu thêm cả "tàu chuyên dùng chở chất phóng xạ" (có lẽ lúc này đang bàn chuyện chở các rác thải từ lò hạt nhân Đà Lạt ?).Nhưng nhận thấy tính chất phức tạp của việc mua bán tàu ,nghị định 1998 có điều 5 mục 3  ràng buộc như sau " Hàng năm, Bộ Giao thông vận tải sau khi thống nhất với các Bộ, ngành liên quan, căn cứ nhu cầu của thị trường và năng lực thực tế của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam công bố cụ thể danh mục những loại tàu biển được phép nhập khẩu, trong đó phải quy định về loại tàu, số lượng, tính năng kỹ thuật và khai thác, tổng trọng tải hoặc tổng dung tích toàn phần của tàu" Trong khi đó nghị định 2006 có lẽ nghiêng về đăng ký tàu,phần quan trọng nhất là mua bán đáng nhẽ phải có một văn bản chi tiết hơn nghị định 1998 lại thu lại một chương với ba điều 21,22,23 chủ yếu nhắc nhở phải theo các quy định khác của luật đầu tư ,luật về đăng kiểm.Nhiều chi tiết trong nhị định 1998 không được làm rõ hoặc được nâng cấp hơn trong khi phạm vi điều chỉnh quá lớn áp dụng cho tất cả mọi đơn vị dùng tàu ,kể cả tàu công vụ (điều 1 ) Các giới hạn kỹ thuật được gom chung thành "tàu nhỏ" (điều 13) .Cho nên ,có thể nói khái niệm về loại tàu biển,được phép mua hay không được phép mua,qua nghị định 2006 còn rất mù mờ,trong khi phạm vi của nó lại quá rộng !
            Có lẽ mấy học trò chưa thuộc bài như ba nguyên cán bộ hải quan phải chờ các phụ giáo là các nhà làm luật hàng hải làm sáng tỏ thêm bài giảng về ụ nổi-tàu biển thì mới thoát khỏi hình phạt của các thày giáo vốn ngồi rất xa với biển ? 

Phản hồi từ Facebook
Luật gia Tạ Hòa Bình có một thư dài bình luận về vấn đề này.Chúng tôi làm thành một bài riêng ,xin bấm vào đây 
Kỹ sư Phan Vĩnh Trị 

Bài hay lắm, cám ơn cụ. Nhưng cụ lại còn chịu khó đếm từ (chắc là bằng Word hoặc Acrobat Reader) của nghị định nữa thì bái phục :D
Kỹ sư Đỗ Tuyết Nhung từ Phần Lan


Very good. Chi tiec rang ca he thong luat va nhung nguoi lam luat deu la nhung nguoi rat yeu nuoc, ho la nhung nguoi tien phong va nhanh chong giet chet moi thu tot dep dang con ton tai trong xa hoi minh.
Kỹ sư Trần Quý Koi  
Khó giáo dục lắm lắm  



 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét