Thuyền trưởng Tư Hóa (1915-2013) |
Tư Hóa,tên gọi thân mật thuyền trưởng Nguyễn Văn Hóa (13/01/1915-25/01/2013) mất ngày 14 tháng Chạp năm Nhâm Thìn tại Tân Định Sài Gòn ở cái tuổi xưa nay hiếm.Trong cuộc đời trải dài gần một thế kỷ,người thuyền trưởng mộ đạo Chúa đã gắn liền mọi hoạt động với sự nghiệp hàng hải của dân tộc.Ngày nay,mỗi lần đi ngang qua trường Cao Thắng Sài Gòn ,xưa kia là trường Bá Nghệ ,tôi hình dung như thấy một anh thanh niên con nhà giàu sang ,nói tiếng Pháp từ nhỏ,bước vào ngôi trường mà trước đó 20 năm thủy thủ Văn Ba-Hồ Chí Minh và anh thợ Tôn Đức Thắng cũng phải bước vào mới có giấy tờ bước tiếp lên các con tàu.Có lẽ chàng thanh niên này học tập quá dễ dàng vì là dân Sài Gòn thứ thiệt, quanh chợ Tân Định,lại có bằng tú tài Pháp tại trường Taberd nên là người Việt Nam đầu tiên học khóa biển xa (grand cabotage) giành bằng thuyền trưởng cận hải năm 1944.Từ ngôi trường này,vài năm sau có nhiều nhân vật có dấu ấn tới lịch sử nước ta,trong đó có nhiều thuyền trưởng tiên phong xây dựng ngành hàng hải dân tộc ở cả hai miền Bắc và Nam, có tổng thống Nguyễn Văn Thiệu,đô đốc Hải quân Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Chơn,Chung Tấn Cang...Từ trường Cao Thắng này ,ngược ra sông Sài Gòn ,tới Cột cờ Thủ Ngữ là nơi ghi dấu ấn cuộc chiến đẫm máu của quân dân Sài Gòn vào ngày 23/09/1945.Chính tại nơi đây là nơi mà Tư Hóa đã lao vào sửa chữa con tàu De Lanessan của Pháp để phục vụ chính quyền non trẻ ngày đầu Cách Mạng tháng Tám sau khi đã ngược xuôi ra miền Trung lái các chiếc ghe bầu chở vũ khí chuẩn bị cho cuộc kháng chiến dài lâu ...Và Tư Hóa ra bưng biền,tham gia Phòng Hàng Hải Nam Bộ ,làm thuyền trưởng chiếc tàu Sông Lô,con tàu đầu tiên của "Đường Mòn Hồ Chí Minh trên Biển"
Sông |Lô là một con tàu nhỏ,trọng tải
80 tấn,tên cũ là Samut Songkram (tên một tỉnh Thái Lan สมุทรสงคราม ) ,được Phòng Hàng Hải Nam Bộ mua từ
Bangkok Thái Lan,nhằm vận chuyển tiếp tế cho cuộc kháng chiến chống Pháp.Thuyền
trưởng Nguyễn văn Hóa ,thuyền phó Phan Thanh Nhã,chính trị viên Đặng Văn Qua
đưa tàu về Dầy Chão Cà Mâu lưu lại vài ngày và ngày 13/08/1949,tàu lên đường ra
Bắc.Tại khu vực vịnh Bắc Bộ,hải quân Pháp với hai chiếc thông báo hạm De
Pimodan và Amyot d’Inville đuổi theo.Ban
chỉ huy quyết định cho Tư Ghế (Võ Thống Nhứt) đốt tàu.Tàu cháy nổ hất mọi người
xuống biển.Trừ Tư Ghế mất tích,21 người được giặc vớt lên tàu ,8 người phỏng nặng
trong đó có Tư Hóa,Đặng Văn Qua,Nguyễn Văn Trọng,Trần Hữu Thức được đưa về Hải
Phòng chữa trị,số còn lại được đưa ngay về Sài Gòn thẩm vấn.Cuộc gặp gỡ tại Hải
Phòng giữa hai người quen biết cũ đã xảy ra : Faravel-sĩ quan hải quân biệt phái
tại Phòng Nhì-vốn đã biết thuyền trưởng
Tư Hóa như một người bản xứ tài giỏi trong các cuộc gặp gỡ trên biển trước
năm 1945,nhưng bất ngờ vì không biết con người mộ đạo này đã hoàn toàn dấn thân
vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc
.Sau khi chữa trị ,8 người lại được đưa vào Sài Gòn để chính trùm mật
thám Bazin xét hỏi (Marcel Bazin -phó giám đốc Sở Mật thám Liên bang
Đông Dương, chánh Sở Mật thám Pháp ở Nam Kỳ ,bị biệt động Sài Gòn bắn chết
ngày 28/4/1950).Cuối cùng
,tất cả được thả và đều trở về với kháng chiến,nhưng việc giặc bắt và thả đã để
lại nhiều”nghi án”,đặc biệt với Tư Hóa.
Mặc dù hậu quả của “nghi án “ khá nặng nề,anh
em đã vượt lên mọi thành kiến và dư luận,chịu khó học tập,rèn luyện,đào tạo phổ
biến kinh nghiệm,đóng góp cho sự nghiệp xây dựng hàng hải dân tộc suốt hai cuộc
kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng
như xây dựng miền Bắc.Chính ủy Đặng Văn Qua
sau này là Cục Phó Cục Đường Biển,Trần Hữu Thức là Trưởng Phòng Cục Cơ Khí Bộ
GTVT,một con người có nhiều kỷ niệm với tôi thời trai trẻ,một vị trưởng phòng hay hồn nhiên nói tới luận lý Mác-Lê nên có biệt danh là "Mác Thức" Một hành khách trên tàu và có số phận đặc biệt may mắn là Nguyễn Như Kim (1923-2008),một sinh viên đã tốt
nghiệp Khoa Vật lý đại cương ở Hà Nội năm 1946,tham gia hoạt động cách mạng.Anh
có nhiệm vụ mang 18 ki lô vàng sang Thái Lan mua sắm thiết bị cho Đài Phát
thanh Tiếng nói Việt Nam, máy thu phát quân sự, các loại thuốc men, dụng cụ y tế,
sách cho bậc đại học...chuyên chở theo tàu. Sau một năm tù , người Pháp dụ dỗ nếu
anh nhận lời sẽ đưa sang Pháp làm việc hoặc học tập tiếp. Nguyễn Như Kim
tìm cách liên hệ với tổ chức, và "tương kế tựu kế", anh được nhận nhiệm
vụ sang Pháp, trau dồi một kỹ năng chuyên môn, chờ lệnh.Sang Pháp, anh học
chuyên về điện tử.Sau khi tốt nghiệp kỹ sư công nghệ điện tử, anh được mời làm
trợ lý cho một giáo sư nổi tiếng, ăn lương chính thức của Bộ Giáo dục Pháp.Khi
giáo sư Hồ Đắc Di sang Pháp, chuyển lời mời anh về nước của ông Tạ Quang Bửu,anh
đã về nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Khoa Điện - Điện tử Trường Đại học Bách khoa và
sau này chuyển sang Viện trưởng Viện Thông tin khoa học Trung ương của Ủy Ban
Khoa Học Kỹ Thuật Nhà Nước còn vợ là Trần Thị Ân ,giáo sư ,đại biểu Quốc hội .Những điều ghi chép về ông Kim này là tôi đọc được qua bài báo trên báo Công An đã dẫn ở trên,và điều đáng tiếc là tác giả bài viết không tìm gặp Tư Hóa,người thuyền trường của con tàu !
Khi tôi hỏi chuyện thuyền trưởng về chuyến đi thì Tư Hóa đã già,nhiều chi tiết lẫn lộn ,tôi phải lần lại lịch sử con tàu Sông Lô qua bài ghi của Nguyên Hùng và Trần Văn Kiêm ,cả hai nay đã mất,và trực tiếp sang Thái Lan và Dây Chão để dò tìm lại hành trình con tàu .Trong cuốn "Nam Bộ-Những nhân vật một thời vang bóng " Nguyên Hùng viết :
"Anh kể cho tôi nghe số phận của
anh gắn chặt với chiếc Sông Lô. Anh chép miệng tâm sự:
Chiếc Sông Lô đã nằm yên dưới đáy biển còn thuyền trưởng của nó thì vẫn còn chịu
nhiều sóng gió. Anh biết không, khi tôi được Tây phóng thích, lập tức tôi nhảy
vô khu để gánh bao nhiêu bực bội. Người ta nhìn chúng
tôi với cặp mắt nghi ngờ, bây giờ mình gọi là cảnh giác. Tôi phải làm không biết
bao nhiêu tờ kiểm điểm, trong đó phải trả lời những câu hỏi này: Tại sao đốt
tàu? Tại sao địch thả?Tôi bảo anh em để một mình tôi chịu hết, bởi tôi là thuyền
trưởng. Tôi viết nhiều lần và lần nào cũng vậy, tôi nhân danh thuyền trưởng xin
chịu hết trách nhiệm. Lẽ ra thì tôi phải thanh minh cho mình, vì có nhiều
nguyên nhân để chiếc Sông Lô bị lộ. Xin tóm lược riêng cho nhà báo muốn tìm hiểu
sự thật các điểm dưới đây:
- Việc mua tàu Samut Songram đã lộ ngay từ đầu vì vụ xầm xì về các món tiền hoa
hồng.
- Việc dùng thủy thủ Thái Lan trên tàu Sông Lô cho tới trạm Klong Vai.
- Việc dùng VTĐ liên lạc với trung ương đúng 12 giờ mỗi ngày.
- Việc dùng tàu lớn trong khi chúng ta còn trong giai đoạn đánh du kích. Những
chiếc tàu nhỏ như Độc Lập của Bông Văn Dĩa rất thuận lợi cho việc vô ra các xẻo,
khi máy bay lên, tàu nhỏ dễ nghi trang cất giấu. Đây là khuyết điểm căn bản mà
các đồng chí lãnh đạo phải dũng cảm nhận thay vì đổ lỗi cho cấp dưới.
- Việc không tin thuyền trưởng chưa phải đảng viên. Hàng đêm chi bộ trên tàu đều
họp, nhưng trớ trêu thay thuyền trưởng là đầu não của con tàu lại không được dự.
Những khuyết điểm này đến địch cũng biết. Faravel đã cười ngạo nghễ nói với tôi
: "Vous êtes tous comme des enfants. Nous savons
d'avance tous vos déplacements" (Các anh như con nít. Chúng tôi biết trước
sự di chuyển của các anh). Chúng còn biết cặn kẽ ngày tàu Sông Lô rời Dây Chão
để ra Bắc. Sông Lô rời Dây Chão ngày 13/8/1949.
…Gia đình tôi là đạo dòng, quê ở Tân Định - Im lặng khá
lâu, ông nói tiếp: - Như tôi đã nói lần trước, các thuyền trưởng chúng tôi đi
kháng chiến gặp nhiều trở ngại. Trước nhất là cái nghề của chúng tôi hết sức xa
lạ với những người lãnh đạo. Những hiểu biết của mình trở thành xa xỉ, chưa cần
thiết trong những ngày đầu kháng chiến, như vốn sinh ngữ cũng như nghề hàng hải.
Tôi lại là người theo đạo Chúa. Với thành phần lý lịch như vậy lại gặp chuyện
không may tàu chìm, bị bắt rồi được thả, lại nhảy vô khu…
Từ bưng biền Nam Bộ ,Tư Hóa cùng Ý Nết và một số người của Phòng Hàng Hải Nam Bộ tập kết ra Bắc trong một tình huống khá đặc biệt.Những ngày trên bưng biền,tất cả phải đi cải tạo lao động,và ra Bắc trong tư thế những người có vấn đề,cần theo dõi .Nhưng tại Hải Phòng,Tư Hóa và Ý Nết lại lập một chiến công đáng nhớ trong lịch sử hàng hải Việt Nam Trong cuốn “Hoa Tiêu Hàng Hải –những chặng đường 1955-1995” do Nhà Xuất Bản Hải Phòng in năm 1995 có kể lại hai con tàu Pháp tên là Saint-Valery-en-Caux và Le Verdon là hai con tàu đầu tiên vào
Cảng Hải Phòng sau khi thực dân Pháp rút hết miền Bắc nước ta .Ngày 20
/05/1955 chở vài nghìn đồng bào từ miền Nam yêu cầu được trở ra miền Bắc.Hoa
tiêu Tư Hóa và Ý Nết được giao nhiệm vụ trong khi tài liệu thủy văn luồng lạch Hải Phòng không còn,thành phố đầy khó khăn của ngày mới giải phóng mà việc đón tàu an toàn có ý nghĩa chính trị rất lớn,được chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp quan tâm ,Cuối cùng Tư Hóa đã dẫn dắt tàu vào Cảng an toàn .Ngoài con tàu này,còn chiếc
Le Verdon cũng được Nguyễn Ý Nết đưa vào bến cảng.Tư Hóa kể lại trong cuốn sách :
"…Để chuẩn bị đón hai
con tàu vào cảng Hải Phòng,mọi việc bàn bạc trôi chảy,nhưng khi bàn tới vấn đề
ăn uống của hoa tiêu và phiên dịch thì có vấn đề nảy sinh.Theo quy định ,mọi
người phải mang theo cặp lồng cơm và bi đông nước.Tự túc hoàn toàn theo nguyên
tắc cảnh giác.Ủy ban quân quản sẽ cử phiên dịch kể cả phiên dịch cho hoa tiêu.
Vấn đề ăn uống tôi
không có ý kiến gì mặc dù trong lòng vẫn thấy có gì không ổn ,mang theo như vậy
nó kỳ lắm và hơn thế nữa ,khi tôi làm việc trên tàu của Pháp trước đây ,vấn đề
ăn uống là do tàu cung cấp. Song cũng chẳng có ý kiến gì hơn nên đành chấp nhận
(nhân đây tôi muốn nói thêm là vấn đề cặp lồng ,bi đông kéo dài tới mấy tháng
sau đó .Mỗi khi leo thang dây lên tàu thật là phiền toái ,buộc làm sao,kéo làm
sao cho thủy thủ trên tàu không biết,cơm không bị đổ,mà cơm nước của ta thì nó
cũng giản dị lắm,phương tiện mang theo lại là ba lô,bị cói trông thật khó coi
,nhưng cảnh giác cách mạng mà ! …Ít lâu sau,số tàu vào Cảng thường là tàu Liên
Xô,Trung Quốc nên phần cảnh giác đỡ phải lo lắng…rồi dần dần tự nhiên quên hẳn
điều quy định này.Các bạn đồng nghiệp trẻ hôm nay có hình dung nổi hình ảnh
“ngài” hoa tiêu lên tàu bên mình kè kè chiếc bi đông nước và chiếc cặp lồng cơm
hay không?Kỳ quá phải không?Nhưng nó là sự thực lịch sử để rồi có sự đàng hoàng
hôm nay với tư cách là cố vấn,là thượng khách của thuyền trưởng)Nhưng phiên dịch
thì buộc tôi phải có ý kiến “Phiên dịch cho các bộ phận khác tôi không dám tham
gia ,nhưng với hoa tiêu thì tôi thấy không cần thiết bởi bản thân anh em đều đã
học, đã nói thông thạo tiếng Pháp ,đây là vấn đề kỹ thuật,sai một ly đi một dặm
,chậm vài phút cả con tàu có thể phơi lườn trên cạn ,tai hại sẽ khôn lường
.Phiên dịch không có chuyên môn khó đảm bảo lắm!”Ý kiến đó có lý lắm phải không
các bạn,song được chấp nhận chẳng mấy dễ dàng ,nào là tinh thần cảnh giác,nào
là giữ vững lập trường,nào là quốc thể ,nào là quy định của trên v..v và
v..v..Song thời gian cũng đã quá gấp ,tranh luận mãi cũng chẳng kịp nữa nên chủ
tọa miễn cưỡng kết luận bằng một câu không mấy thỏa lòng :”Các anh hoa tiêu yêu
cầu vậy ,có thể tạm chấp nhận nhưng các anh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đấy”.Chịu
trách nhiệm là lẽ đương nhiên nhưng nhưng tôi còn được biết thêm là đã có người
cho chúng tôi “vọng ngoại”và có biện pháp theo dõi nữa đấy(giao dịch bằng tiếng
nước ngoài vào thời điểm này là đáng quan tâm lắm chứ…bởi tư duy lúc đó đâu có
“mở” như bây giờ )
Chẳng cần phải giải thích,với một người có "bề dầy lý lịch" như Tư Hóa ,các công việc trực tiếp gắn với biển cả không được giao cho người này ! Từ chức vụ trưởng
ty Hoa Đăng Tiêu tức là một tổ chức gồm cả các chức năng hoa tiêu,đăng kiểm,bảo đảm hàng
hải,sau khi đào tạo được những học trò có căn cốt "cơ bản " hơn ,ông được chuyển lên Hà Nội làm công tác nghiên cứu đăng kiểm ,rồi hoa tiêu sau khi thống nhất đất nước.Dù trên cương vị nào ,Tư Hóa luôn nêu cao nếp sống mẫu mực,lao động nghiêm túc,hướng dẫn cho tận tình cho thế hệ trẻ.
Nếu được chọn một công dân ưu tú của thành phố Sài Gòn-Hồ Chí Minh,tôi tin là vị trí xứng đáng thuộc về Tư Hóa,một người Sài Gòn chính gốc,một con chiên mộ đạo Chúa ,một thuyền trưởng đã dâng hiến cả cuộc đời mình cho lịch sử hàng hải dân tộc.Tôi tin sẽ có ngày có một cuốn phim ghi lại cuộc đời của thuyền trưởng và mong muốn gia đình các anh Nguyễn Anh Minh và chị Nguyễn Thị Thu Uyên-nhánh gia đình Tư Hóa tại Sài Gòn và nay định cư tại Úc- và Nguyễn Anh Hoan và Nguyễn Thị Minh Anh -nhánh gia đình Hải Phòng và nay sống tại Sài Gòn-cùng các cơ quan,đoàn thể ,các học trò của Tư Hóa lưu giữ lại những di vật,những kỷ niệm góp phần viết lại tiểu sử người thuyền trưởng này.Như một nén nhang tưởng nhớ Bác !
Cuốn Phòng Hàng Hải Nam Bộ do Trần Văn Kiêm viết xin đọc tại đây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét